Kỳ tích Chi Lăng - Chương 14 - 19

14 – QUẢNG TRƯỜNG ĐỒNG ĐỊNH

Cách Biệt Thự xứ, về phía bắc chừng một cây số, giữa quốc lộ cũ và sông Thương là một khoảng đất khá rộng thoải dần về phía bờ sông. Giữa khoảng đất rộng hàng trăm mẫu ấy, nổi lên một doi đất cao giống như nền cột cờ, đó là quảng trường Đồng Định. Mảnh đất này đã được chứng kiến những chiến tích chống ngoại xâm làm xúc động lòng người.

Một buổi tối tháng Chạp, năm 1075. Gió lạnh thấu xương, mưa phùn theo gió quạt vào mặt người đến tê rát. Thế nhưng ở quảng trường Đồng Định, lửa vẫn cháy sáng rừng. Hàng vạn nghĩa binh, dân binh giữa trời đêm giá lạnh, cặp mắt sáng bừng như lửa, chăm chú hướng lên dải đất cao, trên đó tướng quân Lý Thường Kiệt như một bức tượng đồng, đang dõng dạc truyền đến tướng sĩ ngọn lửa của trái tim yêu nước sáng ngời của ông, ngọn lửa của những quyết định đặc biệt quan trọng về đường lối chiến thuật, chiến lược, tài ba của ông trong những giờ phút quyết liệt nhất của lịch sử:

- Hỡi các tướng sĩ, chúng ta có quyết thắng kẻ giặc hung bạo không?

Tiếng hố vang động cả núi rừng. Những cánh tay lửa, cả biển lửa trào lên biểu lộ sự đồng tâm nhất trí cao của binh sĩ, trước quyết định vô cùng sáng suốt về kế chống giặc của tướng quân.

Cũng từ đêm ấy, khoảng đất vô danh này, đã đi vào lòng người miền xuôi cũng như miền ngược thành cái tên hào hùng “Quảng trường Đồng Định”.

Hơn hai thế kỷ sau, một buổi sáng mùa đông (Tháng 1-1285), “Quảng trường Đồng Định” rợp trời cờ xí, gươm giáo sáng lòa, chiêng trống vang lên, những cánh tay “sát Thát” vung cao tiếng tung hô dậy đất. Hàng vạn nghĩa sĩ và dân binh miền núi chào đón Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn.

Giữa quảng trường im phăng phắc, chỉ còn nghe gió núi hú trong lòng khe và cây rừng xào xạc, một giọng nói hùng hồn, đanh thép vang lên…

…Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ giận không được ăn thịt nằm da, nuốt gan uống máu quân thù. Tuy trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác ta bọc trong da ngựa cũng nguyện xin làm…

Nghe xong bài hịch, người nào người nấy mắt nảy lửa căm thù, sáng ngời ý chí sắt đá: Quyết tâm trả thù nhà đền nợ nước.

Quảng trường sau đó đã đỏ máu quân thù. Thoát Hoan đã vội vã chui vào ống đồng qua Quỷ môn quan chạy về nước thoát thân.

15 – BÃI HÀO

Giữa núi Quỷ và núi Phượng Hoàng, là một khoảng đất khá bằng phẳng, rộng chừng mười mẫu ta. Đó là Bãi Hào. Phía đông Bãi Hào là một chiến lũy nối giữa Quỷ môn quan với núi Phượng và chạy tít tắp về Lục Ngạn, Hà Bắc. Chiến lũy này còn gọi là “Tiểu vạn trường thành”. Chiến lũy cao chừng mươi mét, xây đắp theo hình thang, mặt ngoài là hào sâu, mặt sau thông với rừng đại ngàn.

Phía tây Bãi Hào là dòng sông Thương. Giữa sông Thương với Bãi Hào, là con đường độc đạo từ Quỷ môn quan vào đầm lầy Mã Yên Sơn.

Do địa thế đặc biệt lợi hại của Bãi Hào, ông cha ta cùng dân binh tài trí đã bố trí một trận đồ tuyệt diệu ở đây. Mặt Bãi Hào phẳng lặng yên bình. Dưới lớp cỏ xanh non ấy là hàng nghìn hố bẫy ngựa. Hố bẫy ngựa cũng nằm dọc theo hai bên con đường độc đạo suốt từ đấy về Xương Giang, Hà Bắc. Những tấm ván bắc cầu qua hào sâu cho kỵ binh ta đã được giấu kín trong rừng sâu… Tất cả đang chờ giặc.

Cuối tháng 1-1285, Trấn Nam vương Thoát Hoan dẫn đầu một đồi quân hàng chục vạn tên gồm kỵ binh và bộ binh hùng hổ tràn qua các cửa ải vào xâm lược nước ta. Trần Quốc Tuấn tự đảm nhận mặt trận xung yếu này. Ông ra lệnh cho lính trấn ải và dân binh ở đó vừa đánh cản địch vừa tiêu hao sinh lực chúng, nhưng phải bảo toàn lực lượng rút vào rừng đánh lâu dài. Quỷ môn quan là cửa ải then chốt. Hơn ai hết, vị tiết chế văn võ song toàn ấy hiểu sâu sắc tài trí của đội quân dân binh Tày – Nùng trấn ải ở đây. Vì vậy, trước thế giặc trấn ải ào ào như nước lũ, ông đã tin chắc vào quân dân đất này nên giao nhiệm vụ đánh một đòn phủ đầu gây kinh hoàng đối với lũ giặc ngông cuồng.

Hai vị chỉ huy mưu trí và dũng cảm là Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh cùng các nghĩa sĩ Tày – Nùng trực tiếp nhận sứ mệnh vẻ vang ấy.

Thoát Hoan lướt qua tám cửa ải, tràn xuống đây. Bài học cay đắng về thất bại thảm hại trong cuộc xâm lược lần thứ nhất, đã buộc tên tổng tư lệnh hiếu chiến này dừng ngựa trước “cửa tử” đáng gờm này. Hắn tung một đợt kỵ mã phá ải lọt vào an toàn không có kháng cự đáng kể.

- Hắn tung đợt quân thứ hai: chống cự càng yếu ớt hơn.

Thế là hắn đắc chí lên ngựa, thúc quân tràn tới. Bỗng một cơn bão đá, mưa tên ập xuống đầu chúng tối tăm, mịt mù. Quân ta từ núi Quỷ tràn xuống khóa đuôi, còn quân mai phục từ hang Phượng Hoàng xông ra chặn đầu. Những đội kỵ mã áo đỏ của ta từ trong rừng sâu leo lên chiến lũy. Những chiếc cầu bí mật bắc qua hào nổi lên, đoàn kỵ sĩ lao xuống như một cơn lốc quật vào sườn quân giặc.

Không có đường tiến, càng không có đường lui, quân giặc phải cụm lại trên Bãi Hào. Thế là một trận giáp lá cà xảy ra. Ngựa của giặc sa hố bẫy, gục xuống la liệt, xác chồng chất lên nhau bọn sống sót cuống cuồng nhảy cả xuống sông, đụng phải đá ngầm, máu chảy đỏ dòng...

Khi đại quân của giặc kịp tràn đến cứu nguy thì quân ta đã biến mất. Nhìn tướng sĩ của mình nằm phơi thây, chất đầy bãi cỏ, Thoát Hoan uất ức nấc lên. Hắn rút kiếm bạc chỉ lên ngọn núi Phượng Hoàng thề trước ba quân:

- Lấy xong nước Nam, ta sẽ san bằng vùng này, sẽ giết hết, đốt hết.

Nhục nhã thay cho thống lĩnh Trấn Nam vương, con người đã vỗ ngực tự cho là kẻ bất khả chiến thắng, đã từng tung vó ngựa khắp châu Âu, châu Á, thế mà có một lời nguyền ở mảnh đất bé như bàn tay này, “ngài” lại chịu buông tay sao?

Sáu tháng sau, cuối tháng 5-1285, Thoát Hoan lại phi ngựa trở lại đất này. Nhưng không phải “ngài” về đây để “trừng phạt” mà là chạy thoát thân. Xác đồng ngũ của “ngài” nằm rải suốt mấy mươi dặm từ Hà Bắc về đây, để thế mạng cho “ngài”. Thế là khi “ngài” chạy đến Bãi Hào. “Ngài” đã vội vàng xuống ngựa chui lọt vào ống đồng, bắt lính khiêng qua Quỷ môn, mở đường máu thoát về nước.

Vượt qua đất chết, về đến nước, Thoát Hoan chui ra khỏi ống đồng, chân tay vẫn còn run. Khi biết hai vị tướng thân cận nhất của mình là Lý Hằng và Lý Quán đã vì mình mà bỏ xác trên Bãi Hào, “ngài” khiếp đảm đến ngất xỉu.

Thế là Bãi Hào của cửa ải đáng sợ, vẫn còn nợ “ngài” với những lời thề độc địa đầu năm.

Hai năm sau, tháng 12-1287, Trấn Nam Vương Thoát Hoan lại được vua cha long trọng trao cho chức tổng chỉ huy một đội quân hùng hậu sang nước Nam phục thù với tất cả những gì cay cú của tên bạo chúa phong kiến hiếu chiến.

Lần này, qua Quỷ môn quan, với Bãi Hào đáng sợ, “ngài” đã bớt bùng nổ và cuồng dại hơn trước. “Ngài” đã thận trọng rải xác quân ra để vượt qua. Lần này “ngài” không chỉ gươm thề độc nhưng vẫn phải tím gan tím ruột vì lời thề đó. Chắc là lấy xong nước Nam, “ngài” mới quay lại mảnh đất ma quỉ này để tàn phá cho hả giận.

Chưa đầy hai năm sau, “ngài” đã ba chân bốn cẳng chạy thoát thân về nước bằng một đường máu trên chặng đường dài gần trăm dặm khi qua Bãi Hào. “Ngài” đã phải dồn tất cả số quân còn lại để mở cuộc tử chiến cứu mạng, thế mà “ngài” suýt nữa rơi đầu nơi cửa tử khủng khiếp này.

Lời thề của “ngài” từ đó vĩnh viễn trở thành dang dở.

Riêng Bãi Hào vẫn còn đó, mãi mãi vang lên hào khí oai hùng của quân dân ta. Núi Phượng Hoàng vẫn xòe cánh tư thế bay lên, bay lên.

16 – NGÕ THỀ

Hai dãy núi Đại Ngàn và Cai Kinh chạy song song đến đồng bằng, dường như khép lại tạo thành một lối đi giống như một cửa ngõ sâu thẳm. Đó là Ngõ Thề. Từ Quỷ môn quan xuôi phía Nam đến Ngõ Thề, dài chừng sáu cây số: Ngõ Thề là vọng gác cuối cùng bảo về Biệt Thự xứ, bảo vệ kho tàng và trận đồ bí mật Chi Lăng.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, có một chàng dân binh trẻ người Tày được bổ về làm trạm trưởng vọng gác phía Nam này. Gia đình đã hỏi vợ cho anh. Sắp đến ngày làm lễ cưới thì đất nước bị ngoại xâm, anh xin cha mẹ hoãn cưới, từ biệt người yêu và bản làng lên đường đánh giặc. Ít lâu sau, người vợ xinh đẹp của anh cũng từ giã quê hương, băng đèo lội suối về đây với anh làm nghĩa sĩ nuôi quân. Bên vọng gác, dưới ánh trăng rằm vằng vặc, anh chị đã cắt máu nhỏ vào chén rượu cùng nhau uống cạn và thề dưới trăng:

Chưa tan giặc, chưa cưới nhau. Nếu một còn, một mất thì người sống vẫn tiếp tục đánh giặc.

Hai người nghĩa sĩ vô danh ấy, một trai một gái đã sát cánh bên nhau cùng đồng ngũ chiến đấu vô cùng anh dũng. Xác quân thù chất đầy cửa ngõ. Họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh vì độc lập của tổ quốc. Khi chết, hai nghĩa sĩ bất khuất vẫn nằm bên nhau.

Tàn trận, đồng đội đã quấn xác hai nghĩa sĩ ưu tú ấy bằng nhiễu đỏ, đặt thi hài vào quan tài bằng gỗ trầm hương rồi chôn họ bên nhau như lúc hai người còn sống ngay bên vọng gác, nơi hai người chiến đấu và hy sinh. Trước tấm gương chói ngời xả thân vì nghĩa nước, lính trấn ải và dân binh ở đây đã cùng đồng bào các dân tộc quanh vùng, kéo về làm lễ an táng cho họ. Một tiệc rượu ăn thề được bày ra bên mộ hai người. Họ thề suốt đời sát cánh chiến đấu bên nhau như anh em ruột thịt, suốt đời theo gương hai người nghĩa sĩ, sống chết vì tổ quốc.

Ngõ thề mang cái tên thiêng liêng là do như vậy.

Thương tiếc và kính trọng những nghĩa sĩ vô danh đã bỏ mình vì nước ở đây, đồng bào các dân tộc đã trồng ở Ngõ Thề một cây gạo và lập miếu thờ. Cây gạo lớn cao với ba chồi đều đặn, vững trãi trước mọi phong ba. Lá gạo xanh màu xanh bất diệt của đất nước. Hoa gạo đỏ rực như tinh thần chiến đấu ngoan cường và chiến công chói lọi của người nghĩa sĩ. Bông gạo trắng ngần, và ấm như tấm lòng người chồng chưa cưới của mình.

Cây gạo ba chồi với miếu thờ còn đó như niềm kiêu hãnh của Ngõ Thề.

17 – Núi Ngọc

Giữa đồi than muội và Quỷ môn quan, có một quả núi đá, tròn xinh như một viên ngọc. Đó là núi Ngọc.

Truyền thuyết cho biết: Ngày xưa, thời nhà Minh đô hộ nước ta, vào một năm mất mùa đói kém, gạo, bắp chỉ dành cho trẻ sơ sinh và cụ già ngoài bảy mươi tuổi, còn lại ai cũng phải ăn củ mài, củ sắn thay cơm.

Một buổi trưa tháng sáu, trời nắng như đổ lửa xuống rừng, trẻ rủ nhau lùa trâu ra sông tắm mát, xong cùng nhau lên vệ đường, ngồi dưới bóng mát lùm cây, giở gói sắn lùi ra ăn thay cơm. Đúng lúc ấy, có một ông già râu tóc bạc phơ, ăn mặc rách rưới, dáng mệt nhọc bơ phờ, vai khoác chiếc nải chàm từ phía xuôi chống gậy đi lên.

Đàn trẻ chăn trâu chào ông cụ. Cụ gật đầu đưa tay lau mồ hôi ướt đầm đìa trên mặt, trả lời bọn trẻ không thành tiếng vì quá mệt. Cụ ngồi xuống, hai đầu gối run run.

- Lão đói và kha... a... át... nư... ớ... c.

Nghe vậy, bọn trẻ đã dồn tất cả số sắn còn lại mang đến cho cụ và lấy ống mai xuống suối múc nước cho cụ.

Trông cụ ngồi ăn thật khó nhọc, cứ cắn một miếng sắn, phải nhắm một ngụm nước suối mà vẫn không nuốt trôi, bọn trẻ rủ nhau về lấy cơm đem ra cho cụ.

Nhìn mấy nắm cơm, đôi mắt già nua sáng lên, cụ hỏi:

- Các cháu lấy cơm ở đâu cho ông thế?

- Cơm phần em bé và ông cháu đấy. Ông cháu cũng già như ông – Một em trả lời cụ.

Ăn xong mấy nắm cơm, cụ già tỉnh hẳn lại. Cụ bảo:

- Cụ đi từ dưới biển lên đây. Biển rộng như vùng trời ấy, không thấy bến, thấy bờ. Tất cả suối của miền ta, tất cả hồ của rừng ta gộp lại cũng không sao sánh được với biển Đông. Ông đã xa cái bản, xa cái suối, cái rừng, xa cái nương, cái rẫy trong hơn một nghìn lần mặt trời mọc, ba mươi ba lần trăng tròn. Quan đô hộ bắt ông đi hết hạn mới được về! Từ biển về đây là mười lần trăng tròn. Qua bao nhiêu làng, bản, qua bao nhiêu sông rộng, suối sâu, ông thấy ở đâu cũng mất mùa, ở đâu cũng đói khổ. Ông đã gặp rất nhiều con trẻ nhưng không trẻ nơi nào tốt bằng nơi đây. Ông biết ơn các cháu nhiều lắm. – Ông cười và lùa tay vào cái nải xanh bốc ra một nắm những hạt tròn xinh xinh, sáng rực muôn màu trên bàn tay.

Ông đem chia đều cho mỗi trẻ một viên tròn xinh, có sắc màu rực rỡ kỳ lạ. Ông bảo:

- Đó là ngọc trai, quí lắm. Chỉ dưới đáy biển mới có thôi. Quan đô hộ bắt ông đi xuống biển mò của quí này về cho nó. Biển ta, rừng núi ta giàu của cải như thế mà lại phải dâng nộp cho người nước ngoài. Ông thở dài buồn bã...

Một đám mây đen từ chân trời bay đến, trời đang nắng bỗng tối sầm, cơn dông bất thường nổi lên, gió gào rít trong rừng già. Bọn trẻ vội vã chạy túa đi lùa trâu. Lúc qua đây thì ông già đã biến mất, bên ven đường còn lăn lóc chiếc tay nải màu xanh chói ngời những viên ngọc quí. Chúng gọi mãi mà chẳng thấy ông già. Trời bắt đầu mưa, chúng bảo nhau đem nải ngọc về, cho rằng cụ già đã bỏ quên.

Tối ấy, bọn trẻ đem chuyện gặp cụ già kể lại cho già bản. Người già bàn với nhau những gì đó nhiều lắm. Tạnh mưa, người già bắt trai tráng đi tìm xem ông cụ lạ ẩn vào đâu. Đến sáng không thấy, người già cùng bọn trẻ đem trả nải ngọc nơi ven đường ông già nghỉ hôm qua. Mọi người chờ mãi, chờ mãi, vào lúc mặt trời mọc lên gần tới đỉnh đầu thì thấy ông già chống gậy trở lại.

Già bản trao lại nải ngọc và mời ông cụ vào bản chơi, hứa ngày mai sẽ cho con cháu đưa cụ về. Hỏi quê, cụ không nói, mời vào bản nghỉ, cụ từ chối. Tay cầm nải ngọc run run, cụ nói với già làng:

- Tôi đã ngâm mình dưới nước qua một nghìn lần ông mặt trời mọc, ba mươi ba lần ông trăng tròn. Tôi đã có một nải ngọc quí, ngọc trong như nước suối đầu nguồn, ngọc sáng lên muôn màu rực rỡ, nhưng ngọc dù trong đến đâu, sáng lên thêm một ngàn lần nữa cũng không sao sánh nổi với tấm lòng người dân vùng này, với cái bụng của người dân vùng này. Xin biếu các già bản, biếu các cháu ngoan!

Nói xong, ông già biến mất. Nải ngọc trai sáng rực lên trên tay người già đang đứng như như cây nghiến giữa rừng khi trời lặn gió. Đêm ấy, một quả núi choai xinh mọc lên ở đó. Núi ngọc xinh xinh. Nải ngọc quí theo người già, trai tráng vào rừng sâu.

Ngọc thành vũ khí, ngọc tăng thêm ý chí và làm sáng ngời thêm phẩm giá con người, theo con người vào rừng sâu đứng dậy đuổi giặc Minh.

18 – ĐỀN QUỶ MÔN

Đầu thôn Quán Thanh, sát chân núi Quỷ (núi Hàm Quỷ) phía nam là đền Quỷ Môn. Đền xây bằng gạch, lợp ngói máng, có hậu cung và tiền sảnh. Theo ký ức các cụ già thì đền được các triều vua phong sắc, có người cho biết cách đây trên 40 năm, đền vẫn còn nguyên dạng.

Thời tiền Lê, những người lính trấn ải đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, chém chết tướng giặc Hầu Nhân Bảo, phá tan đạo quân xâm lược Tống tại đây. Ngay trên miếng đất dựng đền bây giờ, nơi Lê Đại Hành đã làm lễ tấn phong công trạng cho các nghĩa sĩ trấn ải bỏ mình vì nước. Từ đó, nhân dân các dân tộc địa phương đã lập nên đền.

Đền Quỷ Môn tương truyền là rất thiêng. Thời kỳ giặc Minh đô hộ nước ta, miếu mạo ghi công trạng các anh hùng dân tộc đều bị đột phá. Lạ thay, riêng đền Quỷ Môn bị giặc phá hôm trước thì sau một đêm, đền lại mọc lên như có phép thần. Giặc chịu, không phá nổi. Chúng cho quân đến nằm gác quanh ngôi miếu bị phá. Cứ nửa đêm, bất thình lình một hòn lửa từ trên trời rơi xuống đầu, làm chúng chạy tán loạn, mà sự thật là: đêm đêm dân binh ta bao vây bắn tên cung mang bùi nhùi lửa từ trên núi Quỉ xuống làm hiệu cho quân bao vây, ập vào chém giặc. Chúng tưởng là quỉ thần nên sợ hãi, chạy tán loạn rồi vĩnh viễn kiềng núi Quỷ lạ kỳ từ đó.

19 – BIỆT THỰ XỨ

Nói đến Chi Lăng, trước hết ta cần chú ý đến Biệt Thự xứ. Gọi là Biệt Thự xứ bởi vì xưa kia nhân dân ta đã xây dựng ở đây những dinh thự để cho các sứ thần của ta trước khi có việc ra nước ngoài, đến đây nghỉ ngơi, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết, xem xét kiểm tra lại lần cuối cùng, tất cả nội dung công cán của mình trước khi rời Tổ Quốc. Các sứ thần nước ngoài từ phương bắc, trước khi được phép vào Thăng Long cũng phải dừng lại ở đây, chờ người của ta kiểm tra và đưa đường. Cũng chính trên mảnh đất nhỏ bé xinh đẹp này, ở ngay vườn thú của Biệt Thự xứ, cách đây vừa chẵn năm trăm sáu mươi sáu năm, có một sự tích làm xúc động mạnh mẽ hàng vạn trái tim của ông cha ta thuở ấy. Sự tích cảm động đó còn truyền tụng đến mãi bây giờ.

Vào một buổi chiều mùa thu năm 1407, mảnh đất Chi Lăng đang nằm trong cảnh máu lửa của quân xâm lược, bỗng náo động hẳn lên vì tiếng thanh la, não bạt, chiêng trống,... từ phương nam vọng lại. Giặc Minh hùng hổ, la hét om sòm lũ lượt kéo nhau vào Biệt Thự xứ. Giữa bầy giặc là những người dân phu, mặt đỏ như gấc, mồ hôi đầm đìa, quần áo tả tơi, đầu trần chân đất, è cổ, lặc lè khiêng, vác những hòm xiểng, lợn, gà, cả những cũi sắt nhốt tù binh.

Hạ trại quanh Biệt Thự xứ xong, giặc vội vã tỏa đi khắp các bản làng, hãm hiếp, cướp bóc nhân dân địa phương. Chúng hạch sách đủ điều. Ai không có gà lợn cống nạp, lập tức bị chúng mổ bụng, moi gan, xả thịt rán mỡ, mở tiệc ăn mừng.

Giữa lúc bọn giặc đang chè chén linh đình trong Biệt Thự xứ, những tên lính áp tải tù nhân, chân đi lảo đảo, hơi thở sặc mùi rượu, quát tháo dân phu đem cơm cho tù. Có hai chàng dân phu trẻ đang lặng lẽ bưng rá cơm trộn sỏi cát mang đến cho người tù. Sau khi mở khóa, tên lính đóng sập khóa lại bỏ đi vào bàn tiệc. Còn lại hai chàng dân phu với vẻ mặt đau buồn, đứng chắp hai tay, mắt đăm đăm nhìn vào trong cũi sắt với nỗi đau xót và kính trọng tột cùng. Điều đặc biệt là hai chàng dân phu đó có vẻ mặt giống nhau như đúc. Chỉ cần nhìn qua cũng biết họ cùng chung một dòng máu. Người anh chừng 26 - 27 tuổi, dáng tầm thước, vẻ mặt khôi ngô tuấn tú. Trên khuôn mặt hiền từ, đức độ là một vầng trán cao, rộng, hai mắt to, đôi môi mím chặt, nghiêm nghị mà khuôn mặt vẫn rất đỗi nhân từ. Duy có đôi mắt là khác người, đôi mắt đẹp và trong sáng lạ lùng. Đôi mắt ấy đang nhìn đau đáu vào người tù trong cũi như chờ đợi một điều gì đó.

Từ trong cũi, một ông già quắc thước, râu tóc bạc phơ cũng có khuôn mặt nhân từ và đôi mắt vẫn sáng như sao, hao hao giống hai chàng dân phu trẻ. Ông già đưa rá cơm đến sát người dân phu, lấy ngón tay trỏ thon dài chỉ vào rá cơm đầy sỏi cát như ra hiệu cho chàng dân phu lớn tuổi. Chàng trai lập tức nhìn như thôi miên vào ngón tay ông già. Ngón tay ấy ung dung vạch ngang dọc trên rá cơm, thành một hàng chữ nho. Được 9 chữ, ông già dừng lại, nhặt một nắm sỏi trong rá cơm, ngước mắt nhìn chàng trai và trao cho anh nắm sỏi đó qua hàng song sắt. Khuôn mặt tái xanh của người dân phu bỗng ửng đỏ và từ đôi mắt đẹp tuyệt trần của anh, bỗng mờ ngấn nước. Anh đón lấy nắm sỏi, quả quyết gạt nước mắt, xòe bàn tay trái, nhanh chóng xếp từng viên sỏi nhỏ thành một hàng chữ đều đặn trên tay. Ông già nhìn xoáy vào bàn tay chàng trai và khóe mắt già nua của ông bỗng sáng rực như ngọn lửa. Ông gật đầu, vẻ mãn nguyện, mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời xa ở phương Nam. Chàng dân phu lặng lẽ cúi đầu nghiêng mình bên cũi sắt, kín đáo nắm chặt bàn tay người em, mắt vẫn không rời ông già. Đôi mắt đẹp của anh bỗng sáng rực như hai quầng lửa, anh lặng lẽ đi về phía bờ sông... lúc đó trời đã chạng vạng tối. Ông già trong cũi sắt chính là Nguyễn Phi Khanh, hai chàng dân phu trẻ là Nguyễn Trãi, con cả của ông và Nguyễn Phi Hùng con thứ của ông, em ruột Nguyễn Trãi.

Sau khi vua tôi nhà Hồ bị bắt trong đó có Nguyễn Phi Khanh, giặc Minh giải ông về Trung Quốc xử tội. Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Hùng đóng giả dân phu để khiêng cha và hầu cha dọc đường. Đưa cha sang Trung Quốc với hy vọng đem được hài cốt của cha từ đất khách quê người trở về quê hương đất nước, để giữ tròn chữ hiếu nhưng đến Biệt Thự xứ, trạm nghỉ cuối cùng của bọn xâm lược trước khi về nước, biết ý định của hai con, lợi dụng lúc giặc tiệc tùng sơ hở, ông đã kín đáo giáo huấn cho con trai cả với hàng chữ sau đây trên rá cơm tù:

“Hữu qui phục quốc thù, khốc hà vi dã?” Nghĩa là: Hãy quay trở về trả thù cho nước, khóc mà làm gì? Vâng lệnh cha và cũng chính là ngọn lửa của lòng yêu nước trong trái tim mình – tiếng gọi của nhân dân, đất nước đốt cháy bùng lên đúng lúc, Nguyễn Trãi đã quyết định vĩnh biệt người cha kính yêu, gác tình riêng, mưu nghiệp lớn, quay trở lại tìm đường cứu nước, cứu dân.

Về sau, ngưỡng mộ cuộc chia ly xúc động và cao đẹp đó của hai cha con người anh hùng dân tộc Nguyễn Trải, nhân dân đã có thơ:

Con yêu quí chớ mủi lòng mềm yếu,

Gác tình tiêng vỗ cánh trở về Nam.

Trai con ơi, tận trung là tận hiếu

Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn lang.

Nếu trời muốn nước non này bị diệt

Thì lướt thù sẽ ụp xuống đầu xanh,

Không! Nước non này không chết!

Về ngay đi, rồi chí nguyện công thành.

Và Nguyễn Trãi vâng lênh cha đáp lại qua dòng chữ viết bằng sỏi cơm của cha trên tay mình:

Cha yêu quí, cứ yên lòng cha nhé!

Vâng mệnh cha: Đền nợ nước, con thề...

Quì lạy cha, ôi đau lòng là thế!

Từ Chi Lăng, theo gió con bay về...

Nguyễn Phi Khanh vui sướng từ biệt con, bật lên thành thơ:

Ôi, sung sướng, trời sao chưa mờ hết

Về đi con, ghi nhớ hận Chi Lăng!

Chờ con đó, cha yên lòng nhắm mắt

Cha nguyện cầu: Con lấy lại giang san!

Khi bọn giặc biết chàng quân phu trẻ kia chính là Nguyễn Trãi, con cả của tù nhân nguy hiểm trong cũi số 2, chúng lồng lộn đốt đuốc bổ vây lùng sục để bắt giết. Nhưng chúng đã muộn rồi, Nguyễn Trãi đã được nhân dân địa phương bảo vệ bằng hàng rào bất khả xâm phạm của những trái tim cháy bỏng lòng yêu nước và chí căm thù giặc. Nguyễn Trãi đang ung dung nựng hai cháu gái bé bỏng trong một hang đá tuyệt mật, ngay sát nách quân thù, dưới sự bảo vệ vững chắc của đồng bào các dân tộc Chi Lăng. Hai cháu bé đó là Hoàng Thị Kim Liên và Hoàng Thị Kim Hoa, con gái một người dân địa phương giàu lòng yêu nước là Hoàng Đại Huề. (Lịch sử Việt Nam – tập 1 – gọi là Lý Huề)

Nguyễn Trãi lưu lại ở đây một thời gian. Tương truyền rằng trong thời gian này, chiều chiều ông vẫn vác cuốc, giả đi lấy nước vào ruộng nương để nghiên cứu địa hình, địa vật.

Một điều vô cùng lý thú nữa là hai mươi năm sau, mùa thu tháng 10 năm 1427, thực hiện chiến thuật, chiến lược thiên tài của Nguyễn Trãi, đoàn nghĩa sĩ dân binh địa phương do ông Hoàng Đại Huề đứng đầu trong đó có hai cô con gái ông, đã cùng quân dân cả nước đánh tan mười vạn quân giặc, chém đầu tướng giặc Liễu Thăng ngay trên quê hương mình, lập nên chiến thắng Chi Lăng lẫy lừng, góp phần quan trọng kết thúc chiến tranh giải phóng đất nước cực kỳ anh dũng suốt 10 năm trời.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay