Umi - Chương 24 - 25
24.
Bố tôi nhận được một cuộc điện thoại vào sáng sớm, lúc bố nghe thì tôi đang ở trong bếp làm bữa sáng và cơm hộp cho cả hai bố con. Bố nói chuyện chừng năm phút và tôi nghe loáng thoáng rất nhiều những lời hỏi thăm sức khoẻ.
“Vâng, vâng, không vấn đề gì đâu. Umi nhà tôi nhất định sẽ đến.” Cuối cùng bố cúp điện thoại rồi ngồi vào bàn ăn sáng.
“Con nhất định phải đi đâu thế hả bố?” Tôi hỏi, tay vẫn đang gói hai hộp cơm lại vào trong khăn.
“Là nhà Naitou gọi, chuyện hệ trọng đấy Umi à.” Tôi nghe giọng bố buồn buồn: “Con còn nhớ Mizuki không?”
“Naitou Mizuki, bạn ở trong bệnh viện mà con hay chơi cùng hồi tiểu học đấy ạ?”
“Đúng rồi, chính là cô bé đấy đấy.”
“Từ hồi lên sơ trung con không còn phải đến bệnh viện nữa nên cũng không liên lạc, cũng sáu năm rồi còn gì. Cô ấy có chuyện gì vậy ạ?” Tôi hỏi rồi lại thấy trong lòng chộn rộn: “Không phải là tin xấu đấy chứ?”
“Mẹ Mizuki vừa gọi, nói rằng cô bé quyết định từ bỏ điều trị được ba ngày nay rồi. Bà ấy bảo nó nhắc đến con và muốn gặp con. Con nhất định phải đi đấy.”
Hồi còn nhỏ, tôi rất phải thường xuyên ra vào bệnh viện. Thậm chí đã từng có lúc phải nhập viện và nằm tại đó phải đến hàng tuần trời hoặc một khoảng thời gian dài tương tự như thế đối với một đứa bé. Sau đó tôi phát hiện ra một người bạn cùng trường của mình cũng giống như mình, cũng bị mắc kẹt tại cái bệnh viện buồn chán ấy. Người bạn đó chính là Mizuki.
Mizuki không phải là một cô bé xinh đẹp, tôi cảm thấy điều đó là bởi vì mái tóc ngắn như con trai của cô ấy. Dù vậy nhưng Mizuki vẫn là một người bạn cùng viện đáng ngưỡng mộ bởi vì phòng bệnh của cô ấy được người nhà trang trí cho không khác gì một phòng ngủ. Hơn thế nữa bên cạnh Mizuki luôn có cha mẹ hay bất kì một người nhà nào đó khác ở bên, hoàn toàn không giống tôi khi đó, bố chỉ xuất hiện vài giờ vào buổi trưa và đôi khi là vào buổi tối để kiểm tra xem bác sĩ nói gì về những tiến triển trong bệnh tình của tôi.
Hồi đấy tôi nghe loáng thoáng người lớn nói rằng Mizuki bị bệnh aplastic anemia, một dạng bệnh có liên quan đến thiếu máu gì đấy. Và tôi luôn thắc mắc tại sao chỉ thiếu máu mà cô ấy lại phải nằm viện nhiều hơn cả tôi như thế? Sau này lớn hơn một chút tôi mới biết rằng aplastic anemia còn được gọi là ung thư bạch cầu.
“Cậu ấy cố gắng được đến ngày hôm nay đã là một nỗ lực quá sức lớn lao đối với một đứa trẻ rồi.” Tôi cúi đầu nói: “Con mừng là bạn ấy vẫn còn nhớ đến con, chiều tan học bố đi cùng con đến nhà Naitou nhé?”
“Mizuki vì nằm viện hoá trị quá nhiều nên bố nghĩ cô bé chẳng thể đến trường đi học như bình thường để mà có một người bạn thân được. Giờ cô bé đã quyết định chấm dứt quá trình hoá trị để có một cuộc sống thực sự bên bạn bè, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ hy vọng sống con biết chứ?”
“Con biết mà.”
“Được rồi, vậy chiều tan học nhớ về thẳng nhà, hai bố con ta sẽ đi mua cho Mizuki vài món quà rồi đến thăm cô bé.”
Suốt cả ngày hôm ấy tôi bồn chồn đợi từng tiết học mau chóng kết thúc. Tôi cũng kể cho Makoto chuyện của Mizuki nữa và Makoto bảo tôi nếu có đến thì hãy mua tặng cô ấy vài bông hướng dương. Đó là một liều thuốc mang đến sự vui vẻ.
“Đừng nên để cho cậu ấy thấy rằng mình đang cảm thấy tội nghiệp thay cho cậu ấy.” Makoto nói: “Bởi vì Mizuki đã can đảm chọn cách từ bỏ hy vọng được sống lâu như mọi người mà chấp nhận những ngày ngắn ngủi cuối cùng thoát khỏi bệnh viện để được tận hưởng những ngày vui sống tự do đấy.”
Mãi cho đến chiều khi tiết học cuối cùng cũng kết thúc, tôi chào vội Makoto vẫn đang nhét sách vở vào trong cặp rồi lao như bay ra khỏi trường. Tôi chạy về nhà nhanh hết sức có thể, gần như là lần đầu tiên làm chuyện như thế này bởi tôi luôn thích được đi bộ thong dong và suy nghĩ lung tung hơn. Về đến nhà tôi đã thấy ô tô của bố đỗ trước cổng. Vậy là tôi cứ thế quẳng cặp sách vào trong nhà rồi mặc nguyên đồng phục leo lên xe mà đi.
Hai bố con tôi dừng lại trước cửa hàng hoa và tôi mua được một bó hoa baby’s breath thật lớn cùng ba bông hướng dương. Không có ai nhìn thấy những bông hoa này mà không thể không cảm thấy tràn đầy năng lượng cả.
Gia đình Naitou sở hữu một ngôi nhà lớn khá khang trang với một mảnh vườn đầy cây xanh, tường nhà sơn màu be trung tính rất trang nhã. Tôi và bố xuống xe rồi ấn chuông trước của nhà một hồi thì mẹ của Mizuki là người ra mở cửa, một người phụ nữ đẹp với rất nhiều những nếp nhăn trên khoé mắt.
“Ôi anh Akiyama, tôi thật không biết nên cảm ơn anh thế nào cho phải!” Bà nói, đoạn đưa mắt nhìn sang tôi. “Cháu là Umi phải không, Umi trong bộ đồng phục nữ sinh…”
“Cháu mang hoa đến cho Mizuki.” Tôi nói, hai tay chìa bó hoa lớn ra cho bà Naitou thấy.
“Đẹp quá! Mizuki sẽ rất vui cho mà xem, để cô đưa cháu lên gặp nó nhé.”
Phòng ngủ của Mizuki nằm trên tầng áp mái, trên đường đi lên tôi có thể để ý thấy khắp sàn hành lang cũng như cầu thang đều có trải thảm dày khiến mỗi bước đi đều cảm thấy rất êm. Có lẽ họ phải làm như vậy để Mizuki nếu có đột ngột bị ngất khi đang đi lại cũng sẽ đỡ bị xây xát nhiều nhơn. Cánh cửa phòng của Mizuki được sơn màu vàng, nước sơn nhìn vẫn còn mới. Màu vàng đó rực rỡ như những cánh hoa hướng dương nhìn nổi bật hẳn so với cảnh trí trang nhã xung quanh trong ngôi nhà. Mẹ của Mizuki gõ vào cánh cửa ba lần, bà nhẹ giọng nói: “Mizuki, bạn đến rồi này con.”
Cánh cửa từ từ mở hé, thoạt đầu tôi nhìn thấy một đôi mắt to đang nhìn mình đằng sau khe cửa đang hé mở đó, thế rồi Mizuki xuất hiện trọn vẹn trước mặt tôi trong bộ đồ ngủ màu nâu hạt dẻ.
“Mẹ xuống lấy trà và bánh cho hai đứa nhé?” Mẹ của Mizuki nói rồi để hai đứa tôi ở lại đó nhìn nhau bối rối không biết nên bắt đầu câu chuyện như thế nào.
Tôi đứng ngây ra như phỗng một hồi, Mizuki mà tôi nhìn thấy bây giờ trông không khác ngày xưa quá nhiều khiến tôi có cảm giác cô ấy chẳng lớn lên là mấy, nước da vẫn trắng xanh xao cùng mái tóc cắt ngắn trên đầu.
“Hoa đó là cho tớ à?” Cuối cùng người rụt rè lên tiếng trước lại là Mizuki.
“À ừ… của cậu đây.” Tôi đưa bó hoa mình đang cầm cho cậu ấy: “Và chào, trông cậu chẳng khác gì cả Mizuki ạ.”
“Còn tớ thì không nhận ra cậu.” Mizuki ôm lấy bó hoa rồi ra hiệu bảo tôi cùng đi vào phòng.
Hồi còn bé khi cùng đo chiều cao thì tôi vẫn nhớ mình thấp hơn Mizuki nửa cái đầu, nhưng ngày hôm nay chuyện lại khác đi nhiều. Dường như thời gian đã bỏ qua Mizuki theo mọi cách mà nó có, Mizuki giờ chỉ đứng đến vai tôi, thân người mảnh khảnh trông chỉ như một học sinh sơ trung lớp chín chứ chẳng hề đúng với cái tuổi mười bảy của cô ấy hiện giờ chút nào.
“Sáng nay tớ đã rất háo hức đợi đến đây gặp cậu.” Tôi nói: “Xin lỗi Mizuki, bây giờ tớ lại thấy bối rối quá nên chẳng nghĩ ra được gì trong đầu cả.”
“Đừng bận tâm về điều đó.” Mizuki xua tay: “Tớ cũng cảm thấy như vậy mà, chuyện này quả có hơi đột ngột thật nhưng từ mấy tuần nay tớ đã bắt đầu lên kế hoạch hoạt động cho mình rồi và cậu thì đứng ở mục đầu trong cái danh sách đó.”
“Danh sách gì vậy?”
“Danh sách những thứ tớ cần phải làm trước khi chết.” Mizuki thản nhiên đáp: “Gặp gỡ bạn bè, mà người bạn duy nhất mà tớ thực sự từng có một khoảng thời gian vui vẻ cùng thì chỉ có cậu nên tớ đã nhờ mẹ tìm cách liên lạc với cậu giúp tớ.”
Khi đã quen với sự có mặt của tôi rồi thì Mizuki trở nên cởi mở hẳn, cô ấy không ngại ngần nói cho tôi những gì cô ấy nghĩ, và còn một điều đáng giá khác khi tôi nhìn vào ánh mắt cô ấy đó là sự tự tin và vui vẻ hiển hiện bất kể việc đã biết trước mình chẳng còn sống thêm được bao lâu nữa. Có vẻ như mọi điều Makoto nói với tôi đều đúng, rằng Mizuki đang đi trên con đường mà cô ấy chọn, và cô ấy đã chọn được sống tự do và vui vẻ dù chỉ trong một quãng thời gian ngắn.
“Cuộc sống của cậu như thế nào vậy Umi? Kể cho tớ nghe đi, cậu có còn thường đến Hokkaido mỗi mùa hè không?”
Tôi ngạc nhiên vô cùng khi cô ấy vẫn còn nhớ tới cả những chuyện này, chính những chuyện nhỏ nhặt như vậy lại luôn khiến cho tôi cảm thấy xúc động cùng cảm kích. Thế nên tôi đã kể cho Mizuki nghe về mùa hè vừa rồi như thể chúng tôi chỉ là hai hai nữ sinh trung học bình thường học khác trường đang kể cho nhau nghe về cuộc sống ngày qua của mình như thế nào sau một mùa hè không gặp mặt vậy.
“Makoto là bạn thân nhất của tớ ở trường cấp ba, cậu ấy bây giờ đang khá là nổi tiếng đấy.”
Tôi lên mạng và mở cho Mizuki xem video ca nhạc mà chúng tôi quay hồi hè. Sau đó tôi còn chỉ cho cô ấy vài trang mạng xã hội mà tôi đăng truyện mình viết lên nữa, điều mà tôi chưa từng làm với bất cứ ai mà mình quen biết trước đây.
“Cậu làm một nhà văn mạng sao?” Mizuki rất ngạc nhiên khi biết được điều này. “Nhìn này, hơn bốn trăm lượt xem có nghĩa là ở ngoài kia có hơn bốn trăm con người để ý và đọc những gì cậu viết.”
“Thật ra thì nó là một con số rất ít ỏi so với những tác giả bình thường khác.”
“Không đâu.” Mizuki lắc đầu: “Chỉ cần có một người thôi cũng đã là một điều tuyệt vời rồi, cậu không nghĩ vậy sao? Về những con người ở đâu đó rất xa với chúng ta mà ta thậm chí còn chẳng biết họ là ai nhưng họ lại quan tâm đến những gì mà ta đang làm. Tớ thấy đó là một điều tuyệt vời đấy Umi ạ.”
“Ừ…”
“Và vì cậu là một cô nàng văn chương cho nên cậu sẽ phải làm giúp tớ một việc.” Mizuki nhìn tôi mỉm cười nói.
“Là việc gì?”
“Cậu phải giúp tớ viết một bản danh sách những điều tớ cần làm trước khi chết.”
“Nhưng chẳng phải cậu đã lên kế hoạch nó từ hàng tuần trước rồi hay sao?" Tôi thắc mắc.
“Nhưng ngoài cậu ra tớ chẳng nghĩ thêm được bất cứ điều gì nữa cả.” Mizuki tinh quái cười. “Tớ không có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống này bằng cậu, mà tớ thì cần một người giúp chỉ cho mình nên làm gì để không phải sống nốt một đoạn đời uổng phí. Mà nhân tiện, tớ cũng nghĩ ra điều tiếp theo tớ muốn làm rồi.”
Tôi nghĩ là cô ấy muốn tôi thắc mắc nên tôi hỏi: “Là gì vậy?”
“Đồng phục nữ sinh trung học.” Mizuki đáp.
25.
“Vậy là cậu chẳng nghĩ ra được cái gì hết hả?”
Makoto hỏi với vẻ mặt như biết trước chuyện sẽ diễn ra như thế, cậu ấy đang chỉnh lại dây của cây đàn guitar mới mua.
“Tớ mới chỉ tìm được bộ đồng phục hồi lớp mười của mình, may là hồi đấy mình vẫn còn gầy nên chẳng phải sửa lại gì mấy.”
“Lần này thì tớ thấy tội nghiệp cho Mizuki thật, gặp phải đúng người suốt ngày nằm ở nhà như cậu. Và đừng mang thêm sách cho bạn ấy nhé.”
“Thôi nào.” Tôi gạt đi. “Nhưng ít nhất tớ cũng có thể viết tặng cô ấy một câu chuyện nào đó, một truyện ngắn kể về hồi nhỏ của Mizuki và tớ chẳng hạn.”
Tôi khá thích cái ý tưởng đưa Mizuki vào một truyện ngắn của mình. Kể từ hôm gặp Mizuki trở về tôi đã bắt đầu nghĩ đến chuyện này nhưng vẫn chưa có cơ hội để hỏi ý kiến từ cô ấy.
“Hay đưa cô ấy đi xem phim nhỉ? Cũng gần một năm rồi tớ chưa ra rạp chiếu phim.” Tôi điểm lại những điều mà học sinh trung học vẫn làm sau giờ học mà mình còn nhớ được trong đầu.
“Tớ nghĩ cậu ấy sẽ thích được hoạt động ngoài trời và gặp gỡ mọi người hơn đấy.”
“Như là đi ăn ramen hay đi hát Karaoke ấy hả?”
“Đại loại thế.”
“Chà…” Tôi suy nghĩ rồi thở hắt ra.
“Umi này.”
“Sao?”
“Cậu không quên là hai tuần nữa cậu có kỳ thi chung đầu tiên chứ?”
Makoto hỏi và tôi dường như đã quên mất chuyện này. Kỳ thi đại học đầu tiên trong đợt thi đại học kéo dài mà tôi phải chuẩn bị đương đầu. Tôi hoàn toàn chẳng muốn phải đối diện với nó một chút nào.
Những ngày này thời gian trôi đi lại càng có vẻ nhanh hơn bình thường, hoặc cũng có thể tại tôi được cho biết về một ngày hạn định mơ hồ nên lại càng cảm thấy không được bỏ phí thời gian hơn. Những cuộc gọi của Yuu cũng bắt đầu thưa dần, anh ấy nói phải chuẩn bị cho kỳ thi nào đó nên rất bận rộn. Tôi được biết vậy và cũng chẳng thắc mắc gì, bản thân tôi cũng có quá nhiều chuyện cần phải nghĩ.
Ngày hôm sau, sau giờ học tôi tự một mình đến nhà Mizuki, mẹ của Mizuki rất vui khi thấy tôi đứng trước cửa nhà liền niềm nở mời tôi vào rồi lại chuẩn bị trà bánh như bữa trước.
“Chào và tớ mang cho cậu cái cậu muốn đây.” Tôi nói ngay khi Mizuki vừa mở cửa phòng.
“Chào và cậu biết không? Tớ vừa tìm được mấy thứ có thể cậu sẽ muốn xem đấy.”
Mizuki kéo tôi vào phòng rồi chỉ cho tôi xem cái rương gỗ để dưới chân giường của cậu ấy.
“Xem này”. Mizuki mở nắp hòm ra và lấy một tập giấy đặt trên một mớ tạp nham những món đồ trông có vẻ chẳng liên quan gì tới nhau bên dưới.
Tôi nhận lấy tập giấy từ tay cậu ấy rồi thận trọng lật giở ra xem từng trang, trên mỗi mặt đều là những hình vẽ nghệch ngoạc bằng bút sáp dầu. Dưới góc mỗi bức đều có viết tên Umi bằng chữ Hán và Mizuki viết bằng chữ mềm.
“Trông như tranh của trẻ mẫu giáo ấy!” Tôi nói.
“Tớ biết mà, tối hôm qua lúc sắp xếp lại đồ đạc tớ đã tìm thấy nó nằm dưới đáy rương.”
“Tớ chưa bao giờ vẽ nổi cái gì ra hồn cả.” Tôi phì cười khi thấy những bức vẽ của mình hồi nhỏ, những chiếc lá cây màu chàm cùng hai đứa bé có làn da màu xanh dương đang nắm tay nhau đi dưới những đám mây hồng.
“Hồi đấy cậu lúc nào cũng vẽ mây màu hồng giống trong lời một bài hát thiếu nhi nào đấy.” Mizuki bảo tôi: “Xong thỉnh thoảng tớ lại dùng một chiếc thìa cạo sạch lớp màu đó ra để tô lại màu trắng vào.”
“Cậu vẫn còn nhớ được cả những chuyện đó sao Mizuki?” Tôi xúc động thốt lên.
“Thì khi nằm một chỗ người ta vẫn hay dùng ký ức để làm trò tiêu khiển mà.”
Tôi xem kỹ những bức tranh ngây ngô của hai đứa hồi còn nhỏ một lượt rồi gửi trả lại cho Mizuki để cậu ấy cất lại vào trong chiếc rương lớn của mình.
“Nào, giờ thì đến lượt tớ.” Tôi rút túi giấy đựng bộ váy đồng phục mùa thu hồi lớp mười của tôi ra đưa cho cô ấy. “Cậu mặc thử luôn nhé?”
Mizuki cười hăm hở nhận lấy chiếc túi rồi đi về phía tủ quần áo. Cô ấy mở một cánh cửa tủ ra như một tấm bình phong rồi mặc bộ đồng phục cũ của tôi.
“Cậu không nâng gấu váy sao Umi? Mà chẳng sao, tớ mặc vừa thật này!”
“Dễ thương lắm Mizuki.” Tôi khen thật lòng.
“Tuyệt! Tớ sẵn sàng ra ngoài rồi!” Mizuki nói với tôi trong biểu cảm ngập tràn phấn khích.
“Ngay bây giờ sao?” Tôi bối rối hỏi.
“Umi, tớ đã chờ được đi chơi với cậu trong suốt gần sáu năm rồi và tớ không định chờ thêm nữa đâu. Giờ đợi tớ đi tìm cái ví đã còn cậu mặc lại áo khoác vào và nghĩ xem mình chuẩn bị đi đâu đi!”
Nếu như Mizuki là một cô gái khoẻ mạnh và được đến trường mỗi ngày như bao bạn bè đồng trang lứa khác thì ắt hẳn cô ấy sẽ thuộc dạng người có rất nhiều bạn bè vây quanh. Cô ấy rất tự tin, quyết đoán và phóng khoáng, hoàn toàn khác tôi rất nhiều.
Khi tôi và Mizuki xin phép ra khỏi nhà, mẹ của Mizuki đã nhờ tôi lưu số điện thoại của bà và cẩn thận dặn tôi nếu có việc gì thì gọi điện ngay báo cho bà biết. Tất nhiên là tôi phải nhận lời đồng thời hứa rằng sẽ trông coi Mizuki cẩn thận, tránh xa rắc rối. Hai chúng tôi cùng nhau đi bộ đến bến tàu điện đón chuyến tàu đến khu phố mà tôi sống, tôi định sẽ đưa Mizuki đến quán mỳ Iwasaki nổi tiếng ở gần trường trung học của tôi.
“Đáng lẽ tớ nên mang theo một cái cặp sách.” Mizuki nói khi đang soi mình trên cửa kính tàu điện ngầm.
“Không cần đâu, thế là được rồi.” Tôi liền trấn an cô ấy, mặc dù cặp sách cũng một phần quan trọng để chứng mình rằng mình đang đi học.
“Trông tớ không kỳ cục chứ?” Mizuki lại hỏi.
“Có lẽ lần sau tớ nên tìm cho cậu một bộ tóc giả.” Tôi buột miệng đáp nhưng Mizuki chẳng để tâm đến điều này.
Khi đến nơi thì trời đã bắt đầu ráng đỏ, hai chúng tôi bước chân vào tiệm mỳ đông đúc tìm bàn trống và gọi hai bát mỳ. Và thật bất ngờ cho tôi khi người mang hai bát mỳ đến cho chúng tôi lại là Shimura Kanade – cô bạn mà tôi đã từng học cùng hồi năm nhất trung học.
“Chà, là Umi sao?” Kanade cười tươi: “Đây là lần đầu tiên tớ thấy cậu đến đây đó.”
“Cậu làm thêm ở đây à?” Tôi hỏi.
“Ồ không, tớ đến đây phụ giúp thôi. Đây là tiệm của ông ngoại tớ.” Nói rồi Kanade quay lại phía sau vẫy ông của mình.
“Cậu là bạn của Umi à?” Kanade lại nhìn Mizuki rồi nói: “Tớ chưa nhìn thấy cậu ở trường bao giờ cả, tớ là Shimura Kanade.”
“Tớ là Naitou Mizuki, rất vui được làm quen.” Mizuki vui vẻ đáp.
“Mizuki là bạn thân hồi tiểu học của tớ,” Tôi giới thiệu: “cậu ấy không học cùng trường mình mà vì một vài lý do nên tớ đã cho cậu ấy mượn bộ đồng phục cũ.”
“Nếu thế thì đây chắc cũng là lần đầu tiên bạn Naitou đến đây rồi.” Kanade lại cười tươi. “Hai bạn ăn ngon miệng nhé, chốc nữa mình sẽ mang trà đến.”
Tôi và Mizuki cùng nhìn theo bóng lưng Kanade một đoạn rồi Mizuki quay qua nhìn tôi nhận xét:
“Bạn ấy có nụ cười đẹp thật đấy!”
“Ai cũng nói vậy.” Tôi đồng tình: “Mỗi lần thấy cậu ấy cười tớ đều có cảm giác rất thoải mái, dễ chịu.”
Hai chúng tôi tách đôi đũa, cùng chắp tay nói chúc ngon miệng và bắt đầu ăn. Mỳ của tiệm Iwasaki quả là rất ngon, đặc biệt là không khí trong tiệm mỳ cũng khiến người ta cảm thấy ngon miệng hơn khi ăn mỳ ở bất cứ đâu khác. Bỗng một thoáng tôi lại có cảm giác hơi tiếc là mình đã không cùng Makoto đến đây từ hai năm trước.
“Ăn mỳ xong tớ có thể qua nhà cậu được chứ?” Mizuki đề nghị.
“Tại sao lại không? Tớ sẽ chuẩn bị bữa tối rồi bọn mình nhờ bố tớ gọi điện xin mẹ cậu cho ở lại dùng bữa nhé?”
“Thế thì tốt quá!”
Mizuki tỏ ra hào hứng trên suốt đoạn đường trở về nhà tôi. Khi đi qua bức tường gạch gần bờ sông tôi đã chỉ cho cô ấy thấy và kể rằng trước đây mỗi ngày đi học về tôi đều ngồi ở đấy nghe Makoto chơi đàn. Chúng tôi cũng ghé qua siêu thị để mua thêm trứng, nấm và bia cho bố. Tối nay chúng tôi sẽ ăn lẩu Sukiyaki.
Khi chúng tôi về đến nhà và mở cửa thì đã thấy bố đang lạch cạch chuẩn bị trong bếp từ trước. Ông khá bất ngờ trước sự xuất hiện của Mizuki rồi sau đó hối thúc chúng tôi xắn tay áo vào phụ giúp trong lúc bố gọi điện cho mẹ của Mizuki để xin phép hộ.
“Được rồi các cô gái.” Bố nói sau khi cúp điện thoại: “Sau bữa tối bố sẽ đích thân chở Mizuki về nhà an toàn. Còn bây giờ thì Mizuki giúp bác xếp bia vào ngăn mát trong tủ lạnh nhé.”
Tối đó ba chúng tôi cùng ăn Sukiyaki và xem chương trình thời sự buổi tối trên ti vi. Chỉ thiếu mỗi bàn sưởi nhưng thời tiết vẫn chưa đủ lạnh để mà lôi chúng ra sử dụng, nhưng bù lại chúng tôi có quýt tráng miệng sau bữa ăn. Mizuki đã kể cho bố tôi nghe về kế hoạch những điều muốn làm trước khi chết. Bố tôi hơi nhăn mặt khi nghe thấy cụm từ “trước khi chết” mà cô ấy dùng nhưng ông vẫn bảo rằng đấy là một ý tưởng hay và không quên nhắc chúng tôi đừng làm chuyện gì liều lĩnh quá để mà dính vào rắc rối.
“Nếu đi chơi muộn sau giờ học thì bảo Makoto đi cùng.” Bố bảo tôi: “Có thằng bé ở bên cạnh thì sẽ không có ai dám quấy rầy hai đứa.”
Sau bữa tối bố nhận nhiệm vụ rửa bát đĩa mà bình thường tôi vẫn phải làm rồi bảo chúng tôi cứ lên phòng chơi cho đến khi nào xong thì bố sẽ đưa Mizuki về. Vậy nên tôi dẫn Mizuki vào phòng ngủ của mình, nó chỉ là một căn phòng bình thường bừa bộn đầy sách vở, tôi tìm được cuốn “Nhà Tuck bất tử” của tác giả Natalie Babbit nằm dưới gối liền đưa cho Mizuki. Đó là một cuốn sách nhỏ đầy ý nghĩa rất đáng để bỏ chút thời gian ra đọc.
“Tối nay về tớ sẽ đọc nó luôn.” Mizuki đọc qua phần giới thiệu ở bìa sau cuốn sách rồi nói: “Nhân tiện, tớ cũng đọc hết những truyện ngắn mà cậu viết trên mạng rồi, cũng được lắm.”
“À, nhân nói về chuyện này…” Tôi mở lời: “Tớ đang bắt đầu lên ý tưởng sáng tác một truyện dài lấy hai nhân vật chính là chúng ta hồi còn nhỏ. Tớ muốn hỏi ý kiến cậu trước vì sợ cậu có thể không muốn thấy một vài chuyện về mình xuất hiện trên mạng xã hội, cậu biết đấy.”
“Cậu định viết sách về tớ sao?” Mizuki hỏi.
“Không phải là sách, chỉ là một truyện dài thôi. Ban đầu tớ định viết truyện ngắn nhưng có vẻ như sẽ không thể kể hết được nếu chỉ giới hạn vài trang cho nó.”
“Gì chứ, điều đó quá tuyệt ấy!” Mizuki nói lớn: “Tớ thích như thế, như vậy thì ít nhất cũng sẽ có thêm những người quan tâm đến cuộc đời mà tớ đã từng sống sau khi mất đi. Bao giờ về tớ sẽ tìm lại mấy cuốn nhật ký bằng tranh mà tớ viết hồi bọn mình vẫn gặp nhau ở bệnh viện rồi gửi cho cậu làm tư liệu nhé?”
Tôi không thể từ chối được trước đề nghị hào phóng này của Mizuki nên đã đồng ý nhận sự giúp đỡ về tư liệu này của cô ấy. Đối với tôi thì đó là một sự giúp đỡ đáng mừng vì thực sự tôi không có được một trí nhớ tuyệt vời như của Mizuki nên câu chuyện sẽ chân thực hơn nhờ những gì mà cô ấy viết trong nhật ký.
Đến gần tám rưỡi tối thì bố tôi gọi hai đứa xuống để đưa Mizuki về nhà. Tôi cũng đi cùng để bố không phải ở một mình trên quãng đường từ nhà Mizuki trở về. Chiều ngày hôm đó đối với tôi dường như là buổi chiều dài nhất và làm được nhiều việc có ích nhất từng trôi qua trong đời.