Lý Quang Diệu - Bàn Về Trung Quốc, Hoa Kỳ Và Thế Giới - Chương 01 - Phần 1

Lời tựa

Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) là một chính khách đặc biệt, độc nhất vô nhị trong nửa thế kỷ qua. Là “cha đẻ” và là nhân vật rất có ảnh hưởng ở Singapore trong hơn năm thập kỷ, ông tiếp quản một thành bang nghèo nàn, tham nhũng để xây dựng thành một quốc gia hiện đại nơi người dân hiện có thu nhập cao hơn cả phần lớn người dân Mỹ. Không chỉ với vai trò một nhà tư tưởng mà còn là người tiên phong hành động, ông rất hiểu vấn đề chuyển đổi.

Trong các vấn đề quốc tế, không có bất kỳ nhân vật nào được cả một thế hệ các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và thế giới háo hức “săn lùng”, thường xuyên tham khảo ý kiến và chăm chú lắng nghe bằng “nhà hiền triết” của Singapore. Từ Richard Nixon và Henry Kissinger, khi lên kế hoạch “mở cửa với Trung Quốc” năm 1971- 1972. đến các ông chủ Nhà Trắng kể từ đó đến nay, các Tổng thống Mỹ, trong đó có cả Barack Obama, đều dừng chân tại Singapore và chào đón Lý Quang Diệu tới Phòng Bầu dục khi ông sang thăm Hoa Kỳ. Từ Đặng Tiểu Bình, khi vạch ra một cuộc trường chinh quyết liệt tiến tới một nền kinh tế thị trường có khả năng kích thích mức tăng trưởng hai con số suốt ba thập kỷ, cho đến Hồ Cẩm Đào và có lẽ cả Chủ tịch nước kế nhiệm, Tập Cận Bình, đều xem Lý Quang Diệu là nhà cố vấn có ảnh hưởng lớn nhất đối với họ ở bên ngoài Trung Quốc.

Không chỉ có các cường quốc mà cả những nước nhỏ hơn như Israel, quốc gia luôn phải chú ý tới những xu hướng ở bên ngoài biên giới của mình để bảo đảm sự tồn tại, cũng tìm thấy ở Lý Quang Diệu cả một nguồn viễn kiến và cảm hứng. Từ Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan, khi trở thành người đứng đầu của một đất nước mới độc lập vốn chưa từng tồn tại, đến Sheikh Khalifa bin Zayed của Các Tiểu vương quốc Á-rập, đến Paul Kagame của Rwanda, và rất nhiều nhà lãnh đạo khác khi gặp thách thức lớn cùng đã tìm thấy ở Lý Quang Diệu sự hợp tác chiến lược giúp họ tìm cách vượt qua những thách thức quốc tế đó.

Mục đích của cuốn sách mỏng này không phải để nhìn lại năm mươi năm qua với những đóng góp nổi bật của Lý Quang Diệu. Thay vào đó, chúng tôi muốn tập trung vào tương lai và những thách thức cụ thể mà Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt trong một phần tư thế kỷ tiếp theo. Chúng tôi đã cố gắng hình dung ra các câu hỏi mà người tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20 tháng 01 năm 2013 nhận thấy là những mối quan tâm cấp thiết nhất, sau đó tóm tắt các câu trả lời trực tiếp của Lý Quang Diệu bằng chính ngôn từ của ông. Chúng tôi tin rằng những câu trả lời này sẽ rất có giá trị, không chỉ với các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ mà cả với giới lãnh đạo doanh nghiệp và xã hội dân sự Hoa Kỳ, những người đang đầu tư những đồng đô la hiếm hoi và thậm chí cả quỹ thời gian còn khan hiếm hơn dựa trên sự kỳ vọng của họ vào các xu hướng quan trọng trong một thế giới rộng lớn. Chúng tôi chân thành cảm ơn Anthony Tan và Yeons Yoon Yina đã tạo điều kiện cho chúng tôi phỏng vấn ngài Lý Quang Diệu.

Mười chương sách tiếp theo bắt đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc, vấn đề mà chắc chắn Lý Quang Diệu hiểu rõ hơn bất kỳ nhà quan sát hay nhà phân tích nào ở bên ngoài Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có thách thức vị thế của Hoa Kỳ là cường quốc đứng đầu ở châu Á và trên toàn thế giới hay không? Hầu hết các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia đều trả lời câu hỏi trọng tâm này một cách hoang mang và trừu tượng. Bỏ qua những từ ngữ hoa mỹ và thận trọng, Lý Quang Diệu trả lời: “Tất nhiên, nhận thức của người Trung Quốc về vận mệnh là một sức mạnh không cưỡng lại được. Ý định của Trung Quốc là trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới - và phải được công nhận với tư cách Trung Quốc, chứ không phải là một thành viên danh dự của phương Tây.”

Tiếp đến, chúng tôi phỏng vấn về Hoa Kỳ và mối quan hệ Mỹ-Trung, mối quan hệ sẽ định hình chính trị quốc tế trong thế kỷ 21. Giữa hai cường quốc này, ông Lý nhận thấy có sự đối đầu: “Sẽ có sự tranh giành ảnh hưởng. Sự cạnh tranh giữa hai cường quốc là điều không thể tránh khỏi.” Tuy nhiên, ngược với những nhà duy thực bi quan, ông không đánh giá xung đột là điều không thể tránh khỏi nếu các nhà lãnh đạo của hai nước có các quyết định hợp lý.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Các chương sách tiếp theo nói đến Ấn Độ, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, địa chính trị, toàn cầu hóa, dân chủ và các chủ đề khác. Mỗi chương đều mở đầu với các câu hỏi then chốt và sau đó đưa ra một tóm tắt ngắn gọn các câu trả lời của Lý Quang Diệu. Nhiều câu trả lời trong số này sẽ gây tranh cãi vì bẩm sinh Lý Quang Diệu luôn thúc đẩy thực hiện “sự chính xác chính trị” và không bao giờ e ngại tranh luận. Là tác giả và “kiến trúc sư” của quyền sách này, chúng tôi đã cố gắng kiềm chế đưa ra bình luận hay quan điểm của chính mình, vì luôn lưu ý rằng không phải chúng tôi, mà chính các Tổng thống và những cố vấn thân cận nhất của họ mới là những người được lợi nhiều nhất từ những lời khuyên của ông Lý.

Chúng tôi đúc rút những viễn kiến chính và những lập luận trọng tâm của Lý Quang Diệu để người đọc có thể nắm bắt được thật nhanh. Xin chớ nhầm: Chúng tôi tin rằng tất cả những từ ngữ ở các trang sau đây đều đáng đọc nhưng độc giả có thể đưa ra nhận định riêng. Chúng tôi e rằng những ai hy vọng nhanh chóng bứt phá thông qua quyển sách này sẽ nhận thấy chính họ phải bỏ ra nhiều thời gian hơn họ mong đợi. Những lời nói của Lý Quang Diệu buộc họ phải dừng lại và suy nghĩ về những nhận định của ông ấy, nhưng điều họ thấy kinh ngạc, thậm chí gây nhiễu loạn, nhưng lại luôn có khả năng soi rọi.

Cơ hội bỏ ra nhiều tiếng đồng hồ lắng nghe Lý Quang Diệu và nghiền ngẫm những bài viết, bài phỏng vấn và phát biểu phong phú của ông làm chúng tôi thỏa mãn hơn mong đợi. Nếu chúng tôi có thể đem đến cho độc giả một chút “hương vị” của bữa tiệc đó thì tức là chúng tôi đã hoàn thành được ước nguyện của chính mình.

o0o

Chương 1. Tương lai Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có nghiêm túc trong chuyện thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc số 1 ở châu Á hay không? Hay trên toàn thế giới? Số 1 nghĩa là gì? Cách ứng xử của Trung Quốc với các quốc gia khác sẽ thay đổi như thế nào nếu Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị châu Á? Chiến lược của Trung Quốc để trở thành số 1 là gì? Đâu là những trở ngại chính trong quá trình thực hiện chiến lược ấy? Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy mức độ cấp bách đến đâu trong việc đạt được địa vị đứng đầu ở khu vực và xa hơn nữa? Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận vai trò của Hoa Kỳ như thế nào ở khu vực châu Á đang thay đổi khi Trung Quốc trở thành số 1? Liệu mức tăng trưởng hai con số mà Trung Quốc duy trì được trong suốt ba thập kỷ có tiếp tục trong những thập kỷ tiếp theo hay không? Liệu Trung Quốc có trở thành một nền dân chủ hay không? Liệu Trung Quốc có trở thành số 1 trên thực tế không? Cần tiếp cận Tập Cận Bình như thế nào? Những câu hỏi này chắc chắn là trọng tâm của khóa học về lịch sử thế giới và châu Á. Những câu trả lời cẩn trọng của Lý Quang Diệu trong chương sách này phản ánh nhiều thập kỷ quan sát và phân tích Trung Quốc cùng các nhà lãnh đạo của quốc gia ấy.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có nghiêm túc trong chuyện thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc số 1 ở châu Á hay không? Hay trên toàn thế giới?

Dĩ nhiên rồi. Tại sao lại không chứ? Họ đã biến cải một xã hội nghèo nàn bằng một phép màu kinh tế để giờ đây trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - và đang trên đường, như dự đoán của Goldman Sachs [tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới], trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng hai mươi năm tới. Họ bám sát vị trí dẫn đầu của Mỹ trong việc đưa người vào vũ trụ và bắn hạ các vệ tinh bằng tên lửa. Họ sở hữu một nền văn hóa 4.000 năm tuổi với một dân số 1,3 tỷ người, rất nhiều người trong số đó là những tài năng lớn - một nguồn lực dồi dào và rất giỏi để khai thác. Làm sao họ lại không thể có tham vọng trở thành số 1 ở châu Á, và sớm muộn cũng là trên thế giới, được cơ chứ?[1]

[1] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill, 11/5/2011.

Hiện nay, Trung Quốc là nước đang phát triển nhanh nhất thế giới, tăng trưởng với tốc độ không thể hình dung nổi nếu cách đây năm mươi năm, một quá trình biến đổi ngoạn mục mà không ai dự đoán được. Người Trung Quốc đặt ra những mong muốn và kỳ vọng của họ. Mọi người Trung Quốc đều muốn một đất nước Trung Quốc giàu mạnh, một quốc gia thịnh vượng, phát triển và giỏi về mặt công nghệ như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Sự thức tỷnh lại ý thức về vận mệnh này chính là một sức mạnh khó cưỡng.[2]

Người Trung Quốc muốn chia sẻ thế kỷ này ngang bằng với người Mỹ.[3]

[2] Lý Quang Diệu, phát biểu nhan đề Trung Quốc: Gã khổng lồ kinh tế? (China: An Economic Giant?) tại Diễn đàn toàn cầu Fortune, Thượng Hải, 29/9/1999.

[3] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Amaud de Borchsrave. United Press Intemational 8/2/2008.

Ý định của Trung Quốc là trở thành cường quốc lớn nhất thế giới. Các chính sách của mọi chính phủ đối với Trung Quốc, đặc biệt các nước láng giềng, đều phải tính đến vấn đề này. Các chính phủ ấy phải xác định lại vị thế của chính họ bởi vì họ biết rằng sẽ có nhiều hậu quả nếu họ ngăn trở Trung Quốc khi lợi ích cốt lõi của quốc gia đó bị đe dọa. Trung Quốc có thể áp đặt trừng phạt kinh tế chỉ bằng cách không cho tiếp cận thị trường 1,3 tỷ dân có thu nhập và sức mua ngày càng tăng lên của mình.[4]

Khác với các quốc gia đang trỗi dậy khác, Trung Quốc muốn được là Trung Quốc và được nhìn nhận như vậy, chứ không phải chỉ là thành viên danh dự của phương Tây.[5]

[4] Lý Quang Diệu. Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và những hệ lụy (China’s Growing Might and the Congequences), Forbes, 28/3/2011.

[5] Lý Quang Diệu, phát biểu tại tiệc kỷ niệm 25 năm của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN, Washington D.C., 27/10/2009.

Số 1 nghĩa là gì? Cách ứng xử của Trung Quốc đối với các quốc gia khác sẽ thay đổi như thế nào nếu nước này trở thành cường quốc thống trị châu Á?

Cốt lõi suy nghĩ của họ chính là cái thế giới trước giai đoạn thuộc địa đi kèm với tình trạng bóc lột và nỗi ô nhục mà họ phải chịu. Trong tiếng Trung, Trung Quốc có nghĩa là “Vương quốc Trung tâm” - gợi nhớ về một thế giới trong đó họ giữ vai trò thống trị trong khu vực, các quốc gia khác có liên hệ với họ như là những chư hầu đối với một thiên triều, và những chư hầu này đến Bắc Kinh mang theo cống phẩm: chẳng hạn, quốc vương của Brunei mang theo lụa làm lễ vật, nhưng rồi mất tại đó từ bốn thế kỷ trước và hiện vẫn còn một miếu thờ tại Bắc Kinh.[6]

[6] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill, 11/5/2011.

Liệu một nước Trung Quốc công nghiệp hóa và hùng mạnh có thái độ ôn hòa với Đông Nam Á giống như Hoa Kỳ đã làm kể từ năm 1945 không? Singapore không dám chắc điều đó. Cả Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cũng vậy. Chúng ta đều đã thấy Trung Quốc ngày càng tự tin và sẵn sàng có những thái độ cứng rắn hơn.[7]

[7] Edward Cody, Trung Quốc không phải địch thủ của Hoa Kỳ, quan chức Bắc Kinh nói; điều trái ngược thể hiện trong chính trị quyền lực ở châu Á (China Not a US Rival, Beijing Official Says; Opposition Expressed to Power Politics in Asia,”) Washington Post, 18/1/1997.

Lo ngại của Hoa Kỳ là ở chỗ họ sẽ đối mặt với kiểu thế giới như thế nào khi Trung Quốc có thể tranh giành ưu thế của họ. Nhiều quốc gia cỡ nhỏ và trung bình ở châu Á cùng rất lo lắng. Họ lo rằng Trung Quốc có thể muốn giành lại địa vị thiên triều mà quốc gia này từng nắm giữ ở những thế kỷ trước và có những e ngại về việc sẽ bị đối xử như những nước chư hầu phải triều cống cho Trung Quốc giống như họ từng phải làm trong các thế kỷ trước.[8]

[8] Lý Quang Diệu, Châu Á và thế giới trong thế kỳ 21(Asia and the World in the 21st Centuty) phát biểu tại Diễn đàn Thế kỷ 21, Bắc Kinh, 4/9/1996.

Họ mong muốn người Singapore biết kính nể Trung Quốc hơn vì nước này ngày càng có ảnh hưởng lớn. Họ bảo chúng tôi rằng các nước lớn hay nhỏ đều như nhau cả: chúng tôi không phải là bá chủ. Nhưng khi chúng tôi làm được gì đó thì họ không thích, họ nói các anh đã khiến cho 1,3 tỷ người khó chịu. Cho nên các anh hãy biết vị thế của mình.[9]

[9] Han Fook Kwang, Zuraidah Ibrahim. Chua Mui Hoong, Lydia Lim, Ignatius Low, Rachel Lin, và Robin Chan, Lý Quang Diệu: Những sự thật khó khăn để giúp Singapore đi tới (Lee Kwan Yew: Hard Truths to Keep Singapore Going). Singapore: Straits Times, 2011, tr.331.

Chiến lược của Trung Quốc để trở thành số 1 là gì?

Người Trung Quốc quyết định rằng chiến lược tốt nhất của họ là xây dựng một tương lai hùng mạnh và thịnh vượng, và sử dụng đội ngũ lao động đông đảo có học vấn và kỹ năng ngày càng cao để đẩy mạnh thương mại và kiến tạo tất cả những thứ khác. Họ sẽ tránh bất kỳ hành động nào làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với Hoa Kỳ. Việc thách thức một cường quốc mạnh hơn và ưu việt hơn về công nghệ như Hoa Kỳ sẽ làm hỏng “sự trỗi dậy hòa bình” của họ.[10]

[10] Lý Quang Diệu, phát biểu tại tiệc kỷ niệm 25 năm của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN, Washington D.C., 27/10/2009.

Trung Quốc đang theo đuổi một cách tiếp cận phù hợp với những ý tưởng trong bộ phim truyền hình Sự trỗi dậy của các cường quốc (The Rise of Great Powers), do Đảng sản xuất để định hình cho quá trình thảo luận về vấn đề trên trong giới tinh hoa Trung Quốc. Sai lầm của Đức và Nhật Bản là ở chỗ hai nước này tìm cách thách thức trật tự hiện tại. Người Trung Quốc không ngu ngốc; họ tránh sai lầm này. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), không phải GDP bình quân đầu người, chính là điều có ý nghĩa về mặt sức mạnh. Trung Quốc sẽ không sớm đạt tới đẳng cấp của Mỹ về mặt năng lực quân sự nhưng lại đang nhanh chóng phát triển các phương tiện không tương ứng để thách thức sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Trung Quốc hiểu rằng sự tăng trưởng của mình tùy thuộc vào hàng nhập khẩu, bao gồm cả năng lượng, nguyên liệu thô và lương thực. Trung Quốc cùng cần những tuyến đường biển mở. Bắc Kinh rất lo lắng về sự lệ thuộc của mình vào Eo biển Malacca và đang nỗ lực chấm dứt sự lệ thuộc này.[11]

[11] Thứ trường Ngoại giao Steinberg trò chuyện ngày 30/5/2009 với Bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu, điện tín mật từ Daniel L. Shields, nguyên Phó trưởng nhóm chuyên trách Hoa Kỳ tại Sứ quán Singapore, 4/6/2009.

Người Trung Quốc tính toán rằng họ cần 30 đến 40, có lẽ là 50 năm hòa bình và yên ổn để bắt kịp, xây dựng hệ thống của họ, thay đổi nó từ hệ thống cộng sản chủ nghĩa thành hệ thống thị trường. Họ phải tránh những sai lầm mà Đức và Nhật Bản đã mắc phải. Sự cạnh tranh quyền lực, ảnh hưởng và các nguồn tài nguyên của những nước này đã dẫn tới hai cuộc chiến tranh khủng khiếp ở thế kỷ trước. Sai lầm của người Nga là đầu tư quá nhiều cho chi tiêu quân sự và quá ít cho công nghệ dân sự. Cho nên nền kinh tế của họ sụp đổ. Tôi tin giới lãnh đạo Trung Quốc đã học được rằng nếu anh cạnh tranh với Mỹ bằng vũ khí, anh sẽ thua. Anh sẽ tự phá sản. Cho nên, đề tránh điều này, hãy cúi đầu và mỉm cười, trong 40 hoặc 50 năm.[12]

Để cạnh tranh được, Trung Quốc tập trung vào giáo dục thế hệ trẻ, lựa chọn những người giỏi nhất hướng vào khoa học và công nghệ, tiếp theo là kinh tế, quản trị kinh doanh và tiếng Anh.[13]

[12] Lý Quang Diệu, Sợ hãi là ngu dốt (It’s Stupid to Be Afraid), phỏng vấn với Der Spiegel 8/8/2005.

[13] Lý Quang Diệu, Tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (Contest for Influence in the Asia-Pacific Region), Forbes. 18/6/2007.

Phản ứng đầu tiên của tôi với cụm từ “trỗi dậy hòa bình” là nói với một trong những nhóm cố vấn của họ rằng “Đó là một nghịch lý về mặt thuật ngữ; bất kỳ sự trỗi dậy nào cùng là điều khiến người ta giật mình.” Và họ đáp: “Vậy ông sẽ nói sao?” Tôi trả lời: “Quá trình phục hưng, hay tiến hóa, hoặc phát triển hòa bình mới đúng.” Một quá trình phục hồi lại những hào quang xưa, một quá trình cập nhật của một nền văn minh vĩ đại một thời. Nhưng tất cả đã tiến hành rồi. Giờ đây, người Trung Quốc phải cố gắng chứng minh điều đó cho đúng. Một năm trước, một lãnh đạo Trung Quốc đã ngoài bảy mươi có hỏi tôi: “Ông có tin vào quan điểm của chúng tôi về trỗi dậy hòa bình không?” Tôi trả lời: “Có, tôi tin - nhưng với một điều kiện. Thế hệ của các ông đã trải qua chiến tranh chống Nhật, Đại Nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa. Bè lũ Bốn tên[14] và cuối cùng là chính sách Mở cửa. Ông biết có rất nhiều cạm bẫy, rằng để Trung Quốc tiến lên trên nấc thang mà không gặp tai nạn, thì ngay bên trong các ông cần sự ổn định, bên ngoài thì cần hòa bình. Tuy nhiên, các ông lại đang khắc sâu cho giới trẻ của mình về niềm tự hào và chủ nghĩa yêu nước quá lớn đối với một nước Trung Quốc hồi phục. Điều đó thiếu ổn định.” Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói họ sẽ bảo đảm rằng thế hệ trẻ hiểu. Chà, tôi hy vọng họ làm được như vậy. Ở đây đó trên con đường này, một thế hệ có thể tin rằng họ đã đến tuổi trưởng thành, khi họ chưa hề trường thành.[15]

Chiến lược của Trung Quốc với Đông Nam Á khá đơn giản: Trung Quốc nói với khu vực này “cùng lớn mạnh với chúng tôi.” Đồng thời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn truyền tải ấn tượng rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là tất yếu và rằng các nước sẽ cần quyết định xem họ muốn là bạn hay thù của Trung Quốc khi “đến lúc.” Trung Quốc cùng sẵn sàng xác định mức độ khuyến khích của mình đề đạt được những gì họ muốn hoặc thể hiện thái độ không hài lòng của mình.[16]

[14] Bè lũ Bốn tên: bốn người gồm Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều và Vương Hồng Văn. Trong thời kì Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc (1966 - 1976), họ đã thâu tóm quyền lực và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - BT.

[15] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Michael Elliott Zoher Abdoolcarim và Simon Elegant, Time, 12/12/2005.

[16] Lý Quang Diệu nói về các tướng lĩnh “ngu dốt” của Miến Điện và Trần Thủy Biển “cờ bạc”, điện tín mật từ Patricia L. Herbold, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Singapore, 17/10/2009.

Trung Quốc đang hút các nước Đông Nam Á vào hệ thống kinh tế của mình bằng thị trường khổng lồ và sức mua mua ngày càng tăng của họ. Nhật Bản và Hàn Quốc tất yếu cùng sẽ bị cuốn theo. Họ chỉ hút các quốc gia mà không phải sử dụng vũ lực. Các láng giềng của Trung Quốc muốn Hoa Kỳ tham gia vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương để họ không trở thành thù địch với Trung Quốc. Lẽ ra Hoa Kỳ cần thiết lập một khu vực mậu dịch tự do với Đông Nam Á từ 30 năm trước, từ trước khi thỏi nam châm Trung Quốc bắt đầu kéo khu vực này vào quỹ đạo của mình. Nếu làm được như vậy thì sức mua của khu vực này giờ đã lớn hơn rất nhiều, và tất cả các nước Đông Nam Á đều đã có mối quan hệ với nền kinh tế Hoa Kỳ chứ không phải là lệ thuộc vào Trung Quốc. Kinh tế có những xu hướng ngầm. Sẽ rất khó đối chọi với sức mạnh kinh tế đang lớn mạnh của Trung Quốc.[17]

Trọng tâm của Trung Quốc là mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua kinh tế. Xét về mặt địa chính trị, lúc này họ quan tâm đến việc sử dụng biện pháp ngoại giao trong chính sách đối ngoại hơn là sử dụng vũ lực.[18]

Đâu là những trở ngại chính trong quá trình thực hiện chiến lược ấy?

Ở trong nước, những thách thức chính là văn hóa. ngôn ngữ, tình trạng không thể thu hút và kết hợp nhân tài từ các quốc gia khác, và đồng thời cả năng lực quản trị nữa.[19]

[17] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill, 2/12/2011.

[18] Erik Eckholm và Joseph Kahn, Châu Á lo ngại về tăng trưởng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc (Asia Worries about Growth of China’s Economic Power), New York Times, 24/11/2002.

[19] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill, 2/12/2011.

Kể cả khi Trung Quốc cởi mở với những di dân có tài giống như Hoa Kỳ đã làm thì vấn đề đặt ra là làm thế nào một ai đó có thể tới và hòa nhập vào xã hội mà không thành thạo tiếng Trung Quốc? Tiếng Trung là một ngôn ngữ rất khó học - đơn âm tiết và có thanh điệu. Người ta có thể học được tiếng Hoa đàm thoại sau vài năm nhưng rất khó có thể nói được nhanh.

Tôi không biết liệu Trung Quốc có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ và khó khăn đi kèm trong việc tuyển mộ nhân tài từ bên ngoài hay không trừ phi họ lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, giống như Singapore đã làm.

Ở đó trẻ em học tiếng Trung: đầu tiên. Sau đó chúng mới học tiếng Anh. Ở tuổi thiếu niên, chúng có thể sang Mỹ và thành thạo tiếng Anh nhưng trong đầu chúng đã in sâu 4.000 năm thi pháp Trung Hoa rồi.[20]