Hai mươi năm sau - Chương 48

Chương 48

Ngọn tháp nhà thờ Saint-Jacques-la-Boucherie

Ông de Gondy đã chạy khắp chỗ và trở về tòa tổng giám mục là sáu giờ kém mười lăm.

Đến sáu giờ ông được báo là có linh mục ở Saint-Merri tới.

Ông vội vã nhìn phía sau linh mục và thấy có một người đi theo.

- Cho vào. - Ông bảo.

Linh mục vào và Planchet theo sau.

- Thưa Đức ông, - Linh mục Saint-Merri nói, - Đây là người mà tôi đã có vinh dự trình với ngài.

Planchet cúi chào với dáng điệu của một người đã từng đi lại những nhà tử tế.

- Ông sẵn lòng phụng sự lợi ích của nhân dân chứ? - Gondy hỏi.

- Đúng như thế, - Planchet đáp - tôi là Fronde trong tâm hồn. Như Đức ông thấy đấy, tôi bị kết án treo cổ.

- Vào dịp nào?

- Tôi đã giải thoát khỏi tay bọn cảnh sát của Mazarin một vị công hầu cao quý mà chúng dẫn trở lại ngục Bastille nơi ông đã bị giam giữ từ năm năm.

- Ông ta tên là gì?

- Ồ! Đức ông biết rõ quá: đó là bá tước de Rochefort.

- À! Thật đúng rồi! - Chủ giáo nói - tôi có nghe nói về vụ ấy. Ông đã làm nổi dậy cả một khu phố, có phải không?

- Cũng gần như vậy, - Planchet đáp với vẻ tự mãn.

- Ông làm nghề gì nhỉ?

- Bán mứt kẹo ở phố Lombard.

- Ông thử giải thích xem vì sao làm một nghề yên bình như vậy mà ông lại có những khuynh hướng hiếu chiến đến thế?

- Thế vì sao Đức ông vốn là người nhà thờ bây giờ lại tiếp tôi trong bộ y phục kỵ sĩ với thanh kiếm bên mình và đinh thúc ngựa ở đôi ủng?

- Đối đáp khá lắm, thật vậy? - Gondy cười nói, - Nhưng ông biết đấy, mặc dầu đeo tấm băng giáo sĩ, tôi luôn luôn có những khuynh hướng chiến tranh.

- Ấy, thưa Đức ông, trước khi làm nghề mứt kẹo tôi đã ba năm ở trung đoàn Piémont, và trước đó tôi đã đi hầu ông D’Artagnan mười tám tháng.

- Ông trung úy ngự lâm quân ấy à? - Gondy hỏi.

- Chính ông ấy, thưa Đức ông.

- Nhưng người ta bảo ông ấy là một người theo phái Mazarin cuồng nhiệt?

- Ô! - Planchet kêu lên.

- Ông định nói gì?

- Không, thưa Đức ông. Ông D’Artagnan đang ở trong quân ngũ, ông ấy làm chức phận của mình là bảo vệ Mazarin, lão trả lương cho ông ấy, cũng như những nhà tư sản chúng tôi, chúng tôi làm chức phận của mình là công kích Mazarin, lão ăn cắp của chúng tôi.

- Ông là một anh chàng thông minh đấy, ông bạn ạ. Có thể trông cậy ở ông được không?

- Tôi nghĩ rằng, - Planchet nói, - Ông linh mục đã bảo đảm với ngài về tôi.

- Có thể, nhưng tôi thích nhận được sự bảo đảm ấy từ miệng ông.

- Thưa Đức ông, ngài có thể trông cậy ở tôi miễn rằng đó là việc làm đảo lộn thành phố.

- Thì đúng là việc ấy. Ông thấy là có thể tập hợp được bao nhiêu người trong đêm nay?

- Hai trăm tay súng và năm trăm tay thương.

- Giá như mỗi khu phố chỉ cần một người làm được như vậy, thì ngày mai chúng ta sẽ có một đội quân khá mạnh.

- Đúng quá.

- Ông có sẵn sàng tuân theo bá tước de Rochefort không?

- Tôi sẽ đi theo ông ấy xuống dịa ngục, và chẳng phải nói chơi đâu vì tôi cho rằng ông ấy có thể xuống đấy lắm chứ?

- Hoan hô!

- Ngày mai phân biệt giữa bạn và thù bằng dấu hiệu gì?

Mọi người Fronde có thể gài trên mũ một chiếc nơ bằng rơm.

- Được!

- Xin ngài ra lệnh.

- Ông có cần tiền không?

- Thưa Đức ông, tiền bạc không bao giờ làm hại trong bất cứ việc gì. Nếu không có tiền người ta sẽ khỏi cần đến nó; nhưng nếu có tiền thì mọi việc chỉ càng nhanh hơn và tốt hơn thôi.

Gondy đến một cái hòm và lôi ra một túi tiền và nói:

- Đây là năm trăm pistol; mà nếu công việc tiến hành tốt thì ngày mai lại có từng ấy nữa.

- Tôi sẽ báo cảo trung thành với Đức ông về số tiền đó, - Planchet nói và kẹp túi tiền vào nách.

- Tốt lắm. Ông hãy canh chừng giáo chủ.

- Xin cứ yên trí, lão ta ở trong những bàn tay vững vàng.

Planchet đi ra, Linh mục nán lại đằng sau một chút và nói:

- Thưa Đức ông, ngài hài lòng chứ?

- Phải, người ấy có vẻ là một tay kiên quyết.

- Vâng, hắn sẽ làm nhiều hơn hắn hứa đấy.

- Thể thì tuyệt lắm.

Linh mục ra theo Planchet đang đợi ông ở cầu thang.

Mười phút sau người ta báo tin linh mục ở Saint-Sulpice đến.

Cửa phòng Gondy vừa mở ra, một người chạy xổ vào đó là bá tước de Rochefort.

- Thì ra ông đây à, ông bá tước thân mến! - Gondy vừa nói vừa giơ tay ra.

- Thưa Đức ông, - Rochefort nói, - thế là cuối cùng ngài đã dứt khoát?

- Bao giờ tôi cũng vậy, - Gondy đáp.

- Thôi không bàn chuyện ấy nữa; tôi tin lời ngài; chúng ta sẽ cho lão Mazarin dự vũ hội(1).

(1) Nghĩa bóng: đánh, choảng.

- Thì… tôi hi vọng.

- Thế bao giờ cuộc vũ bắt đầu?

- Những người được mời sẽ đến đêm nay, - Chủ giáo nói, - nhưng các cây vĩ cầm sớm mai mới bắt đầu chơi.

- Ngài có thể trông cậy ở tôi và ở năm mươi lính mà hiệp sĩ D’Humières đã hứa trong cơ hội tôi cần đến.

- Năm chục người lính à?

- Phải, ông ta tuyển mộ và cho tôi mượn. Lễ hội xong, nếu còn thiếu tôi sẽ cho thay thế.

- Tốt lắm, Rochefort thân mến ạ; nhưng chưa phải đã hết.

- Còn chuyện gì nữa? - Rochefort cười hỏi.

- Ông de Beaufort, các ông đã làm gì?

- Ông ấy đang ở Vendôme và đợi nhận thư của tôi để trở về.

- Viết thư cho ông ấy đi. Đến lúc rồi đó.

- Vậy là ngài chắc chắn ở công việc của ngài rồi ư?

- Phải, nhưng ông ta phải gấp lên mới được, vì rằng khi dân chúng Paris chỉ mới chớm khởi nghĩa thì chúng ta sẽ chọn một trong mười hoàng thân để đứng đầu dân chúng; nếu ông de Beaufort chậm trễ thì ông ấy sẽ mất chỗ.

- Tôi có thể cho ông ấy biết ý kiến của ngài không?

- Hoàn toàn được.

- Tôi có thể bảo ông ấy rằng ông ấy cần trông cậy ở ngài không?

- Hay lắm.

- Và ngài để cho ông ấy toàn quyền?

- Phải, về mặt chiến tranh, còn về chính trị…

- Ngài biết rõ đó không phải là mặt mạnh của ông ta.

- Ông ta sẽ để tùy ý tôi thương lượng về chiếc mũ giáo chủ của tôi.

- Ngài vẫn tha thiết đến cái đó à?

- Vì rằng người ta buộc tôi phải đội một cái mũ hình dáng không hợp với tôi, - Gondy nói, - tôi mong muốn ít ra cái mũ ấy phải màu đỏ.

- Không nên tranh cãi về thị hiếu và màu sắc, - Rochefort cười nói, - tôi xin bảo đảm về sự đồng ý của ông ấy.

- Thế tối nay ông viết thư cho ông ấy à?

- Tôi làm hơn thế nửa, tôi phải một người đưa tin đến chỗ ông ta.

- Độ bao nhiêu ngày thì ông ấy có thể tới đây.

- Trong năm ngày.

- Ông ấy hãy đến và sẽ thấy một sự đồi thay.

- Tôi mong muốn như vậy.

- Tôi xin bảo đảm với ông.

- Như vậy thì…

- Hãy đi tập hợp năm mươi người của ông lại và ông hãy sẵn sàng.

- Với cái gì kia?

- Với mọi chuyện.

- Có tín hiệu tập hợp gì không?

- Một cái nơ bằng rơm gài trên mũ.

- Được rồi. Xin từ biệt Đức ông.

- Xin từ biệt Rochefort thân mến.

Ông linh mục từ nãy vẫn chẳng có cách nào xen vào cuộc đối thoại ấy, thì Rochefort đã kéo ông ra về; vừa đi Rochefort vừa nói:

- A!Ngài Mazarin, ngài Mazarin! Ngài hãy xem tôi có quá già nua để làm một con người hành động không?

Lúc ấy đã chín giờ rưỡi tối và ông chủ giáo phải mất nửa giờ để đi từ tòa tổng giám mục đến tháp nhà thờ Xanh Giác La Busơri.

- Ông nhận thấy một ánh đèn le lói ở một trong những cửa sổ cao nhất trên cây tháp.

- Ông gõ cửa và có người ra mở. Ông trợ tế đích thân đợi và cầm đèn soi đưa ông lên tận trên ngọn tháp. Đến đây, ông trỏ một cánh cửa nhỏ đặt chiếc đèn vào trong một góc tường để khi ra chủ giáo có thể tìm thấy và đi xuống.

Mặc dù chìa khóa vẫn cắm ở cửa, ông chủ giáo vẫn gõ cửa.

- Cứ vào! Một giọng nói cất lên mà ông chủ giáo nhận ra là người ăn mày.

De Gondy vào. Quả nhiên đó là người dâng nước thánh ở sân trước nhà thờ Saint- Eustache. Gã nằm đợi trên một chiếc chõng. Thấy chủ giáo vào, hắn đứng dậy.

Chuông điểm mười giờ.

- Thế nào? - Gondy hỏi, - Nhà ngươi giữ lời hứa đấy chứ?

- Không được hoàn toàn, - Gã ăn mày đáp.

- Thế là thế nào?

- Ngài yêu cầu tôi năm trăm người, có phải không?

- Phải, thế sao?

- Tôi sẽ cung cấp cho ngài hai ngàn người.

- Bác không nói khoác chứ?

- Ngài có muốn một bằng chứng không?

- Có.

Ba cây nến được thắp lên, chảy ở ba cửa sổ mà một cửa trông ra khu Cité, một cửa trông ra Hoàng cung và một cửa trông ra phố Saint-Denis.

Người ăn mày lẳng lặng đi ra lần lượt thổi tắt ba ngọn nến.

Chủ giáo đứng trong bóng tối, căn phòng chỉ còn được chiếu bới ánh sáng chập chờn của mặt trăng khuất trong những đám mây đen lớn mà nó viền bạc ở chung quanh.

- Ngươi làm gì thế? - Chủ giáo hỏi.

- Tôi phát tín hiệu.

- Tín hiệu gì?

- Tín hiệu dựng lũy chướng ngại.

- À! À!

- Lúc này ra khỏi đây, ngài sẽ thấy người của tôi đang hành động. Song lẽ ngài hãy đề phòng kẻo gẫy chân khi vấp phải một dây xích hoặc rơi xuống một cái hố.

- Tốt lắm! Tiền đây cũng bằng số tiền ngươi đã nhận. - Bây giờ hãy nhớ rằng nhà ngươi là một thủ lĩnh và chớ có đi uống rượu.

- Hai mươi năm nay tôi chỉ uống nước.

Chủ giáo đưa túi tiền cho gã ăn mày và nghe tiếng bàn tay moi móc và mân mê những đồng tiền vàng.

- Á à! - Chủ giáo nói, - Đồ vô lại, mi là một kẻ bủn xỉn.

Gã ăn mày buông một tiếng thở dài và quẳng túi tiền xuống.

- Thì ra tôi vẫn như thế ư, - Hắn nói, - và tôi không bao giờ gột bỏ được con người cũ hay sao? Ôi khốn cùng, ôi phù hoa?

- Song bác cứ cầm lấy.

- Vâng, nhưng tôi xin thề trước mắt ngài rằng tôi sẽ dùng những gì còn lại của tôi vào việc thiện.

Mặt gã tái đi và cau lại như một người vừa mới trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm.

- Con người lạ lùng - Gondy lẩm bẩm.

- À ông cầm lấy chiếc mũ định đi ra, nhưng khi quay lại ông thấy gã ăn mày đứng giữa ông và cánh cửa.

Cử động đầu tiên dường như là người ấy muốn làm điều gì ác đối với ông.

Nhưng rồi, trái lại, ông thấy gã chắp hai bàn tay lại và quỳ xuống.

- Thưa Đức ông, - Hắn nói, - Trước khi rời tôi, xin ngài hãy ban phước cho tôi, tôi van ngài.

- Đức ông à! - Gondy kêu lên, - Ông bạn ơi, bác nhầm tôi với người khác rồi.

- Không, thưa Đức ông, ngài là gì thì tôi coi ngài đúng như vậy, nghĩa là Ngài chủ giáo, thoạt nhìn là tôi nhận ra ngay.

Gondy mỉm cười.

- Thế bác muốn tôi ban phước à? - Ông hỏi.

- Vâng, tôi cần vậy.

Người ăn mày nói những lời đó với giọng hổ nhục và ân hận thật lớn lao và sâu sắc đến nỗi Gondy giơ tay ra và ban phước cho hẳn với tất cả sự uyển chuyển mà ông có thể làm được.

- Bây giờ, - chủ giáo nói, - giữa chúng ta có sự hòa đồng. Tôi sẽ ban phước cho ngươi và đối với tôi, nhà ngươi là thiêng liêng cũng như ngược lại tôi là thiêng liêng đối với ngươi. Nào, nhà ngươi có phạm một trọng tội gì mà công lý của con người truy tố không và tôi có thể bảo đảm cho nhà ngươi?

Gã ăn mày lắc đầu.

- Cái trọng tội mà, tôi phạm không thuộc công lý của con người, và ngài chỉ có thể giải thoát cho tôi bằng cách luôn luôn ban phước cho tôi như ngài vừa mới làm.

- Nào, phải thật thà, - Giáo chủ nói - Không phải suốt đời nhà ngươi đã làm cái nghề mà ngươi đang làm chứ?

- Không, thưa Đức ông, tôi chỉ làm từ mười năm nay.

- Trước khi làm nghề này, bác ở đâu?

- Ở ngục Bastille.

- Thế trước khi vào ngục Bastille? …

- Tôi sẽ nói với Đức ông sau, vào cái ngày mà ngài muốn nghe tôi xưng tội.

- Được rồi. Vào bất cứ giờ nào ngươi đến, ban ngày hay ban đêm, hãy nhớ rằng tôi sẵn sàng xá tội cho ngươi.

- Xin cảm ơn Đức ông, - gã ăn mày nói bằng một giọng khàn khàn, - Nhưng tôi chưa sẵn sàng để tiếp nhận.

- Được rồi. Thôi, từ biệt.

- Xin từ biệt Đức ông, - Gã ăn mày nói và vừa mở cửa vừa cúi rạp mình trước vị chủ giáo.

Chủ giáo cầm cây đèn nến xuống thang và đi ra, vẻ rất trầrn ngâm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3