Trong cơn gió lốc - Chương 01 phần 1

Chương một

1

Ra khỏi khu vực đóng quân của sư đoàn bộ, trung đoàn trưởng Thuần, tham mưu trưởng Sự cùng mấy chiến sĩ thông tin, trinh sát vội vã bước gấp. Trời ngả về chiều mà nắng vẫn chang chang. Hơi nóng bốc lên hừng hực, không gian lấp lóa, mưng mưng như đang bị dồn nén. Thỉnh thoảng mới có vài gợn gió uể oải kéo lê qua những cánh rừng khộp đã trụi lá, khẳng khiu, hiu hắt. Đang giữa mùa khô, cây cỏ như đã bị vắt hết nhựa sống; tất cả đều xào xạc, úa vàng, chỉ còn những vạt rừng lim là vẫn xanh ngăn ngắt.

Họ đi qua những trảng cỏ rộng mênh mông đã ngả màu rơm. Cỏ khô dẹp xuống, tưng tức dưới bàn chân. Trên những trảng cỏ ấy, thỉnh thoảng còn sót lại một vài hố bom hoặc hố voi đằm còn xâm xấp nước, la liệt những vết chân nai, chân hoẵng. Đêm đêm, trên những trảng cỏ này rậm rịch bước chân thú rừng, chú nào cũng hí hửng tưởng mình láu cá nhất, ai dè tới đây chạm mặt “cả làng”, vô phúc còn sa vào nanh vuốt của những vị láng giềng biết ăn thịt mình hoặc nhận một viên đạn của những anh thợ săn lõi đời nữa.

Đi được chừng hơn một giờ đồng hồ, trung đoàn trưởng Thuần phải cho đoàn của mình dừng lại để tránh một đám cháy rừng.

Tiếng lửa réo ù ù như tiếng vó ngựa của một đạo quân hung dữ. Khói cuộn lên, cồn lên từng đụn như những đám mây vần vũ khi trời chuyển động. Tàn lá bay đen trời. Không gian bị nung lên, nóng hừng hực. Trời đất tối sầm lại. Gió thổi gằn từng đợt. Đàn “ngựa lửa” chồm lên, nhảy ùa vào những cụm lá khô, vừa cào cấu vừa réo lên ù ù, ra chiều thỏa thuê, khoái trá lắm. Khi gặp những bãi cỏ khô, ngọn lửa lại rạp xuống, thè lè những chiếc lưỡi dài đỏ đọc ra mà liếm lèo lèo.

Đám cháy rừng không hiểu bắt đầu từ đâu và kéo dài tới tận đâu. Chỉ thấy trước mặt sừng sững dựng lên một bức tường lửa và khói. Những chú nai, hoẵng ngủ ngày trong những vạt cây xanh giữa rừng khộp gặp nạn la lên oang oác, rồi cắm đầu chạy, co cẳng phóng rào rào. Khi những đám cháy rừng thế này đi qua, người ta thường gặp không ít những chú nai, hoẵng, chồn, cheo không chạy thoát khỏi cơn hỏa tai, bị thiêu chín nứt nở, mỡ vẫn còn nhỏ xèo xèo xuống tàn tro.

Con đường mòn mà trung đoàn trưởng Thuần và các đồng chí của mình đang đi xế về mé đầu gió nên phải đợi cho đám cháy đi qua. Họ tạm nghỉ bên một con suối cạn. Lòng suối rộng đến hơn chục mét, ngổn ngang đá xanh, đá trắng. Về mùa mưa chắc cũng phải khó khăn lắm vượt qua nổi con suối này; vậy mà bây giờ nó khô khốc không một giọt nước. Thấy có tiếng động lạo rạo trên đá, đàn dế con từ trong khe ùa ra, nhảy tưng tưng nom đến vui mắt.

Tham mưu trưởng Sự mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ rân, vừa đặt đít xuống anh đã mở bi đông nước, tu ừng ực. Nhìn Sự uống nước, trung đoàn trưởng mỉm cười, hỏi:

- Hạ nhiệt chưa, Sự hè?

Sự lắc đầu ngao ngán:

- Phát ớn mùa khô ở cái xứ này rồi

- Là tớ muốn hỏi cậu đã vơi cái bị ức đi chưa?

Sự chậc lưỡi:

- Tôi thấy bực mình thì phát, phát xong thì thôi, có chi đâu? Nhưng mà kể cũng sầu thật, chưa chiến dịch nào trung đoàn mình được phân công làm ăn cho ra tấm ra miếng. Đấy, rồi anh xem. Phục kích chiến dịch! Nghe thì hay ho đấy, nhưng rồi lại ngồi trơ mắt ếch ra nhìn họ làm ăn cho coi.

Sự vẫn chưa hết thắc mắc về nhiệm vụ phục kích chiến dịch mà sư đoàn giao cho trung đoàn 6. Thực tình mà nói, trong thâm tâm, Thuần cũng hơi tự ái khi trung đoàn mình chỉ được nhận nhiệm vụ thứ yếu trong đội hình tác chiến của sư đoàn ở giai đoạn đoạn đầu của chiến dịch. Nếu trung đoàn ông cũng được giao nhiệm vụ đánh chiếm một chi khu quân sự như trung đoàn 4 thì vẫn hơn. Nhưng ông tỉnh táo hơn Sự để hiểu rằng, Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn sử dụng lực lượng như thế là hợp lý, hợp với sở trường của các đơn vị. Công bằng mà nói, trung đoàn 4 giỏi đánh địch trong công sự vững chắc hơn trung đoàn ông. Giao cho nó cụp thật nhanh, gọn cái Thuần Mẫn để gây khí thế và tạo thời cơ làm ăn chung cho cả sư đoàn là hợp lý. Đây còn là một trận được coi là mở màn cho toàn chiến dịch, nếu đánh cù cưa, trầy trớt thì rất phiền, ảnh hưởng cả thế trận chung của toàn mặt trận. Theo dự đoán của Bộ tư lệnh chiến dịch, sau khi ta tiêu diệt chi khu Thuần Mẫn, đẩy mạnh hoạt động ở phía Nam; nhất là khi ta tiến công mục tiêu A (Buôn Ma Thuột), Bộ tư lệnh quân đoàn 2 ngụy sẽ cuống cà kê và chúng có thể phải điều lực lượng ở phía Bắc cao nguyên xuống ứng cứu. Cái khoảng “có thể” đó chính là thời cơ làm ăn của trung đoàn ông. Vì vậy, cùng với vài đơn vị hỏa lực tăng cường, trung đoàn ông phải triển khai một thế trận phục kích lớn trên đường 14, cắt đứt con đường này, thực hiện ý đồ của Bộ tư lệnh chiến dịch. Đó chính là nhiệm vụ chia cắt chiến dịch mà không một người cán bộ chỉ huy nào được coi thường.

Nhưng vốn dĩ Sự là người nôn nóng, hay tự ái vặt, chỉ nghe mấy tiếng “nhiệm vụ thứ yếu” là cậu ấy không chịu nổi. Theo Sự, hễ chiến dịch mở màn là phải nhảy bổ vào những “điểm nóng nhất” mà nện tơi bời thì mới hả hê. Vậy nên, trong buổi giao nhiệm vụ trên sa bàn. Sự đã “nói dỗi” với tư lệnh trưởng Thanh Đồng:

- Vâng, trung đoàn 6 “cà là mèng” xin chạy đèn cù để các bậc đàn anh làm ăn!

Vốn là người chặt chẽ nghiêm khắc, nghe Sự nói vậy, tư lệnh trưởng chỉnh luôn cho một bài:

- Đồng chí Sự! Đây không phải chuyện xôi thịt mà phân ngôi phân thứ. Đã là người chỉ huy thì không được coi thường bất cứ nhiệm vụ gì.

Đã thế Sự còn dám đai thêm:

- Tôi đâu có dám coi thường nhiệm vụ. Nhưng... trung đoàn tôi thì kém hẹm gì mà không hất phăng được cái thằng Thuần Mẫn!

Biết tính Sự, trung đoàn trưởng vội phanh lại:

- Thôi mà Sự! Nhiệm vụ là nhiệm vụ. Tớ hỏi cậu, nếu cậu phân công tác chiến cho các tiểu đoàn mà thằng cha nào đó cũng mè nheo nhận nhiệm vụ chủ yếu cả thì cậu tính sao?

Đó là hôm giao nhiệm vụ giai đoạn một của chiến dịch. Còn hôm nay Sự nổi nóng lại vì chuyện khác. Thuần và Sự vừa làm việc với tham mưu trưởng sư đoàn xong, vừa ló mặt ra khỏi phòng tác chiến thì gặp ngay trung đoàn trưởng trung đoàn 4 Đặng Ngọc San, một cán bộ trung đoàn trẻ. Biết Sự đang cay cú, San vừa cười vừa nói móc một câu:

- Thế nào anh Sinh Sự? (Tên Sự là Nguyễn Đình Sự, nhưng vì anh có tính hay “sinh sự” không chiến dịch nào anh không hò hét, cãi vã ở ban tác chiến vì hợp đồng trật mấu hay ở phòng quân nhu, quân giới vì đạn, gạo, nên các trợ lý trên sư đoàn đặt luôn cho anh cái tên ấy.) - Triển khai nhiệm vụ đến đâu rồi? Cứ yên trí, thế nào anh em cũng để sổng cho vài tiểu đội mà đón lõng.

Gan ruột Sự đang tức anh ách như một quả bóng bơm căng, bị chích một mũi vậy, giận quá anh “xì” luôn một hơi:

- Này đừng có cậy thế chủ công mà khinh anh em nhé. Ra cái điều ta đây! Chưa biết mỉu nào hơn mỉu nào đâu mà đã rộn.

San đứng chết lặng, tưng hửng:

- Kìa, đùa một tí cho vui thôi mà. Ông này buồn cười nhỉ, có ai dám khinh các anh đâu!

Sự vẫn to tiếng:

- Đây không thích đùa kiểu ấy.

San nháy mắt, cười;

- Thế... đùa kiểu này vậy. Này, con Xuân ở viện 4 nó gửi lời thăm cậu đấy.

Sự ngây mặt, cười ngô nghê rồi dang thẳng cánh thụi cho San một quả:

- Ba láp.

- Ba láp cái gì? - San tiếp tục tiến công. - Thế cái bọc võng của cậu chẳng tay nó khâu thì ai? Anh Thuần này coi chừng cái thằng này nhé. Nó bợm lắm đấy!

Bị “điểm đúng huyệt”, Sự đành phải xuống nước. Anh chàng quay sang tán chuyện tào lao và cười hơ hớ. Sốt ruột, trung đoàn trưởng Thuần phải giục, anh ta mới chịu dứt ra. Sau đó lại còn vừa đi vừa huýt sáo nữa mới tức cười.

Bây giờ cũng vậy, hình như chàng ta lại nghĩ ngợi điều gì xa xôi lắm. Khuôn mặt vuông vức rám nắng im lìm. Đôi mắt to đen mở ra, nhìn xa hút. Thỉnh thoảng, chừng nghĩ tới điều gì vui lắm, anh ta tủm tỉm cười ruồi, hai cánh mũi to phập phồng, đôi lông mày đen rậm động đậy. Trung đoàn trưởng Thuần thích thú quan sát Sự một lát rồi hỏi:

- Nè!... có thực cậu yêu cái Xuân ở viện 4 không?

Sự trợn mắt:

- Anh mà cũng nghe tụi nó tán láo à?

Trung đoàn trưởng cười mủm mỉm:

- Được đấy, tớ ủng hộ. Nó với tớ là chỗ đồng hương. Cũng dân Phú Yên cả mà. Tớ nói vô một câu là ổn hết.

Thành, công vụ của trung đoàn trưởng, nghe thấy vậy cũng chen vào:

- Phải đấy anh Sự ạ. Em tiết lộ bí mật nhé. Hồi thủ trưởng điều trị ở đó, cô Xuân mến thủ trưởng lắm. Một câu “chú Thuần”, hai câu “chú Thuần”. Nghe đâu còn muốn nhận thủ trưởng Thuần làm ba nuôi cơ đấy. Anh nhận làm con rể thủ trưởng luôn đi cho rồi!

Trung đoàn trưởng Thuần bật cười vang. Sự đỏ rân mặt, nhảy vội tới, hai tay cứng như sắt của anh nắm chặt lấy hai vai Thành mà lắc liên hồi:

- Nhóc con! Tầm bậy tầm bạ. Chừa không? Chừa thì tao buông. Nếu không tao bóp cổ!

May thay cho Thành, vừa lúc đó có một con hoẵng từ trong đám cháy rừng lao vụt ra, vừa nhảy cà nhắc cà nhót vừa la lên oang oác. Mấy cậu thông tin, trinh sát hè nhau đuổi. Sự vội buông vai Thành vớ lấy hai hòn đá hét inh lên:

- Nó bị thương rồi. Đuổi... bắt sống!...

Nhưng dù bị thương, con hoẵng vẫn chạy nhanh hơn người. Loáng một cái nó đã mất hút. Những người đuổi theo nó luồn qua cả những đám rừng vừa cháy qua, than tro bám vào quần áo, mặt mũi, nom như một đội chữa cháy vừa đi làm nhiệm vụ về. Sự vừa thở dài vừa lắc đầu:

- Nó chạy cà nhắc mà nhắc mà nhanh quá!

Trung đoàn trưởng nói khích:

- Bọn mình cứ tưởng phải khiêng theo cả hoẵng thì mệt quá lắm!

Đám cháy nương theo chiều gió tạt qua hướng khác. Phía trước mặt, nơi Thuần và các đồng chí của mình sắp sửa đi tới hiện ra một vùng đen nhẻm. Những cây con, dây leo, cỏ đều bị đốt trụi, chỉ còn trơ ra những thân khộp đen xì, đứng im lìm như đã chết. Vỏ cây cũng bị cháy sém, đang còn bốc khói nghi ngút. Cả dải đồi mới đó còn vàng rộm màu lá khô mà bây giờ đã đen kịt, tối thẫm như một vùng mỏ than lộ thiên. Tựa hồ như có một bàn tay thần kỳ vừa nhấc bổng cả những dải đồi ấy lên, nhúng vào một đại dương màu mực tàu rồi lại đặt nó về vị trí cũ vậy.

Thuần cho nghỉ thêm ít phút nữa để các chàng đuổi hoẵng thở một chút cho lại sức rồi tiếp tục ra lệnh hành quân. Tối nay ông phải có mặt ở trung đoàn để báo cáo trước Đảng ủy nhiệm vụ cụ thể của Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn giao cho trung đoàn. Còn bao nhiêu việc phải triển khai trước khi chiến dịch bắt đầu mở màn. Ông cảm thấy những ngày này, thời gian như nén lại, không gian thì như căng dãn ra. Cả núi rừng Tây Nguyên cũng đang dồn nén, âm ỉ, tích tụ, chuẩn bị cho một sự bùng nổ dữ dội chưa từng xảy ra trên vùng cao nguyên đất đỏ này.

2

Dự buổi họp giao ban buổi sáng xong trung đoàn trưởng Thuần kéo chính ủy Tâm ra ngồi trên chiếc ghế gỗ, do đồng chí công vụ làm dưới gốc cây Trếch già, cành lá sum suê.

- Ngồi đây một chút anh! Tôi... có chuyện này...

Thuần nói với chính ủy như vậy rồi rút thuốc lá ra mời ông. Hai người đã châm thuốc hút được đến nửa điếu rồi nhưng Thuần vẫn chưa nói gì. Chính ủy đã nhận ra những nét khác thường trên gương mặt trung đoàn trưởng. Đôi mắt ông long lanh ướt, gương mặt ông thoắt như hồng lên, thoắt lại như tái đi. Điếu thuốc lá trên môi ông lập bập. Sống gần bên Thuần lâu năm, chính ủy hiểu rằng Thuần đang xúc động, đang có một điều gì muốn nói ra nhưng không phải dễ gì mà nói ra ngay được. Biết vậy nên ông yên lặng chờ đợi, vờ như không hề nhận ra những nét xúc động đó trên gương mặt người bạn chiến đấu của mình.

- Anh Tâm ạ!... Phì... Có một điều này... phà... lạ lắm!...

Chính ủy ngước nhìn lên, gợi chuyện:

- Có chuyện gì vậy, anh Thuần?

- Phà... có một điều này... mà sao nhỉ! - Trung đoàn trưởng đưa tay ra đập đập lên trán mình. - Quái nhỉ! Tôi nói anh đừng cười, bỗng tự nhiên tôi nghĩ rằng... Anh còn nhớ cái thư anh Năm Tự gởi cho tôi hồi tháng hai năm bảy ba không?

Chính ủy à một tiếng rồi mỉm cười:

- Nhớ, tôi nhớ chứ! Quên làm sao được.

Chính ủy làm sao quên được buổi chiều hôm ấy. Cái buổi chiều mà người bạn chiến đấu của ông, đã ngoài bốn mươi tuổi, dày dạn phong trần đến vậy mà bỗng khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh mếu máo run rẩy đưa cho chính ủy một phong thư: “Đọc đi... anh, tha lỗi cho tôi.” Chính ủy đọc bức thư và hiểu ra tất cả. Đó là những dòng tin tức đầu tiên về quê hương và gia đình mà sau gần hai mươi năm trời xa cách, mong nhớ, lo âu, khắc khoải, nay Thuần mới nhận được. Bức thư ngắn ngủi ấy của người bạn đồng hương đã mang đến cho anh nỗi đau thương mất mát lẫn niềm vui, hạnh phúc mà gần hai chục năm nay anh cứ ngỡ rằng mình không hề có. Bên cạnh những tin tức về bạn bè, đồng chí, người thân bị giặc bắt, giặc giết là những dòng tin làm sáng rực trong lòng Thuần một niềm vui hạnh phúc. Vợ anh vẫn còn, vẫn chờ đợi anh, vẫn hoạt động cách mạng. Và đặc biệt anh được biết thêm rằng mình đã có một đứa con. Đó là điều kì diệu nhất má suốt gần hai chục năm xa cách, anh không bao giờ dám nghĩ đến. Lấy vợ được bảy ngày thì anh thoát ly đi hoạt động. Một năm sau hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Trước khi ra Quy Nhơn để xuống tàu đi tập kết, anh chỉ được ghé qua nhà có một ngày một đêm. Anh đâu biết từ cái đêm chia ly đẫm nước mắt ấy, anh đã để lại quê nhà một phần máu thịt của mình. Đứa con của anh đã ra đời trong những ngày đen tối nhất của miền Nam. Ở tỉnh Phú Yên quê anh, đó là những ngày bọn tay sai Ngô Đình Diệm điên cuồng mở chiến dịch Hải Âu, một chiến dịch tố Cộng đẫm máu. Đứa con của anh đã ra đời trong những ngày máu và nước mắt ấy. Nó đã sống bằng dòng sữa cay đắng của mẹ, sống trong sự đùm bọc yêu thương của bà con làng xóm. Nó đã lớn lên, đã trưởng thành cùng phong trào cách mạng của quê hương. Và, cũng như tất cả những người con thân yêu của miền Nam, có mang trong mình dòng máu cách mạng, nó đã trở thành người chiến sĩ.

Nhưng người bạn đồng hương của anh lại vô tình không nói đến một điều thường tình nhất nhưng đối với người cha lại là một điều rất thiêng liêng, rất hệ trọng. Có lẽ, anh ấy tưởng rằng đã từng ấy năm thì ít ra Thuần cũng đã một lần nhận được tin nhà và đã biết mình có con nên trong thư anh chỉ vẻn vẹn có mấy dòng: “Chị và cháu thì vẫn khỏe mạnh, bằng an. Cả 2 má con hiện đang công tác ở tỉnh và trông tin anh lắm.” Thành ra bức thư lại khiến cho Thuần càng thêm bồn chồn, khắc khoải. Anh cứ phấp phỏng đoán chừng không biết con mình là trai hay gái nữa.

Hồi ấy, hiệp định Pa-ri vừa được ký kết. Đã có lúc, Thuần nghĩ rằng: dù có lần khân, quanh co đến đâu đi chăng nữa thì sớm muộn thằng địch cũng phải thi hành các điều khoản của hiệp định. Sau đó sẽ đi đến thống nhất, sum họp. Thuần và hàng vạn người con thân yêu của miền Nam dù còn ở miền Bắc hay đã trở về miền Nam chiến đấu, đều phấp phỏng chờ đợi cái ngày đó để về quê hương, gặp lại gia đình, vợ con, bạn bè, đồng chí.

Nhưng thực tế đã cho anh thấy kẻ thù vô cùng ngoan cố xảo quyệt. Chúng ra sức phá hoại, không chịu thi hành các điều khoản của hiệp định. Súng vẫn nổ. Những trận chiến đấu vẫn diễn ra ngày một ác liệt. Thuần lao và chỉ huy đơn vị đánh trả những cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Suốt ngày anh lầm lì, đôi mắt lúc nào cũng rực lên như có lửa. Quê hương anh dưới đồng bằng kia, có bao xa? Ngày về tưởng sắp đến lại bị kẻ thù mưu toan cướp đoạt. Con anh là gái hay trai? Chẳng lẽ câu hỏi giản dị đó chỉ được trả lời bằng những trận đánh, bằng máu và nước mắt?

Trong hội nghị quân chính mặt trận hồi đó, Thuần là một trong những cán bộ hăng hái đề nghị Bộ tư lệnh mặt trận cho đánh thẳng vào những sào huyệt trung tâm xuất phát của những cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Thuần rất khảng khái nói rằng: “Dã tâm của kẻ thù đã rõ bản chất của chúng nó là ngoan cố kéo dài chiến tranh, kéo dài sự chia cắt của đất nước. Tôi hoàn toàn không tin một chút nào về cái gọi là “thiện chí hòa bình của chúng”. Đối với chúng, không còn con đường nào khác con đường dùng bạo lực cách mạng mà đè bẹp ý chí của chúng. Chỉ có nghiền nát bộ máy chiến tranh tập đoàn bán nước Nguyễn Văn Thiệu thì đất nước mới có hòa bình, Bắc Nam mới được sum họp...”

... Giờ đây, ngồi bên Thuần, nghe Thuần nhắc tới chuyện gia đình, tới những ngày đó, chính ủy Tâm cũng thấy lòng mình bồi hồi xao xuyến. Dẫu hiểu bạn đến tận gan ruột, ông cũng không thể chia sẻ với Thuần nỗi nhớ thương đau đáu, nỗi chờ đợi xót xa ấy được. Cứ mỗi lần chiến dịch nổ ra là trong lòng Thuần lại dội lên từng đợt sóng nhớ thương. Có những lúc nó cồn lên, vỗ ào ạt như hôm nay, hoặc như cái hôm đi nghe phổ biến nhiệm vụ của chiến dịch về, Thuần đã ôm lấy ông mà nghẹn ngào thốt lên:

- Lần này có lẽ thiệt rồi, anh ơi!

Trung đoàn trưởng đã hút hết điếu thuốc là mà vẫn chưa nói được điều mình muốn nói với chính ủy. Nói sao nhỉ? Chẳng lẽ lại kể câu chuyện vớ vẩn ấy? Nhưng có sao đâu, anh ấy hiểu lòng mình, có gì mà phải giấu.

- Anh định nói gì, anh Thuần?

Thuần bật lửa, châm điếu thuốc thứ hai, rít một hơi dài rồi ngập ngừng:

- Cõ lẽ... cháu là cháu trai, anh ạ.

- À, ra vậy! - Chính ủy mỉm cười thông cảm - Nhưng sao anh lại nghĩ vậy, lỡ cháu gái thì sao?

- Không... thế này anh ạ... phà... nghĩa là, đêm qua không hiểu vì sao tự nhiên tôi lại mơ đến cháu. Nói ra điều này có lẽ anh cười, nhưng... đúng là như vậy. Đêm qua, làm việc xong với trinh sát thì đã một giờ sáng, tôi lên võng nằm, định ngủ một giấc cho lại sức. Vừa chợp mắt, đang còn mơ mơ màng màng thì thấy một người con trai, giống tôi như tạc, mặc bộ đồ giải phóng, vai khoác tiểu liên AK, đến bên đầu võng của tôi và cúi xuống gọi: “Ba ơi! Ba ơi!... Con đây nè! Con của ba đây nè...” Tôi choàng dậy, thảng thốt gọi: “Con ơi!” Khi biết mình nằm mơ, mồ hôi tôi toát ra như tắm. Và, từ đó cho tới sáng tôi cứ trăn trở, bồn chồn không sao ngủ lại được. Tôi cứ nghĩ hoài, hay cháu là con trai thật?

Chính ủy tâm khẽ cười. Ông cười mà tự nhiên thấy sống mũi mình cay cay. Ông xiết chặt tay trung đoàn trưởng, lòng thương bạn khôn xiết. “Thuần ơi! Tôi hiểu lòng anh lắm! Bấy lâu có lúc nào anh thôi nghĩ về đứa con thân yêu của mình. Đó là hạnh phúc, là hy vọng của đời anh. Nhưng, niềm hạnh phúc ấy còn treo lơ lửng ở đâu đó, còn giữa thực và mơ; lúc nào nó cũng chờn vờn trong tâm trí anh. Phải từng làm cha, hay nói cho đúng hơn, từng khát khao được làm cha mới hiểu nỗi lòng của một người cha sau hai mươi năm xa cách mới biết là mình có một đứa con. Nó là trai hay gái! Đối với người cha điều đó là thiêng liêng lắm chứ? Câu hỏi đó lúc nào cũng nóng rực lên, nhức nhối trong lòng anh. Nếu đất nước thanh bình thì chỉ một bức điện, một trang thư thì câu hỏi đó được trả lời trọn vẹn. Nhưng trên đất nước đau thương của chúng ta, để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải chiến đấu hai mươi năm trời đằng đẵng.

Anh muốn con anh phải là con trai để trở thành chiến sĩ giải phóng, mặc dù ở miền Nam không chỉ có những người con trai biết cầm súng. Đó cũng là một điều lạ lùng của đất nước mình, anh Thuần ạ. Có lẽ, chỉ những nơi nào mà việc cầm súng trở thành lẽ sống còn như ở Việt Nam ta thì mới có những người cha, người mẹ chỉ mong con mình lớn nhanh lên để có thể đặt vào tay con khẩu súng. Phải vậy không anh? Ý nghĩ ấy bám sâu trong anh, suốt ngày này qua ngày khác, vừa như một niềm hạnh phúc, vừa như một nỗi xót đau; nó theo cả vào giấc ngủ của anh, biến thành giấc mơ, có vậy thôi, anh Thuần ạ.”

Chính ủy Tâm nghĩ như thế, nhưng không hiểu sao khi nhìn gương mặt khắc khổ của Thuần như đang ánh lên những tia hy vọng, ông lại không nỡ nói như thế. Ông chỉ ngồi xích lại phía người bạn chiến đấu của mình và khẽ gật đầu:

- Ừ... biết đâu. Nếu cháu là con trai thật thì hay quá.

Ông định nói thêm với Thuần điều gi nữa, nhưng vừa lúc đó anh trưởng ban tác chiến đã đi tới. Thuần đứng dậy, đón cuộn bản đồ trên tay anh, rồi kéo anh ngồi xuống bên cạnh mình và hỏi:

- Đủ cả bộ chứ Nhuận?

- Báo cáo thủ trưởng... - Nhuận đáp. - Còn thiếu mấy mảnh thuộc khu vực Sài Gòn và Đông Nam Bộ, tôi đã cho người lên phòng tham mưu sư đoàn xin thêm. - Rồi anh cười. - Trong chiến dịch này, các thủ trưởng cứ sử dụng hết từng ấy mảnh bản đồ là tình hình cũng đáng phấn khởi lắm rồi.

Chính ủy hỏi:

- Nhuận này... có bao giờ các cậu nghĩ rằng, tới một ngày nào đó chúng mình sẽ đánh xuống tới đồng bằng không?

Nhuận gật đầu sôi nổi:

- Có chứ ạ. Tối hôm qua bọn tôi thức khuya lắm. Chả là có ấm chè Bầu Cạn mà. Anh em ngồi tán với nhau về tình hình hiện nay. Anh nào cũng bốc lắm, thủ trưởng ạ. Có anh còn nghĩ đến tắm biển ở Nha Trang hay ăn hủ tiếu ở Sài Gòn kia ạ.

Chính ủy cười:

- Ghê nhỉ! Có vẻ... hơi lãng mạn đấy.

- Vâng. Nhưng tôi bảo anh em rằng: mùa khô năm nay hãy cố mà làm cho xong cái vùng Tây Nguyên này đã. Chừng ấy có lẽ cũng đủ mệt rồi. Sang năm hãy tính chuyện tắm biển ở Nha Trang. Còn nói chuyện ăn hủ tiếu ở Sài Gòn trong năm nay thì có vẻ như là tếu quá.

Trung đoàn trưởng đập tay vào nhau:

- Sao lại tếu! Cũng đến lúc chúng ta phải nghĩ tới chuyện đó rồi chứ!

Nghe trung đoàn trưởng nói vậy, chính ủy thầm nghĩ: “Phải, đã đến lúc chúng ta có thể nghĩ tới điều đó rồi. Nhưng muốn làm được chuyện lớn lao đó, cả dân tộc, cả đất nước phải cố gắng phi thường, phải vươn mình lên như Phù Đổng. Chấm dứt một cuộc chiến tranh kéo dài đằng đẵng hai mươi năm như thế nào đây? Đó là một câu hỏi lớn không dễ trả lời.” Chính ủy nghĩ vậy, nhưng lại một lần nữa trước ánh mắt chứa chan hy vọng của trung đoàn trưởng, ông không nói ra ý nghĩ của mình