Ôlivơ Tuýt - Chương 34

CHƯƠNG XXXIV

MỘT VÀI CHI TIẾT MỞ ĐẦU VỀ MỘT CON NGƯỜI TRẺ TUỔI LÚC NÀY BƯỚC LÊN SÂN KHẤU, VÀ MỘT CHUYỆN PHIÊU LƯU MỚI XẢY ĐẾN VỚI ÔLIVƠ

Hạnh phúc này gần như quá lớn không thể chịu đựng nổi; Ôlivơ sững sờ ngơ ngẩn trước cái tin bất ngờ ấy. Nó không biết nên khóc, nên nói, hay nên nghỉ ngơi. Nó vất vả lắm mới có thể hiểu được những điều đã xảy ra, và sau khi đi lang thang một hồi lâu trong bầu không khí buổi chiều lặng lẽ, cuối cùng, nó khóc òa lên và cảm thấy người dễ chịu. Thế rồi, đột nhiên hình như nó nhận thức được tất cả sự thay đổi vui sướng đã xảy đến, cũng như cái gánh nặng lo âu không thể chịu đựng nổi mà nó đã trút bỏ được.

Trời đã tối mịt khi Ôlivơ quay về nhà, mang những bông hoa mà nó đã hái hết sức cẩn thận để tô điểm căn phòng của người ốm. Đang rảo bước trên đường, bỗng nó nghe ở phía sau có tiếng xe chạy lại gần rất nhanh; đưa mắt nhìn quanh, nó thấy một chiếc xe ngựa đang lao đi vùn vụt và vì những con ngựa đang phi nước đại mà đường thì chật nên nó đứng nép vào cổng cho đến khi chiếc xe đi qua.

Trong khi xe lao đi, nó thấy một người đàn ông đội chiếc mũ chụp màu trắng, mặt ngó quen quen, mặc dầu nó không kịp nhận ra đó là ai. Một hai giây sau, chiếc mũ chụp nhô ra khỏi cửa sổ xe ngựa và một giọng nói oang oang bảo người đánh xe dừng lại. Người đánh xe dừng xe lại ngay khi anh ta có thể kìm những con ngựa lại. Sau đó, chiếc mũ chụp lại xuất hiện và cũng cái giọng ấy gọi Ôlivơ bằng tên của nó:

“Đây rồi!”. Giọng nói vang lên. “Cậu Ôlivơ, tin tức thế nào? Cô Rôdơ thế nào? Cậu Ôlivơ?”.

“Bác Jailit đấy à?”, Ôlivơ kêu lên và chạy đến bên xe.

Jailit lại nhô cái mũ ra một lần nữa chuẩn bị trả lời, bỗng một người đàn ông trẻ tuổi ngồi ở góc bên kia xe kéo bác lại đột ngột và sôi nổi hỏi xem tin tức như thế nào?.

“Đỡ rồi... đỡ lắm rồi!”, Ôlivơ vội vã trả lời.

“Đội ơn Chúa!”, người kia thốt lên. “Em chắc chứ?”.

“Chắc chứ lị!”, Ôlivơ đáp. “Chị ấy chỉ mới đỡ cách đây vài giờ thôi, và ông Lôxbơcnơ bảo rằng mọi điều nguy hiểm đã qua”.

Người trẻ tuổi không nói thêm một lời, mở cửa xe, nhảy ra ngoài và vội vàng nắm lấy cánh tay Ôlivơ, kéo về phía mình...

“Em tin chắc chứ? Em không lầm chứ?”. Người kia hỏi, giọng run run. “Em đừng lừa anh bằng cách gợi lên những hy vọng không thể thực hiện”.

“Nhất định là em không làm thế rồi, anh ạ!”, Ôlivơ đáp. “Cố nhiên là anh có thể tin em. Ông Lôxbơcnơ bảo chị em sẽ sống để đem hạnh phúc cho chúng ta trong nhiều năm sắp tới. Em nghe ông ấy bảo thế mà”.

Những giọt nước mắt long lanh ở khóe mắt Ôlivơ khi nó nhớ lại cái cảnh đã đem đến nhiều hạnh phúc như thế.

Người đàn ông quay mặt, đứng yên lặng trong vài phút. Ôlivơ có cảm tưởng nghe chàng khóc nấc lên mấy tiếng, nhưng nó sợ quấy rầy chàng, không dám đưa ra lời nhận xét gì thêm, vì nó dễ dàng đoán biết chàng đang nghĩ gì, nên nó đứng lảng ra giả vờ chú ý những bông hoa.

Trong lúc này, Jailit, đầu đội cái mũ chụp trắng, vẫn ngồi nơi bậc lên xuống của chiếc xe ngựa, hai cùi tay chống lên hai đùi và lấy chiếc khăn tay bằng vải xanh lấm chấm những điểm trắng lau đôi mắt. Con người trung thực này không hề giả vờ tỏ ra mình cảm động, đôi mắt đỏ ngầu khi bác nhìn người trẻ tuổi lúc này quay lại nói chuyện với bác đã chứng minh điều đó. Người trẻ tuổi nói:

“Bác Jailit, tôi thấy bác cứ ngồi xe ngựa đến thăm mẹ tôi thì tốt hơn. Còn tôi, tôi thích đi chậm để tranh thủ vài phút trước khi gặp cô ấy. Bác cứ bảo mẹ tôi rằng tôi đến sau”.

“Ông thứ lỗi cho tôi, ông Hari!”, Jailit nói và lấy tay lau gương mặt cảm động lần cuối cùng. “Nhưng nếu ông bảo thằng bé đưa thư báo tin ấy thì tôi sẽ rất cảm ơn ông. Các chị người hầu thấy tôi mặt mày thế này thì không tiện ông ạ. Tôi sẽ không còn uy tín gì nữa đối với họ nếu như họ thấy tôi thế này”.

“Thôi được”, Hari Mâyli mỉm cười đáp, “bác muốn làm thế nào thì tùy ý. Để nó đi trước mang hành lý, nếu bác muốn, còn bác cứ việc đi theo sau với chúng tôi. Nhưng trước hết, hãy bỏ cái mũ chụp ấy đi, đội một cái gì thích hợp hơn không người ta tưởng chúng mình điên đấy!”.

Jailit được nhắc nhở đến cách ăn mặc không thích hợp của mình liền giật chiếc mũ khỏi đầu và nhét vào túi, rồi đội một chiếc mũ trông nhã và trang trọng mà bác lấy ở trong xe ngựa. Sau đó, người đánh xe cho xe đi, còn Jailit, Hari và Ôlivơ ung dung đi theo sau.

Trên đường đi, thỉnh thoảng Ôlivơ lại liếc mắt nhìn người mới đến, vẻ thích thú và tò mò. Chàng trạc hai mươi lăm tuổi, người tầm thước, vẻ mặt trung thực và thanh tú, cử chỉ thoải mái và hấp dẫn. Mặc dầu khác nhau về tuổi, chàng vẫn giống hệt bà Mâyli đến nỗi Ôlivơ có thể đoán biết được quan hệ họ hàng của hai người dù cho chàng không bảo bà cụ là mẹ mình.

Bà Mâyli đang lo lắng mong ngóng cậu con khi chàng đến cái nhà tranh. Cuộc gặp gỡ làm cho cả hai người đều cảm động. Người trẻ tuổi nói khẽ:

“Mẹ ơi! Tại sao mẹ không viết thư cho con sớm hơn?”.

“Mẹ có viết”, bà Mâyli đáp, “nhưng khi nghĩ lại, mẹ đã quyết định giữ bức thư lại chờ biết ý kiến của ông Lôxbơcnơ”.

“Tại sao lại thế?” chàng trai nói. “Tại sao lại dựa vào cái điều ngẫu nhiên suýt nữa thì xảy ra? Nếu Rôdơ... con không thể nói cái chữ ấy được... nếu bệnh này kết thúc khác đi, làm sao mẹ có thể tự tha thứ cho mình? Làm sao con có thể biết được hạnh phúc nữa?”.

“Hari ạ, nếu như tình hình quả là thế”, bà Mâyli nói, “thì hạnh phúc của con mẹ e rằng sẽ bị tan vỡ mất, và dù con có đến sớm một ngày hay đến muộn một ngày cũng có quan trọng gì đâu!”.

“Tại sao lại nói là e hở mẹ?”, chàng trai hỏi. “Tại sao lại không nói thẳng ra rằng đó là điều chắc chắn? Vì đó là sự thực, mẹ biết đấy... mẹ phải biết điều đó chứ?”.

“Mẹ biết cô bé xứng đáng được hưởng tình yêu dịu dàng nhất và trong trắng nhất mà trái tim người đàn ông có thể đem đến cho cô”, bà Mâyli đáp, “mẹ biết rằng một bản tính tận tụy và dịu dàng như của cô đòi hỏi một sự đền đáp không bình thường, mà đó phải là một tình yêu sâu sắc và thủy chung. Vì mẹ cảm thấy thế và ngoài ra còn biết rằng một sự thay đổi trong cách đối xử của con người cô yêu sẽ làm tim cô tan nát, nên mẹ mới thấy nhiệm vụ mình nặng nề và khó khăn như thế này và đã phải đấu tranh với bao điều dằn vặt trong lòng, khi mẹ làm điều mẹ cho là phù hợp với bổn phận”.

“Thế thì tàn nhẫn quá mẹ ạ!”, Hari nói. “Thế mẹ vẫn cho rằng con là một thằng bé không hiểu trái tim của mình và lầm lẫn về những tình cảm của tâm hồn mình sao?”.

“Con ạ, mẹ nghĩ rằng”, bà Mâyli đáp và đặt bàn tay lên vai con, “tuổi trẻ có nhiều tình cảm hào hiệp nhưng không lâu bền, và trong những người trẻ tuổi có người một khi đã được thỏa mãn, chỉ càng trở nên bấp bênh hơn mà thôi”, bà cụ nói, mắt nhìn đăm đăm vào gương mặt con. “Nếu một chàng trai hăng hái, sôi nổi và nhiều tham vọng lấy một cô gái đã phải chịu một vết nhơ, mặc dầu đó không phải do lỗi của mình thì bọn bạn bè tàn nhẫn và lạnh lùng của anh ta có thể coi khinh cô ta và cả những đứa con của anh ta nữa, và anh ta càng thành công trên đường đời thì họ sẽ càng nhắc tới cái vết nhơ ấy và càng chế nhạo anh ta. Và mẹ nghĩ rằng, dù cho anh ta cao thượng và có bản tính hào hiệp đến đâu, một ngày kia anh ta cũng có thể hối hận về cuộc hôn nhân của mình trong thời niên thiếu. Và cô bé biết thế sẽ đau khổ”.

“Mẹ ơi”, chàng trai sốt ruột nói, “kẻ nào hành động như vậy sẽ là một tên khốn nạn ích kỷ, không xứng với cái tên một chàng trai và nhất là không xứng với cô gái mẹ vừa nói”.

“Bây giờ thì con nghĩ thế, Hari ạ”, bà mẹ đáp.

“Và bao giờ con cũng sẽ nghĩ thế”, chàng trai đáp. “Nỗi đau khổ về tinh thần mà hai ngày nay con đã phải chịu đựng đã khiến con thốt ra lời thú nhận với mẹ về mối tình mẹ thừa biết là không phải mới nảy sinh hôm qua, cũng không phải là nảy sinh hời hợt. Tim con đã trao cho Rôdơ - cô gái thùy mị, đáng yêu - cũng chắc chắn như trái tim một chàng trai xưa nay có thể trao cho một cô gái. Con không hề có ý gì, không có tham vọng gì, không có hy vọng gì trên đời ngoài cô ấy, và nếu mẹ bắt con phải chịu đựng một thử thách to lớn như vậy thì chẳng khác nào mẹ đã túm tình yêu hạnh phúc của con vứt để mặc gió cuốn đi. Mẹ ơi, xin mẹ đánh giá tình yêu của con cao hơn, đánh giá con khá hơn và đừng coi thường niềm hạnh phúc mà hình như mẹ cho là không quan trọng”.

“Hari con”, bà Mâyli nói, “chính vì mẹ nghĩ nhiều đến những trái tim nồng nhiệt và nhạy cảm, nên mới không muốn để nó bị tổn thương. Nhưng chúng ta nói thế là đủ rồi”.

“Nếu vậy, để Rôdơ quyết định”, Hari nói. “Chắc mẹ sẽ không đưa ra những ý kiến quá gay gắt của mẹ để cản trở con chứ?”.

“Không đâu con!”, bà Mâyli đáp, “nhưng mẹ muốn con suy nghĩ chín chắn...”.

“Con đã suy nghĩ rồi!”, Hari trả lời vội vã. “Mẹ ơi, con đã suy nghĩ điều đó bao năm nay rồi. Con đã suy đi nghĩ lại về điều đó từ khi con có thể suy nghĩ đứng đắn. Tình cảm của con vẫn không thay đổi và bao giờ nó cũng sẽ không thay đổi. Tại sao con lại phải chịu đựng sự trì hoãn đau đớn và cứ phải kìm hãm nó, một khi điều đó không thể đem đến cái gì tốt đẹp. Không! Trước khi con vừa rời khỏi nơi này Rôdơ sẽ nghe con nói”.

“Cô bé sẽ nghe”, bà Mâyli đáp.

“Trong giọng nói của mẹ có cái gì khiến người ta gần như tưởng rằng cô ấy sẽ nghe con nói với thái độ lạnh lùng, mẹ ạ”.

“Không phải lạnh lùng đâu”, bà cụ đáp, “trái hẳn lại”.

“Thế thì thế nào?”, chàng trai khẩn khoản. “Cô ấy không gắn bó với ai khác chứ?”.

“Không, cố nhiên là không”, bà mẹ đáp, “nếu như mẹ không lầm thì con đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tình cảm của cô bé. Điều mẹ muốn nói”, bà cụ nói tiếp, ngắt lời con, khi anh ta sắp lên tiếng, “là thế này, trước khi con để cho mình bị lôi cuốn tới đỉnh cao nhất của hy vọng, con hãy suy nghĩ một vài phút, con ạ, về câu chuyện của Rôdơ và thử xét xem việc hiểu biết cái nguồn gốc đáng ngờ của cô bé có thể có ảnh hưởng gì tới quyết định của cô ta không: đối với mẹ con ta, cô ta tận tuy với tất cả tâm hồn cao thượng và sôi nổi của cô, tận tụy hy sinh trong mọi việc, dù lớn hay nhỏ, và bản tính xưa nay của cô vẫn thế”.

“Mẹ muốn nói gì hở mẹ?”

“Ý mẹ muốn để cho con tự tìm hiểu lấy”, bà Mâyli đáp.

“Mẹ phải quay trở lại với cô ta đây. Cầu Chúa phù hộ con!”.

“Tối nay con sẽ lại gặp mẹ chứ?”, chàng trai tha thiết nói.

“Lát nữa”, bà Mâyli đáp, “khi nào thăm Rôdơ xong”.

“Mẹ sẽ bảo cô ấy là con đến đây chứ?”, Hari hỏi:

“Chuyện”, bà Mâyli đáp.

“Và nói con lo lắng như thế nào, con đau khổ như thế nào, và con muốn gặp cô ấy như thế nào? Mẹ không từ chối điều đó chứ mẹ?”.

“Không!”. Bà cụ đáp. “Mẹ sẽ kể cho cô ta biết tất cả”, và âu yếm siết chặt tay con, bà vội bước khỏi phòng.

Ông Lôxbơcnơ và Ôlivơ vẫn ở lại đầu kia trong căn nhà trong khi diễn ra câu chuyện trao đổi vội vã này. Lúc này, ông Lôxbơcnơ giơ tay ra bắt tay Hari Mâyli và hai người chào hỏi nhau thân mật. Đáp lại vô số câu hỏi của anh bạn trẻ, bác sĩ cho anh ta biết một bản trình bày này chính xác về tình trạng của người ốm, bản trình bày cũng an ủi và đầy hứa hẹn như những lời của Ôlivơ đã từng kích thích niềm hy vọng của chàng, còn Jailit làm ra vẻ bận rộn về hành lý, nhưng vẫn háo hức lắng nghe. Sau khi đã kết thúc câu chuyện, bác sĩ hỏi:

“Này, bác Jailit, dạo này có bắn được gì không?”.

“Thưa ông, chẳng có gì hay cả ạ?”, Jailit đáp, mặt đỏ như gấc.

“Cũng không bắt được một tên ăn trộm hay nhận mặt được một tên ăn cướp nào à?”.

“Thưa ông không ạ”, Jailit đáp, vẻ rất nghiêm trang.

“Rõ tiếc”, bác sĩ nói, “nghe nói vậy tôi rất tiếc, vì bác làm việc này cừ lắm. À này, Brittân mạnh khỏe chứ?”.

“Thưa ông, cậu ta khỏe mạnh lắm”, Jailit đáp, quay trở lại giọng nói che chở mọi ngày, “thưa ông, cậu ta gửi lời thăm ông”.

“Tốt lắm!”. Bác sĩ bảo. “Bác Jailit này, gặp bác ở đây, tôi nhớ lại rằng trước hôm tôi bị gọi vội vã lên đây một ngày, theo lời yêu cầu của bà chủ quý hóa của bác, tôi đã làm giúp bác một việc nhỏ. Bác có đồng ý bước vào góc phòng này một lát không?”.

Jailit bước vào góc phòng, vẻ rất bệ vệ và hơi ngạc nhiên một chút, và được vinh dự thì thầm một lát với ông bác sĩ và sau khi trao đổi xong, bác vái chào lia lịa rồi rút lui, bước đi oai vệ khác thường. Đầu đề cuộc hội đàm này không được bộc lộ ở trong phòng khách, nhưng nhà bếp nhanh chóng sôi nổi về câu chuyện ấy, vì Jailit bước thẳng đến đấy, và sau khi gọi mang đến mỗi cốc bia bác tuyên bố hết sức long trọng rằng để thưởng cho hành vi dũng cảm của bác trong vụ trộm suýt nữa xảy ra, bà chủ có bỏ vào ngân hàng địa phương số tiền hai mươi lăm bảng chỉ dành riêng cho bác sử dụng. Nghe nói thế, hai cô người hầu ngước mắt và giơ tay lên trời cho rằng từ nay Jailit sẽ bắt đầu tỏ ra kiêu hãnh. Nhưng Jailit phanh cái cổ lá sen đáp: “Không đâu, không đâu”, và nói nếu như họ nhận thấy bác có gì kiêu ngạo với bề dưới thì bác sẽ rất cảm ơn họ nếu họ cho biết. Rồi bác lại đưa ra nhiều nhận xét khác nói lên không kém sự khiêm tốn của mình, và những nhận xét này đều được niềm nở tiếp nhận và tán thưởng như nhau, đồng thời cũng độc đáo và thú vị chẳng kém gì những nhận xét xưa nay của những bậc vĩ nhân.

Ở trên nhà, phần còn lại của buổi tối trôi qua vui vẻ, vì ông bác sĩ cao hứng, và dù cho lúc đầu Hari Mâyli có thể có vẻ mệt mỏi và lo âu đến đâu, nhưng chàng cũng không thể không lây thái độ rôm rả của con người quý hóa. Điều này được biểu lộ trong nhiều lời bông đùa ngộ nghĩnh và những kỷ niệm thầy thuốc cũng như trong nhiều lời pha trò vặt vãnh làm Ôlivơ cho đó là những chuyện hài hước nhất trên đời xưa nay nó nghe được, và khiến nó cười thoải mái. Điều này rõ ràng làm cho ông bác sĩ hả hê thích thú và Hari cũng cười giòn giã gần như thế do ảnh hưởng của sự truyền cảm. Kết quả họ đã trải qua những lúc hết sức thú vị mà trong những hoàn cảnh như thế này có thể có được, và lòng nhẹ nhàng và biết ơn khi rút lui vào lúc đêm đã khuya, để hưởng sự nghỉ ngơi mà họ rất cần sau những ngày nghỉ hoặc lo lắng họ vừa mới trải qua.

Sáng hôm sau, lúc dậy, Ôlivơ thấy lòng nhẹ nhõm hơn và đi làm những công việc của mình vào lúc sáng sớm với niềm hy vọng và thích thú hơn trong nhiều ngày qua. Các lồng chim lại được treo vào những chỗ cũ để cho chim hót, và những bông hoa đồng nội xinh đẹp nhất lại được hái để làm cô Rôdơ vui sướng vì vẻ đẹp của chúng. Vẻ u buồn hình như vướng trên đôi mắt buồn rầu của cậu bé mấy ngày qua và bao phủ mọi vật dù cho nó có đẹp đến đâu, đã bị xóa tan như có phép thần thông. Sương như lấp lánh sáng ngời hơn trên những lá non; không khí như thì thào giữa ngàn lá trong điệu nhạc êm dịu hơn, và ngay cả bầu trời cũng có vẻ biếc hơn và tươi sáng hơn. Những ý nghĩ của bản thân chúng ta ảnh hưởng tới cả cái vẻ bên ngoài của sự vật như thế đấy. Những người nào nhìn thiên nhiên và đồng loại rồi la lối lên rằng tất cả đều tối tăm và u ám là có lý; nhưng màu sắc ủ dột kia là phản ảnh những cặp mắt và những con tim hằn học của họ. Màu sắc thực tế là tế nhị và đòi hỏi phải nhìn nó rõ ràng hơn.

Có một điều đáng chú ý và Ôlivơ cũng không quên nhận xét là: bây giờ nó không còn lẻ loi trong những cuộc đi dạo buổi sáng. Sau buổi sáng đầu tiên, Hari Mâyli gặp nó trở về nhà mang nhiều hoa, chàng đâm ra say mê hoa, và tỏ ra có một thị hiếu đặc biệt trong việc cắm hoa đến nỗi vượt xa ông bạn nhỏ. Nếu như Ôlivơ thua kém chàng về mặt này thì trái lại nó biết tìm những bông hoa đẹp nhất ở đâu, và sáng nào hai người cũng cùng nhau lùng khắp đồng quê, đem về nhà những bông hoa đẹp nhất. Cửa sổ của phòng cô gái lúc này đã mở, vì cô Rôdơ thích cảm thấy không khí thơm ngát của mùa hạ lùa vào phòng và làm cô phấn chấn bởi vẻ tươi mát của nó. Nhưng ở đấy bao giờ cũng có một chùm hoa nhỏ mỗi buổi sáng được cắm rất khéo trong cái bình có nước; Ôlivơ không thể không nhận thấy những bông hoa tàn úa không bao giờ bị vứt đi mặc đầu được thay thế đều đặn, nó cũng không thể không nhận thấy rằng mỗi lần ông bác sĩ bước ra vườn, thế nào ông ta cũng liếc mắt nhìn cái góc đặc biệt kia, nơi có lọ hoa và gật gật đầu đầy ý nghĩa trong khi ông ta bắt đầu đi dạo vào buổi sáng. Trong khi Ôlivơ theo dõi, quan sát như vậy thì ngày trôi qua như bay và cô Rôdơ nhanh chóng hồi sức.

Không thể nói rằng đối với Ôlivơ, thời gian trôi đi chậm chạp, mặc dầu cô gái vẫn chưa rời khỏi căn phòng của mình và vẫn chưa có những cuộc đi dạo vào buổi chiều không kể thỉnh thoảng nó đi dạo một quãng ngắn cùng với bà Mâyli. Nó càng chăm chỉ học tập theo sự chỉ dẫn của cụ già tóc bạc và nó học tập cần cù đến nỗi bản thân nó cũng ngạc nhiên về sự tiến bộ nhanh chóng của mình. Chính trong khi nó đang bận học tập như vậy thì xảy ra một biến cố hết sức bất ngờ làm nó giật mình hoảng sợ.

Căn phòng nhỏ trong đó nó vẫn quen ngồi khi đọc sách là ở tầng dưới phía sau ngôi nhà. Đó là một căn phòng bình thường của một ngôi nhà nông thôn với một cửa sổ đan mắt cáo chung quanh là những bụi nhài và hoa, có cây kim ngân bò lên khung cửa sổ của căn phòng làm cho phòng ngào ngạt hương thơm. Phòng này nhìn ra vườn và một cái cổng bằng trúc ở vườn dẫn tới một bãi cỏ nhỏ có hàng rào bao bọc. Chung quanh toàn là đồng cỏ và cánh rừng xinh đẹp. Về hướng này không có một ngôi nhà nào khác, và từ đó nhìn ra phong cảnh rất ngoạn mục.

Một buổi chiều đẹp, khi những bóng tối đầu tiên của buổi hoàng hôn bắt đầu tỏa xuống mặt đất, Ôlivơ đang ngồi nơi cửa sổ ấy, vùi đầu vào sách. Nó đã ngồi học một hồi lâu, và vì ngày hôm ấy đặc biệt oi bức và vì nó đã làm việc nhiều nên dần dần nó có ngủ thiếp đi thì điều đó cũng không phải là xấu hổ cho các tác giả những quyển sách.

Đó là loại giấc ngủ thỉnh thoảng đến với chúng ta lúc nào không biết, tuy nó cầm tù thể xác nhưng vẫn không làm cho trí óc quên mất những sự việc xảy ra chung quanh mà giúp cho trí óc tha hồ thơ thẩn đi đâu cũng được. Nếu như người ta gọi tình trạng cảm thấy mình bị đè nặng không thể chịu nổi, sức khỏe bị tê liệt và hoàn toàn không có thể làm chủ đầu óc và chân tay của mình là một giấc ngủ thì đây là một giấc ngủ như thế. Tuy vậy, chúng ta vẫn có ý thức về tất cả những điều xảy ra chung quanh ta, và nếu như chúng ta nằm mơ vào một lúc như vậy thì những lời nói thực sự đang thốt lên, hay những âm thanh thực sự vang phát ra vào lúc ấy, dầu rất dễ dàng xâm nhập vào giấc mơ của chúng ta cho đến khi hiện thực và tưởng tượng hòa lẫn với nhau một cách kỳ lạ, đến nỗi sau đó hầu như không thể nào tách hai cái ra được nữa. Đây cũng không phải là hiện tượng nổi bật nhất xảy ra trong một tình trạng như vậy. Có một sự kiện hiển nhiên, đó là mặc dầu xúc giác và thị giác chúng ta lúc ấy đều bị tê liệt, nhưng những ý nghĩ của chúng ta trong lúc ngủ và những cảnh chúng ta thấy diễn ra trước mắt trong giấc mơ đều sẽ chịu ảnh hưởng và thực tế là chịu ảnh hưởng cụ thể sự có mặt lặng lẽ của một đối tượng nào đó ở bên ngoài, đối tượng này có thể không ở gần chúng ta khi chúng ta nhắm mắt, nhưng chúng ta không thể ngờ rằng nó ở cạnh chúng ta.

Ôlivơ biết rất rõ nó đang ở trong căn phòng nhỏ bé của mình, rằng những quyển sách đang nằm trên bàn trước mặt nó, rằng không khí ngào ngạt hương thơm đang thì thào trong những cây leo ở bên ngoài. Tuy vậy, nó vẫn ngủ. Đột nhiên, bức tranh thay đổi: không khí trở thành ngột ngạt, khó thở và nó hoảng sợ nghĩ rằng một lần nữa nó lại ở trong nhà lão Do Thái. Kìa, lão già xấu xí đang ngồi ở cái góc quen thuộc, lấy tay chỉ nó, và thì thầm với một người khác quay mặt đi, ngồi bên cạnh lão.

“Khẽ chứ, anh bạn!”, nó có cảm tưởng nghe lão Do Thái nói, “thôi đúng là nó rồi. Ta chuồn thôi!”.

“Hắn à!”, người kia hình như trả lời, “ông tưởng tôi không nhận ra hắn sao? Dù cho có một lũ quỷ sứ mang hình dáng của hắn và hắn thì ngồi ở giữa, vẫn có một cái gì bảo tôi cách nhận ra hắn. Ông có chôn hắn dưới đất dày năm phút rồi để tôi đi qua ngôi mộ của hắn, tôi vẫn nghĩ rằng tôi có thể biết hắn nằm ở dưới ngay, dù cho ở trên mặt đất không có dấu vết gì hết”.

Người kia hình như nói thế với một lòng căm thù khủng khiếp làm Ôlivơ hoảng sợ giật mình tỉnh dậy.

Lạy Chúa! Có cái gì làm cho máu của nó dồn lên tim khiến nó không nói ra tiếng và không thể cử động được! Kìa... kìa... Ở ngoài cửa sổ, ngay sát trước mặt nó... gần đến nỗi nó có thể sờ vào lão nếu như lão không lùi lại: kìa lão Do Thái đang đứng, đôi mắt hau háu nhìn vào căn phòng và bắt gặp đôi mắt của nó! Và bên cạnh lão chính là cái tên đã nói chuyện với nó ở sân quán ăn với vẻ mặt cau có, vì giận dữ hay sợ hãi, hay vì cả hai.

Điều đó xảy ra trước mắt nó trong chốc lát, thoáng qua như một tia chớp, và bây giờ chúng đã biến mất. Nhưng chúng đã nhận ra nó, và nó đã nhận ra chúng; và vẻ mặt chúng đã in sâu vào trí não của Ôlivơ đến nỗi chẳng khác gì đã được khắc sâu vào đá và đặt trước mặt nó từ khi nó ra đời. Nó đứng ngẩn người một lát, rồi nhảy khỏi cửa sổ chạy ra vườn kêu cứu ầm lên.