Tâm lý vợ chồng - Phần I - Chương 4 phần 3

11. THÍCH TÂM SỰ

Không giống người đàn ông thích vui đùa, người đàn bà lại thích tâm sự với nhau. Người đàn bà khác người con trai ở chỗ đó, đối với người con gái nào cũng giống nhau, bất cứ một chuyện gì người đàn bà luôn luôn cũng muốn tìm cho mình một đối tượng, bao giờ cũng muốn có người nghe mình giãi bày tâm sự, dù là người nghe cũng không giúp cho mình một lối thoát nào thiết thực. Trong khi vui người đàn bà cũng muốn có người cùng chia vui với mình, khi buồn người con gái cũng muốn có người cảm thông trước những trái ngang của riêng mình. Bản tính của người đàn bà là muốn được tâm sự với người khác.

Trong một gia đình có con trai và con gái, thì người con trai ít nói, chỉ nói những gì đáng nói thì trái lại người con gái thường hay kể lể những chuyện không đâu, đôi khi chuyện kể lại là chuyện của người chưa bao giờ nghe đến. Đối với người con trai đứng đắn thì thích nghiền ngẫm suy nghĩ chín chắn rồi mới nói, ngược lại người con gái thì lúc nào cũng muốn đem tâm sự của mình ra mà trình bày cùng người khác và mong người khác hiểu giùm.

Ngoài đường hai người đàn ông gặp nhau tay bắt, mặt mừng nói chuyện qua loa rồi thôi, khi có công chuyện gì, hầu bàn luận với nhau, người đàn ông thường hay dùng những trò tiêu khiển để làm đề tài móc nối câu chuyện như trong một canh bạc, hay vào một quán nước qua một vài chai rượu hay một vài điếu thuốc, lúc đó người đàn ông bắt đầu khơi câu chuyện và thảo luận cùng nhau. Người con gái thì không thế, khi hai người gặp nhau họ nói với nhau rất nhiều, từ chuyện gia đình sang chuyện xóm làng, nhà cửa thôn trang đến chuyện buôn bán, chính trị.v.v… Những câu chuyện của người đàn bà thường dài dòng. Đôi khi họ kể lại những câu chuyện xưa mà vẫn còn nhắc lại mãi bằng một kỷ niệm vui buồn khó quên.

Trong gia đình, khi có chuyện buồn người đàn bà thường đem chuyện nhà sang hàng xóm kể lể như phân bua làm chứng và mong người bạn mình thông cảm giúp mình, đó là tính nết cố hữu của người đàn bà. Trong tình bạn bè cũng thế, đối với đàn ông, con trai gặp nhau thì chào hỏi, xa nhau thì nhớ, nhưng cái nhớ trong lòng người con trai cứ để yên mà ít thư từ cho nhau. Người con gái thì không, xa nhau họ thư cho nhau thật nhiều, trong thư kể lại chuyện xa rồi lại gần, chuyện nhà, chuyện tương lai, chuyện quá khứ, đủ mọi chuyện tình cảm của mình cho bạn nghe.v.v…

Tất cả những thứ ấy đều là bản tính thích tâm sự mà ra. Người con gái khác hẳn người con trai là như thế, đối với người con trai thích sống trầm ngâm, khi có chuyện cần suy nghĩ và có chuyện buồn, còn người con gái thì không, đối với người con gái im lặng và trầm ngâm là một sự trống vắng lạnh lùng ghê gớm. Hằng đêm người con trai không ưa nói chuyện nhỏ to, nhưng người con gái thích rỉ tai chồng hàn huyên đủ chuyện. Trong khi còn là tình nhân lúc gặp nhau người đàn ông thích hàng động hơn là lý luận suông, người con gái thích “lý thuyết” hơn là “thực hành”. Đó là một trong những các tính đặc biệt nhất của phái yếu.

Người đàn bà không thích sống im lặng, trong tình cảm vợ chồng cũng thế, người đàn bà không thích chồng im lặng, trong vấn đề này đã có nhiều lầm lẫn đáng tiếc xảy ra, người chồng đôi khi vì sinh kế không nói chuyện với vợ thường, dù yêu thương rất nồng nàn, người vợ lại lầm tưởng chồng không thương yêu mình nữa, sự im lặng của chồng có nghĩa là lạnh nhạt, là hờ hững nên người vợ đâm ra chán chường đau khổ, từ chán chường đau khổ trong đầu óc người đàn bà nẩy ra tư tưởng ghen tuông và cứ thế tiếp tục, chẳng bao lâu gia đình đi đến chỗ tan vỡ.

Có nhiều người đàn ông không hiểu tâm lý vợ mình nên đinh ninh yêu thương là đủ lắm rồi, nên gia đình thường đưa nhau đến chỗ phân ly. Người đàn bà luôn luôn thích tìm hiểu tâm sự người khác, cũng như thích người khác cảm thông tâm sự của chính mình, vì vậy thường hay đem chuyện mình và chuyện người làm thành một đề tài trong đời sống. Đối với người đàn bà sự quan trọng là có người nghe mình trình bày tâm sự, mà nghe có chú ý hay không lại là chuyện không thành vấn đề.

Nói tóm lại, thích tâm sự là một cái tính độc đáo của người đàn bà, mà người đàn ông khi lập gia đình nên hiểu tâm sự vợ mình để duy trì hạnh phúc, ngược lại nếu một người chồng quá kém cỏi, không hiểu được vợ về điểm này thì gia đình khó lòng kiến tạo hạnh phúc, thì người đàn ông khó lòng thành công mà chỉ có thể là một lữ khách cô độc trên bãi sa mạc hoang vu của ân tình.

12. THÍCH PHÔ TRƯƠNG

Trong phần thích làm dáng và quan trọng hóa vấn đề ăn mặc, tôi đã trình bày những nét chính trong lòng người đàn bà, sở dĩ bây giờ tôi trình bày thêm phần phô trương là để xác minh lại vai trò chính yếu trong nếp sống tình cảm của người đàn bà trong địa hạt tình cảm.

Tính thích phô trương là do lòng ham muốn, thích làm dáng và thích hơn người mà ra. Người con gái bao giờ cũng muốn mình hơn người, bất cứ một điểm nào cũng thế, từ tiền tài, địa vị, trang sức, tài năng, nghệ thuật.v.v… Tất cả những gì người đàn bà có thể có được đều muốn hơn người, một khi có được rồi thì thích khoe khoang. Từ lòng thích khoe khoang đưa người đàn bà đến lòng kiêu căng. Kiêu căng khi khi có một vấn đề gì bất cứ miễn được hơn người là người đàn bà muốn có người khác biết đến.

Làm một hành động nghĩa hiệp, người đàn bà muốn được tán dương, hoàn thành một công trình nghệ thuật nào đó, người khai sinh ra nó nếu là đàn bà thì muốn tên tuổi mình một cách lẫy lừng, ăn mặc một cái áo mới, đeo một món nữ trang quí giá, người đời ít có người đàn bà nào không muốn cho người khác biết đến. Có nhiều người đàn bà vì lòng kiêu căng quá lớn, khi có một món đồ mới thường hay khoe người khác, như mặc đồ mới may gặp ai cũng nói cho hay, mua một đôi bông tai gặp người nào quen cũng làm ra vẻ cố tình chọc vào mắt người đó một sự chú ý, khi được người hỏi đến hoặc khen thì người đàn bà cảm thấy sung sướng vì lòng kiêu căng được xoa dịu và “gãi đúng chỗ ngứa” nên rất thích thú. Ngược lại khi bị ai chê bai hay chỉ trích thì đâm ra oán hờn người đã phê bình và cho đó là một thái độ không tốt.

Tóm lại lòng tự ái và tính kiêu căng của người đàn bà thường khiến cho tâm hồn phái yếu trở nên tầm thường xấu xa và bần tiện.

Trong tính thích phô trương thường thường không có lợi cho người đàn bà mà chỉ có hại, có nhiều người biết khai thác đúng chỗ khiến người đàn bà bị thua thiệt rõ rang. Như ta biết tính đàn bà thích phô trương, khoe khoang thì đối với người lợi dụng chỉ cần nịnh bợ một chút khen tốt, khen lành thì tự nhiên người đàn bà thấy thích chí, từ chỗ thích chí đó người đàn bà sẵn lòng giúp đỡ cho người khen mình những gì mình có, những gì mình làm được. Cứ như thế là vô tình người đàn bà thành nô lệ cho lòng kiêu hãnh và phô trương.

Tóm lại, người đàn bà sống cho lòng kiêu căng và cũng chết bởi lòng kiêu căng mà thôi.

13. THÍCH CHƯNG DIỆN

Đồng nghĩa với lòng kiêu căng, phô trương nhưng tiếng chưng diện của nghĩa hẹp hòi và giới hạn trong vật chất mà thôi.

Người đàn bà thường hay ưa chưng diện khi đã có những điều kiện vật chất cung ứng đầy đủ. Sở dĩ người đàn bà khoái chưng diện là do tính thích sống cho người khác và sống vào người khác.

Từ tính thích sống cho người khác và vì người khác nên người đàn bà nẩy sinh ra tư tưởng chưng diện. Người đàn bà muốn chưng diện thật lộng lẫy kiêu kỳ để người khác chú ý và khen ngợi. Khi đến chỗ đông đảo, người đàn bà càng chưng diện nhiều hơn, họ thích chưng diện rực rỡ để người khác chú ý và họ ngầm nói với người chung quanh rằng: “Ta sống cao sang như thế đó”. Nếu được người khác chú ý và khen tặng bao nhiêu, người đàn bà càng chưng diện bấy nhiêu. Hằng ngày các cô nữ sinh đi học ăn mặc quần áo thật sang, đeo những đồ trang sức thật quý giá là cố khêu gợi những chàng trai chung quanh và muốn cho các bạn thấy được mức sung túc trong gia đình mình. Người đàn bà càng giàu sang bao nhiêu, càng chưng diện lộng lẫy bấy nhiêu.

Có nhiều người chưng diện không phải đồng tiền do chính tay mình tạo nên mà do tiền vay mượn, họ làm như vậy là để thỏa mãn lòng mơ ước và tính đua đòi mà thôi. Người đàn bà có thể chịu mọi thiếu thốn để chưng diện, có thể dám làm bất cứ chuyện gì, miễn sao thỏa mãn lòng ham muốn về vật chất thì họ không chối từ, mà trái lại còn chấp nhận một cách vui vẻ thích thú vô cùng và coi đó như một thành công rực rỡ nhất, không khác gì một chiến sĩ sau tiếng kèn chiến thắng.

14. LÒNG GANH TỴ

Bản tính cá nhân người con gái thường thường ưa kiêu căng, đã mang trong lòng tính kiêu căng thì nhất định không nhiều thì ít, người con gái lúc nào cũng phải có mầm mống ganh tỵ. Lòng ganh tỵ đối với người con gái gần như là một chuyện đương nhiên, nó khởi đầu bằng lòng ích kỷ mà ra, từ chuyện sợ mình thua kém người bất cứ trên một lĩnh vực nào đó mà thành. Đối với người con gái, điều nguy hiểm nhất đối với họ là khi thấy mình chính thức thua kém người một phương diện nào đó từ: Nhan sắc, vật chất, chức nghiệp, quyền lợi, địa vị, tình yêu.v.v…

Khi thấy chỗ yếu của mình tự nhiên người con gái đâm ra ganh ghét người hơn mình và thường thường hay có những cử chỉ hoặc hành động ích kỷ để biểu dương sự phản đối của mình. Chính lòng ganh tỵ đã hủy diệt tình thương trong lòng người đàn bà, những lòng ganh tỵ căm thù và thích dèm pha, người đàn bà đã làm cho chính mình đau khổ. Tình thương đương nhiên nhường bước trước những trở ngại lớn lao do tính ích kỷ và lòng ganh tỵ, nó đã giết tình thương yêu trong lòng người đàn bà.

Nó cũng đổi tình thương yêu trìu mến của người đàn ông cho vợ thành lòng giận dỗi lánh xa. Lòng ganh tỵ đã đưa người đàn bà thoát xa hạnh phúc và gần hố chán chường. Trong phương diện tình yêu, người đàn bà thường thường biểu lộ lòng ganh tỵ vì cho rằng người chồng hoặc người tình không yêu mình nhiều hơn mà trái lại đi yêu một người khác, tính đa nghi được dịp phát triển hòa với lòng ganh tỵ biến người đàn bà thành một người rắc rối mâu thuẫn và ích kỷ tột độ.

Trong gia đình, khi còn bé đứa con gái bao giờ cũng muốn cha mẹ nuông chiều âu yếm nhiều hơn là cậu con trai. Khi hai cha mẹ âu yếm với nhau, đứa con trai ngồi nhìn bằng cặp mắt “nai tơ” không tâm trí nào thì cô bé gái cảm thấy trong lòng mình dâng lên thứ lòng căm tức vì mình không được âu yếm vuốt ve của cha hay của mẹ, đứa con gái bao giờ cũng thích được cha mẹ thương yêu nhiều hơn, khi có lỗi đứa con gái muốn được cha mẹ bênh vực nhiều hơn là đứa con trai.

Lúc lớn lên người con gái khi chính thức biết yêu thì muốn người tình, người chồng của mình phải là một vật sở hữu của mình, họ bắt buộc người tình, người chồng luôn luôn nâng niu họ, âu yếm họ bằng những hành động thiết thực, rõ ràng mà không thích trả lời bằng cử chỉ, họ ưa giải quyết bằng hành động.

Theo người đàn bà, khi nói yêu là âu yếm, là nâng niu, là ôm ấp theo sau danh từ “anh yêu em tha thiết” đơn thuần. Người con gái nào cũng thế, khi yêu họ không nói lên bằng lời rằng âu yếm chiều chuộng nhưng chính trong thâm tâm họ lại muốn người yêu khi gặp mặt phải vồn vã, nâng niu, phải âu yếm. Không một cô gái nào mà không thích vuốt ve mơn trớn hay nựng nịu âu yếm của người tình trong khi gần gũi với nhau, người con gái vì bản tính cả thẹn nên không dám nói, lại nữa người đàn bà im lặng còn là một hành động nhận chia hạnh phúc giữa người tình và chính bản thân mình, họ im lặng để dò xét xem người tình yêu họ như thế nào, vì thế những cô gái im lặng hay cả thẹn, không phải từ chối mà trái lại họ thầm nói rằng: “Em đã yêu anh từ lâu rồi còn phải hỏi”. Trong khi đó nếu người con trai hiểu được “chỗ ngứa” của nàng thì thành công như trở bàn tay, nhưng ngược lại nếu không hiểu thì sẽ bị người con gái hiểu nhầm. Đó là một sự thật không chối cãi.

Đối với người con gái không làm gì cho họ thỏa mãn bằng được người tình hay chồng khen tặng những câu: “Em là người yêu duy nhất của anh”, “trên đời này chỉ có em là người mang đến cho anh tình yêu duy nhất”, “Tình yêu của em chính là con đường đưa anh đến vùng hào quang của ân tình”.v.v… Những câu khen ngợi như vậy khiến cho lòng tự ái và ganh tỵ của người đàn bà được ve vuốt, tư tưởng “ta đây hơn người” được hình thành trong trí não người đàn bà, như vậy đối với họ là thỏa mãn lắm rồi mà không cần gì hơn nữa.

Một nhà phân tâm học Tây phương đã nói: “Đối với đàn bà, bạn hãy cố nói dối vì đàn bà không ưa nói thật, bạn cứ nói yêu đi dù lòng không hề mảy may xao xuyến trước sóng mắt của họ. Bạn cứ nói dối và đối với người đàn bà cũng thích bạn nói dối, dù biết rằng những lời nói dối của bạn là ảo tưởng mênh mông, nhưng tính phái nữ là thà nghe nói dối mà hay còn hơn là nói thật mà đau khổ”. Lời nói đó đã minh chứng và trình bày được phần nào tính tình phái yếu trong thái độ ganh tỵ và tự ái.

Lòng ganh tỵ của người đàn bà thường thường bao quát mênh mông, khi còn ấu thơ cho đến lúc tuổi già bao giờ cũng là một cố tật. Tuy nhiên, khi còn trẻ người đàn bà không cay cú nghiệt ngã bằng lúc tuổi già. Tại sao? Tại vì khi tuổi đã về già, những tháng ngày kế cận đối với người con gái là một thống khổ triền miên, lúc đó họ tự cảm thấy mình bị mất ưu thế, uy quyền, nhan sắc tàn tạ, sức lực tiêu hao. Nói tóm lại lá bùa yêu không còn hiệu nghiệm nữa, lúc đó người đàn bà đánh giá được sự suy vong của mình trong những chuỗi ngày tàn tạ.

Càng thấy mình thua thiệt, người đàn bà càng hờn dỗi nhiều thêm, do đó lúc tuổi già người đàn bà trở thành khó khăn, gay gắt. Trong một gia đình, bạn đừng lấy làm lạ khi thấy mẹ chồng thường khắc nghiệt với nàng dâu chỉ vì khi còn nhỏ người mẹ chồng không chiếm được lòng yêu thương của chồng như con dâu bây giờ, hoặc vì khi còn xuân thì gia đình bà và ông không có hạnh phúc, bà đã sống những chuỗi ngày thê lương khô héo, do đó bây giờ khi thấy con dâu được yêu thương hơn, chiều chuộng hơn nhiều khiến lòng ganh tỵ được đặt trong tình thế bị động, làm cho người đàn bà nghiệt ngã.

Những cô em chồng, những bà chị chồng cũng đâm ra oán ghét cô em dâu, cô chị dâu chỉ vì thấy anh, em mình có vợ thì lòng yêu thương không còn nghiêng nặng cho mình mà đã bị chi phối bởi có em hay cô chị dâu, thế là lòng ganh tỵ lợi khơi nguồn và theo sau là sự nóng nảy cay cú mà ra.

Người đàn bà càng già, càng bất hạnh thì càng ganh tỵ nhiều hơn, cô gái nào càng xấu thì càng chưng diện, càng làm dáng và càng nuôi cao lòng tự ái, tính ganh tỵ và óc đa nghi ích kỷ. Đó là một sự thật hiển nhiên mà không ai chối cãi được. Trong lòng ganh tỵ, người đàn bà muốn tất cả đều dừng lại để chỉ cá nhân mình được vượt lên trên, trong gia đình đứa con gái muốn độc chiếm tình thương yêu của cha mẹ mà không chia sẻ cùng anh chị em. Trong thân tộc, người con gái muốn đóng vai trò quan trọng hơn là tầm thường, ngoài xã hội người đàn bà thích làm thành cái đinh cho người chú ý ngưỡng mộ, cúi đầu.

Hành động của người con gái là muốn làm một hành động độc nhất vô nhị, nhan sắc người con gái muốn “trên đời có một vì sao, dưới đất có mình tao anh hùng”, có chồng thích được là người vợ được chồng cưng nhất. Khi không chiếm đoạt được những sở nguyện như trên, người đàn bà trở nên tàn nhẫn với chính mình và gia đình mình. Trong những vụ án giết người do người đàn bà là thủ phạm thì 90 % là do lòng tự ái mà ra. Một khi có lòng ganh tỵ, người đàn bà lại muốn trả thù một cách hung tợn.

Tóm lại, lòng ganh tỵ là một thứ nết hư tật xấu của người đàn bà, nó là một thứ nấm mồ dành để chôn vùi hạnh phúc và là một tính cách của người đàn bà.

15. QUAN NIỆM HÔN NHÂN VÀ HẠNH PHÚC GIỮA TRAI VÀ GÁI

Qua các phần vừa trình bày chúng ta thấy rằng người đàn ông thường quan niệm hạnh phúc và hôn nhân phải đi đôi, người con trai có điểm không giống người đàn bà là đối với phái nam yêu là chiếm bằng được và giải quyết bằng sự thành công lòng ham muốn của mình. Ngược lại, người đàn bà thì không, khi yêu họ quan niệm hạnh phúc và hôn nhân không cần phải đi đôi, mà chỉ cần chiếm một trong hai vấn đề hôn nhân và hạnh phúc, người đàn bà mong một hoặc hạnh phúc sau khi ăn ở với nhau, hoặc có hôn nhân mà chưa cần hạnh phúc. Quan niệm hạnh phúc theo người con trai là người vợ chung tình, ngoan ngoãn, ít nghi ngờ và không lẳng lơ.

Người đàn bà thì quan niệm hạnh phúc rằng người chồng phải quân tử, biết nuông chiều và làm đẹp lòng người vợ.v.v… Nhận định chung thì người con trai và người con gái đều có điểm tương quan và dị đồng. Tương quan là cả hai thích sum họp, quân tử, thành thực. Dị đồng ở chỗ cá tính có nhiều chỗ khó vừa lòng nhau, như con trai thích rượu chè, vui đùa, thích đổi cũ thay mới, người đàn bà thì khuyết điểm ở chỗ lòng tự ái, thích ganh tỵ làm dáng, đa nghi, phô trương.

Nói tóm lại, người đàn bà quan trọng vật chất và lòng ham muốn cùng sở thích cá nhân, người đàn ông quan trọng ở tinh thần và vóc dáng bên ngoài.