Lý Quang Diệu - Bàn Về Trung Quốc, Hoa Kỳ Và Thế Giới - Chương 07 - Phần 2

Những tiến bộ công nghệ nhanh chóng trong vài năm qua thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa rất mạnh mẽ. Với những nhảy vọt trong viễn thông và những đổi mới trong công nghệ thông tin như Internet, thế giới trở nên nhỏ bé hơn nhiều. Khoảng cách vật lý, sự chênh lệch về thời gian và biên giới quốc gia không còn là rào cản đối với dòng thông tin tự do nữa. Giờ đây không còn cần phải vượt những chặng đường dài để tìm kiếm những ý tưởng mới. Rất nhiều thông tin có thể được truyền tải ngay lập tức chỉ bằng một cú nhấp bàn phím ở bất kỳ nơi nào và vào bất kỳ thời điểm nào. Xu hướng này trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi bản chất của các xã hội. Nó sẽ biến cải cách chúng ta sống, học tập, làm việc và sử dụng thời gian nhàn rỗi.

Những quốc gia gạt bỏ những tiến bộ công nghệ do những sản phẩm phụ không mong muốn của công nghệ sẽ trở thành những người thua. Dù tốt hay xấu thì chúng ta cùng đều phải nắm lấy những cơ hội mà cách mạng công nghệ thông tin mang lại, nhưng cố gắng hạn chế những hiệu ứng phụ có hại của nó. Người dân phải bắt kịp công nghệ tiên tiến nhưng không bao giờ để mất những giá trị cốt lõi của mình. Khoa học và công nghệ mang tính quyết định trong việc khẳng định tiến bộ tương lai. Nhưng không nên đề cho chúng phá vỡ gia đình vốn cần giáo dục trẻ em thấm nhuần trách nhiệm xã hội và lương tri đề phân biệt được giữa đúng và sai.[272]

[272] Lý Quang Diệu, phát biểu tại Hội nghị kỷ niệm 2.550 năm ngày sinh Khổng Tử và Đại hội lần thứ hai Hội Khổng Tử Quốc tế, Bắc Kinh, 7/10/1999.

Trước Thế chiến II, thương mại quốc tế tự do nhất trong phạm vi biên giới của từng đế chế, Mỹ, Anh, châu Âu và Nhật Bản. Có những rào cản thương mại giữa những khối đế chế này. Người Mỹ quyết tâm giải thể những đế chế này sau Thế chiến II. Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) được vạch ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại qua biên giới của hàng hóa và dịch vụ mà không cần sự kiểm soát thống nhất của một trung tâm đế chế. Mô hình này đã rất thành công. Nhưng không một ai thấy trước được rằng những tiến bộ công nghệ trong thông tin liên lạc và giao thông vận tải sẽ dẫn tới tăng trưởng và phát triển nhanh của các tập đoàn đa quốc gia để có thể mở rộng sản xuất và bán hàng hóa cùng với các dịch vụ. vượt qua biên giới quốc gia, và tiếp thị tới mọi khu vực trên thế giới. Toàn cầu hóa, đặc biệt sau những bước tiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khiến cho các quốc gia phát triển cần thêm nhân tài. Họ nới lỏng các quy định về di trú và tăng khả năng di chuyển của nhân tài ở thế giới đang phát triển. Hiện nay nhân tài là nguồn lực hiếm hoi và giá trị nhất để tạo ra tài sản trong nền kinh tế tri thức. Một kết quả tiêu cực của toàn cầu hóa là làm dãn rộng bất bình đẳng giữa những người được giáo dục cao và những người được giáo dục ít hơn, giữa thu nhập đô thị và nông thôn, và giữa các tỷnh duyên hải với các tỷnh trong đất liền. Những người được giáo dục tốt có thể di chuyển giữa các quốc gia để tìm những khoản bổng lộc cao tại các nước phát triển, đặc biệt trong những lĩnh vực như công nghệ thông tin và Internet. Những người được giáo dục ít hơn không dễ thay đổi và không thể sang được các nước phát triển, nơi mức lương cao hơn. Điều này là không thể tránh khỏi trong một thế giới vận hành bởi các lực lượng thị trường.[273]

[273] Lý Quang Diệu, phát biểu tại Diễn đàn thế kỷ 21 về Toàn cầu hóa kinh tế - Trung Quốc và châu Á, Bắc Kinh, 14/6/2000.

Chưa từng có tiền lệ lịch sử về cách duy trì hòa bình và ổn định cũng như bảo đảm sự hợp tác trong một thế giới của 160 quốc gia - dân tộc. Và thời đại của thông tin liên lac tức thời cộng với giao thông nhanh chóng, với công nghệ phát triển quá nhanh, làm cho vấn đề này rất phức tạp. Trong một thế giới liên hệ với nhau và lệ thuộc lẫn nhau, việc giảm sút vai trò nổi bật tương đối của các nhà lãnh đạo ở cả hai khối làm tăng khả năng xuất hiện một thế giới đa cực, và cùng với đó là những khó khăn về hợp tác đa phương.[274]

[274] Lý Quang Diệu, phát biểu tại cuộc họp của lãnh đạo chính phủ khối Thịnh vượng chung về Bối cảnh chính trị thế giới: Xu hướng và triển vọng toàn cầu, Vancouver, 13/10/1987.

Các cả nhân, công ty, và quốc gia phải làm gì để thành công trong một thế giới toàn cầu hóa?

Tại hội nghị CEO Toàn cầu của Forbes về doanh nghiệp, công nghệ và lãnh đạo kinh doanh trong thế kỷ 21, tôi từng tự hỏi mình: khác biệt giữa các nhân tố này trong quá khứ và ở hiện tại là gì? Trong những nguyên tắc cơ bản của chúng thì cả doanh nghiệp và lãnh đạo kinh doanh đều không thay đổi. Những gì đã thay đổi, và thay đổi vượt xa những gì ta nhận ra, chính là công nghệ. Công nghệ đòi hỏi các doanh nhân và lãnh đạo công ty phải nghĩ và hành động mang tính toàn cầu. Họ không thể né tránh việc hợp tác hoặc cạnh tranh với nhau ở tầm quốc tế. Một doanh nhân thắng hoặc bại trong cạnh tranh với tất cả những đối thủ khác trong

lĩnh vực kinh doanh của mình, cho dù đó là những đối thủ trong nước hay nước ngoài, bởi vì tất cả đều có thể tham gia vào lĩnh vực của doanh nhân ấy và cạnh tranh. Chừng nào cạnh tranh còn được hạn chế trong phạm vi biên giới quốc gia thì mỗi nước vẫn có thể phát triển được các quán quân quốc gia của mình, và phát triển những cách kinh doanh và lãnh đạo kinh doanh khác nhau, tạo nên những văn hóa doanh nghiệp khác nhau. Trong mỗi trường toàn cầu hóa hiện nay nhờ cách mạng công nghệ thông tin và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), liệu điều này còn có thể không? Tôi tin các quốc gia ngày càng khó tăng được số lượng “lồng ấp” để sinh ra được những quán quân quốc gia như vậy.[275]

[275] Lý Quang Diệu, phát biểu tại tiệc tối Hội nghị CEO toàn cầu của Forbes, Singapore, 19/9/2001.

Thách thức lớn hiện nay là điều chỉnh theo sự thay đổi mang tính kiến tạo trong cán cân kinh tế toàn cầu.

Sẽ có một sự biến cải mạnh mẽ trong vài thập kỷ tới khi Trung Quốc cạnh tranh được đầy đủ trong nền kinh tế thế giới với tư cách một thành viên của WTO. Và Ấn Độ sẽ không chịu đứng ngoài. Con đường đi tới của chúng ta là nâng cấp trình độ giáo dục, kỹ năng, kiến thức và công nghệ của mình. Học tập suốt đời là điều tất cả mọi người phải làm trong nền kinh tế tri thức này, với công nghệ đang thay đổi một cách mau lẹ. Những người không được giáo dục kỹ càng và không thể đào tạo lại để giỏi về máy tính, hoặc học những kỹ năng mới và tiếp thu kiến thức mới sau mỗi chu kỳ năm đến mười năm sẽ thấy rất khó kiếm được việc làm trong các nhà máy, bởi vì những nhà máy như vậy sẽ không mang lại lợi nhuận ở Singapore.[276]

[276] Lý Quang Diệu, phát biểu tại tiệc kỷ niệm lần thứ 40 Đại hội Nghiệp đoàn Quốc gia, Singapore, 6/9/2001.

Để thành công, Singapore phải là một trung tâm toàn cầu, có khả năng thu hút, giữ chân và tiếp nhận nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi không thể cầm chân những công ty lớn ở bên ngoài liên minh tại địa phương. Cho dù chúng tôi có thích hay không thì họ vẫn cứ thâm nhập vào khu vực. Lựa chọn rất đơn giản. Hoặc chúng tôi có một hãng hàng không hạng nhất, một hãng vận tài biển hạng nhất và một ngân hàng hạng nhất, hoặc chúng tôi đi xuống. Một trong những việc chúng tôi làm trong những năm trước là khuấy động trào lưu ở thế giới thứ ba bằng cách mời các tập đoàn đa quốc gia, và chúng tôi đã thành công. Giờ đây, chúng tôi phải khuấy động trào lưu ở thế giới thứ ba theo hướng dân tộc chủ nghĩa. Chúng tôi phải có tầm nhìn và thói quen quốc tế. Nhân tài của chúng tôi phải được bồi dưỡng để theo kịp những tiêu chuẩn của thế giới bằng việc tiếp xúc và tương tác với những người nước ngoài giống họ. Một số người giỏi nhất của chúng tôi đã bị các tập đoàn hàng đầu của Mỹ thu hút mất. Đây chính là một phần của thị trường toàn cầu.[277]

[277] Lý Quang Diệu, Làm cách nào Singapore cạnh tranh được trong nền kinh tế toàn cầu?

Trong một kỷ nguyên của những thay đổi công nghệ nhanh chóng, người Mỹ đã cho thấy rằng các quốc gia với số lượng khởi nghiệp đông nhất, đặc biệt trong ngành công nghệ thông tin, vốn luôn thử thách nguồn vốn của các nhà tư bản, sẽ thắng trong giai đoạn tiếp theo này. Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Á khác phải chấp nhận một số thay đổi văn hóa cơ bản để cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu hóa. Những dân tộc mà văn hóa giúp họ hấp thu người tài từ các nền văn hóa khác để trở thành một phần văn hóa doanh nghiệp mới sẽ có lợi thế. Nhật Bản và vùng Đông Á là những xã hội gắn bó với nhau và vị chủng. Họ không dễ đón nhận người nước ngoài vào xã hội của mình. Chắc chắn đã phải có một thay đổi căn bản trong quan điểm văn hóa trước khi Nhật Bản và các nước Đông Á khác có thể cạnh tranh với Mỹ, quốc gia nhờ có lịch sử khác biệt nên rất dễ đón nhận người của các nền văn hóa và tôn giáo khác vào đội ngũ doanh nghiệp của mình.[278]

[278] Lý Quang Diệu, phát biểu tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trong lễ kỷ niệm lần thứ 30 của Singapore, Singapore, 28/1/2000.

Cách mạng số hóa và sự hội tụ của thông tin liên lạc, máy tính và truyền thông đòi hỏi chúng ta nhiều hơn là chỉ thuần túy sao chép những cải tiến phần mềm của các nước phát triển. Thế hệ trẻ mạnh dạn của chúng ta phải có không gian và tầm vóc để tạo ra những lĩnh vực kinh doanh cho riêng họ. Chính phủ phải tạo điều kiện cho các quỹ vốn đầu tư mạo hiểm. Chúng tôi đã đi theo một cách tiếp cận an toàn. Giờ đây, giới trẻ tài năng của chúng tôi phải không cần đến một mạng lưới an toàn khi họ tự mình đi tới. Nhiều người sẽ vấp ngã, nhưng họ phải tự đứng dậy và tiếp tục cố gắng. Quá trình mở cửa này có thể làm cho xã hội của chúng tôi thêm phóng túng. Thách thức khốc liệt nhất sẽ là bảo vệ được những giá trị chúng tôi yêu mến. Nếu bạn muốn phát triển trong thế giới hiện đại, bạn không được phép sợ hãi.[279]

[279] Lý Quang Diệu, Cuốn theo thay đổi nhưng không từ bỏ giá trị (To Roll with Change but Not Abandon Values), Straits Times, 22/7/2000.

Công nghệ và toàn cầu hóa tạo ra một sân chơi bằng phẳng hơn. Vì hàng hóa và dịch vụ có thể được sản xuất hoặc chế tạo ở bất kỳ đâu nên điều này làm giảm những lợi thế cạnh tranh truyền thống của vị trí địa lý, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên, tất cả các quốc gia có thể khai thác công nghệ thông tin, giao thông đường không và gia nhập cộng đồng thương mại toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ. Điều đó giúp lấp đầy khoảng cách giữa các nước có lợi thế và các nước kém lợi thế. Nhưng một nhân tố “X” vẫn là một biến số quan trọng, đặc biệt cho các nước đang phát triển: đó là vai trò lãnh đạo có đạo đức. Một chính phủ trong sạch, hiệu quả, duy lý và có khả năng dự báo chính là một lợi thế cạnh tranh.[280]

[280] Lý Quang Diệu, phát biểu tại Diễn đàn Liêm chính và Đạo đức Thế giới của Viện Lãnh đạo và Chiến lược châu Á, Kuala Lumpur, 28/4/2005.

Toàn cầu hóa có thể đảo ngược không?

Toàn cầu hóa không thể đảo ngược, bởi vì công nghệ làm cho quá trình toàn cầu hóa là điều tất yếu không thể không được sáng tạo ra. Trên thực tế, giao thông và thông tin liên lạc tốt hơn, rẻ hơn sẽ càng thúc đẩy các lực lượng toàn cầu hóa.[281]

Liệu trật tự quốc tế có sụp đổ không? Có thể như thế chăng? Liệu thế giới có thể chấp nhận để mình sụp đổ và rơi vào tình trạng hỗn loạn không? Thế giới có mối liên hệ với nhau này sẽ không trở nên mất liên hệ. Mọi vấn đề sẽ trở nên bức thiết hơn theo cách khác: tình trạng quá đông dân số, hiện tượng ấm lên của Trái Đất và sự dịch chuyển của hàng triệu, có lẽ hàng tỷ người. Điều đó khiến tôi sợ, bởi vì nhiều nhà lãnh đạo thế giới chưa nhận ra mối nguy hiểm mà người dân của họ đang ở ngay trong đó. Hiện tượng các mỏm băng đang tan chảy chẳng hạn. Tôi kỳ vọng người ta biết lo sợ hơn. Chuyện gì sẽ xảy ra với Trái Đất này? Nhưng không. Nó đã khơi mào cho những cuộc hợp khẩn cấp để làm gì đó chưa? Hiện tượng ấm lên của Trái Đất, các sông băng tan chảy chăng? Đây không phải là vấn đề liên quan đến tranh cử. Hãy để dành cho vị Tổng thống tiếp theo. Bạn có thể cải thiện được vấn đề này. Nhưng bạn không thể giải quyết nó. Bởi vì sự lệ thuộc vào năng lượng của chúng ta sẽ chỉ tăng lên. Tôi không thấy bất kỳ thủ lĩnh bộ lạc, nhà lãnh đạo dân chủ, nhà độc tài nào nói với người dân của mình “Chúng ta sẽ từ bỏ tăng trưởng. Chúng ta sẽ tiêu thụ ít đi. Đi lại ít đi. Sống một cuộc sống thanh đạm hơn, và chúng ta sẽ cứu được Trái Đất”.[282]

Không có lựa chọn thay thế khả dĩ nào cho quá trình hội nhập toàn cầu. Chủ nghĩa bảo hộ đội lốt chủ nghĩa địa phương sớm muộn sẽ dẫn tới những xung đột và chiến tranh giữa các khối liên kết mang tính khu vực khi họ tranh giành lợi thế tại các khu vực không hình thành liên kết khối, như các nước dầu mỏ ở vùng Vịnh. Chủ nghĩa toàn cầu là câu trả lời duy nhất công bằng, chấp nhận được và sẽ duy trì hòa bình thế giới.[283]

[281] Lý Quang Diệu, Những nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Singapore: Sau này và hiện tại.

[282] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Leonard M. Apcar, Wayne Arnold, và Seth Mydang, International Herald Tribune, 29/8/2007.

[283] Lý Quang Diệu, Trật tự kinh tế hoặc hỗn loạn sau Chiến tranh Lạnh? phát biểu tại Diễn đàn Asahi, Tokyo, 29/10/1993.