Hai mươi năm sau - Chương 84 + 85

Chương 84

Sự trả ơn của Anne D’Autriche

Để vào tới chỗ Anne D’Autriche, Arthos gặp ít khó khăn hơn anh tưởng. Ngay lần vận động đầu tiên mọi sự đã trôi chảy, và cuộc bái yết mà anh thỉnh cầu được chấp thuận vào ngày hôm sau, sau buổi lễ thức dậy mà với dòng dõi của mình, anh được phép tham dự.

Một đám đông đầy chật các gian nhà ở Saint-Germain. Tại Louvre hoặc Hoàng cung, chưa bao giờ Anne D’Autriche có nhiều cận thần đến thế. Tuy nhiên có một sự huyên náo nổi lên trong cái đám quần thần thuộc lớp quý tộc thứ yếu ấy, trong khi những nhà quý tộc đệ nhất Pháp quốc lại ở bên cạnh hoàng thân de Conti, hoàng thân de Beaufort và ông chủ giáo.

Hơn nữa, một niềm hoan hỉ lớn tràn ngập trong triều đình. Tính chất đặc biệt của cuộc chiến tranh này là có nhiều khúc ca hơn là những phát đại bác.

Triều đình hát nhạo cánh Paris, cánh Paris hát xỏ triều đình.

Những vết thương không chết người thì cũng chẳng kém phần đau đớn, bởi vì bị gây ra bởi vũ khí mỉa mai.

Nhưng giữa những trận cười tràn lan và những câu chuyện có vẻ tầm phào ấy, một mối bận tâm lớn lắng sâu trong, mọi suy nghĩ.

Mazarin còn là tể tướng hoặc sủng thần, hay là Mazarin từ phương Nam như một đám mây bị cơn gió cuốn đến, rồi lại cuốn đi?

Tất cả mọi người hi vọng điều đó, mong muốn điều đó, thành thử ngài tể tướng cảm thấy như mọi lễ tiết, mọi sự phỉnh phờ ở quanh ông đều che phủ một nội dung hận thù ngụy trang không kĩ dưới sự sợ hãi và lòng vụ lợi. Ông thấy bực bội khó chịu, không biết tin cậy vào đâu và dựa dẫm vào ai.

Ngài Hoàng thân Condé chiến đấu vì ông, nhưng vẫn không bỏ lỡ dịp giễu cợt ông hoặc làm nhục ông. Đã mấy lần trước mặt kẻ chiến thắng Rocroy, Mazarin toan tỏ thiện ý thì Hoàng thân đã nhìn ông bằng một cách để ông hiểu rằng, nếu Hoàng thân bảo vệ ông ta thì chẳng phải vì tin tưởng hay nhiệt thành.

Thế là giáo chủ đành bám vào hoàng hậu, điểm tựa cuối cùng của ông ta. Nhưng đã mấy lần rồi ông cảm thấy như điểm tựa ấy rung rinh dưới bàn tay ông.

Giờ yết kiến tới, người ta báo cho bá tước de La Fère rằng bá tước vẫn được tiếp, nhưng phải đợi một lát, vì hoàng hậu còn phải họp với tể tướng. Sự thật có như vậy, Paris vừa cử một đoàn đại biểu mới đến nhằm đưa lại một sự chuyển biến nào đó cho các công việc và hoàng hậu đang trao đổi ý kiến với Mazarin về việc đón tiếp các đại biểu.

Các nhân vật cao cấp của nhà nước đang rất bận rộn. Arthos không thể chọn một thời điểm nào tồi tệ hơn đề nói về các bạn bè mình, những hạt bụi khốn khổ mất hút trong cơn lốc tung hoành.

Nhưng Arthos là một người ương ngạnh chẳng bao giờ đắn đo với một điều đã quyết định, khi quyết định ấy xuất phát từ lương tâm và do nghĩa vụ thôi thúc.

Cho nên anh khẩn khoản được vào chầu và nói rằng mặc dầu anh không phải đại biểu của de Conti, de Beaufort, de Bouillon, của D’D’Elbeuf, cũng chẳng phải của chủ giáo, bà de Longueville, de Broussel hay nghị viện, và anh đến chỉ về việc riêng thôi, nhưng không phải vì thế mà không có những điều quan trọng nhất để trình với Hoàng thượng, cuộc hội đàm xong, hoàng hậu cho gọi Arthos đến phòng mình.

Arthos được đưa vào và xưng danh. Đó là một cái tên đã quá nhiều lần vang đến tai hoàng hậu và rung động trong trái tim bà, nên bà không thể không nhận ra; tuy nhiên bà tỏ ra thản nhiên và đành nhìn người quý tộc ấy với vẻ chằm chằm mà chỉ các bà hoàng được phép do nhan sắc hoặc do dòng máu của mình.

Sau một lát im lặng, Anne D’Autriche hỏi:

- Vậy là bá tước định giúp chúng tôi một việc thế?

Khó chịu thấy hoàng hậu không tỏ ra nhận biết mình, Arthos thưa:

- Vâng thưa Lệnh bà, lại một việc nữa ạ.

Arthos thật là một trái tim lớn, do đó là một cận thần rất tồi.

Anne chau mày, Mazarin ngồi trước bàn đang giở những giấy tờ như một quốc vụ khanh bình thường ngẩng đầu lên.

- Nói đi, - hoàng hậu bảo.

Mazarin lại giở giấy tờ.

- Thưa Lệnh bà, - Arthos nói, - hai người bạn thân của chúng tôi hai kẻ tôi tớ dũng cảm của Hoàng thượng là các ông D’Artagnan và Du Vallon do ngài giáo chủ phái sang nước Anh, khi trở về mới đặt chân lên đất Pháp thì bỗng nhiên mất tích, và không hiểu ra sao rồi.

- Thế thì sao? - Hoàng hậu hỏi.

- Vì vậy thưa Lệnh bà, - Arthos nói, - tôi khẩn cầu tới lòng nhân đức của Hoàng thượng để biết được hai nhà quý tộc ấy bây giờ ra sao, và sau đó nếu cần thì khẩn cầu đến công lý của Người.

Với vẻ cao ngạo trở thành xấc xược đối với một số người, Anne D’Autriche đáp:

- Thưa ông, thì ra đó là lý do vì sao ông đến quấy rầy chúng tôi giữa lúc hàng trăm công nghìn việc to lớn đang làm chúng tôi bận rộn. Một công việc cảnh sát! Này, ông biết đấy, hoặc là ông cần phải biết rõ là từ khi chúng tôi không còn ở Paris, chúng tôi không còn có cảnh sát nữa.

Arthos cúi mình với vẻ cung kính lạnh lùng nói:

- Tôi nghĩ rằng Hoàng thượng không cần hỏi đến cảnh sát để biết các ông D’Artagnan hay Du Vallon hiện giờ ra sao mà nếu như Người hỏi ngài giáo chủ về hai nhà quý tộc đó, ngài giáo chủ có thể trả lời Người mà không cần hỏi ai ngoài những ký ức của bản thân ngài.

Với cái bĩu môi khính thị riêng có, Anne D’Autriche nói:

- Xin Chúa khoan dung! Tôi ngờ rằng ông hãy tự hỏi mình.

- Vâng, thưa Lệnh bà, tôi hầu như có quyền làm thế, vì đây là chuyện về ông D’Artagnan, về ông D’Artagnan, Lệnh bà nghe rõ chứ ạ. - Arthos nói khiến vầng trán của hoàng hậu phải cúi xuống dưới những kỉ niệm của người đàn bà.

Mazarin hiểu rằng đến lúc phải đỡ cho Anne D’Autriche, ông nói:

- Ông bá tước ạ, tôi muốn nói để ông rõ điều mà Hoàng thượng chưa biết, đó là hai nhà quý tộc ấy hiện nay ra sao. Họ đã bất tuân thượng lệnh và bị bắt giữ rồi.

Arthos vẫn trơ trơ và không đáp lại Mazarin, anh nói:

- Vậy thì van xin Hoàng thượng hãy chiếu cố các ông D’Artagnan và Du Vallon mà bãi bỏ lệnh bắt ấy.

- Điều ông yêu cầu tôi là một việc thuộc về kỉ luật và không can hệ gì đến tôi, ông ạ. - Hoàng hậu đáp.

Với vẻ đường hoàng, Arthos thi lễ và nói:

- Ông D’Artagnan đã chẳng bao giờ nói điều ấy khi đó là việc phục vụ Hoàng thượng.

Và anh lui lại hai bước để ra cửa, nhưng Mazarin ngăn lại.

- Ông cũng từ nước Anh về phải không? - Ông nói và ra hiệu cho hoàng hậu, bà ta tái mặt đi rõ rệt và sắp sửa ban ra một mệnh lệnh ngặt nghèo.

- Và tôi đã chứng kiến những giây phút cuối cùng của vua Charles đệ nhất - Arthos nói. - Tội nghiệp vua! Nhiều nhất ngài cũng chỉ phạm tội yếu đuối vậy mà quần thần đã trừng trị ngài thật khắt khe. Lúc này đây, các ngai vàng đang lung lay và đối với những tấm lòng trung thành, phục vụ các hoàng thân chẳng phải là hay đâu. Đây là lần thứ hai ông D’Artagnan sang Anh, lần thứ nhất vì danh dự của một hoàng hậu vĩ đại, lần thứ hai vì tính mạng của một ông vua vĩ đại.

- Với một giọng mà thói quen che giấu không xua tan được nét biểu hiện thật sự, Anne D’Autriche nói:

- Ông Mazarin, xem có thể làm được gì cho các nhà quý tộc này không?

- Thưa Lệnh bà, - Mazarin đáp, tôi sẽ làm mọi điều gì vừa lòng Hoàng thượng.

- Ông hãy làm cái điều mà bá tước de La Fère thỉnh cầu. Tên ông gọi như vậy có phải không?

- Thưa Lệnh bà, tôi còn một tên khác nữa: Arthos.

Với một nụ cười chứng tỏ rằng chỉ nửa lời ông đã dễ dàng hiểu ra ngay, Mazarin nói:

- Thưa Lệnh bà, xin người cứ yên tâm, những ý muốn của người sẽ được thực hiện.

- Ông nghe rõ rồi chứ? - Hoàng hậu nói.

- Vâng thưa Lệnh bà, tôi không chờ đợi gì hơn là công lý của Hoàng thượng. Như vậy là tôi sẽ gặp lại các bạn bè của tôi, có phải không, thưa Lệnh bà? Có phải Hoàng thượng hiểu như vậy không?

- Phải, ông sẽ gặp lại các bạn ông. Nhưng nhân đây xin hỏi, ông thuộc phái La Fronde phải không?

- Thưa Lệnh bà, tôi phục vụ đức vua.

- Phải, theo cách của ông.

- Cách của tôi là cách của tất cả những nhà quý tộc chân chính, và tôi không biết có hai cách, - Arthos kiêu ngạo đáp.

Hoàng hậu khoát tay ra hiệu cho Arthos đi ra và bảo:

- Thôi, ông đi đi. Ông đã đạt được điều ông mong muốn, và chúng tôi cũng biết được những điều chúng tôi cần biết.

Khi cửa đã sập lại sau lưng Arthos, hoàng hậu quay lại bảo Mazarin:

- Giáo chủ cho bắt giữ ngay gã quý tộc hỗn láo kia trước khi hắn ra khỏi sân!

- Tôi đã nghĩ đến điều ấy, - Mazarin nói, - Và tôi vui mừng rằng Hoàng thượng đã ban cho một mệnh lệnh mà tôi định yêu cầu Người. Những tên hung hăng mang những tập quán của triều cũ vào thời đại hiện nay của ta gây rất nhiều phiền hà cho chúng ta; và đã có hai tên bị bắt rồi, ta hãy cho thêm vào đứa thứ ba.

Chẳng phải Arthos hoàn toàn bị hoàng hậu lừa bịp. Trong giọng nói của bà có cái gì đó đã khiến anh chú ý, nó vừa hứa hẹn lại vừa đe dọa. Nhưng anh không phải người hơi thấy nghi ngờ là lánh xa ngay, nhất là khi người ta đã nói rõ ràng với anh rằng anh sắp gặp lại các bạn anh. Cho nên anh đến một phòng ở gần kề nơi văn phòng anh được tiếp kiến để chờ người ta dẫn D’Artagnan và Porthos đến hoặc đưa anh tới gặp họ.

Trong lúc chờ đợi, anh tới bên cửa sổ và bất giác nhìn ra sân.

Anh trông thấy đoàn đại biểu Paris vào để thu xếp nơi hội đàm dứt khoát và chào hoàng hậu. Có các vị cố vấn của nghị viện, các chủ tịch, luật sư, trong đó lạc lõng vài binh gia. Một đoàn hộ tống hùng hậu chờ đợi họ ở ngoài hàng rào sắt.

Arthos nhìn chăm chú hơn bởi vì giữa đám đông ấy anh tưởng như nhận ra một người quen, thì có người vỗ nhẹ vào vai anh.

Anh quay lạt và thốt lên.

- A! Ông de Comminger!

- Vâng, thưa bá tước chính tôi, và tôi được giao một nhiệm vụ mà để thi hành nó tôi xin ông hãy nhận tất cả những lời xin lỗi của tôi.

- Nhiệm vụ gì vậy, thưa ông? - Arthos hỏi.

- Xin bá tước nộp thanh gươm cho tôi.

Arthos mỉm cười và mở cửa sổ ra anh kêu lên:

- Aramis!

Một nhà quý tộc quay lại; đó là người mà Arthos đã ngỡ nhận ra, và chính là Aramis. Anh thân mật chào Arthos.

- Aramis! - Arthos nói. - Người ta bắt giữ tôi.

- Thế à! - Aramis lạnh lùng đáp.

Arthos quay lại phía Comminger và lịch sự trao kiếm đằng chuôi cho hắn ta, anh nói:

- Thưa ông, mong ông giữ gìn cẩn thận hộ cho để trả lại tôi khi nào tôi ra tù. Tôi rất quý nó vì nó do vua Françoise đệ nhất ban cho tổ phụ tôi. Trong thời ngài, người ta ban vũ khí cho các nhà quý tộc, chứ không tước vũ khí họ. Bây giờ ông đưa tôi đi đâu?

- À vào phòng tôi trước đã, - Comminger đáp. - Hoàng hậu sẽ quy định chỗ ở của ông sau.

Arthos không nói thêm một lời và đi theo Comminger.

Chương 85

Vương vị của Mazarin

Việc bắt bớ không gây một tiếng động nào, một sự công phẫn nào và gần như không ai biết đến. Do đo nó không ngăn cản diễn biến của các sự kiện, và đoàn đại biểu do Paris cử đến được thông báo long trọng rằng họ sẽ được tiếp kiến Hoàng hậu.

Hoàng hậu tiếp đón họ, im lặng và oai vệ như mọi khi. Bà nghe những điều kêu ca và cầu khẩn của các đại biểu, nhưng đến khi họ dứt lời, gương mặt Anne D’Autriche vẫn thản nhiên, đến nỗi không ai có thể nói chắc được rằng bà có nghe thấy hay không.

Ngược lại Mazarin, có mặt trong buổi tiếp kiến ấy nghe rất rõ ràng điều các đại biểu yêu cầu, đó là sự thải hồi ông ta bằng những từ ngữ rõ ràng và rành mạch, một cách thuần túy và đơn giản.

Những bài diễn văn kết thúc, hoàng hậu vẫn câm như hến.

- Thưa các ngài, - Mazarin nói, - Tôi xin theo các ngài mà khẩn cầu hoàng hậu hạn chế những nỗi đau của các quần thần. Tôi đã làm mọi việc có thể làm dịu bớt, song theo các ngài nói, ý kiến chung cho rằng những nỗi đau khổ ấy là do tôi gây ra, một người ngoại quốc khốn khổ đã không làm vừa lòng mỗi người Pháp. Than ôi! Người ta không hiểu tôi, và cũng đúng thôi, tôi kế tục con người tuyệt vời nhất dường như vẫn còn nâng đỡ cái vương trượng của các vua chúa Pháp. Những ký ức của Ngài de Richelieu áp đảo tôi. Nếu như tôi có tham vọng mà chống lại các ký ức đó thì cũng uổng công. Nhưng tôi không thể và tôi muốn đưa ra một bằng chứng. Tôi tuyên bố là chịu thua. Tôi sẽ làm điều mà nhân dân đòi hỏi. Nếu như dân chúng Paris có vài điều sai lầm, mà ai chẳng có, phải không các ngài, thì Paris cũng đã bị trừng phạt đủ rồi, khá nhiều máu đã đổ ra, khá nhiều nỗi thống khổ đang đè nặng lên một thành phố không có vua của mình và nền công lý. Đừng qui cho tôi, một cá nhân tầm thường, cái việc tày đình là chia rẽ một bà hoàng hậu với vương quốc của mình. Bởi vì các ngài đòi hỏi tôi rút lui, vậy thì tôi rút lui.

Aramis ghé tai người bên cạnh mà nói:

- Nếu vậy thì hòa bình được lập lại, và các cuộc đàm phán là vô ích. Chỉ còn có việc cho áp giải cẩn thận và tống khứ ông Mazarin ra tận nơi biên cương xa nhất và không để ông ta trở lại bằng nơi ấy hoặc nơi khác…

Viên pháp quan mà Aramis vừa bảo ấy lên tiếng:

- Khoan đã, ông ơi, khoan đã! Ông ra đi như vậy ư? Người ta thấy rõ ông là hạng người giang hồ hiệp khách đấy… Còn có cả một danh mục những khoản tiền lời lãi và những tiền trợ cấp phải sao chép minh bạch.

Đấy là ông Séguier, chỗ quen biết cũ của chúng ta. Hoàng hậu quay về phía ông ta mà bảo:

- Này ông chưởng ấn ơi, ông sẽ mở những cuộc hội đàm, mà họp ở Reuil. Ngài giáo chủ đã nói những lời khiến tôi rất xúc động. Đó là lý do vì sao tôi không trả lời ông dài dòng hơn. Còn về chuyện ở lại hay ra đi, tôi hàm ơn Ngài giáo chủ quá nhiều nên không thể không để cho ông ấy tự do hành động về mọi mặt. Ông giáo chủ muốn làm gì thì làm.

Một vẻ tái nhợt thoáng qua trên gương mặt thông minh của tể tướng ông lo âu nhìn hoàng hậu. Mặt bà trơ trơ như đá đến nỗi ông cũng giống như những người khác, chẳng đọc nổi những gì đang diễn ra trong lòng bà:

- Nhưng, thưa các ngài, - hoàng hậu nói thêm, - trong khi chờ đợi sự quyết định của ngài Mazarin tôi mong rằng chỉ còn có vấn đề của nhà vua thôi.

Các đại biểu cúi chào và đi ra. Khi người cuối cùng đã ra khỏi phòng, hoàng hậu bảo Mazarin:

- Thế nào, ông nhượng bộ bọn quan tòa và thầy cãi à?

Mazarin đưa con mắt sắc nhìn hoàng hậu chằm chằm và nói:

- Thưa Lệnh bà vì hạnh phúc của Hoàng thượng, không có sự hi sinh nào mà tôi không sẵn sàng chịu đựng.

Anne cúi đầu và Reuil vào trong những mơ mộng vẫn thường có ở bà. Kỉ niệm về Arthos trở lại tâm trí bà. Cái phong độ táo bạo của người quý tộc, lời lẽ vừa kiên quyết và đường hoàng, những ảo ảnh mà anh gợi lại chỉ bằng một lời, khiến bà nhớ lại cả một quá khứ đầy thơ mộng mê say: thuở thanh xuân, nhan sắc, hào quang những mối tình của tuổì hai mươi, và những cuộc chiến đấu khốc liệt của những người phù trợ bà, và cái chết đẫm máu của Buckingham, người đàn ông duy nhất bà thực sự yêu thương, và sự anh hùng của những kẻ vô danh bảo vệ bà đã cứu bà thoát khỏi nỗi thù hằn của cả Richelieu và vua.

Lúc này bà tưởng như ngồi một mình và không còn có cả một thế giới thù địch rình mò bà, thì Mazarin theo dõi những suy nghĩ của bà qua gương mặt, giống như người ta nhìn vào mặt hồ trong suốt những ánh mây trôi qua, những ánh phản quang của bầu trời cũng như những nét suy tưởng.

- Như vậy là, - Anne D’Autriche lẩm bẩm, - phải nhượng bộ cơn bão táp, mua lấy hòa bình, chờ đợi kiên nhẫn và sùng kính những thời cơ tốt hơn ư?

Mazarin mỉm cười chua chát trước kiến nghị ấy nó bảo rằng hoàng hậu đã nhìn nhận lời đề nghị của ông tể tướng một cách nghiêm túc.

Anne cúi đầu và không nhìn thấy nụ cười ấy, nhưng nhận thấy câu hỏi của mình không được đáp lại, bà ngẩng đẩu lên, nói:

- Này, ông giáo chủ, ông không trả lời tôi à? Ông nghĩ gì thế?

- Thưa bà, tôi nghĩ rằng cái gã quý tộc hỗn xược mà ta sai Comminger bắt giữ ấy đã nói bóng gió đến ông de Buckingham mà bà để bị ám sát, đến bà de Chevreuse mà bà để bị lưu đày, đến ông de Beaufort mà bà để bị giam cầm. Nhưng nếu như hắn ta nói bóng gió đến tôi thì đó là hắn không biết rằng tôi là cái gì đối với bà.

Anne D’Autriche rùng mình như mỗi khi người ta đánh vào lòng kiêu hãnh của bà. Bà đỏ mặt lên và để khỏi phải trả lời, bà ẩn những móng tay sắc nhọn vào lòng bàn tay mình.

Mazarin nói tiếp:

- Đó là một người có ý kiến hay, trọng danh dự và sáng trí chưa kể đó là người quả quyết. Bà cũng biết rõ về ông ta chứ? Do đó tôi muốn nói với hắn rằng, đó là một ân huệ riêng mà tôi ban cho, vậy mà hắn đã ngộ nhận về tôi. Đó là, cái điều mà người ta đề nghị với tôi thật sự hẩu như là một sự thoái vị, mà một sự thoái vị thì cần phải được suy nghĩ.

- Một sứ thoái vị ư? - Anne nói, - Ông ơi, tôi tưởng rằng chỉ có vua mới thoái vị?

- Này bà, - Mazarin đáp, - tôi chẳng hầu như một ông vua, vua Pháp quốc đó sao? Thưa Lệnh bà, tôi xin bảo đảm rằng cái áo tể tướng của tôi ném lên chiếc giường ngự ban đêm trông rất giống một tấm ngự bào.

Đó là một trong những điều sỉ nhục mà Mazarin thường hay bắt bà phải chịu, và bà luôn luôn cúi đầu khuất phục. Chỉ có Elizabeth và Catherine II là những người giữ được mình vừa là tình nhân vừa là nữ hoàng đối với tình lang của họ(1). Cho nên Anne D’Autriche hoảng sợ nhìn bộ mặt hăm dọa của ông giáo chủ trong những lúc như vậy cũng có một vẻ uy nghi nào đó.

(1) Elizabeth (1533 - 1603) nữ hoàng Anh và Catherine II đại đế (1762 - 1796) nữ hoàng Nga là những nữ hoàng kiên nghị và có tài.

- Thưa ông, - bà nói, - chẳng phải tôi đã nói và ông cũng đã nghe thấy tôi nói với những người kia rằng tùy ý ông muốn làm gì thì làm đó sao.

- Trong trường hợp ấy, - Mazarin nói, - tôi thích ở lại. Đó không những là lợi ích của tôi mà còn dám nói rằng đó là lợi ích của bà nữa.

- Vậy thì ông cứ ở lại, tôi không mong gì hơn; nhưng như vậy chớ có để tôi bị lăng nhục.

- Bà muốn nói đến yêu sách của bọn nổi loạn và những giọng điệu của chúng phải không? Hãy nhẫn nại! Chúng đã chọn một trận địa, và tôi là vị tướng khôn khéo hơn chúng: những cuộc đàm phán. Chúng ta sẽ đánh bại chúng chỉ bằng cách chờ thời. Chúng đói lắm rồi, tám ngày nữa thì còn tồi tệ hơn nữa.

- Ôi, lạy Chúa! Đúng thế ông ạ, tôi biết rằng chúng ta sẽ kết thúc ở đó. Nhưng tôi không nói về bọn ấy, không phải chúng là những kẻ nói với tôi những lời chửi rủa đau đớn nhất.

- A, tôi hiểu rồi! Bà muốn nói đến những kỉ niệm ba bốn gã quý tộc kia thường xuyên gợi lại cho bà. Nhưng chúng ta đã bắt giam chúng, và tội trạng của chúng khá đủ để chúng ta giam cầm chúng bao lâu tuỳ ý ta. Chỉ còn một tên vẫn ở ngoài và coi thường chúng ta. Nhưng, mẹ kiếp! Rồi chúng ta sẽ tống được hắn vào cùng với đồng bọn. Dường như chúng ta làm được những việc còn khó khăn gấp mấy. Trước tiên và để cẩn thận hơn, tôi đã cho giam chúng ở Reuil, nghĩa là bên cạnh tôi, nghĩa là dưới con mắt của tôi, trong tầm tay của tôi hai tên bất trị nhất. Hôm nay đây, tên thứ ba lại dẫn xác vào đó.

- Khi nào họ còn bị tù thì tốt rồi, - Anne D’Autriche nói, - nhưng một ngày kia họ sẽ ra.

- Vâng, nếu như Hoàng thượng thả họ ra.

Anne D’Autriche nói tiếp như đáp lại chính ý của mình.

- A! Chính ở đây mà người ta luyến tiếc Paris.

- Tại sao thế?

- Vì nhà ngục Bastille, ông ạ, nó vững chắc và kín đáo.

- Thưa Lệnh bà, với những cuộc đàm phán chúng ta có hòa bình, với hòa bình chúng ta có Paris, với Paris chúng ta có Bastille. Bốn vị anh hùng rơm của ta sẽ chết mục ở trong đó.

Anne D’Autriche khẽ chau mày, trong khi Mazarin hôn tay bà để cáo lui sau cái hành động nửa cung kính nửa tán tỉnh ấy Mazarin đi ra. Anne D’Autriche nhìn theo và khi ông ta xa dần, người ta có thể trông thấy nụ cười khinh thị hiện trên môi bà. Bà lẩm bẩm:

- Trước kia ta đã coi khinh tình yêu của một ông giáo chủ không bao giờ nói "Ta sẽ làm", mà nói "Ta làm": ông ta biết những chỗ ẩn náu còn chắc chắn hơn Reuil, tối tăm và âm thầm hơn cả Bastille. Ôi, thế giới bây giờ suy vi rồi!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay