Ôlivơ Tuýt - Chương 37

CHƯƠNG XXXVII

MỘT SỰ TƯƠNG PHẢN KHÔNG HIẾM THẤY TRONG CHUYỆN HÔN NHÂN

Ông Bâmbân ngồi trong phòng khách nhà tế bần, thẫn thờ đưa mắt nhìn chăm chú lò sưởi trống không, và vì đang là mùa hạ nên nó không buông ra một ngọn lửa nào tươi vui mà chỉ phản chiếu vài tia nắng yếu ớt rọi xuống bề mặt lạnh lẽo và láng bóng của nó. Chốc chốc ông ngước mắt nhìn cái bẫy ruồi bằng giấy treo lơ lửng trên trần, suy nghĩ trầm ngâm và nhìn những con ruồi dại dột bay quanh cái lưới lóe loẹt, ông Bâmbân thốt ra một tiếng thở dài não nuột, trong khi một bóng mây còn u ám hơn che phủ cả vẻ mặt ông. Ông Bâmbân đang trầm ngâm, có thể là mấy con ruồi kia nhắc ông nhớ tới một quãng đường vất vả trong cuộc đời vừa qua của ông.

Vẻ mặt ủ dột của ông Bâmbân không phải là điều duy nhất làm nảy sinh sự băn khoăn tò mò trong lòng một người quan sát. Ngoài ra, còn có những biểu hiện khác nữa, và đó là những biểu hiện gắn chặt với cá nhân ông ta, cho ta biết rằng một sự thay đổi to lớn đã xảy ra trong tình hình công việc của ông. Cái áo ngoài viền đăng ten, và chiếc mũ ba góc đâu cả rồi? Ông vẫn còn mặc quần ngắn đến đầu gối và chân vẫn đi đôi tất vải đen, nhưng đó không phải là cái quần trước đây. Cái áo ngoài có tà rộng, đúng thế - và về mặt này nó vẫn giống như cái áo trước đây, nhưng lại khác rất xa. Cái mũ ba góc uy nghi đã được thay thế bằng một chiếc mũ tròn khiêm tốn. Ông Bâmbân không còn là ông tư tế nữa.

Trong đời có sự thăng quan tiến chức mà ngoài những phần thưởng quan trọng hơn nó có thể đem đến, nó còn có giá trị và phẩm giá đặc biệt nhờ cái áo ngoài và cái áo chẽn gắn liền với nó. Một ông thống chế có bộ đồng phục của mình. Một ông giám mục có cái tạp dề bằng lụa, một ông tư tế có cái mũ ba góc. Nếu tước bỏ cái tạp dề của ông giám mục, tước bỏ cái mũ và đăng ten của ông tư tế thì họ là ai? Là người mà thôi. Phẩm giá và thậm chí cả vẻ thiêng liêng nữa, đôi khi là chuyện quần áo hơn là điều người ta vẫn tưởng.

Ông Bâmbân đã lấy bà Korni và đã là ông chủ nhà tế bần. Một ông tư tế khác đã nhậm chức. Ông này đã thừa hưởng cái mũ ba góc, cái áo ngoài viền đăng ten kim tuyến và cây gậy: cả ba thứ. Ông Bâmbân thở dài nói:

“Đến mai là được hai tháng rồi đấy! Mình tưởng như là một thế kỷ!”.

Những lời nói này của ông Bâmbân lẽ ra phải nói lên rằng trong quãng thời gian ngắn ngủi tám tuần lễ, ông đã sống một cuộc đời hạnh phúc; nhưng tiếng thở dài... tiếng thở dài này có rất nhiều ý nghĩa. Ông Bâmbân vẫn mải mê suy nghĩ, nói:

“Mình đã tự bán mình để đổi lấy sáu thìa trà, một cái gắp đường và một bình sữa, dăm ba thứ bàn ghế bán lại và hai mươi bảng tiền mặt. Rẻ quá đi mất! Rẻ quá, rẻ kinh khủng!”.

“Rẻ à?”. Một giọng nói lanh lảnh vang lên bên tai ông Bâmbân. “Cái thứ ông, giá bao nhiêu cũng là đắt. Tôi đã phải trả giá cho ông quá đắt đấy, điều đó có trời kia biết!”.

Ông Bâmbân quay đầu lại và bắt gặp bộ mặt của người bạn đời thú vị, đang nghe loáng thoáng lời than phiền của ông. Bà đã hiểu mang máng, bèn đưa ra câu trả lời này.

“Bà Bâmbân, này bà!”, ông Bâmbân nói, giọng nghiêm nghị đầy tình cảm.

“Cái gì nào?”, bà vợ kêu lên.

“Bà hãy chịu khó nhìn tôi xem”, ông Bâmbân nói, mắt đăm đăm nhìn vợ. (“Nếu bà ta chống lại được cái nhìn này của mình”, ông Bâmbân tự nhủ, “thì bà ta có thể chống lại được tất cả. Đấy là cách nhìn ta vẫn dùng để trị những đứa nghèo khổ. Nếu khoản này cũng vẫn không ăn thua thì quyền lực của ta đi đời mất”.)

Người ta băn khoăn không biết có phải vì cách nhíu đôi mắt hết sức hẹp là đủ để cho những người nghèo - những người vì ăn uống không ra gì cho nên không mạnh dạn cho lắm - hoảng sợ hay là vì bà Korni hoàn toàn không sợ những cái nhìn của diều hâu. Sự thực là bà chủ chẳng hề hoảng sợ trước những cái nhìn cau có của ông Bâmbân, mà trái lại, còn khinh nó ra mặt, thậm chí thốt lên một tiếng lanh lảnh, nghe vang như một tiếng cười thực sự.

Nghe cái âm thanh hết sức bất ngờ ấy, lúc đầu ông Bâmbân tỏ ra không tin, nhưng rồi đâm hoảng. Sau đó ông quay trở lại tình trạng trước đây của mình, cứ trầm ngâm như thế cho đến khi giọng nói của bà vợ nổi lên làm thức tỉnh sự chú ý của ông.

“Ông định ngồi đây ngáy suốt ngày đấy à?”, bà Bâmbân bảo.

“Này bà, tôi cứ ngồi đây chừng nào còn muốn ngồi”, ông Bâmbân đáp, “và mặc dầu tôi không ngáy, tôi cũng cứ ngáy, cứ há hốc miệng, nhảy mũi, cười hay khóc, tùy theo ý thích của tôi, đó là đặc quyền của tôi”.

“Đặc quyền của ông à?”, bà Bâmbân chế nhạo, vẻ khinh bỉ ra mặt.

“Tôi nói thế đấy bà ạ”, ông Bâmbân bảo. “Đặc quyền của người chồng là ra lệnh”.

“Thế đặc quyền của người vợ là gì, nhân danh Chúa?”, con người thay thế bà vợ đã chết của ông Bâmbân nói.

“Là vâng lời, bà ạ!”, ông Bâmbân gào lên, “ông chồng bất hạnh trước đây của bà lẽ ra phải dạy cho bà biết điều đó, và nếu thế thì có thể bây giờ ông ta còn sống. Ông ta mà còn sống thì hay biết mấy, con người tội nghiệp”

Bà Bâmbân thoáng nhìn đã biết ngay rằng giờ phút quyết định đã đến, rằng bên này hay bên kia phải giành quyền thống trị một lần và mãi mãi, nên vừa nghe đến lời nhắc bóng gió tới con người đã chết, liền buông mình rơi xuống một cái ghế, miệng kêu lanh lảnh rằng ông Bâmbân là đồ súc vật tàn nhẫn và chảy nước mắt ròng ròng.

Nhưng nước mắt không phải là vật có thể lọt vào tim ông Bâmbân, tim ông không thấm nước. Cũng giống như mũ da hải ly gặp nước mưa thì càng tốt thêm, thần kinh ông càng vững chắc và khỏe khoắn khi thấy những giọt nước mắt biểu hiện sự yếu đuối, và như vậy là im lặng thừa nhận quyền lực của mình, và ông Bâmbân thích thú và khoái trá. Ông đưa mắt nhìn bà vợ quý hóa, và với giọng khuyến khích, yêu cầu bà ta cứ kêu lên thật to, vì thầy thuốc cho rằng làm thế là có ích cho sức khỏe. Ông Bâmbân nói:

“Nó làm nở phổi, mặt mày tươi tỉnh, cặp mắt lanh lợi và thần kinh dịu bớt. Xin bà cứ kêu toáng lên!”.

Sau khi đưa ra lời bông đùa này, ông Bâmbân giật mũ ở mắc áo, đội lên đầu khá vội vàng, lệch hẳn về một bên như người cảm thấy mình đã khẳng định được ưu thế của mình một cách thích đáng, ông thọc hai tay vào túi đi về phía cửa, vẻ mặt hết sức hài lòng và thích thú.

Bà Korni vừa rồi đã thử dùng nước mắt, vì nước mắt đỡ phiền phức hơn là tấn công bằng chân tay. Nhưng bây giờ bà hoàn toàn sẵn sàng sử dụng phương tiện thứ hai và ông Bâmbân cũng phát hiện ngay ra điều đó.

Bằng chứng đầu tiên của sự kiện này được biểu hiện bằng một âm thanh the thé, và ngay sau đó của ông Bâmbân bắn sang góc đối diện của căn phòng. Công việc sơ bộ này làm cho cái đầu của ông lộ trần và bà vợ khéo léo, một tay tóm chặt cổ ông, tay kia nện tới tấp (đặc biệt nhanh nhẹn và dữ dội). Sau đấy, bà thay đổi thủ thuật đôi chút bằng cách cào lên mặt và bứt tóc ông. Và lúc này, khi bà cho là đã trừng trị tạm đủ cái hành động xúc phạm, bà đẩy ông ngồi phệt xuống ghế, may mắn sao nằm vào vị trí thích hợp cho mục đích ấy, rồi thách ông lại lên tiếng nói đến đặc quyền của ông, nếu như ông dám nói.

“Đứng lên!”, bà Bâmbân bảo, giọng ra lệnh, “xéo ngay khỏi nơi này nếu không muốn đây làm một cái gì tuyệt vọng”.

Ông Bâmbân đứng lên, vẻ mặt rất thiểu não, băn khoăn, hoảng hốt không biết cái điều tuyệt vọng ấy là cái gì. Nhặt chiếc mũ lên, ông nhìn về phía cửa.

“Định đi à?”, bà Bâmbân hỏi.

“Cố nhiên, thưa bà”, ông Bâmbân đáp, rồi bước nhanh hơn về phía cửa, “trước đây tôi không định... bây giờ tôi đi, bà ạ! Bà hung tợn quá đến nỗi thực ra tôi...”.

Đúng lúc ấy, bà Bâmbân vội bước lên phía trước, kéo tấm thảm vừa bị nhăn nhúm trong cuộc vật lộn, ông Bâmbân liền lao ngay ra khỏi phòng, không nghĩ đến việc nói lại trọn câu đang nói dở và để mặc bà cựu quả phụ Korni hoàn toàn làm chủ trận địa.

Ông Bâmbân rõ ràng bị bất ngờ và bị đánh bại thảm hại. Ông vẫn ham thích hành hạ những người khác, ông tỏ ra hết sức thích thú được thực hiện những điều tàn nhẫn lặt vặt và do đó, không cần phải nói, rõ ràng ông là một người hèn nhát. Điều này hoàn toàn không phải đã bôi nhọ tính cách của mình, vì nhiều nhân vật quan trọng, được người ta rất tôn kính và thán phục, cũng là nạn nhân của những khuyết điểm như vậy. Rõ ràng nhận xét này là để khen ngợi hơn là để chê trách ông, và để bạn đọc có một khái niệm đúng đắn về tài năng của ông đối với công việc.

Nhưng mức độ bị lăng nhục của ông vẫn chưa hết. Sau khi đi quanh ngôi nhà một vòng, và lần đầu tiên nghĩ rằng các đạo luật về những người nghèo thực quá gay gắt, và những anh chồng bỏ rơi vợ phó mặc cho họ địa phận trông coi, theo công lý không đáng bị trừng phạt gì hết, mà trái lại đáng được khen thưởng là những cá nhân xứng đáng đã bị đau khổ nhiều, ông Bâmbân bước đến một căn phòng, ở đấy một vài người đàn bà nghèo vẫn thường giặt thuê quần áo của địa phận. Lúc này ở đấy có tiếng trò chuyện vang lên. Ông Bâmbân quay trở lại tất cả cái vẻ oai vệ trước đây, cất giọng bảo:

“Hèm! Mấy mụ này ít nhất phải tôn trọng đặc quyền của ta chứ! Nào, cái gì thế? Bọn khốn nạn kia, chúng mày định làm gì mà ầm ĩ lên thế?”

Nói đoạn, ông Bâmbân mở cửa và bước vào với cái vẻ rất hung dữ và tức bực, nhưng ngay lập tức nó biến thành thái độ hết sức khúm núm và nhút nhát khi đôi mắt của ông nhìn thấy hình dáng bà vợ mình.

“À bà”, ông Bâmbân nói, “tôi không biết có bà ở đây”.

“Không biết có bà ở đây?”, bà Bâmbân nhại lại. “Thế ông làm cái gì ở đây nào?”.

“Tôi nghĩ rằng họ nói chuyện quá nhiều nên không làm việc được bao nhiêu, bà ạ”, ông Bâmbân đáp, mắt lơ đãng nhìn hai bà già cạnh cái chậu giặt đang thán phục cái vẻ khiêm tốn của ông chủ nhà tế bần. Bà Bâmbân nói:

“Ông cho là họ chuyện trò quá nhiều à? Ông có công việc gì ở đây?”

“À này bà...”, ông Bâmbân dịu giọng nói.

“Ông có công việc gì ở đây?”, bà Bâmbân lại hỏi.

“Đúng rồi, bà là bà chủ ở đây”, ông Bâmbân đấu dịu, “nhưng tôi nghĩ có thể lúc này bà không ở đây!”.

“Này ông Bâmbân, tôi bảo cho mà biết”, bà vợ quật lại. “Chúng tôi không muốn ông can thiệp vào đây. Ông cứ thích thọc mũi vào những công việc không phải là của mình, vào những chuyện không liên quan gì đến mình làm cho mọi người trong nhà cười khi ông quay mặt đi và làm cho trong bất cứ giờ nào trong ngày ông cứ như là một thằng hề ấy. Ông xéo đi cho tôi nhờ!”

Ông Bâmbân hết sức đau xót trước vẻ thích thú của hai bà cụ già đang cười khúc khích với nhau hết sức vui vẻ, ngần ngừ một lát, nhưng bà Bâmbân không thể kiên nhẫn chấp nhận một sự trì hoãn nào hết, vớ lấy một bát nước xà phòng, giơ tay chỉ về phía cửa, ra lệnh cho ông đi ngay lập tức nếu không thì con người oai vệ của ông sẽ đón lấy cả cái bát xà phòng này.

Ông Bâmbân biết làm gì bây giờ? Ông thiểu não nhìn quanh rồi lủi bước, và khi ông bước đến cửa, tiếng cười khúc khích của những người nghèo vang lên thành tiếng cười hể hả, khoái trá, không thể nào đè nén được. Đến thế là hết. Ông bị lăng nhục trước mặt họ. Ông đã mất hết phẩm giá và địa vị trước mặt ngay cả bọn nghèo khổ. Từ cái địa vị cao quý và rực rỡ của ông tư tế, ông đã rơi xuống tình trạng thấp hèn nhất của một thằng chồng bị vợ xỏ mũi.

“Tất cả xảy ra chỉ trong hai tháng!”. Ông Bâmbân nói lòng đầy những ý nghĩ buồn bã. “Hai tháng! Không đầy hai tháng trước đây mình không những là ông chủ của mình mà còn là ông chủ của mọi người khác, trong phạm vi nhà tế bần địa phận... Thế mà bây giờ...”.

Thực quá tệ! Ông Bâmbân tát tai thằng bé mở cổng cho ông (vì trong lúc mơ mộng ông đã bước ra đến cổng) rồi bước đi ngơ ngác, ra ngoài phố.

Ông lang thang hết phố này sang phố khác cho đến khi việc lang thang này làm dịu bớt cơn giận dữ bực tức đầu tiên, và lúc đó sự thay đổi trong cảm xúc làm cho ông thấy khát. Ông đi ngang qua nhiều quán rượu, nhưng cuối cùng dừng lại ở một quán cạnh con đường hẻm, phòng ăn ở đấy, khi ông vội vàng liếc nhìn qua bức mành, vắng ngắt, chỉ có một phòng khách mà thôi. Lúc này trời mưa nặng hạt. Điều này khiến ông quyết định bước vào. Ông Bâmbân bước vào và khi đi qua quầy hàng, ông sai mang đến một cái gì để uống, ông bước vào căn phòng mà từ ngoài đường ông đã nhìn thấy.

Người đã ngồi ở đấy là một người cao lớn, da ngăm đen mình vận một áo khoác rộng. Hắn có vẻ là một người lạ và cứ trông cái nhìn hơi mệt mỏi, cũng như bụi bám đầy quần áo của hắn, người ta cũng đoán biết hắn đi từ khá xa đến đây. Hắn đưa mắt nhìn trộm ông Bâmbân khi ông bước vào, nhưng hầu như không thèm gật đầu để trả lời cái chào của ông.

Ông Bâmbân có đủ phẩm giá bằng hai người, ngay dù cho con người lạ mặt tỏ ra trơ tráo hơn. Cho nên ông lặng lẽ nhắp rượu gin pha nước và đọc báo vẻ hết sức long trọng và oai vệ.

Nhưng tình hình vẫn thế, như điều vẫn thường xảy ra khi người ta làm quen với nhau trong những hoàn cảnh như vậy. Thỉnh thoảng ông Bâmbân lại cảm thấy không thể cưỡng lại được, phải nhìn trộm người lạ mặt một cái, nhưng cứ mỗi lần như vậy, ông lại quay mặt đi, vẻ hơi lúng túng vì nhận thấy lúc đó người lạ mặt cũng đang nhìn trộm ông. Vẻ vụng về của ông Bâmbân lại tăng thêm do chỗ cái nhìn của người lạ mặt vừa sắc lại vừa sáng, nhưng cau lại đầy hoài nghi ngờ vực, không giống tất cả những người trước đây ông vẫn quan sát và làm người ta khó chịu. Sau khi mắt hai người đã nhiều lần giao nhau như thế, người lạ mặt cất giọng trầm trầm thô lỗ, phá vỡ sự yên lặng. Hắn nói:

“Có phải lúc ông nhòm qua cửa sổ là lúc ông đang đi tìm tôi không?”.

“Tôi không biết, trừ phi ông là ông...”.

Đến đây ông Bâmbân ngừng phắt lại vì tò mò muốn biết tên người lạ mặt và trong tình trạng nóng ruột ông nghĩ rằng người kia sẽ điền tên mình vào chỗ bỏ lửng.

“Tôi thấy rằng ông không tìm”, người lạ mặt nói, khóe miệng mỉm một nụ cười châm biếm, “nếu không ông đã biết tên tôi rồi. Ông không biết. Tôi khuyên ông đừng hỏi tên tôi”.

“Anh bạn trẻ, tôi không có ý định làm hại anh”, ông Bâmbân oai vệ nhận xét.

“Và ông không hề làm hại tôi”, người lạ mặt nói.

Một phút im lặng nữa kế tiếp theo sau cuộc đối thoại ngắn ngủi này, rồi người lạ mặt lại phá vỡ sự yên lặng. Hắn nói:

“Hình như tôi đã thấy ông trước đây thì phải? Lúc bấy giờ ông ăn mặc khác bây giờ, và tôi chỉ gặp ông ở ngoài đường, nhưng tôi vẫn có thể nhận ra ông. Ông đã từng làm tư tế ở đây, có phải không nào?”.

“Đúng thế”, ông Bâmbân đáp, vẻ hơi ngạc nhiên. “Tư tế của địa phận”.

“Đúng lắm rồi”, người kia gật gù đáp. “Tôi chỉ thấy ông với chức vụ như vậy. Bây giờ ông làm gì?”.

“Chủ nhà tế bần”, ông Bâmbân chậm rãi và oai vệ đáp, để kìm thái độ thân mật không phải chỗ mà nếu không thế thì người lạ mặt có thể dùng. “Chủ nhà tế bần, anh bạn trẻ ạ”.

“Chắc hẳn ông vẫn quan tâm tới quyền lợi của mình như trước chứ?”. Người kia lại hỏi, nhìn chằm chằm vào đôi mắt của ông Bâmbân, trong khi ông ngước mắt sửng sốt trước câu hỏi này. “Ông cứ việc trả lời thoải mái không phải ngần ngại gì hết. Ông thấy chưa, tôi cũng biết ông khá đấy chứ!”.

“Tôi cho rằng một con người có vợ”, ông Bâmbân lấy tay che mắt đáp, rồi nhìn người lạ mặt từ đầu đến chân, vẻ lo lắng rõ rệt, “tôi cho rằng một người có vợ vẫn không từ chối nhận một đồng penni lương thiện, chẳng khác gì một người độc thân, khi anh ta có thể làm. Các viên chức của địa phận lương bổng chẳng ra gì nên họ không từ chối tiền thưởng thêm nếu họ có thể có được điều đó một cách lịch sự và thích hợp”.

Người lạ mặt mỉm cười, rồi gật đầu đầy ý nghĩa, ý muốn nói rằng anh ta nhìn người không lầm, sau đó rung chuông.

“Ông nhớ rót đầy cốc này một lần nữa”, hắn nói và trao cốc đã cạn của ông Bâmbân cho chủ quán. “Rượu phải mạnh và nóng. Ông thích thế chứ, có phải không nào?”.

“Đừng mạnh quá”, ông Bâmbân khẽ dặng hắng đáp.

“Ông biết cái đó là gì chứ? Chủ quán!” Người lạ mặt nói cộc lốc.

Người chủ quán mỉm cười, biến mất, rồi lát sau lại xuất hiện với cốc rượu đầy và bốc hơi. Vừa mới nhắp lần đầu nó đã làm cho ông Bâmbân chảy nước mắt.

“Bây giờ ông hãy nghe tôi nói”, người lạ mặt bảo sau khi đã đóng cửa lớn và cửa sổ. “Tôi đã đến đây hôm nay để tìm cho được ông, và do những điều may mắn mà đôi khi quỷ sứ đem đến cho những người bạn của nó, ông lại bước vào đúng lúc tôi chỉ nghĩ đến ông. Tôi muốn ông cho tôi biết một tin. Tôi không yêu cầu ông cho không tôi cái tin ấy, dù là nó không có gì hết. Để bắt đầu, mời ông cầm cái này”.

Khi nói, anh ta đưa ra hai xôvơren qua bên kia bàn cho ông bạn, rất cẩn thận để cho ở ngoài đường không ng tiếng đồng tiền kêu lanh canh. Khi ông Bâmbân đã nhìn đồng tiền rất cẩn thận để yên trí rằng nó là tiền thật, ông hết sức đắc chí nhét tiền vào túi áo gilê. Người kia nói tiếp:

“Ông hãy nhớ kỹ những kỷ niệm của mình nhé... mười hai năm trước đây, vào mùa đông...”.

“Lâu quá rồi đấy”, ông Bâmbân nói, “được rồi, tôi sẵn sàng”.

“Địa điểm xảy ra là nhà tế bần”.

“Tốt”.

“Và thời gian là ban đêm”.

“Được rồi!”.

“Còn địa điểm là cái nơi bẩn thỉu ở đấy những mụ đàn bà khốn nạn cho ra đời và nhiều khi vì thế mà chết... cho ra đời những đứa con kêu khóc ầm ĩ để bắt địa phận phải nuôi, còn họ thì che giấu sự xấu hổ của mình, mẹ kiếp, ở dưới mồ”.

“Ý ông muốn nói đến cái phòng đỡ đẻ chứ gì?”. ông Bâmbân nói, vẫn chưa hoàn toàn nắm được cách miêu tả sôi nổi của người lạ mặt.

“Đúng rồi”, người lạ mặt nói, “một thằng bé đã ra đời ở đấy!”.

“Mẹ kiếp, tất cả những đồ quỷ con ấy”, người lạ mặt nói, “tôi nói đến một thằng bé mặt mày xanh xao, có vẻ hiền lành, đã từng giúp việc ở đây cho một người đóng quan tài. Tôi chỉ mong nó đóng quan tài của nó và nhét xác nó vào đấy. Sau đó, nó chạy trốn lên Luân Đôn, hình như thế thì phải”.

“À ông nói đến Ôlivơ chứ gì? Thằng bé Tuýt”, ông Bâmbân nói. “Cố nhiên tôi nhớ nó, chẳng có thằng bé khốn nạn nào bướng bỉnh hơn nó”.

“Tôi không muốn nghe nói đến nó đâu. Tôi đã nghe nói về nó đủ lắm rồi!”. Người lạ mặt ngắt lời ông Bâmbân đang tràng giang đại hải nói về những tật xấu của thằng Ôlivơ tội nghiệp. “Tôi muốn nói đến một người đàn bà, cái mụ phù thủy đã chăm sóc mẹ nó. Mụ ấy đâu rồi?”.

“Mụ ấy đâu rồi à?”. Ông Bâmbân nói, rượu gin pha nước đã làm cho ông ta thành dí dỏm. “Nói thì cũng khó đấy. Ở đấy không có nơi đỡ đẻ, mụ ta còn biết đi đâu, nên tôi cho rằng mụ ta không có công việc”.

“Ý ông muốn nói gì thế?”, người lạ mặt nghiêm nghị hỏi.

“Tôi muốn nói rằng mụ ta đã chết mùa đông năm ngoái”, ông Bâmbân đáp.

Người kia nhìn chằm chằm vào mặt ông Bâmbân khi ông cho biết tin này; và mặc dầu sau đó hắn không chuyển đôi mắt sang hướng khác, cái nhìn của hắn dần dần đâm ra hoang mang ngơ ngác và hắn có vẻ như suy nghĩ mông lung. Trong chốc lát, khó mà biết hắn cảm thấy an tâm hay thất vọng trước cái tin này, nhưng cuối cùng thở dễ dàng hơn và quay mặt đi, hắn nói rằng điều đó không có gì quan trọng. Nói đoạn, hắn đứng dậy như muốn ra đi.

Nhưng ông Bâmbân cũng khá ranh mãnh, nhận thấy ngay rằng đây là một dịp để cho bà vợ thân yêu của ông kiếm chác to vì bà ta nắm được một điều bí mật. Ông nhớ rất rõ những điều xảy ra đêm bà cụ Xanli chết, và không phải vô cớ mà những sự cố của hôm đó lại in sâu trong trí nhớ của ông, đó là hôm ông đã ngỏ ý muốn lấy bà Korni. Và mặc dầu bà ta chưa bao giờ cho ông biết điều mà bà ta là người duy nhất chứng kiến, nhưng những điều ông nghe được cũng đủ để ông biết rằng nó liên quan đến một chuyện gì đó đã xảy ra trong việc phục vụ của bà cụ làm hộ lý nhà tế bần khi bà ta chăm sóc người mẹ trẻ tuổi của Ôlivơ Tuýt. Ông vội vàng hồi tưởng lại trường hợp này, và với vẻ bí mật, báo cho người lạ mặt biết rằng một người đàn bà đã ở trong phòng cùng với bà cụ hom hem kia trước khi bà ta chết ít lâu, và ông có lý do để tin rằng bà có thể cho biết đôi chút về câu chuyện anh ta quan tâm.

“Tôi biết tìm bà ta ở đâu đây?”. Người lạ mặt hỏi, sau khi đã vứt bỏ sự gìn giữ của mình và rõ ràng biểu lộ rằng tin này làm nảy sinh tất cả những điều sợ hãi của hắn (dù cho đó là những điều gì).

“Chỉ có bằng cách nhờ tôi”, ông Bâmbân nói.

“Lúc nào?”, người lạ mặt vội vàng kêu lên.

“Ngày mai”, ông Bâmbân đáp.

“Chín giờ tối”, người lạ mặt nói, rồi rút ra một mẩu giấy trên đó ghi địa chỉ một ngôi nhà tối tăm giáp bờ sông, nét chữ biểu lộ sự lúng túng của anh ta. “Chín giờ tối, đem bà ta đến gặp tôi. Tôi không cần dặn ông phải giữ bí mật. Đó là vì lợi ích của ông”

Nói đoạn hắn đi đến bên cửa, sau khi đã dừng lại để trả tiền rượu đã uống, hắn cộc lốc bảo rằng hai người đi hai đường khác nhau, rồi nhắc lại cẩn thận giờ gặp tối mai và bước thẳng không thèm chào gì hết.

Liếc nhìn địa chỉ, ông viên chức địa phận nhận thấy nó không mang tên ai hết. Người lạ mặt đi chưa xa, nên ông ta chạy theo để hỏi.

“Ông muốn gì?”. Người lạ mặt quay ngoắt lại khi ông Bâmbân chạm vào bàn tay hắn. “Ông đi theo tôi à?”.

“Tôi chỉ muốn hỏi ông một câu”, ông Bâmbân nói và chỉ vào mẩu giấy. “Tôi hỏi tên ai mới được chứ”.

“Mănxơ”, người kia đáp và vội rảo bước đi nhanh.