Chàng Ngốc Ở Thôn Nọ - Chương 48 phần 1

Chương 48

Bà Tứ và thầy Chu thành thân, bà mối là thím ba của Hà Hoa, tất nhiên là không thể thiếu công xe chỉ luồn kim của Hà Hoa. Rốt cuộc Hà Hoa cũng không biết bà Tứ và thầy Chu đã xảy ra chuyện gì trong quá khứ, nhưng cô nghĩ bất luận chuyện ngày xưa thế nào, bây giờ chỉ cần hướng về phía trước là đủ. Bản thân Hà Hoa và Trường Sinh vợ chồng con cái đằm thắm, cũng chỉ trông mong người thân quanh mình đều có cuộc sống bình yên và viên mãn.

Đối với chuyện thành thân của bà Tứ và thầy Chu, thật ra cửa ải khó qua nhất không phải là bà Tứ, mà là Trường Sinh. Có một thời gian rất dài hắn cấm cửa thầy Chu, chỉ cần thấy ông xuất hiện ở cổng, liền đóng chặt cửa nhà mình lại, sau đó quay đầu chui vào phòng bà Tứ nhìn bà chằm chằm như trông chừng báu vật. Hà Hoa khuyên đã khuyên, dỗ đã dỗ, cuối cùng thầy Chu phải thề sẽ không dẫn bà Tứ đi, nói mình và bà Tứ sẽ sống cả đời ở thôn này, bọn họ vĩnh viễn là người một nhà, mới qua được cửa của Trường Sinh.

Bà Tứ và thầy Chu thành thân không bao lâu liền có tin vui, thầy Chu lại không có niềm vui sướng của người lần đầu tiên làm cha. Ông sợ tới mức van xin bà Tứ bỏ đứa bé này đi, nói rằng bà đang mang bệnh trong người, gần bốn mươi mới sinh con chẳng khác nào liều mạng. Bà Tứ là người tính cách mạnh mẽ, kiên cường, năm đó bà hận thầy Chu, làm cho ông sống cô độc bên cạnh bà nửa đời người, mãi đến khi thấy Trường Sinh cưới vợ sinh con, cuộc sống quá tươi đẹp, sự cố chấp nửa đời người găm trong tim mới dần lắng xuống. Bây giờ bà gả cho thầy Chu, tính cách kiên cường này không hề thay đổi, chỉ nói mặc kệ là con trai hay con gái, nếu ta đã gả cho ông thì quyết không thể để ông tuyệt hậu.

Lần này Hà Hoa không khuyên nhủ, chính cô cũng đang mang thai nên có thể hiểu được suy nghĩ của bà Tứ, khi đứa con ngày một lớn lên trong bụng mình, có người mẹ nào nhẫn tâm bỏ đi được.

Chuyện Bà Tứ có thai lan ra trong thôn, đương nhiên những người trong thôn lại được một phen bàn tán xôn xao. Người đã có cháu dâu lấy chồng khác đã là chuyện lạ, bây giờ lại còn mang thai cùng lúc với cháu dâu, càng trở thành trò giễu cợt của đám người rỗi hơi mỗi khi tụm đầu nói chuyện phiếm. Bà Tứ vẫn mang tính tình lạnh lùng xa cách, đừng nói là có người nói gì sau lưng bà, cho dù người ta cười trước mặt bà, bà cũng coi như không nghe thấy, cứ sống cuộc sống của mình.

Cha Hà Hoa nghe chuyện bà Tứ mang thai cũng bĩu môi, chê cười với người trong nhà, nói là già đầu có cháu cả rồi mà không đứng đắn, sinh con cái gì mà sinh con. Thật khiến cho lớp trẻ nhà mình còn dám nhìn mặt ai trong thôn nữa, ngay cả thân già là ông còn bị người ta âm thầm mỉa mai, sau lưng chê cười.

Nhưng ông chưa nói được mấy ngày đã phải ngậm miệng, bởi vì mẹ Hà Hoa cũng mang thai.

Hà Hoa cười thầm, nghĩ đến bộ dạng lúng túng, tự tát vào mặt của cha mình. Nhưng không ngờ trình độ lật mặt của cha cô cao đến vậy, giờ lại giương cao mày đầy đắc ý, chẳng những không còn ‘già không đứng đắn’ mà ngược lại chạy khắp nơi khoe với người trong thôn. Nói rằng các người gọi ta là Lý Tam Chỉ* nữa đi, ta cụt hai ngón chẳng khác gì đồ vô dụng ấy à. Thế mà ta đây ban ngày làm việc chẳng thua trai tráng, đến đêm còn cày bừa khiến vợ mang thai được nữa kìa, các người ai có bản lĩnh này!

* Tam chỉ: 3 ngón

Chưa tới hai tháng sau, nha đầu béo cũng cảm thấy người mệt mỏi, nhờ thầy Chu bắt mạch thì cũng là có thai. Người trong thôn lại có nhiều chuyện để bàn tán, nói chuyện phiếm với nhau, thậm chí nhiều năm sau này, nếu nhà ai có mẹ con hoặc con dâu cùng mang thai, nhất định sẽ có người cực kỳ hâm mộ nhắc tới: “Ngươi đã là gì chứ, năm đó bốn mẹ con bà cháu Hà Hoa cùng mang thai, đó mới thật sự là… Chậc chậc…”

Trên đời này luôn có những chuyện trùng hợp bất ngờ, ngoại trừ nha đầu béo, thì Hà Hoa, mẹ cô và bà Tứ mang thai gần gần nhau, tính ra không sinh cùng ngày. Có điều không biết là vì lây hội chứng sinh theo, hay là vì thôn của bọn họ quá xa, mỗi chuyến đi của bà mụ tới thôn quả thật rất vất vả, cho nên đưa mấy đứa trẻ đến luôn một lần cho tiện.

Vì Hà Hoa sợ bà Tứ đã lớn tuổi mới sinh con lần đầu sẽ nguy hiểm, nên đến gần tháng sinh kêu thầy Chu tạm đưa bà Tứ trở về nhà họ Hoắc, cô và Trường Sinh ở bên cạnh chăm sóc. Một buổi trưa, ăn cơm xong bà Tứ cảm thấy không thoải mái, Hà Hoa cũng coi như từng có kinh nghiệm, nhìn tình huống này cũng biết là sắp sinh, vội vàng chạy đi mời bà đỡ tới.

Thầy Chu vừa vội lại vừa sợ, thấy bà đỡ đến liền chạy thẳng vào trong phòng, nói rằng mình cũng làm nghề y, ít nhiều cũng có thể giúp một tay. Bà đỡ chẳng chút nể nang, trừng mắt hỏi: “Cậu đỡ đẻ lần nào chưa?”

Thầy Chu sửng sốt, xấu hổ lắc đầu, bà đỡ nói: “Lúc ta bắt đầu đỡ đẻ, cậu vẫn còn nằm trong bụng mẹ đấy, ra bên ngoài chờ đi.”

Thầy Chu ngượng ngùng lui ra ngoài, Trường Sinh đứng ở cửa nói rất kinh nghiệm: “Không được đi vào.” Rồi lại chỉ chỉ cửa sổ chỉ điểm, “Đứng ở đó…”

Bà Tứ rốt cuộc cũng lớn tuổi, lại là lần đầu mang thai, đau bụng cả một ngày cũng không có tiến triển gì. Ngoài phòng, thầy Chu và Trường Sinh sốt ruột đến độ đứng ngồi không yên, khiến Hà Hoa ngồi phòng trong cũng sốt ruột theo, quýnh quáng lên nên động thai, kết quả cũng sắp sinh. Bà đỡ thì chỉ có một người, đang chăm sóc cho bà Tứ lại không thể mọc thêm tay, khiến cho thầy Chu vội vàng chạy qua nhà bà ấy gọi con dâu tới đỡ hộ.

Ở bên nhà họ Lý, lúc này mẹ Hà Hoa thấy mình cũng sắp sinh, nên tự tay chuẩn bị nước sôi, chuẩn bị xong kêu nha đầu béo đỡ vào nhà. Mãi đến khi nhìn mẹ nằm trên giường, Nha đầu béo mới biết bà sắp sinh. Cô chưa từng có kinh nghiệm nên hoảng sợ, vội vàng chạy đi tìm bà đỡ. Đến nhà bà đỡ mới nghe nói ở Hoắc gia cũng có người sinh con, bà đỡ và cô con dâu đều qua bên đó hết rồi. Nha đầu béo hoảng hốt, chân tay luống cuống, đang mang thai lại chạy đi tìm chồng và bố chồng. Đến khi mấy người về đến nhà, mẹ Hà Hoa đã sắp tự sinh con xong, nghe nói Hà Hoa và bà Tứ cùng sinh con, còn tính chạy qua giúp đỡ nhưng bị người nhà ấn trở về giường. Bên kia, qua ngọ một chút, Hà Hoa và bà Tứ cũng lần lượt sinh con, tính cả mẹ Hà Hoa thì tất cả đều sinh con gái.

Gia đình Hà Hoa có thêm ba người nữa, ba bé gái, ba thế hệ.

Bà Tứ sinh con nhưng không có sữa, Hà Hoa lại căng đầy, một mình cô cho hai đứa trẻ bú, một là con gái cô, một là cô của cô…

Hà Hoa hơi mất tự nhiên, nói vài lời với Trường Sinh: “Con gái chúng ta thiệt thòi rồi, tính ra còn ra đời sớm hơn, lại phải gọi người khác một tiếng ‘bà’.”

Trường Sinh lại chẳng bận tâm chuyện gì, cũng không tiếp lời Hà Hoa, chỉ vui vẻ nói: “Cho ta ôm cô ta một cái.”

Hai tháng sau, Nha đầu béo sinh đôi hai đứa con trai, vốn là một chuyện vui trời ban, nhưng cả nhà từ trên xuống dưới không ai cười được. Bởi vì nha đầu béo khó sinh nên mất máu nhiều, lúc ấy bà đỡ chỉ lắc đầu, nói là dữ nhiều lành ít, còn phải xem tạo hóa. Cả nhà ai nấy đều rầu rĩ, mặt mày u ám, cũng may nhờ trời phù hộ, nha đầu béo nằm trên giường chẵn một tháng cuối cùng cũng bình phục lại.

Hoặc là nhìn thấy vợ trở về từ quỷ môn quan hoặc là bởi vì làm cha, Hà Hoa cảm thấy rõ ràng Đại Bảo trưởng thành rất nhanh. Mặc dù tính tình vẫn như trước kia nhưng làm việc thận trọng, vững vàng hơn, lúc việc nông nhàn cũng ít đi ra ngoài uống rượu chém gió với người khác, bắt đầu để tâm đến việc quản lý gia đình.

Cha Hà Hoa thấy con trai bắt đầu đảm đương mọi việc, liền từ từ buông tay cho cậu làm chủ dần. Còn ông làm một cái xe nôi bằng gỗ nhỏ, lúc nhàn rỗi liền đẩy con gái và hai thằng cháu nội đi khắp thôn, hơi có chút khoe khoang.

Trường Sinh thấy vậy cũng chạy về nhà làm một cái xe y chang, đặt con trai, con gái mình vào đó, nghĩ nghĩ cảm thấy chưa đủ, lại chạy tới nhà thầy Chu ôm con gái thầy đặt vào cho đủ số. Vì thế, lúc mùa vụ nhàn rỗi, trong thôn sẽ thường xuyên nhìn thấy cảnh tượng cha Hà Hoa và Trường Sinh một trước một sau đẩy con cháu đi chơi. Cha Hà Hoa đẩy con gái và cháu trai, Trường Sinh đẩy con và cô của mình.

Hà Hoa cảm thấy rất buồn cười, lúc nói chuyện với mẹ cô cũng có nhắc tới, nói tính tình cha cô thay đổi không ít.

Mẹ Hà Hoa cười: “Bao nhiêu tuổi rồi, sao còn nóng nảy như hồi trẻ được nữa. Nhất là khi có hai đứa cháu trai sinh đôi như vậy còn không vui vẻ sao, thôn chúng vẫn chưa có người nào sinh đôi, lúc này ông ấy rất đắc ý, đến chỗ nào cũng khoe khoang… Cha con còn tính toán với mẹ, nói nha đầu béo lần nào cũng sinh đôi y như vậy thì sính lễ nhiều thế cũng coi như đáng giá.”

Hà Hoa ôm bụng cười, đợi đến lúc cười xong thở hổn hển, lau nước mắt lại đổi giọng làm nũng: “Con thấy cha không chỉ vui vì hai đứa cháu trai đâu, mà còn có vẻ vui vì tiểu Mai Hoa hơn ấy, giống hệt như lúc có Đại Bảo. Đều là con gái, sao lại thiên vị như vậy chứ.”

Mẹ Hà Hoa cười: “Con bé này, là mẹ của hai con rồi đấy, vậy mà còn so đo chuyện này. Còn nữa, nếu Hạnh Hoa và Đào Hoa cũng bám theo so bì như thế, con xem lúc ấy cha con có còn vui vẻ như hiện tại không.”

Hà Hoa nghiêng đầu thè lưỡi, cười hì hì.

***

Đông đi xuân đến, lại một năm nữa.

Sau khi ăn cơm trưa, Hà Hoa đang dọn dẹp phòng, Trường Sinh ôm con gái con trai vào trong phòng ngủ trưa. Con bé con mới biết đi, vừa đến ngọ đã nằm ngủ say trên giường. Trường Sinh ngồi đối mặt với con trai, mở to mắt nhìn trừng trừng.

“Nhổ ra.” Trường Sinh nhìn con, vẻ mặt lo lắng.

Tiểu Thiên Hựu chớp chớp mắt, lắc đầu.

“Nhổ ra!” Trường Sinh trừng mắt nhìn.

Tiểu Thiên Hựu vẫn lắc đầu, càng ngậm chặt miệng hơn.

Trường Sinh hít một hơi, đưa tay nhéo hai má con, móc hạt đậu phộng trong miệng nó ra.

Tiểu Thiên Hựu tủi thân nhìn Trường Sinh một lát rồi khóc toáng lên.

Hà Hoa nghe tiếng ồn liền vào nhà, nhìn tình hình rồi trừng mắt với Trường Sinh, ra vẻ tức giận: “Chàng làm cha kiểu gì thế, cho con một hạt đậu cũng không được, chỉ biết mỗi đậu phộng bảo bối của mình thôi à… Hừ…” Nói xong cô ôm con vào trong lòng an ủi, “Ngoan, Thiên Hựu chơi với mẹ, để cha con chơi với đậu phộng một mình đi.”

Trường Sinh cũng rất ấm ức, vội vàng giải thích: “Không phải, đậu phộng cứng lắm, con nhai không được.”

Hà Hoa nói: “Con nhai không được thì chàng nhai cho con ăn, chàng xem, chàng chọc con khóc rồi này.”

Trường Sinh nói: “Ta đang định nhai thì nàng vào.” Nói xong lại sợ Hà Hoa không tin, vội vàng nhét đậu phộng vào miệng nhai nát ra, nhai xong nhả lên ngón tay đưa tới bên miệng con.

Tiểu Thiên Hựu hít hít mũi, há miệng ăn đậu phộng, sung sướng tựa vào ngực mẹ.

Trường Sinh thấy con dựa vào người Hà Hoa, hơi ghen tị, vội móc hai hạt đậu phộng ra quơ quơ trước mắt Thiên Hựu, dụ dỗ: “Cha có đậu phộng.”

Tiểu Thiên Hựu ngơ ngác nhìn, đưa đôi tay bé nhỏ lên đẩy mẹ không có đồ ăn ra, nịnh nọt chạy sang ôm ấp cha mình.

Trường Sinh nhìn về phía Hà Hoa cười cười đầy đắc thắng, tiếp tục cho con ăn đậu phộng.

Hà Hoa cong miệng cười, xoay người ra khỏi phòng, lúc đi tới cửa cúi đầu sờ sờ bụng, cười thầm trong lòng: tiểu Tam à, chờ anh của con ăn sạch đậu phộng dự trữ của cha con rồi mẹ mới nói với cha con, để tránh sau này cha con lại dùng đậu phộng để ép buộc hai mẹ con mình, bé yêu nhỉ.

Ngoại truyện: Cha Hà Hoa

Cha Hà Hoa lúc chưa có cô không gọi là cha Hà Hoa, tên của ông là Lý Trung, nhũ danh gọi là Cẩu Tử. Nhà có ba anh em, ông là anh cả. Lúc ông lên tám tuổi trong thôn xảy ra bệnh dịch, ông nội, bà nội, cha ông và em trai sáu tuổi đều mất, trong nhà chỉ ba mẹ con sống nương tựa lẫn nhau. Em trai ông thể chất yếu ớt, mẹ ông yêu thương, bảo vệ đứa con nhỏ, đồng thời đặt hết mọi hy vọng lên người ông.

Phải làm thế nào mới không phụ sự kỳ vọng của mẹ? Lúc còn trẻ Lý Trung cảm thấy phải đánh nhau thật lợi hại, sau này mở cửa dựng nhà, không ai dám bắt nạt người nhà ông. Cho nên từ nhỏ ông đã liều mạng, sống chết đánh nhau với người ta, thậm chí còn thường khiêu khích kẻ khác, tạo dựng uy phong cho mình. Một thời gian dài ai nấy đều thực sự sợ ông, đặt cho ông biệt hiệu Lý chó điên. Đối với biệt hiệu này, ông cảm thấy khá vừa lòng, ông cho rằng điều này chứng minh người ta tôn kính và sợ hãi ông.

Lúc Lý Trung mười bốn tuổi, mẹ ông bắt đầu thu xếp việc hôn nhân, bà chỉ sợ thiên tai hiểm họa bất chợt kéo đến, nhà họ Lý sẽ tuyệt hậu mất. Trước mắt cứ cho con trai lớn cưới vợ, sinh năm ba thằng con, thế thì cũng không sợ ông trời đến bắt người bất ngờ nữa.

Một tên choai choai tuổi ăn tuổi lớn như Lý Trung vẫn chưa bận tâm đến chuyện cưới vợ, nhưng đối với việc nam nữ đã có những nhận thức ngây ngô. Cậu thường xuyên lần mò ra bờ sông cùng với mấy thằng con trai cùng tuổi trong thôn, trốn ở một nơi bí mật gần đó nhìn lén con gái tắm rửa, nhìn đến bốc hỏa thì liền dùng tay vói vào đũng quần tự giải quyết. Mấy

thằng nhóc mất nết hùa vào tếu táo, nhất định có một ngày nào đó phải lên thị trấn tìm mấy cô nương để chiêm nghiệm. Đương nhiên là lần nào cũng nói cho sướng miệng chứ chẳng có ai thật sự lên thị trấn làm chuyện đó, chẳng phải giữ bản thân trong sạch gì, chỉ bởi bọn chúng đều những đứa trẻ nhà nghèo, đào đâu ra tiền để làm chuyện này.

Năm mười lăm tuổi, Lý Trung có mối tình đầu của mình. Ngày hôm đó cậu hẹn đám bạn ra bờ sông mò trứng chim, kết quả chẳng có ai tới, thế là một mình cậu mò mẫm ở bờ sông cả nửa ngày, trèo cây bắt được mấy tổ chim, chuẩn bị đem về nhà cải thiện bữa ăn. Lúc cậu đang muốn trèo xuống thì thấy bên dưới gốc cây có một cô gái ngước cổ nhìn cậu.

“Huynh đang lấy trứng chim sao?” Cô gái nghiêng đầu, hai tay cuốn lấy mái tóc dày của mình, nhìn cậu tươi cười, khuôn mặt nhỏ nhắn, trắng trẻo chợt đỏ ửng lên thật tự nhiên.

Tim Lý Trung run lên, bất chợt nghẹn lời. Cô gái này cậu đã nhận ra, ở cách nhà cậu vài thôn, cậu từng nhìn lén cô tắm rửa bên bờ sông, thân mình trắng trơn, đẹp hơn bất cứ cô gái nào cậu đã từng nhìn thấy.

Lý Trung nhảy từ trên cây xuống, không ý thức được mình đã lớn như vậy mà lần đầu tiên đỏ mặt trước mặt người khác. Cậu ngẩn người, ôm hết mớ trứng chim trong lòng đưa qua, lúng ta lúng túng nói: “Cô thích không?”

Cô gái nhìn cậu cười, đưa tay đón lấy, không chút ngượng ngùng: “Cám ơn, lần tới có gì ngon ta sẽ mang cho huynh, huynh tên Lý Trung đúng không, ta đã từng nghe bọn họ nói...”

Nghe cô gái biết tên của hắn, Lý Trung hơi đắc ý hỏi: “Tên cô là gì?”

Cô gái cười trong veo: “Ta họ Trần, tên Thúy Anh.”

Ngày đó, Lý Trung nhìn bóng dáng Trần Thúy Anh rời đi, đứng ngây người một mình ở bờ sông rất lâu.

Trong lòng cậu có người đó, trở về liền để ý hỏi thăm Trần Thúy Anh, nhưng kết quả làm lại cho cậu hơi thất vọng. Người ta nói Trần Thúy Anh này không còn con gái nữa, lúc cô ta mười hai mười ba tuổi mất tích mấy ngày, nói là đi lạc nhưng thật ra là bị mấy tên đạo tặc kéo vào ngọn núi cưỡng bức mấy ngày, lúc tìm được về nhà thì quần áo chẳng còn chỗ nào nguyên vẹn. Còn nói Trần Thúy Anh từ sau lần đó liền trở nên lẳng lơ, suốt ngày trang điểm xinh đẹp, nhìn thấy đàn ông con trai đều liếc mắt đưa tình.

Lý Trung như bị người khác hắt một chậu nước lạnh, vô cùng hụt hẫng, trong đầu hắn mãi không thể quên được cô gái tươi cười xinh đẹp, hai má hây hây đứng dưới tàng cây ngửa đầu nhìn cậu. Cô cười ngọt ngào như vậy, sao có thể là cô gái không đứng đắn… Nhưng nếu thật sự là cô gái đứng đắn… Tất nhiên sẽ không đi tắm sông giữa ban ngày ban mặt… Có lẽ nhà cô không có chỗ tắm, hơn nữa cô cũng không biết sẽ có người trốn ở một nơi bí mật gần đó nhìn lén…

Lý Trung suy nghĩ rất nhiều ngày, nghĩ đến mức tâm tư rối loạn, rốt cục cũng không chịu được bèn đến thôn của Trần Thúy Anh tìm cô. Cậu ngăn cô lại ở bờ sông vắng vẻ, thẳng thắn hỏi cô có phải loại người mà người ta đồn thổi hay không.

Trần Thúy Anh không trả lời, chỉ rớt nước mắt lã chã.

Trái tim Lý Trung lập tức mềm xuống, vội vàng dỗ dành, Trần Thúy Anh vẫn không nín, ngược lại càng khóc to hơn. Cũng không biết là suy nghĩ thế nào, bỗng nhiên cậu ôm chặt lấy cô.