Ôlivơ Tuýt - Chương 38

CHƯƠNG XXXVIII

NHỮNG ĐIỀU XẢY RA GIỮA ÔNG BÀ BÂMBÂN VÀ MĂNXƠ TRONG CUỘC GẶP MẶT BUỔI TỐI

Đó là một buổi chiều mùa hạ buồn bã, oi bức và đầy mây. Những đám mây đã đe dọa người ta suốt cả ngày trải ra thành một đám hơi dày đặc và lờ đờ, đã làm rơi những giọt mưa nặng trĩu và hình như báo trước một cơn dông dữ dội, khi ông bà Bâmbân rời khỏi đường phố chính của thành phố để đi về một khu thưa thớt những căn nhà nho nhỏ, hoang tàn nằm cách đấy khoảng một dặm rưỡi và dựng trên một đầm lầy bẩn thỉu, giáp bờ sông.

Hai người đều mặc quần áo ngoài cũ kỹ, có lẽ phần để khỏi bị mưa ướt, phần để đỡ bị chú ý. Ông chồng cầm một chiếc đèn xách nhưng vẫn chưa thắp và bước nặng nề vài bước về phía trước, chắc hẳn để tìm đường vì đường bẩn thỉu, để bà vợ có được điều thuận tiện là giẫm theo những dấu chân nặng trĩu của ông ta. Hai người bước đi, miệng ngậm tăm, thỉnh thoảng ông Bâmbân bước chầm chậm và quay đầu lại dường như đã yên trí là bà vợ vẫn bước theo mình, sau đó, nhận thấy bà ta theo sát gót, ông lại rảo bước đi rất nhanh đến nơi đã hẹn.

Tiếng tăm nơi này không làm ai ngờ vực. Từ lâu, người ta đã biết đó là chốn không có ai ở, ngoài những tên côn đồ hèn hạ, những kẻ giả vờ sống bằng lao động của mình theo nhiều cách khác nhau, nhưng chủ yếu là sống bằng trộm cắp và tội ác. Đó là một nơi tụ tập những túp hang chuột. Một vài túp được dựng lên vội vàng bằng những viên gạch rời, một vài túp khác bằng những thanh gỗ đóng tàu cũ kỹ đã bị mọt gặm, chồng chất lên nhau không theo trật tự nào hết, và phần lớn cách bờ sông vài bước chân. Một vài chiếc tàu đã thủng được kéo lên bùn và buộc chặt vào bức tường thấp lè tè. Đây đó là một mái chèo hay một cuộn dây thừng, chúng xuất hiện lúc đầu dường như để cho biết rằng những người ở các ngôi nhà khốn khổ làm một công việc gì ở trên sông; nhưng khi nhìn tình trạng vô dụng và tơi tả của những vật phơi bày ở đấy, một người đi qua có thể dễ dàng đoán biết chúng phơi bày ở đấy chẳng qua chỉ là để che mắt thế gian chứ không hề có mục đích để cho thực tế người ta sử dụng.

Ở giữa đám nhà gỗ này và sát bờ sông, với những tầng trên trông ra sông là một ngôi nhà lớn trước đây hẳn là một nhà máy gì đấy. Vào thời của nó, chắc hẳn nó đã cung cấp việc làm cho những người ở các ngôi nhà chung quanh. Nhưng nó đã đổ nát từ lâu. Chuột, sâu bọ, ẩm ướt đã làm yếu và làm mục nát những trụ gỗ nâng đỡ ngôi nhà, và một bộ phận quan trọng của ngôi nhà đã đổ gục xuống nước, trong khi phần còn lại đang lung lay và nghiêng về phía dòng nước đen ngòm hình như chỉ chờ dịp thuận tiện là gục theo anh bạn cũ và cũng chịu chung một số phận.

Hai vợ chồng quý hóa này dừng lại trước ngôi nhà đổ nát vào lúc tiếng sấm đầu tiên rền vang ở trên không và mưa bắt đầu đổ xuống như trút nước. Ông Bâmbân nhìn mẩu giấy cầm ở tay, rồi lên tiếng:

“Nơi ấy chỉ ở đâu đây mà thôi”.

“Ai đấy?”, có tiếng gọi ở phía trên.

Ông Bâmbân ngửng đầu nhìn về phía tiếng gọi và thấy ở tầng ba có một người đang nhoài nửa người ra ngoài cửa sổ. Người đó bảo:

“Chờ cho một phút, tôi sẽ xuống ngay đây”, nói đoạn cái đầu biến mất và cánh cửa đóng lại.

“Có phải anh ta đấy không?”, bà vợ quý hóa của ông Bâmbân hỏi.

Ông Bâmbân gật đầu khẳng định, bà vợ nói:

“Thế thì ông phải nhớ những điều tôi đã bảo và phải chú ý nói thực ít đấy. Nếu không, ông sẽ làm chúng mình lộ tẩy ngay”.

Ông Bâmbân đã ngắm nhìn ngôi nhà với vẻ khó chịu, hình như tỏ ra ngờ vực không biết có nên thực hiện kế hoạch của hai người hay không, nhưng ngay lúc đó sự xuất hiện của Mănxơ đã cản trở không cho ông ta nói. Hắn mở cánh cửa nhỏ cạnh nơi hai người đứng, rồi vẫy tay ra hiệu bảo họ bước vào.

“Mời vào!”. Hắn kêu lên, vẻ sốt ruột và giẫm chân lên đất. “Đừng giam hãm mãi tôi ở đây?”.

Bà vợ, lúc đầu ngần ngại, sau mạnh dạn bước vào không cần mời mọc gì nữa. Ông Bâmbân xấu hổ hay sợ hãi vì phải tụt lại đằng sau, bước theo. Rõ ràng là ông ta rất khó chịu vì thấy mình chẳng quan trọng gì và gần như chẳng còn cái vẻ oai vệ đặc biệt khác thường vẫn là đặc điểm chính của ông.

“Làm cái quái gì mà cứ đứng thơ thẩn ở dưới trời mưa?”, Mănxơ quay ngoắt người lại bảo ông Bâmbân sau khi đã cài cánh cửa lại. Ông Bâmbân lắp bắp nhìn quanh, vẻ lo lắng.

“Chúng tôi... chúng tôi đứng cho mát”.

“Đứng cho mát?”, Mănxơ quật lại. “Tất cả những trận mưa đã rơi xuống và sẽ rơi xuống cũng đều không thể dập tắt được ngọn lửa địa ngục mà con người mang theo mình. Các vị không có thể làm cho mình mát mẻ dễ dàng như thế được đâu, xin thôi cái trò ấy đi”.

Sau câu nói dễ nghe như vậy, Mănxơ quay ngoắt lại về phía người đàn bà và nhìn chằm chằm vào mặt bà ta đến nỗi bà Bâmbân, tuy không phải là người dễ bị khuất phục, cũng tránh cặp mắt ấy và nhìn xuống đất.

“Bà ấy đây phải không?”, Mănxơ hỏi.

“Hèm! Đúng đấy!”, ông Bâmbân nhớ lại lời dặn của vợ đáp.

“Thế ông cho rằng đàn bà không bao giờ giữ được bí mật thì phải?”. Bà vợ nói xen vào và quay mặt đi trong khi nói để đáp lại cái nhìn xoi mói của Mănxơ.

“Tôi biết họ bao giờ cũng sẽ giữ một điều bí mật cho đến khi nó bị khám phá”, Mănxơ đáp.

“Điều bí mật gì thế?”, bà Bâmbân hỏi.

“Sợ mất danh tiếng”, Mănxơ đáp. “Vì vậy, cũng theo quy tắc này, nếu như một người đàn bà tham dự vào một công việc bí mật có thể làm cho bà ta bị treo cổ hay bị tù thì tôi không sợ bà ta nói cho ai hết, tôi không sợ tí nào! Bà hiểu tôi chứ?”.

“Không!”, bà Bâmbân hơi đỏ mặt đáp.

“Cố nhiên là không!”, Mănxơ nói. “Làm sao bà hiểu được?”.

Vừa nhìn hai người, vừa tỏ vẻ nửa mỉm cười, nửa cau mày, hắn lại vẫy tay bảo họ đi theo mình. Hắn đi vội qua một căn khá rộng nhưng thấp lè tè. Hắn đang chuẩn bị bước lên cầu thang dốc, hay đúng hơn cầu thang dẫn tới một căn phòng khác của nhà kho ở trên gác, bỗng một tia chớp sáng lóe hắt xuống từ một lỗ hổng ở trên và tiếng sấm sau đó gào lên làm cho ngôi nhà ọp ẹp lay chuyển đến tận móng.

“Nghe kìa!”. Hắn quát lên, lùi lại phía sau. “Nghe kìa! sấm gào thét như nó vọng lên từ một ngàn cái hang ở đấy bọn quỷ sứ đang ẩn nấp. Tiếng động dễ ghét quá!”.

Hắn im lặng vài phút, rồi đột nhiên cất tay khỏi mặt, ông Bâmbân nãy vẫn im lặng lúng túng, nhận thấy mặt hắn nhăn nhúm, tái mét.

“Chứng bệnh này, thỉnh thoảng tôi vẫn mắc”, Mănxơ nói khi nhận thấy ông Bâmbân hoảng hốt, “và đôi khi tiếng sấm làm cho nó nổi lên. Các vị đừng chú ý đến tôi, mọi việc xong xuôi rồi”.

Vừa nói thế, hắn vừa bước lên cầu thang và vội vàng đóng cửa chớp ở cửa sổ của căn phòng hắn vừa bước vào, hạ một chiếc đèn xách tay treo lơ lửng trên đầu một sợi dây thừng và vắt qua một trong những cái xà nặng trĩu. Ngọn đèn hắt một ánh sáng mờ mờ lên một cái bàn đã cũ và ba cái ghế đặt dưới bàn.

“Bây giờ”, Mănxơ nói sau khi cả ba người đã ngồi xuống, “ta bắt tay vào công việc càng sớm càng hay... Bà này biết câu chuyện chứ?”.

Câu hỏi này là để hỏi ông Bâmbân, nhưng đón trước câu trả lời, nói bà biết câu chuyện rất rõ.

“Ông ta bảo tôi rằng bà ở với cái mụ phù thủy già ấy tối mụ ấy chết mà mụ ta có bảo bà một điều gì đấy...”.

“Về bà mẹ thằng bé mà ông đã nhắc tới chứ gì?”. Bà Bâmbân ngắt lời hắn. “Đúng đấy!”.

“Câu hỏi thứ nhất của tôi là lời bộc lộ của mụ ấy có tính chất gì?”, Mănxơ hỏi.

“Đó là câu hỏi thứ hai”, bà Bâmbân nhận xét rất kiên quyết. “Câu hỏi thứ nhất là cái tin này giá bao nhiêu?”.

“Có quỷ mà biết được bao nhiêu, nếu không biết nó có tính chất gì!”, Mănxơ hỏi.

“Tôi tin chắc rằng không ai biết điều đó rõ hơn ông”, bà Bâmbân đáp, bà không thiếu tinh thần dũng cảm như đức ông chồng của bà có thể xác nhận điều đó rõ ràng.

“Hèm!”. Mănxơ nói, vẻ đầy ý nghĩa và mắt nhìn rất xoi mói, “như thế là bà muốn kiếm chác chứ gì?”.

“Rất có thể là thế”, bà Bâmbân điềm nhiên trả lời.

“Người ta đã lấy của bà ta một vật gì đấy”, Mănxơ đáp, “bà ta mang trên người một cái gì đấy, một vật gì...”.

“Tốt nhất là hãy ngã giá đã”, bà Bâmbân ngắt lời. “Tôi đã nghe đủ lắm rồi để biết chắc chính ông là người mà tôi cần phải nói chuyện”.

Ông Bâmbân, từ trước đến giờ vẫn chưa hề được bà vợ quý hóa san sẻ điều bí mật mà ông đã thoáng biết, vươn cổ, trố mắt lắng nghe câu chuyện trao đổi. Khi ông đưa mắt nhìn bà vợ, lúc nhìn Mănxơ với cái vẻ sửng sốt không giấu giếm, vẻ sửng sốt này còn tăng lên khi bà vợ nghiêm nghị đòi phải trả giá cho việc bộc lộ điều bí mật.

“Ông tính giá bao nhiêu?”, bà Bâmbân hỏi, vẻ thản nhiên như trước.

“Có thể là không có gì hết, cũng có thể là hai mươi bảng”, Mănxơ đáp. “Bà cứ nói ngay đi và để tôi giải quyết!”.

“Thêm năm bảng nữa vào con số ông đã nói, cho tôi hai mươi lăm bảng, tiền vàng”, bà vợ nói, “rồi tôi sẽ cho ông biết tất cả những điều bí mật. Còn trước đó thì không đâu”.

“Hai mươi lăm bảng”, Mănxơ kêu lên, bước lùi lại.

“Tôi nói hết sức rõ ràng”, bà Bâmbân đáp, “vả lại đó không phải là số tiền to lớn gì!”.

“Không phải là một số tiền lớn cho một điều bí mật tầm thường có thể chẳng có giá trị gì khi nói ra!”, Mănxơ kêu lên, sốt ruột. “Vả lại, nó đã bị chôn vùi mười hai năm hay hơn nữa”.

“Những chuyện như vậy được gìn giữ cẩn thận, và cũng như rượu ngon, nhiều khi thời gian làm nó đắt gấp đôi”, bà Bâmbân đáp, vẫn giữ thái độ thản nhiên kiên quyết trước đây của mình. “Còn về việc bị chôn vùi thì có những vật bị chôn vùi mười hai thế kỷ hay mười hai triệu năm, nhưng cuối cùng như ông và tôi đều biết, cuối cùng sẽ nói lên những chuyện kỳ lạ”.

“Còn nếu tôi trả tiền mà không được gì thì sao?”.

“Thì ông có thể lấy tiền lại rất dễ dàng”, bà Bâmbân đáp. “Tôi chỉ là một người đàn bà, ở đây một mình không có ai che chở”.

“Không phải chỉ có một mình đâu bà ạ, không phải không có ai che chở đâu”, ông Bâmbân nói, giọng run run vì sợ hãi. “Có tôi đây, bà ạ... Vả lại”, ông Bâmbân vừa nói, hàm răng vừa đánh cầm cập, “ông Mănxơ là người lịch sự không xúc phạm tới những con người của địa phận. Bà ạ, ông Mănxơ biết rõ tôi không phải là người trẻ trung gì và, như người ta có thể nói, tôi cũng là người đứng đắn, là một viên chức rất kiên quyết có sức mạnh khác thường một khi đã nổi xung. Tôi chỉ cẩn nổi xung lên một chút, chỉ có thế”.

Trong khi nói, ông Bâmbân giả vờ nắm lấy chiếc đèn xách, ra vẻ kiên quyết dữ tợn, nhưng nhìn bộ mặt hoảng sợ của ông, người ta cũng thừa biết, thực tế ông cần được người khác thôi thúc đôi chút và không phải chỉ đôi chút mới có thể có một hành động võ lực, cố nhiên không kể khi chống lại những người nghèo, hay chống lại một người hay những người khác đã được tập cho thon người lại vì mục đích ấy.

“Ông là thằng ngốc”, bà Bâmbân nói ông, “ngậm miệng cho tôi nhờ”.

“Kể ra ông ta nên cắt lưỡi đi trước khi đến, nếu như ông ta không thể nói khẽ hơn”, Mănxơ càu nhàu. “À thế, ông ấy là chồng bà đấy à?”.

“Nhà tôi đấy!”, bà vợ khúc khích khẳng định câu hỏi.

“Khi hai ông bà bước vào, tôi đã nghĩ thế”, Mănxơ đáp, nhận thấy cái nhìn giận dữ bà vợ ném cho ông chồng trong khi bà ta nói.

“Thế lại càng hay. Tôi đỡ băn khoăn phải mặc cả với hai người khi tôi thấy cả hai đều nhất trí. Tôi nói nghiêm chỉnh. Xem đây này!”.

Hắn thò tay vào cái túi ở bên cạnh và rút ra một cái túi nhỏ bằng vải, đưa ra hai mươi lăm đồng xôvơren đặt lên bàn rồi đẩy số tiền sang phía bà Bâmbân và nói:

“Bây giờ bà hãy nhận đi, và khi dứt cái tiếng sấm đáng nguyền rủa mà tôi cảm thấy sẽ gầm lên trên mái nhà, chúng ta sẽ nghe câu chuyện của bà”.

Sau khi tiếng sấm thực tế có vẻ gần hơn nhiều và gào lên nổ tung gần như ở trên đầu họ, đã dịu đi, Mănxơ ngẩng mặt lên khỏi bàn, cúi đầu về phía trước để lắng nghe những điều người đàn bà sẽ nói. Mặt của ba người gần như chạm vào nhau trong khi hai người đàn ông vươn đầu qua bàn nhỏ háo hức lắng nghe và người đàn bà cũng nhô đầu về phía trước để cho người ta nghe tiếng thì thào của bà ta. Những tia ánh sáng chập chờn của chiếc đèn xách tay lơ lửng trên đầu họ làm cho vẻ mặt của họ nom càng tái nhợt và lo âu, và ở giữa cái bóng tối dày đặc và đen ngòm, vẻ mặt họ trông hết sức rùng rợn.

“Khi bà cụ, mà chúng tôi gọi là cụ Xanli, chết”, bà Bâmbân bắt đầu, “chỉ có tôi và bà ấy mà thôi”.

“Có ai ở gần đấy nữa không?”, Mănxơ hỏi, cũng với cái giọng thì thào khản đặc như vậy, “không có một thằng khốn nạn nào hay một mụ ốm ngu ngốc nào ở cái giường bên cạnh chứ? Không ai có thể nghe, hay ngẫu nhiên có thể hiểu được chứ?”.

“Chẳng ma nào”, người đàn bà đáp, “chỉ có hai người mà thôi, tôi đứng một mình cạnh bà cụ khi bà cụ chết”.

“Tốt!”, Mănxơ nói, mắt nhìn bà Bâmbân chăm chú. “Nói tiếp đi!”.

“Bà cụ nói về một người đàn bà trẻ tuổi”, bà Bâmbân nói tiếp, “cách đây mấy năm đã sinh một đứa bé, không những là ngay trong phòng ấy mà còn ở ngay trên cái giường mà bà ta đang nằm hấp hối”.

“Thế kia à?”, Mănxơ nói, môi run lẩy bẩy và ngoái cổ lại nhìn quanh. “Ôi chao! Lại có những sự trùng nhau đến thế kia ư?”.

“Đó là thằng bé mà tối qua ông đã nói với ông này”, bà vợ nói, hất hàm lơ đãng về phía người chồng, “mụ hộ lý đã ăn trộm của bà mẹ...”.

“Khi bà ta còn sống à?”, Mănxơ hỏi.

“Khi bà ta đã chết”, người đàn bà khẽ rùng mình. “Mụ ta đã lấy trộm của cái thân hình gần như biến thành xác chết, một vật mà bà mẹ khi thở hơi cuối cùng đã cầu khẩn mụ giữ cho thằng bé”.

“Mụ ta bán mất rồi à?”, Mănxơ kêu lên trong cơn háo hức tuyệt vọng. “Mụ ta bán rồi à? Bán ở đâu? Lúc nào? Bán cho ai? Đã lâu chưa?”.

“Sau khi mụ ta thều thào bảo tôi rằng mụ đã làm điều đó”, bà Bâmbân nói, “mụ ngả người ra phía sau và chết”.

“Không nói gì nữa à?”, Mănxơ hỏi, giọng cố nén lại nên càng tỏ ra hung dữ. “Nói láo! Đừng có đùa với tôi. Mụ ta còn nói nữa. Tôi sẽ giết chết cả hai người nhưng tôi phải biết điều đó”.

“Mụ ta không nói một lời nào nữa”, người đàn bà đáp, vẫn cứ điềm nhiên như không trước vẻ hung tợn của người đàn ông lạ mặt (còn ông Bâmbân thì không phải hoàn toàn như vậy). “Nhưng một bàn tay của mụ cứ nắm cứng lấy áo tôi bàn tay gần như siết chặt. Và khi tôi thấy mụ đã chết và cố sức giật bàn tay ra, tôi thấy nó nắm một mẩu giấy bẩn thỉu”.

“Gói ghém...”, Mănxơ nói xen vào, đầu nhô hẳn về phía trước.

“Chẳng có gì hết”, người đàn bà đáp, “đó là một tờ biên lai của một hiệu cầm đồ”.

“Cầm cái gì?”, Mănxơ hỏi.

“Lát nữa tôi sẽ cho ông biết”, người đàn bà đáp. “Tôi cho rằng mụ ta đã giữ cái đồ nữ trang ấy trong ít lâu, hy vọng có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng sau mụ đã đem cầm, và dành dụm hay góp nhặt tiền nong để trả tiền lời cho nhà cầm đồ từng năm một để khỏi hết hạn, để nếu như có việc gì may mắn mụ lại có thể lấy lại được. Nhưng việc may mắn ấy không đến, và như tôi đã bảo với ông, mụ ta chết với mẩu giấy trong tay, nhàu nát tả tơi. Thời hạn trả còn hai ngày nữa, tôi nghĩ rằng một ngày nào đó nó sẽ có ích và tôi đã chuộc nó về”.

“Nó đâu rồi?”, Mănxơ hỏi ngay.

“Đây này”, người đàn bà đáp và sung sướng dường như thoát khỏi của nợ, vội vàng ném lên bàn một cái túi nhỏ bằng da vừa đủ rộng để chứa đựng một chiếc đồng hồ Pháp, Mănxơ liền vớ lấy, hai bàn tay lẩy bẩy mở nó ra. Nó đựng một quả tim nhỏ bằng vàng trong đó có hai món tóc, và một cái nhẫn cưới bằng vàng.

“Nó có chữ “Agnet” ở bên trong”, người đàn bà nói. “Có một chỗ trống dành cho cái tên họ, và sau đó là ngày tháng, đó là một năm trước khi đứa bé ra đời. Và tôi đã hiểu rõ tất cả”.

“Chỉ có thế thôi à?”, Mănxơ nói sau khi lục xét cẩn thận bên trong cái túi nhỏ.

“Chỉ có thế”, người đàn bà đáp.

Ông Bâmbân trút ra một hơi thở dài dường như mừng rỡ thấy câu chuyện đã chấm dứt và không thấy nhắc đến việc lấy lại hai mươi lăm bảng. Bây giờ ông đánh bạo lau mồ hôi nhỏ giọt trên mũi trong suốt câu chuyện trao đổi từ nãy đến giờ.

“Tôi không biết gì về câu chuyện này ngoài những điều tôi có thể phỏng đoán”, bà Bâmbân im lặng một lát, rồi hỏi Mănxơ, “và tôi cũng không muốn hỏi ông gì hết, vì không hỏi là yên ổn hơn. Nhưng tôi xin phép hỏi ông hai câu có được không?”.

“Bà cứ hỏi”, Mănxơ đáp, vẻ hơi ngạc nhiên, “nhưng còn tôi trả lời hay không thì đó lại là chuyện khác”.

“Như thế thành ra ba câu hỏi”, ông Bâmbân nhận xét, cố gắng làm ra vẻ hóm hỉnh.

“Đó có phải là điều ông chờ đợi tôi cung cấp cho ông không?”, người đàn bà hỏi.

“Đúng thế”, Mănxơ đáp. “Còn câu thứ hai?”.

“Ông định làm gì với cái đó? Ông có thể dùng nó để làm hại tôi không?”

“Không bao giờ”, Mănxơ đáp, “cũng không phải để làm hại tôi. Xem này! Nhưng đừng bước lên bước nào, nếu không đời các vị sẽ không đáng một xu đâu”.

Nói xong, hắn đột nhiên đẩy cái bàn ra một bên và kéo một vòng sắt ở sàn, hắn mở ra một cái cửa lớn ở ngay dưới chân ông Bâmbân làm ông vội vàng bước lùi mấy bước.

“Nhìn này!”, Mănxơ nói, rồi hạ chiếc đèn xách tay xuống hầm. “Ông bà đừng sợ. Lẽ ra tôi đã có thể cho hai người xuống đấy rất yên ổn khi còn ngồi ở trên miệng hố nếu như tôi có ý định ấy”.

Nghe vậy đến gần mép hầm, và ngay cả ông Bâmbân nữa, bị sự tò mò thúc đẩy, cũng đánh bạo làm thế. Dòng nước đục ngầu dâng lên sau trận mưa to đang chảy ào ào ở bên dưới và mọi tiếng động khác đều biến mất trong tiếng nước xoáy tít, đập tung tóe vào những cột trụ xanh rêu và đầy bùn. Trước đây, ở đấy có một cái cối xay nước và dòng nước sủi bọt chung quanh những dấu vết của cái bánh xe cũ đã mục nát hãy còn nằm đấy, và hình như lao đi với một sức mạnh mới vì thoát khỏi những sự cản trở đã hoài công tìm cách kìm hãm con đường chảy xiết của nó.

Mănxơ đu đưa chiếc đèn xách tay ở trong hầm tối om om, rồi bảo:

“Nếu ném xác một người xuống đấy thì sáng mai sẽ ra sao?”.

“Sẽ ở cách đây mười hai dặm và còn bị băm vụn ra”, ông Bâmbân đáp và bước lùi lại trước ý nghĩ ấy.

Mănxơ rút từ trong ngực ra cái gói nhỏ mà hắn đã hối hả nhét vào đấy, buộc vào gói một miếng chì đã từng là một bộ phận của một cái ròng rọc và đang nằm trên sàn, rồi ném nó xuống nước. Rơi xuống nước, nó phát ra một tiếng động khẽ, rồi biến mất.

Cả ba người đưa mắt nhìn nhau, họ cảm thấy thở dễ dàng hơn.

“Thế là hết!”, Mănxơ nói và đóng cửa sập lại, rồi cài chốt như cũ. “Nếu như biển trao lại những người chết, như sách vẫn nói, thì nó vẫn giữ vàng bạc cho nó và do đó vẫn giữ lại cả cái vật vặt vãnh kia. Chúng ta không có gì nữa để nói với nhau và chúng ta có thể chấm dứt cuộc gặp gỡ thú vị này”.

“Rất đúng!”, ông Bâmbân rất niềm nở nhận xét.

“Ông không bép xép chứ?”, Mănxơ đưa mắt nhìn, vẻ đầy hăm dọa và nói: “Còn về bà vợ của ông thì không phải lo”.

“Anh có thể tin tôi, anh bạn trẻ ạ”, ông Bâmbân đáp, ông cúi chào hết sức lễ phép, rồi tiến về phía cầu thang. “Vì quyền lợi của tất cả, anh bạn trẻ ạ, vì quyền lợi của tôi như anh biết đấy, anh Mănxơ”.

“Tôi rất sung sướng được nghe nói như vậy, vì quyền lợi của ông”, Mănxơ nhận xét, “thắp đèn lên! Rồi xéo thật nhanh khỏi nơi này”.

May sao, câu chuyện đến đây là kết thúc, nếu không ông Bâmbân đã khom lưng cách cầu thang không đầy sáu insơ thế nào cũng sẽ ngã lao đầu xuống căn phòng dưới. Ông thắp chiếc đèn xách tay của mình mà Mănxơ đã lấy ra khỏi sợi dây thừng và đang cầm ở tay. Rồi không cố gắng kéo dài câu chuyện trao đổi ông lặng lẽ bước xuống, bà vợ đi theo sau. Mănxơ đi cuối cùng, sau khi đã dừng lại ở trên bậc cầu thang để nghe ngóng xem ngoài tiếng mưa rơi và tiếng nước chảy xiết ra còn có tiếng động gì nữa không.

Ba người chậm rãi và thận trọng đi qua căn phòng thấp, vì Mănxơ giật mình mỗi khi thấy bất kỳ cái bóng gì. Ông Bâmbân cầm chiếc đèn xách tay cách mặt đất một phút, không những bước đi rón ra rón rén mà còn bước nhẹ nhàng kỳ lạ đối với một con người oai vệ như ông, cứ lo lắng nhìn quanh sợ những cái cửa sập vừa là cửa vừa là bẫy ở dưới chân. Cái cổng họ đã được Mănxơ rút then và mở ra khe khẽ, và hai vợ chồng chỉ gật đầu chào ông bạn bí mật, rồi bước ra ngoài trời ẩm ướt và tối tăm.

Hai người vừa mới ra đi thì Mănxơ là người xem ra rất ghét ngồi một mình, gọi một thằng bé vẫn nấp đâu đấy ở dưới. Sau khi ra lệnh cho nó đi trước và cầm đèn, hắn quay trở lại căn phòng mà hắn vừa rời khỏi.