Ôlivơ Tuýt - Chương 33

CHƯƠNG XXXIII

HẠNH PHÚC CỦA ÔLIVƠ VÀ BÈ BẠN CỦA NÓ BỊ CẢN TRỞ ĐỘT NGỘT

Mùa xuân trôi qua nhanh chóng và mùa hạ đã đến. Nếu như lúc đầu cái làng đã xinh đẹp như vậy thì lúc này nó lại càng rực rỡ tưng bừng với tất cả sự giàu có của nó. Những cây lớn mấy tháng trước đây trông khẳng khiu, trơ trụi bây giờ đã tràn đầy sức sống và sức lực, chúng dang những cánh tay xanh rờn trên mặt đất khao khát biến những nơi trơ trụi và trống trải thành những gốc diệu kỳ, đầy bóng râm thú vị và mát rượi, đứng đó người ta có thể nhìn thấy một phong cảnh rộng lớn tràn ngập ánh nắng trải dài trước mặt. Mặt đất đã khoác chiếc áo màu xanh tươi thắm nhất và tỏa mùi hương ngào ngạt khắp nơi. Thời gian rực rỡ và cường tráng nhất của năm đã đến: vạn vật vui vẻ, tưng bừng.

Tuy vậy, cuộc sống yên tĩnh trước đây vẫn tiếp tục trong túp nhà tranh nhỏ bé, vẻ thanh thản vô tư vẫn chiếm ưu thế ở những con người ở đấy. Từ lâu, Ôlivơ đã khỏe mạnh và cứng cáp. Nhưng dù nó khỏe mạnh hay ốm đau, những tình cảm nhiệt thành của nó đối với những người chung quanh vẫn không hề thay đổi, mặc dầu sự thay đổi này vẫn thường xảy ra ở rất nhiều người. Nó vẫn là đứa bé dịu dàng, gắn bó, dễ thương như xưa, khi đau ốm và cực khổ đã làm cho nó kiệt sức và hoàn toàn lệ thuộc vào sự chú ý và sâu sắc nhỏ nhặt nhất của những người chăm nom nó.

Một buổi chiều đẹp đẽ, ba người đi dạo lâu hơn mọi ngày, vì hôm ấy đặc biệt ấm áp, đồng thời trăng lại tỏa sáng và một ngọn gió nhẹ nổi lên hết sức mát mẻ. Cô Rôdơ cũng tỏ ra hào hứng và mấy người vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ cho đến khi vượt quá giới hạn mọi ngày. Vì bà Mâyli thấm mệt, nên ba người quay trở về nhà chậm rãi hơn. Cô gái chỉ bỏ cái mũ giản dị ra, rồi ngồi xuống cạnh cây đàn dương cầm như mọi ngày. Sau khi lơ đãng để những ngón tay trên các phím đàn độ vài phút, cô chơi một điệu nhạc trầm và rất trang trọng, trong khi chơi đàn người ta nghe cô thở dài dường như đang khóc.

“Cháu Rôdơ”, bà cụ nói.

Cô Rôdơ không trả lời, nhưng chơi nhanh hơn một chút, tựa hồ như những lời nói này đã kéo cô ra khỏi không ít những ý nghĩ nặng nề.

“Rôdơ, cháu yêu quý!”. Bà Mâyli kêu lên, vội vàng đứng dậy và cúi xuống bên cô gái. “Có chuyện gì thế? Cháu khóc à? Này con, sao con khổ sở vậy?”.

“Dì ơi, không sao cả”, cô gái đáp. “Cháu không rõ chuyện gì. Cháu không thể miêu tả được, nhưng cháu cảm thấy...”

“Không ốm chứ con?”, bà Mâyli ngắt lời.

“Không đâu! Không đâu ạ! Ồ, không đâu!”. Cô Rôdơ rùng mình đáp, dường như khi nói cô cảm thấy lạnh. “Chỉ lát nữa thôi, cháu sẽ khá hơn. Làm ơn đóng hộ cửa sổ với”.

Ôlivơ vội vàng thực hiện yêu cầu của cô. Cô gái gắng tươi vui, cố chơi một giai điệu vui vẻ hơn, nhưng những ngón tay cô buông rơi bất lực trên phím đàn. Giơ hai tay che mặt, cô Rôdơ nằm vật ra xô pha và nước mắt tuôn trào không sao kìm được.

“Con ơi!”, bà cụ nói, rồi ôm ghì cô trong vòng tay, “trước đây dì chưa bao giờ thấy con như thế cả”.

“Cháu không muốn làm dì hoảng sợ”. Cô Rôdơ đáp, “nhưng quả thực, cháu đã cố hết sức, nhưng không sao được Cháu sợ ốm mất dì ạ”.

Thực vậy, cô Rôdơ bị ốm, vì khi đèn nến được đem lên, người ta nhận thấy rằng trong thời gian rất ngắn ngủi, từ khi họ trở về nhà, sắc mặt cô đã trắng bợt như cẩm thạch. Khuôn mặt cô vẫn xinh đẹp, song chẳng còn như trước, một nỗi lo âu, hốt hoảng chưa từng thấy hằn rõ trên gương mặt dịu hiền của cô. Một phút sau, gò má đỏ hồng và đôi mắt biếc dịu dàng dại đi. Điều này lại biến đi như một bóng râm do một đám mây lướt qua đem đến. Rồi mặt cô lại tái nhợt đi.

Ôlivơ lo lắng theo dõi bà cụ, nhận thấy bà hoảng hốt trước những triệu chứng như vậy. Thực ra, nó cũng hoảng hốt, nhưng nhận thấy bà cụ cố tỏ ra không cho đó là quan trọng, nên nó cũng cố gắng làm theo, và hai người đã thành công đến nỗi khi bà dì khuyên cô Rôdơ đi ngủ, cô đã vui vẻ hơn và thậm chí không có vẻ ốm yếu như trước. Cô cam đoan với họ rằng chắc sáng mai khi tỉnh dậy, cô sẽ hoàn toàn khỏe mạnh. Khi bà Mâyli quay lại, Ôlivơ nói:

“Cháu hy vọng rằng chị ấy không việc gì chứ ạ? Chị ấy tối nay có vẻ mệt, nhưng...”.

Bà cụ ra hiệu cho nó đừng nói, đoạn ngồi xuống một góc tối trong phòng. Bà im lặng một lát, cuối cùng nói, giọng run run:

“Dì cũng hy vọng như thế, Ôlivơ ạ. Đã mấy năm nay dì sống rất hạnh phúc với chị cháu, có lẽ quá hạnh phúc. Bây giờ có thể là lúc dì gặp điều bất hạnh. Nhưng dì hy vọng không phải như vậy”.

“Chuyện gì thế ạ?”, Ôlivơ hỏi.

“Một tổn thất nặng nề”, bà cụ đáp. “Mất đứa con gái yêu quý bấy lâu nay là nguồn an ủi và hạnh phúc của dì”.

“Ôi chao! Lạy Chúa!”, Ôlivơ vội vàng kêu lên.

“Con ơi! Lạy Chúa tôi!”, bà cụ nói, vặn chặt tay mình.

“Nhưng chắc là không có gì nguy hiểm”, Ôlivơ bảo. “Mới cách đây có hai giờ, chị ấy còn rất khỏe mạnh”.

“Bây giờ chị cháu ốm lắm rồi”, bà Mâyli đáp, “và dì biết chắc là sẽ còn nặng hơn nữa. Rôdơ yêu quý của dì! Không có cháu, dì sẽ ra sao?”.

Bà tỏ vẻ đau buồn đến nỗi Ôlivơ cố che giấu cảm xúc của mình đánh bạo trách bà và nghiêm chỉnh yêu cầu, vì lòng mến yêu cô gái thân thương, bà nên tỏ ra bình tĩnh hơn. Ôlivơ cố trấn tĩnh, nhưng ngoài ý muốn của nó, nước mắt vẫn cứ chảy ròng ròng.

“Dì ơi”, Ôlivơ bảo, “dì nghĩ xem, chị cháu trẻ và tốt bụng như thế, chị đem đến cho mọi người chung quanh niềm vui sướng và hạnh phúc như thế nào. Cháu biết chắc... cháu tin chắc... hoàn toàn tin chắc rằng vì dì nhân từ như vậy, và vì chị cháu, cũng như vì tất cả những người mà chị cháu đã làm cho họ được sung sướng như vậy, chị cháu sẽ không chết đâu. Trời sẽ không bao giờ để chị cháu chết sớm như vậy”.

“Suỵt!”, Bà Mâyli nói, rồi đặt bàn tay lên đầu Ôlivơ.

“Thằng bé tội nghiệp, cháu suy nghĩ như một đứa trẻ. Nhưng dẫu sao cháu cũng nhắc dì thấy ra bổn phận mà dì nhãng quên trong chốc lát, nhưng dì hy vọng rằng người ta có thể tha thứ cho dì, vì dì đã già và đã thấy khá nhiều người mắc bệnh và chết, cho nên đã hiểu phải chia ly với những người mình yêu quý là cực khổ như thế nào? Dì cũng đã thấy nhiều, đủ để biết rằng không phải bao giờ những người trẻ tuổi nhất và tốt bụng nhất cũng được sống với những người yêu quý họ. Nhưng điều này sẽ an ủi chúng ta trong nỗi đau buồn, bởi vì Trời rất công bằng và điều này cũng chứng tỏ cho chúng ta biết rằng có một thế giới khác tươi sáng hơn thế giới này... và bước sang thế giới ấy cũng chẳng lâu lắc gì. Ý muốn của Chúa đã được thực hiện! Bà yêu chị cháu và Chúa biết tình yêu đó lớn lao như thế nào”.

Ôlivơ ngạc nhiên nhận thấy khi nói những lời này, bà Mâyli đã kìm nén được những lời than vãn, dường như bà đã rắn rỏi hơn, và khi nói bà đứng lên, nên bà trở lại yên tĩnh và vững tin. Nó lại còn ngạc nhiên hơn lúc nhận thằng thái độ vững tin này kéo dài và trong tất cả việc chăm nom săn sóc sau đó, bao giờ bà cũng sẵn sàng và điềm tĩnh. Bà làm tất cả mọi nhiệm vụ phải làm một cách kiên quyết và nhìn bên ngoài thậm chí xem ra vui vẻ. Nhưng đó là vì Ôlivơ còn nhỏ, và nó không còn hiểu các tâm hồn minh mẫn có thể chịu đựng được những gì trong những hoàn cảnh thử thách. Làm sao nó có thể biết điều đó được khi chính những người có tâm hồn minh mẫn cũng ít khi nhận thức được điều đó?

Sau đấy là một đêm đầy lo âu. Sáng ra, lời tiên đoán của bà Mâyli đã được xác nhận quá rõ. Cô Rôdơ đang ở giai đoạn đầu của một cơn sốt cao và nguy hiểm.

“Dì cháu ta phải tích cực”, bà Mâyli bảo và đặt ngón tay lên môi, mắt nhìn đăm đăm vào gương mặt cô Rôdơ, “chúng ta không được rơi vào tình trạng đau buồn vô ích. Phải gửi thật gấp bức thư này cho ông Lôxbơcnơ. Phải mang thư ra thị trấn, do đó phải đi bộ hơn bốn dặm băng qua đồng, rồi từ đó người ta sẽ dùng ngựa chuyển thẳng đến Secxi. Những người ở quán ăn sẽ đảm nhiệm việc này, dì nhờ cháu lo sao cho công việc được thi hành nhanh chóng. Dì biết rõ như vậy”.

Ôlivơ không trả lời, nhưng người ta thấy rõ nó lo lắng muốn đi ngay lập tức. Bà Mâyli dừng lại một lát để suy nghĩ.

“Đây là một bức thư nữa. Kể ra dì không biết có nên gửi nó đi ngay bây giờ không hay đợi xem bệnh tình Rôdơ phát triển như thế nào đã. Dì không muốn gửi nó đi trừ phi sợ có chuyện không hay”.

“Bức thư ấy cũng gửi gấp đến Secxi phải không ạ?”. Ôlivơ hỏi, vẻ nóng ruột muốn thực hiện lời sai bảo và giơ bàn tay run run ra cầm bức thư.

“Không”, bà cụ đáp, nhưng vô tình vẫn trao bức thư cho nó. Ôlivơ liếc mắt nhìn bức thư và thấy là gửi cho Hari Mâyli, ở nhà một vị huân tước nào đấy tại nông thôn, nhưng nó không thể nào biết ở đâu.

“Cháu mang nó đi chứ?”, Ôlivơ hỏi, và ngước mắt nhìn, vẻ sốt ruột.

“Dì thấy không nên”, bà Mâyli đáp, và lấy lại bức thư. “Dì sẽ đợi cho đến mai”.

Nói đoạn, bà trao ví tiền cho Ôlivơ và nó liền vội bước ngay ra ngoài và cố hết sức đi thật nhanh.

Nó ba chân bốn cẳng chạy băng qua các cánh đồng, men theo những con đường nhỏ thỉnh thoảng chia cắt cánh đồng, khi thì nó gần như bị lúa mì cao ở hai bên che lấp, khi thì lộ rõ trên một cánh đồng trống trải ở đấy thợ gặt và đánh cỏ đang làm việc bận rộn. Nó đi một lèo và chỉ thỉnh thoảng dừng lại nghỉ vài giây để lấy hơi cho đến khi người nóng ran và đầy bụi bặm, nó đến cái chợ nhỏ bé ở thành phố nhỏ.

Đến đây, nó dừng lại nhìn quanh quẩn, tìm quán ăn, nó thấy một nhà ngân hàng sơn trắng, một cửa hàng bán rượu bia, và tòa thị chính màu vàng, và ở góc phố có một ngôi nhà lớn với những cánh cửa bằng gỗ sơn xanh, đằng trước treo biển đề “Giorgiơ”. Khi thấy tấm biển, nó vội chạy đến ngay.

Nó nói với một cậu bé đưa thư đang ngồi ngủ gà ngủ gật ở nơi cổng, nghe xong cậu này bảo nó đến gặp người coi chuồng ngựa, sau khi nghe tất cả những điều nó phải nói lại, người coi chuồng bảo nó đến tìm ông chủ. Ông chủ là một người cao lớn quàng khăn màu lam, đội mũ trắng, mặc quần chật ống và đi giày có cổ để cho phù hợp với quần, ông đang dựa mình vào một cái bơm cạnh cửa chuồng ngựa, tay cầm chiếc tăm xỉa răng bằng bạc. Ông ung dung bước vào quầy bán rượu để tính tiền, việc này chiếm một thời gian dài, khi đã tính toán xong và đã trả tiền, người ta phải thắng yên một con ngựa, và một người phải mặc quần áo, việc đó cũng mất thêm mươi phút nữa. Trong lúc ấy, Ôlivơ vô cùng nóng ruột và lo lắng đến nỗi nó cảm thấy dường như suýt nữa thì nhảy lên mình ngựa, phi nước đại đến trạm kế tiếp. Cuối cùng, mọi việc đều sẵn sàng, và khi cái gói nhỏ đã được trao thực nhanh cùng nhiều lời dặn dò cầu khẩn, người đàn ông ấn cựa giày vào con ngựa và sau vài phút phi ngựa dọc theo đường cái.

Thấy hơi yên tâm là đã nhờ được người đến giúp, Ôlivơ không bỏ lỡ một phút vội vàng đến quán rượu, lòng phần nào nhẹ nhõm hơn. Nó sắp bước ra khỏi cổng thì bỗng vấp phải một người đàn ông cao lớn mặc một cái áo khoác ngay lúc ấy bước ra sân quán rượu.

“Ôi chao!”. Người kia kêu lên và nhìn Ôlivơ chằm chặp, rồi đột nhiên bước lùi lại. “Quái quỷ gì thế này?”

“Cháu xin lỗi chú”, Ôlivơ nói, “cháu đang vội về nhà nên không thấy chú bước ra”.

“Chết mất!”. Người kia lẩm bẩm một mình, quắc đôi mắt to đen láy nhìn thằng bé. “Ai ngờ thế này! Đập tan nó đi! Nó đã chui từ cái quan tài bằng đá ra để cản đường ta!”.

“Cháu xin lỗi!”. Ôlivơ lẩm bẩm, lúng túng trước cái nhìn hung tợn của người lạ mặt. “Cháu không làm chú đau chứ?”.

“Quỷ sứ bắt mày đi!”, người kia lẩm bẩm, vẻ hết sức giận dữ, hai hàm răng nghiến chặt lại, “tao mà có đủ can đảm nói câu ấy ra thì chỉ trong một tối là tao có thể cho mày đi đời. Đồ chết băm chết vằm! Đồ ôn dịch! Nhãi ranh, mày làm cái gì ở đây?”.

Người kia hoa nắm tay khi thốt ra những lời lộn xộn này. Hắn tiến về phía Ôlivơ như có ý định giáng cho nó một đấm, nhưng bỗng ngã vật xuống đất, quằn quại, sùi bọt mép trong cơn đau đớn.

Ôlivơ đưa mắt nhìn một lát cảnh người điên này lăn lộn (vì nó cho hẳn là thế); rồi sau đó lao vào nhà gọi người đến cứu. Sau khi thấy người kia đã được khiêng vào quán ăn một cách yên ổn, nó chạy về nhà, cố hết sức chạy thật nhanh để bù lại thời gian đã mất. Vừa chạy vừa lo sợ, nó nhớ lại hành vi kỳ quặc của con người mà nó vừa rời bỏ. Tuy vậy, Ôlivơ không phải bận tâm suy nghĩ lâu về trường hợp này, vì khi về đến ngôi nhà tranh, nó có nhiều việc phải quan tâm khiến nó quên mọi lo lắng về bản thân mình.

Bệnh cô Rôdơ nhanh chóng trở nên trầm trọng; vào khoảng gần nửa đêm cô mê sảng. Ông thầy thuốc ở gần đấy luôn luôn túc trực bên cô, sau khi thăm người bệnh lần đầu, ông kéo bà Mâyli riêng ra một nơi và nói rằng bệnh của cô thuộc loại hết sức nguy kịch. “Kể ra”, ông nói, “nếu cô ấy khỏi được bệnh thì phải là chuyện phi thường”.

Đêm ấy, đã bao lần Ôlivơ rời khỏi giường, rón rén lẻn ra cầu thang lắng nghe những tiếng động nhỏ nhất phát ra từ căn phòng người bệnh. Đã bao lần người nó run lẩy bẩy và những giọt mồ hôi lạnh toát ướt đẫm trên trán khi nó nghe tiếng chân bước đột ngột, lo xảy ra một điều gì quá dễ sợ mà nó không dám nghĩ đến! Và nỗi tha thiết của những lời cầu nguyện xưa nay nó đã cầu đều không thấm gì so với những lời van lơn hiện nay nó thốt ra trong tình trạng buồn bã và tuyệt vọng xin Chúa rủ lòng tiếc thương cuộc đời và sức khỏe của con người dịu dàng đang đứng bên huyệt.

Ôi! Khi đứng khoanh tay bất lực nhìn cuộc đời của con người ta yêu tha thiết đang bấp bênh trên cán cân của số phận thì thật đau khổ biết bao! Ôi! Những ý nghĩ đau xót dồn dập đến làm cho con tim đập mạnh điên cuồng, hơi thở hổn hển, do sức mạnh của những hình ảnh mà nó làm nảy sinh; nỗi lo lắng tuyệt vọng muốn làm một cái gì để giảm bớt nỗi đau khổ hay giảm bớt điều nguy hiểm mà ta không có cách nào giảm bớt được. Tâm hồn và trí óc ta tê liệt do chỗ hồi tưởng buồn bã tới tình trạng bất lực của mình. Có hình phạt nào đau đớn bằng những hình phạt này, có những suy nghĩ nào hay những cố gắng nào có thể làm cho nó dịu bớt trong giờ phút vất vả nhất và quyết liệt nhất!

Buổi sáng đến, mái nhà tranh nhỏ bé lặng lẽ và cô tịch. Mọi người nói thì thầm. Chốc chốc ở ngoài cổng xuất hiện những vẻ mặt ưu tư; đàn bà, trẻ con bước ra giàn giụa nước mắt. Suốt cả cái ngày đằng đẵng ấy và hàng giờ sau khi trời đã tối, Ôlivơ rón rén đi lại ngoài vườn, chốc chốc ngước mắt nhìn phòng người bệnh, rùng mình khi thấy cửa sổ tối đen tựa hồ như cái chết đã lẻn vào. Đến khuya, ông Lôxbơcnơ đến. “Thực là gay”, ông bác sĩ quý hóa, vừa nói vừa ngoảnh mặt đi... “trẻ như thế, được mọi người yêu quý như thế. Nhưng có rất ít hy vọng”.

Buổi sáng lại đến. Mặt trời chiếu sáng rực rỡ, rực rỡ tựa hồ như nó không nhìn thấy sự lo lắng buồn bã nào hết, và chung quanh cô Rôdơ lá và hoa đua thắm tưng bừng; nhựa sống, sức khỏe và những tiếng động, những cảnh tượng vui tươi bao quanh cô ở mọi phía. Nhưng cô gái trẻ tuổi xinh đẹp vẫn lầm lỳ, kiệt sức nhanh chóng. Ôlivơ len lén đi ra nghĩa địa cổ và ngồi xuống một mô đất xanh rờn, nó khóc và cầu nguyện cho cô Rôdơ trong cảnh yên lặng.

Phong cảnh chung quanh thật yên tĩnh và xinh đẹp, thật tưng bừng và tươi vui dưới ánh mặt trời; điệu nhạc của những con chim mùa hạ vang lên rộn ràng làm sao; những con quạ vút bay ở trên đầu tự do thoải mái làm sao. Thế rồi, khi đứa bé ngước đôi mắt nhức nhối nhìn quanh, bất giác nó có ý nghĩ rằng lúc này không phải là lúc người ta chết, rằng cô Rôdơ chắc chắn không thể chết khi những vật thấp kém hơn kia đều sung sướng và vui tươi như thế, rằng thời gian đào huyệt là vào mùa đông lạnh lẽo và âm u chứ không phải khi tràn đầy ánh sáng và hương thơm. Nó gần như nghĩ rằng các tấm vải liệm là dành cho những người già nua nhăn nheo, chứ không bao giờ khoác lên mình cái hình dáng trẻ trung và duyên dáng trong những nếp nhăn ghê rợn của nó. Chuông nhà thờ nổi lên hồi chuông báo tử phá vỡ tàn nhẫn những ý nghĩ trẻ thơ của nó. Một hồi chuông nữa! Lại một hồi chuông nữa! Nó vang lên nhắc nhở việc chôn cất người chết. Một đám người đưa tang khúm núm bước vào cổng nghĩa địa: họ mang băng trắng vì người chết hãy còn trẻ. Họ đứng để đầu trần cạnh ngôi mộ. Trong số này có một bà mẹ, bà mẹ mất con trong đám người than khóc. Nhưng mặt trời vẫn chiếu nắng tưng bừng và chim muông vẫn líu lo.

Ôlivơ quay trở về nhà, ngẫm nghĩ về chỗ cô gái trẻ tuổi đã đối xử với nó tử tế như thế nào; nó mơ ước lại sẽ có những ngày có thể không ngừng chứng minh cho cô thấy nó biết ơn và gắn bó với cô như thế nào. Nó không có điều gì phải chê trách mình là đã lơ đễnh hoặc không chú ý, vì nó hết lòng phục vụ cô. Tuy vậy, hằng trăm trường hợp vặt vãnh vẫn hiện lên trước mắt nó, và nó cảm thấy lẽ ra nó phải tỏ ra chăm chỉ hơn, hăng hái hơn và nó tiếc là đã không làm thế. Chúng ta cần phải cẩn thận trong việc đối xử với những người chung quanh, vì một khi cái chết xảy đến thì nhóm nhỏ những người còn sót lại nghĩ chúng ta đã bỏ lỡ bao nhiêu việc và bao nhiêu việc chúng ta đã không làm tròn, bao nhiêu việc chúng ta đã bỏ quên, và còn nhiều việc khác nữa mà lúc này không tài nào sửa chữa được! Không có điều hối hận nào đau đớn hơn là hối tiếc rằng bây giờ là vô ích; nếu như chúng ta muốn tránh khỏi bị dằn vặt thì phải nhớ kỹ điều đó kẻo rồi quá muộn.

Khi Ôlivơ về nhà, bà Mâyli đang ngồi trong phòng khách nhỏ. Nhìn thấy bà, lòng Ôlivơ tan nát, vì bà không bao giờ rời khỏi giường cô cháu, và nó run sợ khi nghĩ đến điều thay đổi có thể khiến cho bà rời khỏi cô Rôdơ. Nó biết rằng cô Rôdơ đã vùi mình vào một giấc ngủ sâu và cô sẽ thức tỉnh khỏi giấc ngủ ấy, hoặc là để khỏe mạnh và sống, hoặc là để từ biệt mọi người và chết.

Suốt mấy giờ liền, hai người ngồi lắng nghe sợ hãi, không dám nói chuyện với nhau. Bữa ăn không ai động tới đã được dọn đi, hình như chứng tỏ ý nghĩ của họ là ở nơi khác. Họ ngắm nhìn mặt trời khi nó hạ thấp dần dần và cuối cùng hắt lên mặt đất và bầu trời những màu sắc rực rỡ, báo trước nó sắp ra đi. Lỗ tai minh mẫn của họ nghe thấy có tiếng chân bước lại gần. Cả hai bất giác lao đến cửa, và lúc đó ông Lôxbơcnơ bước vào. Bà Mâyli hỏi:

“Rôdơ thế nào? Ông nói ngay đi? Tôi không còn chịu nổi nữa rồi, dù gì gì đi nữa thì vẫn hơn là băn khoăn lo lắng. Lạy Chúa! Ông nói cho biết đi!”.

“Xin bà hãy bình tĩnh”, bác sĩ nói và đỡ lấy người bà. “Xin bà hãy bình tĩnh”.

“Lạy Chúa, ông cứ mặc tôi! Đứa con yêu quý của tôi! Nó chết rồi! Nó đang hấp hối!”.

“Không!”. Bác sĩ nói, giọng tha thiết. “Vì Chúa nhân từ và nhân hậu nên cô ấy sống để ban phúc cho tất cả chúng ta trong những năm sắp tới!”.

Bà cụ quỳ xuống và cố chắp hai tay, nhưng nghị lực lúc trước nâng đỡ bà lúc này đã bay lên trời cùng với lời cảm ơn đầu tiên của bà, và ngả vào đôi tay thân mến đang dang ra đón bà.