Tâm lý vợ chồng - Phần I - Chương 5 phần 2

5. NHỮNG CẠM BẪY CỦA TÌNH YÊU

Đời sống vợ chồng thường có những vui buồn lẫn lộn, không ai dám cả quyết rằng trong đời sống lứa đôi chỉ có vui hay chỉ có buồn mà thôi. Trái lại với tình vợ chồng là một thứ tình keo sơn, lâu ngày sống chung nhau từ thuở mới gặp nhau, yêu nhau, lấy nhau, sống chung nhau cho đến mãn đời. Tình vợ chồng do đó không phải là một thứ tình một sớm một chiều mà thôi, trái lại tình thương yêu vợ chồng cần phải xây dựng trên quan niệm lâu dài, không thể chủ trương chỉ trong một thời hạn nào đó mà đánh giá được giá trị của tình thương yêu đó. Tuy nhiên sống chung nhau lâu dài nên người ta cần hiểu nhau nhiều hơn, biết nhau nhiều hơn, có như thế con người mới tránh được những phiền toái sau này khi chung sống cùng nhau.

Nếu không khéo lựa chọn, tìm hiểu nhất định người ta sẽ chê chán nhau, oán ghét nhau. Một khi hai người chung sống với nhau nhưng đã chê chán nhau, oán ghét nhau, nhất định không bao giờ có thể gây dựng hạnh phúc cho nhau được, lúc đó gia đình không còn là một cái tổ ấm để cho hai người hòa hợp nhau nữa mà là một khung cảnh địa ngục, cả hai bị bắt buộc phải sống với nhau.

Ngoài những hoàn cảnh bất đắc dĩ tạo nên, còn có nhiều cách làm cho hai vợ chồng không hiểu được nhau, đưa nhau đến chỗ oán giận nhau và xa nhau, dó là những cạm bẫy của tình yêu, những điều mà những cặp vợ chồng phải biết để tránh cho nhau những phiền toái sau này.

6. NHỮNG VẤN ĐỀ PHẢI TRÁNH

Như đã trình bày, hai vợ chồng khi sống chung nhau phải biết tính tình nhau, kẻo sau khi cưới nhau chẳng được bao lâu hai người đâm ra chán nản nhau thì quả là một điều bất hạnh.

Những điều mà cả hai người nên biết để tránh là cả hai phải biết nhường nhịn nhau, phải biết dẹp bỏ lòng ích kỷ, không nên làm một chuyện gì bằng cách đơn phương hành động, san bằng lòng tự ái của nhau và tính đa nghi, có như thế mới mong tránh được những đổ vỡ nguy hiểm nhất cho hai vợ chồng.

* Biết nhường nhịn nhau.

Tình thương hai vợ chồng trong lúc chung sống phải luôn luôn đặt lên trên mọi thứ tình thông thường, hai người phải biết thông cảm nhau trước đã, bỏ qua cho nhau, khi một trong hai người có lỗi thì người kia, phải biết thương mà tha thứ cho nhau. Tuy nhiên, ngoài nghĩa cử tha thứ, cả hai còn phải nhường nhịn cho nhau, nghĩa là phải biết chín bỏ làm mười, nếu trường hợp chồng có những điều chi không phải lòng vợ thì người vợ phải cảm thông hoàn cảnh đó của chồng mà khuyên lơn chồng bằng những lời lẽ ngọt ngào khiến chồng hồi tâm, người vợ không nên nhiều lời nặng nề làm chồng đau khổ chán nản.

Nếu khi người chồng chán nản, người đàn bà đau khổ thì thế nào trong đầu óc người chồng cũng có một vài tư tưởng bất mãn, và nếu đã bất mãn nhất định hạnh phúc sẽ đổ vỡ ngay. Trong trường hợp người có lỗi là vợ thì người chồng cũng thế, đặt mình vào lãnh vực một người trên khuyên ngăn người dưới, cố vạch cho vợ thấy đâu là điều hay lẽ hải nên tránh và nên theo, không nên dùng những hành động nóng nảy, vũ phu như đánh đập vợ, hay chửi mắng. Như thế thì làm cho người bạn đời càng thêm đau khổ và coi gia đình như một địa ngục và lúc đó người vợ thấy chán chường và có tư tưởng thoát ly. Như thế cả gia đình đi vào ngõ quanh nguy hiểm mà hậu quả là cả hai đều có hại mà không mang đến cho nhau một ích lợi thiết thực nào.

* Biết dẹp bỏ lòng ích kỷ.

Một đức tính khác nữa là phải biết dẹp bỏ lòng ích kỷ. Tình vợ chồng không phải là tình bè bạn vì thế đặt lòng ích kỷ vào nhau là có hại, một cái hại hoàn toàn mà không có lợi dù là nhỏ thôi. Hai vợ chồng thương nhau nên đặt lòng tự ái, tính ích kỷ sang một bên. Người chồng mỗi chút một giận hờn, người vợ mỗi chút một hờn mát làm cho tình yêu thương càng ngày càng thêm phai lạt, càng ngày hai người càng cảm thấy chán chê nhau, càng muốn xa nhau mà không thích sống chung nhau nữa, như vậy tức là bạn đã thua thiệt một cách nặng nề trên tình trường. Đứng địa vị là một người chồng bạn phải biết coi vợ con là quan trọng, những ý kiến vợ con là cần thiết vì chính vợ bạn, con bạn là những người chung sống cùng bạn, những người cùng bạn chia vui sẻ buồn gánh vác với bạn những thống khổ trên cõi đời.

Vì thế bạn phải nghĩ tới vợ con trước, dẹp bỏ mặc cảm cá nhân lại sang một bên, có thế tình thương mới được bảo toàn. Đối với bạn là một người vợ cũng thế, bạn nên chấp nhận tư tưởng, ý kiến của chồng bạn, con bạn, vì họ là những người thân yêu nhất của bạn, luôn cùng bạn hứng chịu những gian truân của cuộc sống, vì thế cho nên bạn phải coi bạn là thường mà đặt nặng chồng con, đừng vì lòng tự ái mà làm cho tình thương vợ chồng bị hư hao sứt mẻ. Có bảo thủ như thế, tình thương yêu mới tránh được những hậu quả nguy hiểm cho bạn và gia đình.

* Không nên đơn phương hành động.

Như chúng ta đã hiểu tình thương vợ chồng kết tinh bằng hai cuộc đời của cả hai phái nam và nữ và kết tinh từ hai người khác phái với nhau vì thế vấn đề tối yếu là bạn chớ bao giờ làm một việc gì bằng cách đơn phương hành động. Làm một chuyện có tính cách chia rẽ, chỉ cần mình mà không cần một người bạn hôn phối đó là một điều kiện tối yếu mà cuộc sống vợ chồng không cho phép bạn làm như thế. Vì bạn làm như thế là vô tình đưa gia đình vào một chỗ bế tắc. Làm một công việc gì cũng phải có sự đồng ý của chồng, của vợ vì thế là vừa lòng cho cả đôi bên mà không ai hơn ai trách.

Ngược lại nếu bạn làm đơn phương, không có sự chấp thuận của người hôn phối nhất định sau đó sẽ có sự cãi vã, khi có thì gia đình không làm sao tránh được mất lòng. Nếu hai vợ chồng đã mất lòng nhau thì nhất định có giận hờn, và nếu có giận hờn là hạnh phúc không trọn vẹn. Tóm lại, hai vợ chồng sống chung nhau phải tin nhau và thông cảm cho nhau, cuộc sống làm được như vậy mới tìm ra nguồn hạnh phúc.

* Tính đa nghi.

Điểm then chốt cuối cùng phải tránh là tính đa nghi, sống đời sống vợ chồng mà không tin nhau, nghi ngờ lẫn nhau là cả một cực hình đối với nhau. Hai người phải biết dung hòa tình thương yêu tin cậy nhau, bất cứ trên một phương diện nào. Không gì khổ hơn là hai người đã là vợ chồng mà còn coi nhau như hai người xa lạ tìm tòi lẫn nhau, nghi ngại lẫn nhau, thì thật là một điều phiền phức cho nhau. Bạn đóng vai làm chồng phải tin yêu vợ trong một vấn đề từ tình yêu sang vật chất. Bạn là một người vợ phải tin tưởng rằng chính bạn là một người hoàn toàn chung thủy. Có thế đời sống của nhau mới thực sự tìm thấy nguồn hạnh phúc.

KẾT LUẬN:

Tóm lại, trong cuộc sống vợ chồng, cả hai người cùng có trách nhiệm và bổn phận phải làm. Do đó, hai người phải tránh những điều phiền toái và rắc rối mà nếu không sáng suốt, nhất định không làm sao tránh được những lỗi lầm đó. Chính những lỗi lầm thông thường và nhỏ nhặt thường làm người ta mau chán chê nhau và dễ xa nhau.

Những lỗi đó chính là những cạm bẫy của tình yêu.

Hai vợ chồng muốn thu ngắn con đường đưa đến hạnh phúc, bao giờ cũng có nhiều khó khăn, cả hai người cần phải suy nghĩ và tìm hiểu nhau một cách chân thành tế nhị mới đạt được những điều mong muốn. Điều quan trọng nhất của hai vợ chồng chung sống là phải tìm hiểu tính tình nhau, kẻo sau ngày cưới chẳng được bao lâu lại đâm ra chán chê nhau thì đó là một điều bất hạnh.

Những điều kiện cần phải có ở hai vợ chồng là phải biết nhường nhịn nhau, phải biết dẹp bỏ mọi thứ tự ái vặt, dẹp bỏ lòng ích kỷ, không nên làm một công chuyện gì với tính cách đơn phương, san bằng lòng tự ái của nhau và tính nết đa nghi, có như thế đời sống vợ chồng mới tìm được nguồn hạnh phúc và tránh xa những cạm bẫy của tình yêu.