Tâm lý vợ chồng - Phần I - Chương 5 phần 1

CHƯƠNG V

1. HẠNH PHÚC CÁ NHÂN

Trong đời sống gia đình, người chồng cũng như người vợ đều có những bổn phận và trách nhiệm chung nhau. trách nhiệm của hai vợ chồng là mong sao chiếm giữ hạnh phúc trong gia đình mình ngày càng thêm bền chặt.

Một gia đình sống chung nhau hai vợ chồng phải làm thế nào bảo vệ được hạnh phúc với nhau một cách trung thành và tuyệt đối, có bảo vệ trung thành và tuyệt đối thì cuộc sống của hai vợ chồng mới vững bền và không lo sợ bị hư hao sứt mẻ.

Đối với đời sống con người thì những ngày chung sống là những ngày khó khăn nhất, trách nhiệm của hai vợ chồng thật nặng nề và tế nhị, cả hai hải biết những tính tình của nhau, sự ưa thích và không bằng lòng của nhau để tránh những gây gổ phiền toái cho nhau. Có ý thức như vậy thì đời sống gia đình với tiến đền chỗ hoàn toàn và hợp nhất giữa hai tâm hồn.

Những hình ảnh đằm thắm, êm vui trong gia đình được người đời tán tụng gọi chung một danh từ là HẠNH PHÚC. Muốn chinh phục được hạnh phúc không phải là một chuyện dễ dàng mà trái lại cần phải có một sự thông minh, hiểu biết của hai người, đời sống gia đình chỉ có thể hạnh phúc khi cả hai cùng kiến tạo. Hạnh phúc không phải đơn phương của một người nào mang đến, nó không trong tay người chồng mà cũng không phải sở hữu chủ từ người vợ, nó là sự cảm thông của hai tâm hồn hòa thuận mà ra.

Đó là những định nghĩa về hạnh phúc, nhưng phương thức duy trì hạnh phúc lại là một chuyện khác, phức tạp hơn và nhiều công phu, người chồng và người vợ nên hiểu thấu tường tận để giữ hạnh phúc một cách hữu hiệu hơn.

Sống trong một những quan niệm về hạnh phúc, thường có hai lối là:

Hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình.

Trước nhất, tôi cùng các bạn đi tìm những điều đặc biệt trong một phạm vi nhỏ hẹp trong gia đình: HẠNH PHÚC CÁ NHÂN.

Hạnh phúc cá nhân là hạnh phúc riêng cho mình. Khuynh hướng và quan niệm này là một quan niệm đang được giới thanh niên nam nữ ngày càng chú trọng và cố gắng tranh đấu bênh vực cho bằng được.

Quan niệm hạnh phúc cá nhân, trước nhất người ta thường nghĩ đến chính bản thân mình mà không lo nghĩ cho người khác, dù cho người đã mang đến cho mình một nguồn hạnh phúc đi nữa. Phái chủ trương hạnh phúc cá nhân thường đặt tình yêu trong lòng ích kỉ mà thôi, vì theo sự quan niệm của họ thì hạnh phúc trước nhất phải có cho mình sau đó mới đem ban bố cho kẻ khác. Đặt tình yêu trong một phạm vi có tính cách lệ thuộc vào những đòi hỏi cá nhân, họ bảo thủ những thành kiến độc đoán, giam giữ những ý định bao la rộng rãi trong một khung cảnh nhỏ hẹp, thường hay lo sợ tương lai cho chính bản thân mình, cho tình yêu trong lòng mình.

Con người tranh đấu bảo vệ hạnh phúc cá nhân không phải là vô lý, vì như chúng ta đã hiểu, tất cả những sinh thú trên đời của cuộc sống con người không phải muốn là chiếm đoạt dễ dàng, trước khi chiếm đoạt được nguồn vui sướng đó nhất định con người đã trải qua những khổ sở vì tranh đấu; vì thế nên khi con người chiếm được nguồn sung sướng ấy về tay mình thì ai nấy đều cương quyết giữ gìn cho đến kỳ cùng. Sở dĩ người ta đấu tranh để bảo vệ là vì muốn cho chính cá nhân mình thỏa mãn trước tiên rồi sau đó sẽ hay. Tư tưởng đó khiến cho con người chủ trương bảo vệ tình thương yêu, nguồn hạnh phúc cá nhân mình. Đó là một điều dễ hiểu.

Trong nếp sống tình cảm con người, thì hạnh phúc là một chiếc chìa khóa xây dựng tương lai nên con người cương quyết liều sanh tử để bảo vệ hạnh phúc. Tuy nhiên trong quan niệm này thường làm cho con người ích kỷ và thường thì có hại hơn là vô hại. Nếu con người chủ trương hạnh phúc cá nhân thường coi hạnh phúc cho riêng mình là quan trọng mà không coi chuyện hạnh phúc của người khác, bao giờ con người cũng tự cho mình là quan trọng, là cao siêu. Những người chủ trương hạnh phúc cá nhân thì không bao giờ chịu hy sinh cho bất cứ một người nào dù là thân tích, quan niệm hạnh phúc cá nhân thường đưa con người xa gia đình, xa bổn phận thiêng liêng của con người và có thể coi như họ đã xa rời tất cả mọi lệ thuộc bên ngoài.

Người cong trai và con gái nào chủ trương hạnh phúc cá nhân thì coi nặng vấn đề “YÊU” là quan trọng, họ chỉ cần thỏa mãn dục vọng mà không cần tìm hiểu hạnh phúc có lâu dài hay không. Đối với số người này chủ trương sống chỉ vì yêu mà thôi. Tóm lại, quan niệm hạnh phúc ca thường thường là một quan niệm hẹp hòi của những người ích kỷ, trong công chuyện vợ chồng, người chồng cũng như người vợ, đừng bao giờ nuôi tư tưởng hạnh phúc cá nhân, vì như thế tình yêu vợ chồng khó lòng được bảo tồn.

2. HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Ngược lại với quan niệm hạnh phúc cá nhân, một số khác chủ trương tình yêu và hạnh phúc một cách rộng rãi và hợp lý hơn đó là HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH. Trong quan niệm hạnh phúc gia đình thì vợ chồng hướng dẫn tình yêu đến chỗ rộng rãi, bao la đem tình thương làm cứu cánh, không chịu giới hạn tâm tình trong phạm vi nhỏ hẹp, chỉ biết cá nhân mà trái lại những con người chủ trương tình chồng vợ bằng hạnh phúc gia đình là những người thường thích hướng tâm tình vợ chồng vào một thứ tình thương cộng đồng cùng nhau chung xây đắp cho nhau. Những vợ chồng có quan niệm hạnh phúc gia đình thì trong gia đình thường quyến luyến nhau, trìu mến nhau và chủ tương tình yêu bằng tình thân tộc.

Trong một gia đình, hai vợ chồng chủ trương hạnh phúc gia đình thì mỗi người thường ý thức nhiệm vụ của mình trong gia đình. Người chồng thấy có nghiệm vụ lo lắng, cải tạo gia đình, kiến tạo nguồn sống cho gia đình. Người vọ thì trái lại lo bảo vệ sức khỏe cho chồng, gìn giữ hạnh phúc và tương lai gia đình, lo lắng chăm lo cho chồng con, tóm lại mỗi người ai nấy đều tự thấy mình đều có bổ phận không nhiều thì ít đều lo cho gia đình mình sao cho sung sướng hơn người, tình thương yêu vợ chồng do đó ngày càng trở nen thắm thiết, nguồn kiến tạo gia đình ngày càng chắc chắn hơn. Trong gia đình, khi con người chủ trương hạnh phúc bằng gia đình thì những bổn phận của vợ hay chồng trong gia đình chính là những sợi dây vô hình tự ràng buộc hai người vào với nhau, sợi dây đó được gọi là ân tình. Hai vợ chồng sống trong tình thương chân thật, bao giờ cũng thành thật yêu thương nhau, và hạnh phúc bao giờ cũng vĩnh cửu hơn người.

Trong quan niệm hạnh phúc gia đình thì con người không có quyền nghĩ đến cá nhân mình mà phải nghĩ đến tương lai chung cho cả một gia đình. Người chồng không có quyền bê tha cờ bạc, rượu chè, bỏ bê vợ con suốt ngày, không thiết gì đến nhàu cửa, chỉ lo cho mình mà thôi, người vợ không có quyền lo cho riêng mình, chỉ ăn sung mặc sướng, còn chuyện của chồng con thì thế nào không cần biết. Trái lại, nhiệm vụ của người chồng trong quan niệm hạnh phúc gia đình là luôn luôn lo làm mọi cách để sao cho đời sống vợ con được no đủ sung túc, càng đầy đủ bao nhiêu, người vợ cũng thế, trong quan niệm xây dựng hạnh phúc gia đình thì người đàn bà đóng một vai trò trọng yếu, coi mình như một nội tướng thay chồng nuôi con, chăm sóc miếng ăn giấc ngủ của chồng, luôn luôn lo lắng làm sao cho gia đình của chính mình được đầy đủ.

Nói một cách khác thì quan niệm xây dựng hạnh phúc gia đình là quan niệm rất thích hợp cho đời sống gia đình. Cả hai vợ chồng cùng cảm thông và thương yêu nhau, cả hai cùng chung một quan điểm và cùng nhau ra sức để kiến tạo gia đình, lấy niềm vui của gia đình làm niềm vui của mình, vui vì gia đình đầy đủ và buồn khi gia đình thiếu thốn, luôn luôn lấy gia đình làm một trọng tâm mà cho mình là người có nhiệm vụ phải hoàn thành.

Không có gì sung sướng và hãnh diện cho bằng khi hai vợ chồng chung sống với nhau đã lâu, con cái đã nhiều mà tình yêu thương vẫn còn khắng khít như thuở mới thương nhau, trong gia đình người chồng luôn luôn kính mến vợ, chăm sóc cho vợ con từng li từng tí, không bê tha rượu chè, không phản bội vợ nhà, người vợ thì luôn luôn quý mến chồng, coi sóc cho chồng từng miếng ăn thức uống, bao giờ cũng lo lắng cho chồng sau những năm dài chung sống, hai vợ chồng vẫn không hề gây gổ với nhau. Nhìn hai vợ chồng sống hạnh phúc như thế ai lại không ham.

Chúng ta đặt câu hỏi:

- Tại sao họ lại có được diễm phúc đó?

Xin thưa, đó không có gì khác lạ mà chính là hai vợ chồng đó hiểu biết nhau, thông cảm nhau và sống cho nhau, cả hai đã quan niệm là tình thương và hạnh phúc phải xây dựng trên nền tảng gia đình, chính vì thế mà hai vợ chồng đó đã sống những chuỗi ngày hoan lạc nhất của cuộc đời, người vợ khi muốn làm một công việc gì cũng đều có sự ưng thuận của cả hai bên nên không bao giờ có một thái độ phản kháng nào của chồng cũng như của vợ, chỉ thế thôi ma hai vợ chồng đã tìm một đáp số đúng nhất trong bài toán hạnh phúc.

Tình yêu gia đình là như thế và nó là một nguyên nhân chính yếu cho những cặp vợ chồng muốn có hạnh phúc thực sự với nhau.

Tóm lại, trong tình yêu thương chồng vợ thường có hai vấn đề chính yếu là hạnh phúc cá nhân và một quan niệm theo đợt sống mới, chỉ biết nghĩ đến cá nhân mình mà không lo nghĩ đến kẻ khác, quan niệm này khó lòng tồn tại trước những điều kiện căn bản để kết thành hạnh phúc. Ngược lại quan niệm hạnh phúc gia đình là một quan niệm thành thật lo nghĩ cho nhau, hướng gia đình vào tương lai, mỗi người tự lo nghĩ cho nhau, hướng gia đình vào tương lai, mỗi người tự cho mình mang lấy trách nhiệm trong gia đình và bắt buộc phải giải quyết, mà điều kiện tối hậu là làm sao sớm mang lại cho gia đình những sự sung túc mỹ mãn theo ý muốn mà thôi, vì vậy quan niệm này thường là một quan niệm được nhiều người mến chuộng và coi như một giải pháp hay nhất trong tình thương yêu vợ chồng với nhau.

3. MẤY QUAN NIỆM VỀ HẠNH PHÚC

Trong cuộc sống vợ chồng, người ta thường hay thắc mắc: làm thế nào để có hạnh phúc và phải quan niệm hạnh phúc như thế nào? Đây là một vấn đề nan giải và cấp thiết nhất đối với thanh niên nam nữ khi lớn lên đến tuổi trưởng thành. Ngưỡng cửa gia đình thường đặt ra vấn đề là làm thế nào duy trì hạnh phúc và tìm một phương pháp hiệu nghiệm để cấu tạo nguồn hạnh phúc gia đình mà không phải khổ sở tốn nhiều công phu.

Đứng trước một vấn đề cấp thiết như vậy nên không ai có thể coi thường mà không quan tâm, không ai có thể dửng dưng trước vấn đề hôn nhân và hạnh phúc. Những thành niên nam nữ khi trưởng thành thường hay lo âu, nhưng nếu suy nghĩ cho kỹ thì đặt ra một vấn đề như thế không phải là vô ích mà trái lại đó là một câu chuyện cần phải biết và cần phải thấu đáo tường tận mới có thể tránh khỏi vấp ngã trong bước đường đi tìm tình yêu.

4. THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC

Trong một gia đình trong ấm ngoài êm, chồng thương vợ, vợ yêu chồng là hạnh phúc.

Trong đời sống lứa đôi tình yêu không phai nhạt, cả hai người đều biết hướng tâm hồn chung nhau một nẻo gọi là hạnh phúc.

Một mái gia đình hòa thuận, con biết vâng lời cha mẹ, vợ chồng biết cảm thông nhau, nhường nhịn lẫn nhau, không lừa dối nhau, không nuôi trong lòng tư tưởng phản bội, gọi là hạnh phúc.

Tóm lại, một gia đình hạnh phúc là một gia đình mà cả hai vợ chồng biết hướng thiện, củng cố tình thương, luôn trong đầu một ý tưởng và cùng nhau, chung sống và kiến tạo thế đứng cho đời sống chung thế là hạnh phúc.

Nhưng…

Định nghĩa như thế thật dễ dàng, song tìm kiếm và kiến tạo là một chuyện thiên vạn nan giải, không phải trong một sớm một chiều người ta có thể tìm được nguồn sinh lực trong gia đình mà người đời gọi là hạnh phúc. Trước khi tìm thấy bóng dáng hạnh phúc, cả hai vợ chồng đều phải trải qua những khó khăn, gian lao, vất vả, những thắc mắc tinh thần, những hoài nghi yêu thương, những phẫn nộ trong tính tính con người, mới đi tìm được chân hạnh phúc là một của báu mà con người chỉ là kẻ suốt đời tìm kiếm.

Muốn có hạnh phúc, điều trước tiên hai vợ chồng phải biết quên mình, coi mình là nhẹ, đặt trách nhiệm tinh thần lên trên mọi thứ trách nhiệm thông thường trong lòng con người. Hai vợ chồng phải biết sống bằng lòng vị kỷ mà không thể sống bằng lòng ích kỷ, bỏ hẳn lòng hoài nghi, tính tự ái không đúng chỗ, biết hướng tư tưởng mình đến chỗ toàn diện, toàn mỹ, đưa tình yêu đến một vai trò quan trọng thiết yếu, phải coi ái tình như là một cứu cánh của cuộc đời, tính bác ái, lòng vị tha, óc tự lập, tinh thần phục thiện phải tích cực khai thác, có sống như vậy hai vợ chồng mới có thể đưa gia đình đến chỗ hoàn toàn mà không còn bị lung lạc vì vật chất xa hoa phù phiếm bên ngoài cám dỗ. Lại nữa, trong đời sống vợ chồng phải biết tha thứ cho nhau, bỏ qua cho nhau và thương nhau trong tình thường con người mới hòa toàn hạnh phúc.

Điểm then chốt của đời sống vợ chồng là không nên coi mình là quan trọng, coi thường người bạn hôn phối và khinh bạc nhau.

* Tính vị kỷ.

Tính vị kỷ là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong đời sống lứa đôi. Hai vợ chồng phải biết sống cho nhau nhiều hơn và phải coi nhẹ mình đi, sống trong gia đình mỗi người tự coi mình có bổ phận phải làm, luôn luôn đặt quyền lợi gia đình trên lòng ích kỷ, lấy cá nhân làm trọng. Hai người làm vợ chồng tức là làm bổn phận chung sức xây dựng tương lai chứ không phải ảnh hưởng cho cá nhân, chính vì thế con người phải biết quên mình đi mà hy sinh. Hy sinh không có nghĩa là thiệt thòi hay làm người nghĩa, mà hy sinh đây có nghĩa là bảo đảm nguồn tương lai cho cả hai vợ chồng.

Người chồng trong gia đình phải tự hiểu rằng mình là một cây cột cái, nhiệm vụ của mình là tìm nguồn sinh lực cho cuộc sống gia đình, bảo đảm cho vợ con một cuộc đời sung túc. Người vợ cũng thế, vai trò người đàn bà trong xã hội và cá nhân trong gia đình là lo bảo toàn hạnh phúc, bảo vệ cuộc sống và quyền lợi cho chồng cho con ngày thêm tươi sáng hơn, huy hoàng hơn và như thế là chiếm được hạnh phúc gia đình.

* Tính bác ái.

Theo sau tính vị kỷ biết quên mình, hy sinh cho quyền lợi gia đình, hai vợ chồng chung sống muốn tìm hạnh phúc phải biết hướng tư tưởng mình đó, bằng lòng bác ái nữa.

Lòng bác ái là một thứ tình thương gần như quảng đại, người vợ cũng như chồng biết sống bằng lòng tự ái là bỏ qua cho nhau, tha thứ cho nhau, khi đã thành vợ chồng phải biết dẹp bỏ mọi tự ái cá nhân sang một bên, vì nó không còn thích hợp cho tình nghĩa vợ chồng nữa, hai vợ chồng phải biết hướng thượng cao cả hơn, bao quát hơn, và coi thường mọi thứ không quan hệ, vì lẽ sống, như vậy thì hai vợ chồng mới dễ tìm thấy tình thương yêu nhau hơn và bảo tồn hạnh phúc một cách chắc chắn hơn.

Người đời thường thất bại trong tình vợ chồng vì không biết hướng thiện, không biết tha thứ, không biết bỏ lỗi cho nhau mà vì cố chấp, bảo thủ những tư tưởng đâu để rồi cuối cùng tình thương ngày càng phai lạt, nhất là khi tuổi già bóng xế, hai vợ chồng dễ sinh ra những bất hòa trong cuộc sống hằng ngày. Từ những tư tưởng bất hòa, lần hồi đưa đến những sự cãi vã và tình thương do đó sứt mẻ thêm lên để rồi theo thời gian phai lạt. Một khi tình thương đã phai lạt thì khó mong tìm lại và như thế tất ghét nhau và xa nhau. Nếu không xa nhau thì cũng không còn thương yêu nhau như trước nữa.

Đó là một trong những đám mây tăm tối đã và đang bao phủ gia đình mà người đời biết rất nhiều nhưng không tránh được là bao, thật là phiền toái.

* Óc tự lập.

Cuộc sống gia đình là cuộc sống chung nhau, ý nghĩa của nó là hai tâm hồn cùng nhau chung sống và bảo vệ cho nhau, xây đắp cho nhau, tương trợ cho nhau và tương nhau trọn đời. Tình vợ chồng phải biết phân biệt vai trò của mình bằng tinh thần tự lực. cuộc sống vợ chồng không thể nào sống bằng tinh thần ỷ lại, ỷ lại vào gia đình, ỷ lại vào cha mẹ, ỷ lại vào người bạn hôn phối, ỷ lại vào tài cán cá nhân.v.v… Tất cả đều có hại mà không mang đến một thiết thực cụ thể nào cho tình yêu gia đình.

Hai vợ chồng cùng nhau chung sống phải biết tự lập lấy thân mình, không nên tin vào quyền hạn người khác, vì nương tựa vào quyền hạn của người khác thường đưa hai vợ chồng đến những khúc quanh khi những bất trắc xảy đến. Ỷ lại vào gia đình và cha mẹ là một điểm trước nhất, và khi thành lập gia đình, tin vào cha mẹ, nương tựa vào vật chất của cha mẹ thường làm cho hai vợ chồng đâm ra biếng nhác, thiếu tự tin, khi cha mẹ mất đi hai người trở nên bối rối và không bao lâu chán nản nhau mà xa nhau.

Ỷ lại người hôn phối là một trở ngại lớn lao, không lo lắng cho gia đình mà tin vào người bạn đời, khi người bạn đời thấy chán nản thì gia đình lại đi vào một khúc quanh bế tắc. Ỷ lại vào tài cán cá nhân thì thường làm hai vợ chồng coi tường nhau và khinh nhau, như thế gia đình mất hẳn tính chất trung thực của nó, do đó mau đem đến cho nhau những hoài nghi và bất mãn trong cuộc sống gia đình.

Cuối cùng, chỉ vỏn vẹn một vấn đề phải làm là phải sống tự lập và tình thương cộng đồng, khi thiếu thốn cả hai cùng biết lo lắng, cùng chia vui sẻ buồn, cùng thắt lưng buộc bụng như vậy đời sống vợ chồng mới tìm ra nguồn hạnh phúc.

* Tinh thần phục thiện.

Đời sống vợ chồng cần phải biết tha thứ cho nhau, nhưng như thế chưa phải là đủ mà còn cần phải có thêm một đức tính khác là óc phục thiện.

Óc phục thiện là hai vợ chồng phải biết thẳng thắn nhìn vào sự thật, người chồng cũng như người vợ không tự coi mình là hoàn toàn, là không sai lầm mà lấn át người bạn đời. Người chồng cũng như người vợ, phải biết nhìn vào sự thật, phải can đảm công nhận những lỗi lầm của mình và sửa chữa. Có công nhận như thế thì tình thương vợ chồng mới được đảm bảo vì cả hai cùng biết hướng hạnh phúc đến đích cao thượng và chính đáng. Hai vợ chồng phải bổ túc cho nhau, khi có những gì lầm lỗi phải công nhận và nhìn nhận sự thực, để rồi từ đó hai người cùng tu sửa cho nhau, có thế gia đình mới hoàn toàn hạnh phúc.

Tóm lại, trong đời sống vợ chồng, hai người muốn có hạnh phúc thì phải biết sống cho nhau. Trong nghệ thuật sống cho nhau, cả hai người phải nên nhớ giữ lấy nằm lòng phương thức của hạnh phúc là phải biết quên mình, coi mình là nhẹ, đặt trách nhiệm tinh thần lên trên mọi thứ trách nhiệm thông thường. Hai vợ chồng phải biết sống bằng lòng bị kỷ, bỏ hẳn lòng hoài nghi, tính tự ái không đúng chỗ, biết hướng tư tưởng ái tình đến chỗ toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ, xem ái tình và hạnh phúc là một cứu cánh của cuộc đời, con người phải sống bằng lòng bác ái, vị tha, tự lập, và tinh thần phục thiện, thế mới là hạnh phúc.