Nhà Tuck Bất Tử - Chương 16 - 17

Chương 16

Viên cảnh sát khu vực to béo đang ngái ngủ. Ông thở khò khè khi nói chuyện. Mà ông nói đến là nhiều chứ, tức là hai người bọn họ: ông và gã đàn ông mặc đồ vàng - lên đường đi đến giờ. “Đầu tiên là họ dựng đầu tôi dậy ngay lúc nửa đêm, sau khi tôi đã bôn ba từ sáng sớm đi tìm đứa nhỏ đó, rồi bây giờ lại đến lượt anh bạn bắt tôi đi theo cả quãng đường này,” ông chua chát nói. “Phải nói cho anh biết là con ngựa này của tôi không phải loại khỏe mạnh gì hết. Nói chung nó vẫn chưa làm sao vì thường thì tôi đâu phải hối nó làm chi. Nhưng dù gì đi nữa tôi nghĩ mình nên chờ đến lúc mặt trời mọc mới đi thì hơn.”

Người đàn ông mặc đồ vàng ấy vẫn lịch sự như thường lệ. “Cả nhà Foster đợi suốt từ sáng hôm qua đến giờ,” gã chỉ rõ. “Chuyện họ buồn bực lo lắng là lẽ tự nhiên thôi. Chúng ta đến được đó sớm chừng nào thì đứa nhỏ được về với họ nhanh chừng đó.”

“Mà sao anh bạn lại quan tâm đến chuyện này thế?” viên cảnh sát nghi ngờ hỏi. “Rủi anh thông đồng với tụi bắt cóc đó thì sao, làm sao mà tôi biết được? Đáng lẽ anh phải đi trình báo ngay từ lúc thấy con nhỏ bị bắt chứ.”

Người mặc đồ vàng thở dài. “Nhưng dĩ nhiên là tôi phải xem bọn chúng đem con bé đó đến đâu chứ,” gã kiên nhẫn giải thích. “Đến đó rồi là tôi quay về liền. Mà gia đình Foster là bạn của tôi, họ - ừm - đã bán cho tôi khu rừng của họ.”

Viên cảnh sát tròn xoe mắt. “Trời đất,” ông nói. “Anh nói thật đó hả! Tôi không tin nổi là nhà đó lại làm một chuyện như vậy, với bạn hay không bạn cũng vậy. Anh biết rồi đấy, họ là gia đình đầu tiên ở đây. Tự cao tự đại, như một bầy công vậy, cả nhà đó. Tự hào về dòng dõi, về đất đai nữa. Thế nên họ bán đất cho anh đó hả? Chà chà.” Và ông huýt gió vì kinh ngạc.

Họ cưỡi ngựa đi cạnh nhau trong yên lặng được một lúc, vòng qua khu rừng và băng ngang qua đồng cỏ tràn ánh sao. Viên cảnh sát ngáp thật sâu và nói, “Anh nói cho tôi biết mình còn phải đi bao lâu nữa được chưa vậy? Bao xa nữa mới tới đó?”

“Hai mươi dặm về hướng Bắc,” Người mặc đồ vàng đáp.

Viên cảnh sát rên rỉ, “Những hai mươi dặm!” Ông chuyển chỗ khẩu súng săn đang nằm vắt ngang qua mình ngựa rồi lại rên lên, “Thẳng tới chỗ chân đồi kia hả? Đường cũng khá bằng phẳng, thôi được rồi.”

Nhưng người mặc đồ vàng chẳng thèm đáp lại. Viên cảnh sát miết mấy ngón tay dọc theo cái nòng bóng loáng của khẩu súng săn. Rồi ông nhún vai và thụp người xuống một chút trên yên ngựa. “Cũng có thể nghỉ một chút,” ông thở khò khè, rồi đột nhiên trở nên thật là thân thiện. “Chắc mình còn phải đi ba, bốn tiếng nữa.”

Vẫn không một tiếng ừ hữ.

“Này, quý anh,” viên cảnh sát nói gắng thêm lần nữa. “Trong vùng đây thì vụ này mới thật đó chứ, bắt cóc cơ đấy. Theo tôi biết thì trước giờ chưa từng có vụ nào giống như vầy, mà tôi đã phụ trách ở đây suốt mười lăm năm rồi.”

Ông chờ đợi.

“Thật vậy à,” sau cùng người bạn đồng hành cũng chịu lên tiếng.

“Ừa, thật đấy chứ,” viên cảnh sát nói, nhẹ nhõm thấy rõ. Có lẽ từ giờ sẽ có vài mẩu chuyện trò nữa! “Ừa, mười lăm năm rồi. Thấy cả đống chuyện rắc rối trong từng ấy năm, nhưng chẳng có vụ nào giống như vụ này hết. Mà dĩ nhiên là chuyện gì thì cũng phải có lần đầu cả, như người ta nói đó. Chúng tôi có cả nhà giam mơi toanh rồi, anh thấy chưa vậy? Nghe nè, nó bảnh lắm đấy! Cho mấy tên đó ngủ chỗ sạch sẽ.” Ông tặc lưỡi. “Dĩ nhiên là bọn chúng sẽ không ở đó lâu đâu. Tuần tới thẩm phán của hạt sẽ đến. Ổng sẽ cho chuyển chúng đến Charleyville, nhiều khả năng nhất là thế, tới nhà tù của hạt thôi. Trọng tội là phải bị như vậy. Dĩ nhiên là ở đây chúng tôi cũng có giá treo cổ riêng, cần dùng thì có. Nhưng để mà răn đe thôi, tôi thì tôi nghĩ vậy. Hồi nào đến giờ có phải xài đến nó đâu. Mà cũng vì mấy vụ trọng tội đã phải chuyển đến Charleyville hết rồi, như hồi nãy tôi đã nói đó.”

Viên cảnh sát ngứng lại một chút để châm điếu xì gà, rồi vui vẻ nói tiếp: “Anh bạn tính làm gì với miếng đất nhà Foster vậy? Tính đốn hết cây hả? Xây nhà hay là cửa hàng?”

“Không,” người mặc đồ vàng đáp.

Ông cảnh sát tiếp tục chờ gã nói thêm nhưng mãi chẳng thấy câu nào. Thế là quay lại trạng thái gắt gỏng ban đầu, ông nhíu mày rồi vẩy tàn khỏi điếu xì gà. “Ê, nói gì đi chớ,” ông nói. “Bộ anh bạn bị dán miệng rồi hả?”

Người mặc đồ vàng nheo mắt lại. Cái miệng trên bộ râu xám mỏng giật giật vì khó chịu.

“Nghe tôi nói đây,” gã gằn giọng nói, “Phiền ông để tôi đi trước được không? Tôi lo cho đứa nhỏ đó lắm. Tôi sẽ chỉ đường cho ông rồi tôi đi trước canh chừng nha.”

“Ừm,” viên cảnh sát miễn cưỡng nói, “cũng được, nếu mà anh đang vội cuống cuồng đến vậy. Nhưng đừng có làm gì hết cho đến khi tôi đến. Bọn chúng có thể nguy hiểm đấy. Tôi sẽ cố bám theo, nhưng mà con ngựa này của tôi, nó yếu xìu à. Ngay cả khi ráng mấy tôi cũng chịu, không biết làm sao cho nó chịu phi nước đại nữa.”

“Đúng vậy,” người mặc đồ vàng nói. “Vậy tôi sẽ đi lên trước, rồi chờ bên ngoài ngôi nhà cho đến khi ông đến.”

Gã chỉ đường cặn kẽ cho viên cảnh sát, rồi thúc chân vào hai bẹ sườn con ngựa béo già, phóng nước kiệu vào màn đêm đen thẫm chỉ thấy một ánh bình minh le lói trên đỉnh dãy đồi xa xa trước mặt.

Ngài cảnh sát nhai nhai đầu điếu xì gà. “Hừm,” ông nói với con ngựa. “Mày có thấy bộ đồ đó không vậy? Ừm, đúng là phải có người này người nọ mới làm nên thế giới này.” Nói rồi ông chậm rãi theo sau, vừa đi vừa ngáp, khoảng cách giữa ông và người đi trước cứ mỗi lúc một dài thêm ra.

Chương 17

Đó là sáng thứ hai liên tiếp cô bé Winnie Foster thức dậy sớm. Ngoài trời, trên hàng cây ven hồ, chim chóc đang đón chào ngày mới bằng khúc hoan ca như của cả một ban kèn đồng. Winnie chui mình ra khỏi tấm mền bông cuốn chặt và bước đến bên cửa sổ. Sương mù lững lờ phủ trên mặt nước, ánh ban mai hãy còn yếu ớt. Trông thật hư ảo, và Winnie cảm thấy chính mình nữa cũng hư ảo, thức dậy nơi đây với đầu tóc rồi bù và quần áo nhăn nhúm. Cô dụi mắt. Đâu đó trong đám cỏ dại ướt đẫm sương đêm bên dưới bậu cửa sổ, một chú cóc thình lình nhảy ra và Winnie háo hức nhìn nó. Nhưng không - dĩ nhiên không phải là con cóc đó rồi. Và khi nhớ về chú cóc kia - chú cóc của mình, cô trìu mến nghĩ - cô có cảm giác như đã xa nhà hàng mấy tuần liền. Rồi cô nghe thấy tiếng bước chân trên cầu thang gác xép và nghĩ, “Anh Jesse!”

Ngay lập tức hai má cô nóng bừng.

Nhưng đó là Miles. Anh bước vào phòng khách và thấy cô đã dậy rồi, anh liền mỉm cười và thì thầm nói. “Giỏi quá ta! Em dậy rồi đấy à. Đến đây nào - em giúp anh bắt vài con cá cho bữa sáng nhé.”

Lần này, Winnie cẩn thận để không gây ra tiếng động nào khi bước lên thuyền. Cô loạng choạnh tiến đến chỗ ngồi ở đuôi thuyền, và Miles đưa cho cô hai cái cần câu cũ - “Cẩn thận mấy cái lưỡi câu đấy!” anh cảnh báo - và một hũ mồi: mỡ heo cắt thành miếng nhỏ. Một chú bướm đêm màu nâu vỗ cánh bay ra từ dưới mái chèo dựng cạnh chỗ cô ngồi rồi chấp chới biến đi đâu mất giữa không gian thơm ngát. Và từ bờ hồ, có cái gì đó vừa rơi tõm xuống nước. Một chú ếch!

Winnie chỉ kịp thoáng thấy bóng chú ta từ bờ hồ bơi ra. Mặt trước trong vắt đến độ nhìn thấy cả mấy con cá nâu bé xíu tung tăng hết theo hướng này lại vụt sang hướng khác gần dưới đáy hồ.

Miles đẩy thuyền ra khỏi bờ rồi nhảy vào, và chẳng mấy chốc thuyền họ đã lướt gần đến cuối hồ, nơi nước từ suối đổ tràn vào. Chốt mái chèo kêu cọt kẹt mỗi khi mái chèo ngụp xuống rồi vung lên, nhưng Miles là một tay chèo cừ khôi. Anh lái mà chẳng hề làm bắn nước. Những giọt nước rỏ xuống từ mái chèo mỗi lần chúng được nhấc lên tạo thành những vòng tròn gối lên nhau lặng lẽ tỏa sóng sau lưng họ. Không gian thật là yên bình. “Hôm nay họ sẽ đưa mình về nhà đây,” Winnie nghĩ. Không hiểu sao cô chắc chắn là thế, và bắt đầu phấn chấn lên. Cô đã bị bắt cóc nhưng chẳng có việc gì xấu xảy ra cả và mọi chuyện sắp kết thúc rồi. Giờ hồi tưởng lại những cuộc viếng thăm đêm qua, cô bất giác mỉm cười - và nhận ra rằng mình mới yêu họ làm sao, cái gia đình vô cùng kỳ lạ này. Rốt cuộc họ là bạn của cô. Chỉ mình cô thôi.

“Ngủ ngon không vậy em?” Miles hỏi.

“Dạ ngon,” cô đáp.

“Tốt. Anh mừng là em ngủ được. Trước giờ em có từng câu cá chưa vậy?”

“Dạ chưa,” cô nói với anh.

“Rồi em sẽ thích cho mà xem. Vui lắm.” Và anh cười với cô.

Lúc này, khi mặt trời ló dạng trên những hàng cây, sương mù tan và mặt hồ lấp lánh.

Miles chèo thuyền đến nơi có những chiếc lá súng trông như hình lòng bàn tay đặt ngửa trên mặt nước. “Mình dừng ở đây để thuyền tự trôi một lát,” anh nói. “Dưới mấy bụi cỏ dại và thân cây kia có cá hồi đấy. Đây - đưa cho anh mấy cái cần câu để anh gắn mồi vào.”

Winnie ngồi đó ngắm anh làm. Khuôn mặt anh trông như Jesse, nhưng cũng không phải là giống lắm. Nó gầy hơn vì thiếu hẳn đôi má bầu bĩnh của Jesse, và tái hơn nữa chứ, tóc anh thì thẳng và cắt tỉa gọn gàng bên dưới vành tai. Cả đôi bàn tay cũng khác, ngón tay anh mập mạp hơn và trông như được cọ rửa sạch sẽ, nhưng trên đốt và dưới móng tay lại có vết đen. Và Winnie nhớ ra có lúc anh cũng làm thợ rèn nữa, mà đúng như vậy thật vì bên dưới làn vải sơ mi mòn xơ cả chỉ gồ lên đôi vai rộng và vạm vỡ. Trông anh rắn chắc như một mái chèo còn anh Jesse thì - ừm, theo cô nghĩ, Jesse giống như là nước: mảnh mai và nhanh nhẹn.

Có vẻ như Miles biết cô đang quan sát mình. Anh ngẩng lên khỏi hũ mồi câu và ánh mắt đáp nhìn của cô thật dịu dàng. “Còn nhớ anh kể cho em là anh đã có hai đứa con chứ?” anh hỏi. “Ừm, một đứa là con gái. Anh cũng từng dẫn nó đi câu cá.” Đến đây khuôn mặt anh bỗng đượm vẻ u buồn, rồi anh lắc đầu nói. “Nó tên là Anna. Chúa ơi, nó mới dễ thương làm sao. Mà nghĩ cũng kỳ thật, giờ này chắc nó tầm tám mươi rồi, nếu nó còn sống. Con trai anh - nó cũng phải tầm tám mươi hai tuổi rồi.”

Winnie nhìn khuôn mặt trẻ trung, mạnh mẽ ấy, và lát sau cô hỏi, “Sao anh không dắt vợ con anh lại con suối và cho họ uống nước đó?”

“À, dĩ nhiên là hồi còn ở nông trại bọn anh đâu biết chuyện về con suối đó,” Miles đáp. “Sau này anh cũng từng tính đi tìm họ. Cũng muốn làm vậy, có trời chứng giám. Nhưng Winnne à, nếu thế thì chuyện gì sẽ xảy ra nào? Lúc đó vợ anh cũng gần bốn mươi rồi. Còn tụi nhỏ thì - ừm, được tích sự gì cơ chứ? Tụi nó cũng lớn gần hết rồi và có một người cha trạc tuổi mình. Không, mọi chuyện rồi sẽ kỳ quặc và rối rắm lắm, chẳng ích gì đâu. Cả ba anh cũng cực lực phản đối chuyện này. Càng ít người biết về con suối chừng nào, ba nói, càng ít phải kể đầu đuôi chuyện đó chừng ấy. Đây - cần câu của em đây. Chỉ cần buông lưỡi câu xuống nước. Chừng nào cá cắn câu là biết liền à.”

Winnie nắm chặt cần câu, ngồi về một bên ở cuối thuyền và nhìn lưỡi câu đã gắn mồi từ từ chìm xuống nước. Một con chuồn chuồn như viên ngọc lam sáng chói từ đâu lao tới, đậu lại một chốc trên mấy chiếc lá súng rồi lại nhún mình bay đi mất. Tiếng chú ếch nào đó kêu vang từ một bờ hồ gần nhất.

“Ở quanh đây có nhiều ếch lắm thì phải,” Winnie nhìn quanh nói.

“Đúng vậy,” Miles nói. “Chúng sẽ còn đến nhiều nữa, miễn là bọn rùa không có ở đây. Giờ thì có cá hanh, chúng mà nhìn thấy ếch là đớp liền.”

Winnie nghĩ đến mối hiểm họa đang rình rập mấy chú ếch và thở dài. “Sẽ tốt biết bao,” cô nói, “nếu không có cái gì phải chết đi cả.”

“Ừm, giờ anh cũng chẳng biết nữa,” Miles nói. “Nhưng nghĩ kỹ lại em sẽ thấy rằng nếu như vậy thì sẽ có biết bao nhiêu sinh vật, tính luôn cả con người nữa, chẳng mấy chốc tất cả sẽ phải chen chúc nhau mà sống.”

Winnie nheo mắt nhìn sợi dây câu, trong đầu cố hình dung ra cái thế giới chật chội đông đúc ấy. “Ừm,” cô nói, “phải đấy, chắc là anh đúng.”

Thình lình chiếc cần câu trên tay cô giật mạnh và cong oằn xuống, đầu nó trĩu xuống tận gần mặt nước. Winnie giữ cần câu thật chặt, hai mắt cô bé mở to.

“Hê!” Miles la to. “Nhìn kìa! Cá em cắn câu rồi. Cá hồi tươi cho bữa sáng đây, Winnie.”

Thế rồi cũng đột ngột như thế, chiếc cần câu thẳng trở lại và sợi dây câu chùng xuống.

“Chẹp, tiếc quá.” Miles nói. “Nó thoát rồi.”

“Vậy em càng mừng,” Winnie thú thật, bàn tay cầm cán cần cứng ngắc nới lỏng ra một tí. “Anh câu đi, anh Miles. Em không chắc mình có muốn câu cá không nữa.”

Và họ lại trôi đi thêm một lát. Bầu trời lúc này xanh biếc và chói chang, vệt sương mù cuối cùng đã tan biến, và mặt trời nhô cao phía trên những hàng cây, rọi xuống lưng Winnie nóng bỏng. Tuần đầu tiên của tháng Tám lại đĩnh đạc lộ diện sau một đêm ngon giấc. Hứa hẹn sẽ là một ngày gay gắt nữa.

Một con muỗi xuất hiện đậu trên đầu gối Winnie. Vừa lơ đãng đập nó cô vừa nghĩ về điều Miles vừa nói. Nếu loài muỗi là bất tử - và chúng cứ tiếp tục sinh sôi nảy nở hoài! - thì thật là khủng khiếp. Gia đình Tuck nói đúng đấy. Tốt nhất là không có ai biết về con suối đó, kể cả bọn muỗi. Phải giữ bí mật này thôi. Rồi cô nhìn Miles và hỏi, “Anh làm gì khi có nhiều thời gian như vậy?”

“Một ngày nào đó,” Miles nói, “Anh sẽ tìm cách làm một việc gì đó trọng đại.”

Winnie gật đầu. Đó cũng chính là điều mà cô muốn làm.

“Theo anh thì,” Miles tiếp tục, “Ẩn mình là không tốt, như ba anh và nhiều người khác ấy. Mà chỉ lo nghĩ đến vui thú của bản thân mình thì cũng không hay. Người ta ai cũng phải làm một việc gì đó thật sự có ích nếu họ tồn tại trên thế gian này.”

“Nhưng mà anh tính làm gì vậy?” Winnie khăng khăng hỏi.

“Anh cũng chưa biết nữa,” Miles nói. “Anh thì chẳng được học hành gì nhiều và như vậy thì sẽ khó khăn hơn.” Rồi anh nghiêm mặt và nói thêm, “Dù gì anh sẽ tìm ra cách. Anh sẽ xác định làm một cái gì đó.”

Winnie gật đầu. Cô đưa tay ra chạm vào chiếc lá súng nằm trên mặt nước bên cạnh thuyền. Nó ấm và khô rang, như một tờ bìa thấm, nhưng gần chính giữa chiếc lá lại có một giọt nước chỉ lăn đi một chút rồi lại tròn xoe như cũ.

Cuối cùng rồi Miles cũng bắt được cá. Nó rơi phịch ở đó, trên sàn thuyền, hàm ngáp ngáp, mang quạt quạt liên hồi. Winnie ngồi thu chân lại và nhìn con cá. Nó mới đẹp làm sao và cũng kinh khủng nữa, với bộ váy lấp lánh bảy sắc cầu vồng và con mắt như một hòn đá cẩm thạch đang mờ dần khi cô nhìn nó. Lưỡi câu mắc vào môi trên nó và bỗng dưng Winnie muốn khóc. “Thả nó ra đi, anh Miles,” cô nói, giọng khô và đanh lại. “Thả nó ra ngay đi.”

Miles sắp sửa phản đối, nhưng rồi, nhìn mặt cô, anh nhặt con cá lên và nhẹ nhàng gỡ lưỡi câu sắc lẹm ra. “Được rồi, Winnie,” anh nói. Anh thả con cá qua mạn thuyền. Nó quẩy đuôi lẩn đi mất dưới đám lá súng.

“Nó sẽ ổn chứ?” Winnie hỏi, cảm thấy vừa ngốc nghếch lại vừa vui sướng.

“Sẽ ổn thôi,” Miles trấn an cô. Và rồi anh nói, “Người ta đôi khi cũng phải ăn thịt. Điều đó là tự nhiên thôi. Và như vậy cũng có nghĩa là phải sát sinh.”

“Em biết,” Winnie nói thật yếu ớt. “Nhưng mà…”

“Phải,” Miles nói. “Anh hiểu.”