24. Có cái đéo gì mà phải xấu hổ!
Có cái đéo gì mà phải xấu hổ!
Hồi mình chuẩn bị thi đại học (trường Mỹ thuật Công nghiệp) thì Kều đang bộ đội, đóng quân Sơn Tây. Kều hơn mình một tuổi, nó xuống Hà Nội luyện thi thì gặp mình, rồi thân. Ông anh họ của Kều có một căn hộ bé xíu khoảng 9 m2, không dùng, mới cho Kều về ở. Mình nhà ở Hà Nội, nhưng hay đến chỗ Kều vẽ và ngủ, cho tự do.
Trong số môn thi để vào Mỹ thuật Công nghiệp ngày ấy ngoài hai môn vẽ: hình họa, trang trí, còn phải thi hai môn văn hóa nữa là toán và văn. Thí sinh thi vào trường này có truyền thống học văn hóa dốt, thành ra thằng nào điểm văn hóa cao là cơ hội đỗ tăng vọt.
Kều hỏi mình:
- Trình độ văn hóa mày thế nào?
- Văn thì còn bịa được chút ít, chứ toán thì ngu như lợn! - Rồi hỏi lại Kều, - Mày thì sao?
Kều thụt thụt cái mồm kêu “ụt ịt ụt ịt...” thay cho câu trả lời.
Gần ngày thi Kều bảo:
- Tao với mày ngồi khác buồng, nên hôm nào vào phòng thi hai thằng phải căn đồng hồ, làm sao cứ 9 giờ 30 phút thì cùng xin đi đái, gặp nhau ở buồng đái, tao làm được gì tao bày cho mày, mày làm được gì mày bày cho tao.
Mình phân vân:
- Hai thằng ngu ngang ngửa như nhau thì biết gì mà bày?
- Cái thằng này! Tức là tao quay được gì thì tao đưa mày, mày quay được gì thì mày đưa tao.
Mình có nghe kinh nghiệm của mấy khóa trước đi thi về tuyên truyền lại, liền kể:
- Luật bất thành văn ở trường này là vào thi nếu giám thị bắt được thí sinh quay bài sẽ thu tài liệu, nhưng không đánh dấu bài, vẫn cho thi tiếp. Thế là đã có châm chước vì đây là trường năng khiếu, môn văn hóa không đánh giá cao. Trường mình vào kỳ thi toàn mượn giáo viên mấy trường cấp ba về trông, mắt lửa ngươi vàng, kinh nghiệm đầy mình, thằng nào quay cũng bị giám thị dính đít hết. Mà như cái loại tao với mày, tài liệu đã bị thu thì cũng coi như toi, ngồi thi tiếp làm gì!
Vài hôm sau gặp mình, mặt Kều tươi tỉnh, Kều bảo:
- Hôm thi văn hóa tao có cách rồi.
- ...?
- Hôm ấy tao sẽ mặc quân phục, thấy là bộ đội, tình quân dân cá nước, thể nào giám thị cũng thương...
- Xoay thêm một bộ nữa cho tao. Tao cũng làm bộ đội! Thông minh quá đồ ngu ơi!
Năm ấy trường Mỹ thuật Công nghiệp thuê địa điểm thi ở một trường cấp ba, lúc thi hai môn văn hóa, cũng như mọi năm, giáo viên trường cấp ba này đảm nhận luôn việc trông thi.
Mấy hôm trước Kều về đơn vị mang xuống hai bộ quân phục, một bộ sẵn của nó, một bộ nó mượn cho mình, có gắn cả quân hàm quân hiệu. Mình với Kều xanh rì - đỏ chót xuất hiện ở địa điểm thi, cả trường nhìn.
Vào phòng thi chỗ mình ngồi cuối lớp. Quyển Đáp án bộ đề thi đại học dày cộp mình giắt thắt lưng. Giám thị là hai cô giáo. Thấy mình mặc quân phục, một cô hỏi:
- Cậu là bộ đội à?
- Thưa cô, vâng!
- Phòng bên kia cũng có một cậu bộ đội, thế có biết nhau không?
- Dạ, bạn ấy ở đơn vị cùng em, đơn vị cử hai đứa đi thi, học xong trở về phục vụ quân đội.
Mình cố thêm cái ý “trở về phục vụ quân đội” là để tăng thiện cảm của cô. Chiêu này có vẻ thành công, cô giám thị ân cần:
- Thế đi thi thế này cậu có ôn được nhiều không?
- Thưa cô, thời gian bọn em cũng hạn chế vì vẫn còn nhiệm vụ của quân đội. Bọn em có vất vả hơn ở mấy môn văn hóa. Nhưng... nhưng được đi thi thế này là đơn vị đã tạo điều kiện cho bọn em nhiều lắm đấy ạ!
Cô giám thị nhìn xuống bụng mình. Mình cũng liếc xuống bụng mình, gáy quyển Đáp án bộ đề thi đại học kẹp trong bụng trồi qua khe áo. Cô không nói gì.
Hôm ấy ở phòng mình rất nhiều đứa quay bài. Đống phao của bọn này có cái làm rất kỳ công, thành những băng giấy bé bằng nửa cuộn phim kẹp gọn giữa hai ngón tay, chữ trên đó li ti như đít muỗi. Thế mà hai cô giám thị cực tinh, bắt không sót trường hợp nào. Riêng mình đặt cả quyển Đáp án bộ để thi đại học dày cồm cộp trên lòng, xé các trang cần chép, xong ngồi lên, vừa rề rề tay ở khe háng vừa ghi (năm ấy đề thi toán trường mình toàn rút từ cuốn này). Có lần đi ngang mình cô giám thị nói bâng quơ:
- Hình như sắp đến giờ giám thị hành lang đi kiểm tra.
Mình biết lắm cái bâng quơ ấy cô dành cho ai.
Lúc chạy xuống nhà vệ sinh gặp Kều, mình hỏi:
- Thế nào, thoát không?
- Phải hỏi thắng không chứ không phải thoát không!
Năm ấy mình và Kều cùng “thắng”, có học bổng. Điểm văn hóa mình hơn Kều nửa điểm.
Mình bảo:
- Thì ra về học vấn tao vẫn uyên thâm hơn!
Kều bảo:
- Thì ra viết chính tả cũng được coi là học vấn.
Hai mươi năm sau mình lấy vợ. Bộ Đại học cũng đã tỏ ra sáng suốt hơn khi không còn bắt học sinh thi vào Mỹ thuật Công nghiệp phải thi môn toán. Mình và Kều hàng tuần vẫn gặp nhau uống bia, thỉnh thoảng ôn chuyện xưa vẫn nói: “Hồi đó bọn mình vào được đại học là nhờ thông minh hơn người.”
Vợ mình vốn từ bé đã là dân trường chuyên lớp chọn, thị sang Đức học, rồi sang Mỹ làm tiến sĩ về công nghệ môi trường ở trường Michigan - cái trường này vốn có tiếng tăm, nằm trong top 10 đại học của Mỹ.
Một lần mình với vợ xem vô tuyến, thấy phóng sự nói về tình trạng quay cóp của học sinh sinh viên trong các kỳ thi, vợ mình nói:
- Anh có tin không, từ bé đến lớn em chưa bao giờ biết quay cóp.
- Ừ, thì tin!
- Ừ... thì... tin, vợ mình đây, sao miễn cưỡng thế?
Một lát thị lại tiếp: Mà sao người ta lại có thể hồn nhiên quay cóp thế được nhỉ? Tại sao người ta không thấy xấu hổ nhỉ?
Mình vốn nổi tiếng sợ vợ, thế mà lúc ấy bỗng nhiên máu trên mặt bốc pừng pừng, mình trợn mắt, băm bổ:
- Có cái đéo gì mà phải xấu hổ! Có cái đéo gì mà phải xấu hổ...! Hử? Hử? Hử?...