Ôlivơ Tuýt - Chương 39 - Phần 1

CHƯƠNG XXXIX

GIỚI THIỆU MỘT VÀI NHÂN VẬT ĐÁNG KÍNH MÀ BẠN ĐỌC ĐÃ QUEN VÀ NÊU RÕ LÃO DO THÁI CÙNG MĂNXƠ BÀN NHAU MỘT ÂM MƯU QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO?

Buổi tối sau ngày ba con người quan trọng đã nhắc tới ở chương trên bàn xong công việc vụn vặt như vừa kể thì Uyliam Xaikit tỉnh dậy sau giấc ngủ ngắn ngủi, càu nhàu hỏi lúc này là mấy giờ tối.

Căn phòng ở đấy Xaikit nêu lên câu hỏi này không phải là căn phòng mà hắn đã thuê trước khi có vụ Secxi, mặc dầu nó cùng thuộc một khu phố và không cách xa các nơi ở trước đây của hắn bao nhiêu. Nhìn bên ngoài, nó không có vẻ gì là một nơi ở ấm cúng như các căn nhà trước đây của hắn. Đó là một căn nhà tầm thường và có rất ít đồ đạc, kích thước rất chật hẹp, chỉ được chiếu sáng bởi một cửa sổ nhỏ ở cái mái dốc thoai thoải và dẫn tới một đường hẻm chật hẹp và bẩn thỉu. Ở đây cũng không thiếu những dấu hiệu khác cho ta thấy rằng ông chủ của nó dạo này làm ăn sút kém, vì tình trạng đồ đạc thiếu thốn và hoàn toàn không có tiện nghi, cùng với tất cả những động sản nhỏ như quần áo và chăn gối để thay đổi đều biến mất, đã nói lên cảnh nghèo túng cùng cực, trong lúc đó, cái hình dạng gầy gò và tình trạng kiệt sức của bản thân Xaikit cũng khẳng định đầy đủ những triệu chứng này, nếu như chúng cần đến một sự khẳng định.

Tên ăn trộm đang nằm dài trên giường, quấn mình trong chiếc áo bành tô lớn màu trắng thay cho áo choàng mặc ở nhà và biểu lộ nhiều nét chẳng hay ho gì với cái màu da bủng beo vì bệnh tật như da người chết, và thêm vào đó là một cái mũ chụp bẩn thỉu và bộ râu cứng và đen đã một tuần nay chưa cạo. Con chó ngồi ở cạnh giường, chốc chốc lại vểnh tai liếc nhìn ông chủ, vẻ buồn bã, và thỉnh thoảng lại buông ra một tiếng gầm gừ khe khẽ khi một tiếng động nào đó ngoài phố hay ở dưới nhà làm nó chú ý. Một người đàn bà ngồi cạnh cửa sổ, đang hí hoáy vá chiếc áo chẽn cũ làm thành một bộ phận của quần áo thường ngày của tên ăn trộm. Chị ta xanh xao gầy gò vì thiếu ăn và phải lo chăm sóc người ốm đến nỗi khó khăn lắm mới có thể nhận ra đó chính là Nenxi, người đã được nhắc đến trong câu chuyện này, nếu như không nghe giọng nói của thị khi trả lời câu hỏi của Xaikit. Cô gái nói:

“Bảy giờ được một lát. Anh Bin, đêm nay anh thấy thế nào?”.

“Yếu như sên ấy”, Xaikit đáp, nguyền rủa đôi mắt và chân tay của mình. “Nào, giúp tôi một tay, và kéo tôi ra khỏi cái giường chết tiệt này”.

Bệnh tật đã không làm cho tính khí Xaikit khá hơn. Vì khi cô gái kéo hắn dậy và đẩy hắn đến một cái ghế thì hắn chửi vung lên bảo cô ta vụng về và đánh cô ta. Xaikit nói:

“Thút thít đấy à? Nào! Thôi đừng có thút thít ở đây nữa. Nếu mày không làm được gì hơn thì cút ngay. Nghe chửa!”.

“Em nghe rồi”, cô gái đáp, quay mặt đi và gượng cười. “Đầu óc anh đang nghĩ chuyện gì đấy?”.

“Ồ! Cô đánh giá đầu óc tôi cao quá đấy, có phải không?”, Xaikit càu nhàu, nhìn thấy giọt nước mắt long lanh ở khóe mắt thị. “Như thế càng tốt cho cô đấy!”.

“À này, anh không muốn nói rằng đêm nay anh sẽ gắt gỏng với em chứ, anh Bin!”. Cô gái nói, đặt bàn tay lên vai hắn.

“Không!”, Xaikit nói. “Nhưng tại sao lại không kia chứ?”.

“Đã bao đêm”, cô gái nói với vẻ dịu dàng của người đàn bà làm cho ngay cả giọng nói của thị cũng có cái gì ngọt ngào, “đã bao đêm em đã kiên nhẫn đối với anh, săn sóc, chăm nom anh như một đứa bé, và đây là lần đầu tiên anh tỏ ra giống với chính mình. Lẽ ra anh đã không đối xử với em như anh vừa làm, nếu như anh nghĩ đến điều đó, phải không nào? Nào, hãy nói là anh sẽ không như thế nữa”.

“Được thôi”, Xaikit đáp, “anh sẽ không như thế nữa. Mẹ kiếp con bé lại thút thít rồi!”.

“Chẳng có gì đâu”, cô gái đáp và ném mình xuống chiếc ghế. Anh đừng để ý đến em. Chỉ lát nữa là hết thôi”.

“Cái gì sẽ hết?”, Xaikit hỏi, giọng man rợ. “Bây giờ mày lại làm trò ngốc nghếch gì thế? Đứng lên lo công việc đi và đừng có tìm cách chinh phục tao bằng cái trò ngu xuẩn của đàn bà nhà mày”.

Vào bất cứ lúc nào khác, lời mắng nhiếc này cũng như cái giọng của nó sẽ gây nên tác dụng mong muốn, nhưng cô gái thực tế đã yếu đuối và kiệt sức, nên gục đầu xuống thành ghế và ngất đi trước khi Xaikit tìm được một vài lời mắng nhiếc thích hợp vào những dịp mà hắn vẫn quen dùng để tô điểm cho những lời đe dọa của hắn. Không biết nên làm gì trong trường hợp bất thường như thế này, vì cơn động kinh của Nenxi thường dữ dội, con bệnh đấu tranh và vật lộn với nó, nhưng khó lòng khắc phục được nếu không có sự giúp đỡ bên ngoài. Xaikit thử mắng thêm vài câu, nhưng nhận thấy lối chữa bệnh này hoàn toàn bất lực, liền kêu gọi giúp đỡ.

“Có việc gì thế anh bạn?”, lão Fâyjin nhìn vào và hỏi.

“Giúp tôi cứu con bé một tay, được không?”, Xaikit sốt ruột trả lời. “Đừng đứng đấy nói lảm nhảm và chế nhạo tôi nữa?”.

Lão Fâyjin thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên, vội vàng chạy đến giúp cô gái trong khi đó, Jôn Đôkinx (tức là Cáo) đã bước theo ông bạn đáng kính vào trong phòng, vội vàng đặt cái gói cậu ta cầm xuống sàn, rồi vớ lấy một cái chai trong tay Sacli Bâytit đi theo sát gót mình, cậu lấy răng mở nút chai trong nháy mắt rồi đổ một ít vào cổ họng người bệnh, trước đó đã nếm qua một ít để khỏi lầm lẫn, Đôkinx nói:

“Sacli, lấy cái bễ, cho chị ấy một luồng gió mát nào, còn cụ Fâyjin, cụ đập vào tay chị ta trong khi anh Bin nới váy”.

Tất cả những biện pháp này phối hợp lại được thực hiện rất kiên quyết - nhất là trách nhiệm giao phó cho Bâytit là người cảm thấy phần việc của mình ở đây rất thú vị - đã nhanh chóng đem đến cái kết quả mong muốn. Cô gái dần dần tỉnh lại, bước loạng choạng tới một cái giường, úp mặt lên gối, để mặc Xaikit đón tiếp những người mới đến, hơi ngạc nhiên về sự xuất hiện bất ngờ của họ.

“Cơn gió quỷ quái nào thổi mấy người đến đây?”, hắn hỏi lão Fâyjin.

“Chẳng có gió giếc nào hết, anh Bin ạ, vì những cơn gió độc không đem đến cái gì hay, còn tôi thì lại đem đến một cái gì tốt làm anh sẽ rất vui. Cáo, mở gói đồ và trao cho anh Bin những đồ vớ vẩn mà sáng nay chúng ta đã bỏ hết cả tiền để mua”.

Nghe theo lời yêu cầu của Fâyjin, Cáo mở cái gói ra. Gói này khá lớn và buộc vào một chiếc khăn bàn cũ. Cậu trao các đồ vật trong gói, từng cái một, cho Sacli Bytit. Cậu này đặt nó lên bàn, tấm tắc khen ngợi nó vừa hiếm lại vừa tốt.

“Anh Bin này, một miếng ba tê thỏ, chúa nhé”, cậu bé kêu lên khi bày một khoanh ba tê to tướng ra. “Con vật yếu ớt, với những cái chân mảnh dẻ như thế, anh Bin ạ, đến nỗi xương nó tan ra trong miệng anh, không tài nào nhặt được. Một nửa paođơ chè xanh giá bảy silinh sáu penni, rất bổ khỏe đến nỗi nếu pha nó với nước sôi thì phải cẩn thận kẻo nó làm tung cái nắp của bình chè đi đấy; một paođơ rưỡi đường ướt mà những người da đen nếu không chén được một miếng trước khi làm việc thì sẽ không chịu làm. Ồ, họ không chịu làm việc đâu. Hai ổ bánh mì nhỏ, một paođơ bơ tươi hạng nhất, một khoanh pho mát Glôxtơ, và để kết thúc, một cái sang nhất mà anh chưa bao giờ nếm!”.

Trong khi thốt ra câu tán dương cuối cùng này, cậu Bâytit rút từ một trong những túi áo rộng thùng thình của mình ra một chai rượu vang to tướng được nút cẩn thận; đồng thời Đôkinx rót ra một cốc đầy rượu ở cái chai mà hắn mang theo và người bệnh nốc nó một hơi không ngần ngại một chút. Lão Fâyjin nói:

“À!”, lão vừa nói vừa xoa tay rất đắc chí, “anh Bin ạ, bây giờ anh sẽ khỏe thôi”.

“Khỏe à?”, Xaikit kêu lên, “phải, lẽ ra tôi đã đi tong hai mươi lần rồi trước khi ông làm một cái gì để cho tôi khỏe. Đồ lang thang độc ác nhà ông, ông để một thằng ở tình trạng như thế này ba bốn tuần liền, thế là thế nào, hả?”.

“Các chú hãy nghe anh ta nói kìa!”, lão Fâyjin nói. “Thế mà bọn mình đem đến cho anh ta tất cả những vật đẹp đẽ này!”.

“Các đồ vật ấy không phải là tồi”, Xaikit nhận xét, hơi dịu giọng khi hắn liếc nhìn lên bàn, “nhưng ông làm thế nào có thể bào chữa được khi ông bỏ tôi ở đây, không có gì nhét vào miệng, bệnh tật, không có tiền và không có gì hết, lại chẳng để ý đến tôi trong suốt thời gian ấy, chẳng khác gì tôi là con chó này. Đuổi nó đi, Sácli!”.

“Tôi chưa bao giờ thấy con chó nào ngộ nghĩnh như con chó này”, cậu Bâytit kêu lên, thực hiện yêu cầu. “Nó đánh hơi những người ăn mặc lôi thôi chẳng thua gì một bà cụ già đi chợ! Con chó này có thể kiếm ăn to trên sân khấu, và còn làm cho vở kịch thêm sinh động nữa cơ đấy!”.

“Ngậm miệng lại”, Xaikit quát, khi con chó đã chui xuống giường nhưng vẫn còn gầm gừ tức tối. “Nào, cái thứ già nua ốm yếu nhà ông thử nói gì để tự bào chữa mình đi!”.

“Anh bạn, hơn một tuần nay tôi không ở Luân Đôn mà lo một việc khác”, lão Do Thái đáp.

“Thế còn hai tuần trước thì sao?”, Xaikit hỏi. “Hai tuần trước, khi ông để tôi nằm ở đây như một con chuột ốm trong cái hang này thì sao?”.

“Tôi không thể làm khác được, anh Bin ạ. Trước bạn bè, tôi không thể giải thích nhiều, nhưng tôi lấy danh dự mà thề là tôi không thể làm khác được”.

“Danh với dự!”, Xaikit càu nhàu hết sức kinh tởm. “Nào! Thằng bé nào đấy cắt cho tao một miếng ba tê nào, kẻo không nước dãi nó trào lên miệng làm tao nghẹt thở mất!”.

“Anh bạn, anh đừng cáu nữa”, lão Fâyjin van lơn, đấu dịu. “Tôi không bao giờ quên anh, không bao giờ”.

“Đúng đấy, tôi sẵn sàng đánh cuộc là không bao giờ ông quên tôi”, Xaikit đáp và nở một nụ cười nhăn nhó mỉa mai. “Ông cứ luôn luôn mưu mô tính toán trong lúc tôi nằm run lẩy bẩy và sốt li bì ở đây. Rồi Bin phải làm cái này, Bin phải làm cái nọ, Bin phải làm tất cả những cái đó với một giá rẻ mạt, khi nào hắn khỏe mạnh. Còn hắn thì nghèo khổ quá nên phải làm việc cho ông. Nếu không có cô này thì tôi đã nghẻo rồi”.

“Này, anh Bin”, lão Fâyjin phản đối, háo hức nắm lấy câu ấy. “Nếu không có cô này! Ngoài lão Fâyjin già nua này, ai có thể cấp cho anh một cô gái tháo vát như vậy để săn sóc anh?”.

“Cái đó ông nói cũng đúng đấy!”, Nenxi nói, vội vàng bước lên phía trước. “Cứ mặc anh ấy, cứ mặc anh ấy”.

Sự xuất hiện của Nenxi làm cho cuộc trao đổi mang tính chất mới, vì hai cậu bé nhận thấy lão Do Thái nheo mắt ranh mãnh, bắt đầu thết rượu thị. Nhưng thị chỉ uống rất ít trong lúc đó lão Fâyjin tỏ ra cao hứng khác thường. Dần dần, lão làm cho Xaikit cũng phấn chấn hơn bằng cách giả vờ xem những lời đe dọa của hắn như là những lời đùa nghịch vui vẻ ngoài ra lão còn cười giòn giã khi nghe một hai lời đùa bỡn thô tục mà hắn chịu khó đưa ra sau khi đã áp miệng mấy lần vào chai rượu. Xaikit đáp:

“Tất cả mọi chuyện đều tuyệt lắm, nhưng tối nay ông phải cho tôi ít tiền”.

“Trên người tôi không có lấy một đồng”, lão Do Thái đáp.

“Thế thì ông có khối tiền ở nhà”, Xaikit quật lại, “và tôi phải có cái gì chứ?”.

“Khối tiền ư?”, lão Fâyjin kêu lên, rồi giơ hai tay lên trời.

“Tôi không có đủ...”.

“Tôi không biết ông có bao nhiêu, và tôi dám chắc là ông cũng khó lòng biết được vì muốn đếm nó thì phải mất khá nhiều thì giờ”, Xaikit đáp. “Nhưng tối nay tôi phải có ít tiền, cái đó thì rõ lắm”.

“Được rồi, được rồi”, lão Fâyjin thở dài nói, “tôi sẽ cho Cáo chạy về nhà ngay”.

“Ông chớ nên làm chuyện như thế”, Xaikit nói. “Cáo ranh quá đi mất, và cậu ta sẽ quên trở lại, hay sẽ lạc đường, hay sẽ bị mắc vào bẫy, và do đó, sẽ không đến được, hay sẽ đưa ra một cái gì để xin lỗi, nếu như ông bảo cậu ta làm thế. Nenxi sẽ đi xe ngựa và mang tiền về để cho chắc chắn, còn tôi sẽ nằm ngủ một giấc trong khi cô ấy đi”.

Sau khi mặc cả và cãi cọ một hồi lâu, Fâyjin hạ thấp số tiền ứng trước từ năm bảng xuống ba bảng bốn silinh sáu penni, lão thanh minh bằng cách đưa ra nhiều lời cam kết long trọng rằng sau khi trao số tiền trên cho Xaikit lão chỉ còn mười tám penni nữa để sinh sống mà thôi. Xaikit cau có nhận thấy rằng nếu hắn không thể moi thêm nữa thì cũng đành phải bằng lòng với số tiền ấy. Nenxi chuẩn bị đi về nhà lão, trong lúc đó Cáo và Bâytit xếp thức ăn vào chạn. Lão Do Thái bèn từ biệt anh bạn thân yêu trở về nhà cùng với Nenxi và hai cậu bé. Trong lúc này, Xaikit ném mình xuống giường, có ý định ngủ cho đến khi cô gái trở về.

Mấy người nhanh chóng đến nơi ở của lão Fâyjin, tại đấy họ thấy Tôbi Krăckit và Sitlinh đang say mê đánh ván bài Kipbi thứ mười lăm, không cần phải nói, Sitlinh đã thua và mất luôn đồng sáu penni thứ mười lăm và cũng là đồng sáu penni cuối cùng của mình, làm cho những anh bạn trẻ của anh ta rất thích thú. Krăckit hơi xấu hổ vì phải giải trí với một tay chơi kém mình về địa vị xã hội và khả năng trí tuệ như thế, ngáp và hỏi thăm Xaikit rồi vớ lấy mũ định đi ra.

“Tôbi, không có ai đến chứ?”, lão Fâyjin hỏi.

“Chẳng có ma nào hết”, Krăckit đáp, xốc cổ áo lên. “Buồn như chấu cắn. Cụ Fâyjin, cụ phải có cái gì xôm xôm tặng tôi để thưởng công trông nhà cho cụ lâu đến thế. Mẹ kiếp, tôi bải hoải như một ông quan tòa và lẽ ra tôi đã đi ngủ rồi, ngủ như khi ở nhà tù Niugâytơ, nếu như tôi không có lòng tốt giải trí cho chàng thanh niên này. Buồn khủng khiếp, nếu không phải thế thì cứ giết tôi đi”.

Sau khi nói thế và buông ra những lời đùa nghịch cũng theo kiểu như vậy, Tôbi Krăckit vét tất cả số tiền đánh được, nhét vào túi gilê với vẻ kiêu hãnh tựa như những đồng tiền nhỏ bé kia hoàn toàn không đáng được một con người như anh ta đếm xỉa đến. Sau đó, anh ta bệ vệ bước ra khỏi phòng, rất lịch sự và đỏm dáng đến nỗi Sitlinh liếc nhìn đôi chân và đôi giày của anh ta nhiều lần ra vẻ thán phục cho đến khi chúng biến mất và cam đoan với mọi người rằng mình làm quen với Krăckit với cái giá mười lăm đồng sáu penni là rẻ, và xem việc thua bạc của mình là chẳng thấm tháp gì.

“Anh Tôm, anh ngốc lắm!”, Bâytit nói, rất khoái về lời tuyên bố này.

“Chẳng ngốc đâu”, Sitlinh đáp, “có phải thế không cụ Fâyjin?”.

“Anh bạn, anh là một anh chàng rất nhanh nhẹn”, Fâyjin vừa nói vừa vỗ vỗ lên vai anh ta và đưa mắt ra hiệu với những cậu học trò khác của mình.

“Thế Krăckit là dân bảnh chứ, có phải không cụ Fâyjin?” Tôm hỏi.

“Chuyện, còn nói gì nữa!”.

“Và làm quen với anh ta là một điều vinh dự chứ, cụ Fâyjin?”, Tôm nói tiếp.

“Đúng rồi, rất vinh dự, anh bạn ạ. Chúng nó ghen với anh đấy, anh Tôm ạ, bởi vì chúng không được làm quen với anh ta”.

“Thế à?”, Tôm kêu lên, đắc chí. “À! Ra thế! Anh ta đã vét nhẵn túi tôi rồi. Nhưng tôi có thể đi kiếm thêm khi tôi muốn, có phải không cụ Fâyjin?”.

“Chuyện, anh có thể kiếm, và kiếm càng sớm càng tốt, anh Tôm ạ. Vì vậy anh hãy bù lại sự tổn thất của mình ngay lập tức, và đừng thua lần nào nữa. Cáo! Sacli! Đã đến lúc đi kiếm ăn rồi đấy. Nào! Đã gần mười hai giờ thế mà vẫn chưa làm gì hết”.

Vâng theo lời nhắc nhở này, mấy cậu bé gật đầu chào Nenxi, cầm lấy mũ rồi rời khỏi phòng. Cáo và anh bạn sôi nổi của cậu khi ra đi đã nói nhiều lời châm chọc chế nhạo Sitlinh. Công bình mà nói, trong cách cư xử của anh ta không có gì là đột xuất hay kỳ quặc, bởi vì ở thủ đô có nhiều chàng trai ăn diện đã trả tiền nhiều hơn Sitlinh để được xuất hiện ở một giới xã hội sang trọng và có nhiều ông lớn (làm thành cái xã hội sang trọng đã nói) đã có được danh tiếng của mình cùng trên một cơ sở như chàng Krăckit nhanh nhẹn.

Khi họ đã rời khỏi phòng, lão Fâyjin nói:

“Bây giờ tôi sẽ đi tìm số tiền ấy cho cô, Nenxi ạ. Đây chỉ là chìa khóa của một cái tủ nhỏ, ở đấy tôi giữ một vài đồ vật vặt vãnh mà những thằng bé kiếm được. Tôi không bao giờ khóa tiền nong của mình lại, vì tôi không có gì để mà phải khóa, cô bạn ạ. Ha, ha, ha! Không có gì để phải khóa, nghề này mạt lắm, Nenxi ạ, và không được ai cảm ơn. Nhưng tôi thích nhìn thấy những người trẻ tuổi chung quanh mình và tôi chịu đựng tất cả, chịu đựng tất cả. Suỵt!”. Lão nói, và vội vàng giấu chiếc chìa khóa vào ngực. “Nghe xem ai đấy!”.