Hai mươi năm sau - Chương 46 - Phần 1

Chương 46

Lễ tạ về chiến thắng Lens

Tất cả sự hoạt động náo nhiệt ấy mà bà Henriette nhận thấy và cố tìm hiểu lý do nhưng uổng công, là do chiến thắng ở Lens gây nên. Quận công de Châtillon có phần đóng góp cao quý vào chiến thắng, được ngài Hoàng thân phải về đưa tin; ngoài ra ông còn được giao cho treo lên các vòm cửa nhà thờ Đức Bà hai mươi là cờ chiếm được của cả quân Lorrain và quân Tây Ban Nha.

Tin tức ấy có tính quyết định: nó cắt đứt cuộc tố tụng với nghị viện ủng hộ triều đình. Tất cả những thuế khóa đăng ký giản lược bị nghị viện phản đối đều được viện lý do về sự cần thiết bảo vệ danh dự của nước Pháp và về kỳ vọng rủi may đánh bại quân thù. Nhân vì từ sau chiến thắng Nordlingen người ta chỉ toàn gặp phải những chuyện hẩm hiu, nên nghị viện có thể chất vấn Mazarin về những chiến thắng luôn luôn được hứa hẹn và luôn luôn bị trì hoãn.

Nhưng lần này rốt cuộc người ta đã đánh nhau và tranh giành toàn là chiến công và chiến công mỹ mãn. Cho nên mọi người đều hiểu rằng có chiến thắng kép đôi với triều đình: chiến thắng ở bên ngoài và chiến thắng ở bên trong, đến nỗi nhà vua ấu thơ khi nhận được tin tức cũng phải kêu lên:

- A! Hỡi các ngài trong nghị viện, chúng ta sẽ xem các ngài nói thế nào đây!

Nghe vậy Hoàng hậu đã ôm ghì vào ngực mình vị ấu chúa mà những tình cảm kiêu kỳ và bất khuất hòa hợp thật nhịp nhàng với tình cảm của bà. Một cuộc hội họp được triệu tập ngay tối hôm nay được mời dự có thống chế de La Meilleraie và ông de Villeroy, bởi vì họ theo phái Mazarin; có Chavigny và Séguier bởi vì họ thù ghét nghị viện; có Gitaud và Comminger bởi vì họ hết lòng với hoàng hậu.

Những điều quyết định trong cuộc họp chẳng lọt ra ngoài tí gì.

Người ta chi biết rằng chủ nhật tới sẽ có lễ và hát Tạ ơn ở nhà thờ Đức Bà mừng chiến thắng Lens.

Hôm chủ nhật ấy, dân chúng Paris tỉnh giấc trong niềm hoan hỉ.

Thời ấy lễ tạ ơn là một đại sự, người ta hứa lạm dụng cái kiểu lễ nghi này và nó gây tác dụng lớn. Mặt trời như cũng tham dự vào lễ hội, thức dậy thật rạng rỡ và mạ vàng lên những ngọn tháp tối sẫm của kinh đô lúc ấy đã nườm nượp dân chúng. Những phố xá tốì tăm nhất của khu Cité cũng mang không khí hội hè và dọc theo các đường kè người ta cũng thấy những đoàn dài dằng đặc những nhà tư sản, nhưng thợ thủ công, những đàn bà trẻ con nối tiếp nhau kéo nhau đến nhà thờ Đức Bà giống như một con sông chảy ngược về nguồn.

Các cửa hiệu vắng tanh, các nhà đều đóng cửa. Ai nấy đều muốn xem ông vua trẻ cùng với mẹ và vị giáo chủ trứ danh Mazarin mà người ta căm ghét đến nỗi ai cũng muốn nhìn tận mắt.

Vả chăng, sự tự do lớn nhất ngự trị trong đám dân chúng đông đảo ấy: mọi chính kiến đều biểu hiện công khai và có thể nó báo hiệu cuộc khởi loạn, giống như hàng nghìn quả chuông ở tất cả các nhà thờ ở Paris khua vang báo hiệu lễ Tạ ơn. Cảnh sát của thành phố do tự thành phố đặt ra; chẳng có cái gì đe dọa đến quấy rối cuộc hòa tấu của lòng căm ghét rộng rãi và làm nguội lạnh những lời nói từ những cửa miệng phỉ báng kia.

Tuy nhiên, từ tám giờ sáng, trung đoàn thị vệ của hoàng hậu do Gitaud chỉ huy cùng với phó là Comminger cháu ông ta, có kèn trống đi đầu, đến bố trí quân từ Hoàng cung đến nhà thờ Đức Bà.

Dân Paris xem cuộc vận động ấy với vẻ bình thản và bao giờ cũng tò mò trước điệu nhạc binh và những bộ quân phục sặc sỡ.

Friquet diện quần áo ngày hội. Viện cớ bị sưng hàm mà hắn tạo ra bằng cách ngậm vô sô hạt anh đào vào một bên miệng, hắn đã được Bazin cấp trên của hắn cho nghỉ cả ngày.

Lúc đầu Bazin từ chối, do bác đang bực bội trước hết vì Aramis ra đi mà chẳng hề nói cho bác biết là đi đâu, sau nữa vì bác phải phục dịch một cuộc lễ mừng chiến thắng không hợp với chính kiến của mình. Ta còn nhớ Bazin là một người Fronde và nếu trong một buổi lễ long trọng như thế này mà một ông phụ thủ có thể vắng mặt như một ngày lễ tầm thường mà Bazin ắt đã trình với vị tổng giám mục cái điều yêu cầu như người ta vừa trình với bác. Bác bèn bắt đầu bằng cách từ chối mọi chuyện nghỉ phép.

Nhưng ngay trước mắt Bazin cái hàm của Friquet sưng lên to tướng, cho nên vì danh dự của cả đoàn lễ sinh có thể bị tổn hại bởi một dị dạng như thế, cuối cùng Bazin đành càu nhàu mà nhượng bộ.

Ra đến cổng nhà thờ, Friquet nhổ toẹt cái khối sung ra và nhìn về phía Bazin một cử chỉ mà nó bảo đảm cho thằng nhóc Paris lớn sự hơn hẳn của nó đối với những thằng nhóc khác trên thế giới, còn về công việc khách sạn của hắn, tất nhiên hắn giũ sạch mà nói rằng hắn phải phục dịch một ngày lễ ở nhà thờ Đức Bà.

Như vậy là Friquet được tự do diện bộ quần áo bảnh bao nhất.

Nhất là hắn lại có một thứ trang sức thật đặc sắc, đó là một cái mũ bonnet nó lai lai kiểu mũ dẹt thời trung cổ với kiểu mũ rộng vành thời vua Louis XIII. Bà mẹ nó may cho nó cái mũ kỳ lạ ấy, và do ngẫu hứng hoặc do thiếu vải đồng màu, bà đã tỏ ra ít quan tâm đến sự hòa hợp màu sắc, thành thử các tác phẩm tuyệt xuất của đồ mũ mãng thế kỉ thứ mười bảy kia một bên thì vừa vàng vừa xanh, một bên thì vừa trắng vừa đỏ. Nhưng Friquet vốn rất mê sự đa dạng của màu sắc, nên hắn chỉ càng thêm hãnh diện và dương dương đắc ý.

Ra khỏi chỗ Bazin, Friquet ba chân bốn cẳng chạy đến Hoàng cung. Hắn tới vào lúc trung đoàn thị vệ từ trong đó đi ra, và do hắn đến chẳng có mục đích nào khác là xem diễn binh và nghe nhạc, hắn bèn đi lên đầu, đánh trống bằng hai thanh đá đen, rồi chuyển sang chơi kèn miệng giả làm kèn đồng một cách tài tình khiến các nhà tài tử về âm điệu bắt chước đã phải nhiều lần khen ngợi.

Trò chơi ấy kéo dài từ cửa ở các thầy đội đến quảng trường nhà thờ Đức Bà, và Friquet lấy làm thích thú lắm. Nhưng khi trung đoàn dừng lại và các đại đội triển khai đi sâu tận vào tận trung tâm khu Cité và đóng ở cuối phố Saint Christophes, gần phố Cocatrix nơi ông Broussel ở, thì Friquet chợt nhớ ra là mình chưa ăn sáng, hắn loay hoay tìm xem mình phải quay gót về phía nào để hoàn thành cái công việc quan trọng trong ngày ấy. Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, hắn quyết định rằng ông tham nghị Broussel sẽ phải chi cho bữa chén của hắn.

Cho nên hắn băng mình chạy đến đứt hơi tới nhà ông tham nghị và đập cửa dữ dội.

Bà mẹ hẳn làm vú già cho ông Broussel ra mở cửa.

- Thằng ôn con kia, - bà nói, - Mày đến đây làm gì, tại sao mày không ở nhà thờ Đức Bà?

- Mẹ Nanettete ơi, - Friquet đáp, - con đã đến đấy, nhưng vì con thấy có những chuyện xảy ra mà thày Broussel cần được báo cho biết, cho nên được ông Bazin cho phép, mẹ biết ông Bazin phụ thủ chứ, con đến đây để nói chuyện với ông Broussel.

- Thế mày định nói gì với ông Broussel, hả thằng khỉ?

- Con muốn nói riêng với ông ấy.

- Không thể được, ông ấy đang bận việc.

- Thế thì con đợi vậy, - Friquet nói, - Chắc hẳn ông ấy thu xếp thì giờ được.

Và hắn leo nhanh lên cầu thang, còn bà Nanette thong thả lên sau hắn.

- Nhưng cuối cùng, - Bà nói, - Mày muốn gì ở ông Broussel.

- Con muốn bảo ông ấy rằng, - Friquet cố nói thật to để đáp lại - có cả một trung đoàn thị vệ đi về phía này. Do con nghe nói ở khắp nơi rằng triều đình có ác cảm với ông, nên con đến báo trước để ông ấy đề phòng.

Broussel nghe tiếng kêu của thằng nhãi ranh và thích thú trước sự hăng hái quá mức của hắn, ông bước xuống gác một, vì quả thật ông đang làm việc ở gác hai.

- Này, cậu bạn ơi, - Ông nói, - Trung đoàn thị vệ thì can gì đến ta và cậu điên hay sao mà làm om xòm lên thế? Cậu không biết rằng đó là thói quen các vị ấy vẫn làm như thế ư? Theo lệ thường thì trung đoàn ấy phải làm hàng rào trên đường vừa đi qua.

Friquet giả bộ kinh ngạc và dùng ngón tay quay quay cái mũ mới, hắn nói:

- Thưa ông Broussel, ông biết điều đó thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên với ông, ông biết hết mọi thứ, nhưng còn cháu thì lạy Chúa, thực ra cháu không biết, và cháu cứ tưởng rằng đã góp với ông một ý kiến hay. Xin ông Broussel đừng giận cháu về điều đó.

- Trái lại, cậu nhỏ ơi trái lại ta thích sự nhiệt tình của cậu. Bà Nanette ơi, hãy xem những quả mơ mà bà Longueville gửi cho ta hôm qua; và lấy dăm sáu quả cho con trai bà cùng với một cái bánh mềm.

- A! Xin cảm ơn ông Broussel - Friquet nói, - xin cảm ơn, cháu rất thích ăn mơ.

Broussel sang phòng vợ và bảo dọn ăn sáng. Lúc ấy chín giờ rưỡi ông cố vấn đứng ra cửa sổ. Phố xá vắng tanh, nhưng xa xa người ta nghe thấy như tiếng thủy triều đang dâng lên, tiếng ầm ầm mênh mông của những đợt sóng quần chúng đã lớn lên chung quanh nhà thờ Đức Bà.

Tiếng ồn ấy càng tăng khi D’Artagnan cùng với đại đội ngự lâm quân đến canh ở các cổng nhà thờ Đức Bà để giúp tiến hành cuộc lễ. Anh đã bảo trước Porthos vận đại lễ phục cưỡi con ngựa đẹp nhất của mình, đóng vai người linh ngự lâm danh dự giống như D’Artagnan trước kia vẫn thường làm.

Viên đội trong đơn vị, người lính già trong những cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha đã nhận ra Porthos là bạn đồng ngũ và chẳng mấy chốc đã kể cho mọi người dưới quyền bác những công tích lớn lao của anh chàng khổng lồ ấy, niềm vinh dự của ngự lâm quân xưa kia của ngài de Treville. Porthos không những được anh em trong đại đội đón tiếp niềm nở mà còn được mọi người nhìn với vẻ thán phục.

Mười giờ sáng đại bác ở cung Louvre bắn báo hiệu vua ra. Một chuyển động giống như một cơn giông bão uốn cong và xô lắc các ngọn cây truyền nhanh trong đám dân chúng đang rộn rịch đằng sau những khẩu súng trường bất động của lính thị vệ. Cuối cùng vua xuất hiện cùng với thái hậu trong một cỗ xe toàn mạ vàng. Mười cỗ xe khác theo sau chở các thị nữ, các sĩ quan của hoàng gia và tất cả triều đình.

- Đức vua muôn năm! - Người ta hô lên ở khắp mọi chỗ.

Ông vua trẻ trịnh trọng thò đầu ra cửa xe, lộ vẻ mặt khá biết ơn và cũng khẽ gật đầu chào, điều đó càng làm tăng tiếng hô của đám đông.

Đoàn ngự giả đi thong thả và phải mất gần nửa giờ để vượt khoảng cách từ cung Louvre đến quảng trường nhà thờ Đức Bà. Tới đó đoàn dần dần tiến vào dưới cái vòm rộng mênh mông của đô thành và cuộc lễ thánh bắt đầu.

Lúc triều đình đi đến chỗ của mình, thì một cỗ xe có gia huy của Comminger rời đoàn xe của triều đình và thong thả đi đến cuối phố Saint-Christophe vắng tanh vắng ngắt. Bốn thị vệ và một phó quan cảnh sát đi theo xe bèn leo lên cỗ xe nặng nề và đóng các rèm cửa lại rồi qua một kẽ sáng được sắp đặt thận trọng, viên cảnh sát bắt đầu rình theo dọc phố Cocatrix như có ý đợi một người nào đi tới.

Tất cả mọi người đều bận tâm vào lễ hội, thành thử cả cỗ xe lẫn những sự đề phòng của những kẻ ngồi trong xe đều không bị chú ý.

Riêng có Friquet mà mắt lúc nào cũng rình rập là thấy rõ, hắn đến đầu tường ở một ngôi nhà ở sân trước nhà thở để nhấm nháp những quả mơ. Từ chỗ ấy hắn nhìn xem vua, hoàng hậu và tể tướng Mazarin, và dự lễ messe như hắn đã phục dịch.

Vào cuối cuộc lễ, hoàng hậu trông thấy Comminger vẫn đứng bên cạnh bà để chờ đợi sự xác định lại mệnh lệnh mà bà đã giao cho y trước lúc rời cung Louvre, bà khẽ nói:

- Đi đi, Comminger, và xin Chúa phù hộ cho ông?

Comminger lập tức đi ngay, ra khỏi nhà thờ và đi vào phố Saint-Christophe.

Friquet nhìn thấy viên sĩ quan bảnh bao ấy có hai thị vệ theo sau thì cũng đi theo chơi, và càng hoan hỉ vì cuộc lễ kết thúc ngay lúc ấy và vua cũng đã lên xe.

Vừa trông thấy Comminger xuất hiện ở đầu phổ Cocatrix là viên cảnh sát nói nhỏ một tiếng với tên đánh xe ngựa và tên này lập tức cho cỗ xe chuyển động và đi đến cổng nhà ông Broussel.

Comminger gõ cửa cùng lúc chiếc xe dừng ở đó.

Friquet đứng đằng sau Comminger, đợi mở cửa.

- Thằng ôn kia, mày làm gì đấy? - Comminger hỏi.

Với cái giọng mơn trớn mà thằng nhóc Paris biết dùng rất tài tình khi cần thiết, Friquet đáp:

- Thưa ngài sĩ quan, tôi đợi vào nhà tiên sinh Broussel?

- Đúng là ông ta ở đây phải không? - Comminger hỏi.

- Vâng, thưa ngài.

- Ông ta ở gác mấy?

- Ở tất cả các ngôi nhà, - Friquet đáp, - Nhà này là của ông ấy mà.

- Nhưng thường ông ta ở đâu?

- Khi làm việc ông ở gác hai; khi ăn ông xuống gác một, lúc này chắc ông đang ăn vì là giữa trưa rồi.

- Tốt! - Comminger nói.

Cửa mở. Viên sĩ quan hỏi người đầy tớ và biết rằng tiên sinh Broussel có nhà và đúng là đang ăn trưa. Comminger đi lên sau người đầy tớ và Friquet đi lên sau Comminger.

Broussel ngồi ở bàn ăn cùng với gia đình, trước mặt ông là bà vợ, hai bên cạnh là hai cô con gái, ở đầu bàn là người con trai Louvières, mà chúng ta đã thấy xuất hiện nhân tai nạn của ông tham nghị, nay ông đã bình phục hoàn toàn. Ông già đôn hậu sức khỏe dồi dào đang thưởng thức những trái mơ ngon lành mà bà de Longueville gửi đến.

Người đầy tớ toan mở cửa phòng dề báo tin, thì Comminger giữ tay người ấy lại, tự mình mở cửa và đứng ngay trước bức tranh gia đình ấy.

Trông thấy viên sĩ quan, Broussel hơi xúc động, nhưng nhìn thấy hắn chào lễ phép, thì ông đứng lên và cũng chào lại.

Tuy nhiên, mặc dầu sự lễ phép qua lại ấy, nỗi lo âu hiện lên gương mặt mấy người phụ nữ. Louvières tái xanh mặt và nóng lòng chờ đợi viên sĩ quan biện giải.

- Thưa ông, - Comminger nói, - Tôi mang một mệnh lệnh của đức vua.

- Hay lắm, - Broussel đáp. - Đó là lệnh gì thế ông?

Và ông giơ tay ra.

- Thưa ông, tôi được phải đến bắt giữ ông, - Comminger nói vẫn với cái giọng và vẻ lịch sự ấy, - và nếu như ông tin, thì ông chẳng phải mất công đọc bức chiếu dài dòng này làm gì và xin ông đi theo tôi.

Sấm sét giáng xuống giữa đám người hiền lành đang sum họp yên tĩnh này cũng không gây nên một tác dụng khủng khiếp hơn.

Broussel lùi lại run như cây sẩy. Thời ấy, bị giam cầm vì mối cừu thù của nhà vua thật là một điều kinh khủng. Louvières toan nhảy đến chỗ thanh kiếm của mình để trên một cái ghế ở góc phòng, nhưng ông lão Broussel giữa tình cảnh ấy vẫn không mất trí ông đưa mắt nhìn con trai và ghìm lại được cái động tác tuyệt vọng đó. Bà Broussel bị cái bàn ngăn cách với chồng khóc nức nở còn hai cô con gái thì cứ ôm chặt lấy cha mình.

- Nào ông ơi, - Comminger bảo, - Mau mau lên, phải tuân lệnh đức vua.

- Thưa ông - Broussel nói, - Tôi đang yếu sức và không thể ngồi tù trong tình trạng này được; tôi yêu cầu có thời gian.

- Không thể được! - Có một tiếng gào ở cuối phòng.

Comminger quay đầu lại và trông thấy bà Nanette, tay cầm cán chổi, mắt rực lên những tia lửa giận dữ.

- Bà Nanette ơi, - Broussel bảo - Hãy bình tĩnh nào, tôi van bà đấy.

- Tôi mà bình tĩnh được ư, trong khi người ta bắt giữ ông chủ của tôi, người phù trợ, người giải phỏng, người cha của nhân dân khốn khổ! A! Phải rồi? Ông có xéo đi không? Ông vẫn còn biết tôi - bà nói với Comminger.

Comminger mỉm cười. Hắn quay về phía Broussel và nói:

- Này, ông bảo cái mụ kia câm mồm đi và hãy đi theo tôi.

- Bảo tôi câm mồm ư, hả hả! - Nanette nói. - À! Được đấy! Phải có một người khác nữa ngoài ông ra, kẻ đẹp mã của nhà vua ạ! Rồi ông xem!

Và bà Nanette lao về phía cửa sổ, mở ra và kêu to bằng một giọng chói tai từ sân trước nhà thờ cũng nghe thấy:

- Cứu chúng tôi với! Người ta bắt giữ ông chủ của tôi người ta bắt giữ ngài tham nghị Broussel! Cứu chúng tôi với!

- Này ông, - Comminger nói, - Hãy nói rõ ý kiến ngay đi: Ông có tuân lệnh không hay là toan kháng cự lại đức vua?

- Tôi tuân lệnh, tôi tuân lệnh, ông ạ, - Broussel kêu lên, thử gỡ mình khỏi vòng tay của hai con gái và dùng mắt ghìm anh con trai luôn sẵn sàng buột khỏi ông.

- Trong trường hợp ấy - Comminger nói, - hãy bắt mụ già này im lặng.

- A, mụ già à! - Nanette nói.

Và bà lại càng gào thét to hơn, tay bám chặt lấy song cửa:

- Cứu chúng tôi với! Cứu chúng tôi với! Cứu ngài Broussel đang bị người ta bắt chỉ vì đã bảo vệ dân chúng! Cứu chúng tôi với!

Comminger ôm ngang mình bà vú toan giằng bà ra khỏi vị trí, nhưng cùng lúc ấy có một tiếng nói khác từ tầng dưới đất hét lên bằng cái giọng the thé:

- Có vụ giết người! Cháy! Có kẻ ám sát! Người ta chọc tiết ông Broussel!

Đó là tiếng của Friquet Bà Nanette thấy mình được ủng hộ càng ra sức hò la theo.

Đã có những cái đầu tò mò hiện ra ở các cửa sổ. Dân chúng từ đầu phố chạy đến, lúc đầu có một số người, rồi từng toán, rồi cả đám đông? Người ta nghe thấy tiếng kêu, trông thấy một cỗ xe, nhưng không hiểu chuyện gì cả. Friquet từ trong nhà nhảy lên nóc cỗ xe và kêu to:

- Họ định bắt ông Broussel? Trong xe có lính thị vệ và trên gác có viên sĩ quan.

Đám đông bèn gầm lên và đến gần mấy con ngựa. Hai lính vệ đứng ở dưới đường trèo lên gác hỗ trợ cho Comminger; những tên ở trong xe mở cửa xe ra và dựng chéo các cây giáo.

- Các vị thấy chưa? - Friquet kêu. - Các vị thấy chưa? Chúng nó đấy!

Rồi nó quay vào nhà và ném tới tấp vào người tên đánh xe ngựa tất cả những gì nó vớ được.

Mặc dầu sự thị uy cừu địch của bọn lính vệ và có lẽ, chính vì sự thị uy đó mà đám đông càng gào thét lên và xấn vào lũ ngựa. Bọn lính vệ dùng giáo đâm làm lùi bước những kẻ hung hăng nhất.

Tuy nhiên sự huyên náo mỗi lúc một tăng, đường phố không còn chứa nổi những người xem từ mọi phía dồn đến; đám đông lấp cả khoảng trống mà mấy ngọn giáo ghê gớm cửa lính vệ còn canh giữ ở giữa dân chúng và cỗ xe. Bọn lính như bị xô đẩy bởi những bức tường lũy sống, sắp sửa bị đè nát vào những trục xe và thành xe.

Những tiếng kêu "Nhân danh đức vua!" do viên phó quan cảnh sát nhắc đi nhắc lại hàng chục lần chẳng mảy may tác động đến đám người hằng hà sa số đáng sợ ấy và dường như còn khiến họ phẫn nộ thêm. Lúc ấy nghe tiếng kêu "Nhân danh đức vua!" một kỵ sĩ phóng đến và trông thấy những bộ quân phục bị ngược đãi, bèn xông lên, tay kiếm lăm lăm và đem đến một sự hỗ trợ không ngờ tới cho bọn lính vệ.

Kỵ sĩ ấy là một thanh niên trạc mười lăm mười sáu tuổi mặt tái đi vì phẫn nộ. Anh nhảy xuống đất tựa lưng vào càng xe và dùng con ngựa của mình làm chiến luỹ, anh rút những khẩu súng ngắn ở bao ra gài vào thắt lưng và bắt đầu vung gươm ra dáng một con người mà, việc múa gươm là điều quen thuộc.

Trong mười phút một mình anh ta chống cự với cả đám đông.

Lúc ấy Comminger ra và đẩy Broussel đi trước mình.

- Phá tan cỗ xe ra! - Dân chúng gào lên.

- Cứu chúng tôi với - Bà vú già kêu.

- Có vụ giết người! - Friquet vừa la vừa tiếp tục ném tới tấp vào bọn thị vệ tất cả những gì hắn nhặt được.

- Nhân danh đức vua! - Comminger hô.

- Kẻ nào xông lên trước tiên sẽ chết! - Raoul vội vã kêu lên khi thấy một gã khổng lồ sắp sửa đè bẹp mình anh dí luôn mũi kiếm vào người hắn, hắn cảm thấy bị thương bèn vừa lùi ra và hét lên.

Chính là Raoul sau năm ngày vắng mặt đã trở lại theo đúng lời hứa với bá tước de La Fère. Anh muốn dự xem lễ hội và đã theo dường ngắn nhất đi đến nhà thờ Đức Bà. Tới gần phố Cocatrix, anh đã bị lôi cuốn theo làn sóng dân chúng. Khi nghe kêu "Nhân danh đức vua!" anh nhớ ngay đến lời dặn của Arthos "Phụng sự đức vua" và chạy ngay đến để chiến đấu vì đức vua, mà những lính thị vệ của Ngài đang bị ngược đãi.

Có thể nói là Comminger đã quăng Broussel vào trong cỗ xe và nhào vào theo. Đúng lúc ấy một phát súng hỏa mai nổ, đạn xuyên qua mũ của Comminger từ trên xuống dưới và làm gẫy tay một lính vệ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3