Ôlivơ Tuýt - Chương 42

CHƯƠNG XLII

DO BIỂU LỘ NHỮNG DẤU HIỆU RÕ RỆT CỦA THIÊN TÀI, MỘT BẠN CŨ CỦA ÔLIVƠ TRỞ THÀNH MỘT NHÂN VẬT QUAN TRỌNG Ở THỦ ĐÔ

Chính đêm Nenxi, sau khi bỏ thuốc mê làm Xaikit ngủ say đã vội vã đến gặp cô Rôdơ Mâyli để thực hiện nhiệm vụ mà cô ta tự đặt cho mình, có hai người tiến về Luân Đôn theo con đường cái lớn ở phía Bắc và cần phải dành đôi chút chú ý đến họ.

Đó là một người đàn ông và một người đàn bà; hay có lẽ nên gọi họ là nam và nữ thì tốt hơn, vì người thứ nhất là một anh chân dài, vòng kiềng, loằng ngoằng, xương xương, thuộc loại rất khó quy định tuổi chính xác; của này khi còn là trẻ con trông như người lớn nhưng nhỏ con; và khi lớn lên lại trông như thằng bé nhưng to xác. Người đàn bà trẻ nhưng mạnh khỏe và vạm vỡ, cô ta cần có sức vóc ấy để mang cái gói nặng trĩu buộc trên lưng. Anh bạn đường của cô chẳng có hành lý gì cồng kềnh, chỉ ve vẩy một cây gậy vắt lên vai một gói nhỏ quấn trong chiếc khăn tay bình thường và xem ra khá nhẹ. Trường hợp này cộng với đôi chân dài quá khổ cho phép anh ta đi trước cô bạn đường khoảng năm sáu bước rất dễ dàng, và chốc chốc anh ta quay lại hất hàm, vẻ sốt ruột, ý muốn trách cô ta chậm chạp, và giục bước rảo cẳng hơn.

Hai người cứ thất thểu như vậy trên con đường bụi bặm không chú ý đến cảnh vật xung quanh, không kể khi họ né sang một bên đường nhường chỗ cho những chiếc xe ngựa đang phóng ra khỏi thành phố, cho đến khi họ đi qua vòm cầu Haigây. Bỗng người đàn ông đi trước dừng lại sốt ruột gọi cô bạn:

“Đi đi chứ! Saclôt, em lười biếng quá đi mất!”.

“Nói thực với anh, cái gói nặng khiếp đi được!”. Người đàn bà nói, bước đến gần, gần như hết hơi vì mệt mỏi.

“Nặng với nề! Nói nhảm gì thế? Cô sinh ra để làm gì đấy?”. Anh bạn đường vừa nói vừa chuyển cái gói nhỏ của mình sang vai bên kia. “Ôi chao! Cô lại muốn nghỉ rồi! Thú thực, ngoài tôi ra, không biết ai có thể kiên nhẫn chịu đựng không đấy?”.

“Còn xa nữa không?”. Người đàn bà hỏi, rồi ngồi phệt xuống một chiếc ghế dài, ngước mắt lên nhìn trong khi mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt.

“Còn xa lắm! Nhưng có thể xem là đến rồi đấy”, anh chàng chân dài nói và giơ tay chỉ về phía trước mặt. “Xem kìa! Đằng kia là những ánh đèn của Luân Đôn”.

“Cách đây đến hai dặm chứ chẳng chơi”, người đàn bà buồn bã nói.

“Chẳng cần biết nó cách đây hai dặm hai hai mươi dặm”, Nâu Klâypâulơ nói, vì hắn chính là Nâu, “thì cô cứ đứng lên và bước đi đã nào, nếu không tôi cho một đá, tôi báo trước rồi đấy nhé”.

Vì cái mũi đỏ của Nâu càng đỏ hơn do giận dữ và hắn vừa nói vừa bước ngay qua đường dường như hoàn toàn đã sẵn sàng thực hiện lời đe dọa của mình, nên người đàn bà lẳng lặng chẳng nói chẳng rằng đứng lên và thất thểu bước đi cạnh hắn.

“Anh Nâu, đêm nay anh định dừng lại ngủ ở đâu?”, cô ta hỏi sau khi hai người đã đi được vài trăm bước.

“Tôi làm sao biết được?”, Nâu đáp, tính khí đã dịu đi rất nhiều do chỗ rảo bước.

“Em hy vọng nó gần gần”, Saclôt nói.

“Không, không gần đâu”, Nâu đáp. “Cô nghe không? Không gần đâu, cho nên đừng nghĩ đến chuyện đó nữa”.

“Tại sao lại đừng?”.

“Khi tôi bảo cô rằng tôi không muốn làm một việc gì thì thế là đủ không có sao với trăng gì hết”, Nâu dõng dạc đáp.

“Anh nổi nóng như thế làm gì?”, cô bạn đường nói.

“Nếu chúng ta vào và dừng lại ở quán trọ đầu tiên ngoài thành phố thì sẽ hay hớm lắm đấy, vì nếu lão Xaoơberi đuổi theo chúng ta, lão có thể thọc cái mũi già của lão vào đấy và lôi chúng ta về trên một chiếc xe bò, hai tay bị xích”, Klâypâulơ nói, giọng chế giễu. “Đừng hòng! Tôi sẽ đi và sẽ biến mất trong những đường phố chật hẹp nhất, không dừng lại cho đến khi chúng ta đến cái ngôi nhà hẻo lánh nhất mà tôi tìm được. Cô có thể cảm ơn số phận về chỗ tôi tinh đời, và ví thử chúng ta đã không đi, trước hết theo một con đường xấu và không băng qua cánh đồng thì cô ơi, chúng nó đã tống cô vào nhà giam kín được một tuần rồi cô ạ. Và đáng kiếp cho cô vì ai bảo cô ngốc”.

“Em biết là em không tinh ranh như anh”, Saclôt đáp, “nhưng anh đừng đổ lỗi cho em và nói rằng lẽ ra em đã bị tù rồi. Nếu em bị tù thì anh cũng chẳng thoát đâu”.

“Cô lấy tiền ở quỹ, cô biết chính cô đã làm thế”, Klâypâulơ nói.

“Anh Nâu, em lấy tiền cho anh”, Saclôt đáp.

“Thế tôi có giữ tiền không nào?”, Klâypâulơ hỏi.

“Không, anh tin em và để em mang tiền như một người yêu vì anh yêu em”, người đàn bà đáp rồi lấy tay vuốt ve dưới cằm người đàn ông và khoác tay anh ta.

Sự tình chính là như vậy. Nhưng Klâypâulơ không có thói quen đặt lòng tin mù quáng và ngốc nghếch vào bất cứ ai, nên khi tỏ ra công bình với con người này ta phải nhận xét rằng hắn tin cậy Saclôt như vậy chỉ là để cho người ta thấy cô ta mang tiền, và nếu như anh chị bị tóm thì hắn sẽ nhân đó tuyên bố rằng mình không tham dự vào việc trộm cắp và sẽ có nhiều cơ hội trốn thoát. Cố nhiên, trong tình hình này hắn không lo giải thích động cơ của hắn, và hai anh chị bước đi ra chiều âu yếm nhau lắm.

Theo đuổi kế hoạch ranh mãnh của mình, Klâypâulơ đi một mạch không dừng lại cho đến khi tới quán Anjon ở Ixlinhtân, tại đấy hắn phán đoán khôn ngoan là cứ nhìn đám người và xe cộ đi lại để quan sát những đường phố nào xem ra đông đúc nhất và do đó, cần phải tránh nhất, hắn đi qua đường Xanh Jôn và chẳng bao lâu chìm vào bóng tối của những con đường bẩn thỉu và dày đặc nằm giữa Grâyinlâynơ và Xmitfin - những con đường đã khiến cho bộ phận này của thành phố trở thành một trong những nơi thấp hèn nhất và gớm ghiếc nhất ở trung tâm Luân Đôn không hề được quan tâm cải thiện.

Nâu Klâypâulơ đi qua những đường phố này, kéo Saclôt theo sau mình, chốc chốc đi ra giữa đường để bao quát bằng mắt tất cả vẻ bên ngoài của một quán rượu nào đấy, rồi lại đi xa hơn khi một cái vẻ tưởng tượng bên ngoài nào đó khiến hắn nghĩ rằng chỗ này là quá đông đúc đối với hắn. Cuối cùng, hắn dừng lại trước một cửa hàng trông khiêm tốn và bẩn thỉu hơn tất cả những cửa hàng mà hắn đã thấy, và sau khi bước qua đường, đứng quan sát từ lề đường bên kia, hắn dịu dàng tuyên bố hắn có ý định nghỉ đêm ở đấy.

“Thôi trao cái gói lại cho tôi”. Nâu nói, rồi cởi dây ở trên vai người đàn bà và vắt nó lên vai mình, “và cô chớ nói năng gì trừ phi người ta nói với cô. Tên ngôi nhà này là gì nhỉ... Ba... Ba... cái gì?”.

“Ba chàng thọt”, Saclôt bảo.

“Ba chàng thọt”, Nâu lặp lại, “và đó là một cái biển rất hay. Nào, cô theo sát gót tôi đi ngay thôi”. Nói đoạn, hắn lấy vai đẩy cánh cửa kêu cọt kẹt, rồi bước vào nhà, cô bạn đi theo sau.

Ở quầy hàng không có ai ngoài một người Do Thái trẻ tuổi, hai cùi tay chống lên quầy hàng đang đọc một tờ báo bẩn thỉu. Anh ta nhìn chằm chằm vào mặt Nâu và Nâu cũng nhìn chằm chằm vào mặt anh ta.

Nếu Nâu mặc quần áo của một thằng bé ở nhà tế bần thì người Do Thái có vài lý do để trố mắt nhìn như thế. Nhưng vì Nâu đã vứt bỏ áo khoác và phù hiệu kia, lại khoác một áo khoác công nhân trên cái áo da ngắn, nên hình như không có lý do gì đặc biệt để cho vẻ bên ngoài của hắn gây nên nhiều sự chú ý như vậy ở một quán ăn.

“Đây có phải là quán “Ba chàng thọt” hay không?”, Nâu hỏi.

“Đó là cái biển của cửa hàng này”, người Do Thái đáp.

“Một ông chúng tôi gặp trên đường cái từ nhà quê lên bảo chúng tôi nên đến đây”, Nâu nói và lấy cùi tay hích vào người Saclôt có lẽ để chị ta chú ý tới biện pháp hết sức hóm hỉnh này nhằm làm cho nhà hàng phải kính nể và cũng có lẽ để báo trước cho chị ta đừng có tỏ vẻ ngạc nhiên gì hết. “Chúng tôi muốn ngủ đêm ở đây”.

“Về chuyện đó tôi không biết”, Barni đáp, anh ta là người giúp việc của ông chủ quán. “Nhưng tôi sẽ hỏi giúp”.

“Đưa chúng tôi vào một căn phòng và cho chúng tôi một ít thịt nguội và một ít bia trong khi ông đi hỏi. Được chứ?”, Nâu nói.

Barni đồng ý đưa hai người vào một căn phòng nhỏ phía sau và đặt trước mặt họ thứ thịt họ cần. Sau đó, hắn bảo hai người khách rằng họ có thể ngủ đêm ấy, rồi để mặc anh chị ăn uống.

Căn phòng phía sau này ở ngay quầy hàng và thấp hơn quầy hàng vài bậc thềm, thành ra bất kỳ người nào quen biết ngôi nhà này chỉ cần kéo cái rèm nhỏ che kín một ô cửa kính gắn vào bức tường của căn phòng quầy hàng, cách sàn khoảng năm phút là có thể nhìn thấy bất kỳ người khách nào ở trong phòng kia mà không sợ bị chú ý đến (ô kính nằm vào cái góc tối om của bức tường và người quan sát cần phải lách mình vào giữa ô kính và một cột trụ lớn đứng thẳng) và nếu áp tai vào vách anh ta có thể biết khá rõ đầu đề trao đổi câu chuyện của họ. Ông chủ quán suốt năm phút vẫn không rời mắt khỏi chỗ theo dõi này và Barni sau khi đã báo tin vừa mới quay trở lại thì lão Fâyjin, do công việc kiếm ăn ban đêm của mình, đã bước vào quầy hàng để hỏi tin mấy đồ đệ trẻ của lão.

“Suỵt!”, Barni nói, “phòng bên cạnh có người lạ đấy”.

“Người lạ à?”, lão già nhắc lại trong tiếng thầm thì.

“Vâng ạ, cũng là dân múa mổ”, Barni nói thêm. “Nhưng ở nhà quê lên, và nếu tôi không lầm thì hợp với sở thích của ông đấy”.

Lão Fâyjin nghe tin ấy xem ra rất hào hứng. Bước lên một chiếc ẩu, lão cẩn thận áp mắt vào ô kính và từ vị trí kín đáo này, lão có thể thấy Klâypâulơ đang ăn một miếng thịt nguội ở đĩa và uống bia ở cái bình, còn chỉ dành những phần rất vô nghĩa của hai thứ này cho Saclôt. Saclôt vẫn kiên nhẫn ngồi bên cạnh, ăn uống theo sở thích của anh bạn.

“Ha! Ha!”, lão nói thầm, quay về phía Barni, “tôi khoái vẻ mặt cậu này. Hắn có thể có ích cho bọn mình, hắn đã biết huấn luyện con bé rồi đấy. Chú mày phải im lặng như chuột ấy, anh bạn ạ, để tôi nghe chúng nói gì, để tôi nghe trộm xem”.

Lão lại áp mắt vào ô kính và dán tai vào bức vách lắng nghe rất chăm chú, trên mặt lão lộ một vẻ tinh quái và háo hức mà chỉ có một con ác quỷ mới có thể có được.

“Này nhé, anh muốn làm một ông lịch sự”, Klâypâulơ nói, duỗi thẳng cặp giò, nói tiếp một câu gì mà vì lão Fâyjin đến chậm nên không nghe được đoạn đầu. “Saclôt ạ, những thứ quan tài cũ kỹ kia anh đã chán ngấy rồi, anh phải sống cuộc đời của một người lịch sự, vả lại, nếu em muốn, em cũng sẽ làm một bà lịch sự”.

“Em cũng muốn thế lắm anh ạ”, Saclôt đáp, “nhưng không phải ngày nào cũng kiếm được quỹ này quỹ nọ để mà múa và sau đó bỏ trốn”.

“Mẹ kiếp, quỹ với kiếc!”, Klâypâulơ nói. “Còn chán thứ khác có thể mua được”.

“Ý anh muốn nói gì?”, cô bạn hỏi.

“Túi áo, túi xách tay của các bà, nhà cửa, xe ngựa, ngân hàng!”, Klâypâulơ bốc lên vì hơi bia.

“Nhưng anh ơi, anh không thể làm tất cả những chuyện đó được”.

“Anh sẽ tìm cách nhập bọn với những người thuộc loại ấy!”, Nâu đáp. “Họ có thể dùng chúng ta bằng cách này hay cách khác. Này, em có giá trị bằng năm mươi người đàn bà. Anh chưa bao giờ thấy bà nào ranh mãnh và dối trá như em khi anh cho phép em làm thế”.

“Lạy Chúa! Anh nói nghe hay quá!”, Saclôt thốt lên, in một cái hôn trên cái mặt gớm ghiếc của hắn.

“Thôi, thế đủ rồi. Không cần phải yêu đương quá mức, nếu không anh sẽ giận em đấy”, Nâu đáp và đẩy chị ta ra, vẻ rất nghiêm trang. “Anh muốn làm trùm một đoàn nào đấy, giật tiền người ta ở trong tay và đánh lừa họ mà chính họ cũng không biết. Cái gì kiếm được nhiều tiền, cái đó thích hợp với anh, và chỉ cần chúng ta nhập bọn với một tay nào đó thuộc loại này, anh có thể nói chắc số tiền hai mươi bảng mà em đã kiếm được sẽ còn rẻ đấy, nhất là chính chúng ta cũng còn chưa biết làm thế nào thoát khỏi rắc rối vì nó đây”.

Phát biểu ý kiến này xong, Nâu nhìn vào cốc vại bia ra chiều thâm thúy lắm, và sau khi lắc nội dung của nó thực mạnh, hắn gật đầu với Saclôt ra vẻ chiếu cố rồi uống một hơi, người tươi tỉnh hẳn lên. Hắn đang ngẫm nghĩ một chuyện gì khác bỗng cánh cửa đột nhiên mở và một người lạ mặt xuất hiện cắt đứt những suy nghĩ của hắn.

Người lạ mặt này là lão Fâyjin. Lão tỏ ra rất tử tế, vừa cúi gập mình xuống chào vừa bước đến gần, rồi ngồi xuống cạnh bàn gần nhất, và sai Barni đang nhăn nhở đưa đến một thứ gì để uống.

“Đêm nay dễ chịu đấy chứ, nhưng vào thời tiết này trong năm thì hơi lạnh”, lão Fâyjin vừa xoa tay vừa nói. “Chắc là ông ở nhà quê lên?”.

“Làm sao ông lại đoán biết được?”.

“Ở Luân Đôn chúng tôi có đâu lắm bụi bặm thế này”, Fâyjin đáp và chỉ hết đôi giày của Nâu đến đôi giày của cô bạn, rồi lại chỉ sang hai gói hành lý.

“Thế thì ông tinh khôn thực”, Nâu nói, “Ha, ha, ha! Em nghe ông ấy nói có tài không?”.

“Anh bạn ơi, sống ở thủ đô này thì phải tinh khôn chứ”, lão Do Thái đáp, hạ thấp tiếng nói xuống, giọng thì thầm, tâm sự, “mình nói thực đấy”.

Fâyjin củng cố nhận xét bằng cách lấy ngón tay trỏ của bàn tay phải gõ gõ lên mũi, Nâu cũng thử làm như vậy nhưng không thành công mỹ mãn, vì cái mũi của hắn không đủ lớn để làm thế. Song lão Fâyjin hình như giải thích cử chỉ này như là biểu lộ một ý nghĩ hoàn toàn trùng hợp với ý nghĩ của lão, nên hết sức thân mật thết anh bạn thứ rượu mà Barni vừa đem đến.

“Của này ngon đấy”, Nâu liếm môi nhận xét.

“Anh bạn”, lão Fâyjin nói, “một người bao giờ cũng phải biết cách moi két, túi, hay túi xách tay các bà, hay xe ngựa, hay ngân hàng, nếu như anh ta uống rượu thường xuyên”.

Nâu vừa mới nghe đoạn trích dẫn này từ ngay câu nó của mình, đã ngả người ra lưng ghế và đưa mắt hết nhìn lão Do Thái lại nhìn Saclôt mặt xanh như tàu lá và cuống cuồng sợ hãi.

“Anh bạn, anh đừng sợ”, Fâyjin nói và kéo ghế lại gần hơn. “Ha, ha, ha! Thực may phúc là chỉ có mình ngẫu nhiên nghe cậu nói mà thôi. Thực may phúc người nghe chỉ là mình”.

“Tôi không lấy tiền đâu”, Nâu nói ấp úng không còn duỗi chân dài ra như một người lịch sự độc lập, mà cố hết sức co chân lại ở dưới ghế. “Cô ấy làm tất cả, cô ấy giữ tiền mà. Saclôt, em biết là em đã làm”.

“Ai xoáy được tiền hay ai làm điều đó đều không quan trọng, anh bạn ạ”, Fâyjin vừa đáp vừa đưa cặp mắt cú vọ nhìn cô gái và hai gói hành lý, “tôi cũng sống bằng cái nghề ấy, và càng thích cậu là vì thế”.

“Nghề gì?”, Nâu hỏi, hơi trấn tĩnh một chút.

“Cũng là cái khoản múa may ấy cả, và những người trong nhà này đều thế”, Fâyjin đáp, “cậu tìm đúng chỗ rồi đấy, và ở đây yên trí hơn ở đâu hết. Trong tất cả thành phố này không có đâu yên trí hơn là cửa hiệu “Ba chàng thọt”, ấy là khi tớ thích thế. Tớ thích cậu và cô này, cho nên tớ đã nói thế và cô cậu cứ yên trí”.

Đầu óc Nâu Klâypâulơ có thể yên tâm sau lời cam kết này, nhưng thân hình hắn thì rõ ràng là không, vì người hắn cứ vặn vẹo và loay hoay với những tư thế hết sức kỳ quặc trong khi đôi mắt nửa sợ nửa ngờ vực vẫn nhìn vào ông bạn.

“Tớ sẽ nói thêm cho cô cậu biết”, Fâyjin nói sau khi đã làm cho cô gái an tâm bằng nhiều cái gật đầu thân mật và lẩm bẩm những lời khuyến khích. “Tớ có một anh bạn mà tớ cho là có thể thực hiện được điều mong muốn tha thiết của cô cậu và sẽ đưa cô cậu đến con đường đúng đắn, ở đấy hai người có thể chọn bất kỳ ngành nào mà cô cậu cho là thích hợp với mình nhất, rồi sau đó sẽ học tất cả các ngành khác”.

“Ông nói cứ như thực ấy”, Nâu đáp.

“Tớ nói đùa thì có ích lợi gì cho tớ đâu?”, Fâyjin nhún vai hỏi. “Này nhé! Tớ muốn nói một điều với cậu ở ngoài phòng”.

“Chúng ta cần gì phải mất công đi đâu nhỉ?”, Nâu nói và lại duỗi dần hai chân ra. “Cô ấy sẽ mang hành lý lên gác, Saclôt chú ý để mắt tới hành lý nhé!”.

Mệnh lệnh này ban ra rất dõng dạc và được thi hành không chút phản đối và Saclôt đi ra với tất cả hành lý trong khi Nâu giữ cánh cửa mở rộng và nhìn theo.

“Cô ta chịu khó nghe lời đấy chứ?”. Hắn nói sau khi quay trở lại ghế ngồi. Giọng hắn là giọng của một người đã thuần dưỡng được một con dã thú.

“Rất tuyệt”, Fâyjin tuyên bố, và vỗ lên vai Nâu. “Cậu là một thiên tài đấy, anh bạn ạ”.

“Có gì đâu, nếu không làm thế thì tôi đã không ở đây”, Nâu đáp, “Nhưng này nhé, cô ta sẽ quay trở lại nếu ông bỏ lỡ thời gian”.

“À này, anh bạn nghĩ thế nào?”, Fâyjin hỏi. “Nếu anh thích anh bạn tôi thì nhập bọn với anh ta chẳng phải hay nhất sao?”.

“Công việc anh ta có khá không đã? Cái quan trọng là ở đấy”, Nâu đáp, nháy một con mắt ti hí của hắn.

“Rất kền, anh ta dùng rất nhiều tay, có những tướng cừ nhất trong cái nghề này”.

“Dân thủ đô chính cống cả chứ?”.

“Chẳng có dân nhà quê nhà quéo nào hết. Và đừng tưởng là anh ta nhận cậu ngay lập tức đâu nhé, dù cho hiện nay anh ta hơi thiếu người giúp việc”, Fâyjin đáp.

“Có phải có tiền cọc cạch gì không đấy?”, Nâu hỏi, vỗ vỗ vào túi quần.

“Còn phải nói”, Fâyjin đáp, giọng hết sức kiên quyết.

“Hai mươi bảng... cỡ tiền to đấy chứ?”.

“Không to, nếu như đó là một tờ séc mà cậu không có cách gì thoát cái của nợ ấy. Số séc và năm tháng theo tớ đã được ghi rồi phải không nào? Và lĩnh ở ngân hàng chứ gì? Cậu thấy chưa? Ôi chao! Của này không kiếm được bao lăm. Cần phải ra nước ngoài và anh ta không thể bán nó với giá cao”.

“Khi nào tôi có thể gặp anh ta?”, Nâu hỏi, giọng ngờ vực.

“Sáng mai”.

“Ở đâu?”

“Ở ngay đây!”.

“Hèm!”, Nâu nói, “tiền lương bao nhiêu đã?”.

“Sống như một người lịch sự, tiền ăn, tiền ở, thuốc lá và rượu không mất tiền, một nửa tất cả những gì cậu kiếm được và một nửa tất cả những gì cô kia kiếm được”, Fâyjin đáp.

Không biết Nâu Klâypâulơ có đồng ý không, ngay với những điều kiện béo bở như thế nếu như hắn được hoàn toàn tự do trong hành động của mình, điều đó còn đáng ngờ lắm, vì lòng tham lam của hắn không biết đâu là giới hạn, nhưng vì hắn sực nhớ rằng nếu như từ chối thì ông bạn mới kia có thể lập tức tố cáo hắn với tòa án (và sẽ xảy ra những chuyện còn khó tưởng tượng hơn) cho nên dần dần hắn dịu giọng và nói rằng điều đó là thích hợp với hắn. Nâu nhận xét:

“Ông thừa biết đấy, cô ta có thể làm rất nhiều việc, nên tôi muốn làm một cái gì rất nhẹ nhàng”.

“Một việc nhỏ như trò chơi chứ gì?”, Fâyjin gợi ý.

“Ồ cái gì đại loại như vậy”, Nâu đáp. “Ông thấy tôi thích hợp với việc gì nào? Một cái gì làm không vất vả lắm, không nguy hiểm cho lắm, ông biết chứ? Loại công việc đại khái như thế.”.

“Anh bạn, tôi đã nghe anh nói về khoản dò la những người khác”, Fâyjin nói, “anh bạn tôi cần một tay làm điều đó cừ, thực cừ!”.

“Đúng thế, tôi đã nói thế và thỉnh thoảng tôi cũng không ngại bắt tay vào công việc này”, Nâu đáp chậm rãi, “nhưng ông biết việc này không kiếm được mấy”.

“Phải rồi!” Lão Fâyjin nhận xét, ngẫm nghĩ hay giả vờ ngẫm nghĩ, “không, cái đó có thể không hợp”.

“Như vậy ông thấy thế nào?”, Nâu hỏi, vẻ lo lắng nhìn Fâyjin. “Một công việc gì lén lút, một công việc khá chắc chắn mà lại yên ổn như là ở nhà vậy”.

“Thế cậu nghĩ gì về những bà cụ già?”, Fâyjin hỏi. “Có thể kiếm được rất nhiều tiền bằng cách giật túi và gói của các bà cụ rồi chạy trốn quanh các phố”.

“Thế các bà ấy chẳng rống lên khủng khiếp, rồi đôi khi cào vào mặt ấy à?”, Nâu hỏi và lắc đầu. “Tôi không thấy việc đó hợp với tôi. Thế không có công việc nào khác nữa sao?”.

“Khoan đã!”, Fâyjin nói, đặt bàn tay lên đầu gối của Nâu. “Bọn con nít ấy mà!”.

“Cái gì thế?” Nâu hỏi.

“Bọn trẻ con ấy mà, anh bạn ạ”, Fâyjin nói, “đó là bọn trẻ con được mẹ chúng sai đi mua vặt, tay cầm mấy đồng penni hoặc vài ba silinh và công việc chỉ là cướp tiền của chúng. Bao giờ chúng cũng cầm tiền ở tay, rồi sau đó đá chúng xuống rãnh, rồi cứ ung dung cất bước như không có việc gì một đứa trẻ rơi xuống hố hay là bị thương. Ha, ha, ha!”.

“Ha, ha!”, Nâu cười sằng sặc, hai chân đá vung lên khoái trá. “Lạy Chúa, cái đó hợp với mỗ lắm!”.

“Hợp hẳn chứ lị!”, Fâyjin đáp, “và cậu có thể kiếm chỗ làm ăn của mình ở Cămđân Taonơ, ở Batđân Britgiơ và ở những nơi lân cận như thế, là những nơi bọn trẻ con bao giờ cũng được sai chạy vặt, và cậu có thể đánh ngã bao nhiêu đứa cũng được, vào bất kỳ giờ nào trong ngày, ha, ha!”.

Nói đoạn, Fâyjin lấy tay thúc vào hông Nâu và cả hai phá lên cười giòn giã hồi lâu.

“Thôi được, thế là chu rồi!”, Nâu nói, khi hắn đã trấn tĩnh lại và Saclôt đã quay trở lại. “Mấy giờ mai nào?”.

“Mười giờ, được chứ?”, Fâyjin hỏi và Nâu gật đầu đồng ý. “Tớ sẽ gọi anh bạn quý hóa là gì nhỉ?”.

“Ông Bôntơ”, Nâu đáp, đã chuẩn bị từ trước cho câu hỏi này. “Ông Môrixơ Bôntơ. Đây là bà Bôntơ”.

“Kính chào bà Bôntơ”, lão Fâyjin nói và cúi chào với cái vẻ lịch sự hài hước. “Tôi hy vọng sẽ được làm quen với bà rất gần đây!”.

“Saclôt, em có nghe ông khách nói không?”, Klâypâulơ quát ầm lên.

“Có anh Nâu ạ!”, bà Bôntơ đáp và giơ tay ra bắt.

“Nhà tôi gọi tôi là Nâu, đó là một cách nói thân mật”, ông Môrixơ Bôn tơ, trước đây là Klâypâulơ, quay về phía Fâyjin nói, “ông hiểu chứ?”.

“Ồ! Có chứ, con hiểu lắm ạ”, Fâyjin đáp, lần này lão nói thực. “Chúc ngủ ngon! Chúc ngủ ngon!”.

Sau nhiều lời từ biệt và chúc tụng, lão Fâyjin ra đi, Nâu Klâypâulơ ra lệnh cho bà vợ quý hóa của mình phải chú ý, rồi bắt đầu giải thích cho cô bạn biết việc mình đã thu xếp, với vẻ kiêu hãnh và thái độ bề trên, thích hợp không những cho một thành viên của phái mạnh mà cả cho một con người lịch sự biết giá trị của cái chức vụ đặc biệt là trấn lột bọn trẻ con ở Luân Đôn và vùng lân cận.