15. Thời thơ ấu của "Dế mèn"

THỜI THƠ ẤU CỦA “DẾ MÈN”

Câu chuyện kể về cậu bé bảy tuổi, Mao Mao, sống ở cô nhi viện gần bờ sông.

Sự việc bắt đầu vào một buổi sáng như thường lệ…

Hôm nay là ngày Mao Mao gặp cha mẹ mới. Cặp vợ chồng trẻ hiếm muộn muốn nhận nó làm con nuôi. Lẽ ra đó một chuyện đáng mừng, thế nhưng đó lại là nỗi lo của các cô bảo mẫu.

Rầm! Cửa phòng bật tung, cặp vợ chồng lao ra với vẻ bàng hoàng.

“Trời ạ, thật kinh khủng!” – Cô vợ gào lên trước. – “Nó bị điên à? Sao nó lại hành động như một… một con dế?”

“Đúng!” – Anh chồng rút khăn lau mồ hôi trên trán vẻ đáng thương.

Những cô bảo mẫu thở ra, chẳng nói gì chỉ buông một câu:

“Lại nữa rồi!”

Cuối cùng, đôi vợ chồng ra về với lời khuyên:

“Đưa nó đi khám bệnh mau kẻo có ngày nó phát điên và thành dế thật đấy!”

Mao Mao bước ra. Thằng bé có cái nhìn tròn, đôi mắt hơi thâm quầng do nhiều đêm mất ngủ để nghiền ngẫm “việc đời”. Gương mặt bầu bĩnh, bờ má phúm phím, những sợi tóc loe hoe trước trán, trông dễ thương phải biết. Ấy vậy mà chẳng có ai dám nhận nuôi nó bởi những hành động quái gở.

“Mao Mao! Con lại làm cha mẹ nuôi sợ hãi, đây là lần thứ ba mươi rồi.”

Mao Mao thưa:

“Dạ, con đã nói không muốn có cha mẹ nuôi, con phải sống tự lập vì đó là tục lệ lâu đời của nhà họ dế con!”

“Con tưởng tượng quá nhiều đó! Con đâu phải là dế!”

“Không ạ, con thật sự là Dế Mèn, người đại diện cho chính nghĩa!”

Dứt lời, Mao Mao lầm lũi bỏ đi. Cô bảo mẫu trẻ nhất bảo:

“Rõ khổ, nó cứ nghĩ mình là Dế Mèn và thích trừ gian diệt bạo.”

Trong khi các cô bảo mẫu lo lắng về tình trạng “đáng ngờ” của Mao Mao thì trái lại thằng bé vô cùng thích thú về việc mình là Dế Mèn. Từ nhỏ, Mao Mao không có bạn, những đứa trẻ trong viện không thích kết thân với nó. Nó cô đơn và thường chơi đùa một mình. Rồi lần đầu tiên nghe cô bảo mẫu đọc truyện Dế Mèn phiêu lưu ký thì Mao Mao đã bị cuốn hút vào thế giới côn trùng. Mỗi tối, trước lúc đi ngủ, nó đòi cô bảo mẫu đọc truyện Dế Mèn. Cứ đều đặn như thế nó thuộc làu truyện. Từ đó, Mao Mao tự phong mình là Dế Mèn với nhiệm vụ giúp đỡ người họan nạn.

Từ khi tự nhận là Dế Mèn, Mao Mao bắt đầu hành động quái gở. Đầu tiên là tục lệ sống độc lập từ thuở bé của dế. Mao Mao tự làm mọi việc từ ăn cơm đến tắm rửa, nó không cho các cô giúp. Tiếp theo, để duy trì tục lệ cao quý ấy Mao Mao khước từ những người đến nhận nuôi. Nó nói với họ rằng "“Cháu là Dế Mèn nên phải sống xa cha mẹ, có vậy mới không ăn bám, ỷ lại. Sau này ra đời cháu mới làm nên chuyện lớn”". Với lời tuyên bố trịnh trọng đó, người nào cũng trố mắt, há hốc mồm ngạc nhiên. Thậm chí, có lần Mao Mao ngồi trên bàn, nhún chân bật như dế, bay vút lên cao. Hậu quả nó ngã nhào vào người đối diện. Thế là xong, chẳng ma nào nhận nuôi nó.

Các cô bảo mẫu và những đứa trẻ trong viện sửng sốt trước sự kỳ quặc của Mao Mao. Mọi người còn bối rối thì nó đã tuyên bố một việc khiến các cô ngỡ ngàng.

“Con là dế không thể ở trong căn phòng tù túng chật hẹp được. Con phải đào hang sống chan hòa với thiên nhiên, vậy mới thú!”

Nói là làm, chiều Mao Mao lấy cái xẻng đồ chơi ra vườn bắt đầu việc đào hang. Bắt chước Dế Mèn, nó lập kế họach tỉ mỉ "đào hang thật rộng, đào sang hai ngã làm đường tắt, cửa sau, những ngách thượng phòng nguy hiểm dễ thoát thân"… Nhưng chao ôi, chuyện đào hang đâu phải dễ. Đào cả buổi trời chỉ được cái hố nhỏ vừa mông đít. Đang nản chí thì các cô chạy ra khuyên ngăn. Mao Mao đứng dậy phủi phủi mông quần:

“Thật ra con không thích nhưng các cô đã hết lời thì con tạm về lại phòng.”

Công cuộc đào hang vừa chấm dứt thì Mao Mao lại nghĩ ra vài trò mới. Chẳng hạn có hôm tự dưng nó bỏ cơm đòi ăn cỏ, có lúc nó ngồi trên bậu cửa sổ đập tay và hú lên để bắt chước gáy như dế. Khỏi nói các cô muốn ngất xỉu tại chỗ.

Dần dà, tên của các đứa trẻ trong viện đều được thay thế bằng tên côn trùng. Cậu bé ốm yếu nhỏ con là Kỉm Kìm Kim, các cô bé xinh xắn là Cào Cào, thằng bé chạy nhanh thoăn thoắt được gọi tên Chuồn Chuồn Ngô, cô bé thích mặc áo màu đỏ là Chuồn Chuồn Ớt… Những người hàng xóm cũng bị vạ lây. Anh sinh viên nghèo là Gọng Vó, bác thợ rèn già được Mao Mao cung kính gọi là cụ Châu Chấu. Lâu lâu có vài cụ già ghé thăm viện nó cũng gọi tuốt tuồn tuột nào là cụ Cành Cạch, cụ Cào Cào, cụ Niềng Niễng… Các cụ nghe thế cười khà khà, phán: “Trẻ con mà!”

Kể cả những thanh niên hư hỏng chọc phá xóm làng, Mao Mao gọi thầm là bọn Bọ Mỗm xấu xa. Chưa hết ngay đến những người thả lưới bắt cá gần bờ sông cũng bị nó gọi tên của đủ loại chim như cò, sếu, vạc, le le, vịt trời, bồ nông… Thật hết nói!

******

Dế Mèn luôn ra tay giúp đỡ người họan nạn, thấy chuyện bất bình chẳng tha. Mao Mao cũng muốn ngao du chốn thiên hạ, biết đó đây, cứu đời giúp người. Nhưng suốt ngày nó cứ quanh quẩn trong viện mồ côi, điều này khiến nó buồn phiền về chí làm trai của mình. Rồi đến ngày nọ, Mao Mao đã có dịp thể hiện bản lĩnh của một Dế Mèn chính hiệu.

Cứ chiều chiều, gần bờ sông có thằng bé to con mặt dữ tợn, thường chặn đường bắt nạt những đứa đi học về. Quan sát từ cửa sổ, Mao Mao thấy việc bất bình nên quyết ra tay hiệp nghĩa.

Bịch!

Lại một thằng bé đáng thương vừa bị xử xong. Cậu to xác cười bóp tay, quay qua nhìn mấy đứa còn lại đang run rẩy.

Chợt, Mao Mao xuất hiện, cất giọng chắc nịch:

“Ỷ mạnh hiếp yếu là hèn đó, có giỏi thì đánh với ta này, chịu không Bọ Ngựa?”

Cậu bé “Bọ Ngựa” còn đứng đờ người thì Mao Mao đã lao vào. Nó ôm lấy đối phương dùng sức đẩy ngã hắn xuống đất. Được giải nguy các cậu học trò bỏ chạy. Cuộc chiến giữa “Bọ Ngựa” và “Dế Mèn” diễn ra kịch liệt. Trận chiến kéo dài trong vài phút, cuối cùng kết thúc là bất phân thắng bại.

Cả hai lăn kềnh ra đất. Nằm thở mệt nhọc, “Bọ Ngựa” lên tiếng trước:

“Đằng ấy… đằng ấy… khỏe ghê!”

Mao Mao còn chưa kịp hiểu thì “Bọ Ngựa” cười hắc hắc.

“Ê, cười như thằng điên vậy?”

“À, tôi… tôi vui vì… vì có bạn.”

Mao Mao bật dậy:

“Bạn gì, ai bạn ông? Tôi không làm bạn với kẻ bắt nạt người khác!”

“Bọ Ngựa” nhổm người:

“Tôi… tôi không cố ý. Tôi sống với… với bà ngoại, nhà tôi nghèo lắm… lắm lại bị nói… nói lắp

nên không ai… ai làm bạn với tôi. Tôi nghĩ đánh… đánh nhau là cách kết bạn, không ngờ đó là… là xấu.”

Bấy giờ, Mao Mao ngớ mặt. Hóa ra “Bọ Ngựa” không xấu như nó nghĩ. Cũng vì cô đơn nên cậu mới tìm bạn. Nhìn nét mặt ủ rũ, đôi mắt ti hí chùng xuống buồn bã của “Bọ Ngựa”, Mao Mao bỗng cất tiếng hỏi:

“Đằng ấy tên gì?”

Cậu nọ gãi tóc:

“Tôi… tôi tên Nhất Nhất.”

“Tớ tên ‘Dế Mèn’ nhưng mọi người cứ gọi là Mao Mao. Đằng ấy làm bạn tớ nhé!”

“Thật… thật hả? Đồng ý!”

“Thế đấy, đó là cách kết bạn!”

Nhất Nhất nghiêng đầu tròn xoe mắt, thì ra kết bạn lại đơn giản như vậy.

Thế là buổi chiều ấy, hai cậu bé xa lạ trở thành bạn thân.

Sau đó, Mao Mao phong Nhất Nhất là Dế Trũi. Chúng nó thề rằng sinh tử có nhau, cùng làm chuyện nghĩa hiệp, họan nạn cùng chia. Mao Mao và Nhất Nhất trở thành đồng minh của những đứa trẻ yếu thế. Dĩ nhiên, chúng cũng có đạt được vài thành tích nho nhỏ. Danh tiếng hai cậu dế được các đứa trẻ gần bờ sông biết đến.

***

Một ngôi nhà gần viện mồ côi, nơi có sân vườn rộng, cây cối um tùm tỏa bóng mát xung quanh, thỉnh thoảng, vài tiếng phụ nữ la mắng vang lên xáo trộn không gian yên tĩnh. Ngôi nhà bờ tường ấy đã nằm trong tầm quan sát của hai cậu dế. Sự thật thì chúng phát hiện ở góc sân phía sau thường có thằng bé ốm nhách, hơi gầy gò, lêu nghêu trông vẻ yếu đuối ngồi khóc thút thít. Biết là có chuyện bất bình nên hai đứa nọ quyết tìm hiểu xem thế nào.

Hai đứa trẻ lén lút vào trong sân bằng cách chui qua lỗ thủng khá to của bức tường phủ đầy rêu xanh. Tiếp theo chúng núp vào đống thùng giấy to nằm chất chồng gần đấy. Vài phút sau, đúng như cả hai dự đoán, cứ buổi trưa là thằng bé ốm nhách kia lại ra vườn đốt rác. Trông mặt nó lem luốc, cái nhìn ngẩn ngơ thấy tội!

Mao Mao gọi khẽ:

“Này, đằng ấy ơi!”

Thằng nhỏ giật mình quay qua, ngạc nhiên khi thấy hai kẻ xa lạ đang trốn trong vườn. Nhìn quanh không thấy ai, chúng lò dò đi ra. Thằng nọ thấy kẻ lạ, sợ sệt lùi ra sau.

“Đừng sợ, chúng tớ đến đây cốt cứu đằng ấy.”

“Cứu gì?”

Nhất Nhất tranh lời, từ khi có bạn cu cậu bớt nói lắp hẳn, giọng rõ hơn trước:

“Bọn… bọn tớ thấy cậu hay ngồi khóc, bộ gặp chuyện gì hả?”

“Nhưng các cậu là ai?”

Được dịp khoe, Mao Mao xưng danh:

“Tớ là Dế Mèn, đây Dế Trũi, em kết nghĩa!”

“À, hai người là anh em nhà dế mà bọn trẻ hay nói sao?”

“Ừ, bọn này thường giúp kẻ thế cô, đằng ấy có gì cứ nói.”

Nghe vậy, thằng bé liền kể:

“Tớ sống với cha và mẹ kế. Tớ hay ngồi khóc là vì mẹ kế đánh tớ suốt ngày.”

Mao Mao nghệch mặt, nhìn ngu thật:

“Mẹ kế là ai?”

Nhất Nhất nói nhỏ:

“Tớ nghe bà kể trong truyện cổ tích mẹ kế là dì ghẻ, độc ác lắm!”

Mao Mao đập tay:

“Ờ… hiểu! Nhưng cậu yên tâm, bọn tớ sẽ bảo vệ cậu khỏi người tên dì ghẻ đó.”

Đúng lúc, trời xui khiến thế nào, mẹ kế xuất hiện. Thằng nọ sợ hãi đứng yên. Nhìn thân hình to béo của người phụ nữ, hai đứa kia nuốt nước bọt. Khiếp thật!

Thấy có hai đứa trẻ lạ hoắc ở trong sân nhà, bà ta trợn mắt, gắt:

“Hai đứa bây là ai, định ăn trộm hả?”

Nhất Nhất xem ra nhát cấy, lùi ra sau một chút. Mao Mao tuy có sợ nhưng can đảm lên tiếng:

“Dì ghẻ… dì ghẻ ơi, đừng đánh cậu ấy nữa.”

“Gì, ai dì ghẻ? Hư đốn này!”

Bà ta tức giận véo tai Mao Mao, túm lấy áo Nhất Nhất lôi xộc xệch ra ngoài cổng ném mạnh chúng xuống.

“Cút ngay! Lũ đần độn!”

Lập tức chúng chạy biến đi sau tiếng quát ầm như sấm.

Xong xuôi, bà ta quay sang giơ tay tát một cái rõ đau vào mặt thằng bé kia.

“Cấm mày chơi với lũ hỗn láo đó!”

Thằng nhỏ vâng dạ rồi quay lại công việc cũ.

Sau lần đó, Mao Mao căm bà dì ghẻ nên nhất định trả đũa cho hả tức. Nó đặt tên cho cậu bạn mới là Dế Choắt, còn dì ghẻ là… mụ Cốc xấu xí!

***

“Mụ Cốc” thường bán chè vào buổi chiều. Biết chuyện đó, hai đứa nọ nghĩ ra cách phá.

Đứng núp sau gốc cây quan sát quán chè nhỏ, để ý khi có người đến mua, chúng liền hét to:

“Đừng có mua chè của ‘mụ Cốc’, chè dở ẹt!”

“Mụ Cốc” đứng phắt dậy, thét kinh thiên:

“Hai thằng trời đánh kia!”

Hai đứa nọ bỏ chạy. “Mụ Cốc” cầm dép đuổi theo. Không ngờ béo xù thế kia mà mụ chạy nhanh lắm, thoáng cái đã tóm được thủ phạm. Lôi Nhất Nhất về nhà, mụ mắng vốn bà nó. Mụ chửi xa xả nhưng may là bà cụ bị lãng tai nên chẳng nghe gì, Nhất Nhất thoát nạn.

Tiếp “mụ Cốc” đến quát tháo các cô bảo mẫu. Các cô vâng dạ cam kết sẽ xử phạt Mao Mao. Khi mụ đã đi, các cô còn khen nó làm tốt. Thật ra những ai ở gần đây đều không ưa được tính khí độc ác của mụ.

Tiếp tục chọc ghẹo “mụ Cốc”, rút kinh nghiệm lần trước, chúng hành động kín đáo hơn. “Mụ Cốc” đem quần áo ra vườn phơi. Khi mụ trở vào nhà, hai đứa nọ len lén đến gần. Những bộ áo rộng, to quá cỡ đoán ngay là áo “mụ Cốc”, chúng liền xịt sơn vẽ lên. Xong xuôi cả hai chuồn êm. Vài phút sau, chúng nghe “mụ Cốc” gào lên:

“Ối giời ơi! Quân nào láo lếu, làm dơ áo tao rồi!”

Hai thằng ranh ở ngoài bịt miệng cố nhịn cười.

Mụ phải giặt mấy ngày trời mới phai hết sơn.

Sau đó, hai cậu dế còn làm nhiều trò tinh quái như bỏ cả hủ muối vào nồi canh làm mụ quíu lưỡi vì mặn đã vậy còn giấu luôn chai nước nên mụ phải chạy bán sống bán chết ra giếng vục đầu xuống uống. Tiếp theo là giấu dép, cắt thủng áo mưa để “mụ Cốc” về nhà toàn thân ướt nhẹp hoặc bỏ thằn lằn vào gấu quần khiến mụ la oai oái… Nhưng trò trả thù dai này chỉ làm hả dạ được Mao Mao, Nhất Nhất, và người khổ nhất vẫn là “Dế Choắt”. Nó bị đánh nhiều hơn. Mỗi lần bị chọc ghẹo, “mụ Cốc” lại trút hết bực bội lên người nó.

***

“‘Mụ Cốc’ còn đánh đằng ấy không?” – Mao Mao hỏi.

“Còn, các cậu đừng chọc mẹ kế nữa, sợ lắm!” – “Dế Choắt” vừa nói vừa xua tay liên tục.

Mao Mao nghe vậy sụ mặt:

“Xin lỗi, ‘Dế Mèn’ lại hại ‘Dế Choắt’!”

“À, sao cậu lại làm dế vậy?” – “Dế Choắt” thắc mắc.

“Cậu nghe truyện về Dế Mèn chưa?”

“Dế Choắt” lắc đầu. Thế là Mao Mao kể sơ lược cho bạn nghe. Nghe xong, “Choắt ta” bảo:

“Dế Mèn thật phi thường nhưng cậu đâu phải dế!”

“Tớ là Dế Mèn mờ.”

“Không, dế đâu đi bằng hai chân, không biết nói, không biết ăn cơm. Cậu giống tớ, chúng ta là người, không thể bay, không gáy, không đào hang như dế được. Mẹ tớ nói con người và côn trùng khác nhau.”

Nhất Nhất ngạc nhiên:

“Cậu… cậu còn mẹ khác nữa sao?”

“Dế Choắt” gật đầu, cười tít mắt, để lộ hàm răng sún:

“Tớ có mẹ ruột, mẹ chia tay cha về tận quê sống. Mẹ viết thư cho tớ nhiều lắm, mẹ nói khi nào ổn định mới lên đón tớ.”

Trên đường về, Mao Mao cứ nghĩ mãi về lời của “Dế Choắt”. Đúng là nó không biết bay, không đào hang, không ăn cỏ và không biết gáy. Lẽ nào nó không phải Dế Mèn, vậy nó là ai?

***

Thấy Mao Mao ủ rũ, cô bảo mẫu liền hỏi:

“Có chuyện gì vậy?”

Mao Mao nói khẽ:

“Con chọc ‘mụ Cốc’ vì muốn trả thù cho ‘Dế Choắt’, nhưng cuối cùng cậu ấy lại bị đánh nhiều hơn. Con không phải là Dế Mèn, con không làm được gì cả…”

Cô ôm nó, vỗ nhẹ tấm lưng nhỏ:

“Mao Mao không phải Dế Mèn nhưng là một đứa trẻ rất ngoan. Con có tấm lòng tốt, muốn giúp đỡ mọi người. Chỉ có điều cách xử sự lại không đúng.”

“Nhưng không là Dế Mèn thì con là ai đây?”

“Con hãy là Mao Mao, là cậu bé bình thường. Dù chỉ là đứa trẻ nhưng con vẫn có thể làm những điều phi thường!”

Nghe vậy, mắt nó chợt sáng lên.

***

Sáng chủ nhật, thấy các cụ đến thăm viện, Mao Mao đến gần khép nép:

“Cụ ‘Cành Cành’, cụ ‘Cào Cào’, cụ ‘Niềng Niễng’, xin các cụ quyên góp cho cháu ít tiền.”

“‘Dế Mèn’ xin tiền làm gì? Dế đâu biết xài tiền.” – Các cụ bông đùa.

“Dạ, bạn cháu cần tiền đi xe về quê gặp mẹ. Bạn ấy nghèo lắm nên bọn cháu nhờ mọi người quyên tiền giúp đỡ.”

Nghe xong, các cụ gật đầu:

“Cháu là đứa trẻ tốt! Đây ông quyên ít tiền cho.”

Mao Mao cười hớn hở:

“Cám ơn các cụ!”

Tiếp đến, nó và Nhất Nhất đến nhà anh sinh viên “Gọng Vó”, bác thợ rèn “Châu Chấu” và vài người khác. Sáng ấy, chúng đã gom đủ tiền cho “Dế Choắt”.

***

Hôm sau, ở bến xe, “Dế Choắt” cầm tiền, mếu:

“Cám ơn hai cậu nhiều lắm!”

“Đã là anh em kết nghĩa thì khách sáo chi!” – Mao Mao gãi đầu.

“Mẹ cậu sẽ… sẽ đón cậu hả?” – Nhất Nhất hỏi.

“Ừ, tớ viết thư nói với mẹ rồi.”

“Dế Choắt” bước lên xe. Bỗng, Mao Mao như nhớ ra gì đó liền hỏi nhanh:

“À, đằng ấy tên gì vậy?”

“Tớ tên Bảo Bảo!”

“Ừm.” – Mao Mao gật gật.

Khi xe sắp lăn bánh, hai đứa nọ vẫy tay:

“Tạm biệt ‘Dế Choắt’! Nhớ viết thư cho bọn tớ nha.”

Dõi theo bong dáng chiếc xe kềnh càng khuất dần, Mao Mao mỉm cười.

Dù biết cậu bạn tên Bảo Bảo không phải là dế nhưng Mao Mao muốn, với Nhất Nhất vẫn gọi là “Dế Trũi”, với Bảo Bảo vẫn là “Dế Choắt” và với mọi người vẫn là những tên gọi côn trùng do nó tự đặt.

Mãi mãi vẫn thế.

"Dù chỉ là những đứa trẻ nhưng chúng vẫn có thể làm nên những điều phi thường!"

END

(TP HCM, 11/2010 trong tuyển tập Đứa trẻ của Võ anh Thơ)