Hai mươi năm sau - Chương 82
Chương 82
Trận đánh ở Charenton
Arthos và Aramis tiến dần lên, vượt qua những đơn vị khác nhau, trông thấy những áo giáp đánh bóng sáng loáng nối tiếp những binh khí han gỉ và những súng hỏa mai lấp lánh, những thương kích sặc sỡ.
- Tôi ngỡ đây là chiến trường thực sự, - Aramis nói.
- Anh có trông thấy đội kỵ binh đóng ở phía trước cầu, tay lăm lăm súng ngắn không?
- Này! Hãy coi chừng, đại bác tới kìa.
- Ái chà! Bạn thân mến ơi, - Arthos nói, - cậu dẫn chúng ta đến đâu thế này? Tôi như thấy xung quanh chúng ta toàn những người thuộc các sĩ quan của quân đội hoàng gia. Có phải đích thị Châtillon đang tiến lên với hai viên đội trưởng kia không?
Và Arthos cầm kiếm ra tay, còn Aramis cho rằng quả thật mình đã đi quá giới hạn của trận địa Paris, cũng cho tay vào bao súng.
Công tước de Châtillon tiến lại và nói:
- Xin chào các ông? Tôi thấy là các ông không biết gì về tình hình xảy ra, nhưng một lời sẽ giải thích rõ hết cho các ông. Lúc này tạm đình chiến, vì có đàm phán. Ngài hoàng thân, ông de Retz, ông de Beaufort và ông de Bouillon đang bàn chính trị. Có hai điều: một là công việc dàn xếp không xong, chúng ta sẽ gặp lại nhau, hiệp sĩ ạ, hoặc là dàn xếp được, thì do tôi trút được việc chỉ huy, chúng ta sẽ lại càng gặp nhau.
- Thưa ông, - Aramis đáp, - ông nói hay tuyệt. Vậy xin phép ông cho tôi hỏi một điều.
- Xin ông cứ hỏi.
- Các vị đại diện toàn quyền họp ở đâu?
- Ở ngay Charenton trong ngôi nhà thứ hai phía bên phải từ Paris vào.
- Cuộc hội nghị này không dự kiến trước à?
- Không. Hình như nó là kết quả những kiến nghị mới mà ông Mazarin đưa ra với dân chúng Paris tối hôm qua.
Arthos và Aramis nhìn nhau cười. Hơn bất kỳ ai, các anh hiểu rõ những kiến nghị đó là gì, do ai đề ra và đề ra với ai.
Arthos hỏi:
- Thế ngôi nhà nơi họp các vị đại diện ấy là của…
- Của ông de Chanleu, người chỉ huy các toán quân của các ông ở Charenton. Tôi nói các toán quân của các ông bởi vì tôi đoán chừng rằng các ông đây là Frondeurs.
- Nhưng… gần như thế, - Aramis nói.
- Sao lại gần như?
- Ồ, tất nhiên. Ông biết rõ hơn ai hết rằng trong thời buổi này người ta không thể nói chính xác người ta là cái gì?
- Chúng tôi ủng hộ đức vua và các ngài hoàng thân, - Arthos nói.
- Tuy nhiên chúng ta cần hiểu nhau, - Châtillon đáp.
- Đức vua đi với chúng tôi và vua có tổng tư lệnh là các ngài D’Orléans và de Condé.
- Phải, - Arthos nói, - nhưng chỗ của vua là ở trong hàng ngũ chúng tôi với các ngài de Conti, de Beaufort, D’Elbeuf và de Bouillon.
- Có thể như vậy, - Châtillon nói, - và người ta biết rằng riêng tôi, tôi rất ít cảm tình với ông Mazarin; các quyền lợi của chính tôi cũng ở tại Paris; tôi đang có việc tố tụng ở đó và tất cả tài sản của tôi tùy thuộc vào nó, và tôi vừa mới đến hỏi luật sư của tôi như các ông trông thấy tôi như thế này đây…
- Ở Paris à?
- Không, ở Charenton… ông Viole mà các ông biết tên, một con người tuyệt vời, hơi ngang ngạnh, nhưng ông ta không phải vào nghị viện để chẳng được lợi lộc gì. Tôi đã định đến thăm ông ấy tối hôm qua, nhưng cuộc gặp gỡ giữa chúng ta đã ngăn trở công việc của tôi. Do công việc vẫn phải tiến hành tôi đã lợi dụng cuộc hưu chiến, và thế là tôi đến với các ông.
Aramis cười hỏi:
- Ông Viole nói ý kiến với ông giữa trời ư?
- Vâng, và ngay trên mình ngựa nữa. Hôm nay, ông ta chỉ huy năm trăm tay súng, còn tôi thì đến thăm ông ta với hai khẩu đại bác nhỏ này kèm theo để làm vinh dự cho ông ta. Các ông đã tỏ ra ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi như vậy. Thú thực rằng lúc đầu tôi không nhận ra ông luật sư; ông ta đeo một thanh kiếm dài bên ngoài tấm áo trạng sư và những súng ngắn ở thắt lưng, khiến ông ta trông thật dữ dội. Chắc là các ông sẽ thú vị lắm nếu may mắn gặp ông ta.
- Nếu ông ta trông kỳ cục, - Aramis nói, - thì người ta có thể cố tình cất công đi tim kiếm ông ấy đấy.
- Phải gấp lên ông ơi, vì rằng những cuộc đàm phán không thể kéo dài nữa đâu.
- Nhưng nếu cuộc đàm phán tan vỡ không mang lại kết quả, - Arthos hỏi, - Thì ông có định đánh chiếm Charenton không?
- Đó là lệnh của tôi. Tôi chỉ huy các toán quân công kích, và tôi cố hết sức để thành công.
- Ông ơi, - Arthos nói, - vì rằng ông chỉ huy kỵ binh…
- Xin lỗi, tôi chỉ huy toàn bộ.
- Càng hay!… Chắc ông phải biết tất cả các sĩ quan của ông chứ, tôi muốn nói những sĩ quan xuất sắc.
- Có chứ, biết gần hết.
- Mong ông vui lòng cho biết dưới quyền ông có hiệp sĩ D’Artagnan, trung úy ngự lâm quân không?
- Không có, ông ạ. Từ hơn sáu tuần nay ông ta rời Paris và nghe nói sang nước Anh.
- Tôi biết điều đó, nhưng tưởng ông ấy đã trở về.
- Không, và tôi không biết rằng có ai gặp lại ông ấy không. Về vấn đề này tôi có thể trả lời ông rõ ràng, nhất là ngự lâm quân lại thuộc chúng tôi và chính là ông Cambon tạm thời thay thế ông D’Artagnan.
Đôi bạn nhìn nhau.
- Cậu thấy đấy. - Arthos nói.
- Lạ nhỉ? - Aramis đáp.
- Dứt khoát là cậu ấy gặp tai họa ở dọc đường rồi.
- Hôm nay là mồng tám, tối nay là hết hạn. Nếu tối nay mà không có tin cậu ấy, thì sáng mai chúng ta sẽ đi tìm.
Arthos gật đầu.
Rồi với vẻ vẫn ngượng nghịu vì để lộ ra trước mặt anh chàng Aramis đa nghi những mối bận tâm cha con của mình, Arthos quay sang hỏi Châtillon:
- Thưa quận công, chẳng biết de Bragelonne, người thanh niên mười lăm tuổi giúp việc cho Ngài Hoàng thân có vinh dự được ông biết đến không?
- Tất nhiên là có, - Châtillon đáp. - sáng nay cậu ấy đến chỗ chúng tôi cùng với Hoàng thân. Một chàng thanh niên tuyệt diệu. Cậu ấy là chỗ bạn bè của bá tước à?
- Thưa vâng, - Arthos nhẹ nhàng xúc động đáp, - cho nên tôi muốn được gặp cậu ta. Có được không ạ?
- Thưa ông, được lắm chứ. Ông hãy đi theo tôi và tôi dẫn ông đến bộ tư lệnh.
- Ơ này! - Aramis quay lại và kêu lên - Nghe như có tiếng ồn ào ở phía sau chúng ta.
- Thật thế, - Châtillon nói, - một biên đội kỵ binh đang đến chỗ chúng ta.
- Tôi nhận ra ngài chủ giáo với cái mũ Fronde.
- Còn tôi nhận ra ông de Beaufort với những chiếc lông chồn trắng.
- Họ phi nước đại tới, ngài hoàng thân cùng đi với họ. A! Ngài rời xa họ kìa.
- Trống gọi quân nổi lên rồi, - Châtillon kêu lên. - Các ông có nghe thấy không? Ta phải hỏi xem tình hình thế nào?
Quả thật, người ta trông thấy binh linh chạy đi lấy vũ khí, các kỵ binh đang ở dưới đất nhảy lên yên, kèn kêu, trống đánh, ông de Beaufort tuốt gươm ra.
Về phía mình, ngài Hoàng thân ra hiệu tập hợp, và tất cả các sĩ quan của quân đội hoàng gia, hòa lẫn với những toán quân Paris trong chốc lát, bây giờ chạy ùa về phía ông.
- Thưa các ông, - Châtillon nói, - cuộc hưu chiến tan vỡ hiển nhiên rồi, người ta sắp sửa đánh nhau. Các ông hãy trở lại Charenton, vì tôi công kích ngay đấy.
- Kìa ngài Hoàng thân ra hiệu cho tôi.
Thật vậy, một người cầm cờ đang phất cao ba lần lá cờ hiệu của ngài hoàng thân.
- Hẹn gặp lại ông hiệp sĩ! - Châtillon kêu to.
Rồi ông ta phi nước đại đuổi theo đoàn hộ tống của mình.
Arthos và Aramis cũng giật cương đến chào ông chủ giáo và ông de Beaufort. Còn ông de Bouillon đến cuối cuộc đàm phán lên một cơn đau khớp kinh khủng đến nỗi người ta buộc phải đưa ông trở lại Paris bằng cáng.
Đối lại, ông quận công D’Elbeuf có bốn con trai xúm quanh như một bộ tham mưu, lướt qua các hàng ngũ quân đội Paris.
Trong khi giữa Charenton và quân đội hoàng gia hình thành một khoảng trống dài nó dường như sửa soạn dùng làm cái ổ nằm cuối cùng cho những xác chết.
Ông chủ giáo siết lại dây lưng đeo kiếm mà ông mang bên ngoài chiếc áo giám mục dài theo mốt những vị tư giáo nhà binh xưa và nói:
- Cái lão Mazarin ấy thật sự là một điều sỉ nhục cho nước Pháp. Đó là một tên thô bỉ muốn cai quản nước Pháp như một mảnh đất phát canh. Cho nên nước Pháp chỉ có thể hi vọng được hạnh phúc và yên tĩnh khi hắn cút đi.
- Hình như người ta không thỏa thuận được với nhau về màu của chiếc mũ(1), - Aramis nói.
(1) Ý nói ông chủ giáo thương lượng nhằm giành được chiếc mũ giáo chủ màu đỏ.
Cùng lúc ấy ông de Beaufort giơ gươm lên và nói:
- Thưa các ông, chúng ta đã làm ngoại giao vô ích. Chúng ta muốn gạt cái lão Mazarin đê tiện ấy ra; nhưng hoàng hậu quá si mê lão ta nên khư khư giữ lão ta làm tể tướng, thành thử chúng ta chỉ còn có một cách là đánh cho thích đáng.
- Hay! - Ông chủ giáo nói, - Tài hùng biện quen thuộc của ông de Beaufort đấy.
- May thay, - Aramis nói, - ông ta sửa chữa những lỗi về Pháp văn của mình bằng mũi kiếm.
- Hừ! - chủ giáo nói với vẻ khinh thị, - Tôi xin thề là trong suốt cuộc chiến tranh này, ông ta sẽ rất mờ nhạt.
Rồi ông cũng tuốt gươm ra và nói:
- Này các ông, quân thù đang tiến đến chúng ta, tôi hi vọng chúng ta sẽ tha cho chúng nửa đoạn đường.
Và chẳng lo có ai theo mình hay không, ông phóng đi. Trung đoàn của ông mang tên trung đoàn Corinthe, tên địa hạt giáo chức của ông, rùng rùng theo ông và bắt đầu cuộc hỗn chiến.
Về phía mình, ông de Beaufort trung đoàn kỵ binh của mình dưới sự chỉ huy của Noimoutiers ra phía Etampes nơi nó phải gặp một đoàn quân lương mà dân Paris đang nóng lòng mong đợi. Ông de Beaufort sắp sửa yếm hộ cho nó.
Ông de Chaleu chỉ huy vị trí với bộ phận mạnh nhất của quân số mình sẵn sàng chống lại cuộc tấn công và trong trường hợp quân địch bị đẩy lùi thì sẽ làm một cuộc xuất quân.
Sau nửa giờ cuộc chiến nổ ra ở khắp các điểm. Ông chủ giáo tức khí về sự nổi danh về tinh thần dũng cảm của ông de Beaufort hăng hái xông lên và cá nhân cũng làm được những kỳ tích về quả. Ai cũng biết thiên hướng của ông là nghề gươm dao, và ông rất sung sướng mỗi lần được tuốt gươm ra khỏi vỏ, bất kể vì ai và vì cái gì. Nhưng trong hoàn cảnh này, nếu như ông đã làm tốt việc của người lính trơn thì ông lại làm tồi việc của viên đại tá chỉ huy. Với bảy tám trăm người, ông húc đầu vào cả khối ba nghìn quân cứ rùng rùng vừa đánh vừa đẩy lùi quân chủ giáo lộn xộn trở lui về phía tường thành. Nhưng đạn pháo binh của Chaleu bỗng chặn đứng quân đội của nhà vua khiến nó bị lung lay trong chốc lát. Nhưng rồi nó tập hợp lại sau một dãy nhà và một đám rừng nhỏ.
Chaleu tưởng rằng thời cơ đã đến bèn dẫn đầu hai trung đoàn băng ra truy đuổi quân đội nhà vua; nhưng như đã nói, nó đã được chính đốn lại và do đích thân Châtillon chỉ huy trở lại tấn công. Cuộc công kích rất dữ dội và khôn khéo khiến Chaleu và quân của ông ta hầu như bị vây kín. Chaleu ra lệnh rút lui, từng bước từng bước một.
Chẳng may một lát sau Chaleu bị tử thương, ngã xuống ngựa.
Châtillon trông thấy ông kia ngã xuống bèn báo tin đó ầm ĩ lên khiến quân đội nhà vua càng hăng, còn hai trung đoàn của Chaleu thì hoàn toàn mất tinh thần. Do đó ai nấy lo phận mình và tìm cách rút về chiến lũy, tại đấy ông chủ giáo cố tổ chức lại cái trung đoàn của mình bị đánh tan.
Bỗng nhiên một đội kỵ binh xông ra trước những quân chiến thắng đang lộn xộn cùng với những kẻ lẩn trốn chạy vào trong các chiến lũy. Arthos và Aramis dẫn dầu đội kỵ binh. Aramis lăm lăm tay kiếm tay súng. Arthos thì gươm vẫn trong vỏ, súng vẫn trong bao.
Arthos bình thản và lạnh lùng như trong một cuộc diễu binh, tuy nhiên cặp mắt đẹp và cao thượng của anh buồn rầu nhìn cảnh đâm chém lẫn nhau giữa bao nhiêu con người bị đem ra làm vật hi sinh bởi một bên là sự ngang ngạnh của phía nhà vua, và bên kia là sự thù hằn của các ông hoàng. Aramis trái lại, đâm chém, giết chóc và hăng say dần lên theo thói quen của anh. Cặp mắt anh rực lửa, khóe miệng thanh tú của anh mỉm cười một nụ cười tang tóc, cánh mũi mở to hít mùi máu, mỗi nhát gươm của anh đều đâm trúng và chuôi khẩu súng của anh kết thúc, đập chết kẻ bị thương đang cố gượng dậy.
Về phía đối phương, trong hàng ngũ quân đội hoàng gia, hai kỵ sĩ, một người mặc áo giáp mạ vàng, người kia mặc một mảnh da trâu đơn giản thò ra hai ống tay áo chẽn bằng nhung xanh lơ, công kích ở hàng đầu. Kỵ sĩ mặc áo giáp mạ vàng xông vào Aramis và đâm một nhát gươm, nhưng anh đỡ được với tài khôn khéo thường lệ.
- A! Ông Châtillon đấy à! - anh kêu lên, - Xin hoan nghênh! Tôi đang đợi ông đây.
- Tôi hi vọng đã không phải để ông chờ lâu, - quận công nói, - dù sao tôi cũng có mặt đây rồi.
Aramis rút từ trong bao ra một khẩu súng ngắn mà anh dành cho dịp này và nói:
- Ông Châtillon ơi, tôi tưởng rằng nếu như khẩu súng của ông hết đạn thì ông đi đời rồi.
- Ơn trời, không đâu? - Châtillon đáp.
Và quận công giơ súng lên ngắm và bắn vào Aramis. Nhưng đúng lúc ông bóp cò, thì Aramis cúi rạp xuống, đạn bay sượt trên đầu anh.
- Ồ ông bắn hụt rồi, - anh nói, - nhưng tôi thì tôi xin thề rằng chẳng bắn hụt ông đâu.
- Nếu như tôi để cho ông có thì giờ! - Châtillon hét và thúc ngựa chồm lên, tay vung cao thanh kiếm.
Aramis chờ đợi với nụ cười khủng khiếp mà anh thường có vào những cơ hội như thế này. Trông thấy Châtillon phóng nhanh như chớp vào Aramis, Arthos vừa há miệng để kêu lên: "Bắn đi! Bắn đi chứ!" thì súng nổ. Ông de Châtillon dang hai cánh tay ra và ngã vật ra trên mông ngựa.
Viên đạn lọt qua kẽ hở của tấm áo giáp và xuyên vào trong ngực.
- Tôi chết rồi, - Quận công lẩm bẩm. Và ông tuột từ trên mình ngựa xuống đất.
- Tôi đã bảo mà, ông ơi, - Aramis nói, - giờ tôi tiếc rằng đã giữ lời hứa cẩn thận quá. Tôi có thể giúp gì được cho ông?
Châtillon giơ tay ra hiệu. Aramis toan bước xuống, thì đột nhiên một nhát gươm chém mạnh vào sườn anh, nhưng chiếc áo giáp đã đỡ được. Anh quay ngoắt lại nắm chặt lấy cổ tay kẻ địch thủ mới ấy thì đồng thời hai tiếng kêu thốt ra, do anh và Arthos.
- Raoul!
Chàng thanh niên cũng đồng thời nhận ra khuôn mặt D’Herblay và giọng nói của cha mình, và buông Reuil thanh kiếm. Lúc ấy nhiều kỵ sĩ của quân đội Paris xông vào Raoul, nhưng Aramis dùng gươm đỡ cho cậu ta.
Anh kêu lên:
- Tù binh của tôi đấy? Hãy tránh xa ra.
Arthos cầm dây cương của con trai mình và kéo ra ngoài cuộc hỗn chiến.
Ngài hoàng thân de Condé ở tuyển hai yếm trợ cho Châtillon lúc ấy cũng xuất hiện. Người ta trông thấy lấp lánh cặp mắt phượng hoàng của ông và nhận ra ông bởi những đường kiếm sắc bén.
Trung đoàn Corinthe mà ông chủ giáo mất bao nhiêu công để tổ chức lại, vừa nhác trông thấy Ngài Hoàng thân đã ba hồn bảy vía lao vào giữa đám quân Paris, xô đẩy bừa phứa tất cả và chạy trốn vào Charenton mà họ đi qua không dừng lại. Bị lôi cuốn theo, ông chủ giáo chạy sang cái nhóm gồm Arthos, Aramis và Raoul…
Trong nỗi ghen tuông của mình, Aramis không thể không hí hửng về sự thất bại của ông chủ giáo, anh nói:
- A! Thưa Đức ông, với tư cách tổng giám mục, chắc hẳn ngài phải biết Kinh Thánh!
- Kinh Thánh có liên quan gì đến những điều xảy ra với tôi? - chủ giáo hỏi.
- Ngài Hoàng thân hôm nay đối xử với ngài như với Thánh Paul(2) trong buổi sơ diễn với quân Corinthe.
(2) Thánh Paul, sứ đồ của những người dị giáo, trên đường đi Damas, bị quật ngã bởi một sức mạnh siêu nhiên.
- Thôi thôi! - Arthos bảo - Cậu nói hay lắm đấy, nhưng chớ có chờ đợi những lời chúc tụng ở đây. Tiến lên, tiến lên, hoặc đúng hơn là lùi lại vì rằng tôi thấy như trận đánh thất bại với phe Fronde rồi.
- Chẳng sao đối với tôi! - Aramis nói. - Tôi đến đây chỉ cốt gặp ông de Châtillon. Tôi đã gặp rồi và tôi mãn nguyện. Một cuộc quyết đấu với một Châtillon, cũng khoái đấy chứ!
- Lại thêm một tù binh! - Arthos trỏ Raoul mà nói.
Ba kỵ sĩ tiếp tục lên đường, phi nước đại, chàng thanh niên mừng rỡ gặp lại cha mình. Hai người đi cạnh nhau, nắm tay nhau.
Khi đã ra khỏi bãi chiến trường, Arthos hỏi Raoul:
- Làm gì mà anh bạn xông xáo vào trong đám hỗn chiến thế? Tôi thấy như đó không phải là chỗ của anh, nhất là lại không được đem vũ khí đầy đủ hơn cho một cuộc chiến đấu.
- Cho nên, thưa ông, hôm nay tôi không nên đánh nhau mới phải. Tôi được giao một nhiệm vụ đến ông giáo chủ, và tôi đi Rueil, nhưng trông thấy ông de Châtillon công kích, tôi cũng thèm muốn được công kích bên cạnh ông. Ông ta mới cho tôi biết rằng có hai kỵ sĩ của quân đội Paris đang tìm tôi và một người tên là bá tước de La Fére.
- Thế nào, anh biết rằng chúng tôi ở đó và anh muốn giết ông bạn hiệp sĩ ư?
Raoul đỏ mặt đáp:
- Tôi không nhận ra ông hiệp sĩ trong bộ áo giáp, nhưng lẽ ra tôi phải nhận ra ông qua thái độ gan góc và tài khéo léo của ông mới phải.
- Xin cảm ơn lời khen ngợi, anh bạn trẻ ạ! - Aramis nói, - Và người ta trông thấy rõ ai đã dạy anh những bài học xã giao. Nhưng này, anh nói là đi Reuil phải không?
- Vâng.
- Chỗ ông giáo chủ à?
- Chắc thế. Tôi mang một công văn của ngài Hoàng thân gửi Các hạ.
- Thế thì phải mang nó đi, - Arthos nói.
- Ô! Khoan đã nào, bá tước, đừng có hào hiệp rởm. Lạ thật! Không chừng số phận của chúng ta, và quan trọng hơn là số phận của các bạn ta lại nằm trong bức công văn ấy.
- Nhưng, - Arthos nói, - không nên để cho cậu thanh niên này làm không trọn nhiệm vụ của mình.
- Bá tước ơi, trước hết cậu thanh niên này là tù binh của chúng ta, anh quên rồi sao. Việc ta định làm là chính đáng. Vả chăng những người bại trận không nên khó tính trong việc lựa chọn phương tiện. Raoul đưa bức công văn đây!
Raoul do dự, nhìn Arthos như để tìm một qui tắc ứng xử trong ánh mắt cha.
- Raoul cứ đưa công văn ra, - Arthos nói, - anh là tù binh của hiệp sĩ D’Herblay.
Raoul nhượng bộ với vẻ ghê sợ, nhưng Aramis không quá câu nệ như bá tước de La Fère, chộp ngay lấy lá thư, đọc lướt qua, rồi đưa lại Arthos mà nói:
- Anh là người tín ngưỡng, anh hãy đọc và suy nghĩ xem trong bức thư này có điều gì mà Thượng đế xét thấy là cần cho chúng ta biết.
Arthos, cầm bức thư, cau đôi lông mày thanh tú, nhưng rồi ý nghĩ cho đây là chuyện về D’Artagnan đã giúp anh thắng nỗi ghê tởm phải đọc vụng thư. Bức thư viết:
"Thưa Đức ông,
Tối nay tôi sẽ gửi đến Các hạ mười người mà ngài yêu cầu để tăng cường cho toán quân của ông de Comminger. Đó là những người lính cũ có thể dùng canh giữ hai địch thủ ghê gớm mà tài khôn khéo và lòng quả cảm đã khiến Các hạ lo sợ!"
- Ồ! - Arthos kêu lên.
- Thế nào, - Aramis hỏi, - hai tay địch thủ mà ngoài toán quân của Comminger ra, còn phải cần đến mười tên lính thiện nghệ nữa để canh gác, là những ai vậy. Phải chăng nó không giống D’Artagnan và Porthos như hai giọt nước?
- Chúng ta sẽ đi sục Paris suốt ngày hôm nay, - Arthos nói, - và nếu đến tối mà không có tin tức thì sẽ đi đường Pacardi và tôi bảo đảm rằng nhờ trí óc sáng tạo của D’Artagnan, chúng ta sẽ sớm tìm ra vài dấu hiệu khiến chúng ta hết mọi nghi ngờ.
- Nào, ta đi sục ở Paris và nhất là hỏi Planchet xem hắn có nghe nói gì về chủ cũ của mình không?
- Cái cậu Planchet tội nghiệp ấy! Aramis này, cậu nói thế thôi, chứ không chừng hắn bị giết rồi. Tất cả những nhà tư sản hiếu chiến ấy đều ra trận cả, và có lẽ người ta đã làm một cuộc tàn sát.
Rất có thể như vậy, cho nên đôi bạn cũng thấy lo lắng, đi theo lối cửa ô Ngôi đền vào Paris và lần đến Hoàng trường, nơi các anh tính biết được tin về những người tư sản tội nghiệp kia. Nhưng các anh vô cùng ngạc nhiên thấy họ và đại úy của họ vẫn đóng quân ở quảng trường, uống rượu và cười cợt, trong lúc gia đình họ chắc hẳn đang khóc thương họ khi nghe tiếng đại bác Charenton nổ và tưởng rằng họ đã bị tan xác.
Arthos và Aramis lại hỏi tin Planchet, nhưng hắn chẳng biết gì về D’Artagnan cả. Các anh định rủ hắn đi, nhưng hắn tuyên bố là không thể rời bỏ vị trí nếu không có lệnh trên.
Mãi đến năm giờ, mọi người mới trở về nhà và nói rằng họ đi đánh nhau về, họ đã không rời mắt khỏi con ngựa đồng đen của vua Louis XIII.
Planchet trở về cửa hiệu của mình ở phố Lombard và nói:
- Mẹ cha nó! Chúng ta đại bại. Tôi sẽ không bao giờ khuây được.