Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 07
Sự suy giảm cái tôi ... Chương 6 ...
BẠN VẪN TƯỞNG:
Ý chí chỉ là một khái niệm ẩn dụ.
SỰ THẬT LÀ:
Ý chí là một tài nguyên hữu hạn.
Vào năm 2005, một nhóm các nhà tâm lý học đã khiến các sinh viên đại học cảm thấy tệ hại như thể họ chỉ là rác rưởi.
Các nhà khoa học đã mời một nhóm sinh viên tới phòng nghiên cứu và yêu cầu họ làm quen với nhau. Sự xếp đặt này là để mô phỏng một buổi gặp gỡ, tương tự như buổi tiệc Giáng sinh ở văn phòng - những dịp bạn chẳng bao giờ cảm thấy thật sự tự nhiên.
Các sinh viên này được chia thành từng nhóm cùng giới tính, mỗi nhóm khoảng sáu người và trò chuyện với nhau trong hai mươi phút, sử dụng những mẩu chuyện phiếm mào đầu được cung cấp bởi các nhà nghiên cứu. Họ hỏi nhau những câu như là “Quê bạn ở đâu?”, “Bạn học ngành gì?”, và “Nếu bạn được đi tới một nơi bất kỳ trên thế giới thì bạn sẽ đi đâu?”. Trước đó, các nhà khoa học đã yêu cầu những sinh viên này phải cố gắng nhớ tên của những người trò chuyện với mình. Họ nhấn mạnh rằng đây là điều quan trọng, bởi vì sau đó, các sinh viên này sẽ phải ngồi một mình trong một phòng khác, và viết tên của hai người từ buổi tiệc giả vừa rồi mà họ muốn ghép nhóm để cùng tiếp tục thực hiện thí nghiệm. Các nhà khoa học thu lại những tờ giấy này rồi yêu cầu sinh viên ra ngoài chờ tới khi được gọi. Các đối tượng tham gia thí nghiệm không hề biết rằng lựa chọn của họ đã bị vứt sang một bên, không hề được màng tới.
Các nhà nghiên cứu, Roy F. Baumeister, C. Nathan DeWall, Natalie J, Ciarocco và Jean M. Twenge, sau đó đã yêu cầu những sinh viên trẻ tuổi này tiếp tục các hoạt động thí nghiệm mà qua đó, họ sẽ được biết ấn tượng mình để lại cho những người tại buổi gặp gỡ. Và đây là lúc mọi chuyện trở nên hấp dẫn.
Các nhà khoa học nói riêng với từng thành viên trong một nhóm được chọn ngẫu nhiên rằng: “Tất cả mọi người đều chọn bạn để cùng tham gia vào thí nghiệm tiếp theo”. Để giữ những người thuộc nhóm “được khao khát” này tách biệt, các nhà khoa học tiếp tục nói với từng người rằng các nhóm đã quá đông mất rồi nên họ sẽ phải thực hiện nhiệm vụ độc lập. Những sinh viên thuộc nhóm “được khao khát” đã đi tới điểm thực hiện nhiệm vụ tiếp theo với bước chân hứng khởi và trái tim tràn ngập hạnh phúc. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu lại nói riêng với từng người trong một nhóm ngẫu nhiên khác rằng: “Tôi không muốn phải nói ra, nhưng không ai chọn bạn để cùng thực hiện thí nghiệm tiếp theo cả”. Và bởi không ai muốn ghép cặp với những người này, họ cũng sẽ phải tự thực hiện nhiệm vụ tiếp theo một mình. Lòng tự trọng của họ bị tổn thương nặng nề khi tin rằng mình là kẻ bị ruồng bỏ.
Trong nhiệm vụ tiếp theo này, được phổ biến là mấu chốt cho toàn bộ cuộc thí nghiệm, các sinh viên phải đánh giá mùi vị của ba mươi lăm chiếc bánh quy hạt sô-cô-la. Các đối tượng được phép ăn bao nhiêu bánh tùy ý, và phải điền vào một bảng thử mùi vị thường được dùng tại các công ty lớn. Các nhà khoa học để họ làm việc này một mình trong mười phút.
Và đây mới là thí nghiệm thực sự: đo lượng bánh quy mà các đối tượng ăn dựa trên cảm giác của họ về địa vị xã hội của bản thân. Những người “được khao khát” sẽ ăn bao nhiêu chiếc bánh quy, và các hành vi của họ sẽ khác thế nào so với những người thuộc nhóm “bị ruồng bỏ”? Chà, nếu bạn từng tiếp xúc với những người khác, đặc biệt là nếu bạn từng trải qua cảm giác cô đơn lạnh lẽo trong một buổi tiệc, hoặc là người cuối cùng được chọn để ghép đội trong trò ném bóng, những gì bạn đang nghĩ có lẽ cũng giống với giả thuyết mà các nhà tâm lý học đã đưa ra. Họ tiên lượng rằng những người “bị ruồng bỏ” sẽ ăn thật nhiều, và điều đó là hoàn toàn đúng. Trung bình, những sinh viên thuộc nhóm “bị ruồng bỏ” đã ăn số lượng bánh gấp đôi so với nhóm “được khao khát”. Họ đã cùng trải qua một bữa tiệc được sắp đặt, cùng làm những việc như nhau, cùng là những sinh viên ngồi một mình trong một căn phòng, trước những chiếc bánh quy giòn tan ngon lành. Mặc dù vậy, trong tâm trí, họ đang ở trên hai hành tinh hoàn toàn khác biệt. Với những người đang ở trên hành tinh tràn ngập ánh nắng và có cầu vồng đội trên bầu trời, thì việc kiềm chế bản thân trước cám dỗ từ những chiếc bánh quy là rất dễ dàng. Những người còn lại thì dường như đang ở trong thế giới hoang vu của sa mạc chết chóc, nơi của những kẻ bị lãng quên, và họ cảm thấy khó khăn hơn trong công cuộc chống lại ham muốn với tới những chiếc bánh.
Tại sao nhóm “bị ruồng bỏ” lại cảm thấy muốn nhồi nhét những chiếc bánh quy vào bụng để lấp đầy sự trống rỗng của tâm hồn? Theo lời các nhà khoa học làm thí nghiệm này, thì sự ruồng bỏ xã hội làm suy yếu khả năng tự kiềm chế bản thân. Câu trả lời nằm ở thứ mà các nhà tâm lý học ngày nay gọi là sự suy giảm cái tôi. Và bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng rất nhiều thứ có khả năng gây ra hiện tượng này, rằng bản thân bạn cũng thường xuyên cảm thấy nó, và một phần lớn trong cuộc sống của bạn phụ thuộc vào nó. Trước khi đi sâu vào vấn đề này, hãy cùng trò chuyện một lúc về cái tôi nhé.
Sigismund Schlomo Freud là một cái tên rất nổi tiếng trong giới tâm lý học. Freud sinh năm 1856, là người anh cả trong một gia đình có tám đứa con. Lớn lên và trở thành một bác sĩ, Freud rất ưa thích cocain và xì gà. Ông đã chạy thoát khỏi quân phát xít Đức, nhưng cũng đã mất đi những người chị em của mình vào tay trại tập trung. Cuối cùng, đến năm 1939, khi đã là một ông lão với căn bệnh ung thư miệng đau đớn, ông quyết định thực hiện trợ tử để kết thúc cuộc sống đầy sóng gió của mình. Sigmund Freud là một trong những nhà tư tưởng quan trọng nhất thế kỷ 20. Ông là người đưa từ cái tôi (ego) đến với ngôn ngữ thường nhật, và có lẽ cũng là gương mặt đầu tiên mà bạn nghĩ đến khi ai đó nhắc tới “tâm lý học”.
Mặc dù danh tiếng của Freud nổi như cồn, nhưng cuối thế kỷ 19 cũng không phải thời điểm thích hợp cho việc hỗ trợ sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần. Các trường y khoa thời ấy hầu như chỉ quan tâm đến giải phẫu học, sinh lý học và những chuyên ngành cơ bản. Bạn phác thảo những thứ nằm bên trong cơ thể và tự hỏi chúng có chức năng gì. Bạn sẽ được học về vị trí của trái tim, về cách cưa chân người, tìm hiểu những điều Plato đã nói về cái hang của mình20. Hầu hết những kiến thức hữu ích mà giới y sỹ ngày nay sử dụng đều chưa được tìm ra hoặc chưa được hiểu hết vào thời đó. Đau họng ư? Không vấn đề gì. Hãy buộc một ít thịt lợn tẩm tiêu hạt xung quanh cổ. Bị sa ruột à? Nằm xuống và thử hút thuốc lá bằng lỗ hậu môn nhé. Khoa học và y học lúc bấy giờ mới chỉ đang dần được "thuần hóa", và ở nhiều nơi, người ta vẫn còn tranh luận xem liệu việc rửa tay có thực sự cần thiết sau khi xử lý một cái xác hôi hám và trước khi dùng chính những bàn tay ấy để đỡ đẻ hay không.
Ở những năm học cuối, Freud đã tự giao cho mình một nhiệm vụ nhầy nhụa và trơn tuột: cắt mổ những con lươn. Ông đã mổ khoảng 400 con tất cả để tìm tinh hoàn của chúng, một đặc điểm của loài vật này mà khoa học vẫn chưa tìm thấy vào thời điểm đó. Đây là một công việc ghê rợn và thực sự vô ích. Nếu Freud tìm được tinh hoàn của chúng, ngày nay, tên của ông có lẽ đã xuất hiện trong những cuốn sách giáo khoa của bộ môn khác. Thay vào đó, ông đã nhận bằng y khoa và tới làm việc tại một bệnh viện, nơi ông bỏ ra hàng năm trời để nghiên cứu về bộ não, vẽ sơ đồ của các neuron, tìm tòi mọi điều còn ẩn giấu trong mớ bầy nhầy các mô này theo cách mà ông đã làm với ruột của lũ lươn. Nhưng rồi, cũng giống như điều xảy ra với nhiều người trong chúng ta, tiền bạc trở thành một vấn đề đau đầu. Để có thể chi trả các hóa đơn, Freud đã buộc phải rời bỏ phòng thí nghiệm để thực hành y khoa. Dù vậy, ông vẫn là một người đam mê nghiên cứu cuồng nhiệt, quyết tâm tìm tòi nguyên nhân cho các chứng rối loạn thần kinh bằng cách đi về quá khứ và thời thơ ấu của các bệnh nhân. Ông bắt đầu phác thảo lý thuyết về cấu tạo và giải phẫu học của tâm trí con người. Và đây chính là cách hình mẫu tâm lý nổi tiếng của ông ra đời. Freud cho rằng các hành vi và suy nghĩ, các chứng rối loạn và bệnh tật, tất cả đều là kết quả của sự tác động qua lại và liên kết giữa các bộ phận bên trong tâm thức, mỗi cái mang một chức năng riêng. Ông gọi những thứ này là das Es, das Ich và das Uber-Ich trong tiếng Đức, hay dịch ra là “nó”, “cái tôi” và “cái siêu tôi” - thứ mà sau này đã trở thành một cụm nổi tiếng trong tiếng Anh: “id, ego, and superego”. Theo quan điểm của Freud, “nó” chỉ phần sơ khai trong tâm trí, nằm ở vùng vô thức và luôn luôn tìm kiếm sự thỏa mãn trong khi cố gắng tránh khỏi những tình huống khó chịu. “Cái tôi” là phần thực tại của tâm trí, chính là kẻ phải cân nhắc những hậu quả của việc đấm vào mặt người khác hay tranh miếng khoai tây chiên của họ. Khi “cái tôi” bại trận trước “nó” trong cuộc chiến tranh giành sự kiểm soát tâm trí, “cái siêu tôi” sẽ đứng ở trên đỉnh cao nhất của toàn bộ hệ thống, nhìn xuống và lắc đầu chán nản. Freud cho rằng điều này sẽ ép “cái tôi” phải giành lại quyền kiểm soát hoặc trốn tránh phía sau sự phủ nhận, sự hợp lý hóa hoặc bất kể cơ chế tự bảo vệ nào khác. “Cái tôi” làm vậy để tránh sự phán xét nghiêm khắc từ “cái siêu tôi”, từ đây, những tiêu chuẩn đạo đức và văn hóa sẽ thể hiện sức ảnh hưởng của mình. Tất nhiên là tất cả những điều này đều không thực sự đúng. Chúng chỉ là những quan sát và giả thuyết của một người có học thức trong khoảng thời kỳ mà người ta tìm ra penicillin.
Những bác sĩ như Freud có thể đưa ra đủ loại giả thuyết mà họ muốn, chỉ cần là người có sức hấp dẫn trong giao tiếp và trong việc viết lách, sau đó họ hoàn toàn có thể dẫn đầu trong các cuộc đối thoại khoa học về chủ đề đã chọn. Lần nọ, khi điều trị cho một người phụ nữ đang bị đau bụng kinh, Freud đã đưa cô này tới gặp một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, người mà ông biết đang có giả thuyết về mối liên hệ giữa việc chảy nước mũi và kinh nguyệt. Sau khi bị chọc ngoáy khoang mũi, trong thời gian hồi phục, bệnh nhân đã phàn nàn về những cơn đau kéo dài trong hốc xoang của mình mà ngay cả morphine cũng không làm thuyên giảm được. Đỉnh điểm, có một đêm cô ta đã chảy ra đến hai bát dịch mủ trước khi xì ra được một miếng xương to bằng củ năng. Freud kết luận rằng hiện tượng này là kết quả của một cơn cuồng loạn có nguồn gốc từ những ham muốn tình dục bị kìm nén. Trong lần cô bệnh nhân tái khám với bác sĩ phẫu thuật, nguồn gốc thực sự được xác định là do một miếng gạc bị bỏ sót. Tuy vậy, Freud vẫn không tin điều đó, và khẳng định rằng việc người phụ nữ khỏi bệnh có liên quan tới phân tâm học.
Luận điểm mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ngành tâm lý học đã đi được một chặng đường dài kể từ thời kỳ đó. Nhà phê bình Harold Bloom đã nói rằng những đóng góp của Freud cho nhân loại tốt nhất nên được so sánh với Shakespeare thay vì Copernicus21, vì ông là bậc thầy trong việc sử dụng ẩn dụ. Những công trình của Freud vẫn có ảnh hưởng lớn lên văn hóa đại chúng và ngôn ngữ thường nhật ngày nay - “nói hớ kiểu Freud”22, “sự kìm nén”, v.v. - nhưng hầu hết chúng đều đã bị chứng minh là nhảm nhí. Chúng ta biết được điều này là bởi qua thế kỷ vừa rồi, tâm lý học đã trở thành một ngành khoa học thực thụ với những công trình nghiên cứu được giám sát kỹ lưỡng, những bản báo cáo được xuất bản trên các tạp chí uy tín, thông qua quy trình kiểm duyệt khắt khe. Dù vậy, ít nhất một trong những phép ẩn dụ của Freud có lẽ đã không hoàn toàn là thần thoại, và điều này mang chúng ta trở lại với Roy F. Baumeister và bát bánh quy của ông.
Vào những năm 1990, Baumeister và các đồng nghiệp đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu cơ chế tự kiểm soát của con người qua việc sử dụng sô-cô-la. Là con người, tự kiểm soát là một phần quan trọng của việc tồn tại. Hãy nhớ lại những chương trước, bạn là nhân vật chính trong câu chuyện cuộc đời mình, là người kể chuyện không thực sự đáng tin cho những thiên sử thi hào hùng trong quá khứ, hiện tại và tương lai của chính bản thân. Bạn cảm nhận được một ranh giới giữa mình với tất cả những nguyên tử khác xung quanh - cảm giác như thể bản thân bạn là một thực thể độc lập, chứ không chỉ là cái túi hỗn độn chứa các nội tạng, tế bào và phân tử đã nhảy được khỏi mặt biển từ 530 triệu năm trước. Cảm giác về bản thân này tạo nên một loạt những ý thức khác về cơ thể và tâm trí được gọi là ý chí. Cảm giác tự do ý chí mang lại cho bạn niềm tin rằng bạn đang thực sự cầm lái, đưa ra những quyết định và lựa chọn. Ý chí khiến bạn cảm thấy phải chịu trách nhiệm với các hành động của mình cả trước và sau khi chúng diễn ra. Con người đã bỏ ra vài nghìn năm để tranh luận xem điều này thực sự có nghĩa gì, và liệu tự do ý chí có phải chỉ là ảo giác hay không, nhưng nghiên cứu của Baumeister trong hơn một thập kỷ qua đã xác định được rằng theo một cách nào đó, cảm giác về khả năng tự kiểm soát có thể được điều khiển.
Vào năm 1998, trong một buổi thí nghiệm, Baumeister và các đồng nghiệp của mình là Ellen Bratlavsky, Mark Muraven và Dianna M. Tice đã phổ biến trước với những người tham gia rằng buổi nghiên cứu hôm ấy tập trung vào vị giác, bởi vậy, mỗi người đều phải bỏ một bữa ăn và đến làm thí nghiệm với cái dạ dày rỗng.
Các nhà khoa học đưa từng đối tượng vào căn phòng kín với chiếc lò vừa nướng bánh xong, cho họ ngồi trước hai sự lựa chọn: một chồng những chiếc bánh quy hạt sô-cô-la và một bát củ cải. Các đối tượng không hề biết rằng họ đã được bí mật chia vào ba nhóm. Các nhà nghiên cứu yêu cầu thành viên của nhóm thứ nhất chỉ ăn củ cải và viết lại cảm nhận của mình để dành cho buổi hỏi đáp sẽ diễn ra vào hôm sau. Nhóm thứ hai thì chỉ được ăn bánh quy. Và nhóm cuối cùng, nhóm đối chứng, thì không được đưa vào căn phòng bánh-quy-và-củ-cải này. Các nhà tâm lý học sau khi đưa ra yêu cầu đã rời khỏi phòng thử trong năm phút và trở lại với một bảng câu hỏi về tâm trạng. Theo như những gì Baumeister đã viết trong cuốn sách của mình với tựa đề Willpower (Ý chí), đồng tác giả cùng John Tierney, hầu hết những người phải ăn củ cải đã nhìn chằm chặp vào những chiếc bánh quy như trong một trận đấu súng tay đôi. Một số thậm chí còn nhặt những chiếc bánh lên và hít hà. Nếu họ không được phép ăn, thì ít nhất họ cũng sẽ cố hít một hơi thật sâu mùi vị thơm ngon quyến rũ này. Dù sao thì nhóm củ cải vẫn làm theo những gì được yêu cầu, không ai trong số họ ăn miếng bánh nào cả, nhưng cũng không ai trong số họ không cảm thấy chút đau đớn. Tiếp theo, tất cả các nhóm được đưa tới một căn phòng khác để thực hiện bước tiếp theo. Tại đây, họ phải ngồi giải một câu đố: Vẽ theo một hình cho sẵn mà không được phép nhấc bút lên hoặc đi lại vào đường đã vẽ. Họ được phép thử trong bao lâu cũng được, nhưng họ không hề hay biết rằng câu đố ấy không có lời giải. Trong ba mươi phút tiếp theo, các nhà khoa học quan sát và ghi lại hành vi của những người tham gia, xem xem mất bao lâu thì họ sẽ bỏ cuộc.
Tính trung bình, những người không phải ngồi trong căn phòng bánh-quy-và-củ-cải đã cố gắng trong vòng hai mươi phút trước khi chấp nhận thất bại. Những người được phép ăn bánh quy, thì cố được khoảng trung bình là mười chín phút. Còn những người bị buộc phải ăn củ cải và phải chống lại ham muốn ăn những chiếc bánh ngon lành trong căn phòng thơm nức mũi, đã bỏ cuộc sau khoảng thời gian trung bình là tám phút. Baumeister đã nhận xét về điều này như sau: “Việc chống lại ham muốn dường như đã tạo nên một chi phí tinh thần”. Bằng chứng cho thấy bạn càng kìm nén thứ mà Freud gọi là “nó” của bạn, thì việc tiếp tục kìm nén về sau này sẽ càng trở nên khó khăn. Freud có lẽ sẽ nói rằng “cái tôi” của bạn càng phải chiến đấu kiên cường trước “nó”, càng phải giữ “nó” xuống lâu hơn, thì sẽ càng trở nên mệt mỏi và yếu ớt. Với một cú gật đầu đồng tình và nháy mắt với Freud, Baumeister đã gọi quá trình này là sự suy giảm cái tôi, Baumeister và các đồng nghiệp đã phát hiện ra nhiều cách khác nữa khiến con người nhanh chóng bỏ cuộc. Trong một nghiên cứu, các sinh viên đại học đã được chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất phải phát biểu đồng tình với việc tăng học phí tại trường. Nhóm thứ hai thì được phép chọn đồng tình hay phản đối. Nhóm còn lại thì được đi thẳng tới phần tiếp theo của thí nghiệm: Giải những câu đố quanh co mà thực ra không có đáp án. Lần này, nhóm không phải phát biểu và nhóm phải nói điều mà bản thân họ không đồng tình đã trụ được lâu gấp đôi so với nhóm được lựa chọn. Kết quả này cho thấy, không chỉ việc phải kiềm chế ham muốn mới có thể làm suy giảm cái tôi của bạn, thậm chí cả việc bị buộc phải lựa chọn cũng có tác dụng tương tự. Những đối tượng không phải chọn lựa đã cho ý chí của mình nghỉ ngơi, và năng lượng cho cái tôi của họ được giữ nguyên cho tới lúc làm bài giải đố.
Một nghiên cứu khác thì yêu cầu người tham gia cố gắng không thể hiện bất kỳ cảm xúc nào trong khi xem một đoạn video của diễn viên tấu hài hoặc một người đang diễn vai bệnh nhân sắp chết vì ung thư. Sau đó, họ phải giải những câu đố từ vựng với những người đã xem cùng một đoạn băng nhưng được thoải mái thể hiện cảm xúc. Những người phải kiềm chế cảm xúc đã giải được ít câu đố hơn những người còn lại.
Trong một nghiên cứu về lựa chọn chủ động và bị động, một nhóm những người tham gia đã phải tìm tất cả các chữ cái “e” trên một tờ giấy viết đầy những cụm từ vô nghĩa. Một nhóm khác thì phải tìm tất cả những chữ “e” nằm cách nguyên âm khác ít nhất hai chữ cái. Thử làm với đoạn văn bạn đang đọc này xem, bạn sẽ nhận thấy rằng nhiệm vụ của nhóm thứ nhất dễ hơn nhiều. Tiếp theo, từng đối tượng trong mỗi nhóm phải xem đoạn video chiếu một khoảng tường trống trơn với chiếc điều khiển trong tay. Đối với một số người, việc ấn nút sẽ dùng đoạn phim lại. Những người khác thì phải ấn nút để giữ đoạn phim tiếp tục chạy. Các đối tượng đã phải xem đoạn phim chán ngắt này cho tới khi họ tin rằng mình đã xem đủ để trả lời một bảng câu hỏi về nó. Không có bất kỳ điều gì xảy ra trong đoạn phim trên cả, nhưng cũng không ai biết được là liệu có điều bất ngờ xuất hiện hay không. Thêm nữa, mỗi người còn được phổ biến là khi đoạn video này kết thúc, họ sẽ được xem một đoạn phim từ chương trình Trực tiếp Tối Thứ Bảy. Những người đã tìm “e” theo luật đơn giản hơn ở nhiệm vụ ban đầu có xu hướng ấn nút dừng phim sớm hơn so với nhóm còn lại những người đã bị suy giảm cái tôi sau một nhiệm vụ khó. Còn nếu họ thuộc trường hợp phải nhấn nút để giữ cho đoạn phim bức tường tiếp tục chạy, thì họ lại giữ lâu hơn. Nhóm với cái tôi bị suy yếu sau nhiệm vụ đầu tiên chỉ đơn giản đi theo lựa chọn thụ động hơn trong cả hai trường họp ở nhiệm vụ thứ hai: Nếu phải bấm nút để dừng phim, thì họ sẽ trì hoãn; nếu phải giữ nút để cho phim chạy, thì họ lại bỏ cuộc sớm hơn. Kết quả này cho thấy việc quá tập trung vào một nhiệm vụ nào đó khiến người ta mất đi ý chí để đưa ra những lựa chọn chủ động về sau.
Một phần lớn những suy nghĩ và hành vi của bạn diễn ra một cách tự động và vô thức. Ví dụ, bạn không cần phải để tâm tới việc chớp mắt hay hít thở. Tương tự với một loạt những hành động khác như lái xe tới chỗ làm hoặc tự lau khô người sau khi tắm, còn tâm trí bạn thì được tự do nghĩ về bộ phim Game of Throne (Trò chơi vương quyền) hoặc làm thế nào để xin sếp tăng lương. Nếu chạm tay vào bếp lò nóng, bạn sẽ vô thức rụt tay lại. Xu hướng tránh những con hẻm tối tăm và tìm đến những cái ôm cũng đến một cách tự nhiên mà bạn chẳng cần phải suy nghĩ gì. Những cảm xúc dâng trào mà một bài hát, một bức tranh hoặc một chú mèo con gợi lên trong bạn hoàn toàn không đi qua phần lý trí. Phần lớn những gì diễn ra trong tâm trí bạn không hề chịu sự kiểm soát của ý thức, và những nghiên cứu của Baumeister cho thấy khi bạn chủ động tham gia điều khiển tâm trí, thì mỗi một nỗ lực bỏ ra sẽ làm suy giảm năng lượng trong lần phải dùng đến lý trí tiếp theo.
Tâm trí con người giống như một con tàu vũ trụ thử nghiệm với thiết kế tồi tệ. Khi con tàu đó di chuyển trên một đường thẳng, thì nó sẽ tiêu tốn rất ít nhiên liệu. Tuy nhiên, chỉ cần cơ trưởng bước vào và chủ động điều khiển, dù là theo bất kỳ cách nào, lao xuống, rẽ sang bên hay phóng vút lên, thì con tàu tưởng tượng này cũng sẽ đốt nhiên liệu ở mức đáng báo động, và chẳng còn gì nhiều để có thể tiếp tục lèo lái trong tương lai. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải trả con tàu về với trạng thái tự hành để nó được tiếp nhiên liệu, không thì nó sẽ ngừng hoạt động. Theo cách so sánh này, thì hành động kiểm soát tâm trí bao gồm: đưa ra những lựa chọn, tránh xa những cám dỗ, kìm nén cảm xúc, suy nghĩ và hành xử theo cách được coi là phù hợp trong môi trường văn hóa của bạn. Để nói không với bất kỳ ham muốn nào, từ việc lùng sục tủ lạnh kiếm đồ ăn cho tới việc trốn học, đều cần một chút nhiên liệu lý trí. Và khi đã đốt cháy phần nhiên liệu đó, thì việc kháng cự những cám dỗ này về sau sẽ càng khó khăn hơn. Tất cả những nghiên cứu của Baumeister đều cho thấy việc tự kiểm soát bản thân là vô cùng căng thẳng. Khi cái tôi trở nên suy yếu, những hệ thống tự động trong bạn lại càng mạnh mẽ hơn, và nỗ lực kiểm soát chúng sẽ càng kém thành công hơn so với lần trước đó. Tuy nhiên, sự suy giảm cái tôi không chỉ đơn giản là hệ quả của sự mệt mỏi. Đương nhiên là khi bạn đang buồn ngủ, say khướt, hoặc đang trong một cơn bay bổng với thuốc kích thích, thì việc kháng cự những miếng bánh táo ngon lành là không tưởng, nhưng sự suy giảm cái tôi kỳ lạ tới mức các nghiên cứu còn cho rằng nó xảy ra ngay cả trong những hoạt động thường ngày. Đứng trước mối đe dọa của sự chán nản và nỗ lực phải kiểm soát ham muốn, dù bạn kiềm chế hay đánh lạc hướng hành vi của bản thân theo bất kỳ cách nào cũng chỉ có tác dụng nhất thời, và sẽ ngày càng trở nên khó khăn gấp bội trong tương lai.
Vậy tại sao những sinh viên đã bị cán qua bởi chiếc xe tải vô hình mang chữ “bị ruồng bỏ”, những người bị thì thầm vào tai rằng không ai chọn họ để ghép cặp sau buổi tán dóc ở bữa tiệc giả - lại không thể giữ mình trước những chiếc bánh quy sô-cô-la? Dường như sự suy yếu của cái tôi có thể diễn ra theo cả hai chiều. Việc giao tiếp với người khác cần chút nỗ lực, vậy nên, hầu hết những thứ mà chúng ta gọi là hành vi xã hội đều có khả năng bào mòn cái tôi. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu về việc bị xã hội ruồng bỏ cũng cho thấy, khi bạn bị tẩy chay, trong sâu thẳm bạn sẽ tự hỏi: “Tại sao mình lại phải tiếp tục kiểm soát bản thân trong khi không ai quan tâm tới những gì mình làm cơ chứ?”
Có thể bạn cảm thấy thôi muốn thúc tắt máy tính, lột bỏ bộ quần áo đang mặc, và cứ thế trần như nhộng đi bộ vào rừng. Nhưng bạn không làm vậy. Với những động cơ khác nhau, nhiều người đã thực sự tách mình ra khỏi xã hội. Ted Kaczynski, Henry David Thoreau và Christopher McCandless là những người nổi tiếng nhất. Và kể cả trong ba người này, cũng không ai điên tới mức bỏ lại hết tất cả những gì dính dáng tới cuộc sống hiện đại. Một ngày nào đó, bạn có thể sẽ giơ ngón giữa vào cuộc sống vật chất và tiến vào nơi hoang dã, nhưng có lẽ bạn sẽ vẫn đi giày dưới chân và cầm theo một con dao bỏ túi. Để phòng trường hợp gặp bọn mèo rừng ấy mà. Dù sao thì đó cũng là một ý tưởng đầy hấp dẫn - rời xa xã hội và sống hoàn toàn cô độc. Bạn có lẽ cũng thích xem những chương trình truyền hình như Người Sống Sót hay Con Người Đối chọi với Hoang Dã. Bạn thích đọc đi đọc lại những câu chuyện như Bị Bỏ Rơi, Robinson Crusoe và Cuộc Đời Của Pi. Đó là trải nghiệm chung của tất cả chúng ta - sự tò mò xen lẫn sợ hãi trước suy nghĩ hoàn toàn tách khỏi đồng loại.
Tẩy chay là một trải nghiệm rất sâu rộng và đầy đau đớn. Bản thân từ này (ostracism) đến từ một hình phạt được áp dụng ở Athens cổ đại và những thành bang lớn khác. Người Hy Lạp thường xuyên trục xuất những kẻ bất tín và phản bội lòng tin của xã hội. Những mảnh gốm, gọi là ostracon, đã được sử dụng để làm phiếu bầu khi số phận của một người được đặt lên bàn cân. Các loài linh trưởng như bạn có thể sống sót và phát triển là nhờ khả năng gắn kết với nhau thành các nhóm. Từ đó, sinh ra nhu cầu chú ý tới những biến số phức tạp của xã hội như địa vị và đồng minh, tính khí và kỹ năng, những liên kết chính trị và khuynh hướng tình dục cũng ra đời, tất cả là để tránh việc bị tẩy chay. Đối với một con linh trưởng, sự trục xuất tương đương với cái chết. Ngay cả với những người anh em họ của bạn là loại tinh tinh, việc trục xuất một cá thể ra khỏi bầy cũng rất hiếm. Thường thì những con tinh tinh cô độc là những con đực đầu đàn cũ đã thua cuộc trong một vụ lật đổ quyền lực. Những con tinh tinh trong đàn sẽ không lại gần con bị tẩy chay, không giúp nó chải lông nữa, nhưng hiếm khi trục xuất nó ra khỏi đàn. Một người bị tách biệt hoàn toàn khỏi đồng loại thường cũng không tồn tại được lâu. Tổ tiên của bạn có lẽ đã không chỉ sống sót bằng cách tránh xa khỏi lũ nhền nhện, rắn rết và sư tử, mà còn bằng cách kết bạn và không nổi loạn quá mức trong làng. Bởi vậy, việc bạn cảm thấy một nỗi đau sâu đậm và mạnh mẽ khi bị xã hội từ chối là hoàn toàn dễ hiểu. Bạn có một hệ thống nội tại để phán đoán những hành vi có thể khiến mình bị tẩy chay, hầu hết là những hành vi thể hiện sự ích kỷ. Những người không đáng tin tưởng, những kẻ không góp tay vào việc chung, không chia sẻ hay không chú tâm tới cảm xúc của người khác sẽ bị đẩy ra rìa. Hiểu rộng hơn, những hành vi như trộm cắp, hiếp dâm, giết người, lừa đảo đều là những hành vi gây hại cho người khác trong khi thỏa mãn ham muốn ích kỷ của một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ. Baumeister và nhóm nghiên cứu của ông đã viết trong bài nghiên cứu về sự tách biệt khỏi xã hội rằng, là một phần của xã hội nghĩa là bạn phải chấp nhận một cuộc thương lượng giữa bạn và những người khác. Nếu bạn biết tự kiềm chế và không tỏ ra ích kỷ, bạn sẽ được phép ở lại và tận hưởng thành quả của việc có một nhóm bạn nói riêng và là một phần của xã hội nói chung. Nhưng nếu bạn phá vỡ giao kèo, xã hội sẽ phá vỡ lời hứa của nó và loại trừ bạn. Nhóm bạn của bạn sẽ không mời bạn tới những buổi tiệc và không theo dõi bạn trên Twitter nữa. Nếu bạn tỏ ra quá ích kỷ trong nhóm xã hội lớn hơn, họ có thể sẽ khai trừ bạn bằng cách nhốt bạn vào tù hoặc tệ hơn thế.
Các nhà nghiên cứu trong thí nghiệm “không ai chọn bạn” đã đưa ra giả thuyết: Bởi việc tự kiểm soát là một điều kiện để trở thành một phần trong xã hội, bạn sẽ trông đợi một dạng phần thưởng nào đó từ việc kiểm soát hành vi của bản thân. Những người trong nhóm “bị ruồng bỏ” đã cảm thấy nỗi đau của việc bị tẩy chay, và từ đó, họ tự định hình lại và đi đến kết luận rằng tự kiểm soát bản thân là một sự phí phạm. "Tại sao lại phải làm theo luật lệ khi mà chẳng ai màng tới mình chứ?". Suy nghĩ đó chọc một lỗ hổng trên bình nhiên liệu ý chí của họ, và khi được ngồi trước những chiếc bánh quy sô-sô-la ngon lành, họ không thể kiềm chế lòng ham muốn như những người khác. Một vài nghiên cứu cũng cho thấy khi cảm thấy bị tẩy chay và từ chối, bạn không thể giải đố tốt như bình thường, bạn trở nên bất hợp tác hơn, ít động lực làm việc hơn, khả năng uống rượu, hút thuốc và dấn thân vào những thứ có hại khác trở nên cao hơn. Việc bị từ chối phá nát khả năng tự kiểm soát, và bởi vậy, nó có vẻ là một trong rất nhiều những con đường dẫn tới sự suy giảm cái tôi.
Với tất cả những thông tin vừa có được, chúng ta kết luận gì về giả thuyết điên rồ của Freud đây? Toàn bộ những thứ mà chúng ta vừa nói về năng lượng của tâm trí, sự ham muốn và những phán xét văn hóa dường như đang xác nhận ý tưởng về “nó”, “cái tôi” và “cái siêu tôi” của Freud phải không? Chà, vậy nên các nhà tâm lý học mới làm việc cật lực để xác định chính xác xem thứ gì bị bào mòn đi khi chúng ta nói tới sự suy giảm cái tôi. Và một trong những giả thuyết được đưa ra là thứ thực sự bị suy giảm có thể chỉ đơn giản là thứ nhiên liệu mà não bạn nhận được thông qua quá trình tiêu hóa thức ăn: Đường glucose.
Một công trình được Jonathan Leval, Shai Danziger và Liora Avrilar-Pesso công bố vào năm 2010 đã nghiên cứu 1112 bản án liên quan tới tù nhân được tại ngoại trong vòng mười tháng. Họ nhận thấy rằng ngay sau bữa sáng và bữa trưa, khả năng để bạn nhận được án tại ngoại là cao nhất. Trung bình, các thẩm phán đã xử tại ngoại cho khoảng 60% số phạm nhân sau khi họ vừa ăn xong. Mức độ chấp nhận án tại ngoại sau đó giảm dần, và ngay trước một bữa ăn thì các thẩm phán chỉ cho phép 20% số người xuất hiện trước họ được tại ngoại. Cơ thể của họ càng có ít đường glucose - tức là càng lâu sau một bữa ăn - thì các thẩm phán càng ít muốn đưa ra lựa chọn chủ động là để cho đối tượng được thụ án tại ngoại và chấp nhận hậu quả tiềm tàng. Thay vào đó, họ có xu hướng đi theo lựa chọn thụ động, treo số phận của phạm nhân lên và đợi một ngày trong tương lai.
Mối liên hệ với glucose còn được làm rõ hơn nữa trong một nghiên cứu của Baumeister vào năm 2007, trong đó, ông cho người tham gia thí nghiệm xem một đoạn phim câm về một người phụ nữ đang nói; xuyên suốt đoạn phim, ở góc phải bên dưới của màn hình xuất hiện nhanh các từ khác nhau. Nhiệm vụ của các đối tượng là cố gắng hết sức có thể để phớt lờ những chữ này. Các nhà khoa học đã làm xét nghiệm để kiểm định mức glucose trong máu trước và sau khi xem phim, so sánh chúng với một nhóm đối chứng được cho xem đoạn phim này mà không bị yêu cầu gì. Trong những thí nghiệm sau này, các đối tượng được uống Kool-Aid với đường hoặc Kool-Aid với Splenda23 ngay sau khi xem đoạn phim, tiếp theo đó, họ phải thực hiện những nhiệm vụ có khả năng “vạch trần” dấu hiệu của sự suy giảm cái tôi: giải đố chữ, vẽ hình bằng một nét, những bài kiểm tra khả năng kiềm chế cảm xúc, những yêu cầu kìm nén thái độ định kiến, những bài kiểm tra lòng vị tha, v,v. Nhóm uống nước ngọt có chứa Splenda có xu hướng thực hiện những nhiệm vụ này kém hơn so với những người được bổ sung đường glucose thực sự vào cơ thể. Dường như bạn có khả năng thể hiện ý chí và sự kiểm soát, có thể đưa ra những quyết định và kiềm chế bản thân tốt hơn nhờ việc ăn uống ngay trước khi thực hiện nhiệm vụ. (Trường hợp bạn cần ý chí để vượt qua cửa ải đồ ăn và thức uống thì chắc trải nghiệm sẽ đau đớn lắm đây.)
Những nghiên cứu về thứ mà ngày nay được gọi là mô hình tài nguyên cho việc tự kiểm soát vẫn còn mới và chưa hoàn thiện. Một số nhà khoa học không đồng tình với ý tưởng cho rằng đường glucose là thứ tài nguyên bị hao tổn, bởi vì một bộ não tỉnh táo sẽ luôn phải có lượng glucose dồi dào để có thể tự kiểm soát vào bất kỳ thời điểm nào. Họ chắc chắn một cơ chế tâm lý nào đó khác phải chịu trách nhiệm cho việc này, và rằng hiệu ứng này có khả năng được nhào nặn sau quá trình tiến hóa để giúp phân bổ tài nguyên. Cụ thể, sau khi bạn vừa hoàn thành một nhiệm vụ yêu cầu khả năng kiểm soát bản thân cao, động lực và sự chú ý của bạn sẽ bị khống chế bởi một thế lực nội tại nào đó để tìm kiếm phần thưởng trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng nếu có một cơ hội ngon lành hơn xuất hiện, hoặc một mối nguy hiểm cận kề, những động lực này sẽ lại được trả tự do để bạn có thể tập trung chớp lấy cơ hội hoặc đối phó với hiểm nguy. Ví dụ, bạn có thể đã săn đuổi một con hươu trong cả giờ đồng hồ, quyết tâm không chịu dừng lại dù chân đang rất đau. Sau khi bắn gục nó, bạn sẽ có ham muốn cháy bỏng được ngồi xuống nghỉ ngơi và ăn uống. Nhưng nếu đúng lúc đó, một con thú săn mồi đang đói xuất hiện sau lùm cây, bạn sẽ quên ngay việc nghỉ ngơi mà quay trở lại với việc chạy thục mạng. Đây được gọi là mô hình quy trình của sự suy giảm cái tôi. Thuyết này cho rằng dù vẫn còn đủ glucose để tiêu pha, sau một cuộc vận động trí óc và mất đi động lực, bộ não vẫn sẽ tiết kiệm hơn. Những dấu hiệu của phần thưởng trở nên nổi bật hơn, và những nhiệm vụ yêu cầu tự kiểm soát trở nên kém hấp dẫn. Nếu vào thời điểm nào đó, bộ não bỗng trở nên hưng phấn cao, nó sẽ nhanh chóng tận dụng lượng glucose có sẵn. Trong một số thí nghiệm, các đối tượng đã gạt bỏ sự suy giảm cái tôi sau khi được nhận phần thưởng, như một ngụm nước ngọt, hoặc cơ hội tham gia vào một nhiệm vụ không nhàm chán. Kết quả này làm tăng thêm bằng chứng cho thấy hệ thống khen thưởng của bộ não đóng vai trò lớn trong sự suy giảm cái tôi, và rằng glucose chưa chắc đã là nhân tố duy nhất. Các nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục thực hiện, và cho tới nay, ý tưởng về sự suy giảm cái tôi vẫn chỉ là phép ẩn dụ cho một quá trình phức tạp và nhiều khía cạnh mà chúng ta vẫn chưa hiểu hết.
Tóm lại, theo như cách hiểu hiện nay của khoa học, thì tất cả các hoạt động của não đều cần có nhiên liệu, nhưng những chức năng mang tính điều hành dường như tiêu tốn nhiều nhiên liệu nhất. Hay nói cách khác, bộ máy điều hành trong tâm trí là phần có chi phí hoạt động cao nhất. Các nghiên cứu cho thấy khi hàm lượng glucose giảm, hoặc khi bộ não trở nên tiết kiệm hơn trong việc sử dụng nguồn nhiên liệu này, những chức năng điều hành sẽ phải cắt giảm hoạt động. Trạng thái tâm lý này tương tự với quan niệm của Freud và những người cùng thời với ông: Tâm trí là một trận chiến giữa những ham muốn sơ khai bản năng và bản ngã điềm tĩnh hơn. Những nhà tâm lý học đời đầu có lẽ sẽ nói rằng “nó” của bạn sẽ tự do tung hoành khi “cái tôi” trở nên yếu đuối. Giờ thì chúng ta biết rằng đó có thể chỉ đơn giản là vùng vỏ não trước trán đang phải đối phó với việc suy giảm nguồn glucose, hoặc do tay chủ ngân hàng trong não bạn đang từ chối không giải ngân những khoản vốn đầu tư.
Không cần biết mấy cuốn sách self-help đang nói gì, các nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng ý chí của bạn không phải là một kỹ năng. Có thể hiểu đơn giản: Nếu nó là một kỹ năng, thì sẽ phải có một quá trình tương đồng nhất định khi bạn thực hiện các nhiệm vụ. Thay vào đó, mỗi khi bạn muốn kiểm soát cỗ máy khổng lồ (là chính bạn), thì khả năng để bạn làm việc đó sẽ ngày càng yếu đi. Nếu bạn cố nhịn cười trong một buổi lễ nhà thờ hay trong lớp học, mọi điều ngớ ngẩn nho nhỏ khác lại bỗng nhiên trở nên buồn cười hơn rất nhiều, cho tới khi bạn chấp nhận rủi ro của việc bật ra những tiếng khúc khích.
Cách duy nhất để tránh khỏi tình trạng này là bạn phải dự đoán trước điều gì có thể gây ra nó trong cuộc sống thường ngày, và cố gắng để tránh những điều đó khi mà bạn cần sử dụng đến ý chí nhiều nhất. Cuộc sống hiện đại ngày nay có quá nhiều cám dỗ, đòi hỏi bạn phải có khả năng tự kiểm soát cao hơn bất kỳ thời đại nào khác. Chỉ cần biết rằng trang Reddit.com đang ở ngoài kia vẫy gọi trình duyệt của bạn, hay chiếc iPad đang nằm chờ những ngón tay vuốt ve, hoặc chiếc điện thoại trong túi đang muốn bùng cháy với hàng loạt những cập nhật trạng thái, tất cả những điều này đều đòi hỏi sự kiểm soát lòng ham muốn - đặc trưng mà chỉ có tâm trí loài người sở hữu. Mỗi một cuộc vui bị kiềm chế đều gia tăng sức cám dỗ trong lần tiếp theo. Chưa kể, bạn có thể làm suy giảm chức năng điều hành của bản thân bằng rất nhiều cách, ví dụ như thức trắng một vài đêm, đắm mình vào bia bọt rượu chè, cố gắng ngậm chặt miệng trong một buổi họp gia đình, hay chống cự lại lời nài nỉ của một đứa con nít lần thứ n. Chịu trách nhiệm cho một nhiệm vụ quan trọng có thể khiến việc ra quyết định trở nên mệt mỏi hơn rất nhiều, từ đó, có thể gây ra sự suy giảm cái tôi, đơn giản bởi vì những quyết định lớn, theo nghĩa đen, sẽ cần nhiều năng lượng hơn, và khi bạn cảm thấy bị đình trệ, bạn sẽ càng trở nên thụ động. Một ngày dài giải quyết những việc vớ vẩn thường dẫn tới một buổi tối chẳng làm được gì ngoài việc ngồi ườn ra xem TV. Thậm chí bạn sẽ chẳng thèm chuyển kênh để gạt khuôn mặt của Kim Kardashian ra khỏi màn hình, hoặc chấp nhận việc ngồi xem phiên bản bị cắt bớt của phim Goodfellas (Chiến hữu) với hàng tá quảng cáo chèn vào, trong khi bạn sở hữu đĩa DVD của phim đó và nó chỉ cách tầm với của bạn có mét rưỡi. Nếu chỉ đơn giản như vậy, thì cũng chẳng vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu bạn đang nắm trong tay việc điều hành không lưu hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, hay phải giảm bớt 90 kg cân nặng, thì bạn cần vạch kế hoạch từ trước. Nếu muốn có được sự kiểm soát tâm trí tối đa, thay vì giơ tay đầu hàng và làm theo những ham muốn bản năng, hãy nhớ rằng, đầu tiên, bạn phải thật thoải mái. Hãy nghỉ ngơi một cách hợp lý. Ngủ một giấc đi. Và trước khi chúng ta thực sự hiểu về bản chất của sự suy giảm cái tôi, tốt nhất là đừng nên ra những quyết định quan trọng với cái dạ dày rỗng.