Bàn Cờ Lớn - Chương 01
Chương 1
MỘT ĐỊNH NGHĨA MỚI VỀ BÁ QUYỀN
Bá quyền hiện hữu từ rất lâu trong thế giới con người. Nhưng việc Mỹ xuất hiện nhanh chóng, giữ uy quyền toàn cầu và cách nước này thực thi bá quyền là điểm khác biệt giữa thế lực toàn cầu hiện tại này so với trước đây. Chỉ trong vòng một thế kỷ, Mỹ đã tự biến chuyển - và cũng bị biến đổi theo cùng những động lực thúc đẩy từ bên ngoài - để từ một đất nước tương đối biệt lập ở Tây Bán cầu thành một cường quốc có phạm vi và tầm vóc quyền lực mà toàn bộ lịch sử thế giới chưa từng có.
CON ĐƯỜNG NGẮN TIẾN TỚI BÁ CHỦ TOÀN CẦU
Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha năm 1898 là cuộc chinh phạt nước ngoài đầu tiên của Mỹ, đưa sức mạnh Mỹ đến tận Thái Bình Dương, vượt qua Hawaii đến Philippines. Sang đầu thế kỷ 20, giới chiến lược gia Mỹ bận rộn phát triển các học thuyết về quyền tối thượng của hải quân trên hai đại dương, và Hải quân Mỹ bắt đầu thách thức quan niệm Anh quốc “thống trị những ngọn sóng”. Các yêu sách về vị thế riêng của Mỹ ở tư cách là người bảo hộ duy nhất cho an ninh khu vực Tây Bán cầu - được tuyên bố vào đầu thế kỷ thông qua Học thuyết Monroe1 và sau đó được biện hộ bằng “vận mệnh an bài” dành cho nước Mỹ - thậm chí còn được tăng cường hơn nữa với việc xây dựng kênh đào Panama, tạo điều kiện cho sự thống trị hàng hải ở cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trở nên dễ dàng hơn.
Cơ sở để Mỹ mở rộng tham vọng địa chính trị của mình là nhanh chóng công nghiệp hóa nền kinh tế đất nước. Vào thời điểm Thế chiến thứ nhất nổ ra, tăng trưởng kinh tế của Mỹ có lẽ đã chiếm khoảng 33% GNP toàn cầu, thay thế cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới bấy giờ là Vương quốc Anh. Tính năng động đáng chú ý này của cỗ máy kinh tế nhận trợ lực từ một nền tảng văn hóa chuộng thực nghiệm và phát kiến. Các thiết chế chính trị và nền kinh tế thị trường tự do của Mỹ tạo ra những cơ hội có một không hai cho giới phát minh đầy tham vọng và không ưa truyền thống, những đặc quyền lạc hậu hoặc những phân cấp xã hội cứng nhắc đã cản trở họ theo đuổi mơ ước cá nhân. Tóm lại, văn hóa quốc gia đặc biệt thích hợp cho sự tăng trưởng kinh tế, và bằng cách nhanh chóng thu hút đồng thời đồng hóa những người nước ngoài tài giỏi nhất, nền văn hóa này cũng góp phần phát triển sức mạnh quốc gia.
Thế chiến thứ nhất là cơ hội đầu tiên để Mỹ thực hiện kế hoạch quy mô lớn là đưa lực lượng quân đội tiến vào châu Âu. Một cường quốc tương đối biệt lập cho đến thời điểm này nhanh chóng vận chuyển hàng trăm ngàn binh lính băng qua Đại Tây Dương - một cuộc viễn chinh xuyên Đại Tây Dương chưa từng có về quy mô và phạm vi, báo hiệu sự xuất hiện của một đấu thủ hùng mạnh mới trên trường quốc tế. Quan trọng không kém, cuộc chiến cũng thúc đẩy nỗ lực ngoại giao trọng yếu đầu tiên của Mỹ nhằm áp đặt nguyên tắc Mỹ trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quốc gia của châu Âu. Chương trình Mười bốn điểm (Fourteen Points) nổi tiếng của Woodrow Wilson2 cho thấy sự tiềm nhập chủ nghĩa lý tưởng Mỹ vào hệ quan điểm địa chính trị châu Âu, được củng cố nhờ có sức mạnh Mỹ. (Một thập kỷ rưỡi trước đó, Hoa Kỳ đóng vai trò chính trong việc dàn xếp cuộc xung đột Viễn Đông giữa Nga và Nhật Bản, do đó cũng khẳng định tầm ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của chính mình.) Sự hòa trộn giữa chủ nghĩa lý tưởng và sức mạnh Mỹ, tự quá trình này được cảm nhận đầy đủ trên bức phông nền thế giới.
Tuy nhiên, nói đúng ra, Thế chiến thứ nhất chủ yếu vẫn là một cuộc chiến của châu Âu, không phải một cuộc chiến toàn cầu. Nhưng tính chất tự phá hủy của sự kiện lại đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình suy yếu về chính trị, kinh tế và văn hóa mà châu Âu vốn chiếm ưu thế so với phần còn lại của thế giới. Khi cuộc chiến diễn ra, không một cường quốc châu Âu nào có khả năng giành chiến thắng tuyệt đối và kết cục là đều bị tác động mạnh mẽ từ sự tham gia của một cường quốc ngoài châu Âu đang ngày càng mạnh lên: đó là Mỹ. Để rồi châu Âu dần dần trở thành khách thể, chứ không phải chủ thể của “vở diễn” chính trị quyền3 toàn cầu.
Thế nhưng, vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ tuy trỗi dậy đột ngột nhưng lại không khiến nước này tham gia liên tục vào các vấn đề thế giới. Thay vào đó, Mỹ nhanh chóng lui vào trong tổ hợp chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa lý tưởng mà nước này rất lấy làm hài lòng. Mặc dù đến giữa những năm 1920 và đầu những năm 1930, chủ nghĩa chuyên chế đang tập hợp sức mạnh ở châu Âu, cường quốc Mỹ - lúc bấy giờ đang có ở cả hai đại dương một hạm đội hùng mạnh vượt qua Hải quân Anh - vẫn giữ thế trung lập. Mỹ thích làm người ngoài cuộc đối với các hoạt động chính trị thế giới.
Nhất quán với khuynh hướng đó là khái niệm của người Mỹ về an ninh, dựa trên quan điểm xem Mỹ là một hòn đảo lục địa4. Chiến lược của Mỹ tập trung vào việc bảo vệ bờ biển của Mỹ, chỉ bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, do đó ít quan tâm đến các vấn đề quốc tế hoặc toàn cầu. Các đối thủ quốc tế then chốt vẫn là các cường quốc châu Âu và dần dần là Nhật Bản.
Kỷ nguyên châu Âu giữ ưu thế trên trường chính trị thế giới đã đi đến hồi kết trong Thế chiến thứ hai, cuộc chiến đầu tiên thực sự ở phạm vi toàn cầu. Diễn ra đồng thời ở cả ba lục địa, với Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cũng bị tranh giành kịch liệt, phạm vi toàn cầu của nó thể hiện qua việc binh lính Anh và Nhật - lần lượt đại diện cho một hòn đảo Tây Âu xa xôi và một hòn đảo Đông Á cũng xa xôi không kém - giao chiến nơi biên giới Ấn Độ-Miến Điện cách quê hương mình hàng ngàn dặm. Châu Âu và châu Á trở thành một chiến trường duy nhất.
Nếu kết cục của cuộc chiến là một chiến thắng quyết định cho Đức Quốc xã, hẳn thế giới đã có một cường quốc châu Âu duy nhất với tầm ảnh hưởng lan khắp toàn cầu. (Còn chiến thắng của Nhật Bản ở Thái Bình Dương có thể giúp nó trở thành quốc gia thống trị Viễn Đông, nhưng có lẽ, Nhật Bản vẫn sẽ chỉ là bá chủ một khu vực.) Nhưng thay vào đó, thất bại của Đức lại được hai kẻ thắng cuộc ở ngoài châu Âu định đoạt: Hoa Kỳ và Liên Xô, những nước sẽ kế nhiệm vị thế bá chủ toàn cầu mà châu Âu chưa đạt được.
Năm mươi năm tiếp theo, thế giới chịu tác động của cuộc tranh đấu lưỡng cực giành quyền bá chủ toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Trên một vài phương diện, cuộc tranh giành này là sự ứng nghiệm cho những giả định được các nhà địa chính trị ưa chuộng nhất: cường quốc hàng hải hàng đầu thế giới, thống trị cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, đối đầu với cường quốc lục địa hàng đầu thế giới, bá vương vùng trung tâm lục địa Á-Âu (với khối Xô-Trung bao trùm một vùng diện tích làm liên tưởng đến lãnh thổ của Đế chế Mông Cổ). Khía cạnh địa chính trị không thể rõ ràng hơn được nữa: Bắc Mỹ với Á-Âu, cùng một thế giới đứng trước một dấu hỏi lớn. Kẻ chiến thắng sẽ thực sự thống trị toàn cầu. Không một ai có thể cản đường nữa, một khi đã nắm được trong tay chiến thắng cuối cùng.
Mỗi đối thủ đều tung ra cho thế giới thấy lời kêu gọi thấm đẫm tinh thần lạc quan lịch sử, cái lý giải cho những nỗ lực cần thiết trong quá trình củng cố niềm tin vào một chiến thắng tất yếu. Mỗi bên rõ ràng đều chi phối thế giới riêng của mình, không giống như những nước châu Âu đế quốc có tham vọng bá quyền toàn cầu, mà không ai trong số đó từng thành công trong việc khẳng định quyền thống trị hoàn toàn ngay trong lòng châu Âu. Mỗi nước sử dụng hệ lý tưởng của mình để củng cố tầm ảnh hưởng lên từng nước chư hầu và các nước triều cống, theo hướng làm liên tưởng đến thời kỳ chiến tranh tôn giáo.
Quan điểm địa chính trị toàn cầu kết hợp cùng tính phổ quát mặc định của những giáo điều xung đột nhau đến từ mọi phe đã khiến cuộc cạnh tranh diễn ra vô cùng khốc liệt. Nhưng một yếu tố khác - cũng mang ý nghĩa toàn cầu - đã làm cho cuộc đấu trở nên độc nhất vô nhị. Sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân có nghĩa là một cuộc đối đầu cổ điển giữa hai đối thủ chủ chốt sẽ không chỉ là hủy diệt lẫn nhau mà còn có thể gây ra những hậu quả tang tóc cho nhân loại. Do đó, cường độ của cuộc xung đột phụ thuộc đồng thời vào khả năng tự kiềm chế phi thường của cả hai phe.
Trong lĩnh vực địa chính trị, cuộc xung đột được tiến hành phần lớn ở vùng ngoại vi của lục địa Á-Âu. Khối Xô-Trung chi phối phần lớn lục địa Á-Âu nhưng không kiểm soát được các vùng ngoại vi của nó. Bắc Mỹ lại thành công trong việc cố thủ ở cả bờ biển phía cực đông và cực tây của lục địa này. Sự phòng thủ của các thành lũy ở mỗi đầu lục địa này (điển hình ở “mặt trận” phía tây với cuộc phong tỏa Berlin5 và ở phía đông là Chiến tranh Triều Tiên), do đó, là thử nghiệm chiến lược đầu tiên của cái gọi là Chiến tranh Lạnh.
Ở giai đoạn cuối của chiến tranh Lạnh, một “mặt trận” phòng thủ thứ ba - ở phía nam - xuất hiện trên bản đồ lục địa Á-Âu (xem bản đồ ở trên). Cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô thúc đẩy Hoa Kỳ đáp trả trên hai phương diện: hỗ trợ trực tiếp cho cuộc kháng chiến bản địa ở Afghanistan nhằm giữ chân quân đội Liên Xô, và cho quân đội Hoa Kỳ hiện diện trực tiếp với quy mô lớn ở Vịnh Ba Tư như một biện pháp ngăn chặn bất cứ kế hoạch nào nhằm tiến sâu xuống phía nam của thế lực chính trị hoặc quân sự Liên Xô. Nước Mỹ cam kết bảo vệ khu vực Vịnh Ba Tư, tương tự như những lợi ích an ninh ở Tây Âu và Đông Âu.
Việc Bắc Mỹ ngăn chặn thành công các nỗ lực của một liên minh Á-Âu để gây ảnh hưởng hợp pháp lên toàn bộ lãnh thổ Á-Âu - với cả hai bên đều ngăn chặn đến cùng cuộc xung đột quân sự trực tiếp vì e ngại chiến tranh hạt nhân - đồng nghĩa với việc kết cục của cuộc cạnh tranh cuối cùng được xác quyết thông qua các biện pháp phi quân sự. Sức sống chính trị, linh hoạt trong lý luận, sự năng động kinh tế và sức hút về mặt văn hóa là những thành tố quyết định.
Liên minh do Mỹ đứng đầu vẫn giữ được sự gắn kết, trong khi khối Xô-Trung tan rã trong vòng chưa đầy hai thập kỷ. Một phần là do sự linh hoạt hơn trong liên minh dân chủ của Mỹ, trái ngược với đặc tính phân cấp và giáo điều nhưng lại dễ tan vỡ của khối Xô-Trung. Liên minh Mỹ gắn kết bằng những giá trị chung, nhưng không có một định dạng giáo lý chính thức. Trong khi đó, khối Xô-Trung nhấn mạnh tính chính thống của giáo lý, xoay quanh chỉ một trung khu luận lý được mặc định là chính thống. Mặt khác, các nước chư hầu chính của Mỹ yếu hơn đáng kể so với Mỹ, trong khi Liên Xô không thể đối xử với Trung Quốc như một nước có địa vị thấp hơn. Kết quả, Mỹ chứng minh được tính năng động hơn nhiều về kinh tế lẫn công nghệ, trong khi Liên Xô dần trở nên trì trệ và không thể cạnh tranh hiệu quả cả trong tăng trưởng kinh tế và trong công nghệ quân sự. Đến lượt mình, suy thoái kinh tế dần dà làm tha hóa chủ nghĩa lý tưởng.
Trên thực tế, sức mạnh quân sự của Liên Xô và nỗi sợ hãi mà nó gây ra cho người phương Tây trong một thời gian dài đã che khuất sự bất cân xứng cốt lõi giữa hai đối thủ. Mỹ đơn giản là giàu có hơn, công nghệ tiên tiến hơn, nhạy bén và cách tân hơn về mặt quân sự, sáng tạo và hấp dẫn hơn về mặt xã hội. Những ràng buộc ý thức hệ cũng làm mất đi tiềm năng sáng tạo của Liên Xô, khiến cho hệ thống của họ ngày càng cứng nhắc, kinh tế ngày càng lãng phí và ít cạnh tranh về công nghệ. Chừng nào chiến tranh hủy diệt lẫn nhau không nổ ra, còn thì trong một cuộc tranh đua kéo dài, cán cân vẫn phải nghiêng về phía Mỹ.
Kết quả cuối cùng cũng chịu ảnh hưởng đáng kể của những cân nhắc và tiếp nhận về mặt văn hóa. Liên minh do Mỹ đứng đầu, nhìn chung, tiếp nhận tích cực nhiều thuộc tính văn hóa chính trị và xã hội của Mỹ. Hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở ngoại vi phía đông và phía tây lục địa Á-Âu, Đức và Nhật Bản, đều khôi phục sức mạnh kinh tế của mình với sự ngưỡng mộ dành cho những gì mang tính cách Mỹ. Mỹ được khắp nơi xem như đại diện cho tương lai, một xã hội đáng ngưỡng mộ và đáng để học hỏi theo.
Ngược lại, Nga bị hầu hết các chư hầu Trung Âu coi thường về văn hóa, thậm chí Trung Quốc, đồng minh phương Đông chủ chốt và ngày càng quyết đoán, còn nhìn nhận Nga dưới giác độ tệ hơn. Đối với các nước và vùng lãnh thổ Trung Âu, thế chủ quyết của Nga nghĩa là tách vùng đất ra khỏi những gì người Trung Âu coi là mái nhà triết học và văn hóa của họ: Tây Âu và truyền thống Kitô giáo. Tệ hơn thế, nó có nghĩa là chịu sự thống trị của một dân tộc mà người Trung Âu vốn cho là có nền văn hóa thấp kém (một định kiến có phần bất công).
Đối với Trung Quốc, họ cho rằng “Nga” có nghĩa là “vùng đất đói khổ” nên càng khinh miệt công khai hơn. Mặc dù ban đầu Trung Quốc chỉ lặng lẽ chống đối những tuyên bố về tính phổ quát của mẫu hình Xô Viết của Moscow, tuy nhiên, chỉ trong vòng một thập kỷ, sau cuộc Cách mạng của riêng mình, người Trung Quốc tự đặt ra một thách thức mang tính khẳng định đối với sự thao túng về mặt lý luận tư tưởng của Moscow, thậm chí bắt đầu công khai thể hiện sự khinh miệt đối với những người hàng xóm phía bắc (vốn dĩ bị coi là “Bắc địch”).
Cuối cùng, trong chính nội bộ Liên Xô, một nửa dân số không phải là người Nga dần dần cũng không chấp thuận sự chi phối của Moscow. Sự thức tỉnh chính trị từng bước của những người không phải người Nga có nghĩa là người Ukraine, Georgia, Armenia và Azeri bắt đầu xem cường quốc Liên Xô là một thiết chế thống trị đế quốc ngoại lai của một sắc dân không vượt trội hơn họ là bao về văn hóa. Ở Trung Á, khát vọng quốc gia có thể không mạnh, nhưng tinh thần các dân tộc ở đây được nung đúc thêm bởi nhận thức đang dần rõ ràng hơn về sự chuyển dịch ngả về phía Hồi giáo và sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới.
Giống như rất nhiều đế chế trước đó, Liên Xô cuối cùng cũng sụp đổ và tan rã, không phải vì một thất bại quân sự trực tiếp mà là kết cục của một chuỗi những căng thẳng về kinh tế và xã hội. Tiến trình của nó đã khẳng định bằng một nhận xét khá hay của một học giả:
[C]ác đế chế vốn dĩ không ổn định về mặt chính trị vì các “đơn vị” thuộc địa hầu như luôn muốn được tự chủ hơn, và những tầng lớp đối lập trong các “đơn vị” này hầu như luôn hành động, khi có cơ hội, để giành quyền tự chủ nhiều hơn. Theo nghĩa này, các đế chế không sụp đổ, thay vào đó, chúng tan rã, thường rất chậm, mặc dù cũng có khi rất nhanh chóng.6
CƯỜNG QUỐC THẾ GIỚI ĐẦU TIÊN
Sự sụp đổ của đối thủ đã đưa Hoa Kỳ lên vị trí độc tôn, đồng thời thực sự trở thành cường quốc ở tầm vóc thế giới đầu tiên và duy nhất. Chưa dừng lại đó, vị thế thống trị toàn cầu của Mỹ trên một vài phương diện làm liên tưởng đến các đế chế trước đây, tuy phạm vi khu vực của chúng hạn chế hơn. Quyền lực của những đế chế này dựa trên hệ thống phân cấp các nước chư hầu, triều cống, bảo hộ và thuộc địa, những nước bề ngoài được xem là kém văn minh hơn. Ở một mức độ nào đó, thuật ngữ lỗi thời này không hẳn không phù hợp với một số quốc gia hiện đang trong vòng ảnh hưởng của Mỹ. Như trong quá khứ, việc thể hiện sức mạnh “đế quốc” của Mỹ phần lớn bắt nguồn từ sự tổ chức vượt trội, từ khả năng huy động kịp thời các nguồn lực kinh tế và kỹ thuật to lớn cho các mục đích quân sự, từ sự hấp dẫn văn hóa của lối sống Mỹ, dù không nói rõ ràng nhưng gây chú ý, từ sự năng động không giới hạn và năng lực cạnh tranh vốn có của giới tinh hoa chính trị xã hội Mỹ.
Các đế chế trước đó cũng có phần nào các đặc tính này. La Mã là nước đầu tiên. Đế chế La Mã được thành lập trong khoảng hơn hai thế kỷ rưỡi thông qua việc mở rộng lãnh thổ bền vững về phía bắc và sau đó về cả phía tây và đông nam, cũng như thông qua việc khẳng định quyền kiểm soát hàng hải trên toàn bộ bờ biển Địa Trung Hải. Trong phạm vi địa lý, nó đạt đến đỉnh cao vào khoảng năm 211 (xem bản đồ ở trang 32). Đế chế La Mã là một chính thể tập quyền, với nền kinh tế tự cung tự cấp đơn nhất. Quyền lực đế chế được thực thi có chủ ý và chủ đích thông qua một hệ thống tổ chức chính trị và kinh tế phức tạp. Một hệ thống đường bộ và đường biển được thiết kế theo chiến lược, xuất phát từ thủ đô, cho phép tái triển khai hay tập trung nhanh chóng các quân đoàn La Mã đóng quân tại nhiều nước chư hầu và các tỉnh lỵ triều cống trong trường hợp an ninh bị đe dọa.
Ở đỉnh cao của đế chế, các quân đoàn La Mã được triển khai ở nước ngoài có không dưới ba trăm ngàn người, một lực lượng ấn tượng, ngày càng trở nên nguy hiểm hơn nhờ vượt trội về chiến thuật và vũ khí cũng như khả năng chỉ đạo tái triển khai tương đối nhanh chóng của trung ương. (Điều đáng chú ý là vào năm 1996, cường quốc tối cao vô cùng đông dân, Mỹ, đang bảo vệ những vùng bên ngoài chịu ách thống trị của nó bằng cách đưa 296.000 binh sĩ chuyên nghiệp đóng quân ở hải ngoại.)
Tuy nhiên, uy lực của Đế chế La Mã cũng bắt nguồn từ một thực tại tâm lý không kém phần quan trọng. Civis Romanus sum - “Tôi là công dân La Mã” - là định nghĩa bản thân cao quý nhất, một niềm tự hào, và là khát vọng đối với nhiều người lúc bấy giờ. Dần được trao cho cả những người không phải người La Mã, địa vị công dân La Mã cao quý là biểu thị sự vượt trội về văn hóa, cái khẳng định sứ mệnh của uy quyền đế quốc. Nó không chỉ hợp pháp hóa quyền thống trị của La Mã, mà còn khiến cho những nước lệ thuộc nó mong muốn được đồng hóa và hòa nhập vào cấu trúc đế quốc. Sự ưu việt về văn hóa, được xem là do những người cai trị ban cho và được bên chịu khuất phục thừa nhận, do đó củng cố thêm cho quyền lực đế quốc.
Thế lực đế quốc tối cao đó, trong phần lớn thời gian không bị ai tranh giành, kéo dài khoảng ba trăm năm. Ngoại trừ một thời kỳ khó khăn do Đế chế Carthage gần đó và Đế chế Parthia ở rìa phía đông gây ra, thế giới bên ngoài phần lớn đều thấp kém hơn, không được tổ chức tốt, chỉ có khả năng tấn công lẻ tẻ trong suốt hầu hết thời gian, sự yếu kém rõ ràng về mặt văn hóa. Chừng nào đế chế còn có thể duy trì sức mạnh và sự thống nhất bên trong thì thế giới bên ngoài không thể cạnh tranh được.
Ba nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của Đế chế La Mã. Đầu tiên, đế chế trở nên quá lớn nên một trung ương duy nhất khó có thể cai trị toàn bộ, nhưng khi chia nó thành hai nửa tây và đông thì chính là tự động phá hủy tính độc quyền của nó. Thứ hai, song song đó, sự cao ngạo đế quốc kéo dài đã khởi phát chủ nghĩa hưởng lạc ăn vào văn hóa, dần dần phá vỡ quyết tâm đạt đến sự vĩ đại của tầng lớp chính trị. Thứ ba, lạm phát kéo dài làm suy yếu khả năng tự duy trì của hệ thống không cần sự hy sinh xã hội, điều mà các công dân không còn sẵn sàng thực hiện. Suy đồi văn hóa, phân chia chính trị và lạm phát tài chính kết hợp với nhau, khiến cho La Mã dễ dàng bị tổn thương trước sự tấn công của những đội quân bên ngoài.
Theo tiêu chuẩn hiện đại, La Mã không thực sự là một cường quốc thế giới nhưng lại là một cường quốc khu vực. Tuy nhiên, vào thời điểm ý thức độc lập đang lan rộng khắp các lục địa khác nhau trên toàn cầu, uy thế khu vực của nó lại khép kín và biệt lập, không nằm sát cạnh hoặc thậm chí còn ở xa đối thủ. Do đó, Đế chế La Mã là một thế giới riêng biệt, sự ưu việt về tổ chức chính trị và văn hóa biến nó trở thành tiền thân của các hệ thống đế quốc có phạm vi địa lý thậm chí còn lớn hơn.
Mặc dù vậy, Đế chế La Mã không phải là duy nhất. Đế chế La Mã và Đế chế Trung Quốc xuất hiện gần như cùng lúc, dù không biết gì đến nhau. Đến năm 221 TCN (thời Chiến tranh Punic giữa Đế chế La Mã và Đế chế Carthage), Tần Thủy Hoàng - bấy giờ thống nhất bảy quốc gia, hình thành nên Đế chế Trung Quốc đầu tiên - đã thúc đẩy việc xây dựng Vạn lý trường thành ở phía bắc, cô lập vương quốc bên trong với thế giới man di bên ngoài. Tiếp đến, nhà Hán, thành lập năm 140 TCN, thậm chí còn có phạm vi và tổ chức hùng mạnh hơn. Tính đến khi thời đại Kitô giáo bắt đầu, không dưới 57 triệu người phải chịu uy quyền của Đế chế Trung Quốc. Con số khổng lồ vừa nêu là bằng chứng cho thấy một chính quyền cai trị trung ương vô cùng hiệu quả, thực thi thông qua một bộ máy quan liêu chuyên quyền và hà khắc. Nhà Hán cai trị một đế quốc trải dài đến tận bán đảo Triều Tiên, chiếm một phần Mông Cổ và hầu hết vùng duyên hải Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên, giống như La Mã, nhà Hán cũng đau đầu vì các vấn đề nội bộ, và cuối cùng nhanh chóng tan rã thành ba nhà nước độc lập vào năm 220 (thời Tam Quốc).
Lịch sử lâu đời của Trung Quốc liên quan đến chu trình tái thống nhất và bành trướng, tiếp đó là suy tàn và tan rã. Trung Quốc từng nhiều lần thiết lập thành công các hệ thống đế chế tự chủ, độc lập và không bị bất kỳ tổ chức thù địch bên ngoài nào can dự. Thế chân vạc Tam Quốc đã thay đổi hoàn toàn vào năm 589, với sự tái xuất hiện của một cái gì đó tương tự một hệ thống đế chế. Nhưng thời kỳ Trung Quốc tự khẳng định là đế chế vĩ đại nhất lại diễn ra dưới thời người Mãn cai trị, đặc biệt là vào đầu triều đại nhà Thanh. Đến thế kỷ 18, một lần nữa, Trung Quốc trở thành một đế chế thực thụ, bao quanh vùng trung tâm là các nước chư hầu và triều cống mà ngày nay là toàn bộ bán đảo Triều Tiên, các nước Đông Dương, Thái Lan, Miến Điện và Nepal. Do đó, Trung Quốc chi phối một lãnh thổ trải dài từ vùng Viễn Đông của Nga hiện nay xuống đến phía nam, băng ngang miền Nam Siberia đến tận hồ Baikal, vào lãnh thổ hiện thuộc về Kazakstan, sau đó xuống phía nam đến Ấn Độ Đương, vòng sang hướng đông ngang qua Lào và miền Bắc Việt Nam (xem bản đồ trang 36).
Cũng như trường hợp La Mã, Đế chế Trung Quốc là một tổ chức tài chính, kinh tế, giáo dục và an ninh phức tạp. Việc kiểm soát cả một vùng lãnh thổ rộng lớn với hơn 300 triệu dân sinh sống được triển khai thông qua tất cả các phương thức, trong đó đặc biệt chú trọng vào bộ máy chính trị tập quyền trung ương, được hỗ trợ bởi một hệ thống sứ giả truyền tin và chỉ dụ vô cùng hữu dụng. Toàn bộ đế chế được phân ra thành bốn khu vực, kéo dài từ Bắc Kinh và phân chia giới tuyến các khu vực để tin tức có thể đến được tương ứng trong vòng một tuần, hai tuần, ba tuần hay bốn tuần. Một bộ máy quan liêu tập quyền - được tuyển lựa qua thi cử, được đào tạo chuyên nghiệp và cạnh tranh - chính là rường cột cho một khối thống nhất.
Sự thống nhất đó được củng cố, hợp thức hóa và duy trì - một lần nữa, như trong trường hợp của La Mã - nhờ nhận thức mãnh liệt vốn đã ăn sâu vào gốc rễ về nền văn hóa ưu việt; niềm tin này nhờ có Nho giáo - một hệ thống triết lý phủ khắp đế chế, nhấn mạnh vào sự hài hòa, phân cấp và kỷ luật - mà càng in dấu ấn đậm nét và được củng cố thêm. Trung Quốc - đế chế của Thiên tử - được xem như là trung tâm của vũ trụ, những kẻ ở ngoại vi và xa hơn thế nữa chỉ được xem là man di. Là người Trung Quốc có nghĩa là có học thức, và vì lý do đó, phần thế giới còn lại có nghĩa vụ tôn kính Trung Quốc. Ý thức thống trị đặc biệt đó thấm sâu vào lối hành xử của Hoàng đế Trung Quốc khi trả lời thư của vua George III, Vương quốc Anh - ngay cả trong giai đoạn Trung Quốc đang ngày càng suy yếu vào cuối thế kỷ 18, khi mà các sứ giả Anh đã cố gắng thuyết phục Trung Quốc tham gia giao thương với nước họ và tặng kèm cho Hoàng đế của Đế quốc Trung tâm một số sản phẩm công nghiệp Anh xem như là quà thiện chí:
Chúng ta, nhờ ân sủng của Thiên tuế, Hoàng đế, chỉ thị cho Vua nước Anh phải lưu ý đến bổn phận của mình:
Thiên quốc, cai trị tất cả bốn vùng biển… không coi trọng những thứ quý hiếm… chúng ta cũng không có chút nhu cầu nào với các kỹ nghệ của đất nước ngươi…
Do đó, chúng ta… đã hạ lệnh cho sứ thần cống nạp của ngươi trở về nhà an toàn. Còn ngươi, nhà vua, chỉ cần hành động tuân theo ý muốn của chúng ta với lòng trung thành tuyệt đối và nguyện phục tùng suốt đời.
Sự suy tàn và tan rã của rất nhiều “phiên bản” Đế chế Trung Quốc chủ yếu đều đến từ căn nguyên nội bộ. Mông Cổ và sau đó là “quân man di” phương Tây thắng thế do đế chế đã kiệt quệ, suy đồi, do chủ nghĩa hưởng lạc từ bên trong, do thiệt hại về kinh tế cũng như thiếu sáng tạo quân sự đã làm hao mòn rồi nhanh chóng dẫn đến sụp đổ cả một ý chí Trung Quốc. Các cường quốc bên ngoài lợi dụng những bất ổn của nội bộ Trung Quốc-Anh trong Chiến tranh nha phiến (1839-1842), Nhật Bản một thế kỷ sau đó; điều này làm hình thành nên một thức cảm sâu sắc về một sự sỉ nhục văn hóa, cái đã thôi thúc người Trung Quốc trong suốt thế kỷ 20; cái “quốc sỉ” này gay gắt hơn tất cả do được dấy lên từ xung đột giữa ý thức văn hóa ưu việt đã ăn sâu vào tâm trí với thực tại chính trị yếu kém thời hậu kỳ đế quốc.
Giống như trường hợp của La Mã, Đế chế Trung Quốc ngày nay sẽ được xếp thành một cường quốc khu vực. Nhưng vào thời hoàng kim của mình, Trung Quốc không có đối thủ nào cùng đẳng cấp trên thế giới, có nghĩa là không có một cường quốc nào có thể thách thức vị thế đế quốc hoặc thậm chí chống lại sự bành trướng của nó nếu nó muốn. Hệ thống của Trung Quốc tự chủ, tự cường, chủ yếu dựa trên bản sắc dân tộc phổ quát được triều đình áp đặt lên các dân tộc ngoại lai và các nước triều cống lân cận, với mức độ khá là hạn chế.
Bản chất thống trị và cốt lõi của việc tự xem mình là lớn đã giúp Trung Quốc định kỳ tự khôi phục chất đế quốc của nó. Ở khía cạnh đó, Trung Quốc hoàn toàn không giống các đế chế khác, tuy nhỏ xét theo số lượng nhưng người dân lại có động lực bá chủ mạnh mẽ, trong một thời gian ngắn, có thể áp đặt và giữ vững ách thống trị lên các dân tộc ngoại lai đông dân hơn. Tuy nhiên, một khi sự thống trị của các đế chế “cỡ nhỏ” suy tàn, khôi phục đế chế là việc không tưởng.
Để tìm một cái gì đó tương đối thích hợp cho việc đối chiếu với định nghĩa ngày nay về một đế quốc toàn cầu, chúng ta phải chuyển sang một trường hợp ngoại lệ: Mông Cổ. Đế chế này được hình thành thông qua cuộc đấu tranh khốc liệt với các đối thủ lớn mạnh và có tổ chức. Trong số những nhà nước bị đánh bại có Vương quốc Ba Lan và Hungary, quân đội của Đế chế La Mã Thần thánh, nhiều công quốc thuộc Nga và vùng Rus, Nhà nước Hồi giáo Baghdad, và sau đó là thôn tính cả Trung Quốc dưới triều đại nhà Tống.
Thành Cát Tư Hãn và những người kế vị, bằng cách đánh bại các địch thủ trong khu vực, đã thiết lập chính phủ chuyên chế trên lãnh thổ mà sau này đã được các học giả địa chính trị xác định là trung tâm toàn cầu, hay trục quyền lực thế giới. Đế chế trên lục địa Á-Âu của họ trải dài từ bờ biển Trung Quốc đến Anatolia ở Tiểu Á và đến vùng Trung Âu (xem bản đồ ở trang 39). Mãi cho đến thời kỳ hoàng kim của khối Xô-Trung theo chủ thuyết Stalin, Đế chế Mông Cổ trên lục địa Á-Âu cuối cùng cũng hợp nhất, đến mức phạm vi kiểm soát của nhà nước tập quyền là trên khắp vùng lãnh thổ tiếp giáp.
Các đế chế La Mã, Trung Quốc và Mông Cổ là những tiền thân mang tính khu vực của những nước tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu tiếp sau đó. Trong trường hợp của La Mã và Trung Quốc, như đã đề cập ở trên, các mô hình đế chế của họ phát triển vượt bậc, cả về chính trị và kinh tế, trong khi việc chấp nhận rộng rãi sự vượt trội về văn hóa của trung tâm có chức năng thực thi vai trò gắn kết quan trọng. Ngược lại, Đế chế Mông Cổ duy trì quyền lực chính trị hoàn toàn dựa vào những cuộc chinh phạt, nối tiếp là sự thích nghi (thậm chí là đồng hóa) với các điều kiện địa phương.
Uy lực của Đế chế Mông Cổ chủ yếu dựa trên sức mạnh quân sự vượt trội. Họ áp dụng xuất sắc lẫn tàn nhẫn các chiến thuật quân sự ưu việt, có khả năng chuyển quân thần tốc đáng kinh ngạc kết hợp với sự tập trung kịp thời, nhờ vậy nền cai trị của Mông Cổ không đòi hỏi hệ thống kinh tế hoặc tài chính có tổ chức, tương tự, chính quyền Mông Cổ không cần phải bắt rễ vào bất kỳ thức nhận văn hóa ưu việt kiên định nào. Lực lượng cai trị Mông Cổ rất mỏng về số lượng nên không thể đại diện cho giai cấp thống trị tự phục hưng, và cũng thiếu đi nhận thức rõ ràng cùng mối quan tâm về văn hóa hoặc thậm chí ưu thế sắc tộc đã lấy đi tinh thần tự tin chủ quan cần có của đế chế tinh nhuệ này.
Trên thực tế, dần dà, những người cai trị Mông Cổ dễ bị đồng hóa vào những dân tộc có nền văn hóa tiến bộ hơn sống ở vùng đất mà họ đã chinh phục. Do đó, một trong những cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, người đã trở thành hoàng đế trên phần lãnh thổ Trung Quốc thuộc vương quốc của Đại Hãn, trở thành nhà truyền bá nhiệt thành của Nho giáo; một người khác trở thành tín đồ Hồi giáo sùng đạo với vai trò là quốc chủ (sultan) của các nước Hồi giáo thuộc Ba Tư; và người thứ ba trở thành người cai trị xứ Ba Tư ở Trung Á, hoàn toàn theo nghĩa văn hóa.
Hiện tượng những người bị trị đồng hóa giới cai trị vốn không có một nền văn hóa chính trị vượt trội kết hợp với việc không giải quyết được vấn đề kế vị sau Đại Hãn, người đã xây dựng nên Đế chế Mông Cổ, dẫn đến kết cục sau cùng như ta đã biết. Lãnh thổ đế quốc trở nên quá lớn, khiến cho một trung ương độc nhất không còn khả năng cai trị bao trùm, nhưng giải pháp thử nghiệm - chia cắt đế chế thành nhiều vùng tự trị - lại thúc đẩy sự đồng hóa cục bộ diễn ra nhanh hơn và đẩy nhanh sự tan rã của nó. Sau hai thế kỷ tồn tại, từ năm 1206 đến năm 1405, đế chế trên đất liền lớn nhất thế giới biến mất không một dấu vết.
Sau đó, châu Âu trở thành trung tâm quyền lực thế giới cũng như nơi tập trung các cuộc xung đột lớn giành quyền lực tối cao. Thật vậy, trong khoảng ba thế kỷ, vùng ngoại vi tây bắc nhỏ bé của lục địa Á-Âu - thông qua kế hoạch cường quốc hóa lĩnh vực hàng hải - lần đầu tiên đã thực sự thao túng được toàn cầu khi các cường quốc của nó vươn ra và khẳng định chính mình trên mọi châu lục thế giới. Đáng chú ý là ở Tây Âu có số lượng đế quốc không nhiều, đặc biệt là khi so với số thuộc địa. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, bên ngoài Tây Bán cầu (mà hai thế kỷ trước đó vẫn còn chịu sự kiểm soát của Tây Âu và là nơi sinh sống chủ yếu của dân di cư châu Âu và con cháu họ), chỉ có Trung Quốc, Nga, Đế chế Ottoman và Ethiopia không chịu sự chi phối của Tây Âu (xem bản đồ trang 41).
Thế nhưng, ưu thế quyền lực đó không đồng nghĩa với việc Tây Âu trở thành cường quốc thế giới. Thực tế quan trọng cần nhìn nhận ở đây là uy lực toàn cầu của nền văn minh châu Âu và sự phân mảnh quyền lực ngay trên chính châu lục này. Không giống như cuộc chinh phục vùng trung tâm lục địa Á-Âu của người Mông Cổ hoặc của Đế quốc Nga sau đó, chủ nghĩa đế quốc ở nước ngoài của châu Âu có được là nhờ vào những cuộc thám hiểm xuyên đại dương không ngừng và mở rộng thương mại hàng hải. Tuy vậy, quá trình này kéo theo xung đột không ngừng giữa các quốc gia hàng đầu châu Âu, nó không chỉ vì các thuộc địa ở nước ngoài mà còn vì quyền bá chủ trong chính châu Âu. Sự thật quan trọng về mặt địa chính trị đó là quyền bá chủ toàn cầu của châu Âu không xuất phát từ quyền bá chủ ở châu Âu của bất kỳ cường quốc châu Âu đơn lẻ nào.
Nói rộng ra, cho đến giữa thế kỷ 17, Tây Ban Nha là cường quốc hàng đầu châu Âu. Đến cuối thế kỷ 15, nó cũng đã là một cường quốc đế quốc ở nước ngoài đang ấp ủ tham vọng toàn cầu. Bấy giờ, tôn giáo đóng vai trò như là giáo lý gắn kết và là một nguồn truyền đi nhiệt huyết của đế quốc. Thật vậy, cần phải có phán xử của Giáo hoàng giữa Tây Ban Nha và đối thủ hàng hải của họ, Bồ Đào Nha, để quyết định ranh giới chính thức xem lãnh thổ thuộc địa nào thuộc Tây Ban Nha, cái nào thuộc Bồ Đào Nha trong các Hiệp ước Tordesilla (1494) và Saragossa (1529). Tuy nhiên, khi đối mặt với những thách thức từ Anh, Pháp và Hà Lan, Tây Ban Nha không bao giờ có thể khẳng định uy quyền thực sự, cả ở Tây Âu lẫn trên khắp các đại dương.
Thế thượng phong của Tây Ban Nha dần dần nhường lại cho Pháp. Cho đến năm 1815, Pháp trở thành cường quốc thống trị châu Âu, mặc dù liên tục bị cản trở bởi các đối thủ ở chính châu Âu, cả trên lục địa và ở hải ngoại. Dưới thời Napoleon, Pháp tiến gần hơn cả đến việc thiết lập quyền bá chủ thực sự ở châu Âu. Nếu thành công, nó cũng đã có thể giành được vị thế cường quốc thống trị toàn cầu. Tuy nhiên, thất bại của nó trước một liên minh châu Âu đã tái thiết lập cán cân quyền lực trên lục địa.
Trong thế kỷ tiếp theo tính cho đến khi Thế chiến thứ nhất diễn ra, Vương quốc Anh thao túng hàng hải toàn cầu khi London trở thành trung tâm tài chính và thương mại chủ chốt của thế giới còn Hải quân Anh “thống trị những ngọn sóng”. Vương quốc Anh hoàn toàn nằm ngoài biển, nhưng giống như những nước châu Âu khao khát trở thành bá chủ toàn cầu trước đó, Vương quốc Anh không thể một mình thống trị châu Âu. Thay vào đó, Anh trông cậy vào nền ngoại giao có cán cân quyền lực phức tạp và cuối cùng là dựa vào Hiệp ước thân thiện Anh-Pháp để ngăn chặn quyền thống trị trên lục địa của cả Nga và Đức.
Đế quốc của người Anh ở bên kia đại dương ban đầu có được nhờ thám hiểm, giao thương và xâm lăng. Nhưng giống như các Đế chế La Mã và Trung Quốc trước đó hoặc các đối thủ Pháp và Tây Ban Nha, nó cũng có được quyền lực lâu dài bắt nguồn từ ý thức về nền văn hóa Anh ưu việt. Ưu thế đó không chỉ là tính kiêu ngạo của bản thân tầng lớp đế quốc thống trị mà còn là cách nhìn nhận chung của nhiều chủ thể không phải người Anh. Theo lời của tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, Nelson Mandela: “Tôi được nuôi dạy tại một trường học ở Anh và vào thời điểm đó Anh là nơi có mọi thứ tốt nhất trên thế giới. Tôi không chối bỏ tầm ảnh hưởng mà Anh và lịch sử và văn hóa Anh đã tác động lên chúng tôi.” Sự vượt trội về văn hóa, được khẳng định hoàn toàn và được thừa nhận trong lặng lẽ, có tác dụng làm giảm sự phụ thuộc vào lực lượng quân sự hùng mạnh để duy trì quyền lực là một đế quốc trung tâm. Đến năm 1914, chỉ có vài ngàn quân nhân và công chức người Anh kiểm soát khoảng 11 triệu dặm vuông và gần 400 triệu người không phải người Anh (xem bản đồ ở trang 46).
Tóm lại, La Mã thể hiện quyền thống trị của mình chủ yếu thông qua tổ chức quân đội ưu việt và hấp dẫn về văn hóa. Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của bộ máy quan liêu để cai trị một đế chế dựa trên bản sắc dân tộc chung, củng cố quyền lực của mình thông qua nhận thức sâu sắc về nền văn hóa ưu việt. Đế chế Mông Cổ kết hợp các chiến thuật quân sự tiên tiến nhằm chinh phục và theo khuynh hướng đồng hóa làm cơ sở cai trị. Anh quốc (cũng như Tây Ban Nha, Hà Lan và Pháp) giành được ưu thế khi ngọn cờ của họ theo sau thương mại, quyền lực của họ cũng được củng cố nhờ vào tổ chức quân sự vượt trội và sự khẳng định về văn hóa. Nhưng không một đế chế nào thực sự mang tính toàn cầu. Ngay cả Vương quốc Anh cũng không phải là một cường quốc toàn cầu. Nó không kiểm soát mà chỉ làm cân bằng châu Âu. Một châu Âu ổn định rất quan trọng đối với sự thống trị thế giới của Anh và sự sụp đổ của châu Âu chắc chắn đánh dấu chấm hết quyền bá chủ của Anh.
Ngược lại, ngày nay, phạm vi và tầm ảnh hưởng của quyền lực toàn cầu Mỹ là độc nhất. Hoa Kỳ không chỉ kiểm soát tất cả đại dương và biển trên thế giới, mà còn phát triển lực lượng quân sự cứng rắn nhằm kiểm soát bờ biển khu vực đổ bộ, cho phép thể hiện sức mạnh chính trị của họ trên đất liền. Các binh đoàn hải ngoại Mỹ đóng cố định ở cực tây và cực đông lục địa Á-Âu, kiểm soát cả Vịnh Ba Tư. Trong số các nước và vùng lãnh thổ lệ thuộc vào Mỹ, một số nằm rải rác trên toàn bộ lục địa Á-Âu, như bản đồ ở trang 48, cho thấy mong mỏi được chấp thuận thiết lập mối quan hệ chính thức hơn với Washington.
Nền kinh tế năng động của Mỹ là tiền tố cần thiết cho việc thực hiện bá quyền toàn cầu. Ban đầu, ngay sau Thế chiến thứ hai, nền kinh tế Mỹ đứng tách biệt với tất cả những nước khác, chiếm hơn 50% GNP thế giới. Sự phục hồi kinh tế của Tây Âu và Nhật Bản, tiếp sau là hiện tượng tăng trưởng kinh tế thần tốc của châu Á làm cho tỷ lệ GNP toàn cầu của Mỹ dần thu hẹp lại, với mức sống cao không tương xứng với thời kỳ ngay sau hậu chiến. Tuy nhiên, trước khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, GNP toàn cầu của Mỹ, và cụ thể hơn là phần sản lượng sản xuất thế giới của nó, ổn định ở mức khoảng 30% - chuẩn mực trong suốt thế kỷ đó, trừ một vài năm đặc biệt ngay sau Thế chiến thứ hai.
Quan trọng hơn, Mỹ duy trì, thậm chí còn mở rộng vị thế đứng đầu trong việc khai thác những phát minh khoa học mới nhất cho mục đích quân sự, do đó tạo nên nền tảng quân sự có một không hai về công nghệ, thứ duy nhất có thể tạo tầm ảnh hưởng khắp toàn cầu. Đồng thời, nó vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong những ngành công nghệ thông tin mang tính quyết định đối với nền kinh tế. Ưu thế của Mỹ trong các lĩnh vực hàng đầu của nền kinh tế tương lai cho thấy, có lẽ sự vượt trội về công nghệ của Mỹ không thể sớm bị “soán ngôi”, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng đối với kinh tế. Người Mỹ vẫn đang duy trì hoặc thậm chí nới rộng lợi thế của mình trong hoạt động sản xuất trước các đối thủ Tây Âu và Nhật Bản.
Tất nhiên, Nga và Trung Quốc là những cường quốc không bằng lòng với vị thế vượt trội này của Mỹ. Đầu năm 1996, họ cùng phát biểu như vậy trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga, Boris Yeltsin. Hơn nữa, họ sở hữu kho vũ khí hạt nhân có thể đe dọa lợi ích sống còn của Hoa Kỳ. Nhưng sự thật phũ phàng là vào thời điểm hiện tại và trong thời gian tới, mặc dù có thể khởi xướng cuộc chiến tranh hạt nhân tự sát nhưng không ai trong số họ có thể giành chiến thắng. Thiếu khả năng triển khai lực lượng từ xa để áp đặt ý chí chính trị và nền kỹ thuật công nghệ đang lạc hậu hơn nhiều so với Mỹ, họ không có phương tiện để duy trì cũng như không thể nhanh chóng có được quyền lực chính trị trên phạm vi toàn thế giới.
Tóm lại, Mỹ đứng hàng đầu trong bốn lĩnh vực quyết định nên vị thế cường quốc toàn cầu: về mặt quân sự, nó có phạm vi hoạt động chưa từng có trên thế giới; về kinh tế, là đầu tàu chủ chốt đối với tăng trưởng toàn cầu, bất chấp việc bị Nhật và Đức thách thức ở một vài lĩnh vực (cả hai đều không có được những đặc điểm để trở thành cường quốc toàn cầu khác); về mặt công nghệ, Mỹ vẫn giữ được vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực sáng tạo vượt trội; và về mặt văn hóa, dù có chút khiếm nhã nhưng nó vẫn sở hữu sức hấp dẫn không có đối thủ, đặc biệt là trong mắt giới trẻ. Tất cả những điều đó mang lại cho Hoa Kỳ uy lực chính trị không một nước nào khác có thể sánh được. Sự kết hợp của cả bốn yếu tố đó khiến Mỹ trở thành siêu cường quốc toàn diện duy nhất trên thế giới.
HỆ THỐNG TOÀN CẦU CỦA MỸ
Mặc dù vị thế vượt trội trên trường quốc tế của Mỹ đương nhiên có những điểm tương đồng với các hệ thống đế quốc trước đó, nhưng quan trọng hơn là những khác biệt. Chúng vượt qua cả những vấn đề về phạm vi lãnh thổ. Sức mạnh toàn cầu của Mỹ được thể hiện thông qua một hệ thống phổ quát mang nét độc đáo riêng, phản ánh những kinh nghiệm xử lý nội bộ của Mỹ, mang tính xã hội và gắn với mô hình chính trị Mỹ.
Các đế chế trước đó được xây dựng nhờ vào tầng lớp quý tộc và về cơ bản, trong hầu hết các trường hợp đều được cai trị bằng chế độ độc tài hoặc chuyên chế. Phần lớn dân cư của các quốc gia đế quốc hoặc thờ ơ về mặt chính trị, hoặc bị tiêm nhiễm cảm xúc và biểu hiện đế quốc trong thời gian gần đây. Cuộc tìm kiếm vinh quang quốc gia, “gánh nặng của những người da trắng”, “sứ mệnh khai hóa”, chưa nói đến những cơ hội mang mục đích tư lợi - tất cả nhằm huy động sự ủng hộ cho các chuyến du hành của đế quốc và cơ bản là nhằm duy trì tháp phân cấp quyền lực đế quốc.
Thái độ của công chúng Mỹ đối với kế hoạch thiết lập quyền lực bên ngoài của Mỹ ngày càng mâu thuẫn. Công chúng ủng hộ Mỹ tham gia Thế chiến thứ hai phần lớn vì cú sốc sau vụ việc Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng. Việc Hoa Kỳ tham gia Chiến tranh Lạnh ban đầu được miễn cưỡng tán thành, cho đến khi xảy ra cuộc phong tỏa Berlin và tiếp đó là Chiến tranh Triều Tiên. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ trở thành cường quốc thế giới duy nhất, điều này không khiến dân chúng hài lòng mà lại nghiêng nhiều hơn về việc giới hạn trách nhiệm của Mỹ ở nước ngoài. Các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành vào năm 1995 và 1996 cho thấy người Mỹ nói chung muốn “chia sẻ” sức mạnh toàn cầu với những nước khác, thay vì thể hiện tính độc quyền.
Vì những yếu tố nội bộ này, hệ thống toàn cầu của Mỹ nhấn mạnh phương thức kết nạp (như trong trường hợp của các đối thủ thua cuộc là Đức, Nhật Bản và gần đây là Nga) với phạm vi lớn hơn nhiều so với các hệ thống đế quốc trước đó. Nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào tầm ảnh hưởng gián tiếp lên các tầng lớp ưu tú của các nước lệ thuộc, khi đang thu được nhiều lợi ích từ những nguyên tắc và thiết chế hấp dẫn của nền dân chủ. Tất cả những điều đã nói ở trên được củng cố thông qua việc Mỹ thao túng trên quy mô lớn nhưng không rõ ràng truyền thông toàn cầu, những trò giải trí thịnh hành và nền văn hóa đại chúng vượt trội của Mỹ cũng thông qua tầm ảnh hưởng rất rõ ràng của công nghệ tối tân và phạm vi quân sự toàn cầu của Mỹ.
Vượt trội về văn hóa là một khía cạnh bị đánh giá thấp của cường quốc toàn cầu Mỹ. Bất luận từng bị đánh giá thấp về mặt giá trị mỹ học, văn hóa đại chúng Mỹ luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ, đặc biệt là đối với giới trẻ thế giới. Sức hấp dẫn của nó có thể bắt nguồn từ lối sống hưởng thụ mà nó thể hiện, nhưng khả năng thu hút ở quy mô toàn cầu thì không ai có thể phủ nhận. Các chương trình truyền hình và phim ảnh Mỹ chiếm khoảng ba phần tư thị trường toàn cầu. Nhạc pop Mỹ cũng chiếm ưu thế không kém, trong khi những mốt nhất thời, thói quen ăn uống, và thậm chí quần áo của Mỹ cũng dần được bắt chước trên toàn thế giới. Ngôn ngữ của Internet là tiếng Anh và tỷ lệ cuộc trò chuyện quốc tế thông qua máy tính chiếm áp đảo cũng là Mỹ, tác động đến nội dung của cuộc hội thoại toàn cầu. Cuối cùng, Mỹ đã trở thành Mecca7 (nơi thu hút nhiều người đến) cho những người tìm kiếm nền giáo dục tiên tiến, với khoảng nửa triệu sinh viên nước ngoài đổ xô đến Hoa Kỳ, trong đó nhiều người không bao giờ trở về quê nhà nữa. Có thể tìm thấy sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học Mỹ trong hầu hết các chính phủ trên mọi lục địa.
Phong cách của nhiều chính trị gia dân chủ nước ngoài dần dần cũng tương tự người Mỹ. Không chỉ mình John F. Kennedy nhìn thấy những kẻ bắt chước hăng hái ở nước ngoài, mà thậm chí gần đây hơn (và ít nổi tiếng hơn) các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ đã trở thành mục tiêu cho những nghiên cứu tỉ mỉ và mô phỏng về mặt chính trị. Các chính trị gia từ các nền văn hóa khác như Nhật Bản và Anh (ví dụ, thủ tướng Nhật Bản giữa những năm 1990, Ryutaro Hashimoto và thủ tướng Anh, Tony Blair - ghi là “Tony”, bắt chước “Jimmy” Carter, “Bill” Clinton hay “Bob” Dole) đều cảm thấy hoàn toàn phù hợp khi mô phỏng phong cách thân mật, giao tiếp bình dân và phương thức quan hệ công chúng của Bill Clinton.
Những tư tưởng dân chủ, gắn liền với truyền thống chính trị Mỹ, củng cố thêm những gì được cho là “Chủ nghĩa đế quốc văn hóa” Mỹ. Trong thời đại hình thái chế độ dân chủ lan rộng mạnh mẽ nhất, kinh nghiệm chính trị Mỹ có xu hướng trở thành tiêu chuẩn để noi theo. Sự lây lan này nhấn mạnh trên toàn thế giới vai trò cốt lõi của Bản hiến pháp thành văn và luật pháp tối cao đối với lợi ích chính trị, bất kể trong thực tế bất công như thế nào, đã tận dụng được sức mạnh của chính thể hợp hiến Hoa Kỳ.
Sức hấp dẫn và tác động của hệ thống chính trị dân chủ Mỹ cũng gắn liền, với sự thu hút ngày càng tăng của mô hình kinh tế doanh nghiệp Mỹ, nhấn mạnh tự do thương mại toàn cầu và cạnh tranh không giới hạn. Khi hệ thống phúc lợi phương Tây, bao gồm cả sự nhấn mạnh của Đức về “đồng quản lý” giữa các doanh nghiệp và công đoàn, bắt đầu mất đi động lực kinh tế, nhiều người châu Âu đang lên tiếng cho rằng phải bắt chước nền kinh tế văn hóa mang tính cạnh tranh hơn và thậm chí tàn nhẫn hơn của Mỹ nếu châu Âu không muốn bị tụt lại phía sau. Ngay cả Nhật Bản, chủ nghĩa cá nhân hơn trong hoạt động kinh tế đang được công nhận là yếu tố đi đôi cần thiết đối với thành công kinh tế.
Do đó, Mỹ nhấn mạnh sự kết hợp dân chủ chính trị và phát triển kinh tế để truyền tải một thông điệp lý tưởng đơn giản thu hút nhiều người: theo đuổi thành công cá nhân, đề cao tính tự do khi tạo dựng sự giàu có. Kết quả pha trộn của chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa cá nhân là một sự kết hợp hiệu quả. Tự làm cho bản thân sung túc là một quyền được Thiên chúa ban cho, đồng thời có thể giúp ích cho người khác bằng cách trở thành tấm gương và tạo dựng của cải. Nó là một học thuyết thu hút những con người năng động, tham vọng và thích sự cạnh tranh ở tầm cao.
Khi phong cách Mỹ dần được mô phỏng tràn ngập khắp thế giới, nó tạo nên một môi trường phù hợp hơn cho việc thực hiện quyền bá chủ gián tiếp và, dường như, có sự đồng thuận. Và như trong trường hợp của hệ thống đối nội Mỹ, quyền bá chủ đó liên quan đến mô hình phức tạp phối hợp chặt chẽ các cơ quan và các quy định với nhau, được phác thảo để tạo sự đồng thuận và che đậy sự bất đối xứng giữa quyền lực và tầm ảnh hưởng. Như vậy, quyền thống trị toàn cầu của Mỹ có được bệ đỡ là một hệ thống liên minh và hợp tác phức tạp trải dài trên toàn thế giới đúng theo nghĩa đen.
Một liên minh xuyên Đại Tây Dương, với hiện thân là NATO, liên kết những quốc gia giàu có và thế lực nhất từ châu Âu đến châu Mỹ, đưa Hoa Kỳ trở thành thành viên chủ chốt ngay cả trong các vấn đề nội bộ châu Âu. Mối quan hệ chính trị và quân sự song phương với Nhật Bản đã liên kết nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Á với Hoa Kỳ. Nhật Bản (ít nhất là trong thời điểm hiện tại) về cơ bản là một nước được Mỹ bảo hộ. Mỹ cũng tham gia vào các tổ chức đa phương xuyên Thái Bình Dương non trẻ như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), biến mình thành thành viên then chốt trong các vấn đề của khu vực này. Tây Bán cầu thường được bảo vệ trước những ảnh hưởng từ bên ngoài, cho phép Mỹ đóng vai trò trung tâm trong các tổ chức đa phương hiện có trên nửa bán cầu này. Việc bố trí an ninh đặc biệt ở Vịnh Ba Tư, nhất là sau nhiệm vụ trừng phạt ngắn ngủi chống lại Iraq năm 1991, đã khiến cho khu vực kinh tế quan trọng này trở thành khu vực phi quân sự của Mỹ. Ngay cả những vùng đất thuộc Liên Xô cũ cũng tràn ngập những thỏa thuận do Mỹ tài trợ nhằm hợp tác chặt chẽ hơn với NATO, chẳng hạn như Đối tác vì Hòa bình.
Ngoài ra, mạng lưới các tổ chức chuyên môn hóa toàn cầu cần được xem là một phần của hệ thống Mỹ, đặc biệt là các tổ chức tài chính “quốc tế”. Có thể nói Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) là đại diện cho lợi ích “toàn cầu”, và người tài trợ có thể được hiểu là toàn thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, những tổ chức như trên bị chi phối rất nhiều từ phía Mỹ, chúng bắt nguồn từ những khởi xướng của Mỹ, đặc biệt là Hội nghị Bretton Woods năm 1944.
Không giống các đế chế trước đó, hệ thống toàn cầu rộng lớn và phức tạp này không phải là một tháp phân cấp. Thay vào đó, Mỹ đóng vai trò trung tâm của vũ trụ hợp tác đan xen, trong đó quyền lực được thực thi thông qua thương lượng, đối thoại, phổ biến liên tục và tìm kiếm sự đồng thuận chính thức, mặc dù quyền lực đó xuất phát từ một một gốc duy nhất, là Washington, D.C. Đó là nơi trận đấu quyền lực diễn ra và chơi theo những luật của Mỹ. Có lẽ lời khen ngợi tốt nhất thế giới dành cho tiến trình dân chủ thống trị toàn cầu then chốt của Mỹ là mức độ mà bản thân các nước bên ngoài bị lôi kéo vào cuộc thương lượng chính trị nội bộ của Mỹ. Trong phạm vi có thể, nhiều chính phủ nước ngoài cố gắng vận động những người Mỹ có chung bản sắc dân tộc hoặc bản sắc tôn giáo với họ. Hầu hết các chính phủ nước ngoài cũng sử dụng những người vận động hành lang Mỹ để thúc đẩy cho trường hợp của họ, đặc biệt là trong Quốc hội, nhằm bổ sung khoảng một ngàn nhóm lợi ích đặc biệt nước ngoài đăng ký hoạt động tại thủ đô Mỹ. Các cộng đồng dân tộc Mỹ cũng cố gắng tác động đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, trong đó những nhóm vận động hành lang người Do Thái, Hy Lạp và Armenia nổi bật hơn cả, là những nhóm được tổ chức hiệu quả nhất.
Quyền lực tối cao của Mỹ đã tạo nên một trật tự quốc tế mới, không chỉ nhân rộng thêm mà còn đưa nhiều đặc trưng của chính hệ thống Mỹ vào nhiều nước khác. Các đặc trưng cơ bản của nó bao gồm:
Một hệ thống an ninh chung, bao gồm các lực lượng và chỉ thị hợp nhất (NATO, Hiệp ước An ninh Hoa Kỳ-Nhật Bản, v.v.);
Hợp tác kinh tế khu vực (APEC, NAFTA) và các tổ chức hợp tác chuyên ngành toàn cầu (Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO));
Các thủ tục nhấn mạnh việc đưa ra quyết định đồng thuận, ngay cả khi bị Hoa Kỳ chi phối;
Sự ưu tiên dành cho thành viên dân chủ trong số các đồng minh then chốt;
Mô hình tư pháp và hiến pháp toàn cầu sơ khai (từ Tòa án Quốc tế đến một tòa án đặc biệt để xét xử Tội ác chiến tranh ở Bosnia).
Phần lớn hệ thống đó xuất hiện trong Chiến tranh Lạnh, là một phần nỗ lực của Mỹ để ngăn cản đối thủ toàn cầu của mình, Liên bang Xô Viết. Do đó, nó sẵn sàng để áp dụng cho toàn cầu, một khi đối thủ chùn bước và Mỹ sẽ trở thành cường quốc toàn cầu đầu tiên và duy nhất. Bản chất của nó được nhà khoa học chính trị G. John Ikenberry tóm lược:
Đó là bá quyền theo nghĩa tập trung xung quanh Hoa Kỳ và phản ánh cơ chế chính trị cùng các nguyên tắc tổ chức kiểu Mỹ. Đó là một trật tự tự do được hợp pháp hóa và được đánh dấu bằng các tác động qua lại. Người châu Âu [cũng có thể thêm vào người Nhật] có thể tái tổ chức và hợp nhất xã hội cùng nền kinh tế của mình theo hướng phù hợp với quyền bá chủ của Mỹ nhưng cũng tương thích với khả năng thử nghiệm hệ thống chính trị tự chủ và bán độc lập của riêng họ… Sự cải tiến của hệ thống phức tạp này được dùng để “khai hóa” các mối quan hệ giữa các nước lớn phương Tây. Đôi lúc đã có những xung đột căng thẳng giữa các quốc gia này, nhưng điều quan trọng là cuộc xung đột đó đã được bao hàm trong một trật tự chính trị gắn kết chặt chẽ, ổn định và ngày càng rõ ràng… Nguy cơ chiến tranh bị loại bỏ.
Hiện tại, quyền bá chủ toàn cầu có một không hai của Mỹ không hề có đối thủ. Nhưng liệu nó vẫn sẽ tuyệt đối giữ được vị thế này trong những năm tới?8
* * *
1. Học thuyết Monroe (dựa trên những tuyên bố của cố tổng thống Mỹ James Monroe (1817-1825) vào năm 1823): học thuyết chống lại mọi can thiệp của các cường quốc châu Âu vào Bắc và Nam Mỹ, cũng như Bắc Mỹ can thiệp vào châu Âu. (BT)
[Từ đây trở về sau, những chú thích đề “ND” là do người dịch bổ chú, “BT” là của biên tập viên, không đề gì thêm là của tác giả.]↩︎
2. Chương trình mười bốn điểm nổi tiếng của cố tổng thống Mỹ Woodrow Wilson (1856-1924) đề ra ngày 8-1-1918 gồm: 1. Đưa ra những hiệp định rõ ràng, không bí mật; 2. Tự do thông thương trên các đại dương; 3. Bãi bỏ các rào cản kinh tế; 4. Cắt giảm vũ khí; 5. Dàn xếp các yêu sách của thuộc địa theo quyền lợi của các dân tộc bị trị; 6. Quân Đức rút khỏi Nga, quyền tự do chính sách quốc gia ở Nga; 7. Quân Đức rút khỏi Bỉ, Bỉ là nước độc lập; 8. Quân Pháp rút khỏi vùng Alsace-Lorraine (từ năm 1871 thuộc Đế chế Phổ, sau Thế chiến thứ nhất về tay Pháp); 9. Điều chỉnh biên giới Ý; 10. Các dân tộc thuộc Đế quốc Áo-Hung có quyền tự quyết; 11. Quân Đức rút khỏi Romania, Serbia và Montenegro; 12. Các dân tộc thuộc Đế chế Ottoman có quyền tự quyết, eo biển Dardanelles cho phép tàu của mọi quốc gia; 13. Ba Lan độc lập, có một lối đi ra biển; 14. Thành lập một tổ chức quốc tế giữ gìn hòa bình. (BT)↩︎
3. Nguyên văn: power politics, một thuyết về quan hệ quốc tế, bao chứa ý tưởng cho rằng những phân bố quyền lực và lợi ích, hay thay đổi liên quan đến phân bố đó, là căn nguyên gây ra chiến tranh và/hoặc ổn định hệ thống. Nói dễ hiểu, là mạnh được yếu thua, kẻ thua phải chịu sự thống trị và sai sử của kẻ thắng. (BT)↩︎
4. Nguyên văn: Continental island, vị thế này tương tự như đảo Anh (Great Britain) đối với châu Âu, tuy là đảo tách ra khỏi lục địa châu Âu nhưng vẫn giữ những mối liên kết nhất định về nhiều mặt. Ở đây, Mỹ tự xem mình là “hòn đảo lục địa”, tuy tách rời nhưng có liên hệ với lục địa Á-Âu. (BT)↩︎
5. Cuộc phong tỏa Berlin (từ ngày 14-6-1948 đến ngày 12-5-1949): sự kiện xung đột lớn và gây tổn thất đầu tiên của Chiến tranh Lạnh, giữa Nga và các nước Đồng minh Pháp, Anh, Mỹ. Nguyên nhân là do thành phố Berlin chia cho liên quân Anh, Pháp, Mỹ kiểm soát, vì lý do địa thế, bị nằm lọt thỏm bên trong khu vực do Liên Xô kiểm soát nên đã có xung đột. (BT)↩︎
6. Donald Puchala, “The History of the Future of International Relations” (Lịch sử của tương lai các mối quan hệ quốc tế), Ethics and International Affairs 8, 1994, tr. 183.↩︎
7. Thánh địa linh thiêng nhất của Hồi giáo, thuộc Ả Rập Saudi. (ND)↩︎
8. G. John Ikenberry, “Creating Liberal Order: The Origins and Persistence of the Postwar Western Settlement” (Kiến tạo trật tự hòa bình: những nguồn gốc và sự duy trì thỏa thuận của phương Tây thời hậu chiến), Đại học Pennsylvania, Philadelphia, tháng 11-1995.↩︎