25. Kiệt tác của đời - Nhặt từ mồm Châu Điên

Kiệt tác của đời

Lão tên Nguyễn Đình Phong, lão hơn mình hàng chục tuổi. Sau tên lão, đời gắn cho những biệt hiệu như “già”, “gàn”, “cô sĩ”, “chập”... Nhà mình với nhà lão gần nhau. Lão học ở trường Viết văn Nguyễn Du khóa 5, mình học ở Mỹ thuật Công nghiệp, hai trường cạnh nhau. Nên mình với lão thành thân nhau.

Tính lão đại luộm thuộm. Nhà to không ở, lão dọn ra gian để xe, làm cái gác xép bốn mét vuông như chòi chim, cho tự do. Cái chòi này chẳng bao giờ khóa, bạn bè ai đến cứ việc tùy tiện leo lên tụ bạ hoặc ngủ, kể cả chủ nhân không có nhà.

Lão là người tốt tính, chị em phụ nữ nhiều người quý lão, nhưng không yêu. Đến thăm chỗ lão ở, khi về họ bảo: “Nghiêng 23 độ 5” Chẳng hiểu nói chòi hay nói chủ!

Năm ba mươi tư tuổi, lão nói với mình: “Đời tao ba mươi tư năm rồi, chưa một lần được nắm tay người con gái nào!” Nghe giọng lão rất thương.

Năm ba mươi lăm tuổi, lão nói với mình: “Đời tao ba mươi lăm năm rồi, chưa một lần được nắm tay người con gái nào!”, nghe giọng lão cực kỳ thương.

Năm ba mươi sáu tuổi, lão nói với mình: “Ba mươi sáu năm rồi nhé, đéo một đứa con gái nào được phép động vào tay tao!” Lúc nói câu này giọng lão cực kỳ hợm hĩnh.

Lão là loại lắm lý sự, lại thích uống bia và không thù dai. Mọi bàn nhậu có lão đều vui, vì có người để cãi vặt. Mình và lão hay cà kê hàng bia, chuyện thế thái nhân tình đến nắm xôi cái kiến đều có thể gom, ném vào nồi lẩu cho ngọt nước. Mình mà nói, lợn kêu eng éc, lão sẽ bảo lợn kêu ụt ịt. Nhưng lần nào đó, mình bảo lợn kêu ụt ịt, lão tức thì quay ngoắt chứng minh rằng lợn kêu eng éc. Mặc kệ lúc trước vừa khản cổ kêu mình kém thẩm âm, chẳng hiểu gì về lợn.

Cuộc đấu mồm của cả hai cứ lủn mủn liên miên. Cũng có lúc cãi nhau to. Hôm sau tỉnh, lại gặp nhau làm hòa. Lão bảo mình: “Cái kiểu uống bia của tao với mày nó không hề tầm thường, mà là hình thức thể dục cho trí óc, có cãi nhau thế nơron thần kinh mới hoạt, mới chống được bệnh đần!”

Nhiều bận trên chòi chim, mình với lão mua bia về, khoát luận cao đàm. Có con chó nhà hàng xóm chạy sang nằm chồm hỗm dưới chân cầu thang dự khán. Những bận nôn, chó thè lưỡi dọn. Lòng dạ ai ngọt, ai cay, ai trắng, ai nhờ nhờ... nó biết. Chó bỗng thành tri âm!

Một lần cũng đang uống bia, mình tự nhiên cảm thán:

- Ở đời này mà nghèo thì dễ hèn lắm anh.

Lão khi đó chưa vợ, nhiệt huyết văn chương như dòng nham. Lão hùng hồn:

- Phong này dẫu nghèo, nhưng xin hứa, nếu đời không cho Phong nhìn lên, Phong cũng sẽ nhìn thẳng, chứ quyết không nhìn xuống!

Thế là mình với lão lại có để tài để cãi nhau và tu bia. Con chó nghe, rồi chả biết có phải chối quá không mà nó nguẩy nguẩy đít bỏ đi, để lại bãi cứt. Nửa can bia đã cạn, mà mình với lão cãi nhau vẫn đang hăng, lão liền đi mua bia tiếp. Lát sau mình nghe lão đứng dưới chòi rống lên chửi con chó hôm nay chơi khăm chơi bẩn, ỉa ngay chân cầu thang, làm lão giẫm phải. Mình bảo:

- Tại anh cứ nhìn thẳng với nhìn lên, chứ đéo nhìn xuống, nên mới thế!

Lão tự nhiên nghền nghệt mặt, rồi bảo:

- Thằng này nói câu này sâu!

Lâu lắm mới nghe lão tán đồng với mình một câu, mặt mình đâm cũng nghền nghệt theo, vì lạ và cảm động!

Năm ba mươi bảy tuổi, lão đi chụp ảnh đám cưới. Lúc lão vào bếp, có một nàng đổ ụp chậu nước rửa bát thừa, làm cái quần của lão ướt sũng từ chân đến đầu gối. Cô nàng vội vàng vừa phủi cặn thức ăn dính trên quần lão, vừa lí nhí xin lỗi. Thấy lão cứ đứng sừng sững không nói không rằng, nàng đâm hoảng. Nàng đâu ngờ: lão đã yêu!

Khi về nhà lão kể với mình, giọng run run: “Ba mươi bảy năm nay lần đầu tiên tao được một người con gái cầm chân mày ạ!”

Lão rủ mình đến nhà nàng. Từ đầu buổi tới cuối buổi lão chỉ ngồi cười hề hề, thế mà nàng đổ. Một tháng sau, lão với nàng lấy nhau. Hôm cưới, mình hỏi lão: “Anh có bùa bả gì không mà tại sao cứ ngồi cười như thằng dở hơi, mà gái vẫn đổ thế?” Lão bĩu môi: “Anh mày tích nội công ba mươi bảy năm chỉ để ra một đòn, cao siêu lắm, trình như mày đéo thể hiểu được!”

Vợ lão đẻ sòn sòn ba năm hai đứa, gái trước trai sau. Lão gọi hai đứa con là “kiệt tác của đời”. Giờ thì đi đâu lão cũng chỉ chăm chăm nhìn xuống, sao cho hai “kiệt tác của đời” đừng ngã, đừng giẫm cứt...

Vài lần gặp lão mình cũng có nhắc chuyện văn chương, lão nghe vài câu rồi bảo:

- Nói với cái đít tao đây này!

Nhặt từ mồm Châu Điên

1.

Ngày 15.3.2008. Châu Điên nói:

- A lô...! A lô... ông có bị cao huyết áp không?... À, thế có bị tim không?... Ông bình tĩnh nhé, phải thật bình tĩnh vì tôi gọi điện thông báo với ông một tin cực kỳ đau thương và buồn thảm, đó là ngày mai vợ nó lấy tôi!... Bĩ lắm, nhưng không trốn được!... Tại bố nó nói, ba năm nay anh bảo là tìm hiểu, thế nhưng anh cứ tìm mãi, liệu bao giờ anh mới chịu hiểu!... Ừ nhé, ông phải lên đấy, lên cho nó vợi màu u ám. Địa điểm là nhà thuyền Hồ Tây, năm giờ chiều... Mà gặp được thằng nào thì cứ thông báo hộ luôn. Tôi lú rồi! Mấy hôm nay bạc mẹ nó hết lông đầu!... Càng đông càng tốt! Trong giờ phút đau thương này sự có mặt của các ông sẽ làm tôi có thêm ý chí để đương đầu với nó!...

Ngày 16.3.2008. Châu Điên nói:

- A à! Bọn chó này, chúng mày vào đây... Giới thiệu với chúng mày, đây là vợ tao hay còn gọi cô dâu... Đau thương lắm, nhưng đừng mếu máo thế, kẻo tao khóc theo!... Sư bố lũ chó! Hóa ra là chúng mày khóc thương vợ ông à!... Mà đã thế thì chúng mày khóc to lên cho vui! Mà này, phong bì đâu? Đưa ông soi thử xem có lõi không!... Vợ cứ kệ anh, với bọn này phải thế, vì ngày xưa anh với chúng nó lắm thù!... Thôi, đủ rồi, phờ ri sít nhé, ông đi thu tô tiếp đây!

Ngày 17.3.2008. Châu Điên nói:

- ... Kệ mẹ vợ! Zhô đi!... Bé ơi, cho thêm chín bia nữa!... Mà tại sao chúng mày cứ phải quan trọng chuyện lại mặt bố mẹ vợ nhỉ! Mình lấy về rồi, không lại mặt thì nhà bên đấy dám đòi con gái chắc... Mà đòi thì giả, xem dám nhận không... Này, cuối tuần có chương trình gì thì gọi nhé!... À, đi xa thế à?... Thế thì tao phải cà khịa vợ từ hôm nay... Mà tao dặn, nếu định đi đâu dài ngày thì nhớ thông báo tao sơm sớm, để về nhà tao làm cái mâu thuẫn, mình cứ lầm lì mấy hôm, vợ không chịu được nó chửi. Thế là có cớ biến. Chứ mà báo sát giờ, lại phải vào đá nó mấy cái cũng tội. Với đàn bà thủ đoạn phải cao!... Ấy, im, chúng mày im! Thằng chó này, bảo im cơ mà... Alô, em à... Anh đang về, nhưng đường tắc quá... Đâu! Đâu! Ơ kìa! Hạ hỏa hạ hỏa, anh về đây, về ngay!... Thôi thôi, tao lượn đây. Bỏ mẹ, nó vừa mát mẻ: thôi để em về bố mẹ một mình!

2.

Châu Điên kể:

Hồi đấy tao hai mươi ba tuổi, tao đi dự đám cưới thằng bạn. Lúc vào mâm tao ngồi ăn cạnh một em, tao hỏi: “Em bao nhiêu tuổi?”, em trả lời: “Em ba mươi mốt tuổi”, tao nói: “Em hơn anh tám tuổi!”Em ngước sang nhìn thấy tao tóc buộc đuôi ngựa, mặt già và nhàu, em bảo: “Anh mà kém em tám tuổi, cái đồ điêu thế!”

Lúc ăn, cứ tao gắp một miếng cho em thì em lại gấp một miếng cho tao. Em hỏi tao làm gì, tao bảo tao làm nghệ thuật. Rồi tao kể nghệ thuật gian nan lắm, nghệ sĩ là phải hết mình, phải dấn thân, phải đến với cái đẹp bằng tâm hồn trinh trắng... Em nghe, đớp từng lời, em xuýt xoa: “Anh tài thế!” Tao... sướng quá, vỗ bộp vào đùi em, bảo: “Anh nói chuyện nghệ thuật với bao nhiêu đứa, toàn đứa ngu, có mỗi em là hiểu”, rồi bóp đùi em. Em mặt đỏ cực kỳ e lệ, để yên cho tao bóp đùi.

Hôm sau tao rủ em đi chơi, em thỏ thẻ: “Hay hôm nào anh vẽ cho em bức chân dung nhé?” Tao bảo: “Vẽ tranh chân dung khó lắm, vì không phải chỉ vẽ cho giống mà phải truyền được vào tranh cái hồn.”, em hỏi: “Làm sao mới tryyền được vào tranh cái hồn?”, tao bảo: “Thì người nghệ sĩ phải nghiên cứu sâu mẫu!”, em hỏi: “Làm thế nào để nghiên cứu sâu mẫu?” Tao bảo: “Phải ngủ với nhau nhiều!”, em lè lưỡi: “Eo, nghệ thuật tởm!”

Thế rồi liền một tuần, ngày nào em cũng qua nhà để tao nghiên cứu nghệ thuật. Chủ nhật em hỏi: “Bây giờ anh vẽ được chân dung em chưa?” Tao tay run, chân run, bảo: “Em ơi, anh sắp kiệt sức vì nghệ thuật!”

Sang tuần, tao với em đi thăm bố em nằm viện. Bố em thỉnh thoảng liếc trộm tao. Tao ra ngoài thì nghe bố em hỏi em: “Sao yêu cái thằng như oắt con?” Em bảo: “Tại anh ý là nghệ sĩ, nên trẻ lâu!” Lúc ra cổng viện lấy xe máy, tao phát hiện bị mất vé xe, phải trình chứng minh thư để lấy xe. Em ngó chứng minh thư tao, em hỏi: “Thế anh kém em tám tuổi thật à?” Từ đó trở đi, em im thin thít.

Tao chở em về nhà em, xuống xe, em nhìn tao lâu, như vĩnh biệt, rồi em véo sườn tao, em bảo: “Kém người ta tám tuổi mà đòi... cái đồ điêu thế!”

Chúng mày ạ, suy ra đàn bà chỉ thích tin cái mà đàn bà muốn tin, chứ mình có nói thật mười mươi mà đàn bà đéo muốn tin thì mình vẫn cứ thành điêu tất. Làm người lương thiện với đàn bà khó lắm!