Hai mươi năm sau - Chương 86 + 87

Chương 86

Đề phòng

Sau khi rời Anne D’Autriche, Mazarin đi về nhà mình ở Reuil. Ông đi với đoàn hộ tống hùng mạnh vì thời loạn, và thường hay cải trang. Như chúng tôi đã nói, trong bộ quần áo hiệp khách trông ông là một nhà quý tộc rất bảnh bao.

Trong sân tòa nhà lâu đài cổ ông lên xe ngựa và đi đến sông Seine ở quãng Chatou. Ngài Hoàng thân đã cấp cho ông năm mươi khinh kỵ binh đi hộ tống, nhiều như vậy không phải chỉ để bảo vệ ông mà còn để phô trương cho các kỵ sĩ thấy rằng các tướng lĩnh của hoàng hậu bố trí các toán quân thật dễ dàng biết bao và có thể phân tán tuỳ hứng.

Bị Comminger canh gác chặt chẽ. Arthos cưỡi ngựa, không có gươm, đi theo giáo chủ, mà chẳng nói nửa lời, Grimaud lúc đứng ở cổng tòa lâu đài đã nghe tin chủ mình bị bắt khi anh kêu lên với Aramis, và theo hiệu lệnh của chủ, bác chẳng nói chẳng rằng đứng vào sát cạnh Aramis làm như không có chuyện gì xảy ra.

Từ hai mươi năm nay đi hầu chủ thực ra Grimaud đã thấy chủ đã thoát khỏi biết bao nhiêu cuộc phiêu lưu, nên cũng chẳng có gì khiến bác phải lo lẳng.

Các đại biểu nghị viện ngay sau cuộc tiếp kiến lên đường trở về Paris, nghĩa là đi trước tể tướng chừng năm trăm bước. Cho nên Arthos có thể trông thấy phía sau lưng Aramis mà chiếc thắt lưng mạ vàng và dáng đi kiêu hãnh khiến anh cứ dán chặt mắt vào đấy giữa các đám đông đen nghịt cũng như hướng vào đó niềm hi vọng được giải thoát, thói quen giao du và lòng quyến luyến nó nảy ra từ mọi tình bằng hữu.

Aramis trái lại chẳng tỏ ra băn khoăn một chút nào rằng Arthos có đi theo anh hay không. Đúng là có một lần anh quay lại khi đến lâu đài. Anh giả thiết rằng có lẽ Mazarin để người tù mới trong cái thành quách nhỏ có lính canh gác cầu và do một đại úy cai quản cho Hoàng hậu. Nhưng không phải như vậy. Arthos đi theo giáo chủ sang Chatou.

Tới chỗ chẽ đường Paris đi Reuil, Aramis quay lại. Lần này dự đoán của anh không lầm, Mazarin rẽ bên phải và Aramis trông thấy người tù khuất ở chỗ rẽ có cây cồi. Cùng lúc ấy do một ý nghĩ giống nhau. Arthos cũng quay lại. Đôi bạn trao đổi một cái gật đầu và Aramis đưa ngón tay lên mũi như để chào. Riêng Arthos hiểu rằng bạn mình ra hiệu là anh ta đã có một suy nghĩ.

Mười phút sau, Mazarin đi vào sân tòa lâu đài mà vị giáo chủ tiền bối của ông ta đã sai dọn cho mình ở Reuil.

- Thưa Đức ông, chúng tôi cho ông de La Fère ở đâu để vừa ý Các hạ.

- Ở khu nhà vườn cam phía trước có cái cái nhà giam đấy.

- Ta muốn rằng người ta trọng vọng bá tước de La Fère mặc dầu ông ta là tù nhân của Hoàng hậu.

- Trình đức ông - Comminger đánh liều nói, - Ông ta xin được chiếu cố đến chỗ ông D’Artagnan, ông này đang ở khu nhà săn phía trước mặt vườn cam theo như Các hạ đã truyền lệnh.

Mazarin ngẫm nghĩ một lát.

Comminger thấy rõ ông ta đang cân nhắc. Hắn nói thêm:

- Đó là một cái nhà giam rất chắc, có bốn chục người chắc chắn, những binh sĩ đã được thử thách hầu hết là người Đức và do đó không có chút liên hệ nào với bọn Fronde và cũng chẳng có quyền lợi gì ở đó cả.

- Ông Comminger này, - Mazarin nói, - nếu chúng ta để ba người ở cùng nhau thì phải tăng gấp đôi quân số bốt này mà chúng ta chẳng có sẵn nhiều người bảo vệ để làm những chuyện phung phí ấy.

Comminger mỉm cười. Mazarin trông thấy và hiểu rõ nụ cười ấy.

- Ông Comminger ạ, ông không hiểu đâu, nhưng tôi tôi hiểu họ lắm trước hết do chính họ, rồi do tục truyền. Tôi đã phái họ sang giúp vua Charles, và họ đã làm những chuyện thần kỳ để cứu ông ta. Hẳn là số mệnh đã phải can thiệp vào để cho vua Charles thân mến ấy giờ đây không được sống an toàn ở giữa chúng ta.

- Nhưng nếu họ đã hết lòng phục vụ Các hạ thì vì sao Các hạ lại cho họ vào tù?

- Vào tù ư? - Mazarin nói, - Thế Reuil là nhà tù từ bao giờ?

- Từ khi có các tù nhân, - Comminger đáp.

Với nụ cười quỷ quyệt, Mazarin nói:

- Các ông ấy không phải là tù nhân của tôi, đó là các vị khách của tôi đấy; khách quý đến nỗi tôi phải cho làm thêm song sắt ở cửa sổ, làm thêm khóa ở gian phòng họ ở, tôi sợ các ông ấy chán bầu bạn với tôi biết chừng nào. Nhưng dù sơ kiến, các ông ấy có vẻ là tù nhân, tôi vẫn rất kính trọng họ. Chứng cớ là tôi muốn đến thăm ông de La Fère và nói chuyện riêng với ông ấy. Do đó, để chúng tôi khỏi bị quấy rầy trong khi trò chuyện, như tôi đã dặn, ông hãy dẫn ông ta đến khu vườn cam, ông biết rằng đó là nơi tôi thường đi dạo tôi sẽ vào phòng ông ta và nói chuyện. Người ta cho rằng ông ta là kẻ thù của tôi, nhưng tôi có cảm tình với ông ta, và nếu như ông ta là người biết phải, thì có lẽ có thể dùng ông ta vào việc gì đó.

Comminger cúi chào và trở lại chỗ Arthos. Anh đang chờ đợi kết quả cuộc hội đàm với vẻ ngoài bình thản, nhưng trong lòng thật sự lo âu.

- Thế nào? - Anh hỏi viên trung úy thị vệ.

- Thưa ông, - Comminger đáp, - dường như không thể được.

- Ông Comminger ơi, - Arthos nói, - suốt đời tôi là lính, tôi hiểu thế nào là mệnh lệnh, nhưng ngoài mệnh lệnh đó ra, ông có thể giúp tôi một việc.

- Thưa ông, tôi rất vui lòng. - Comminger đáp,

- Kể từ khi tôi biết ông là ai, và ngày xưa đã giúp những việc gì cho Hoàng thượng, từ khi tôi biết ông thân cận biết chừng nào với người thanh niên đã hết lòng dũng cảm đến cứu trợ tôi cái hôm bắt giữ lão già Broussel của nợ ấy, tôi xin tuyên bố là hết lòng vì ông, tất nhiên trừ điều lệnh.

- Xin cảm ơn ông, tôi không mong muốn gì hơn và tôi sẽ yêu cầu ông một điều chẳng làm lụy gì đến ông đâu.

- Nếu điều đó có làm lụy đến tôi một chút thì xin ông cứ nói, - Comminger mỉm cười đáp, - Tôi thích ông Mazarini cũng chẳng hơn gì ông đâu, tôi phục vụ hoàng hậu và điều đó tất nhiên dẫn tôi đến phục vụ giáo chủ. Nhưng tôi phục vụ bà này với niềm vui và ông kia một cách miễn cưỡng. Vậy xin ông cứ nói đi, tôi chờ nghe đây.

- Bởi vì không có điều gì phương hại, - Arthos nói, - khi tôi biết rằng ông D’Artagnan ở đây, thì tôi chắc rằng cũng sẽ chẳng có gì tai hại hơn nếu ông ấy biết rằng chính tôi cũng ở đây.

- Tôi không được mệnh lệnh gì về vấn đề này cả.

- Thế thì xin ông vui lòng, chuyển lời thăm hỏi của tôi tới ông ấy và nói rằng tôi là người láng giềng của ông ấy. Đồng thời xin ông bảo cho ông ấy biết điều mà ông nói với tôi ban nãy, tức là ngài Mazarin đã để tôi ở khu vườn cam để tới thăm tôi, và tôi sẽ lợi dụng điều vinh hạnh mà ngài đã ban cho ấy để xoa dịu phần nào cảnh tù đầy của chúng tôi…

- Mà cảnh ấy không thể kéo dài. - Comminger tiếp lời - Chính ngài Mazarin đã nói với ông rằng ở đây không có nhà tù.

- Mà có những hầm sâu nhốt người. - Arthos mỉm cười nói.

- Ồ! Đó lại là chuyện khác, - Comminger đáp.

- Phải rồi, tôi có nghe những lời đồn về vấn đề ấy: nhưng một người dòng dõi tầm thường như ông giáo chủ, một người Ý sang Pháp để tìm vận hội, sẽ chẳng dám đi đến những điều quá quắt như vậy, đó sẽ là một sự quái đản. Thời giáo chủ trước thật là hay, ông ta là một bậc đại thần, nhưng còn ông Mazarin! Những hầm kín là những thứ trả thù vương giả mà một kẻ ti tiện như ông ta không nên đụng vào. Người ta biết việc bắt giữ ông, người ta cũng sẽ biết việc bắt giam các bạn ông, và tất cả giới quý tộc Pháp sẽ đòi ông ta phải báo cáo về sự mất tích của các ông. Không, không, xin ông hãy yên tâm, những hầm nhốt người ở Reuil từ mười năm nay đã thành những chuyện tục truyền dùng cho trẻ con. Ông cứ ở đây không phải băn khoăn gì về chuyện đó. Về phần tôi, tôi sẽ báo cho ông D’Artagnan biết việc ông đến đây. Biết đâu trong mười lăm ngày nữa ông sẽ chẳng giúp tôi một việc tương tự!

- Tôi ư, thưa ông?

- Hẳn đi chứ! Tôi chẳng thể đến lượt làm tù nhân của ông chủ giáo hay sao?

- Trong trường hợp ấy, - Arthos nghiêng mình thi lễ, - Xin ông hãy tin chắc rằng, tôi sẽ hết sức làm vừa lòng ông.

- Thưa bá tước, ông có chiếu cố dùng bữa tối với tôi không? - Comminger hỏi.

- Xin cảm ơn ông, tôi khó ở, e rằng sẽ làm bữa tối mất vui.

Comminger bèn đưa bá tước đến một phòng sát đất tại một khu nhà nối tiếp vườn cam và nằm ngang bằng với vườn. Đi tới vườn cam phải qua một sân lớn đầy lính tráng và cận thần. Cái sân ấy hình móng ngựa; ở trung tâm là các gian nhà Mazarin ở, mỗi bên cánh là khu nhà săn nơi giam D’Artagnan và khu vườn cam nơi Arthos vừa mới vào. Ở sau hai đầu cánh là khu vườn trải dài.

Vào trong căn phòng mình sẽ ở, qua ô cửa sổ ken sắt cẩn thận. Arthos trông thấy các tường và mái nhà.

- Tòa nhà này làm gì? - anh hỏi.

Comminger đáp:

- Đó là phía sau khu nhà săn nơi các bạn ông bị giam giữ. Tiếc thay những cửa sổ trông ra phía này bị bịt lại từ thời ông giáo chủ trước, vì rằng các tòa nhà đã nhiều lần được dùng làm nhà tù, và ông Mazarin khi nhốt các ông vào đây, chỉ là đưa các tòa nhà trở lại mục đích sử dụng ban đầu. Nếu như các cửa sổ kia không bị bịt kín thì ông sẽ có niềm an ủi là liên hệ với các bạn bằng những dấu hiệu.

- Ông Comminger ơi, - Arthos nói, - ông có chắc rằng giáo chủ sẽ hạ cố đến thăm tôi không?

- Ít ra thì ông ấy cũng nói chắc với tôi như vậy.

Arthos nhìn những chấn song cửa sổ mà thở dài.

Comminger nói:

- Đúng thật, hầu như là một nhà tù, ở đây chẳng thiếu gì, kể cả những chấn song. Mà cũng lạ thay chẳng biết ý nghĩ kỳ cục nào đã khiến ông, một đóa hoa quyền quý đi xòe nở tinh thần dũng cảm và lòng trung thực của mình ở giữa đám nấm dại La Fronde. Thật đấy, bá tước ạ, nếu như có bao giờ tôi có ý nghĩ kiếm một người bạn trong hàng ngũ quân đội hoàng gia, thì chính là ông mà tôi nghĩ đến đó. Ông bá tước de La Fère, một người Fronde, thuộc phe đảng của một Broussel, một Blancmensnil, một Viole! Chán thật, điều đó khiến người ta tưởng rằng bà mẹ ông là một bà pháp quan nhỏ mọn nào. Ông mà là một Fronde?

- Ông bạn thân mến ơi, - Arthos nói, - thực tình bây giờ phải là Mazarin hoặc Fronde. Tôi đã cho hai cái tên ấy vang lên thật lâu bên tai tôi, và rồi tôi tuyên bố theo cái tên sau, ít ra nó cũng là một tên Pháp. Với lại tôi là Fronde không phải với ông Broussel, ông Blancmensnil, và ông Viole, mà với ông de Beaufort, ông de Buinng, ông D’D’Elbeuf, với những hoàng thân, chứ không phải với những chủ tịch, tham nghị, pháp quan. Vả chăng, phục vụ ông Mazarin mang lại kết quả là thú vị! Ông de Comminger hãy nhìn bức tường không có cửa sổ kia nó sẽ kể cho ông nghe khối chuyện hay ho về lòng biết ơn Mazarin.

- Thật vậy, - Comminger cười nói, - Nhất là nếu bức tường ấy vọng lại những điều mà ông D’Artagnan đã văng ra cho ông ta từ tám ngày rủi ro vận hạn.

- Tội nghiệp D’Artagnan? - Arthos thốt lên với cái vẻ ưu sầu tuyệt đẹp, nó là một mặt trong tính cách của anh, một con người thật là tử tế thật là dũng cảm, nhưng thật là khủng khiếp đối với những kẻ không yêu mến những người mà anh yêu mến.

Anh nói tiếp:

- Ông có hai tù nhân rất ghê gớm, ông Comminger ạ, và tôi lấy làm ái ngại cho ông là người ta đã giao cho ông chịu trách nhiệm hai con người bất trị ấy.

- Bất trị à! - Comminger mỉm cười, nói. - Chà! Ông muốn làm tôi kinh hãi ư? Ngày đẩu bị giam giữ, ông D’Artagnan khiêu khích tất cả lính trang và hạ sĩ quan, chắc hẳn để có được một thanh kiếm. Tình trạng ấy tiếp diễn ngày hôm sau và cả ngày hôm sau nữa, nhưng rồi ông ta trở nên bình thản và hiền lành như con cừu non. Bây giờ thì ông ta hát những bài ca Gascogne khiến chúng tôi chết cười.

- Thế còn ông Du Vallon? - Arthos hỏi.

- À ông ấy lại là chuyện khác. Thú thật rằng đó là một nhà quý tộc đáng sợ. Ngày đầu tiên ông ta hích vai một cái là đổ tất cả các cửa và tôi đã trù liệu là sẽ đem ông ta ra khỏi Reuil, giống như Samson(1) ra khỏi Gada. Nhưng thái độ ông ta cũng theo nhịp ông D’Artagnan. Bây giờ không những ông ta quen đi với cảnh giam cầm mà còn pha trò nữa.

(1) Thủ lĩnh của dân Hebrơ (thế kỉ I trước Công nguyên) có sức mạnh siêu nhiên nằm trong bộ tóc.

- Càng hay, - Arthos nói, - Càng hay.

Đem khớp những điều Mazarin nói về mấy người tù với những điều bá tước de La Fère vừa nói, Comminger bắt đầu thấy đôi chút lo ngại, nên hỏi:

- Ông liệu xem còn có điều gì khác nữa?

Arthos nghĩ rằng tình trạng tinh thần của các bạn khá hơn lên chắc chắn do D’Artagnan đã nghĩ ra một kế hoạch nào đó. Do đó anh không muốn làm hại các bạn bằng cách tán dương họ quá. Anh nói:

- Các ông ấy à? Đó là những cái đầu dễ cháy. Một người là dân Gascon, một người là dân Picardi. Cả hai đều bốc lửa dễ dàng, nhưng tắt ngóm cũng nhanh chóng. Ông đã có bằng cớ, và điều mà ông kể tôi nghe lúc này chứng thực cho điều mà tôi nói với ông bây giờ.

Đó cũng là ý kiến của Comminger. Cho nên hắn ta cáo lui, yên tâm hơn. Còn lại một mình Arthos trong căn phòng rộng rãi nơi theo lệnh giáo chủ, anh được đối xử như một nhà quý tộc.

Hơn nữa, để có một ý niệm chính xác về tình thế của mình, anh đợi chờ một cuộc viếng thăm trứ danh mà chính Mazarin đã hứa hẹn.

Chương 87

Trí óc và cánh tay

Bây giờ ta hãy từ vườn cam sang khu nhà săn.

Ở phía cuối sân nơi qua một cái cổng đông hàng cột kiểu ioniennes, người ta phát hiện những túp lều tồi tàn, có một tòa nhà hình như vuơng dài ra như một cánh tay đón một cánh tay khác, khu nhà vườn cam, hợp thành một vành bán nguyệt bao bọc lấy cái sân danh dự.

Chính trong tầng dưới tòa nhà đó. Porthos và D’Artagnan bị nhốt, chia sẻ với nhau những chuỗi giờ phút dài dằng dặc của một sự giam cầm chẳng thú vị gì đổi với hai tính khí ấy.

Như một con hổ, mắt trân trân, đôi khi gầm gừ, D’Artagnan đi đi lại lại dọc theo những chấn song một cửa sổ rộng trông ra sân.

Porthos yên lặng nhai lại một bữa ăn tuyệt diệu mà người ta vừa mới đem thức ăn thừa đi. Một người như là mất trí và suy ngẫm người kia có suy ngẫm sâu xa và ngủ. Song giấc ngủ của anh là một cơn ác mộng, điều đó có thể đoán ra do cách anh ta ngáy ngắt quãng và chẳng ăn nhập gì với nhau cả.

- Kìa, trời đã xế chiều rồi, - D’Artagnan nói, - Bây giờ cũng phải gần bốn giờ. Thế mà đã một trăm tám mươi ba giờ ta nằm ở đây rồi.

- Hừm! - Porthos như có vẻ đáp lại.

- Cậu có nghe thấy không, hởi tên ngủ muôn thuở kia? - D’Artagnan nói, bực bội vì một người khác có thể ngủ cả ban ngày trong khi bản thân anh trằn trọc cả đêm mà không ngủ được.

- Gì đó? - Porthos hỏi.

- Điều tôi nói ư?

- Cậu nói gì thế?

- Tôi nói rằng, - D’Artagnan đáp, - chúng ta vào đây thế mà đã một trăm tám mươi ba tiếng đồng hồ rồi.

- Đó là lỗi của cậu, - Porthos nói.

- Thế nào, đó là lỗi của tôi à?

- Phải, tôi đã bàn với cậu ta chuồn đi mà.

- Bằng cách bê một chắn song hoặc phá một cảnh cửa.

- Tất nhiên.

- Porthos ơi, những người như cảnh ta không ra đi thuần tuý và đơn giản thế đâu.

- Thực tình, - Porthos, - tôi ra đi với sự thuần túy và đơn giản ấy mà hình như cậu rất coi khinh.

D’Artagnan nhún vai nói:

- Với lại không phải cứ ra khỏi căn phòng này là xong cả đâu.

- Bạn thân mến ơi, - Porthos nói - hình như hôm nay thái độ của cậu có khá hơn hôm qua đấy. Cậu hãy cắt nghĩa cho mình xem thế nào mà ra khỏi phòng chưa phải là đã hết.

- Chưa phải là hết, vì rằng không có vũ khí, không có mật khẩu, chúng ta sẽ không đi nổi năm mươi bước mà không vấp phải một lính canh.

- Khó gì! – Porthos nói. - Chúng ta đập chết tên lính canh và sẽ có vũ khí.

- Phải, nhưng trước khi chết hẳn - mà một tên lính Thụy Sĩ sống dai lắm - hắn sẽ kêu lên hoặc ít ra cũng rên rỉ khiến cả nhà giam đổ ra ngoài; chúng ta sẽ bị dồn đuổi và tóm gọn như những con cáo, trong khi chúng ta là những con hổ và người ta sẽ quăng chúng ta vào một cái hầm sâu nào đó, ở đấy chúng ta sẽ không có cả niềm an ủi là được xem mảnh trời xám ghê gớm của Reuil so với bầu trời ở Tarbes nó cũng chẳng giống gì hơn mặt trăng với mặt trời. Mẹ kiếp! Nếu chúng ta có một người nào đó ở bên ngoài có thể cho ta những tin tức về tình hình địa lý, hình thể và tinh thần của cái lâu đài này, về cái mà César gọi là tập quán và xứ sở tôi nghe người ta nói như thế… Này! Khi nghĩ rằng suốt hai mươi năm qua, trong thời gian ấy mình chẳng biết làm gì, thì mình chẳng có ý nghĩ lấy một tiếng đồng hồ thôi để đến nghiên cứu Reuil.

- Để làm gì kia chứ? - Porthos nói - Chúng ta cứ trốn đi thôi.

- Bạn thân mến ơi, - D’Artagnan nói, - cậu có biết vì sao các bác thợ cả làm bánh ngọt không bao giờ tự tay mình làm không?

- Không, - Porthos đáp - nhưng tôi cũng thích được biết.

- Ấy là vì trước mặt các học trò mình, họ sợ làm phải mấy cái bánh nước bị chảy hoặc mấy chiếc kem chua.

- Thì sao?

- Thì người ta sẽ cười họ, mà đừng bao giờ để người ta cười chê những thày dạy làm bánh ngọt.

- Thế những ông thấy làm bánh có liên quan gì đến chúng ta.

- Ấy là trong cái nghề phiêu lưu, chúng ta chớ có bao giờ thất bại, chớ làm trò cười cho thiên hạ. Vừa rồi ở nước Anh chúng ta đã thất bại, đã bị thua; và đó là một vết nhơ cho danh tiếng của chúng ta.

- Chúng ta bị ai đánh bại? - Porthos hỏi.

- Mordaunt.

- Phải, nhưng chúng ta đã dìm chết Mordaunt rồi.

- Tôi biết chứ, và điều đó phục hồi chúng ta một chút trong tâm trí của hậu thế, nếu như hậu thế quan tâm đến chúng ta. Nhưng này, cậu hãy nghe đây: Dù rằng ông Mazarin chẳng thể để ta coi thường, tôi thấy ông Mazarin còn mạnh một cách khác hơn ông Mordaunt nữa kia, và chúng ta sẽ chẳng dễ dàng dìm chết ông ta đâu. Ta hãy tự xét mình cẩn thận và chơi thật chặt chẽ; vì rằng, - D’Artagnan thở dài và nói thêm, - chỉ riêng hai chúng ta, chúng ta có thể bằng tám người khác, song chúng ta không bằng bốn người mà cậu biết đấy.

Porthos cũng thở dài theo và nói:

- Đúng thế.

- Vậy thì cậu hãy làm như tôi. Hãy đi đi lại lại cho đến khi nào một tin tức của các bạn đến với chúng ta, hoặc một ý nghĩ nào hay ho nảy ra; chứ đừng có ngủ triền miên như mọi khi, vì chẳng có gì làm nặng đầu óc như giấc ngủ. Còn về điều gì đang như ta, có lẽ không đến nỗi nghiêm trọng chờ đợi chúng ta đang nghĩ lúc đầu. Tôi không tin rằng ông Mazarin nghĩ đến việc chặt đầu chúng ta, vì người ta sẽ không chặt đầu mà không xử án, mà xử án thì gây tiếng tăm, tiếng tăm sẽ thu hút bạn bè chúng ta, và khi ấy họ sẽ chẳng để cho Mazarin yên đâu.

Porthos tỏ vẻ khâm phục:

- Cậu biện luận hay lắm.

- Phải, không đến nỗi tệ, - D’Artagnan nói. - và rồi cậu xem, nếu họ không xử án chúng ta, nếu họ không chém đầu chúng ta, họ sẽ phải để chúng ta ở đây hoặc chuyển đi nơi khác:

- Ừ tất nhiên phải như thế, - Porthos nói.

- Mà này, không thế nào mà tiên sinh Aramis, nhà thám tử cừ khôi ấy, và Arthos nhà quý tộc khôn ngoan ấy lại không khám phá ra chỗ ẩn náu của chúng ta; tôi tin là sẽ đến lúc.

- Phải đấy, nhất là ở đây người ta không phải hoàn toàn tồi tệ; trừ một điều.

- Điều gì?

- Cậu có nhận thấy không, họ đã cho chúng ta ăn thịt cừu hầm ba ngày liên tiếp.

- Không, - D’Artagnan đáp, - nhưng nếu lần thứ tư lại thế, thì tôi sẽ kêu, cứ yên trí.

- Và đôi lần tôi thấy nhớ nhà, đã lâu lắm rồi, tôi chưa về thăm các lâu đài của tôi.

- Ô hay! Hãy tạm quên đi chứ; chúng ta sẽ thăm lại trừ phi ông Mazarin cho san bằng.

- Cậu bảo rằng lão ta dám làm việc bạo hành đó ư? - Porthos băn khoăn hỏi.

- Không, những quyết định như vậy ông giáo chủ cũ dám chơi lắm. Nhưng ông giáo chủ này rất biển lận nên chẳng dám liều đâu.

- Cậu làm tôi yên tâm, D’Artagnan ạ.

- Vậy thì cậu hãy tươi tỉnh lên như tôi nào. Hãy bông đùa với lính gác, hãy gây cảm tình với bọn lính tráng vì ta không thể mua chuộc chúng, hãy tán tỉnh chúng hơn nữa khi chúng đến bên song cửa. Cho đến nay cậu mới chỉ giơ nắm đấm ra với họ thôi, mà Porthos ạ, nắm đấm của cậu càng to lớn bao nhiêu thì nó càng kém thu hút bấy nhiêu.

- À! Tôi muốn cho đi rất nhiều chỉ để đổi lấy năm trăm louis thôi.

Chẳng chịu thua bạn về lòng hào hiệp, Porthos nói chêm:

- Tôi cũng vậy, tôi sẽ cho đi hẳn một trăm pistol.

Hai tù nhân chuyện trò vừa tới đây thì Comminger vào, đi sau viên đội là hai người mang bữa ăn tối đến đựng trong một cái giỏ đầy những bát đĩa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3