Trên Chuyến Bay Đêm - Chương 17 - Phần 1

Chương 17

Margaret Oxenford cảm thấy vừa tức giận vừa xấu hổ. Cô tin chắc mọi người trong phòng ăn nhìn vào mặt cô, khinh bỉ cô khi họ chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp xảy ra trong phòng; có lẽ họ đều nghĩ cô cũng đứng vào phe với ba cô. Cô không dám ngẩng mặt nhìn ai hết.

Hai giờ đồng hồ sau bữa ăn, không khí trong buồng im lặng nặng nề. Khi thời tiết bắt đầu xấu. Mẹ và bố đi thay áo quần để đi ngủ. Thừa cơ hội này, Percy nói với Margaret:

– Ta phải đi xin lỗi mới được. - Cô ngạc nhiên khi nghe cậu em nói thế.

Cho nên thoạt nghe, cô liền từ chối, cô lấy cớ là làm thế cô càng bối rối thêm và càng nhục nhã thêm. Cô thú nhận với cậu:

– Chị không có can đảm để làm thế.

– Chúng ta chỉ đi tìm Nam tước Gabon và giáo sư Hartmann, nói với họ chúng ta rất buồn vì bố đã có hành động cục cằn.

Cô rất muốn đi xin lỗi để giảm nhẹ bớt tư cách xấu xa của bố. Có lẽ khi xin lỗi xong, cô sẽ cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Nhưng cô lại sợ bố, nên cô nói:

– Thế nào bố cũng nổi giận.

– Đừng để cho ổng biết. Nhưng nếu ổng bìết, em cũng cóc cần. Em nghĩ ổng đã nổi điên lên rồi. Em không sợ nữa. - Margaret phân vân không biết em cô có thật thế không. Khi Percy còn nhỏ, cậu ta thường lớn tiếng khoe là mình không sợ, nhưng thực ra, cậu ta sợ khiếp vía. Nhưng bây giờ cậu ta lớn rồi.

– Đi, - Percy nài nỉ nói. - Bây giờ ta đi thôi. Họ đang ngồi trong buồng số 3... em đã kiểm tra rồi.

Margaret vẫn ngần ngừ. Liệu hành động của họ có khơi lại sự bực tức nơi những người đã bị bố cô sĩ nhục không? Có lẽ những, người này thích quên chuyện đã xảy ra hồi nảy. Nhưng cũng có thể họ phân vân không biết có nhiều hành khách trên máy bay có cùng quan điểm với bố cô không? Tốt hơn hết là cô nên tỏ cho họ biết cô đứng vào phe chống đối những người kỳ thị chủng tộc cực đoan.

Phải can đảm lên mới được. Margaret đứng dậy, vịn vào chỗ đưa tay trên ghế, vì máy bay chòng chành mạnh.

– Thôi được, - cô nói. - Chúng ta đi xin lỗi.

Trong buồng số 3, hai ông Gabon và Hartmann ngồi ở bên mạn trái, đối diện nhau. Thân hình dài, ốm của ông Hartmann cong lại trong chiếc ghế bành đầu cúi về phía trước, mái tóc lởm chởm như bàn chải, ông ta đang say sưa đọc một trang sách viết về toán học. Ông Gabon không làm gì hết, ông ta có vẻ lo lắng, và chính ông là người đầu tiên thấy hai chị em. Khi Margaret dừng lại bên cạnh ông ta, cô phải níu tay vào lưng ghế bành ông đang ngồi để cho khỏi té, ông ta co người lại ra vẻ hằn học. Margaret liền nói nhanh:

– Chúng tôi đến để xin lỗi quí ông.

– Tôi lấy làm lạ khi thấy cô dạn dĩ như thế này, - Gabon nói. Ông ta nói tiếng Anh rất thạo, chỉ còn nặng giọng Pháp mà thôi. Câu trả lời của ông ta không làm cho Margaret hài lòng, nhưng cô vẫn nói tiếp:

– Tôi rất buồn vì chuyện xảy ra hồi nãy, và em trai tôi cũng đồng quan điểm với tôi. Tôi rất mến mộ ông giáo sư, tôi xin phép được xin lỗi ông ấy.

Hartmann ngẩng mặt lên khỏi cuốn sách, ông gật đầu. – Những người như cô nói lời xin lỗi thì dễ thôi, - Gabon nói. Margaret nhìn xuống sàn, cô giận mình vì đã đến xin lỗi như thế này. - Nước Đức đầy rẫy người giàu có, lịch sự, thường ''hết sức đau khổ'' trước những sự việc xảy ra ở bên ấy, - Gabon nói tiếp. - Nhưng họ làm gì? Cô làm gì?

– Kìa, Philippe, - ông Hartmann nói xen vào, giọng dịu dàng. - Anh không thấy cô và cậu đây còn trẻ quá ư? - Ông ta nhìn Margaret. - Tôi nhận lời xin lỗi của cô, tôi xin cảm ơn cô.

– Ôi lạy Chúa, - cô nói nho nhỏ. - Có phải tôi làm cho tình hình càng thêm trầm trọng không?

– Không, - Hartmann đáp. - Cô và cậu đã làm cho tình hình ổn thỏa, tôi rất biết ơn hai người. Ông bạn nam tước của tôi đang bối rối, nhưng tôi tin ông ấy sẽ nghĩ như tôi.

– Bây giờ chúng tôi phải xin cáo biệt, - Margaret nói, giọng nghe thiểu não Hartmann gật đầu.

Cô quay gót bước đi. Percy nói thêm:

– Tôi xin lỗi quí ông. - Nói xong, cậu đi theo chị.

Hai chị em trở về buồng mình, đi xiêu qua vẹo lại vì máy bay lắc lư. Davy đang chuẩn bị giường ngủ. Harry đã đi đâu mất. Margaret tính chuyện chuẩn bị để đi ngủ. Cô lấy cái xách đựng đồ dùng để đến phòng vệ sinh thay áo quần. Mẹ từ trong phòng bước ra, bà mặc chiếc áo dài màu hạt dẻ đẹp lộng lẫy. Bà nói với cô:

– Chúc ngủ ngon, con thân yêu. - Nhưng Margaret cứ đi qua mặt bà mà không trả lời.

Trong phòng vệ sinh đã có nhiều người, cô mặc nhanh chiếc áo sơ mi để ngủ bằng vải và chiếc áo dài dùng khi tắm xong. Áo ngủ của cô không đẹp bằng áo ngủ của các bà khác, áo của họ đều bằng xoa màu sặc sỡ và bằng vải ca sơ mia, nhưng những thứ này đối với cô không mấy quan trọng. Sau khi đã xin lỗi xong mà cô vẫn cảm thấy lòng không được thảnh thơi, cô vẫn nhớ đến câu nói của ông nam tước Gabon. Nói mình buồn mà không làm gì hết thì quá dễ thôi.

Khi cô trở lại buồng, bố và mẹ đã lên giường ngủ, kéo màn kín mít, cô nghe có tiếng ngáy nho nhỏ phát ra ở giường của bố cô. Giường của Margaret chưa chuẩn bị xong, cô phải sang ngồi đợi ở phòng khách.

Bà Lenehan, người phụ nữ duyên dáng lên máy bay ở Foynes, đến ngồi bên cạnh cô.

– Tôi muốn uống một ly cô nhắc, mà các tiếp viên đều bận việc, - bà ta nói.

Hình như bà có vẻ phấn khởi. Bà làm dấu chỉ hành khách trên tàu rồi nói tiếp:

– Có thể nói đây là một buổi dạ tiệc mặc áo pyjama hay là buổi lễ về đêm trong phòng ngủ, tất cả mọi người đều mặc áo ngủ đi dạo chơi trong phòng. Cô có thấy thế không?

Margaret chưa bao giờ tham dự buổi dạ tiệc Pyjama hay dự lễ đêm trong phòng ngủ, nhưng cô cũng nói:

– Cảnh tượng kỳ lạ đấy chứ. Có thể nói chúng ta như những người trong cùng một gia đình. Bà Lenehan khóa chiếc đây an toàn lại, bà muốn nói chuyện.

– Theo tôi thì khi người ta mặc áo ngủ, trông ai cũng có vẻ tự nhiên thành thật. Đến anh chàng Frankie Gordino mà khi mặc pyjama màu đỏ trông cũng có vẻ dễ thương, phải không?

Mới đầu, Margaret không biết bà ta nói đến ai; rồi bỗng cô nhớ Perey có cho cô biết cậu ta đã nghe được câu chuyện giữa ông Cơ trưởng máy bay và ông nhân viên cơ quan FBI. Cô hỏi:

– Có phải người tù không?

– Phải.

– Hắn ta không làm cho bà sợ à?

– Tôi không sợ. Hắn chẳng làm gì hại đến tôi hết.

– Nhưng người ta nói hắn là thằng giết người, và tồi tệ hơn nữa.

– Trong những khu nhà ổ chuột rất thường xảy ra tội phạm. Không có Gordino thì cũng có kẻ khác phạm tội giết người. Tôi, tôi mặc xác hắn ở đấy. Cờ bạc và đĩ điếm đã có từ thời Chúa mới ra đời, nếu có xảy ra tội phạm đi nữa, thì cũng là điều tự nhiên.

Lời lẽ bà ta nghe thật quái đản. Có lẽ không khí trên máy bay này có cái gì đấy đã kích thích người ta bộc lộ tình cảm một cách khác thường chăng.

Margaret đoán rằng chắc bà Lenehan không bộc lộ ý nghĩ của bà như thế này nếu họ không phải là phụ nữ với nhau: khi không có đàn ông gần bên họ, đàn bà thường tỏ ra thành thực hơn. Nhưng dù lý do ra sao đi nữa, Margaret cũng thấy rất ngạc nhiên. Cô hỏi:

– Nếu ngăn cản được tội phạm xảy ra, thì chắc cuộc sống được tốt đẹp hơn chứ?

– Đương nhiên rồi. Nhưng các tổ chức tội phạm có khắp nơi. Chúng có lãnh thổ riêng và chúng xưng hùng xưng bá tại nơi chúng cát cứ. Chúng không sát hại người ta trên đại lộ Năm, và không đến câu lạc bộ Harvard để tống tiền, vậy thì tại sao phải lo sợ chúng?

Margaret không thể cho qua chuyện này được.

– Thế thì cứ để cho người nghèo nướng tiền vô sòng bạc à? Và cứ để cho các cô gái bất hạnh tàn phá sức khỏe mình à? Đương nhiên, tôi chê trách họ. - Bà Lenehan đáp. Margaret nhìn bà ta đăm đăm, lòng phân vân không biết bà ta có nói thật không. - Này nhé, - bà ta nói tiếp, - tôi sản xuất giày. - Chắc Margaret có vẻ ngạc nhiên, vì bà Lenehan nói thêm:

– Nhờ thế tôi mới sống. Tôi là chủ một nhà sản xuất giày. Giày đàn ông với giá rẻ và bền từ năm đến mười năm. Nếu người ta muốn, họ có thể mua những loại giày rẻ hơn, nhưng không có giá trị gì hết, chúng có đế bằng các tông chỉ đi mười hôm là hư. Cô cứ tin tôi đi, có nhiều người mua giày đế bằng các tông! Đấy, tôi nghĩ là tôi có bổn phận phải làm ra giày tốt. Nếu thiên hạ cứ ngu ngốc đem tiền đi mua giày xấu, tôi cũng chịu thôi, không làm sao được. Và nếu thiên hạ ngu ngốc đem tiền nướng vào sòng bạc khi không mua nổi thịt bò để ăn tối, thì tôi cũng đành chịu đấy không phải là vấn đề khó khăn của tôi.

– Không bao giờ bà sống trong cảnh nghèo khổ phải không? - Margaret hỏi.

– Hỏi hay đấy, - bà Lenehan cười đáp. - Không, có lẽ bởi thế mà tôi không dám nói gì hết về cảnh nghèo khổ ông nội tôi đóng giày bằng tay, và cha tôi đã xây dựng nhà máy mà bây giờ tôi đang điều khiển. Tôi không biết gì hết về cuộc sống trong những khu nhà tồi tàn. Còn cô thì sao?

– Tôi cũng chẳng biết tí gì, nhưng tôi nghĩ tất cả phải có lý do gì đó để khiến người ta đánh bạc, ăn trộm hay là bán thân. Không phải họ ngu ngốc hết đâu. Họ là nạn nhân của một chế độ tàn bạo độc ác.

– Chắc cô thiên Cộng rồi, - bà Lenehan nói, nhưng giọng không có vẻ thù nghịch chút nào hết.

– Xã hội chủ nghĩa. - Margaret chữa lại.

– Rất tốt, - bà Lenehan nói trước sự ngạc nhiên của Margaret. - Rồi đây cô sẽ thay đổi ý kiến thôi; khi người ta lớn tuổi, người ta thường thay đổi tư tưởng. Nhưng nếu khởi đầu cuộc sống mà không có lý tưởng, thì lấy gì mà cải thiện cuộc đời? Tôi không phải loại người công kích xã hội, tôi chủ trương nên lấy cuộc đời để làm kinh nghiệm sống, nhưng vẫn giữ lý tưởng của mình. Nhưng tôi lấy làm lạ tại sao tôi nói dông dài như thế này. Có lẽ vì hôm nay tôi được bốn mươi tuổi chăng?

– Chúc bà ngày sinh nhật hạnh phúc! – Margaret không ưa những người cứ lớn tiếng nói với cô rằng cô sẽ thay đổi ý kiến khi lớn tuổi, đó là thái độ cho ta đây là kẻ cả đang nói chuyện với người dưới mình, họ chỉ cho họ là đúng mà không chấp nhận ý kiến của người nhỏ tuổi hơn mình. Nhưng trường hợp bà Lenehan lại khác.

– Lý tưởng của bà là gì? - Margaret hỏi.

– Tôi chỉ muốn sản xuất giày tốt thôi. - Bà ta cười dung dị. - Có lẽ đây không phải là lý tưởng cao siêu nhưng với tôi lại rất quan trọng. Tôi có cuộc sống thoải mái. Tôi ở trong một ngôi nhà đẹp đẽ, các con trai tôi có đủ thứ chúng cần, tôi bỏ nhiều tiền vào việc may sắm áo quần. Tại sao tôi có được những thứ ấy? Vì tôi làm giày tốt. Nếu tôi làm giày có đế bằng các tông, tôi tự biến mình thành đồ ăn trộm. Khi ấy tôi chẳng hơn gì anh chàng Frankie.

– Đấy là một quan điểm có tính xã hội chủ nghĩa rồi đấy. - Margaret đáp nụ cười nở trên môi.

– Thực ra thì tôi chỉ tiếp thu lý trưởng của bố tôi, - Bà Lenehan nói với giọng trầm ngâm. - Còn lý tưởng của cô xuất phát từ đâu? Tôi biết, cô không nói theo lý tưởng của ba cô rồi.

Margaret đỏ mặt.

– Chắc bà đã nghe câu chuyện xảy ra ở phòng ăn rồi.

– Tôi có mặt ở đấy.

– Chắc tôi phải rời bỏ cha mẹ tôi.

– Có gì đã níu giữ cô lại?

– Tôi chỉ mới mười chín tuổi.

Bà Lenehan mỉm cười khinh bỉ.

– Thì có sao đâu? Có người trốn khỏi gia đình lúc mười tuổi.

– Tôi đã cố trốn rồi, - Margaret phân trần. – Tôi gặp chuyện rắc rối và cảnh sát bắt tôi lại.

– Cô bỏ lý tưởng một cách dễ dàng đấy chứ?

Margaret muốn nói cho bà Lenehan hiểu rằng không phải cô thiếu can đảm mà thất bại.

– Tôi không có tiền và tôi không biết làm gì. Tôi chưa được học hành cái gì hết. Tôi không biết làm gì để kiếm sống.

– Này cô em ơi, cô đang trên đường sang Mỹ. Phần đông những người sang bên ấy còn tệ hơn cô nhiều, thế mà một số trong đám họ bây giờ đã thành triệu phú. Cô biết viết biết đọc tiếng Anh, cô biết cách giao tế, cô thông minh, đẹp... Cô sẽ dễ dàng tìm ra công việc làm. Tôi, tôi sẽ thuê cô làm việc.

Margaret không tin nổi tai mình. Ngay khi cô bắt đầu cảm thấy chán ngán thái độ làm ra vẻ ta đây là kẻ cả của bà Lenehan, thì bà ta lại đề nghị giúp đỡ cô. Cô bèn hỏi:

– Thật không? Bà sẽ thuê tôi làm việc à?

– Đúng vậy.

– Thuê để làm việc gì?

Bà Lenehan suy nghĩ một lát.

– Tôi sẽ thuê cô phục vụ cho việc bán hàng: dán tem, pha cà phê, trả lời điện thoại, tiếp khách hàng cho khả ái. Nếu cô làm chạy việc, cô sẽ tiến nhanh lên vị trí phụ tá cho giám đốc thường vụ.

– Như thế có ý nghĩa như thế nào?

– Như thế có nghĩa là cô cũng làm những công việc đó mà có lương cao hơn.

Margaret thấy chuyện này như là một giấc mơ khó thực hiện. Cô trầm ngâm nói:

– Ôi lạy Chúa, thực sự là một công việc trong văn phòng.

– Nhiều người cho rằng đấy là công việc nhọc nhằn.

– Đối với tôi, đó là công việc rất lý thú.

– Có lẽ mới đầu thì thế đấy.

– Bà nói thật chứ! - Margaret nói, giọng trang nghiêm. - Nếu một tuần nữa tôi đến văn phòng của bà, bà có cho tôi làm việc không?

Bà Lenehan có vẻ sửng sốt.

– Ái chà thì ra cô nói thật ư? Tôi cứ tưởng cô nói chơi cho vui.

Margaret cảm thấy lòng thắt lại.

– Thế là bà không cho tôi việc làm phải không? Nãy giờ bà chỉ nói huyên thuyên thôi phải không?

– Tôi rất muốn thuê cô, nhưng hiện tôi đang gặp một chuyện khó khăn.

Trong vòng một tuần sắp tới, thậm chí đến tôi cũng chưa chắc có việc để làm.

Margaret cảm thấy muốn khóc. Cô hỏi:

– Tại sao thế?

– Em trai tôi muốn ăn cướp xí nghiệp của tôi.

– Tại sao ông ta làm thế?

– Chuyện phức tạp lắm, mà có thể hắn không thành công được. Tôi chiến đấu chống lại hắn, nhưng tôi không biết chuyện này kết quả sẽ ra sao.

Margaret tự nhủ: lẽ nào một cơ may như thế này vừa mới xuất hiện lại biến mất trong nháy mắt? Cô nói:

– Bà phải chiến thắng cho được!

Bà Lenehan không có thì giờ để trả lời. Harry đã xuất hiện, rực rỡ trong bộ pyjama màu đỏ và áo khoác dài màu xanh da trời. Sự xuất hiện của anh làm cho Margaret bình tĩnh. Anh ngồi xuống, Margaret giới thiệu anh với bà Lenehan.

Cô nói tiếp:

– Bà Lenehan đến đây để uống rượu cô nhắc, nhưng các tiếp viên đều bận việc.

Harry có vẻ ngạc nhiên.

– Có lẽ họ bận thật đấy, nhưng họ phải phục vụ khách chứ. - Anh đứng lên, thò đầu vào phòng bên cạnh. – Davy, làm ơn mang cho bà Lenehan ly cô nhắc được không?

Margaret nghe tiếng anh tiếp viên trả lời:

– Được chứ, thưa ông Vandenpost. - Harry có tài làm cho mọi người làm theo những gì anh muốn.

Anh ngồi xuống lại:

– Tôi không làm sao khỏi nhìn đôi bông tai của bà được, bà Lenehan à. Đôi bông tai quá đẹp.

– Cảm ơn, - bà ta đáp, miệng cười sung sướng. Lời khen có vẻ đã làm cho bà ta hài lòng.

Margaret nhìn đôi bông tai rất kỹ. Mỗi chiếc như thế gồm có một viên ngọc lớn nằm trong mạng lưới chỉ bằng vàng và hạt kim cương, toàn bộ trông có nét đẹp bí ẩn. Cô tiếc đã không mang đồ nữ trang lộng lẫy của mình để cho Harry chiêm ngưỡng.

– Bà mua đồ ấy ở bên Mỹ chứ? - Harry hỏi.

– Phải, đồ này bán ở nhà hàng Paul Flato. Harry gật đầu.

– Nhưng theo tôi thì chúng được thiết kế do nhà kim hoàn Fulco di Verdura.

– Tôi không biết có đúng như anh nói không, - Bà Lenehan đáp. - Thật hiếm khi thấy có một thanh niên quan tâm đến đồ nữ trang, - bà nói thêm, giọng ngạc nhiên.

Margaret muốn nói thêm: điều mà anh ta quan tâm đến nhất, là ăn trộm đồ nữ trang! Nhưng thực ra sự hiểu biết của Harry về những thứ này đã gây ấn tượng mạnh cho cô. Anh luôn luôn nhận ra thứ nào là thứ hảo hạng và biết ai là người đã thiết kế ra chúng.

Davy mang cô nhắc đến cho bà Lenehan. Mặc dù máy bay lắc lư mạnh, nhưng anh ta vẫn đi ngay ngắn chứ không xiên qua vẹo lại.

Bà ta uống ly rượu rồi đứng dậy.

– Tôi phải đi ngủ một tí.

– Chúc bà ngủ ngon. - Margaret nói, lòng nghĩ đến cuộc chiến mà bà ta đang đương đầu với người em trai. Nếu bà ta thắng được người em, thế nào bà ta cũng thuê Margaret làm việc, bà ta đã hứa với cô như thế rồi.

– Cảm ơn, chúc cô ngủ ngon.

– Cô đã nói chuyện gì với bà ấy? - Harry hỏi, giọng có vẻ ganh tỵ.

Margaret ngần ngại không muốn thổ lộ cho anh biết việc bà Nancy đề nghị thuê cô làm việc. Mặc dù quá bị kích thích, nhưng cô vẫn không quên những chuyện bà ta vừa đề nghị với cô. Cô quyết giấu câu chuyện này một thời gian, nên cô chỉ đáp:

– Chúng tôi nói chuyện về anh chàng Frankie Gordino: Nancy cho rằng đáng ra người ta nên để yên những người như hắn mới phải. Bọn chúng thích tổ chức những thứ như sòng bạc... nhà thổ... những thứ mà chỉ làm hại những ai đang mê các loại sinh hoạt đó. Cô cảm thấy đỏ mặt, chưa bao giờ cô nói ra tiếng “nhà thổ'' như thế này.

Harry trầm ngâm một lát rồi nói:

– Tất cả những cô gái điếm đều không phải thích thế đâu. Nhiều người bị bó buộc phải làm gái điếm. Cô có nghe chuyện buôn gái da trắng không?

– Thì ra chuyện ấy là buôn gái đi làm điếm à? - Margaret có đọc báo, thấy báo viết người ta thuê các cô gái để sang làm gái giúp việc nhà ở Istanbul. Thì ra cô quá ngốc!

– Chuyện các báo đăng không phải hoàn toàn đúng hết đâu, - Harry đáp. - Chỉ có một người buôn gái da trắng ở Luân Đôn thôi. Hắn ta tên là Beuny le Maltais, vì hắn gốc gác ở xứ Malte.

Margaret bàng hoàng sửng sốt. Chuyện này đã từng nằm kề bên cô trong gang tấc.

– Chuyện này đáng ra cũng đã xảy đến cho tôi rồi đấy!

– Có thể lắm, cái đêm cô chạy trốn khỏi nhà, - Harry nói. Chính Benny thường lợi dụng các trường hợp như thế đấy. Một cô gái lạc lõng, không tiền bạc và không nơi ngủ đêm. Hắn mời cô ta đi ăn tối, rồi đề nghị cô theo chân một đoàn vũ công lên đường đi Paris vào sáng hôm sau, thế là cô ta xem hắn là ân nhân của cô. Đoàn vũ công này chỉ là đám vũ công lõa thể, nhưng chỉ khi nào cô đến Paris mới biết được sự thật, và khi ấy thì cô không có tiền, không có phương tiện để quay về, cô đành ở lại đóng vai vũ công đi núng nính ở hậu cảnh.

Margaret nhớ lại hoàn cảnh của cô lúc ấy, cô nhận thấy chắc cô cũng phải làm như thế thôi.

– Và rồi một đêm, người ta yêu cầu cô hãy “ngoan ngoãn'' với một người say ở trong phòng, và nếu cô từ chối, người ta sẽ bắt buộc cô. - Margaret nhắm mắt lại, hốt hoảng khi nghĩ đến những chuyện đáng ra có thể đã xảy đến cho cô. - Dĩ nhiên sáng mai cô có thể ra đi, nhưng đi đâu. Có lẽ cô còn vài đồng quan Pháp, nhưng không đủ để về nhà. Và cô sẽ tự hỏi, khi về được về nhà lại rồi, cô sẽ nói sao với gia đình. Nói sự thật ư? Không bao giờ. Cho nên cô đành trở về nhà trọ với các cô gái khác, ít ra thì họ cũng thân ái với cô, hiểu cô. Rồi cô bắt đầu suy nghĩ, cô thấy làm chuyện ấy một lần rồi thì làm lại lần khác cũng được; và lần sau chắc có phần dễ dàng hơn. Trước khi nhận thức được tình thế, sáng mai cô đành đợi để lấy tiền của khách cho.

Margaret rùng mình.

– Tôi chưa bao giờ nghe chuyện gì rùng rợn như thế này.

– Vì thế mà tôi tin rằng người ta không để cho Frankie Gordino yên thân.

Hai người ngồi yên lặng một lát rồi Harry trầm ngâm nói:

– Tôi phân vân không biết giữa Frankie Gordino và Clive Membury có mối liên quan gì không.

– Có liên quan ư?

– Có thể có, vì Percy nói Membury có súng. Tôi đã đoán ông ta là cảnh sát.

– Thật ư? Tại sao anh nghĩ thế?

– Vì ông ta mặc áo ghi lê đỏ. Cảnh sát thường cho rằng mặc áo như thế trông có vẻ là tay ăn chơi.

– Có lẽ ông ta đi theo để canh chừng Frankie Gordino.

Harry có vẻ không tin.

– Tại sao? Gordino là tội phạm của Mỹ, hắn bị dẫn độ về giam ở Mỹ. Hắn ra khỏi nước Anh dưới sự canh gác của cơ quan FBI: Tôi thấy không có lý do gì mà cơ quan mật vụ Scotland Yard lại phái nhân viên giúp việc canh gác này, nhất là khi phải chi ra một số tiền lớn để mua vé trên chiếc Clipper.

Margaret hạ thấp giọng nói:

– Có thể ông ta theo đuổi anh không?

– Theo đuổi đến tận Mỹ à? - Harry đáp, giọng không tin. - Đi theo trên thủy phi cơ à? Mang súng trên người nữa à? Đuổi theo, chỉ vì một cặp nút tay áo à?

– Anh thấy có lý do gì khác không?

– Không. Dù sao thì có lẽ chuyện rùm beng về anh chàng Gordino này cũng làm cho mọi người quên cái thái độ không ra chi của bố tôi lúc ăn tối.

– Cô có nghĩ, tại sao bố cô lại phách lối như thế không? - Harry hỏi, vẻ ngạc nhiên.

– Tôi không biết. Thường khi ông không như thế. Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, ông biết điều lắm chứ.

– Tôi đã gặp nhiều người phát xít rồi, - Harry nói. - Họ là những người nhát gan.

– Thật à? - Margaret ngạc nhiên khi nghe anh nói, cô thấy khó tin quá. - Trông họ có vẻ hung hăng lắm mà.

– Đúng thế, nhưng trong lòng thì họ hoảng sợ. Cho nên họ thích đi diễu hành, thích mặc đồng phục, khi họ đi thành đám đông họ cảm thấy an toàn. Vì thế họ không thích dân chủ, sợ nền dân chủ quá bất trắc. Họ cảm thấy sung sướng khi họ có chế độ độc tài, là chế độ giúp họ biết cái gì sẽ xảy ra và chính quyền không thể bị lật đổ một cách dễ dàng.

Margaret nhận ra mọi việc bây giờ có vẻ sáng tỏ. Cô gật đầu và trầm ngâm nói:

– Tôi nhớ ra, ngay trước khi bố tôi trở thành kẻ thất bại đắng cay, ông rất tức giận những người theo chủ nghĩa Cộng sản, những người theo chủ nghĩa phục hưng Do thái, những người Ailen theo đảng Sinn Fein hay là những du kích quân. Ông cho rằng sẽ có một kẻ nào đó trong số các nhóm này làm cho đất nước phải đầu hàng. Nghĩ lại, tôi thấy hẳn không phải những người theo chủ nghĩa phục hưng Do thái sẽ làm cho nước Anh đầu hàng, anh có thấy thế không.

Harry cười.

– Và rồi những người phát xít sẽ tức giận mãi. Họ là những kẻ thất vọng trước cuộc đời. - Bố tôi cũng lâm vào hoàn cành này đây. Khi ông nội tôi mất, bố tôi thừa hưởng gia sản, ông nhận ra việc canh tác đã bị thất bại. Ông bị sa sút cho đến khi lấy mẹ tôi. Thế là ông ứng cử vào quốc hội nhưng không bao giờ đắc cử. Và bây giờ ông bị xua đuổi ra khỏi đất nước. - Bỗng cô cảm thấy mình hiểu về bố nhiều hơn. Cô không ngờ Harry biết nhiều điều đến như thế. - Anh học được những điều này ở đâu thế? Anh không lớn hơn tôi bao lăm.

Anh nhún vai.

– Battersea là khu vực có nhiều người rất thông hiểu chính trị. Tôi thấy ở đấy có một chi bộ đảng Cộng sản quan trọng nhất ở Luân Đôn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3