Bản Đồ Tư Duy Trong Công Việc - Chương 04
3. Kế hoạch hoàn hảo cho sự tiến triển không ngừng
Lập kế hoạch vốn không phải là một công việc nhàm tẻ với hàng giờ đồng hồ xử lý những ghi chép và tài liệu vô tận. Với Bản đồ Tư duy, công việc lập kế hoạch sẽ trở nên thú vị, dễ quản lý, sáng tạo và hiệu quả hơn. Khi sử dụng Bản đồ Tư duy để lập kế hoạch phát triển, bạn sẽ thấy việc giải quyết những nhiệm vụ mà trước đây bạn thường trì hoãn trở nên thú vị và dễ dàng hơn rất nhiều. Bản đồ Tư duy không những làm sáng tỏ việc quản lý thời gian và các quyết định kinh doanh, mà còn tiết kiệm được nhiều thời gian để dành cho những công việc mà bạn yêu thích.
Bản đồ Tư duy trong đầu tư
Linda Sontag, một nhà đầu tư tại công ty cổ phần Axiom Venture Partners, trụ sở San Francisco, cho biết:
"Tôi là một nhà đầu tư mạo hiểm, và công việc của tôi là đầu tư mạo hiểm. Hàng tuần, tôi phải xem xét trên dưới mười kế hoạch kinh doanh và đến thăm khoảng hai, ba công ty. Tôi thường sử dụng Bản đồ Tư duy để theo sát những gì mình nghiên cứu về mỗi công ty đó. Bản đồ Tư duy thực sự là phương pháp cơ bản giúp tôi đánh giá tính hiệu quả trong việc đầu tư vào một công ty. Tôi ghi chép rất ít, ít hơn rất nhiều so với trước đây, vì bây giờ tôi đã quen với việc sử dụng Bản đồ Tư duy. Bản đồ Tư duy cứ thế được lập nên một cách nhuần nhuyễn; nó đã trở thành một phần trong phương pháp làm việc của tôi cũng như cách tôi theo dõi những công ty và các ngành kinh doanh phức tạp mà tôi đang quan tâm."
Linda đã cho thấy quá trình lập kế hoạch là một công cụ kinh doanh giúp bạn giành được lợi thế trong cạnh tranh và Bản đồ Tư duy là biểu thị rõ nhất của quá trình này. Với Bản đồ Tư duy, bạn có thể bản đồ hóa bất cứ thứ gì, từ Sơ yếu lý lịch của mình cho đến một bản kế hoạch kinh doanh. Và, quan trọng nhất, Bản đồ Tư duy giúp bạn luôn nhận thức rõ mục tiêu của bản thân.
Giành thế lực và giảm khối lượng công việc
Dwain Dunnell, người đứng đầu hệ thống thuốc giảm cân Slimtone, cho biết:
"Trước đây, những bản kế hoạch kinh doanh của tôi đều ở dạng danh sách. Điều này gây trở ngại lớn vì bộ não của chúng ta không hoạt động như một danh sách. Chỉ cần chúng ta lập Bản đồ Tư duy cho kế hoạch của một tuần hay một ngày, chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra con đường cần phải đi để đạt được mục tiêu. Với Bản đồ Tư duy, chỉ trong nửa giờ đồng hồ, tôi đã lập toàn bộ kế hoạch kinh doanh cho cả năm với doanh thu dự tính 20 triệu bảng. Bản đồ Tư duy là một công cụ rất hiệu quả vì nó giúp chúng ta giành được thế lực. Thế lực sẽ đem lại sức mạnh và sức mạnh đó giúp chúng ta đạt được mục tiêu. Một khi đã hiểu được cách hoạt động của Bản đồ Tư duy, chúng ta sẽ hiểu được hoạt động của chính não bộ của chúng ta."
Lập kế hoạch kinh doanh
Những công ty lên kế hoạch hợp lý luôn là những công ty được người tiêu dùng đánh giá cao – và cũng không phải là trùng hợp khi đó cũng chính là những công ty luôn đạt được thành quả cao, từ năm này sang năm khác.
Bắt đầu công việc kinh doanh
Việc thành lập công ty riêng luôn mở ra một viễn cảnh đáng sợ. Tuy nhiên, nếu đã sẵn sàng mạo hiểm, bạn sẽ có nhiều lợi thế khi một mình tham gia ván bài này. Mặc dù trách nhiệm sẽ vô cùng lớn lao – nhưng đi đôi với nó sẽ là quyền lợi – và bạn sẽ có khả năng:
1. Kiểm soát vận mệnh của công ty;
2. Điều khiển quá trình hoạt động của công ty;
3. Thuê được nhóm làm việc lý tưởng;
4. Được làm việc tại những nơi và vào những thời điểm mình muốn.
Bước đầu tiên trên con đường thành lập một doanh nghiệp riêng là lập Bản đồ Tư duy cho kế hoạch kinh doanh của bạn. Nếu bạn muốn thu hút hỗ trợ tài chính từ bên thứ ba, thì bản kế hoạch kinh doanh của bạn chính là công cụ thiết yếu nhằm thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng.
LẬP SƠ ĐỒ TƯ DUY CHO KẾ HOẠCH KINH DOANH
Bạn hãy tưởng tượng công việc kinh doanh của mình đã được khởi xướng và đang trên đà vận hành, điều này sẽ giúp bạn hình dung được rõ hơn kế hoạch kinh doanh và sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình vẽ Bản đồ Tư duy:
1. Vẽ một hình ảnh tượng trưng cho công việc kinh doanh của bạn ở trung tâm Bản đồ Tư duy. Hình vẽ này có thể mô phỏng cấu trúc hình dạng một công ty, một hình ảnh của sản phẩm, hoặc một nhận định ngắn gọn về sứ mệnh kinh doanh.
2. Vẽ một nhánh lớn từ hình vẽ trung tâm và ghi chữ "Độc đáo". Dùng những nhánh phụ để khám phá những yếu tố khiến sản phẩm hay dịch vụ của bạn trở nên độc đáo và những lý do tại sao bạn cho rằng sản phẩm hay dịch vụ của bạn sẽ được lựa chọn trong cuộc cạnh tranh này.
3. Vẽ một nhánh lớn khác cũng xuất phát từ hình vẽ trung tâm với tựa đề "Khách hàng". Sử dụng những nhánh phụ để xác định chính xác đối tượng là khách hàng của bạn, nhu cầu của họ và tại sao công ty của bạn sẽ cung cấp được cho họ thứ họ đang tìm kiếm. Hãy xác định cả khoảng lợi tức mà bạn mong muốn sẽ đạt được từ những đối tượng khách hàng khác nhau. Nếu bạn có thể truy cập được nguồn thông tin đó, hãy sử dụng dữ liệu tài chính của một công ty đang hoạt động trong một dây chuyền thương mại tương tự để so sánh và đưa ra những đánh giá mang tính thực tiễn.
4. Vẽ nhánh lớn thứ ba từ hình vẽ trung tâm và đề "Trụ sở". Ở đây, bạn sẽ xem xét cơ ngơi bạn dự định sử dụng, cũng như việc thành lập ban quản trị, phòng tài chính và phòng marketing cho công ty, tuy nhiên, việc thêm các chi tiết về các phí tổn bạn tính toán ở đây là chưa cần thiết.
5. Vẽ một nhánh khác xuất phát từ hình vẽ trung tâm với tiêu đề "Cơ cấu" để giải quyết vấn đề lực lượng lao động, kèm theo bất kỳ đối tác tiềm năng mà bạn có thể có. (Nếu bản kế hoạch kinh doanh của bạn được sử dụng nhằm mục đích thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, hãy thêm vào đó tên các đối tác và những kinh nghiệm quá khứ liên quan của những đối tác đó. Điều này sẽ tạo sự khác biệt đối với nhà đầu tư mạo hiểm đang mong muốn đưa ra một quyết định đầu tư thích đáng). Sử dụng những nhánh phụ, bạn có thể nghiên cứu các chiến lược marketing và tuyển nhân sự, cũng như thiết lập kiểu nhóm làm việc bạn mong muốn. Tiêu chuẩn thiết lập sẽ bao gồm những thang bậc khác nhau về kỹ năng và trình độ chuyên môn, cũng như vấn đề làm việc trọn thời gian, bán thời gian, làm việc tự do hay theo hợp đồng.
Các đề mục của bản kế hoạch kinh doanh
Khi bắt tay viết bản kế hoạch kinh doanh chính thức, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ dành thời gian lập Bản đồ Tư duy cho các suy nghĩ của mình và cho mỗi đề mục kế hoạch kinh doanh cụ thể. Trên bản kế hoạch kinh doanh chính thức – bản dành gửi đến các giám đốc ngân hàng hoặc một nhà đầu tư tiềm năng – bạn phải luôn kèm theo những điều sau đây dưới các đề mục:
1. Bản tóm tắt đại cương – đây là bản tóm tắt những gì sẽ được trình bày ở dưới và thường được viết sau cùng trong bất kỳ bản kế hoạch kinh doanh nào.
2. Công ty – Công ty của bạn thuộc lĩnh vực nào và nó cung cấp những gì?
3. Thị trường –Thị trường mục tiêu của bạn là gì? Những công ty nào có tiềm năng trở thành đối thủ của bạn? Nếu có, bạn hãy đối mặt với vấn đề và đề cập đến nó trong bản kế hoạch. Hãy xác định những điểm khác biệt bạn sẽ thực hiện trong công ty của mình và đưa ra lý do tại sao chúng sẽ trở thành thế mạnh kinh doanh độc đáo.
4. Sản phẩm hoặc dịch vụ – Sản phẩm hay dịch vụ bạn cung cấp là gì và nó có thể được sử dụng khi nào và như thế nào?
5. Ban quản lý – Bạn có đối tác không, nếu có, họ là những ai? Họ đã có những kinh nghiệm gì để đóng góp cho hệ thống của công ty? Nếu bạn đang dành vốn vào đầu tư mạo hiểm, nhân lực của bạn và lý lịch kinh doanh của họ sẽ là một mục rất quan trọng trong bản kế hoạch kinh doanh.
6. Chiến lược và thực thi – Kế hoạch dài hạn cho việc kinh doanh của bạn là gì? Nhiều công ty hoạt động trên cơ sở các kế hoạch năm năm, tuy nhiên cũng có khi lại giảm xuống còn hai hoặc ba năm đối với các công ty khởi nghiệp. Hãy thật cụ thể với những gì công ty dự định sẽ đạt được.
Những cô gái tài năng (The LadySkillers)
Fiona, Susan, và Caroline gặp nhau trong một buổi tiệc. Susan vừa sửa sang lại xong căn nhà của cô và trong quá trình đó đã nắm được những kiến thức căn bản về xây dựng. Caroline, trong khi đó, đang là một thợ ống nước với trình độ chuyên môn cao còn Fiona là một nhà thiết kế nội thất. Chỉ sau một vài ly rượu, họ đã đưa ra ý tưởng thành lập The LadySkillers, một nhóm các nữ nhân viên. Nhóm The LadySkillers sẽ nhằm vào đối tượng khách hàng cụ thể là những phụ nữ coi trọng sự nghiệp, tham vọng lớn, sống độc thân ở Luân Đôn, và đang cần tìm những nhân viên làm các công việc liên quan đến nhà cửa nhưng lại lo công việc sẽ không được hoàn thành tốt. Và khi ba cô gái bàn bạc lại ý tưởng vào ngày hôm sau, họ đã nhận ra nó có thể giúp họ kiếm tiền. Bước tiếp theo của họ là lập Bản đồ Tư duy cho ý tưởng kinh doanh như thể chính công việc kinh doanh đó đã có thật để kiểm tra tính khả thi của nó. (xem Bản đồ Tư duy màu cho kế hoạch kinh doanh The LadySkillers).
7. Phân tích tài chính – bạn cần làm một bản phân tích tài chính, nhất là khi bạn gửi bản kế hoạch tới một giám đốc ngân hàng. Bạn hãy dự đoán khả năng tài chính của công ty dựa trên những nghiên cứu có cơ sở và kiến thức về thị trường. Ít nhất, bản phân tích cần có bảng “Tính toán lỗ lãi” và bảng “Luân chuyển tiền mặt”.
Sử dụng Bản đồ Tư duy để lập kế hoạch cho công việc kinh doanh như thể nó đang hoạt động sẽ khiến việc viết bản kế hoạch kinh doanh chính thức khả thi hơn rất nhiều. Bạn sẽ bao quát được những điểm trọng yếu và cảm thấy ít bỡ ngỡ hơn khi hoàn thành kế hoạch của mình khi thời hạn đến.
TEFCAS: công cụ giúp kế hoạch kinh doanh tiến tới thành công.
Quy trình thành công TEFCAS là công cụ mang tính đột phá trong kinh doanh vì nó được dựng nên bởi hai yếu tố thất bại và phản hồi, hai thành phần không thể thiếu được trong bất cứ một thành công nào. Quy trình này và Bản đồ Tư duy là một sự kết hợp tuyệt vời trong kinh doanh: Bản đồ Tư duy giúp lên kế hoạch hiệu quả và quy trình thành công TEFCAS giúp điều hành và điều chỉnh kết quả công việc theo kế hoạch. Cả hai công cụ đều giúp bạn tập trung vào mục tiêu của mình. TEFCAS là các chữ cái viết tắt của:
• Trial (Thử nghiệm)
• Event (Sự kiện)
• Feedback (Phản hồi)
• Check (Kiểm tra)
• Adjust (Điều chỉnh)
• Success (Thành công)
• Trial (Thử nghiệm)
Để có được thành công, ngay từ đầu bạn phải dám làm. Có thể, đó sẽ là một công việc hoàn toàn mới mẻ, hoặc một phương thức hay quy trình làm việc mới.
Dù đó là gì, nếu bạn không sẵn sàng thử nghiệm ngay từ bước đầu tiên, bạn sẽ không bao giờ biết được mình sẽ thành công hay không.
Hãy tưởng tượng bạn muốn mở một cửa hàng quần áo nhỏ. Những công việc cần làm trong giai đoạn Trial (Thử nghiệm) là nghiên cứu, lập một bản kế hoạch kinh doanh, và đến ngân hàng để đăng ký vay vốn kinh doanh. Công việc còn bao gồm lựa chọn những mặt hàng quần áo phù hợp, thăm dò ý kiến khách hàng, tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và tiếp thị, giới thiệu với khách hàng mục tiêu về buổi khai trương sắp tới. Tất cả những công việc đó đều là những yếu tố cần thiết phải đưa vào Bản đồ Tư duy kế hoạch kinh doanh của bạn.
Một công việc nữa đó là nghiên cứu về những công ty tương đồng và những gì bạn có thể học được từ họ. Sẽ rất có ích khi bạn học hỏi được từ những người cũng đã thành lập doanh nghiệp như của bạn. Nếu đó là một công ty thành đạt, họ sẽ rất vui vẻ được chia sẻ kinh nghiệm với bạn. Hãy xin phép họ hướng dẫn tường tận cho bạn về những gì họ đã trải nghiệm và hãy lập một Bản đồ Tư duy với sản phẩm của họ làm hình ảnh trung tâm. Bằng cách này, cuối cùng bạn sẽ có được một bức tranh chính xác về những kinh nghiệm của họ.
Event (Sự kiện)
Một hệ quả tất yếu cho kế hoạch công phu của bạn và công việc theo sau đó là Event (Sự kiện). Trong trường hợp cửa hàng quần áo, sự kiện sẽ là buổi khai trương và những tuần hoặc tháng đầu tiên của công việc kinh doanh. Bạn có thể mở một buổi lễ khai trương ngay tại cửa hàng, và mời khách hàng đến xem quần áo. Bạn cũng có thể bắt đầu bán hàng ngay trong buổi hôm đó.
Tổ chức Event (Sự kiện) được coi là khâu đáng sợ nhất trong quy trình thành công TEFCAS. Một khi đã đến giai đoạn này, bạn không còn đường quay trở lại nữa. Đây là thời điểm bạn cần thực sự tự tin và quả quyết về dự án kinh doanh đúng đắn của mình.
Việc nghiên cứu lại Bản đồ Tư duy kế hoạch kinh doanh để nhắc nhở bản thân về những lý do bạn thấy dự án này là một ý tưởng tốt, và các khía cạnh khác biệt bạn đưa vào trong kinh doanh sẽ giúp bạn tập trung và tự tin hơn. Tạo thói quen sử dụng Bản đồ Tư duy trong mỗi chiến lược kinh doanh sẽ đem đến cho bạn cơ hội để luôn luôn ý thức được những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong kinh doanh.
Feedback (Phản hồi)
Feedback (Phản hồi) là một yếu tố quan trọng trong thế giới kinh doanh, nhưng lại luôn bị coi nhẹ. Trong bất cứ giai đoạn nào, chúng ta luôn cần phải nắm được tiến trình công việc để có thể làm tốt hơn nữa. Nếu cửa hàng quần áo của bạn đã hoạt động được một tháng, và thu nhập trong tháng đó đã đánh dấu bước thành công đầu tiên của bạn, thì nguồn thông tin phản hồi chính của bạn sẽ là các khách hàng, vì vậy hãy hỏi họ những gì họ thích về cửa hàng và những gì theo họ cần phải thay đổi.
Hãy vẽ Bản đồ Tư duy với khách hàng của bạn làm hình ảnh trung tâm và những ý kiến đóng góp của họ làm nội dung cho các nhánh chính. Bản vẽ này sẽ là kế hoạch chi tiết giúp phát triển công việc kinh doanh của bạn.
Giai đoạn Feedback (Phản hồi) còn là thời điểm thuận lợi để bạn mời những người chủ của những cửa hàng khác mà bạn đã có dịp làm quen trong giai đoạn Trial (Thử nghiệm) đến thăm cửa hàng của mình. Do họ biết và nắm được công việc kinh doanh này, họ có thể sẽ đưa ra những gợi ý đúng đắn.
Đây cũng là thời điểm hợp lý để hỏi họ về những lo lắng nhỏ khác của bạn. Họ sẽ cảm thấy rất hãnh diện khi bạn đã áp dụng những lời khuyên của họ ở giai đoạn Trial (Thử nghiệm), vì vậy hãy trân trọng những lời khuyên có giá trị bạn nhận được và nói với họ về điều đó. Tất cả mọi người, dù giữ vị trí nào trong công việc, cũng đều rất sung sướng khi nhận được những lời cảm ơn và phản hồi tích cực.
Check (Kiểm tra)
Là một người thực tế, bạn hoàn toàn hiểu rằng công việc kinh doanh luôn trải qua một quá trình điều chỉnh, nếu không phải là những thay đổi lớn. Kiểm tra trong quy trình thành công bao gồm việc bạn đảm bảo công việc đang tiến triển đúng theo hướng mục tiêu ban đầu, và kể cả những chi tiết nhỏ trong mô hình lý thuyết của kế hoạch kinh doanh cũng mang tính khả thi trong thực tế.
Đây sẽ là một quá trình không ngừng nghỉ trong việc phát triển dự án của bạn. Chẳng hạn, lấy ví dụ về cửa hàng quần áo: những bóng đèn trong phòng thử đồ có đủ sáng không? Khách hàng muốn trả tiền bằng thẻ tín dụng và bạn chưa được trang bị để tiếp nhận? Cửa hàng có cần nhập thêm mặt hàng nào không?
Công việc kinh doanh nào cũng cần sự kiểm tra định kỳ hàng ngày về mức độ hài lòng của khách hàng và liệu họ có được phục vụ tốt hơn ở một cửa hàng nào khác hay không.
Tránh rơi vào cái bẫy của sự tự tin rằng mình hoàn toàn hiểu rõ khách hàng. Nếu bạn còn nghi ngờ về một cửa hàng nào đó mà khách hàng sẵn sàng chọn thay vì cửa hàng của bạn, hãy hỏi họ. Họ sẽ cảm thấy sung sướng, khi bản thân được góp phần trong công việc kinh doanh của bạn, và quan trọng nhất, họ sẽ sẵn sàng quay trở lại cửa hàng của bạn để được nhận sự quan tâm đặc biệt đó.
Hãy so sánh những gì bạn đã thực hiện được với mục tiêu kinh doanh của mình bằng cách lập Bản đồ Tư duy để xác định vị trí của công việc kinh doanh. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn lập Bản đồ Tư duy kế hoạch kinh doanh để vẽ Bản đồ Tư duy đánh giá tiến độ công việc của mình. Từng bước lập các nhánh sẽ đem lại cho bạn một cái nhìn rõ ràng về những gì bạn đã làm được theo đúng kế hoạch và những gì bạn còn chưa đạt được.
Adjust (Điều chỉnh)
Trong ví dụ về cửa hàng quần áo, giai đoạn Adjust (Điều chỉnh) là thời điểm mà bạn kết hợp những phản hồi từ khách hàng và các đồng nghiệp kinh doanh, và đồng thời đưa những yếu tố chưa khớp với mục tiêu ban đầu trong Bản đồ Tư duy của mình trở về đúng hướng.
Chẳng hạn như có ý kiến cho rằng hàng quần áo may theo phong cách cổ điển của cửa hàng bạn chưa đủ hấp dẫn để lôi cuốn được những vị khách hàng rất sành về thời trang và có nhiều tiền ở trong khu vực. Hoặc có thể là vị trí của cửa hàng chưa thực sự phù hợp đối với một số khách hàng thường xuyên nhất của bạn. Để giải quyết những vấn đề này, bạn có thể xem xét mở một cửa hàng trực tuyến trên mạng internet hoặc phát hành một catalogue đặt mua hàng qua bưu điện. Một khi bạn hiểu rằng công việc kinh doanh nào cũng luôn phải trải qua những giai đoạn điều chỉnh, bạn đã có một nhận thức đúng đắn. Và khi bạn ra những quyết định điều chỉnh, hãy luôn cập nhật thông tin cho Bản đồ Tư duy của mình để phản ánh đúng tiến độ công việc kinh doanh của bạn.
Nhiều công việc kinh doanh đã thất bại vì họ đã không xem xét quan điểm và nhu cầu của khách hàng. Những doanh nghiệp thất bại trong kỷ nguyên điện tử là những ví dụ điển hình của các công ty chỉ lo thu hút vốn đầu tư và nghĩ rằng họ có thể thay đổi cả thế giới. Tuy nhiên, họ đã không lấy được lòng tin của khách hàng, cũng như lắng nghe khách hàng và kết hợp các phản hồi nhằm điều chỉnh trong công việc kinh doanh của mình.
Success (Thành công)
Bộ não của bạn luôn hướng tới thành công và thành công chính là ánh sáng ở phía kia của đường hầm. Ý nghĩ về thành công sẽ là động lực và nguồn cảm hứng cho bạn và một khi bạn đã quyết tâm, chắc chắn bạn sẽ tới đích.
Khi bạn đã thành công, rất có thể bạn sẽ nghĩ đó là thời điểm để thư giãn, để nghỉ ngơi và thỏa mãn với những thành quả đã đạt được, nếu thế, bạn đã sai lầm. Những doanh nghiệp thành công nhất trên thế giới luôn là những doanh nghiệp đi từ thành công này đến thành công khác... Một khi họ đã nắm được bản chất của việc kinh doanh, họ sẽ tìm cách đa dạng hóa các loại hình phục vụ, và áp dụng quy trình thành công TEFCAS liên tục. Với ví dụ về cửa hàng quần áo, điều này có thể là một cửa hàng thứ hai, hoặc thậm chí cả một dây chuyền các cửa hàng quần áo.
Ứng dụng TEFCAS: một phương pháp tư duy độc đáo
Từ trước tới nay, những doanh nghiệp thành đạt nhất vẫn thường là những doanh nghiệp luôn đưa ra những điều mới mẻ. Đó có thể là những dịch vụ độc đáo phục vụ khách hàng, chẳng hạn như dịch vụ thương mại điện tử Amazon.com với những dịch vụ giá rẻ hấp dẫn, và quan trọng nhất là dịch vụ đặt hàng hiệu quả, làm lu mờ những dịch vụ thương mại điện tử khác; tương tự, đó cũng có thể là một nhãn hiệu đã trở thành thương hiệu trên thị trường và đã xây dựng được một văn hóa đặc trưng cho thương hiệu đó. Những thương hiệu quần áo nổi tiếng như Levi’s hay Diesel luôn gắng sức đưa ra những mẫu mã độc đáo và lôi cuốn. Những thành công đó đều là minh chứng cho phương pháp tư duy độc đáo và bạn hoàn toàn có thể thấy rõ quy trình thành công TEFCAS được ứng dụng như thế nào. Khi họ đã đạt được một mức độ của thành công, sự đổi mới sẽ không chỉ dừng ở đó.
Bất kể khi nào bạn lên kế hoạch, dù là trên quy mô lớn hay nhỏ, hãy luôn tham khảo quy trình TEFCAS để kiểm soát kết quả của những gì bạn đã đưa vào thực hành. Điều này sẽ giúp bạn xác định bất kỳ khía cạnh nào trong dự án còn cần phải được chú ý thêm và sẽ tạo cho bạn nhiều cơ hội lớn nhằm đạt được thành công lâu dài.
Thiết kế bản CV của bạn
Hãy làm mình nổi trội
Tony Dottino của công ty tư vấn Dottino Consulting tại New York đã từng làm việc cho IBM và đã từng đảm nhận công việc tuyển chọn cộng tác viên trong thời gian làm việc ở đó. Anh cho biết:
"Trong những ngày tôi còn làm việc tại IBM, tôi thường phải xem rất nhiều bản CV và gạch chân dưới những từ then chốt. Đối tượng tôi cần tìm là những con người có tư duy mới, năng động, nhiệt tình và sáng tạo. Tuy nhiên, phần lớn các ứng cử viên đều đem nộp những bản CV khiến người đọc ngủ gật.
Lời khuyên của tôi dành cho các ứng cử viên đó là hãy lập một Bản đồ Tư duy. Điều tôi muốn nói với họ là, "Hãy tạo nên một bức tranh thể hiện cá tính của bạn với chính bạn là trung tâm! Sau đó, sử dụng năm nhánh của Bản đồ để thể hiện năm công việc đủ nổi trội và đặc sắc để xứng đáng được đăng lên trang nhất của Nhật báo phố Wall mà bạn đã thực hiện được".
Theo kinh nghiệm của tôi, phương pháp này sẽ đem lại 90% thành công cho những ứng cử viên đang muốn tìm một công việc phù hợp cho mình. Với phương pháp này, họ sẽ có một cách thể hiện bản thân hoàn toàn mới mẻ!"