Ôlivơ Tuýt - Chương 52

CHƯƠNG LII

ĐÊM CUỐI CÙNG CỦA FÂYJIN

Tòa án đông nghịt người, từ sàn cho đến mái. Những cặp mắt xoi mói và háo hức lấp ló ở tất cả các điểm của không gian. Từ cái chấn song ở trước ghế của bị cáo, đến những góc hẹp nhất của cái xó xỉnh nhỏ nhất ở các hành lang, tất cả mọi con mắt đều dồn vào một con người duy nhất là Fâyjin. Trước lão và sau lão, ở trên cao, ở dưới, bên phải, bên trái: lão cảm thấy bị bao quanh trong một bầu trời lấp lánh sáng ngời toàn những mắt là mắt.

Lão đứng đấy, giữa ánh mắt của tất cả mọi người, một tay đặt lên chấn song bằng gỗ trước mặt, tay kia sờ tai, đầu nhô ra phía trước để có thể nghe rõ hơn tất cả những lời phát ra từ miệng của ông chánh án đang nói về tội của lão với tất cả hội đồng. Thỉnh thoảng lão đưa mắt nhìn họ một cách sắc sảo để quan sát xem có điều gì nhỏ nhất có lợi cho mình không. Và khi những điểm nêu lên để buộc tội lão đều hết sức rõ ràng, lão nhìn ông trạng sư của mình vẻ im lặng cầu khẩn rằng ngay cả trong tình cảnh ấy ông ta cũng sẽ nói lên một điều gì bênh vực lão. Ngoài những biểu hiện lo lắng này, tay và chân lão đều không nhúc nhắc. Lão gần như đứng im không cử động ngay khi việc xét xử bắt đầu và bây giờ khi quan tòa ngừng nói, lão vẫn giữ thái độ căng thẳng, quan sát chăm chú như thế, mắt lão nhìn vào mặt họ, tựa hồ như lão vẫn còn lắng nghe.

Một tiếng xì xào nhỏ ở trong phòng xử án thức tỉnh lão. Nhìn quanh, lão nhận thấy các quan tòa đang họp nhau để luận tội. Trong khi đôi mắt lão nhìn thơ thẩn lên ban công, lão có thể thấy người này nhón chân lên cao hơn người khác để nhìn mặt lão. Một vài người vội vàng đeo kính lên mắt, và những người khác thì thầm với những người bên cạnh, vẻ biểu lộ sự ghê tởm. Nhưng trên mọi gương mặt, ngay cả ở những người phụ nữ - vì ở đây có nhiều phụ nữ - lão không hề thấy một biểu hiện thiện cảm mà chỉ toàn thấy toát ra lòng ham muốn mãnh liệt đòi phải trừng trị lão.

Trong khi lão ngơ ngác đưa mắt nhìn như vậy, phòng xử án lại yên lặng như tờ, lão quay lại nhìn, và thấy các viên hội thẩm đã quay về phía ông chánh án.

Nhưng họ chỉ xin phép rút lui mà thôi.

Lão buồn bã nhìn mặt họ, nhìn từng gương mặt khi họ đi ra đường như muốn biết đa số thiên về hướng nào, nhưng chỉ vô ích. Người gác ngục đặt tay lên vai lão. Lão máy móc đi theo anh ta đến đầu ghế bị cáo và ngồi xuống. Anh ta chỉ chỗ cho lão, nếu không lão cũng chẳng nhìn thấy.

Lão lại nhìn lên ban công một lần nữa. Một vài người đang ăn, một vài người nữa đang lấy khăn tay quạt, vì địa điểm đông đúc này rất nóng bức. Có một người đàn ông trẻ tuổi vẽ mặt lão trong một quyển sổ tay. Lão tự hỏi không biết nó có giống mặt lão không, và nhìn anh họa sĩ như bất kỳ người quan sát nhàn rỗi nào có thể làm, lão thấy anh ta làm gãy cái đầu bút chì và lấy dao nhíp ra gọt.

Cũng như vậy, khi lão quay mặt nhìn về phía ông chánh án, đầu óc ông lão bắt đầu nghĩ đến bộ áo quan tòa của ông, nó giá bao nhiêu và ông ta mặc nó như thế nào. Lại có một ông cụ già béo phị ở trên ghế quan tòa trước đây nửa giờ vừa đi ra nay đã quay trở lại. Lão tự hỏi không biết ông này có đi ăn trưa không, ông ta ăn gì, đã ăn trưa ở đâu và lão cứ suy nghĩ miên man vớ vẩn như thế cho đến khi một đối tượng khác thu hút sự chú ý của lão và gây nên một điều suy nghĩ khác.

Nhưng suốt cả thời gian ấy, đầu óc lão vẫn không có lúc nào thoát khỏi cái cảm giác ngột ngạt đè nặng lên người lão rằng ngôi mộ đã mở ra dưới chân lão, nó không rời khỏi lão, nhưng đó là một ấn tượng mơ hồ và chung chung, và lão không thể nào tập trung suy nghĩ vào đấy. Do đó, ngay cả trong khi lão run cầm cập và người nóng ran lên vì nghĩ đến cái chết kề bên, lão lại bắt đầu đếm những chấn song sắt nhọn đầu ở trước mặt mình và tự hỏi không hiểu sao đầu một chấn song lại gãy và không biết người ta có sẽ hàn nó không, hay là cứ để nguyên như vậy. Rồi lão lại nghĩ đến tất cả những điều khủng khiếp của giá treo cổ và máy chém, và đột nhiên dừng lại ngắm nhìn một người đang rẩy nước lên sàn để cho sàn mát, rồi lão lại tiếp tục suy nghĩ.

Cuối cùng, có tiếng yêu cầu yên lặng và mọi con mắt đều háo hức nhìn về phía cửa. Hội đồng đã quay lại và đi qua trước mắt lão. Lão không thể biết được điều gì trên gương mặt của họ, mặt họ chẳng khác gì là đá. Sau đó, lại im lặng hoàn toàn, không một tiếng thì thào, không một tiếng thở... Lão đã bị kết án.

Cả tòa nhà rung lên giữa tiếng reo hò dữ dội, rồi một tiếng nữa, một tiếng nữa và tiếp đó vang dội những tiếng gầm tức tối, to mãi, to mãi thành một tiếng sấm điên giận. Đám đông ở bên ngoài reo lên mừng rỡ khi nghe tin lão sẽ chết vào ngày thứ hai.

Tiếng ồn ào giảm bớt và người ta hỏi xem lão có muốn nói gì chống lại việc kết án tử hình không. Lão lại giữ thái độ lắng nghe như trước và nhìn chăm chú vào người hỏi mình trong khi câu hỏi được nêu lên. Nhưng câu hỏi lặp lại hai lần, lão mới có vẻ như nghe được, và sau đó, lão chỉ lẩm bẩm rằng lão là một ông già... một ông già... một ông già... và cứ thế hạ thấp giọng thành một tiếng thì thầm rồi lại im bặt.

Ông chánh án đội chiếc mũ đen lên đầu và người coi ngục vẫn đứng với thái độ và cử chỉ như trước. Một người đàn bà ở trên dãy ghế cao thốt lên một tiếng kêu trước cảnh trang trọng uy nghi này; lão vội vàng ngẩng đầu lên dường như tức tối vì bị ngắt quãng, rồi lại cúi đầu về phía trước chăm chú hơn nữa. Câu hỏi trang trọng và uy nghi, lời xét xử nghe khủng khiếp lão vẫn như một bức tượng cẩm thạch không một thớ thịt cử động, cái mặt phờ phạc của lão vẫn nhô về phía trước, hàm dưới trễ xuống và đôi mắt vẫn trợn tròn nhìn phía trước mặt khi người gác ngục đặt tay lên tay của lão và ra hiệu bảo lão đi. Lão ngơ ngẩn nhìn quanh một lát, rồi vâng lời.

Người ta dẫn lão đi qua một căn phòng lát đá ở dưới phòng xử án, tại đấy một vài người tù ngồi đợi đến lượt mình và những người tù khác đang nói chuyện với bạn bè của họ đang chen chúc quanh một cửa song sắt nhìn vào cái sân trống. Nơi đây không có ai để chuyện trò với lão; nhưng khi lão đi qua, những người tù giạt ra nên những người đang bám lấy chấn song càng nhìn thấy lão rõ hơn: và họ mắng nhiếc chửi bới lão, hò hét và huýt sáo. Lão giơ nắm tay lên đe dọa và muốn nhổ vào mặt họ, nhưng những người áp giải giục lão đi nhanh qua một hành lang tối om dẫn vào nhà tù chiếu sáng có vài ngọn đèn lờ mờ.

Ở đấy, lão bị lục soát, để cho trên người lão không còn những phương tiện thi hành trước điều pháp luật quy định; xong nghi thức này, người ta dẫn lão đến một trong những xà lim dành cho những người đã bị kết án và bỏ mặc lão ở đấy một mình.

Lão ngồi xuống chiếc ghế đá vừa dùng làm chỗ ngồi vừa dùng làm giường nằm, kê đối diện với cửa ra vào, đưa cặp mắt đỏ ngầu nhìn xuống đất, lão cố gắng tập trung những ý nghĩ của mình. Một lát sau lão bắt đầu nhớ lại một vài câu nói rời rạc ông chánh án đã nói, mặc dầu lúc đó lão cảm thấy mình không hiểu một lời nào. Những câu này dần dần được xếp đúng chỗ của chúng và dần dần những câu khác xuất hiện. Lát sau, lão phục hồi được toàn bộ lời kết tội gần như nó đã được nói ra. Bị treo cổ cho đến khi chết - đó là câu kết thúc. Lão sẽ bị treo cổ cho đến khi chết.

Khi trời đã tối hẳn, lão bắt đầu nghĩ đến tất cả những người lão đã quen và đã chết trên máy chém, một vài người đã chết do mưu mô của lão. Họ xuất hiện trước mắt lão, kế tiếp nhau nhanh chóng đến nỗi lão hầu như không đếm được họ nữa. Lão đã nhìn thấy một vài người trong bọn họ chết và lão còn đùa bỡn nữa là khác, vì họ chết với lời cầu nguyện trên môi. Lão nghe tiếng tấm ván(34) rơi thịch một cái, thế rồi họ thay đổi nhanh chóng quá, từ chỗ là những người mạnh khỏe lực lưỡng, họ thành những đống quần áo đu đưa!

(34) Tấm ván đỡ dưới chân người bị treo cổ.

Một vài người trong bọn họ có lẽ đã ở đúng cái xà lim này... ngồi đúng chỗ này. Xà lim tối om, tại sao người ta không đem đến một ngọn đèn nhỉ? Xà lim đã được xây dựng lâu năm. Hàng chục người chắc hẳn đã phải sống những giờ cuối cùng của họ ở đấy. Lão có cảm giác như ngồi trong một cái hầm mộ với những xác chết nhan nhản dưới đất - cái mũ, dây thòng lọng, những cánh tay bị trói, những bộ mặt mà lão đã biết, ngay cả dưới cái mạng che mặt ghê rợn kia... Đem đèn đến, đem đèn đến!

Cuối cùng khi bàn tay của lão máu me bê bết vì đập vào cánh cửa nặng trĩu và những bức tường thì hai người xuất hiện. Một người cầm cây nến mà anh ta cắm vào cây đèn bằng sắt đóng trên tường, người kia lôi một cái đệm vào để ngủ ban đêm vì không còn được để người bị giam sống một mình nữa.

Thế rồi đêm đến - tối đen, ủ dột, lặng lẽ. Những người canh đêm mừng rỡ khi nghe tiếng đồng hồ nhà thờ điểm, vì nó báo cuộc sống và ngày sắp đến. Đối với lão, tiếng chuông này điểm giờ tuyệt vọng. Tiếng chuông đồng vang lên, mỗi tiếng mỗi âm thanh, chầm chậm, trống rỗng: cái chết. Đối với lão, tiếng động và sự rộn ràng của buổi sáng vui tươi lọt vào đây, có ích lợi gì đâu? Đó là một hình thức khác của tiếng chuông báo tử trong đó lời chế nhạo xen lẫn lời báo trước.

Ngày hôm ấy trôi qua. Đó là ngày ư? Đó không phải là ngày; nó trôi qua nhanh chóng sau khi xuất hiện rồi đêm lại bắt đầu, một đêm vừa rất dài lại rất ngắn. Dài trong cảnh yên lặng dễ sợ của nó, nhưng ngắn vì giờ phút trôi quá nhanh. Có lúc, lão phát điên và nguyền rủa, nhưng cũng có lúc lão lại gào lên và bứt tóc bứt tai. Những con người đáng kính cùng tín ngưỡng với lão đã đến để cầu nguyện bên cạnh lão, nhưng lão chửi bới đuổi họ đi. Họ lại lặp lại những cố gắng nhân từ của họ, nhưng lão lại đuổi đánh họ.

Đêm thứ bảy, lão chỉ còn sống một đêm nữa. Và khi lão nghĩ đến điều đó thì ngày đã bắt đầu Chủ nhật.

Mãi cho đến buổi tối của cái ngày khủng khiếp cuối cùng này, tâm hồn mục nát của lão mới thấy thấm thía đầy đủ cảm giác đau đớn trước tình trạng bất lực, tuyệt vọng của mình - không phải vì lão ôm ấp một hy vọng cụ thể và chắc chắn nào về chỗ sẽ được tha, mà vì trước đó lão chỉ loáng thoáng có cảm giác mơ hồ là chết sớm như thế. Lão nói ít với hai người thay nhau ở cạnh lão, còn về phần họ, họ cũng không cố gắng gì để cho lão chú ý đến họ. Lão ngồi đấy vẫn tỉnh nhưng vẫn mơ. Bây giờ, chốc chốc lão lại chồm dậy, miệng há hốc, da nóng bỏng, chạy đi chạy lại trong tình trạng sợ hãi và căm giận cực điểm, đến nỗi họ là những người quen với những cảnh tượng như vậy cũng đều phải tránh lão vì khiếp sợ. Cuối cùng, lương tâm độc ác của lão bị giày vò nên lão trở nên khủng khiếp đến nỗi không người nào có thể ngồi đấy một mình để nhìn lão, vì vậy cả hai người phải cùng ngồi cạnh lão.

Lão thu mình lại ở trên chiếc giường bằng đá và nghĩ đến quá khứ. Lão đã bị một vài người trong đám đông ném bị thương vào ngày bị bắt và đầu lão băng một miếng vải. Mớ tóc đỏ của lão phủ xuống bộ mặt tái mét, râu bị vặt và xoắn lại thành từng nút, mắt ánh lên một vẻ khủng khiếp, da thịt bẩn thỉu của lão nứt nẻ trong cơn sốt đang thiêu đốt. Tám giờ... chín giờ... mười giờ... Nếu như đó không phải là một mánh khóe để làm cho lão hoảng sợ mà đó là những giờ, tức sự bám sát nhau thì ngày mai khi chúng quay trở lại, lão sẽ ở đâu? Mười một giờ! Lại một giờ nữa điểm, trước khi tiếng vọng của giờ điểm trước đây ngừng rung động. Vào lúc tám giờ, lão sẽ là con người duy nhất khóc than đám ma của mình. Vào mười một giờ...

Những bức tường Niugây khủng khiếp đã từng che khuất không những khỏi con mắt mà rất nhiều khi và trong một thời gian quá dài khỏi sự suy nghĩ của con người bao cảnh khổ cực và bao điều lo lắng không thể nói nên lời được nhưng chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng dễ sợ như vậy. Dăm ba người đi qua nơi đây bước chầm chậm dọc theo những bức tường và tự hỏi con người ngày mai sẽ bị treo cổ kia hiện đang làm gì, chắc hẳn đêm ấy họ không ngủ được nếu như họ có thể nhìn thấy lão.

Từ sáng sớm cho đến gần nửa đêm, những nhóm nhỏ gồm hai ba người xuất hiện trước cánh của xà lim, vẻ mặt lo lắng hỏi xem án tử hình có bị hoãn lại không. Khi nghe trả lời là không, họ liền truyền cái tin đáng mong muốn ấy cho những người đứng ở ngoài đường. Và những người này chỉ cho nhau thấy cái cánh cửa thế nào lão cũng bước ra và chỉ địa điểm hành hình sẽ được dựng lên, rồi vừa miễn cưỡng bước đi, họ lại quay lại thử hình dung cảnh tượng này trong trí óc. Dần dần, người này tiếp người khác lần lượt bước đi, và một tiếng đồng hồ sau, vào lúc nửa đêm, đường phố tối om và vắng ngắt.

Khi khoảng trống trước nhà tù đã được quét dọn và một vài vật chắn đường chắc chắn, sơn đen đã được đặt ngang qua đường không để cho đám đông chen chúc nhau phá vỡ, thì cụ Braolâu và Ôlivơ xuất hiện ở nơi cửa nhỏ và đưa ra một tờ giấy cho phép vào gặp tên tù, tờ giấy này do một quan chức của thành phố ký. Hai người liền được đưa vào xà lim.

“Thưa ông, cậu bé này cũng vào đây sao?”. Người có nhiệm vụ dẫn họ vào nói. “Đây không phải là cảnh cho trẻ con xem!”.

“Anh bạn, đúng thế”, cụ Braolâu đáp, “nhưng việc của tôi với lão ta lại liên quan chặt chẽ với cậu bé này, và vì cậu này đã từng biết lão vào thời buổi lão thành công trong cái nghề độc ác của mình, vì vậy tôi thấy nên để cậu bé này được gặp lão, dù cho điều đó gây nên ít nhiều sợ hãi và đau buồn”.

Mấy lời này là nói riêng không để Ôlivơ nghe. Người đàn ông lấy tay sờ lên mũ và đưa mắt nhìn Ôlivơ vẻ tò mò, mở một cổng khác đối diện với cổng mà họ mới vào, rồi dẫn họ tới các xà lim qua những con đường tối om và quanh co.

“Đây”, người đàn ông nói, dừng lại ở một hành lang âm u, ở đấy có hai người đàn ông đang chuẩn bị những gì đấy trong cảnh yên lặng như tờ, “đây là nơi lão đi qua. Nếu như ông đi lối này, ông có thể thấy cánh của lão bước ra”.

Anh ta dẫn hai người bước vào một nhà bếp bằng đá có những nồi đồng để nấu thức ăn cho tù nhân, và chỉ vào một cánh cửa, có ô chấn song ở phía trên và để lọt ra ngoài tiếng nói của những người đàn ông xen lẫn tiếng búa và tiếng những tấm ván rơi. Họ đang dựng giá treo cổ.

Từ nơi ấy, họ đi qua nhiều cánh cổng vững chắc do những người giữ chìa khóa nhà tù khác mở từ phía bên trong, và sau khi đi vào một cái sân để ngỏ, họ bước lên một cầu thang hẹp rồi vào một hành lang có một dãy cửa vững chắc ở bên trái. Ra hiệu cho hai người ở lại đấy, người gác ngục cầm thìa khóa gõ vào một cánh cửa. Hai người canh tù, sau khi thì thầm với nhau một lát, bước ra hành lang, duỗi tay chân dường như sung sướng vì được nghỉ ngơi một lúc và ra hiệu cho những người khách theo người gác ngục vào xà lim. Hai người bước vào.

Tên tử tù đang ngồi trên giường đu đưa thân hình từ bên này sang bên kia, vẻ mặt trông giống như một con vật bị mắc bẫy hơn là mặt một con người. Đầu óc của hắn rõ ràng đang nghĩ đến cuộc đời trước đây, vì hắn vẫn cứ tiếp tục lẩm bẩm hình như xem sự có mặt của những người khác chẳng qua chỉ là một phần những điều lão tưởng tượng ra.

“Sácli thằng bé cừ thật... khá lắm...”, lão lẩm bẩm. “Ôlivơ nữa, ha, ha, ha. Cả Ôlivơ nữa... người lớn thực rồi... lớn lắm rồi... mang thằng bé đi ngủ”.

Người gác ngục cầm tay Ôlivơ và thì thầm bảo nó đừng hoảng sợ, rồi đứng nhìn không nói gì.

“Mang nó đi ngủ!”, Fâyjin gào lên. “Có đứa nào trong chúng mày nghe tao nói không? Nó đã... đã... bằng cách này hay cách khác là nguyên nhân của tất cả chuyện này. Nuôi dưỡng thằng bé để nó một tên ăn cắp thì cũng đáng cái đồng tiền đấy... Bin ơi, cái cổ của thằng Bôntơ! Đừng bao giờ bận tâm đến con bé... Cứ cắt cổ họng thằng Bôntơ thực sâu vào. Cưa mẹ cái đầu hắn đi”.

“Fâyjin”, người gác ngục nói.

“Tôi đây.”. Lão Do Thái kêu lên, trong nháy mắt lão trở lại thái độ lắng nghe của lão trước tòa án. “Tôi chỉ là một ông già, lạy Chúa, một ông già tội nghiệp!”

“Đây này”, người gác ngục nói, đặt tay lên ngực lão để giữ lão ngồi xuống. “Có người muốn gặp lão hỏi vài câu, hình như thế. Fâyjin! Fâyjin! Lão có phải là con người không?”.

“Ít lâu nữa, tôi sẽ không còn là người”. Lão đáp và ngước mắt nhìn, vẻ mặt không có gì là của con người, mà đầy hoảng sợ và tức giận. “Giết chết tất cả chúng nó đi! Chúng nó có quyền gì mà giết tôi”.

Trong khi nói, lão thấy Ôlivơ và cụ Braolâu đang thu mình lại ở góc xa nhất của chỗ ngồi, rồi lão hỏi họ muốn gì.

“Cứ ngồi yên”, người gác ngục nói, vẫn lấy tay giữ lão ngồi xuống. “Bây giờ ông muốn hỏi gì thì nói với lão. Hỏi nhanh nhanh cho vì lão trở nên tệ hơn từng giờ một”.

“Ông có những giấy tờ”, cụ Braolâu tiến lên nói, “do một người tên là Mănxơ trao cho ông giữ để được an toàn hơn”.

“Láo toét”, Fâyjin đáp. “Tôi không có giấy tờ gì hết, không có gì hết”.

“Vì lòng kính yêu Chúa”, cụ Braolâu trang trọng nói, “bây giờ khi đã sắp chết, ông không nên nói vậy, nên cho tôi biết những giấy tờ ở đâu. ông thừa biết là Xaikit đã chết, Mănxơ đã thú tội, và giữ nó thì không có lợi lộc gì nữa. Giấy tờ kia ở đâu?”.

“Ôlivơ!”, Fâyjin kêu lên, vẫy tay gọi. “Lại đây, lại đây! Để tao nói thầm cho mày nghe”.

“Cháu không sợ”, Ôlivơ nói hạ thấp giọng trong khi nó rời khỏi tay cụ Braolâu.

“Giấy tờ”, Fâyjin nói và kéo Ôlivơ về phía lão, “ở trong một cái bị bằng vải bạt nhét nơi hốc ở phía trên lò sưởi trong căn phòng trên gác. Tao muốn nói chuyện với mày. Tao muốn nói chuyện với mày”.

“Vâng, vâng”, Ôlivơ đáp. “Để tôi đọc một lời cầu nguyện. ông cùng tôi quỳ xuống đi, cùng đọc một lời cầu nguyện, rồi sẽ nói chuyện với nhau cho đến sáng”.

“Bên ngoài, bên ngoài”, lão Fâyjin đáp, đẩy thằng bé về phía cửa và nhìn ngơ ngác ở phía trên đầu nó.

“Mày cứ nói là tao đã đi ngủ, chúng nó tin mày. Mày có thể kéo tao ra nếu mày cứ dắt tao thế này. Nào làm đi, nào làm đi!”.

“Ôi chao, cầu Chúa tha thứ con người khốn nạn này!”. Thằng bé kêu lên và òa khóc.

“Khá đấy, khá đấy!”, Fâyjin nói. “Cách đó sẽ giúp đỡ chúng ta. Trước hết cái cửa này đã. Nếu tao run cầm cập khi chúng ta đi ngang qua cái giá treo cổ thì mày đừng có để ý gì mà cứ đi nhanh. Nào, nào!”.

“Thưa ông, ông có điều gì nữa phải hỏi hắn không ạ?”, người gác ngục hỏi.

“Không hỏi gì nữa”, cụ Braolâu đáp. “Nếu tôi hy vọng có thể làm cho lão nhớ tới hoàn cảnh của mình...”.

“Không ăn thua gì đâu, ông ạ”, người kia lắc đầu đáp. “Ông nên rời bỏ lão thì hơn”.

Cánh cửa xà lim mở ra và những người canh trở lại.

“Nhanh nhanh lên, nhanh nhanh lên”, lão Fâyjin kêu lên. “Khe khẽ chứ, nhưng không được chậm như thế. Nhanh hơn nữa, nhanh hơn nữa!”.

Những người đàn ông đã tóm lấy lão, và kéo Ôlivơ ra khỏi tay lão Fâyjin, giữ lão lại. Lão vật lộn với một sức mạnh tuyệt vọng trong một lát, và buông ra những tiếng kêu lanh lảnh xuyên qua ngay cả những bức tường dày kia, và vang lên bên tai hai người cho đến khi họ ra đến cái sân rộng.

Phải mất một lúc khá lâu hai người mới rời khỏi nhà tù, Ôlivơ gần như ngất đi sau cái cảnh khủng khiếp như thế, và nó yếu đuối đến nỗi trong một giờ hay hơn nữa, nó không còn đủ sức lê bước.

Khi hai người ra ngoài đường thì trời đang hửng sáng. Một đám đông chen chúc nhau đã tụ tập, những cửa sổ đã đầy những người đang hút thuốc và chơi bài để giết thì giờ, đám đông đang chen lấn nhau, cãi cọ nhau, đùa bỡn với nhau. Tất cả cảnh tượng đó nói lên sự sống và sự náo nhiệt, nhưng một chồng đồ vật vẫn lù lù ở giữa tất cả cảnh tượng này: chiếc bục màu đen, cái thang gỗ ngang, sợi dây thừng, và tất cả công cụ khủng khiếp của cái chết.