Ôlivơ Tuýt - Chương 43

CHƯƠNG XLIII

CÁO TINH RANH GẶP ĐIỀU XÚI QUẨY NHƯ THẾ NÀO

“À thế ra là ông bạn của chính mình đấy à?”. Klâypâulơ, còn gọi là ông Bôntơ, hỏi khi do sự thỏa thuận giữa hai người, ngày hôm sau hắn đã dọn sang nhà của lão Fâyjin.

“Người nào cũng là bạn của mình, anh bạn ạ”, Fâyjin đáp và cười nhăn nhở hết sức tinh quái. “Bất kỳ ở đâu anh ta cũng không có người bạn nào tốt như chính mình”.

“Trừ phi đôi khi”, Môrixơ Bôntơ đáp, làm ra vẻ con người thạo đời, “có người không phải là kẻ thù của ai hết mà là kẻ thù của chính mình, như ông biết”.

“Cậu đừng tưởng thế”, Fâyjin đáp. “Khi một người là kẻ thù của chính mình, thì đó chỉ là vì anh ta quá quan tâm tới mình chứ không phải vì anh ta quan tâm tới những người khác mà không quan tâm tới mình. Nói bật, nói bậy! Trên đời không có ai như thế cả!”.

“Nếu như có đi nữa thì cũng không nên có”, ông Bôntơ nói.

“Như thế là hợp lý. Có những tay mưu mô cho rằng con số ba là con số thần bí, và có những người cho đó là con số bảy. Nhưng anh bạn ơi, cả hai con số đều không đúng. Đó là con số một”.

“Ha, ha!”, ông Bôntơ kêu lên. “Số một muôn năm!”.

“Trong một thể cộng đồng nhỏ như tổ chức chúng ta”, Fâyjin nói, lão cảm thấy cần thiết phải giải thích luận điểm của mình, “chúng ta có một con số chung là con số một, nghĩa là cậu không thể xem mình là con số một nếu như không xem tôi cũng là như thế và không xem tất cả những người trẻ tuổi khác cũng là như thế”.

“Ôi chao, đồ quỷ sứ!”, ông Bôntơ nói.

“Cậu thấy chưa”, Fâyjin nói tiếp, giả vờ không nghe lời phản đối này, “chúng ta gắn bó với nhau vì quyền lợi của chúng ta là một, nên phải như thế mới được. Mục đích của cậu chẳng hạn là chú ý đến con số một, tức là đến bản thân cậu”.

“Cố nhiên”, Bôntơ nói, “về điểm đó thì ông nói đúng”.

“Chuyện, cậu không thể chú ý đến mình, con số một mà không chú ý đến cả tôi, con số một”.

“Ý ông nói đến con số hai chứ”, Bôntơ nói, hắn vốn là người hết sức ích kỷ.

“Không! Tớ không muốn nói thế!”, Fâyjin phản đối. “Tớ cũng quan trọng đối với cậu như bản thân cậu đối với chính mình”.

“Tôi nói”, Bôntơ nói xen vào, “cụ là một người rất dễ thương, tôi rất thích cụ, nhưng mặc dù như vậy, chúng ta không gắn chặt với nhau như là một được”.

“Cậu hãy nghĩ xem”, Fâyjin nói, nhún vai và chìa bàn tay ra. “Cậu cứ nghĩ xem. Cậu vừa làm một việc rất cừ, và vì thế nên tớ rất thích cậu, nhưng đồng thời cái cà vạt đang quấn chung quanh cổ cậu, của này thắt lại rất dễ nhưng cởi ra thì lại rất khó, nói trắng ra, đó là sợi dây thắt cổ!”.

Ông Bôntơ lấy tay sờ chiếc cà vạt, tựa hồ như cảm thấy nó quá chặt và lẩm bẩm một câu gì đó có vẻ đồng tình, nhưng bằng giọng chứ không bằng lời.

“Cái giá treo cổ”, Fâyjin nói tiếp, “cái giá treo cổ, anh bạn ơi là một cái bảng chỉ đường rất ghê tởm, nó đánh dấu một bước ngoặt rất ngắn và rất quyết định đã chấm dứt con đường kiếm ăn của nhiều anh chàng táo bạo ở trên con đường thênh thang. Đi con đường dễ dàng và cách cái giá treo cổ một đoạn khá xa, đó là mục đích số một đối với cậu”.

“Đã đành là thế, nhưng tại sao bố lại nói những chuyện như vậy?”.

“Chỉ là để cho cậu thấy rõ ràng những ý nghĩ của tôi”, lão Do Thái nói, rướn đôi lông mày lên. “Để có thể làm thế, cậu dựa vào mình. Để giữ công việc làm ăn nhỏ bé của mình thực yên ổn, mình dựa vào cậu. Trước hết là con số một của cậu, rồi đến con số một của mình. Cậu càng đánh giá cao con số một của cậu bao nhiêu, cậu càng phải cẩn thận về con số một của mình bấy nhiêu. Vì vậy cho nên chúng ta cuối cùng đi đến điều mà mình đã bảo cậu tối qua ngay lúc đầu tiên: đó là sự chú ý tới con số một gắn bó của hai chúng ta với nhau, và chúng ta đều phải làm thế nếu không cả bọn chúng ta sụp đổ ngay”.

“Đúng đấy”, ông Bôntơ đáp, vẻ tư lự. “Ôi chao! Cụ đúng là tay tinh khôn nhất đời”.

Lão Fâyjin đắc chí nhận thấy rằng lời ca ngợi này đối với những khả năng của lão không phải chỉ là một lời khen suông, mà lão thực tế đã làm cho anh lính mới của mình có ý thức về cái thiên tài ranh ma của lão. Điều hết sức quan trọng là ngay từ khi gặp nhau lần đầu, lão cần phải cho anh ta hiểu điều đó. Để củng cố ở hắn cái ấn tượng rất quan trọng và cần thiết ấy, lão liền nói chi tiết hơn cho Nâu biết về quy mô của những hoạt động của lão, bằng cách xen lẫn sự thực với tưởng tượng sao cho thích hợp nhất với mục đích của mình và lão làm thành thạo về cả hai mặt này đến nỗi thái độ tôn kính của ông Bôntơ tăng lên rõ rệt đồng thời xen lẫn với một sự sợ hãi bổ ích mà lão rất muốn gây nên. Fâyjin nói.

“Chính lòng tin cậy đối với nhau đã an ủi mình khi gặp những tổn thất nặng nề. Sáng qua mình đã mất cánh tay đắc lực nhất”.

“Ông không muốn nói là anh ta chết rồi chứ?”, ông Bôntơ kêu lên.

“Không, không phải”, Fâyjin đáp, “không đến nỗi tệ như thế, không hoàn toàn tệ như thế”.

“Cái gì, tôi cho rằng anh ta đã...”.

“Bị chộp rồi”, Fâyjin nói xen, “đúng thế, bị chộp rồi!”.

“Việc có quan trọng không?”, ông Bôntơ hỏi.

“Không”, Fâyjin đáp, “không quan trọng cho lắm. Người ta tố cáo cậu ta móc túi và tìm thấy trên người cậu một hộp thuốc lá hít bằng bạc, hộp này là của cậu ta, của chính cậu ta, vì cậu hít thuốc lá và rất thích hít. Họ giữ cậu ta đến hôm nay vì họ cho là biết người chủ của nó. Ôi chao! Cậu ta đáng giá gấp năm chục cái hộp và mình sẵn sàng trả giá gấp bấy nhiêu tiền để đưa cậu ta về. Anh phải biết Cáo mới được, anh bạn ạ, anh phải biết Cáo mới được”.

“Chuyện, nhưng rồi tôi sẽ biết cậu ta, tôi hy vọng như thế. Ông có nghĩ thế không?”. ông Bôntơ hỏi.

“Chuyện đó chưa chắc”, Fâyjin thở dài đáp. “Nếu chúng nó không đưa ra được bằng chứng nào thêm nữa thì cậu ta sẽ chỉ bị giam qua loa và chúng ta sẽ gặp lại cậu ta sau trên dưới sáu tuần. Nhưng nếu như chúng có được chứng cớ thêm thì câu chuyện này triền miên đấy. Nếu chúng biết cậu ta là một tay cừ khôi như thế nào thì cậu ta sẽ bị chung thân. Chúng sẽ bắt Cáo chịu chung thân chứ chẳng chơi”.

“Ý ông nói triền miên và chung thân là thế nào?”. ông Bôntơ hỏi. “Nói năng với tôi theo lối ấy thì ích lợi gì đâu? Tại sao ông không nói cho tôi có thể hiểu được?”.

Fâyjin đang sắp dịch những thuật ngữ huyền bí này thành ngôn ngữ thông thường, và nếu nói như vậy thì ông Bôntơ sẽ hiểu rằng những chữ này có nghĩa là “bị đày đi suốt đời” bỗng cuộc đối thoại bị ngắt quãng vì cậu Bâytit bước vào, hai tay thọc túi quần, vẻ mặt vừa nhăn nhó, vừa hài hước.

“Cụ Fâyjin ơi, đi đứt cả rồi!”, Sácli nói, khi cậu và ông bạn mới của cậu đã tự giới thiệu với nhau.

“Mày định nói cái gì đấy?”.

“Họ đã tìm được ông chủ của hộp thuốc lá. Lại có hai, ba tay nữa nhận mặt cậu ta và Cáo phải đến mua vé lên đường bán xới mất thôi”. Bâytit đáp. “Cụ Fâyjin ơi, tôi phải mang một bộ đồ tang, đội cái mũ có dải buộc để đến thăm cậu ta trước khi cậu lên đường đi du lịch. Ai ngờ Jôn Đôkinx, cậu Jôn tinh khôn, cậu Cáo Tinh Ranh lại lên đường ra nước ngoài chỉ vì một hộp thuốc lá hít khỉ gió giá hai penni rưỡi! Bao giờ mình cũng nghĩ rằng nếu cậu ta có gặp chuyện như vậy thì có mạt đi nữa cũng phải là một chiếc đồng hồ vàng có dây chuyền và con dấu. Ôi chao! Tại sao cậu ta lại không múa tất cả của cải của một lão già giàu có nào đó để xuất dương như một người lịch sự, chứ không phải như một tay múa mổ tầm thường, chẳng có danh dự, vinh quang gì ráo!”.

Sau khi tỏ vẻ ái ngại cho anh bạn không may, Bâytit buông mình rơi xuống cái ghế gần nhất với vẻ bực bội tuyệt vọng.

“Tại sao mày lại nói là không có vinh quang và danh dự?”. Lão Fâyjin quát, ném một cái nhìn tức tối về phía cậu học trò. “Chẳng phải bao giờ nó cũng là đứa cừ nhất trong tất cả bọn hay sao? Trong bọn bay có đứa nào theo kịp nó hay đuổi sát nó về mặt nào không?”.

“Không có ai”, cậu Bâytit đáp, giọng nghẹn lại vì ái ngại, “không có ai!”.

“Thế thì mày còn nói gì nữa?”, lão Fâyjin trả lời giận dữ, “thế thì mày còn lải nhải cái gì nữa?”.

“Vì nó không được đưa lên công báo, có phải không nào?”, Sacli nói, bị những thương tiếc lôi cuốn khiến cho cậu hoàn toàn coi thường ông bạn đáng kính của mình, “bởi vì vụ này không được nêu thành án, vì không ai biết dù chỉ là một nửa giá trị của cậu ta. Cậu ta sẽ chiếm địa vị gì trong quyển Niên lịch Niugâytơ(29)? Có lẽ cậu ta hoàn toàn không được ghi ở đấy. Trời ơi, trời ơi! Thực là một tổn thất nặng nề!”.

“Ha, ha, ha!”, Fâyjin kêu lên, giơ tay phải ra và quay về phía ông Bôntơ cười sằng sặc, cả người rung chuyển như lên chứng động kinh. “Anh bạn thấy chưa, chúng nó tự hào về nghề của chúng chưa? Có cừ không?”.

(29) Bộ sách sáu tập trình bày tiểu sử những tên tội phạm nặng nhất ở nhà tù Niugâytơ từ cuối thế kỷ XVIII (N.D.).

Ông Bôntơ gật đầu tán thành, và Fâyjin sau khi ngắm vẻ ỉu xìu của Sacli Bâytit trong vài giây, xem ra rất đắc chí, rồi lại gần con người trẻ tuổi kia và vỗ vỗ lên vai, an ủi:

“Sacli ạ, không cần, người ta sẽ biết điều đó, thế nào người ta cũng sẽ biết. Mọi người sẽ biết cậu ta là tay cừ như thế nào, vì cậu ta sẽ chứng tỏ điều đó và sẽ không làm nhục những anh bạn cũ và những ông thầy của mình. Cứ nghĩ xem, cậu ta trẻ như vậy. Đi triền miên (30) vào một tuổi đời như thế là vinh dự lắm chứ!”.

(30) Tù khổ sai. (N.D.).

“Ừ nhỉ, vinh dự lắm!”, Sacli nói, hơi yên tâm một chút.

“Cậu ta sẽ có tất cả những gì cậu ta cần!”. Lão Do Thái nói tiếp. “Cậu ta sẽ bị giữ trong Cái Bình Đá, Sacli ạ, như một người lịch sự! Cậu ta sẽ được uống bia và có tiền trong túi để đánh đáo (31) nếu như không có thể tiêu được”.

(31) Trò chơi đánh sấp ngửa. (N.D.).

“Thực thế à?”, Sacli Bâytit kêu lên.

“Thực chứ lị, cậu ta sẽ có”, Fâyjin đáp, “và chúng ta sẽ có một ông thầy kiện, Sacli ạ, một ông thầy kiện có tài nhất đời để bênh vực cậu ta, và nếu như cậu ta muốn, cậu ta cũng có thể đọc một bài diễn văn để tự bào chữa mình nữa, và chúng ta sẽ đọc tất cả những điều đó trên báo. Cáo Tinh Ranh”, lão cười phá lên, “có mà làm cho cả tòa án phát điên lên. Đúng không nào, Sacli”.

“Ha, ha!”, cậu Bâytit cười khanh khách, “này cụ Fâyjin, thế thì buồn cười lắm nhỉ! Chắc là Cáo ta sẽ làm các cụ bực mình lắm, cụ nhỉ?”.

“Còn phải nói”, lão Fâyjin kêu lên, “nó sẽ chơi cho mà xem... nhất định là thế!”

“Đúng thế, đúng thế, cậu ta sẽ chơi!”, Bâytit xoa tay lặp lại.

“Tao có cảm tưởng nhìn thấy nó trước mắt mình”, lão Do Thái kêu lên, mặt cúi xuống nhìn cậu học trò.

“Tôi cũng thế”, Sacli Bâytit nói. “Ha, ha! Tôi cũng thế. Tôi thấy tất cả những điều đó trước mắt, thực đấy mà, cụ Fâyjin ạ. Ngộ lắm cơ! Chơi một vố cay đấy! Tất cả các quan chức tai to mặt lớn đều cố gắng tỏ ra nghiêm trang, còn Jôn Đôkinx thì chuyện trò với các bố thân mật và điềm tĩnh cứ như cậu ta là con trai ông chánh án đang đọc bài diễn văn sau bữa ăn tối. Ha, ha!”.

Trong thực tế, lão Fâyjin đã làm cho tính khí kỳ quặc của anh bạn trẻ đắc chí đến nỗi cậu Bâytit lúc đầu thiên về chỗ xem Cáo như là một nạn nhân thì bây giờ lại xem cậu ta như là một diễn viên chính trên sân khấu tiêu biểu bởi thái độ dí dỏm và hấp dẫn khác thường và hết sức nóng ruột đợi đến lúc anh bạn cố tri của mình có được một dịp thuận lợi như vậy để thi thố tài năng.

“Chúng ta phải dùng một biện pháp thuận tiện nào đó để biết công việc của cậu ta hôm nay ra sao”, Fâyjin nói. “Để tớ nghĩ xem”.

“Tôi có phải đi không?”, Sacli hỏi.

“Dứt khoát là không!”, Fâyjin đáp. “Chú mày điên hay sao mà bước vào chỗ ấy, ở đấy... Không, Sacli không đi. Mất mỗi lần một cậu như thế là đủ quá rồi...”.

“Thế cụ cũng không định đi chứ?”, Sacli hỏi, nháy mắt hóm hỉnh.

“Cái này xem ra không ổn cho lắm”, Fâyjin lắc đầu đáp.

“Thế tại sao cụ không phái tên lính mới này?”, Bâytit hỏi và đặt bàn tay lên cánh tay Nâu. “Chẳng ma nào biết nó cả”.

“Ừ nhỉ, nếu như anh ta không phản đối”, Fâyjin nhận xét.

“Phản đối ư?”, Sacli ngắt lời. “Nó phản đối cái chỗ nào?”.

“Quả thực không có gì, anh bạn ạ”, Fâyjin nói và quay về phía ông Bôntơ, “quả thực không có gì”.

“Ôi chao, sao lại thế, ông biết”, Nâu nhận xét và bước lùi lại về phía cửa và lắc đầu lo sợ. “Không đâu, không đâu... cái đó không được đâu. Đó không phải là cái ngành của tôi, không phải”.

“Cụ Fâyjin ơi, nó làm cái ngành gì thế”, Bâytit nói, rồi ngắm nhìn hình dáng mảnh dẻ của Nâu với vẻ khinh bỉ ra mặt. “Tháo chạy khi có chuyện không hay và ngốn cho đẫy khi mọi việc đều ổn, cái ngành của cu cậu là thế chứ gì?”.

“Không phải thế”, ông Bôntơ phản đối. “Đừng có láo với những người trên, thằng bé kia, không thì mày nguy to bây giờ”.

Bâytit cười sằng sặc trước lời đe dọa nghiêm trọng này đến nỗi phải mất một thời gian lão Fâyjin mới có thể nói xen vào và giải thích cho ông Bôntơ biết rằng ông ta sẽ không gặp điều gì nguy hiểm khi đi đến Sở cảnh sát, rằng vì câu chuyện vặt vãnh mà ông đã làm không hề được báo cáo, và bản miêu tả thân hình của ông chưa hề được gửi lên thủ đô, thậm chí người ta không thể ngờ ông ta lại lên đây để trốn tránh, và nếu ông ta cải trang thích hợp thì đó cũng sẽ là một nơi rất yên ổn cho ông ta đi thăm như bất kỳ nơi nào khác ở Luân Đôn, nhất là trong số tất cả mọi nơi thì đó là nơi cuối cùng người ta có thể ngờ rằng ông ta dám dẫn xác đến.

Một phần được thuyết phục trước những lý do này, nhưng điều quan trọng hơn là vì sợ lão Fâyjin, cuối cùng, ông Bôntơ đồng ý, với cái vẻ hết sức miễn cưỡng thực hiện nhiệm vụ này. Theo chỉ dẫn của Fâyjin, hắn lập tức thay đổi cái vẻ bên ngoài của hắn, mang áo ngoài của một người đánh xe ngựa, mặc áo chẽn bằng nhung và đi đôi ghệt da, tất cả những vật này, lão Do Thái đều có sẵn. Người ta lại cấp cho hắn một chiếc mũ phớt có dán những cái vé thuế và một roi ngựa. Được trang bị như vậy, hắn có nhiệm vụ đến Sở cảnh sát, như một người nông thôn nào đấy từ Côvân Gácđơn có thể đến để thỏa mãn óc tò mò và vì hắn vụng về, ngờ nghệch và gầy giơ xương nên lão Fâyjin không lo sợ gì về chỗ hắn sẽ đóng vai trò của mình một cách tuyệt diệu.

Sau khi những điều thu xếp này đã xong, người ta cho hắn biết những dấu hiệu và những bằng chứng cần thiết để nhận Cáo Tinh Ranh, và hắn được cậu Bâytit tiễn qua những con đường tối tăm ngoằn ngoèo đến cách Bao Xtrit không xa. Sau khi đã miêu tả vị trí chính xác của Sở cảnh sát, kèm theo những chỉ dẫn phong phú về chỗ hắn phải đi thẳng qua hành lang như thế nào, và khi hắn đã bước vào, hắn phải đi lên cầu thang tới cánh cửa ở phía tay phải rồi cất mũ khi bước vào phòng, Sácli Bâytit bảo hắn rảo bước đi một mình và hứa sẽ đợi hắn về ở đúng nơi hai người chia tay.

Nâu Klâypâulơ hay Môrixơ Bôntơ nếu như bạn đọc muốn, nghiêm chỉnh theo những chỉ dẫn mà hắn đã nhận được và vì Bâytit rất thông thạo địa điểm này nên những chỉ dẫn ấy chính xác đến nỗi hắn có thể đến Sở cảnh sát mà không phải hỏi câu nào và không gặp cản trở gì trên đường đi. Hắn thấy mình phải lách mình giữa một đám người chủ yếu là đàn bà, chen chúc nhau trong một căn phòng bẩn thỉu, chật hẹp, ở đầu kia phòng có một cái bục dựng lên, có một hàng rào chấn song ngăn cách cái bục với phần còn lại của phòng, trên bục về phía bên trái có một cái ghế cho các tù nhân đặt cạnh bức tường, ở giữa kê một cái ghế cho những nhân chứng và ở bên phải có đặt một cái bàn viết cho các quan tòa, vị trí tôn nghiêm này bị tách ra khỏi cái nhìn của những con người bình thường bằng một bức vách, và để cho con người trần tục tưởng tượng (nếu như anh ta có thể tưởng tượng) tất cả cái vẻ oai vệ của tòa án.

Trên ghế dài chỉ có hai người đàn bà đang gật đầu với những người bạn thán phục họ trong khi ông lục sự đọc những lời buộc tội gì đó với hai người cảnh sát và một ông mặc thường phục đang tì hai cùi tay trên bàn. Một người coi tù đứng dựa mình vào hàng rào chấn song, lấy một chiếc thìa khóa lớn bâng quơ gõ nhẹ lên mũi, không kể khi anh ta tìm cách ngăn cản cái xu hướng không nên có của những người nhàn rỗi cứ hay chuyện gẫu bằng cách tuyên bố “Im lặng” hoặc tỏ vẻ nghiêm nghị bảo một bà nào đó “Đem đứa bé kia ra”, khi vẻ nghiêm trang của tòa án bị ấy nhiễu bởi những tiếng kêu yếu ớt, bị che lấp một phần ở trong chiếc khăn san của bà mẹ, thốt ra từ miệng một đứa bé gầy gò. Căn phòng chật hẹp và ngột ngạt, những bức tường bẩn thỉu và cái trần đen kịt. Có một bức tượng bán thân cũ ám khói đặt trên giá lò sưởi và một chiếc đồng hồ quả lắc bụi bặm ở trên cái ghế của những người bị cáo, vật duy nhất có mặt hình như vẫn chạy bình thường như nó phải chạy, vì cái vẻ nghèo khổ, đồi trụy hay những điều quen biết thân thuộc với cả hai đã để lại một dấu ấn trên tất cả những vật hữu sinh cũng khó chịu chẳng kém lớp mỡ dày đặc trên các vật vô sinh đang cau có nhìn những sự việc diễn ra.

Nâu loay hoay nhìn quanh tìm Cáo. Nhưng mặc dầu ở đấy có nhiều bà rất có thể là mẹ hay là chị của nhân vật nổi tiếng này, và có nhiều ông có thể cho là rất giống cha cậu ta, nhưng hoàn toàn không có ai giống như con người người ta đã miêu tả cho hắn biết là Đôkinx. Hắn chờ đợi hết sức băn khoăn lo lắng cho đến khi những người đàn bà đã được xét xử đi ra, và lúc đó hắn liền yên tâm trước sự xuất hiện của một tù nhân khác mà hắn cảm thấy ngay lập tức là con người hắn phải đến thăm.

Đó chính là Đôkinx. Cậu lê bước vào Sở cảnh sát, hai ống áo ngoài vẫn xắn lên như mọi ngày, tay trái thọc vào túi và tay phải cầm mũ. Cậu đi trước người gác ngục với một lối đi ung dung thoải mái không cách nào tả được, và sau khi đã ngồi vào chỗ của mình trên ghế những người bị cáo. Cậu dõng dạc hỏi vì cớ gì cậu lại phải ngồi ở cái chỗ nhục nhã này?

“Ngậm miệng lại, biết chưa?”, người coi ngục nói.

“Tôi là người Anh, có phải không nào?”, Cáo phản đối. “Những đặc quyền của tôi ở đâu?”.

“Lát nữa thôi mày sẽ nhận được đặc quyền của mày”, người gác ngục nói, “có thêm cả gia vị nữa đấy!”.

“Nếu như tôi không nhận được, ta thử xem ông bộ trưởng Bộ Nội vụ nói gì với những vị thẩm phán”, Đôkinx đáp “Có việc gì nào? Có việc gì ở đây nào? Tôi sẽ cảm ơn các quan tòa giải quyết câu chuyện vặt vãnh này ở đây chứ không phải cứ giữ tôi lại trong khi các ngài đọc báo, vì tôi đã hẹn với một ông ở Đô thị, và xưa nay tôi là người giữ lời hứa và rất đúng hẹn trong mọi công việc, và ông ta sẽ đi mất nếu như tôi không đến đấy đúng hẹn. Và có lẽ sẽ không có chuyện bồi thường nếu như người ta không cho tôi đến. Ồ không, nhất định là không”.

Nói đến đây, Cáo làm vẻ hết sức chú ý tới thủ tục sẽ xảy ra sau này, yêu cầu người gác ngục cho biết “tên của hai vị cáo già ngồi trên ghế quan tòa kia”. Điều này làm cho những người xem thích thú đến nỗi họ cười cũng giòn giã như cậu Bâytit có thể làm nếu như cậu nghe lời yêu cầu.

“Im ngay!”, người gác ngục quát.

“Người ta tố cáo nó việc gì thế?”, một ông quan tòa hỏi.

“Thưa ngài một vụ móc túi ạ!”.

“Thằng bé đã bao giờ ở đây chưa?”.

“Nó hẳn phải ở đây nhiều lần rồi”, người gác ngục đáp.

“Nó đã ở gần như khắp nơi. Thưa ngài tôi biết nó rõ lắm!”.

“Ôi chao, ông lại biết tôi kia à?”, Cáo kêu lên khi nghe nhận định này. “Được lắm, dù sao, đây cũng là một hành động làm nhục danh dự người khác”.

Đến đây, tiếng cười lại vang lên, và lại có tiếng quát bảo im lặng.

“Nào, các nhân chứng đâu?”, ông lục sự hỏi.

“Ồ, có thế chứ.”, Cáo nói thêm. “Họ đâu rồi. Tôi rất muốn thấy mặt họ”.

Điều mong muốn này lập tức được thỏa mãn, một người cảnh sát bước ra, anh ta đã thấy tên tù tìm cách móc túi một ông nào đấy trong đám đông, và thậm chí đã rút chiếc khăn tay ở trong túi áo của ông ta ra. Nhưng vì chiếc khăn tay cũ quá nên hắn đã thản nhiên nhét lại vào túi sau khi đã thử xì mũi vào khăn. Vì lý do ấy, anh ta liền bắt Cáo ngay khi anh ta có thể tiến đến gần cậu ta, và tên Cáo này khi bị lục soát, có mang trên người một hộp thuốc lá hít bằng bạc có tên của ông chủ của nó ở trên nắp. Người ta đã phát hiện được người này khi xem “Sách hướng dẫn của tòa án”. Và ông này hiện nay có mặt ở đây thề rằng hộp thuốc lá là của ông ta, rằng ông ta đã mất nó ngày hôm trước chính vào lúc ông ta len ra khỏi đám đông vừa nói. Ông ta cũng đã chú ý tới một người trẻ tuổi đang cố lách đường đi và anh chàng này chính là người tù trước mặt ông ta.

“Thằng bé kia, mày có điều gì muốn hỏi ông nhân chứng này không?”, quan tòa hỏi.

“Tôi không muốn hạ thấp mình đi nói chuyện với ông ta”, Cáo đáp.

“Mày có điều gì nói không?”.

“Mày có nghe ngài hỏi mày có điều gì nói không?”. Người gác ngục lấy cùi tay hích Cáo nãy giờ vẫn yên lặng.

“Xin lỗi”, Cáo nói, mắt ngước lên nhìn, vẻ lơ đãng. “Ông kia, có phải ông hỏi tôi đấy không?”.

“Thưa ngài, tôi chưa bao giờ thấy có tên du đãng trẻ tuổi nào lại táo tợn như thế này!”. Người gác ngục mỉm cười nhận xét. “Thằng bé kia, mày có muốn nói gì không?”.

“Không”, Cáo đáp, “không phải ở đây, vì ở đây không phải là nơi thích hợp cho công lý; vả lại ông trạng sư của tôi sáng nay bận ăn sáng với ông Phó chủ tịch Hạ viện; nhưng tôi sẽ nói một điều gì đó ở nơi khác và ông ta cũng thế, cũng như cái nhóm đông đảo những người quen biết đáng kính và lúc đó các vị quan tòa này chỉ hối tiếc là đã lỡ ra đời hay quên sai bọn đầy tớ treo cổ mình vào chỗ họ vẫn treo mũ trước khi họ ra đi sáng nay để chất vấn tôi. Tôi...”.

“Được rồi! Tòa quyết định tống giam”, viên lục sự ngắt lời “Mang nó đi!”.

“Đi ngay nào!”, người gác ngục nói.

“Thế à, thì đi”, Cáo đáp, lấy bàn tay phủi bụi trên mũ.

“Này”, cậu nói với quan tòa, “các ông có làm ra vẻ sợ hãi cũng chẳng có ích gì. Tôi sẽ không nể các ông đâu, không nể nang chút nào hết. Các ông sẽ phải trả giá về việc này, các bố tinh ranh ơi. Tôi sẽ không chịu ở vào địa vị các bố đâu, với bất cứ giá nào. Lúc này tôi sẽ không đi tự do đâu, dù cho các bố có quỳ xuống mà lạy tôi. Nào! Mang tôi vào tù! Mang tôi đi!”.

Sau khi nói những lời cuối cùng, Cáo để người ta tóm lấy cổ áo lôi đi, vừa đi vừa đe dọa cho đến khi cậu bước ra sân, rằng cậu sẽ đưa vụ này ra Quốc hội. Rồi cậu cười nhăn nhở vào giữa mặt người gác ngục, rất vui vẻ và tự đắc.

Sau khi đã thấy cậu ta bị giam trong một cái xà lim nhỏ, Nâu nhanh chóng quay trở về nơi hắn đã từ giã cậu Bâytit. Hắn đợi ở đây một lát, rồi gặp con người trẻ tuổi, cậu này thận trọng tránh không ló mặt cho đến khi cậu đã cẩn thận đưa mắt nhìn quanh tìm một nơi ẩn nấp kín đáo và tin chắc rằng ông bạn mới của mình không bị một người nào quấy nhiễu đi theo.

Hai người vội vàng quay trở về báo tin cho Fâyjin biết tin vui là Cáo đã tỏ ra xứng đáng với sự giáo dục của lão và đã giành được một danh tiếng rực rỡ.