Bàn Cờ Lớn
DẪN NHẬP
NỀN CHÍNH TRỊ SIÊU CƯỜNG
Kể từ khi các lục địa bắt đầu những tương tác chính trị vào khoảng năm trăm năm trước, liên lục địa Á-Âu luôn là trung tâm quyền lực thế giới. Theo những phương thức khác nhau, vào những giai đoạn khác nhau, các dân tộc cư trú tại lục địa Á-Âu - dù phần lớn ở rìa cực Tây Âu - xâm chiếm và thống trị những khu vực khác trên thế giới, khi mà mỗi quốc gia Á-Âu riêng lẻ này đạt được vị thế đặc biệt và thụ hưởng những đặc quyền của “cái ghế” cường quốc hàng đầu.
Thập kỷ cuối của thế kỷ 20 đã chứng kiến một cuộc chuyển dịch kiến tạo liên quan đến một chuỗi sự vụ ngoại giao trên thế giới. Lần đầu tiên một thế lực nằm ngoài lục địa Á-Âu trỗi dậy, trở thành trọng tài chính không chỉ nắm quyền quyết định các mối quan hệ quyền lực trong phạm vi Á-Âu mà còn là cường quốc tối cao trên thế giới. Sự thất bại và sụp đổ của Liên bang Xô Viết là bước cuối cùng để Hoa Kỳ, thế lực ở Tây Bán cầu, nhanh chóng nổi lên để thay thế, thực sự trở thành cường quốc toàn cầu đầu tiên và duy nhất.
Tuy nhiên, lục địa Á-Âu vẫn duy trì vai trò quan trọng của nó về mặt địa chính trị. Không chỉ khu vực ở rìa phía Tây - châu Âu - vốn vẫn là nơi có nhiều cường quốc chính trị và kinh tế của thế giới, mà còn tính cả phần phía đông của nó - châu Á - mà gần đây đã trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động trọng yếu, có tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng. Do đó, vấn đề làm thế nào để một nước có phạm vi quan hệ toàn cầu như Mỹ xử sự trong các mối quan hệ quyền lực Á-Âu phức tạp - và đặc biệt liệu nó có ngăn chặn được sự xuất hiện của một cường quốc Á-Âu thù địch và vượt trội hơn không - vẫn là trọng tâm đối với việc thực hiện thế chi phối toàn thế giới của Mỹ.