Ôlivơ Tuýt - Chương 30

CHƯƠNG XXX

NHỮNG NGƯỜI MỚI ĐẾN THĂM ÔLIVƠ NGHĨ GÌ VỀ NÓ

Sau khi đã dài dòng cam kết rằng họ sẽ ngạc nhiên thú vị khi nhìn thấy tên tội phạm, bác sĩ một tay khoác tay cô Rôdơ và tay kia dắt bà Mâyli, rất long trọng và bệ vệ dẫn hai người lên gác.

"Bây giờ”, bác sĩ thì thầm khi ông ta khe khẽ vặn quả đấm cửa phòng ngủ, "bà cho chúng tôi biết bà nghĩ gì về nó. Gần đây nó chưa cạo râu, nhưng vẫn không có vẻ dễ sợ gì hết. Bà đợi cho một chút nhé. Trước hết để tôi xem xem nó đã sẵn sàng tiếp khách chưa?"

Bước trước hai người, ông nhìn vào phòng rồi vẫy tay ra hiệu bảo họ tiến lên, ông đóng cửa lại khi họ đã ở trong phòng, và nhẹ nhàng vén rèm giường. Trên giường, thay vì tên côn đồ mặt mày bướng bỉnh, hung tợn mà họ tưởng bắt gặp thì chỉ là một đứa bé đau đớn và kiệt sức, đang ngủ say. Cánh tay bị thương của nó được băng lại và đeo lên cổ đang đặt trên ngực, đầu nó gối nhẹ lên cánh tay kia - gần như khuất dưới bộ tóc dài lòa xòa trên gối.

Con người trung thực vén rèm và đứng một hai phút yên lặng. Trong lúc ông ta ngắm nhìn người bệnh như vậy, cô gái lướt nhẹ qua và ngồi trên chiếc ghế đẩu cạnh giường, rồi đưa tay vuốt tóc ở trên mặt nó. Khi cúi xuống bên Ôlivơ, nước mắt cô rơi trên trán nó.

Thằng bé cựa mình, mỉm cười trong giấc ngủ, dường như những biểu hiện vừa rồi về tình thương yêu, ái ngại đã thức tỉnh một giấc mơ êm đẹp về tình yêu thương trìu mến mà nó chưa bao giờ biết đến. Chẳng khác gì một điệu nhạc dịu dàng, hay tiếng nước vỗ bập bềnh ở một nơi yên tĩnh, hay hương thơm của một bông hoa, hay việc nhắc đến một chữ quen thuộc đôi khi cũng đột nhiên gợi lên những hồi tưởng mơ hồ về những cảnh không bao giờ có trong cuộc đời này, những hồi tưởng ấy tan biến đi như một hơi thở; một kỷ niệm ngắn ngủi của một cuộc sống hạnh phúc hơn, đã qua đi từ lâu hình như đã thức tỉnh, và không có một sự cố gắng có ý thức nào của tinh thần có thể gọi n được.

“Thế này là thế nào?". Bà cụ kêu lên. "Thằng bé tội nghiệp này không thể là đồng đảng với bọn ăn trộm được".

"Tội lỗi”, bác sĩ thở dài, kéo rèm lại, "chiếm lĩnh nhiều điện thờ, và ai có thể nói cái vẻ đẹp mã lại không là tấm bình phong che giấu tội lỗi”.

"Nhưng vào cái tuổi thơ ngây như thế này!", cô Rôdơ nói.

"Cô ơi”, ông thầy thuốc lắc đầu buồn bã nói tiếp. "Tội lỗi cũng như cái chết, không phải chỉ dành cho những người già nua khô héo mà thôi. Những người trẻ nhất và đẹp nhất rất nhiều khi lại là những nạn nhân của nó”.

"Nhưng có thể nào... Ôi chao! Có thể nào ông thực tế cho rằng thằng bé mảnh dẻ như thế này đã là kẻ tòng phạm cố ý của những bọn hèn mạt xấu xa nhất của xã hội”. Bà cụ nói.

Ông bác sĩ lắc đầu, cách lắc đầu của ông cho biết ông sợ điều đó rất có thể xảy ra, và nhận xét ràng họ có thể quấy nhiễu người bệnh nên dẫn họ sang phòng bên cạnh.

"Nhưng ngay cả dù cho nó đã hư hỏng”, cô Rôdơ nói tiếp, "ông hãy nghĩ xem nó trẻ như thế nào; hãy nghĩ xem có thể nó chưa bao giờ biết đến tình yêu của bà mẹ, cảnh sung túc của gia đình, rằng cách đối xử tàn tệ và roi vọt, hay việc thiếu ăn có thể đã dẫn nó đến chỗ đàn đúm với những kẻ đẩy nó đến tội lỗi. Dì ơi, dì yêu quý, vì lòng kính Chúa, xin dì nghĩ đến điều ấy trước khi dì để cho người ta lôi thằng bé này vào tù, và thì nó sẽ mất hết hy vọng sửa chữa tội lỗi. Ôi! Vì dì yêu cháu, dì biết rằng nhờ có lòng tốt và tình thương của dì, nên cháu chưa bao giờ cảm thấy mình không có cha mẹ, nhưng lẽ ra cháu cũng có thể đã cảm thấy như thế, và lẽ ra cũng đã bất lực và không được che chở như thằng bé tội nghiệp này, xin dì thương lấy nó kẻo rồi quá chậm!".

"Con yêu quý", bà cụ nói và xiết chặt cô gái đang khóc vào lòng, "con nghĩ rằng ta sẽ chạm đến một sợi tóc của nó ư?".

"Ồ không!", cô Rôdơ trả lời, giọng tha thiết.

"Chắc chắn là không", bà cụ đáp, "đời dì đã gần hết và mong rằng Chúa sẽ rủ lòng từ bi đối với dì như dì biểu lộ lòng từ bi đối với những người khác. Ông ơi, tôi có thể làm gì để cứu nó?".

"Thưa bà, để tôi nghĩ xem", bác sĩ nói, "để tôi nghĩ xem".

Ông Lôxbơcnơ thọc hai tay vào túi và đi bách bộ trong phòng nhiều lần, dừng lại đu đưa trên ngón chân và cau mày dễ sợ. Sau khi đã nhiều lần thốt lên. "Tôi đã nghĩ ra rồi!" rồi lại, "không, tôi chưa nghĩ ra..." và cứ đi đi lại lại, cau mày như thế, cuối cùng ông ta dừng phắt lại và nói như sau:

"Tôi nghĩ rằng nếu bà cho phép tôi có tòan quyền hành hạ Jailit và cái anh chàng Brittân kia thì tôi có thể thu xếp được công việc. Jailit là một con người trung thành và một người đầy tớ phục vụ ở đây từ lâu, tôi biết lắm. Nhưng bà có thể đền bù cho bác ấy một ngàn cách, ngoài ra còn thưởng cho bác ấy về tài bắn giỏi. Bà không phản đối điều đó chứ

"Nếu như không có cách nào khác để cứu thằng bé", bà Mâyli đáp.

"Không có cách nào khác", bác sĩ đáp. "Không có cách nào khác, xin bà cứ tin như thế”.

"Vậy thì dì tôi trao cho ông tòan quyền", cô Rôdơ nói và mỉm cười qua nước mắt, "nhưng xin ông đừng đối xử nặng nề với những con người tội nghiệp quá sự cần thiết”.

"Cô hình như nghĩ rằng hôm nay mọi người đều có xu hướng tỏ ra tàn nhẫn, chỉ trừ cô, cô Rôdơ ạ", bác sĩ nói. "Tôi chỉ mong - vì hạnh phúc của lớp nam giới nói chung đang lớn lên - là khi chàng trai đầu tiên cầu khẩn tình yêu của cô và đã được chọn, anh ta thấy cô tâm hồn dễ cảm và dịu dàng như thế này. Và ước gì tôi là một chàng trai trẻ trung để có thể ngay lập tức có một dịp thuận lợi như vậy vào một hôm như hôm nay".

"Ông cũng trẻ con như chính cậu Brittân tội nghiệp", cô Rôdơ đỏ bừng mặt đáp.

"Ồ!”, Bác sĩ vừa nói vừa cười khanh khách. "Điều đó không khó khăn cho lắm. Nhưng chúng ta hãy quay trở lại chuyện thằng bé. Chúng ta còn phải bàn đến điểm quan trọng nhất của sự thỏa thuận giữa chúng ta. Trong một hai giờ nữa nó sẽ thức dậy, tôi có thể nói như vậy, và mặc dầu tôi đã bảo người cảnh sát địa phương ngu ngốc ở dưới nhà rằng không thể quấy nhiễu nó và nói chuyện với nó mà không làm nguy hại đến tính mạng của nó, nhưng tôi cho rằng chúng ta có thể nói chuyện với nó mà không có gì nguy hiểm. Bây giờ tôi đưa ra điều kiện sau đây: tôi sẽ hỏi nó trước mặt bà và cô, và căn cứ vào những câu trả lời, các vị hãy xét đoán. Nếu tôi có thể chứng minh và làm cho trí xét đoán tỉnh táo của các vị thỏa mãn rằng nó là một thằng bé thực sự xấu và hoàn tòan xấu (điều này rất có thể) thì phải để mặc nó cho số phận, nhất thiết tôi sẽ không can thiệp gì hết!".

"Ồ không, dì ơi!", cô Rôdơ cầu khẩn.

"Ồ, có chứ dì!". Bác sĩ nói. "Chẳng phải đã đồng ý rồi sao?".

"Nó không thể bướng bỉnh đi theo tội lỗi", cô Rôdơ nói. "Nhất định không!".

"Rất tốt!". Bác sĩ đáp. "Như vậy thì lại càng có lý do làm theo đề nghị của tôi".

Cuối cùng hiệp ước đã được ký kết, và cả hai bên đều nóng ruột ngồi đợi cho đến khi Ôlivơ tỉnh dậy.

Lòng kiên nhẫn của hai người đàn bà phải chịu đựng một sự thử thách dài hơn điều mà ông Lôxbơcnơ đã khiến họ chờ đợi, vì hết giờ này sang giờ khác Ôlivơ vẫn cứ ngủ li bì. Thực vậy, đến gần tối, bác sĩ tốt bụng mới báo tin cho họ biết rằng, cuối cùng nó đã hồi sức, và có thể nói chuyện với nó. Thằng bé ốm nặng, ông nói, và còn yếu vì bị mất máu, nhưng nó băn khoăn muốn bộc lộ một điều gì đó nên ông cho rằng tốt hơn là để nó thổ lộ luôn chứ không phải đợi đến sáng mai, nên ông đã để cho nó nói.

Cuộc trao đổi kéo dài. Ôlivơ kể cho họ nghe tất cả câu chuyện đơn giản của mình, và nhiều khi bắt buộc phải đừng lại để nghỉ, vì bị đau và đuối sức. Mọi người trang trọng lắng nghe, trong căn phòng tối, yếu ớt của thằng bé ốm đau kể lại một chuỗi những điều bất hạnh và đau khổ mà những con người tàn nhẫn đã bắt nó phải chịu. Ôi! Giá trong khi chúng ta áp bức và hành hạ đồng loại, chúng ta nghĩ, dù chỉ một lần, đến những mặt đen tối trong lỗi lầm của con người, chúng như các đám mây dày đặc, nặng trĩu, dâng lên - tuy chậm chạp nhưng vững chắc - đến tận trời cao rồi sau đó lại trút xuống đầu chúng ta để trả thù; giá chúng ta lắng nghe, dù chỉ chốc lát, trong trí tưởng tượng, lời tố cáo âm thầm của những con người đã chết, mà không một quyền lực nào có thể bóp nghẹt được. Và không một sự kiêu hãnh nào có thể bắt im lặng được thì lúc đó làm gì có sự xúc phạm, sự bất công, cảnh đau khổ, khốn nạn, tàn ác và tội lỗi mà cuộc đời mang theo trong mỗi ngày.

Tối hôm đó, những bàn tay dịu dàng đã vuốt cho gối của Ôlivơ phẳng phiu, đạo đức và lòng thân thương chăm sóc giấc ngủ của nó. Nó thấy an tâm, hạnh phúc và có thể chết không thở than.

Cuộc trao đổi quan trọng vừa xong và Ôlivơ bắt đầu ngủ lại thì ông bác sĩ, sau khi lau mắt và kết tội đôi mắt mình đột nhiên yếu đi, bước xuống nhà để tấn công Jailit. Không thấy ai trong phòng khách, ông nẩy ra ý nghĩ là có thể bắt đầu những việc làm có kết quả hơn ở dưới bếp, nên ông xuống đấy.

Ở trong cái hạ viện của quốc hội gia đình, các chị đầy tớ, Brittân, Jailit, anh thợ hàn (anh này được mời riêng ăn uống trong phần còn lại của ngày để thưởng cho công việc của anh) và người cảnh sát địa phương đều họp lại. Người cảnh sát cầm một chiếc dùi cui lớn, có cái đầu to tướng, nét mặt thô và đôi giày quá cỡ. Xem ra ông ta đã uống bia quá nhiều và quả đúng như vậy.

Những cuộc phiêu lưu của đêm trước vẫn cò được mọi người bàn bạc thảo luận. Jailit đang thao thao bất tuyệt về sự nhanh trí của mình thì bỗng bác sĩ bước vào; Brittân tay cầm một bình bia đang khẳng định tất cả mọi lời trước khi thượng cấp của anh ta nói xong.

"Cứ ngồi yên!", bác sĩ bảo.

"Cảm ơn ông", Jailit nói. "Ông ạ, bà chủ và cô Rông muốn thết ít bia và tôi thì lại không thích vào căn phòng nhỏ bé của mình, tôi thích có bè bạn nên tôi uống bia ở đây với họ".

Brittân đầu tiên và sau đó các cô đầy tớ và các người đàn ông cũng đều thì thào để tỏ ra hài lòng về sự chiếu cố của Jailit. Jailit đưa mắt nhìn quanh, vẻ che chở, dường như muốn nói rằng nếu như họ cư xử tốt thì không bao giờ bác lại bỏ rơi họ.

"Người bệnh tối nay thế nào, thưa ông?", Jailit hỏi.

"Cũng đại khái thế thôi", bác sĩ đáp. "Tôi sợ bác mắc vào một chuyện không hay đấy, Jailit ạ".

"Thưa ông, tôi hy vọng ông không muốn nói", Jailit lên tiếng, người run lẩy bẩy, "rằng nó sắp chết. Nếu tôi tin là sẽ như thế thì tôi sẽ không bao giờ sung sướng nữa. Tôi không muốn giết một thằng bé, ngay cả thằng Brittân ở đây cũng thế, dù có cho tôi mọi đĩa bạc ở trên đời".

"Vấn đề không phải là ở chỗ ấy", bác sĩ nói, vẻ bí mật. "Bác Jailit, bác là người theo đạo Tin lành chứ?".

"Thưa ông, vâng ạ, tôi hy vọng là như thế”, Jailit ấp úng, mặt đã tái xanh.

"Còn cậu này thì thế nào?", bác sĩ hỏi và quay ngoắt về phía Brittân.

"Lạy Chúa! Thưa ông!", Brittân giật bắn mình đáp. "Con... cũng như bác Jailit ạ, thưa ông”.

"Thế cả hai người, cả hai phải cho tôi biết rõ điều này”, bác sĩ bảo, "các anh có dám thề rằng thằng bé ở trên gác là thằng bé tối qua đã chui qua cửa sổ không? Trả lời đi! Nào! Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe".

Bác sĩ, người mà ai cũng đều cho là có tính tình vui vẻ nhất đời, đã đưa ra yêu cầu này với cái giọng giận dữ dễ sợ, đến nỗi Jailit và Brittân đang ngà ngà say bia và sự kích thích, trố mắt nhìn nhau ngơ ngác sững sờ.

"Hãy chú ý đến câu trả lời đấy, ông cảnh sát ạ, ông nhớ nhé!". Bác sĩ nói và lắc lắc ngón tay trỏ rất nghiêm trang, gõ cả lên sống mũi của mình để thức tỉnh tất cả sự sáng suốt của con người đáng kính này. "Lát nữa thôi, sẽ có chuyện đấy!"

Ông cảnh sát tỏ ra hết sức sâu sắc và vớ lấy chiếc dùi cui nãy giờ dựng nơi góc lò sưởi không dùng vào việc gì.

"Như ông thấy đấy, đây chỉ là vấn đề nhận mặt thôi!", bác sĩ bảo.

"Thưa ông, đúng thế ạ", người cảnh sát vừa đáp vừa ho dữ dội, vì trong khi vội vàng uống cạn cốc bia ông ta bị sặc.

"Đây là một ngôi nhà người ta đã phá cửa để vào”, bác sĩ nói, "trong cảnh nhốn nháo và tối tăm, hai người đàn ông đã thoáng thấy có một thằng bé ở giữa đám khói thuốc súng. Sáng hôm sau, một thằng bé đến đúng ngôi nhà ấy vì cánh tay của nó ngẫu nhiên được băng bó, hai người này tóm chặt lấy nó - do hành động này họ đã làm cho thằng bé bị nguy đến tính mạng - và cứ thề rằng nó là thằng ăn trộm. Bây giờ vấn đề là những con người này có chứng minh được hành động của mình là đúng không, và nếu như không thì họ tự đặt mình vào tình trạng như thế nào?"

Người cảnh sát địa phương gật gật đầu ra vẻ thâm thuý. Ông ta nói rằng nếu như hành động này không đúng pháp luật thì ông ta rất vui lòng muốn biết đó là hành động gì.

"Tôi hỏi anh lần nữa”, bác sĩ gào toáng lên, "anh hãy long trọng thề đi, anh có thể nhận mặt được thằng bé kia không?"

Brittân nhìn Jailit hoang mang, Jailit nhìn Brittân hoang mang, người cảnh sát địa phương giơ hai tay lên tai để lắng nghe câu trả lời, hai chị đầy tớ và anh thợ hàn chồm ra phía trước để nghe, bác sĩ đưa mắt nhìn quanh chăm chú. Bỗng ngoài cổng chuông réo lên, và ngay đó, có tiếng bánh xe cót két.

"Cảnh sát đến"', Brittân kêu lên, xem ra nhẹ cả người.

"Cái gì?”, bác sĩ hỏi, giọng sửng sốt.

"Thưa ông, các viên chức ở đường Bao Xtrit", Brittân đáp rồi cầm một ngọn nến, "sáng nay người ta đã sai Jailit và tôi cho tìm họ".

"Cái gì?”, bác sĩ quát lên.

“Vâng ạ", Brittân đáp, "tôi đã nhờ người đánh xe chuyển lời mời, và tôi chỉ lấy làm lạ tại sao họ không đến đây từ trước".

"Anh mời à? Có thực không? Thế thì mẹ kiếp, cái... cái thứ xe thư chậm chạp nhà anh, chỉ có thế thôi", bác sĩ nói và bước khỏi nhà bếp.