Ôlivơ Tuýt - Chương 51 - Phần 2

“Đó chẳng phải là bản tính của con người sao, bà Bâmbân?”, ông chủ nhà tế bần phản đối. “Chẳng phải tôi, kẻ đã nuôi nấng nó trong giáo phận có thể cảm thấy điều đó khi tôi thấy nó ngồi ở đây giữa những ông và những bà hết sức lịch sự sao? Tôi bao giờ cũng yêu thằng bé này như nó là... ông nội của tôi”, ông Bâmbân nói, dừng lại để tìm một câu so sánh thích hợp. “Cậu Ôlivơ, này cháu, cháu có nhớ cái ông mặc gilê trắng quý hóa ấy không? Ôi chao! Ôlivơ ơi, tuần trước đây ông ta chầu trời rồi đấy, trong một cỗ quan tài bằng gỗ sồi với những tay cầm mạ bạc”.

“Thôi xin ông”, ông Grimuych xẵng giọng nói. “Chấm dứt tình cảm cho tôi nhờ”.

“Tôi sẽ cố gắng nén lại, thưa ông”, ông Bâmbân đáp, “ông có được mạnh khỏe không? Chắc là ông mạnh khỏe lắm?”.

Lời chào hỏi này là nói với cụ Braolâu, cụ đã bước đến cách hai vợ chồng đáng kính một quãng ngắn. Cụ chỉ Mănxơ và hỏi:

“Ông bà có biết ông kia không?”.

“Không!”, bà Bâmbân dứt khoát đáp.

“Có lẽ ông cũng không biết chăng?”, cụ Braolâu hỏi ông chồng của bà ta.

“Trong đời tôi, tôi chưa thấy ông ta bao giờ.

“Cũng không bán cho ông ta cái gì phải không?”, cụ Braolâu hỏi.

“Không”, bà Bâmbân đáp.

“Có lẽ không bao giờ bà có một quả tim bằng vàng hay một cái nhẫn bằng vàng chứ?”, cụ Braolâu hỏi.

“Cố nhiên là không”, bà quản lý đáp. “Sao ông lại gọi chúng tôi đến đây để trả lời những chuyện vớ vẩn như thế?”

Cụ Braolâu lại gật đầu ra hiệu với ông Grimuych, rồi ông này lại hết sức nhanh nhẹn tập tễnh bước ra. Nhưng lần này ông quay trở lại không phải với một ông chồng lực lưỡng và bà vợ ông ta mà đưa vào hai bà già bại liệt vừa đi vừa run và bước loạng choạng.

“Bà đã đóng cửa vào đêm bà cụ Xanli chết”, người thứ nhất giơ bàn tay khô héo lên nói, “nhưng bà không thể ngăn cản được âm thanh và không thể bịt được những khe hở”.

“Không thể, không thể”, bà cụ kia vừa nói vừa đưa mắt nhìn quanh và động đậy hai hàm răng rụng hết răng. “Không, không, không”.

“Chúng tôi nghe bà cụ Xanli thều thào kể cho bà những điều bà cụ đã làm và thấy bà cầm ở tay bà ta một tờ giấy và hôm sau chúng tôi theo dõi bà đến cửa hiệu cầm đồ”, người thứ nhất nói.

“Đúng thế”, bà cụ thứ hai nói, “và đó là một quả tim và một chiếc nhẫn vàng. Chúng tôi đã nhận ra và thấy người ta trao cho bà. Chúng tôi ở bên cạnh. Ồ! Chúng tôi ở bên cạnh bà!”.

“Và chúng tôi còn biết nhiều hơn thế nữa”, bà cụ thứ nhất nói tiếp, “vì cách đây đã lâu, bà cụ Xanli thường bảo chúng tôi rằng bà mẹ trẻ tuổi đã bảo với bà là bà ta đang trên đường đi để chết cạnh nấm mồ người cha của đứa trẻ, vì bà ta cảm thấy mình không thể nào qua khỏi được, và đúng vào lúc đó bà ta đã sinh thằng bé ở nhà tế bần”.

“Bà có muốn gặp cả người cầm đồ không?”. ông Grimuych hỏi và định đi về phía cửa.

“Không”, bà Bâmbân đáp, “nếu như hắn - chỉ Mănxơ - hèn nhát thú nhận, như tôi thấy hắn đã thú nhận và ông đã điều tra tất cả những con mụ phù thủy này cho đến khi tìm được đúng những con ấy thì tôi không có điều gì để nói nữa. Chính tôi đã bán đấy. Và bây giờ nó ở một nơi mà ông không bao giờ lấy được. Thế rồi sao?”.

“Không sao hết”, cụ Braolâu đáp. “Có điều chúng tôi phải lo liệu sao để hai ông bà không giữ một chức vụ được tin cậy nữa. Ông bà có thể rời khỏi phòng!”.

“Tôi hy vọng”, ông Bâmbân nói và đưa mắt hết sức thiểu não nhìn quanh khi ông Grimuych đã biến mất với hai cụ già, “tôi hy vọng rằng trường hợp nhỏ nhặt không may này sẽ không làm tôi mất địa vị ở địa phận chứ?”.

“Cố nhiên là mất đấy ạ”, cụ Braolâu đáp, “ông có thể yên trí như vậy, và ngoài ra còn cho mình thế là may phúc đấy”.

“Tất cả đều do bà Bâmbân cả. Bà ấy cố tình làm thế!”. Ông Bâmbân nhấn mạnh, sau khi nhìn quanh để biết trước rằng bà vợ đã rời khỏi phòng.

“Đó không phải là một lời bào chữa”, cụ Braolâu đáp. “Ông có mặt khi phá hủy những đồ trang sức ấy và cố nhiên ông là người có tội nhất trước pháp luật trong số hai người, vì pháp luật cho rằng vợ ông hành động theo sự chỉ dẫn của ông”.

“Nếu luật pháp giả thiết như vậy”, ông Bâmbân nói và xiết chặt cái mũ giữa hai bàn tay, “thì pháp luật là một con lừa, một thằng ngốc. Nếu con mắt của pháp luật là như vậy thì pháp luật là một kẻ chưa vợ, và điều tệ nhất tôi có thể chúc cho pháp luật là kinh nghiệm... kinh nghiệm sẽ làm cho pháp luật sáng mắt ra”.

Trong khi nhấn mạnh hai chữ kinh nghiệm lặp đi lặp lại, ông Bâmbân đội mũ lên đầu thật chặt, rồi thọc hai tay vào túi theo bà vợ bước xuống cầu thang.

“Thưa cô”, cụ Braolâu quay về phía cô Rôdơ nói, “cô đưa tay cho tôi cầm. Cô đừng sợ, những lời còn lại mà chúng tôi phải nói không có gì đáng sợ hết”.

“Nếu liên quan đến tôi... tôi không biết có thể liên quan như thế nào, nhưng nếu có liên quan gì đến tôi”, cô Rôdơ nói, “thì xin cho tôi nghe vào một lúc khác. Bây giờ tôi không có bụng dạ và đầu óc nào nghe”.

“Không đâu”, ông già đáp, rồi khoác tay cô Rôdơ, “tôi tin chắc rằng cô có đủ can đảm hơn thế. Anh có biết cô này không?”.

“Có”, Mănxơ đáp.

“Trước đây tôi chưa bao giờ thấy ông cả”, cô Rôdơ đáp, giọng yếu ớt.

“Tôi đã thấy cô nhiều lần”, Mănxơ đáp.

“Người cha của cô Agnet bất hạnh có hai cô con gái”, cụ Braolâu nói, “Số phận của người kia... của cô em như thế nào?”.

“Con bé”, Mănxơ đáp, “khi cha cô ta chết ở một nơi xa lạ, mang một cái tên xa lạ, không để lại thư từ, sách vở hay một mẩu giấy nào cho ta biết mảy may về bạn bè và họ hàng của ông ta... đứa con gái đã được một vài người nông dân nghèo khổ nhận và nuôi như con”.

“Anh cứ nói tiếp đi”, cụ Braolâu bảo và ra hiệu cho bà Mâyli đến gần. “Anh cứ nói tiếp đi!”.

“Ông đã không tìm được nơi gia đình cô ta đã đến. Nhưng chính điều mà tình bạn không làm được thì lòng căm thù lại thường thành công. Mẹ tôi đã tìm được nơi ấy sau một năm tìm kiếm khôn khéo, và tìm được con bé”.

“Thế bà ta có mang nó theo không?”.

“Không. Nhưng bị nghèo khổ và đã bắt đầu đâm chán, ít nhất là người chồng, về lòng nhân từ của họ. Nên mẹ tôi để mặc nó với họ, cho họ một ít tiền, số tiền sẽ không kéo dài được lâu và hứa sẽ gửi thêm, nhưng không bao giờ có ý định gửi. Tuy vậy, mẹ tôi vẫn không hoàn toàn yên tâm là con bé sẽ sống bất hạnh trong cảnh nghèo khổ và bất bình của họ. Mẹ tôi đã kể lại câu chuyện hành động nhục nhã của cô chị với những điều xuyên tạc mà mẹ tôi thích. Mẹ tôi bảo họ phải chú ý cẩn thận tới con bé, vì nó sinh ra từ một dòng máu xấu xa, và bảo rằng nó là đứa con hoang và nó chắc chắn một lúc nào đó sẽ hư hỏng. Các hoàn cảnh đã khẳng định tất cả những điều đó. Người ta tin như vậy. Và ở đấy, con bé đang kéo lê một cuộc sống cực khổ, thậm chí có thể làm chúng tôi thỏa mãn cho đến khi một bà góa lúc bấy giờ ở Sextơ, ngẫu nhiên nhìn thấy con bé, thương hại nó, và đưa nó về nhà. Theo tôi, có một lời nguyền rủa nào đó chống lại chúng tôi, bởi vì ngược lại tất cả những cố gắng của chúng tôi nó vẫn sống ở đấy và sung sướng. Cách đây ba năm tôi không nhìn thấy nó nữa và chỉ gặp lại trong vài tháng nay”.

“Bây giờ anh có thấy cô ta không?”.

“Có. Đang dựa mình lên cánh tay của ông!”.

“Nhưng nó vẫn là cháu gái của tôi như trước”, bà Mâyli thốt lên ôm ghì lấy cô gái đang ngất đi. “Nó vẫn là đứa con thân yêu nhất của tôi. Bây giờ tôi sẽ không bỏ nó, dù có cho tôi tất cả những kho tàng của thế gian. Người bạn dịu hiền của mẹ, đứa con gái thân yêu của mẹ”.

“Người bạn duy nhất trên đời của cháu”, cô Rôdơ kêu lên, bám chắc lấy bà Mâyli. “Người bạn thân yêu nhất, tốt nhất, con tim tôi muốn vỡ”. Tôi không thể nào chịu đựng được tất cả những điều này”.

“Cháu đã chịu đựng nhiều hơn, và mặc dầu thế, cháu trước sau vẫn là con người dịu dàng và quý hóa nhất đã làm cho mọi người biết cháu đều được sung sướng”, bà Mâyli đáp và ôm ghì lấy cô Rôdơ tha thiết. “Nào, nào, cháu ạ, cháu phải nghĩ đến thằng bé này đang chờ đợi ôm ghì lấy cháu. Thằng bé tội nghiệp này! Xem kìa... cháu xem kìa!”.

“Không phải là dì đâu”, Ôlivơ nói, giơ tay ôm lấy cổ cô Rôdơ. “Em sẽ không bao giờ gọi chị là dì, mà gọi là chị. Người chị yêu quý của em, ngay từ đầu, có một cái gì đã bảo con tim em yêu chị tha thiết! Chị Rôdơ, chị Rôdơ yêu quý”.

Những giọt nước mắt chảy và những lời nói ấp úng được trao đổi trong khi hai đứa trẻ mồ côi vẫn ôm ghì lấy nhau thực thiêng liêng. Cùng trong một lúc, một người cha, một người chị và một bà mẹ xuất hiện, rồi biến mất. Niềm vui và nỗi đau buồn hòa lẫn với nhau ở trong cùng một cốc rượu, nhưng đó không phải là những giọt nước mắt cay đắng, vì chính sự buồn bã cũng gợi nên những kỷ niệm dịu dàng và được ôm ấp trong những hồi tưởng êm đẹp và thân yêu đến nỗi nó trở thành một niềm vui trang trọng và mọi tính chất đau khổ đều biến mất.

Hai người ngồi riêng với nhau một hồi lâu, rất lâu. Có tiếng gõ nhẹ ở cửa, cuối cùng người ta báo tin có một người nào đó ở bên ngoài. Ôlivơ mở cửa, lẻn ra và nhường chỗ cho Hari Mâyli.

“Anh đã biết tất cả rồi”, chàng nói, khi ngồi bên cô gái xinh đẹp. “Em Rôdơ yêu quý, anh biết tất cả rồi!”.

“Anh đến đây không phải ngẫu nhiên”, chàng nói sau một phút im lặng kéo dài, “anh biết tất cả những điều đó không phải tối nay, hôm qua... chỉ hôm qua thôi, anh mới biết. Em có đoán là anh đến đây để nhắc em nhớ tới một lời hứa không?”.

“Khoan đã”, cô Rôdơ nói, “anh biết tất cả, thực chứ?

“Tất cả, biết tất cả. Em đã cho phép anh trở lại câu chuyện và cuộc trao đổi cuối cùng của chúng ta vào bất cứ lúc nào trong một năm”.

“Vâng”.

“Không phải anh yêu cầu em thay đổi quyết định của mình”, người trẻ tuổi nói tiếp, “nhưng để nghe em lặp lại nó nếu như em muốn. Anh đã hứa đặt ở dưới chân em bất kỳ địa vị xã hội và tài sản gì của anh mà anh có thể có được và nếu như em vẫn giữ quyết định trước đây của mình thì anh cam đoan sẽ không tìm cách thay đổi nó bằng lời nói cũng như bằng hành động”.

“Những lý do khiến cho trước đây em quyết định thì bây giờ cũng vẫn sẽ ảnh hưởng đến em”, cô Rôdơ kiên quyết nói. “Nếu em có một bổn phận quan trọng và to lớn đối với người đã cứu vớt em thoát khỏi cuộc đời nghèo khổ và đau đớn, em phải nhớ điều đó tối nay hơn là vào lúc nào. Đó là một cuộc đấu tranh”, cô Rôdơ nói, “nhưng em kiêu hãnh chịu đựng cuộc đấu tranh ấy, đó là một điều đau đớn nhưng con tim em sẽ chịu đựng được”.

“Những điều tối nay đã được bộc lộ...”. Hari bắt đầu nói.

“Những điều đã được bộc lộ tối nay”, cô Rôdơ dịu dàng đáp “vẫn khiến cho em ở vào cái vị trí của em trước đây đối với anh”.

“Em cố tình làm tim mình cứng rắn đối với anh”, chàng thiết tha cầu khẩn.

“Ồ, anh Hari, anh Hari”, cô gái trẻ tuổi nói và òa lên khóc, “em muốn làm được điều đó, để em có thể chịu đựng một nỗi đau đớn như vậy”.

“Thế tại sao em lại bắt mình phải chịu đựng điều đó”, Hari nói và nắm lấy tay cô Rôdơ. “Em Rôdơ yêu quý, em hãy nghĩ, em hãy nghĩ đến những điều tối nay em vừa nghe”.

“Em đã nghe những gì? Em đã nghe những gì?”, cô Rôdơ kêu lên. “Đó là cha em cảm thấy mình quá xấu hổ đến nỗi đã bỏ trốn tất cả mọi người... Thôi, chúng ta đã nói nhiều rồi. Anh Hari, chúng ta đã nói đủ lắm rồi!”.

“Chưa đủ đâu, chưa đủ đâu”, chàng trai nói, và giữ cô Rôdơ lại trong khi cô đứng lên. “Những hy vọng, những mong muốn, tương lai và tình cảm của anh, tất cả đều đã trải qua một sự thay đổi chỉ trừ tình yêu của anh đối với em. Hôm nay, anh đem đến cho em không phải một địa vị đáng kính ở trong cái đám đông chen chúc nhau. Anh không đề nghị em phải giao du với một thế giới ranh ma và độc ác ở đấy con người lương thiện bị xấu hổ và nhục nhã không phải vì sự xấu hổ và nhục nhã thực sự... Trái lại, anh đem đến cho em một tổ ấm... một con tim và một tổ ấm... Đúng thế, em Rôdơ... tất cả những điều anh có thể đem đến cho em chỉ có thế mà thôi”.

“Ý anh muốn nói gì?”, cô Rôdơ ấp úng nói.

“Anh chỉ muốn nói như thế này. Lần trước, khi anh từ giã em, anh từ giã em với ý định kiên quyết là gạt bỏ tất cả những hàng rào tưởng tượng giữa em và anh. Anh quyết tâm rằng nếu như cái thế giới của anh không thể là thế giới của em thì anh sẽ làm cái thế giới của em thành cái thế giới của anh, rằng không một điều kiêu hãnh nào về nguồn gốc ra đời có thể khinh thường em vì anh sẽ từ bỏ nó. Anh đã làm như vậy. Những người đã tránh anh vì điều đó cũng sẽ tránh cả em và chứng minh cho đến nay, đã nói đúng. Những người có quyền thế và những người che chở cho anh, những bà con có ảnh hưởng và có thế lực lúc bấy giờ cười anh và hiện nay nhìn anh lãnh đạm. Nhưng ở trong cái quận giàu có nhất của nước Anh lại có những cánh đồng niềm nở và những ngọn cây vui mừng, và ở gần một nhà thờ ở nông thôn... nhà thờ của anh - em Rôdơ, em của anh! - có một mái nhà mộc mạc mà em có thể làm cho anh kiêu hãnh hơn tất cả những hy vọng mà anh đã từ bỏ, và quý báu gấp trăm lần những cái kia! Địa vị và chức vụ của anh ngày nay là thế, và anh đặt nó dưới chân em...”

...

“Cứ ngồi mà đợi những người yêu nhau đến ăn thì khổ”, ông Grimuych nói, khi tỉnh dậy và kéo khăn mùi soa khỏi đầu.

Thực ra, bữa ăn tối đã dọn từ đời nào đời nào. Bà Mâyli, Hari cũng như cô Rôdơ (tất cả cùng đến) đều không thể nói một lời bào chữa.

“Tôi có ý định nghiêm túc là tối nay ăn cái đầu của mình”, ông Grimuych nói, “bởi vì tôi bắt đầu nghĩ rằng tôi sẽ không có cái gì khác để ăn. Nếu các vị cho phép, tôi xin mạn phép hôn cô dâu tương lai”.

Ông Grimuych liền thực hiện những lời nói này và hôn cô gái mặt đỏ bừng, và tấm gương của ông vốn có tính chất truyền nhiễm đã được cụ Braolâu và bác sĩ làm theo. Một vài người khẳng định rằng Hari Mâyli là người đã thực hiện nó đầu tiên ở căn phòng tối bên cạnh. Nhưng những người có uy tín nhất lại cho đó là một lời thóa mạ, vì chàng trẻ như vậy và lại là một giáo sĩ.

“Ôlivơ, con ơi!”, bà Mâyli nói. “Nãy giờ con ở đâu và tại sao con lại có vẻ buồn bã như thế? Tại sao lúc này nước mắt con lại chảy giàn giụa? Có việc gì thế?”

Thế giới của chúng ta là một thế giới của thất vọng và nhiều khi sự thất vọng xảy ra đối với những niềm hy vọng chúng ta tha thiết nhất, những niềm hy vọng làm vô cùng vinh dự cho bản tính của chúng ta.

Đích tội nghiệp đã chết!