Cuộc đời của Lê-nin - Chương 48 - 49 - 50

SẮC LỆNH ĐẦU TIÊN

Suốt hai ngày đêm liền, các ủy viên Ủy ban quân sự cachsmangj làm việc không ngừng nghỉ. Xvéc-lốp, Xta-lin, Đơ-giéc-gin-xki, Bu-bơ-nốp, Pốt-vôi-xki, An-tô-nốp, Ốp-xê-en-cô và nhiều người bôn-sê-vích khác. Đã hai đêm liền Vla-đi-mia I-lích không chợp mắt. Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na nhìn khuôn mặt vui tươi, nhưng hốc hác của Người và thở dài.

- Cần để cho Vla-đi-mia I-lích nghỉ ngơi một chút, nhưng ở đây chúng tôi không có nhà riêng. Về chỗ chúng tôi thì xa. Tôi chưa nghĩ ra nên thu xếp cho anh ấy ở đâu, - bà nói với Bôn-sơ Bru-ê-vích.

Bôn-sơ Bru-ê-vích là người đồng chí và người giúp việc của Vla-đi-mia I-lích thời ở Giơ-ne-vơ. Ông đã viết cho báo “Tia lửa”. Chuyển sách báo của Đảng cho công nhân Nga, và đến năm 1905 nhận chuyển cả vũ khí.

- Thế về nhà riêng của tôi có được không? - Bôn-sơ Bru-ê-vích hỏi. - Ở đó vừa gần vừa yên tĩnh.

Lập tức ông kéo Vla-đi-mia I-lích và Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na tới chiếc xe ô-tô đỗ ở cạnh Xmôn-nưi.

Vla-đi-mia I-lích vừa ngồi vào sau xe liền ngủ thiếp đi. Mười lăm phút sau, khi họ đi tới nơi, Người thức dậy dường như không có chuyện gì xảy ra.

- Chúng ta sẽ ăn bữa tối, có gì ăn nấy nhé, - Bôn-sơ Bru-ê-vích nói.

Họ khe khẽ dọn các thứ lên bàn để không đánh thức người nhà. Có bánh mì, pho mát và sữa.

- Một bữa ăn tuyệt diệu; - Vla-đi-mia I-lích khen. - Đang đói mà.

Họ bắt đầu ăn và nhớ lại tất cả những gì xảy ra trong những ngày này. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của công nhân đã thành công. Bây giờ và mãi mãi nó sẽ mang tên gọi: cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại.

Họ ước mơ về cuộc sống sau này và lại quên chuyện ngủ. Cuối cùng chủ nhà lên tiếng:

- Đi ngả lưng một chút đi, Vla-đi-mia I-lích, không có thì đồng chí ngủ gục mất! Lúc này cấm đồng chí không được ốm.

Ông dẫn Vla-đi-mia I-lích đi vào phòng của mình. Trong phòng có kê một chiếc bàn giấy ngay cạnh cửa sổ. Vla-đi-mia I-lích không thể sống nổi nếu như ở đâu đó không có bàn viết và bút mực. Còn Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na thì ngủ trên đi-văng của bà chủ.

Vla-đi-mia I-lích tắt đèn điện, nhưng không sao ngủ được. Hoàn toàn thao thức! Những ý nghĩ tụ lại trong đầu. Từ ngày mai cần phải xây dựng một nhà nước mới. Sẽ là nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Nhà nước chưa từng có trên toàn thế giới.

Những kế hoạch lần lượt hiện ra trong đầu Vla-đi-mia I-lích. Người nắm vững học thuyết Mác. Những tư tưởng của Mác đã dẫn dắt Lê-nin trong cuộc đấu tranh cách mạng. Mác luôn luôn giúp đỡ người. Nhưng cần phải xây dựng Nhà nước công nông Xô-viết bằng lao động của chính mình. Bằng trí tuệ của mình.

Vla-đi-mia I-lích lắng nghe. Trong nhà rất yên lặng. Mọi người đều ngủ say. Chắc là Bôn-sơ Bru-ê-vích cũng đã yên giấc. Vla-đi-mia I-lích bỗng bật đèn và ngồi vào bàn giấy. Ngoài cửa sổ là bóng đêm mịt mù. Trong giây phút đó Vla-đi-mia I-lích ngồi im lặng, đầu hơi cúi, tựa như đang lắng nghe những ý nghĩ trong mình. Người ngồi nghiêm nghị và tư lự trong đêm khuya thanh vắng.

Lê-nin cầm bút và bắt đầu viết rất nhanh.

Lê-nin viết rằng các điền trang của bọn địa chủ, của các nhà tu và giáo hội cũng như những ruộng đất của tất cả bọn giàu có đều phải giao lại cho nông dân. Ai không làm ruộng thì kẻ đó không được chia ruộng đất. Ai làm ruộng thì người đó được quyền sở hữu ruộng đất.

Lê-nin say sưa viết rằng đó là ước mơ ngàn đời và niềm hi vọng của dân. Cuộc sống mới ở nhà nước Xô-viết đã bắt nguồn từ ước mơ và ước mơ đó đang trở thành sự thật.

Vla-đi-mia I-lích thở phào nhẹ nhõm thấy dễ chịu làm sao! Phía trên thành phố Pê-tơ-rô-grát, sau những cơn sóng gió, những loạt đại bác ầm ầm và những trận tấn công, là bóng đêm yên tĩnh. Ở một phố tối om chỉ có một cửa sổ là vẫn còn ánh đèn. Cũng giống như hồi ở làng Su-sen-xcôi-e vậy. Cả làng đều ngủ say. Chỉ có một ngọn đèn xanh của người bị đày U-li-a-nốp là vẫn tỏa sáng.

Vla-đi-mia I-lích đặt bút xuống. Trời đã tang tảng sáng.

“Mình còn kịp ngủ hai tiếng nữa”, - Vla-đi-mia I-lích nghĩ bụng. Người vừa đặt đầu xuống gối liền ngủ ngay.

Trên bàn còn lại tờ giấy viết chi chít.

Bên ngoài cửa sổ trời đã bắt đầu sáng rõ. Bầu trời nắng dần. Mặt trời từ những đám mây mờ đục ló ra, chiếu vào phòng ngủ của Vla-đi-mia I-lích. Ánh sáng rọi trên tờ giấy, chiếu lên đầu đề trang trọng: “SẮC LỆNH VỀ RUỘNG ĐẤT”.

PHÒNG TRẮNG

Ngày trước nơi đây tổ chức những buổi lễ trọng thể, những cuộc khiêu vũ lớn. Tiếng nhạc nổi lên. Những chiếc giày vải xa-tanh của các cô nữ sinh quý tộc trượt trên sàn gỗ bóng nhoáng. Thỉnh thoảng hoàng hậu đi cùng với những thị nữ tới dự cuộc khiêu vũ. Vừa phe phẩy quạt, hoàng hậu vừa xem các điệu nhảy.

Phải chăng một người lính, một người bần nông quê ở vùng Oóc-lốp-si-na trước đây lại dám mơ ước một ngày nào đó sẽ được bước vào phòng Trắng này? Người ta sẽ không bao giờ cho họ đến gần Xmôn nưi: “Cút đi, đồ nhà quê, đồ con lợn!”

Nhưng bây giờ… người lính tới dự Đại hội lần thứ II các Xô-viết với tư cách đại biểu…

Phòng Trắng ở Xmôn-nưi chật ních người. Cả các đại biểu và những người không phải đại biểu đều tụ tập ở đây. Những lính thủy mặc áo sơ-mi kẻ sọc và áo khoác bằng da có lựu đạn cài ở thắt lưng. Những đội viên Cận vệ đỏ đeo súng trường. Họ là những người hôm qua đã đánh chiếm Cung điện Mùa đông. Những người nông dân râu ria xồm xoàm, họ là những đại biểu các Xô-viết nông thôn từ nơi xa xăm tới. Còn những công nhân thì cứ nhìn kiểu quần áo cũng đủ biết họ từ các nhà máy và công xưởng đến.

Các ghế tựa và ghế dài người ngồi chật ních. Người ngồi lên cả các bệ cửa sổ, lên sàn. Một số phải đứng. Mọi người đều đeo băng đỏ. Trong phòng màu đỏ rực rỡ, khói thuốc lá mù mịt, tiếng cười nói ồn ào.

- Ta thắng rồi. Đả đảo bọn tư sản! Toàn bộ chính quyền về tay các Xô-viết.

Người lính vùng Oóc-lốp-si-na nhìn quanh quẩn và thấy cái gì cũng lạ.

Nào là những bức trần cao của gian phòng quan trọng này. Nào là những cột bằng đá cẩm thạch. Nào là cái khung mạ vàng cao bằng tầm người treo trên bức tường phía trước. Bức chân dung Nga hoàng bị người ta lột đi rồi, nhưng cái khung trống rỗng thì vẫn còn đây.

Người lính nhìn tất cả khung cảnh ấy với vẻ ngạc nhiên. Còn chính anh ta thì vẫn hồi hộp chờ đợi Lê-nin bước ra nói chuyện với nhân dân. Mọi người đều chờ đợi.

Ở đây, có không ít các đại biểu Đại hội lần thứ I. Lúc đó vào hồi tháng Sáu, tại đại hội lần thứ I đồng chí Lê-nin cũng đã nói chuyện và kêu gọi các Xô-viết giành chính quyền.

- Người thông minh, Người nghĩ rất đúng, - người lính vùng Oóc-lốp-si-na thầm nghĩ. - Chúng ta đã thắng lợi, đã lật đổ chính quyền tư sản, nhưng tiếp theo, chúng ta sẽ sống ra sao?

Vừa khi đó xung quanh bỗng reo ầm lên:

- Lê-nin! Lê-nin!

Nhiều người đứng dậy để thấy rõ hơn các ủy viên chủ tịch đoàn bước ra.

Và người lính cũng đứng phắt dậy nhìn chằm chằm.

Các ủy chủ tịch đoàn ra, ngồi vào bàn. Một người mặc áo khoác bằng da màu đen, mặt đeo cặp kính có sợi dây nhỏ. Trông vừa giống nhà quân sự lại vừa không giống. Vẻ ngoài nom rất kiên quyết.

- Xvéc-lốp đấy, - người ta giải thích cho người lính.

Tiếp theo người ta giới thiệu một người cao cao, gầy gầy, đó là Phê-lích Ét-mun-đô-vích Đơ-giéc-gin-xki, một người bôn-sê-vích có tinh thần chiến đấu cao. Và một người có khuôn mặt dễ gây được thiện cảm, có cái nhìn cởi mở, thẳng thắn, đó là chủ tịch Ủy ban quân sự cách mạng Ni-cô-lai I-lích Pốt-vôi-xki.

Nhưng kìa chủ tịch cuộc họp tuyên bố phiên họp của Đại hội khai mạc và xin nhường cho đồng chí Lê-nin.

Người lính đứng thẳng lên để nhìn kĩ xem Lê-nin là người như thế nào. Lê-nin có dáng người đầm đậm, thâm thấp. Cặp lông mày dường như bị gãy, chạy tản cả về phía thái dương. Còn cặp mắt nhìn thấu đến cả tâm can.

Lê-nin bước nhanh lên diễn đàn. Cả hội trường cùng đứng dậy.

- Lê-nin muôn năm! - mọi người hô lớn.

Họ không muốn im lặng. Họ tung cao những chiếc mũ thủy thủ và mũ lông lên.

- Lê-nin muôn năm!

Lê-nin đứng trên diễn đàn. Trong phòng, Lê-nin nhìn thấy những gương mặt vui sướng. Lê-nin nhìn thấy những người mặc quần áo giản dị, nghèo khổ - những người bình dân. Ở đây không có các quý ông mặc áo trào có tấm che ngực trắng lốp và cũng không có quý bà mặc váy áo rất mốt. Ở đây toàn là các đại biểu công nhân, nông dân, binh sĩ và nhân dân lao động. Đứng trước lớp người này, Lê-nin cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về số phận và hạnh phúc của họ.

Người giơ tay lên yêu cầu được nói. Và hội trường dần dần trở nên im lặng. Nhưng mọi người không ngồi, họ đứng nghe. Người lính vùng Oóc-lốp-si-na nắm chắc tay súng, lắng nghe từng chữ từng lời.

Lê-nin nói về hòa bình. Công nhân và nông dân không muốn chiến tranh. Nhà nước Xô-viết không muốn chiến tranh. Cần phải chấm dứt chiến tranh. Những người dân bình thường muốn sống hòa bình. Người viết sắc lệnh ấy vào buổi sáng hôm nay, dọc đường từ nhà thờ Bôn-sơ Bru-ê-vích tới Xmôn-nưi.

Các đại biểu vô cùng chăm chú và xúc động lắng nghe Lê-nin. Cuộc chiến tranh với quân Đức đã bước sang năm thứ tư. Nhân dân bị khổ sở vì cuộc chiến tranh ấy.

“Chính quyển Xô-viết của chúng ta là như thế đó, một chính quyền chính nghĩa, quan tâm tới nhân dân!” - người lính vùng Oóc-lốp-si-na nghĩ bụng.

Tiếng hô “U-ra” lại vang lên. Những cột bằng đá cẩm thạch của phòng Trắng chưa từng nghe thấy tiếng “U-ra” vàng dội như vây; chưa từng nghe thấy tiếng hát mạnh mẽ, khủng khiếp như vậy:

Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian,

Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn,

Hàng trăm người hát rất hào hứng.

Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa,

Bao nhiêu lợi quyền tất cả qua tay mình!

Sau đó Lê-nin đọc Sắc lệnh về ruộng đất mà Người đã viết hồi đêm ở nhà Bôn-sơ Bru-ê-vích. Và bản Sắc lệnh của Lê-nin lại được các đại biểu, nhất là nông dân, hoan nghênh.

Đại hội lần thứ II họp ngày 25 và 26 tháng mười 1917 tại phòng Trắng của viện Xmôn-nưi. Đây là một Đại hội đáng ghi nhớ. Tại đây Lê-nin tuyên bố thành lập chính quyền Xô-viết.

Tại Đại hội này, Lê-nin đã đọc cho các đại biểu nghe hai bản sắc lệnh về hòa bình và ruộng đất và đã được Đại hội phê chuẩn.

Đại hội còn phê chuẩn các ủy viên nhân dân và cử Vla-đi-ma I-lích Lê-nin làm Chủ tịch Hội đồng dân ủy(1).

(1)Tức Hội đồng ủy viên nhân dân, ngày nay gọi là Hội đồng bộ trưởng - N.D.

Nhà nước Xô-viết đầu tiên đã được thành lập như thế đó.

Đại hội đã làm việc suốt đêm, mãi đến gần sáng mới bế mạc.

Các đại biểu lập tức lên đường trở về Oóc-lốp, Ca-dan, I-a-rô-xláp và tất cả các tỉnh khác, các thành phố khác, các đơn vị bộ đội và hạm đội.

- Các đồng chí hãy mau trở về, - Vla-đi-mia I-lích giục các đại biểu. - Hãy kể về thắng lợi của chúng ta. Cuộc cách mạng của công nhân đã toàn thắng. Bây giờ chúng ta có chính quyền Xô-viết. Phải củng cố chính quyền Xô-viết ở khắp nơi, ở toàn nước Nga.

HỌ ĐÃ SỐNG NHƯ THẾ ĐÓ

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đi dọc theo hành lang rộng và dài của Xmôn-nưi. Trời bắt đầu tối. Bà từ chỗ làm việc trở về. Một ngày vất vả đã qua. Bà vừa điểu khiển cuộc hội nghị các giáo viên, hội nghị công nhân. Cần phải tổ chức các trường học, thư viện, nhà trẻ, câu lạc bộ công nhân. Cần phải xếp đặt nền giáo dục theo kiểu mới, vì lợi ích của những người lao động.

Bà tuy mệt mỏi nhưng rất hài lòng sau một ngày lao động.

Nhà của họ ở ngay Xmôn-nưi. Vla-đi-mia I-lích và vợ sống trong phòng trước đây của một bà quý phái. Gian phòng đó rất cao và dài, có một cửa sổ nhỏ quay ra ngoài sân. Buồng ngủ được ngăn bởi một bức vách thấp. Ở đó có kê hai chiếc giường sắt, bên trên phủ hai chiếc chăn dạ pha len kiểu bộ đội, trông rất thô. Trong buồng ngủ còn có thêm một lò sưởi nữa.

“Gía mà Gien-sư-tép đốt lò sưởi thì hay biết mấy”, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na nghĩ bụng.

Gien-sư-tép là lính bắn súng máy. Cùng với trung đoàn của mình, anh đã tham gia chiến đấu hồi tháng mười để giành chính quyền Xô-viết. Bây giờ trung đoàn súng máy đó phụ trách bảo vệ Xmôn-nưi. Còn Gien-sư-tép được giao nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hội đồng dân ủy.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na vừa nghĩ tới anh, thì anh bỗng xuất hiện.

- Tôi được điều tới nhà ăn lấy cơm tối về, - Gien-sư-tép nói. Anh phẩy cánh tay không: - Trông kìa, Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na, xung quanh đã dịu bớt rồi đấy.

Dọc hai bên, các cửa đều ăn thông ra phía hành lang. Từ một số cửa vẫn còn vọng ra những tiếng nói, tiếng chuông điện thoại và tiếng máy chữ. Nhưng vào giờ khuya như thế này phần lớn các phòng đã im lặng.

- Nhưng Vla-đi-mia I-lích vẫn chưa về, - Gien-sư-tép thở dài, dường như tự giải thích cho chính mình: - Cần phải chăm lo tới toàn dân. Nhân dân vừa mới thức tỉnh đòi hỏi một trí tuệ rất lớn.

Anh nhận thấy vẻ mặt mệt mỏi của Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na.

- Chắc đồng chí bị lạnh? Ngoài sân trời khá lạnh, mùa đông đã đến, đi vào sưởi một chút cho ấm vậy.

Có nghĩa là anh dã đốt một lò sưởi. Gien-sư-tép thông minh thật, cừ thật! Quả là ngoài sân trời khá lạnh.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na vội đi về phòng của mình. Lối vào phòng phải ngang qua phòng rửa mặt. Vòi nước, có lẽ đến hai chục cái trên các bức tường. Trước đây, các cô nữ sinh rửa mặt ở đây. “Bây giờ tất cả hai mươi vòi nước ấy dành cho chúng ta đấy”, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na nói đùa. Ngoài những chậu rửa mặt của nhà nước ra, gia đình Vla-đi-mia I-lích không có của cải gì khác. Đồ gỗ ở trong phòng rất đơn giản: một chiếc tủ đứng, một chiếc tủ con đựng thức ăn và một chiếc bàn giấy nhỏ.

Ở phía đối diện có kê một chiếc đi-văng, hai chiếc ghế bành bọc vải gai và một chiếc bàn tròn nhỏ. Chiếc bàn đó dùng để ăn cơm, đôi khi thảo luận những vấn đề quốc gia quan trọng cũng ở đó.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na cởi áo lông mặc ngoài, đứng bên cạnh lò sưởi ấm áp. Nhưng Vla-đi-mia I-lích mãi vẫn chưa thấy về. Người chọn một chỗ ở ngay trong Xmôn-nưi để gần nơi làm việc. Người đi thang máy lên tầng ba, và lập tức chọn ở đó nơi làm việc và cũng là phòng tiếp khách của Chủ tịch Hội đồng dân ủy. Trong phòng làm việc, Chủ tịch Hội đồng dân ủy giải quyết mọi công việc xây dựng cuộc sống mới, cuộc sống xã hội chủ nghĩa. Từ nơi đây ban hành các sắc lệnh về việc vĩnh viễn bãi bỏ ở nước Nga các danh hiệu quý tộc và thương gia, còn các đường sắt, các hạm đội tàu bè trên sông và trên biển, các nhà băng - tất cả đều thuộc về nhà nước.

Các nhà máy và công xưởng đều chuyển giao cho nhà nước, giai cấp công nhân sẽ tự quản lấy công việc sản xuất.

Tất cả đều mới mẻ, đều phi thường. Tất cả đều được xây dựng lần đầu trên đất nước Xô-viết.

Những người tới phòng khách gặp Lê-nin từ suốt sáng đến khuya là công nhân, nông dân, binh sĩ, thủy thủ. Họ tới hỏi ý kiến xem xây dựng cuộc sống mới của công nông thế nào.

“Chắc là không tranh thủ được thì giờ để ăn cơm tối”, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na nghĩ về I-lích.

Có tiếng bước chân. Không biết có phải I-lích không? Đúng rồi! Tiếng bước chân của Người nhanh nhẹn, nhẹ nhàng. Cánh cửa phòng rửa mặt mở ra, và Vla-đi-mia I-lích bỗng xuất hiện.

- Anh quyết định nghỉ giải lao, - Vla-đi-mia I-lích nói, - đôi mắt ánh lên vui vẻ. Người liếc nhìn ra cửa sổ: ngoài sân, trời đã chuyển sang đông. - Chúng ta đi dạo trên lớp tuyết đầu mùa đi, Na-đi-u-sa. Mình thấy thế nào?

- Em nghĩ rằng bây giờ đã chín giờ tối rồi, còn việc gì để đến mai làm nốt. - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na trả lời rất có lý.

- Cái đó có liên quan trực tiếp đến đồng chí Gien-sư-tép đấy! - Vla-đi-mia I-lích nói, khi vừa thấy Gien-sư-tép bước vào. - Đồng chí Gien-sư-tép, mời đồng chí đi nghỉ ngay thôi. Xin mời, xin mời! - Vla-đi-mia I-lích nhắc lại giọng dứt khoát.

Gien-sư-tép không muốn đi nghỉ chút nào. Anh muốn chăm sóc Vla-đi-mia I-lích. Muốn đem cháo kê đến bữa ăn tối. Muốn đi đến quầy bán báo lấy báo chí. Muốn đốt lò sưởi.

Nhưng hôm nay Gien-sư-tép có một lý do đặc biệt nên không muốn rời đi.

Anh có một tặng phẩm dành cho Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na. Anh rút trong túi ra một chiếc gương tròn rất xinh.

- Của cô nữ sinh trường trung học để lại đấy. Tôi nhặt được. Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na, đồng chí có thể đem theo đi làm, dùng để chải đầu hoặc dùng vào việc khác, chỉ với lý do đó là thích hợp thôi. - Anh đưa cho Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na tặng phẩm và nhìn xem Vla-đi-mia I-lích có tán thành không?

Chắc là Vla-đi-mia I-lích hết sức tán thành, bởi vì Người cười rất thoải mái. Sau đó Người lau vầng trán hói và nói:

- Chà, thế mà anh không nghĩ ra! Na-đi-u-sa, anh chưa lần nào nghĩ tới chuyện mua cho em một chiếc gương con.

- Anh thì có thì giờ đâu mà nghĩ tới chuyện đó! - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na cười.

Gien-sư-tép mặt mày hớn hở và hài lòng đi về nghỉ.

- Những người như thế mới thật là vàng mười. - Anh nói lúng búng một mình, vừa lắc đầu vừa mỉm cười cởi mở suốt dọc đường.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na và Vla-đi-mia I-lích ăn cháo kê rưới lẫn ít dầu hướng dương. Sau đó Vla-đi-mia I-lích lại rủ Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đi dạo chơi, thưởng thức lớp tuyết đầu mùa. Người rất thích những ngày đông đầu tiên. Thích vẻ trong sạch, màu trắng của những bông tuyết.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đội mũ lông; soi chiếc gương con vừa mới được tặng.

- Em già đi nhiều phải không, Vô-lô-đi-a? - bà đột nhiên hỏi.

- Không, hoàn toàn không! - Vla-đi-mia I-lích nhanh nhẹn đáp.

Mái tóc dài tuyệt diệu của bà đã bắt đầu bạc. Những nếp nhăn nhỏ in trên trán. Nhưng Vla-đi-mia I-lích vẫn cảm thấy bà như hồi nào năm xưa. Người nhớ một buổi tối ở làng Su-sen-xcôi-e, khi bà đến nơi đi đày và mang cho Người chiếc đèn màu xanh. Hầu như suốt dọc đường đi bà giữ khư khư chiếc đèn trong tay.

- Mình đi làm về mệt lắm phải không? - Vla-đi-mia I-lích lo lắng hỏi.

- Không mệt lắm, - bà đáp.

Bà không bao giờ phàn nàn cả.

- Chỉ thỉnh thoảng tim đập hơi nhanh, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na nói.

Bà giục Vla-đi-mia I-lích đi dạo. Vì bà biết rằng đó chỉ là giờ nghỉ giải lao, và sau khi đã đi dạo, Vla-đi-mia I-lích sẽ đi thang máy lên tầng ba làm việc ở phòng Chủ tịch Hội đồng dân ủy đến tận khuya. Người làm việc và suy nghĩ nên xây dựng nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới như thế nào.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3