Hai mươi năm sau - Chương 83
Chương 83
Đường Picardi
Rất an toàn ở trong thành phố Paris, Arthos và Aramis chẳng giấu giếm rằng hễ thò chân ra ngoài là có cơ gặp những nguy hiểm lớn nhất, nhưng đối với những con người như vậy, ta hiểu vấn đề nguy hiểm là thế nào. Hơn nữa họ cảm thấy rằng đoạn kết thúc của chuyến phiêu lưu thứ hai ấy đang tới gần, và như người ta nói, chỉ cần ráng sức một chút nữa là xong.
Vả chăng chính Paris cũng chẳng yên ổn gì: lương thực bắt đầu thiếu thốn, và tùy theo một viên tướng nào đó của Hoàng thân de Conti thấy cần lấy lại ảnh hưởng, ông ta gây một cuộc nổi loạn nhỏ mà ông dẹp yên và nó giúp cho ông ta một khoảnh khắc vượt cao hơn các bạn đồng liêu.
Trong một cuộc bạo loạn như vậy, ông de Beaufort đã cho cướp phá ngôi nhà và thư viện của Mazarin, để theo ông nói, cho lũ dân khốn khổ kia một chút gì nhấm nháp. Arthos và Aramis rời Paris trong cuộc đảo chính ấy nó xảy ra vào buổi chiều tối hôm nhân dân Paris bị bại trận ở Charenton. Cả hai người để Paris ở lại trong cảnh cùng khổ sắp lâm vào nạn đói, xôn xao vì sợ hãi, bị xâu xé vì các bè đảng.
Là người Paris và là Frondeurs, các anh chờ đợi sẽ tìm thấy cảnh cùng khổ những nỗi lo sợ và những âm mưu cũng giống như vậy ở trong phe quân địch. Nhưng các anh vô cùng sửng sốt khi đi qua Saint-Denis, nghe nói là ở Saint-Germain người ta cười đùa, hò hát và sống rất vui nhộn.
Hai nhà quý tộc đi theo những đường quanh trước hết để khỏi sa vào tay bọn theo phái Mazarin rải rác ở Ile de France, sau nữa là để thoát khỏi những người Frondeurs đang giữ vùng Normandie họ sẽ chẳng tha dẫn các anh đến ông de Longueville để ông nhận xem là bạn hay là thù. Thoát khỏi hai mổi nguy ấy, các anh lại bắt vào đường Boulogne-sur-Mer đến Abơvin và đi lần từng bước, từng dấu vết một. Tuy nhiên có một lúc các anh ngập ngừng hỏi thăm hai ba quán hàng rồi mà chẳng thấy một dấu hiệu nào có thể soi sáng những mối hoài nghi hoặc hướng dẫn sự tìm kiếm cả. Nhưng khi đến Montreuil, Arthos cảm thấy trên mặt bàn có cái gì nham nháp dưới những ngón tay mịn màng của mình. Anh lật tấm khăn bàn lên thì thấy trên mặt gỗ khắc sâu mấy chữ bằng mũi dao: "Por… D’act… - 2 tháng Hai".
Hay quá! - Arthos trỏ dòng chữ cho Aramis xem và nói. - Chúng ta định ngủ ở đây, nhưng thôi vô ích. Cần đi xa hơn nữa.
Cả hai lên ngựa và đi đến Abơvin. Tới đây các anh rất lưỡng lự vì có nhiều quán ăn quá. Biết bạn mình đã trọ ở đâu mà tìm, không lẽ vào tất cả các quán.
- Arthos, hãy nghe tôi, - Aramis nói. - Chúng ta dừng nghĩ đến chuyện tìm kiếm ở Abbeville làm gì. Chúng ta mà lúng túng thì các bạn ta cũng vậy thôi. Nếu như chỉ có một mình Porthos cậu ta sẽ đến trọ ở cái khách sạn sang trọng nhất và tới đấy, chúng ta sẽ tìm lại dấu vết của cậu ấy. Nhưng D’Artagnan chẳng có những chỗ yếu ấy đâu. Porthos có thể khẩn khoản rằng cậu ta đói bụng lắm rồi, nhưng D’Artagnan khắt khe như số mệnh ắt sẽ không nghe và vẫn đi tiếp. Cho nên ta phải tìm ở nơi khác kia.
- Thế là đôi bạn lại lên đường, nhưng chẳng thấy quán hàng, nhà cửa, cây cối gì cả. Thật là một trong những nhiệm vụ khó nhọc nhất và vô vị nhất mà Arthos và Aramis đã từng làm. Và nếu không có cái động cơ ba mặt là danh dự, tình bạn và lòng biết ơn khắc sâu vào tâm hồn mình, thì hai lữ khách của chúng ta chắc hẳn đã trăm lần từ chối những việc đào bới cát ven đường, hỏi han khách bộ hành và bình luận những dấu hiệu, rình mò các bộ mặt.
Cứ như vậy họ đi tới Péronne.
Arthos bắt đầu thất vọng. Cái bản chất cao quý và dễ thương ấy tự trách mình về cái tình trạng mờ mịt mà các anh đang lâm vào.
Chắc hẳn các anh đã tìm kiếm không kĩ, chắc hẳn các anh chưa đủ bền bỉ và sắc bén khi hỏi han, dò xét. Các anh đã sắp sửa quay trở lại thì lúc đi qua xóm ngoại ô dẫn đến cổng vào thị trấn, các anh trông thấy một bức tường trắng ở góc cái phố chạy quanh thành, Arthos ngước nhìn một bức tranh trên tường trông như của một đứa trẻ con vẽ bằng đá đen hình hai kỵ sĩ đang phi ngựa như điên, một kỵ sĩ cầm trong tay một tâm biển đề mấy chữ Tây Ban Nha: "Người ta đi theo chúng tôi ".
- Ồ! - Arthos nói, - thật là rõ như ban ngày. Dù đang bị đuổi theo, D’Artagnan cũng dừng lại đây năm phút. Điều đó chứng tỏ là không bị đuổi sát gần và có thể cậu ta đã thoát được.
Aramis lắc đầu.
- Nếu cậu ấy thoát thì chúng ta đã gặp lại hoặc ít ra cũng nghe nói đến chứ!
- Cậu nói đúng đấy. Ta lại đi thôi.
Nói sự lo lắng và không kiên tâm của hai nhà quý tộc có lẽ là điều không thể có được.
Lo lắng là để cho trái tim trìu mến và thân thương của Arthos, không kiên tâm là để cho tính khí nóng nảy và dễ lầm lạc của Aramis. Cho nên trong ba bốn tiếng đồng hồ, cả hai người phóng với sự điên cuồng của hai kỵ sĩ vẽ trên bức tường. Bỗng nhiên đến một chỗ đường thắt hẹp lại giữa hai bờ cao, họ trông thấy một tảng đá lớn chắn ngang mặt đường. Chỗ cũ của tảng đá là ở trên một bờ cao, và cái hố sâu hoắm nó để lại chứng tỏ nó không thể tự lăn xuống đường: mà trông nó to nặng thế kia thì phải có cánh tay Biarée hoặc Encelade(1) mới vần ấy nó đi được.
(1) Những người khổng lồ và nhân vật trong thần thoại Hy Lạp.
Aramis dừng lại. Anh nhìn tảng đá mà nói:
- Ồ, trong chuyện này ắt là có hơi hướng Ajax de Télémon(2) hoặc Porthos đấy! Xuống đi anh và ta xem tảng đá này thế nào?
(2) Người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp.
Đôi bạn xuống ngựa. Tảng đá rõ ràng được lăn xuống để cản đường các kỵ sĩ. Lúc đầu nó nằm ngang dường sau đó những kỵ sĩ đi sau đã phải vần nó sang một bên để lấy lối đi.
Đôi bạn ngăm nghía tảng đá ở mọi phía phơi ra ánh sáng nhưng không thấy gì lạ. Họ bèn gọi Blaisois và Grimaud tới. Cả bốn người mới lật được tảng đá lên, Bên sườn tảng đá chạm đất có viết mấy dòng chữ: "Tám lính khinh kỵ đuổi theo chúng tôi. Nếu chúng tôi tới được Compiègne, chúng tôi sẽ dừng ở quán "Con Công đội miện" chủ quán là chỗ bạn bè của ta."
- Thế là đã có điều được xác định, - Arthos nói, - trong trường hợp thế này hoặc thế khác, chúng ta cũng còn biết đường mà lần. Nào ta đi đến quán Con Công đội miện. (quán Paon Couronné)
- Ừ! - Aramis nói, - nhưng muốn đến được đó thì phải cho ngựa nghỉ một lát kẻo chúng sắp sưng bầm chân rồi.
Aramis nói đúng. Họ dừng ở quán đầu tiên, cho ngựa ăn gấp đôi lúa mạch ngâm rượu vang, cho chúng nghỉ ba giờ, rồi lại lên đường. Mọi người cũng đã mệt nhoài, nhưng còn đứng vững được là nhờ niềm hi vọng.
Sáu tiếng đồng hồ sau, họ đến Compiègne và hỏi thăm quán Con Công đội miện. Người ta chỉ cho họ một tấm biển vẽ con công thần với chiếc mũ miện trên đầu.
Đôi bạn xuống ngựa và chẳng chú ý đến vẻ tự phụ huênh hoang của tấm biển hàng mà giá vào lúc khác chắc hẳn Aramis đã nặng lời chỉ trích. Họ thấy một gã chủ quán đầu hói nhẵn thín và bụng phệ như một ông phỗng của Tàu. Các anh hỏi hắn xem cách đây ít lâu có hai nhà quý tộc bị một toán khinh kỵ binh đuổi bắt không. Chẳng nói chẳng rằng, chủ quán đi đến chiếc tủ lấy ra một nửa lưỡi thanh trường kiếm.
- Các ông có biết cái này không? - Hắn hỏi.
Arthos chỉ thoáng nhìn qua và nói:
- Đây là thanh kiếm của D’Artagnan.
- Của ông to cao hay ông nhỏ người? - Chủ quán hỏi.
- Của ông nhỏ người. - Arthos đáp.
- Chắc các ông là bạn bè của mấy ông kia?
- Phải. Thế chuyện gì đã xảy ra với họ?
- Các ông ấy đi vào sân nhà tôi với những con ngựa chân bầm máu, và trước khi kịp đóng cánh cổng lớn thì tám khinh kỵ binh đuổi theo đã ập vào.
- Tám tên! - Aramis nói. - Tôi lấy làm lạ là hai người dũng mãnh như D’Artagnan và Porthos mà lại để bị tám người bắt.
- Đúng như vậy, thưa ông, tám tên lính kia sẽ chẳng làm gì nổi đâu nếu chúng không lấy thêm hai chục tên lính của trung đoàn Hoàng gia Ý đang đóng trong thành phố, thành thử có thể nói thẳng ra là hai ông bạn của các ông đã bị áp đảo về số lượng.
- Bị bắt giữ à? - Arthos, - nhưng có biết vì sao không?
- Thưa ông không. Họ đã dẫn hai ông đi ngay lập tức và các ông ấy không kịp nói gì với tôi cả. Sau đó tôi nhặt được mảnh kiếm gãy này trên bãi chiến trường, trong khi giúp khiêng hai người chết và năm sáu người bị thương.
- Thế còn hai ông kia, - Aramis hỏi, - có bị làm sao không?
- Tôi tin là không việc gì cả.
- Ông có biết họ dẫn đi đâu không? - Arthos hỏi.
- Về phía cung Louvre.
Arthos bảo:
- Ta hãy để Blaisois và Grimaud ở lại đây, ngày mai chúng nó về Paris, còn bây giờ chúng ta đi xe trạm.
- Được chúng ta đi xe trạm.
Trong khi cho đi kiếm ngựa, đôi bạn ăn vội vàng; họ muốn tiếp tục lên đường, nếu như thu thập được chút ít tình hình ở Louvre.
Họ đến Louvre. Ở đó chỉ có một tửu quán bán một thứ rượu chế tạo từ thời đó và đến ngày nay vẫn còn nổi tiếng. Arthos nói:
- Ta xuống đây nào, D’Artagnan thể nào cũng chẳng bỏ lỡ dịp, không phải để uống một cốc đâu mà cốt để lại một dấu hiệu cho chúng ta.
Hai người bước vào và đến quầy gọi hai cốc rượu như D’Artagnan và Porthos ắt đã làm. Mặt quầy phủ một tấm thiếc. Trên tấm thiếc có mấy chữ vạch bằng đầu chiếc kim băng lớn: "Rueil. Đ".
Aramis nom thấy trước và khẽ reo lên:
- Họ ở Rueil!
- Vậy thì chúng ta đến Reuil. - Arthos bảo.
- Như thế có khác nào ta tự dẫn mình đến miệng chó sói, - Aramis nói.
- Nếu tôi là bạn của Jonas ngày xưa giống như ngày nay tôi là bạn của D’Artagnan, thì tôi sẽ chui theo anh ta vào tận trong bụng của cá voi, và cậu cũng sẽ làm như tôi, Aramis ạ.
- Dứt khoát rồi, bá tước ạ, tôi ngỡ là anh làm cho tôi hơn lên thế nào kia. Nếu có một mình tôi, tôi chưa biết liệu tôi đi Reuil như thế này mà không có những cách đề phòng cẩn thận không, nhưng vì có anh, thì anh đi đâu tôi sẽ đi đấy.
Họ lấy ngựa và đi Reuil ngay.
- Không còn nghi ngờ gì cả, Arthos đã nêu ra với Aramis ý kiến hay nhất.
Các đại biểu nghị viện vừa mới tới Reuil để dự những cuộc hội đàm trứ danh kéo dài ba tuần lễ và dẫn đến cái nền hòa bình khập khiễng nó kéo theo việc Ngài Hoàng thân bị bắt giữ…
Reuil bừa bộn và đầy rẫy người. Phe Paris thì có các luật sư các chủ tịch, các cố vấn, các pháp quan đủ loại. Phe triều đình có các quý tộc các sĩ quan, các lính vệ. Giữa cái đám hỗn độn ấy, người ta có thể xen vào mà chẳng sợ bị nhận ra. Vả lại, những cuộc đàm phán đã đi đến một cuộc đình chiến, thì nếu bắt giữ hai nhà quý tộc dù hợ có phạm tội nặng mấy chăng nữa cũng là vi phạm đến quyền của mọi người.
Đôi bạn tưởng rằng tất cả mọi người đều bận tâm đến điều đang giày vò các anh. Các anh chen vào các nhóm, tưởng rằng họ nghe được điều gì về D’Artagnan và Porthos; nhưng ai nấy chỉ quan tâm đến những điều khoản và những sự sửa đổi.
Arthos bàn là có thể lên gặp thẳng tể tướng.
- Bạn ơi!, - Aramis cãi, - điều anh nói thật là hay ho đấy, nhưng hãy coi chừng; chúng ta có kín đáo thì mới an toàn. Nếu chúng ta lộ mình ra bằng cách này hay cách khác, thì ngay lập tức chúng ta nối gót các bạn ta ở một ngục tối nào đó, sâu dưới đất mà quỷ cũng chẳng lôi chúng ta ra được đâu. Các bạn của ta bị bắt ở Compiègne rồi dẫn đến Reuil như chúng ta đã biết chắc ở Louvre. Tới Reuil họ đã bị tể tướng tra hỏi và sau cuộc thẩm vấn ấy họ đã bị giam ở gần đấy hoặc tống đi Saint-Germain rồi. Họ không ở Bastille đâu, vì ngục Bastille thuộc quân Fronde và con trai Broussel, chỉ huy ở đó. Họ không chết đâu, vì cái chết của D’Artagnan sẽ ầm ĩ to. Còn Porthos tuy có nóng nảy tôi vẫn tin rằng cậu ấy bất tử như Chúa Trời. Ta chớ thất vọng, hãy chờ đợi và nán lại Reuil, vì tôi chắc rằng các bạn ở Reuil. Nhưng kìa, anh làm sao mà tái nhợt đi thế kia!
Arthos run run đáp:
- Tôi nhớ là ở lâu đài Reuil, giáo chủ de Richelieu có cho xây một hầm giam kinh khủng để quăng vào đấy suốt đời những kẻ trọng tội.
- Ô hãy yên tâm anh ạ, - Aramis nói. - Ông de Richelieu là một nhà quý tộc dòng dõi cũng như chúng ta nhưng hơn chúng ta về địa vị, giống như một ông vua, ông ta có thể túm đầu những vị cao sang nhất trong chúng ta và láy lắc nó trên đôi vai. Nhưng Mazarin là một thằng hèn, nhiều nhất chỉ có thể túm cổ chúng ta như một tên xạ thủ. Vậy bạn cứ yên tâm, tôi đinh ninh rằng D’Artagnan và Porthos ở Reuil, vẫn sống và rất khỏe mạnh là khác.
- Mặc kệ, - Arthos nói, - ta cứ yêu cầu ông chủ giáo để ta tham gia cuộc đàm phán và như vậy ta sẽ vào Reuil.
- Với những tên pháp quan tởm lợm ấy à? Bạn thân mến, anh có nghĩ đến điều ấy không? Anh tưởng rằng người ta cũng thèm đưa ra bàn bạc về sự tự do hay sự giam cầm D’Artagnan và Porthos hay sao? Không, tôi có ý kiến là ta tìm một cách nào khác.
- Này bạn, - Arthos nói, - tôi trở lại ý nghĩ ban đầu. Tôi chẳng thấy có cách nào hơn là hành động thẳng thắn và chân thực. Tôi sẽ không tìm đến Mazarin mà đến gặp hoàng hậu mà bảo rằng: "Xin Lệnh bà hãy trả lại cho chúng tôi hai kẻ trung thành của Lệnh bà và hai người bạn thân thiết của chúng tôi".
Aramis lắc đầu nói:
- Arthos ạ, đó là phương sách cuối cùng mà anh vẫn có thể tùy ý sứ dụng. Nhưng hãy nghe tôi, chỉ dùng nó khi cùng bất đắc dĩ, vẫn còn có thì giờ kia mà. Trong khi chờ đợi chúng ta tiếp tục đi tìm kiếm.
- Thế là họ lại đi tìm kiếm, thăm dò tin tức, và tìm đủ mọi cách khôn khéo hỏi han để người ta phải nói ra, và cuối cùng gặp được một lính khinh kỵ, hắn thú nhận đã tham dự vào việc áp giải D’Artagnan và Porthos từ Compiègne đến Reuil. Không có hắn ta thì thực chẳng còn biết tăm hơi gì.
Arthos vẫn trơ lại hoài ý định gặp hoàng hậu.
- Muốn gặp hoàng hậu - Aramis nói, - trước hết phải gặp tể tướng, mà Arthos ơi, hãy nhớ điều tôi nói, chỉ mới nhìn thấy giáo chủ thôi, là chúng ta sẽ được sum họp ngay với các bạn của ta, mà không phải theo cách chúng ta muốn đâu. Thú thật rằng cách sum họp ấy tôi thấy chẳng thích thú chút nào. Muốn làm được tốt và nhanh chóng, chúng ta phải được tự do để hành động.
- Tôi sẽ đến gặp hoàng hậu. - Arthos nói.
- Nếu anh quyết định làm cái việc điên rồ ấy, thì xin hãy báo trước cho tôi một ngày.
- Tại sao vậy?
Tại tôi cần có một cuộc viếng thăm ở Paris.
- Thăm ai?
- Nào biết! Có thể là bà de Longueville. Bà ta rất có uy thế ở đó, bà ấy sẽ giúp đỡ tôi. Tuy nhiên nếu như anh bị bắt thì hãy nhờ ai đó báo tin cho tôi, tôi sẽ cố trở lại ngay.
- Tại sao cậu không liều để bị bắt giữ với tôi? - Arthos hỏi.
- Không, xin cảm ơn.
- Cả bốn người bị bắt và cùng tụ họp lại, tôi tin rằng chúng ta chẳng còn sợ nguy cơ gì. Chỉ hai mươi bốn giờ sau là chúng ta sẽ thoát ra ngoài.
- Bạn thân mến ơi, từ khi tôi giết chết Châtillon, thần tượng của các phu nhân ở Saint-Germain, tôi có quá nhiều hào quang ở quanh mình, nên không thể không sợ tù tội gấp đôi. Hoàng hậu chắc sẽ nghe theo lời khuyên của Mazarin nhân dịp này, và lời khuyên của Mazarin là đưa tôi ra xét xử.
- Nhưng Aramis ơi, vậy cậu nghĩ rằng hoàng hậu mê cái lão người Ý ấy đến mức như người ta đồn ư?
- Bà ta si mê một người Anh.
- Ơ bạn ơi, bà ấy là đàn bà.
- Không đâu, anh nhầm rồi, Arthos ạ. Bà ấy là hoàng hậu.
- Bạn thân mến ơi, tôi tự hiến thân và đến xin yết kiến Anne D’Autriche.
- Xin vĩnh biệt Arthos; tôi sẽ dấy lên một đạo quân.
- Để làm gì?
- Để trở lại bao vây Reuil.
- Chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu?
- Ở dưới chân giá treo cổ của giáo chủ.
Và đôi bạn chia tay nhau. Aramis trở về Paris. Arthos chạy vạy để đến được hoàng hậu.