Không là Neverland - Chương 05

Chương V. Thượng Đế đã sinh ra chúng ta và Thượng Đế cũng sinh ra họ...

Cơn bão dữ đã qua hơn tuần nhưng dư âm của nó còn đọng lại dai dẳng. Nhịp sống nơi này trở nên tất bật hơn bao giờ hết, con người vừa phải khắc phục hậu quả vừa phải tiếp tục vươn lên. Đứng từ trên cao nhìn xuống, phố phường như một bức tranh xinh đẹp khổng lồ có vài điểm chấm phá xấu xí. Chính là các mảng xanh loang lổ, tơi tả xen lẫn vào những hàng cột điện xiêu vẹo, dây nhợ chằng chịt. Không khí u buồn dường đang bao phủ lên tất cả. Không ít mái đầu có thêm vành sô trắng, không ít gia đình rơi vào cảnh khốn cùng. Thiên nhiên mang đến sự sống và rồi chính thiên nhiên lại tước đi sự sống ấy! Có lẽ đấy cũng là quy luật “được - mất” mà nhân sinh phải học cách thỏa hiệp và chấp nhận từ khi cất tiếng khóc đầu tiên.

Rượu lặng đứng quan sát phố phường trước khi tiếp tục bước đi. Cô hơi cúi xuống, nhìn đứa bé đang huơ huơ bàn tay bé xíu vào khoảng không và mỉm cười với nó. Đến giờ cô vẫn còn cảm thấy rùng mình mỗi khi nhớ đến tình cảnh hôm trước.

“Chiều ấy, gió mưa tơi tả đất trời...

Gió và cô lần dò mãi cũng tìm được ngôi trường cấp ba huyện - nơi tạm trú của cả thôn T. Vừa đến nơi, cả hai đã thấy con bé chị lên năm ôm đứa em nhỏ, co ro ngồi ngoài hành lang. Làn da của cả hai xanh tái, nét kinh hãi còn in hằn trên khuôn mặt thơ dại. Đứa em được quấn hờ trong chiếc chăn cũ đã không còn nhận biết được màu sắc - con chị mặc độc cái áo len thủng vài lỗ. Cô lập cập lục tìm sữa hộp mang theo cho đứa bé còn Gió thì cởi chiếc áo khoác đang mặc ra ủ ấm cho hai chị em.

Con bé chị giương đôi mắt ngây ngô nhìn Rượu, ngọng nghịu hỏi:

- Mẹ C của con đâu?

Rượu vội ngó sang hướng khác vì cô không đủ can đảm để nhìn vào đôi mắt của đứa bé côi cút kia. Biết nói sao để tâm hồn lên năm của nó hiểu nên cô đành lảng tránh:

- Sao con không vào trong nhà với mọi người? Ngồi ngoài này lạnh lắm, sẽ ốm đấy! Con ngoan nhé.

Vừa nói, Rượu vừa đứng lên ra hiệu cho Gió bế đứa em vào bên trong. Nhưng con bé chị cứ giãy lên, hai tay nó bám chặt xuống nền gạch và khóc tức tưởi:

- Con đợi mẹ C cơ! Mấy bác không cho con ngồi gần còn bảo mẹ C chết rồi không về nữa đâu. - Rồi nó nhìn Rượu đầy thắc mắc. - Mà chết là giống bố L hả bác?

Giờ thì Rượu đã vỡ lẽ vì sao trời mưa bão thế này mà con chị bế thằng em ngồi thu lu bên ngoài thay vì trong nhà. Dù thế nào thì bên trong còn có bốn bức vách che chắn gió mưa. Cô chua xót giải thích cho Gió hiểu rồi chỉ tay về hướng gầm cầu thang cuối hành lang:

- Chắc phải đưa hai đứa nhỏ đến chỗ kia tránh gió tạm, đợi nước rút bớt thì quay về thị.

Gió dù đã hiểu câu chuyện vẫn không đồng tình với Rượu. Cô hướng mắt vào bên trong phòng - nơi có chừng hai mươi con người đang nằm ngồi la liệt, nói bằng giọng bất bình:

- Tại sao phải chui rúc gầm cầu thang? Cứ vào trong xem ai nói gì được.

Nói là làm, cô bế sấp đứa bé cho đầu nó tựa vào vai mình, tay xốc ba-lô xăm xăm bước vào phòng.

Một người đàn ông tầm hơn năm mươi, mặc chiếc áo xanh đậm có gắn bảng tên bên ngực trái nhìn hai cô gái dò xét:

- Hai chị người nhà cái C hay bên các đoàn thể cứu trợ?

Rượu đáp lời một cách khó chịu:

- Chúng tôi là chị của C. Sao anh lại để hai đứa bé ngồi bên ngoài giữa thời tiết này kia chứ?

- Tôi có muốn đâu! Tại bà con ở đây đều biết bố mẹ chúng nó nhiễm HIV nên chả ai dám chăm nom hay gần gũi chúng.

Nói đoạn, ông ta chỉ tay về phía khoảng trống gần bục giảng:

- Hai chị ngồi tạm ở đó vậy! Mọi người đều đã không vui, đừng làm họ hoang mang thêm.

Bốn bác cháu chen chúc trên khoảng nền gạch chỉ lớn bằng tấm áo mưa. Hai đứa nhỏ lại nóng sốt hầm hập trong khi vật dụng cá nhân đơn thuần như: cái cốc, cái muỗng cũng thiếu thốn, mượn của người khác thì không ai dám cho mượn. Gió có mang thuốc theo nhưng chẳng biết làm sao cho chúng uống. Cuối cùng, cô quyết định dùng miệng mình mớm thuốc trong ánh mắt ghê sợ của bao con người. Rồi số thực phẩm, nước uống, thuốc men mang theo ấy vơi đi trong chớp mắt. Bởi đâu phải chỉ riêng hai đứa bé con của C là không khỏe mà còn những đứa bé khác nữa.

Nhìn hai đứa bé ngủ ngoan sau khi đã hạ sốt, hai cô gái cũng an lòng phần nào. Phần vì mệt, phần vì đói nên họ thiếp đi lúc nào không hay. Bỗng dưng có tiếng khóc thét lên kèm theo là những tràng mắng nhiếc:

- Ai cho mày uống ly của con tao hả? Muốn lây Sida cho nó à?

...

- Giời ơi xem này! Nó bé tí thế này mà đã muốn giết người.

...

- Cút ngay!

...

Rượu choàng tỉnh đưa mắt nhìn quanh dưới ánh sáng nhờ nhờ của ánh đèn bên ngoài hắt vào. Chắc con bé chị khát nước nên đã vô thức uống ly nước của người phụ nữ gần bên cạnh. Sự việc chỉ có thế nhưng ba bốn người, già có trẻ có xúm xít vào xua đuổi con bé bởi lí do: Sợ nó lây nhiễm HIV cho họ qua một cái ly.

Gió cũng tỉnh giấc. Cô đưa hướng ánh nhìn thăm dò về phía Rượu dù đã lờ mờ hiểu ra câu chuyện. Ngay cả khi không biết họ nói gì nhưng với cử chỉ và sắc mặt thì có thể hiểu được phần nào. Sau khi được Rượu thuật lại, cô càng cảm thấy buồn hơn. Cô không giận họ bởi chặng đường này cô đã trải qua bao năm dài ròng rã. Buồn - vui - căm giận - cảm thông - hạnh phúc - đau đớn đều có đủ nhưng có lẽ buồn nhiều hơn vui. Đôi mắt luôn hững hờ giờ đây còn ẩn chứa thêm cả một trời trăn trở.

Bước đến kéo bé chị ra khỏi đám đông, Rượu nhẹ nhàng giải thích:

- Mọi người đừng lo lắng quá mà trở nên kỳ thị như thế! Sida hay đúng hơn là HIV không lây lan qua đường ăn uống, con bé chỉ dùng cái ly thì càng không thể. Thân nó đã côi cút, xin đừng đối với con bé quá tàn nhẫn.

Một bà có đôi mắt xếch bĩu môi:

- Chỉ giỏi cái mồm với mớ lí thuyết suông, cứ tưởng mình hay hơn người lắm! Nhỡ chúng tôi có bị nhiễm thì cô chịu trách nhiệm được à?

Rượu muốn bỏ mặc nhưng trên nguyên tắc đạo đức công việc là nên hướng dẫn và phân tích cho những người đã nhiễm hoặc đang sống chung với người nhiễm HIV hiểu, một phần để họ biết cách tự chăm sóc và bảo vệ mình, mặt khác nhằm rút ngằn khoảng cách kỳ thị. Vì vậy, cô vẫn nhẫn nại khuyên giải bằng cách chỉ tay về phía Gió:

- Như mọi người đã thấy, chị bạn tôi còn dùng cả miệng của chính mình để mớm thuốc cho đứa bé. Nếu thực sự HIV dễ dàng lây nhiễm qua đường ăn uống thì chúng tôi làm sao dám bất chấp như vậy. Trong cộng đồng xã hội quanh chúng ta, không phải chỉ riêng hai chị em bé ấy là người nhiễm HIV, có thể...

Chưa chờ Rượu nói xong câu thì một cô gái trẻ tầm hơn hai mươi vừa vạch áo cho con bú vừa liếc xéo hai bác cháu:

- Chị không sợ thì lo mà giữ nó cho kĩ, nó mà còn léo hánh qua gần đây thì đừng trách. Muốn trách thì trách bố mẹ chúng ấy, chắc cũng phải là phường hút chích - gái đĩ nên mới nhiễm chứ gì? Đã thế còn sinh con.

Có tiếng đàn ông chen vào:

- Thôi đi mấy bà! Lo cho thân mình trước cái đã, lũ to như năm nay thì năm sau chết đói cho xem.

Sau câu nói của cô gái là những lời xì xầm đồng tình, ai đó còn bảo, “Chắc chúng nó cũng nhiễm cả rồi nên chả cần sợ!”, hiếm hoi lắm mới có vài tiếng thở dài bất lực. Rượu như nghẹn lời trước thái độ ấy! Cứ hễ ai nhiễm HIV đều là thành phần cặn bã của xã hội sao? Phải chăng HIV là cái chết cho một con người ngay khi họ đang còn sống còn thở? Chết liệu có phải là giải pháp tối ưu chọ họ? Thế thì tính ra, chết đôi khi vẫn là một hạnh phúc ư?

...

Thượng Đế đã sinh ra chúng ta và Thượng Đế cũng sinh ra họ.

Chúng ta không phải là con ruồi, con kiến. Họ cũng không! Họ là những con người như chúng ta.

Chúng ta biết yêu, họ cũng biết.

Chúng ta biết đau, họ cũng biết.

Vậy mà chúng ta xem họ không khác gì những thứ đáng tởm lợm. Vì sao?

Hãy để họ được sống như chúng ta. Xa lánh và ghê tởm không phải là cách làm cho họ thấy dễ sống.

Hãy để họ được yêu nhưng đừng làm họ đau.

Vì chúng ta cũng không muốn ai làm chúng ta đau.

------*------

Một tuần sau!

Ò e ò e ò e...

Tiếng còi xe cấp cứu rờn rợn vang lên từ mạn trái, cắt ngang dòng suy nghĩ của Rượu. Thì ra đã đến gần cổng bệnh viện, hôm nay cô đưa đứa con nhỏ của C đi khám. Từ sau hôm ấy, thằng bé có nhiều triệu chứng rất nguy hiểm như liên tục nôn và tiêu chảy, người thì cứ gầy rạc đi còn làn da ngày càng tái xạm nhưng đến tận hôm nay cô mới có chút thời gian rảnh.

Thằng bé quấy khóc liên tục khiến Rượu cuống cả tay chân. Cho bú sữa thì nó nín khóc nhưng chẳng bao lâu sau sẽ nôn ra tất cả, nhìn nó cứ như thế mà xót xa bởi trong sự khốn khổ của nó cả một phần tắc trách của cô. Thấy cái cách nhẫn nại của cô đối với thằng bé, ắt hẳn ai cũng phải nghĩ hai người phải là mẹ con ruột thịt. Đợi chờ mãi cũng đến lượt thằng bé vào khám, bù lại cho bao cố gắng của cô là một kết quả ổn định với tình trạng sức khỏe của nó.

Vừa ra khỏi cánh cửa phòng khám, Rượu hôn chụt lên gò má nhăn nheo của thằng bé. Nét mặt rạng rỡ muôn vàn tia nắng hạ. Bầu trời sau giông bão cũng trong xanh lạ thường, từng dải mây trắng uốn lượn điệu đà giữa tấm nền bao la màu ngọc bích. Cô âu yếm nói với nó:

- Giờ bác cháu ta sẽ đến nhà mới của cháu nhé? Mong rằng ở nơi đó cháu sẽ có những khoảng ngày yên ấm đích thực!

Nhà mới của hai đứa bé là một trại cô nhi, đúng hơn là một nhà mở dành cho trẻ em nhiễm HIV không còn người thân hoặc người thân không đủ khả năng chăm sóc. Tất cả thành viên tại nơi đây phần đông là người nhiễm H, một số khác không nhiễm nhưng họ thấu hiểu về HIV và chấp nhận dấn thân. Để có được căn nhà mở này cả nhóm của Rượu cũng phải bỏ ra không ít công sức cho việc hỗ trợ các nhóm tự lực xây dựng rồi điều hành dự án. Thật ra việc lập nên một địa điểm như thế này không khó, cái khó nhất chính là ngân sách duy trì và lòng tin để vượt qua ánh nhìn ghẻ lạnh của xã hội. Là người trong cuộc, cô hiểu rằng đôi khi bệnh tật không khiến người ta ngã quỵ mà chính là sức ép từ cộng đồng chung mới thật sự đáng sợ. Những lời dèm pha, chỉ trích, sự ghẻ lạnh bào dần bào mòn sức cố gắng của những con người có cuộc sống được đếm từng tháng, thậm chí là đếm từng ngày. Những đứa trẻ không thể đến trường, chúng không có bạn, thậm chí sự tồn tại của chúng trên cõi đời này vẫn là “không thể chấp nhận” với một số cá nhân. Nỗi đau ấy cứ âm ỉ bào mòn tất cả hi vọng, một sự tồn tại không hi vọng!”

------*------

Gió vốn lặng lẽ nay còn lặng lẽ hơn sau chuyến đi. Cô quay về nhà nhóm tiếp tục công việc của mình còn Rượu vẫn ở lại bên kia. Đời đã đắng nhưng lời người càng đắng. Có phải cứ khiến người khác đau thì chúng ta sẽ tốt đẹp hơn những phận đời kia?

Hai đứa bé, một mới lên năm - một vừa đầy năm rồi đây sẽ ra sao? Khi cả hai mồ côi cả bố lẫn mẹ, họ hàng thân thuộc lại chẳng còn ai. C - mẹ chúng là cô nhi, mười mấy tuổi đầu đã bị lừa bán sang nhà chứa. Chưa kịp dậy thì đã làm đàn bà, đúng hơn là một món hàng cho người khác mua vui. Sau gần tám năm chịu đủ tủi nhục, đớn đau, C mới được quay về cố hương - được làm người đúng nghĩa của một con người. L - bố chúng cũng được ăn học tử tế nhưng vì yêu và quyết tâm xây dựng gia đình với C nên bị cả dòng tộc từ mặt. Vợ chồng dắt díu nhau đi làm thuê, làm mướn để kiếm miếng ăn qua ngày. Đến cả mảnh đất tí xíu và căn chòi mục nát họ đang ở bấy giờ cũng có phần đóng góp từ các nhóm thiện nguyện. Rồi họ cũng có những khoảng thời gian hạnh phúc thật sự khi đứa con đầu lòng chào đời. Nhưng định mệnh luôn tàn nhẫn, ngày đứa con thứ hai chào đời cũng là ngày họ biết một nhà - bốn người đều đã nhiễm HIV. Hai vợ chồng họ vẫn tựa nhau mà vượt qua, đem tất cả kiến thức, tâm sức để làm điều gì đó cho những người đồng cảnh ngộ. L mang vốn kinh tế học của mình ra để lập nhóm đồng đẳng, C siêng năng đi hàng chục cây số để chăm sóc phần đời cuối của những người nhiễm. Rồi thế nào? Đời họ có gì khác...?

Mười năm đằng đẵng, Gió theo chân các đồng nghiệp đi từ chiến trường Trung Đông đẫm máu tanh qua Châu Phi lạc hậu, khó nghèo đến những ổ quỷ buôn người. Đâu đâu cũng là ánh mắt đợi chờ hi vọng trong mòn mỏi, là tiếng thở dài cam đành với số phận, là miệng lưỡi miệt khinh từ thành phần tự cho rằng mình cao sang. Tim Gió như rộng ra và lời nói như kiệm hơn bởi cô hiểu, lời nói có thể khiến người ta chết mòn - một cái chết vô cùng đáng sợ.

Âm báo bỗng reo lên cắt ngang dòng suy tư của Gió. Nội dung bức email vừa gửi đến khiến đôi mày cong cong của cô nhíu chặt. Bàn tay gầy guộc vỗ nhè nhẹ liên tục vào trán, cô ngước mắt nhìn trần nhà một cách buồn bã. Ngồi bất động chừng mươi phút nữa, cô uể oải bước về phía máy pha cà-phê.

Hôm nay trời rất cao, xanh ngắt, không như lòng người. Trên khoảng sân thượng ươm vàng nắng, Gió đứng tựa lưng vào bờ lan-can, tay xoay xoay cốc cà-phê liên hồi. Cô lại châm cho mình điếu thuốc, một chút độc dược để ủi an những tế bào thần kinh đang nội chiến tơi bời bên trong não. Âm báo lại đến. Trí lực dường nổ tung, cốc cà-phê vỡ làm đôi dưới nền gạch...

“Rượu mất tích, tập trung tại phòng sinh hoạt chung. Khẩn!”