Bản Kháng Cáo Cuối Cùng - Chương 15

15

Lester? Dậy đi, Lester.”

Lester giật mình tỉnh giấc khi Sarah lay tay ông. Ông nhìn mặt đồng hồ loang loáng và rên rẩm. Mới hai giờ sáng. Sao người ta cứ thích từ trần lúc nửa đêm nửa hôm thế nhỉ?

“Được rồi, Sarah. Anh dậy rồi.” Ông rời giường và bật đèn. “Anh còn không nghe thấy tiếng điện thoại.”

“Đâu có. Có người dưới lầu, Lester ạ. Em nghe thấy tiếng động.”

“À.” Lester chớp mắt để cho tỉnh ngủ. Sarah không phải dạng người hốt hoảng vì chuyện không đâu. Và bà không tưởng tượng ra tiếng động lúc đêm hôm. Bà lớn lên ở nhà tang lễ, và sống thoải mái ở môi trường ấy.

“Nghe thế nào?”

Sarah nhíu mày. “Em không chắc. Có tiếng cót két làm em thức giấc. Rồi một tiếng thịch.”

Lester gật đầu và xỏ dép. Ông cũng đoán sớm muộn chuyện này cũng lại xảy ra thôi. Từng có một sáng ông xuống nhà và thấy một con mèo trong phòng hậu sự. Con vật tội nghiệp đó không hiểu thế nào lại lẻn được vào và hoảng hốt tìm đường thoát. Ông bế nó thả ra sân sau. Rồi ông kiểm tra lại cửa nẻo và lỗ thông khí, nhưng tất cả đều khóa chặt.

“Bình tĩnh đi, Sarah. Để anh đi xem xem. Có lẽ lại là con mèo kia thôi mà. Anh vẫn không biết nó chui vào theo đường nào.”

“Nghe tiếng thì em nghĩ không phải mèo, nhưng có lẽ anh đúng. Anh cẩn thận đấy nhé.”

Lester mỉm cười. Ông không thể kìm trêu chọc bà một chút. “Có lẽ một vị khách của chúng ta trốn ra đấy, Sarah ạ. Màu oải hương là sắc màu yêu thích của bà Radzinski. Có lẽ bà ấy định sang chỗ Kingman để nằm an nghỉ tại căn phòng tuyền tím của ông ta.”

“Đừng đùa, Lester. Rõ ràng em nghe có tiếng mà.”

“Anh biết. Nếu lại là con mèo đó, anh nghĩ có khi nên nuôi nó thôi. Bố thường phải đi xuống nhà để lo chuyện chuột quấy phá.”

Sarah trầm ngâm. “Nghe không tồi đâu, Lester. Sao anh không cầm theo ít sữa nhỉ? Nếu anh cho nó ăn một lần, nó sẽ dính với anh luôn đấy. Anh muốn em đi cùng không? Em có duyên với động vật lắm.”

“Thôi, để anh lo. Em không việc gì phải dậy hết. Cứ ngủ tiếp để mai còn lo đối phó với bà Wallace. Bà ấy có vài ý tưởng gì đó cho dịch vụ tang lễ mà chắc là điên khùng lắm đây, và anh không át nổi bà ta.”

“Âm nhạc hả?”

“Không chỉ thế. Giờ bà ấy muốn một thuê thuyền và thủy táng đứa con ngoài biển. Và bà ấy nhất định muốn quay phim toàn bộ tang lễ để sao ra đưa cho bạn bè.”

“Ôi Lạy Chúa!” Sarah kéo chăn lên tận cằm. “Được rồi, Lester. Em sẽ cố nói phải quấy với bà ấy vậy. Nhưng cẩn thận với con mèo đó nhé? Anh không biết nó mang bệnh tật gì, và nó có thể truyền bệnh khi cào anh đấy.”

“Anh sẽ cẩn thận.” Lester mặc áo choàng ngủ và xỏ dép, rồi vào bếp lấy ít sữa. Ông quyết định quay ấm lên trong lò vi sóng, vậy nên ông trở vào phòng ngủ để hỏi Sarah xem nên đặt bao nhiêu giây.

“Sarah?” Lester ngó đầu vào, nhưng vợ ông đã ngáy khe khẽ. Ông ngưỡng mộ sự dễ ngủ của Sarah. Ông ước mình cũng được thế, nhưng một khi đã tỉnh, ông sẽ ráo hoảnh chừng hai tiếng. Ông không định gọi bà dậy vì câu hỏi ngu ngốc của mình về lò vi sóng. Nếu con mèo đòi uống sữa lạnh thì đành mặc kệ nó vậy.

Lester cẩn thận cầm cái bát và hộp các-tông bằng một tay trong lúc mở cửa. Cầu thang tối om, nhưng ông không muốn bật đèn. Thế sẽ dọa con mèo và ông sẽ không tìm ra nó nếu nó lủi vào trốn trong góc nào đó.

Ông biết rõ cầu thang như lòng bàn tay. Dù gì ông cũng lớn lên ở chính nhà tang lễ Robinson này mà. Khoảnh khắc đáng tự hào nhất của đời ông là lúc bố đổi tên nó thành Robinson và Con trai.

Ông rẽ phải khi tới chân cầu thang và đi thẳng vào phòng hậu sự. Cái mùi hương quen thuộc xộc vào mũi ngay khi ông mở cửa. Đó là thứ mùi hòa trộn giữa chất lưu ướp xác và dung dịch ammoniac ông dùng để lau sàn và bàn.

Lester bật đèn, và căn phòng sáng trưng dưới ánh đèn neon rực rỡ. Nó trắng tinh hệt như phòng mổ của bệnh viện. Bàn ướp xác bằng kim loại loang loáng dưới ánh đèn. Giờ bàn nằm ngang, nhưng có một cần gạt để nghiêng nó khi ông rút chất lưu. Đầu bàn có một miếng kê đầu di động sẽ ngoắc giữ đầu người quá cố. Miếng kê đầu đó làm bằng cao su cứng, và được tạo hình giống hình vẽ thấu kính hội tụ.

Trong môn Thuật ướp xác và tang chế 103, Lester đã học được rằng người Nhật thường dùng một loại gối tương tự như thế để gối đầu ngủ. Họ cho rằng gối mềm không tốt cho lưng, còn gối cứng giúp không khí lưu thông bên dưới và buộc người ngủ nằm đúng tư thế hơn. Vì Lester hay bị bệnh đau thắt lưng quấy rầy, ông đã về nhà và thử ngay. Ông chiếm cái gối cứng của bố từ phòng hậu sự và mang nó lên giường ngay trong tối đó. Nhưng kết quả là, ông trằn trọc cả đêm và sáng hôm sau tỉnh dậy với cái cổ đau nhừ.

Lester nhìn dưới bàn và trong tủ quần áo. Chẳng có gì. Ông còn kiểm tra trong giá nhạc cụ sáng bóng, nhưng con mèo không trốn ở đấy. Ông tắt đèn và sang tìm thử ở phòng thăm viếng bên cạnh.

Phòng này dài và hẹp với những cỗ quan tài dựng đứng như lính gác hai bên hành lang. Trong môn Tiếp thị dịch vụ tang lễ 217, Lester đã học rằng cách bố trí đóng vai trò cực kì quan trọng. Bố ông luôn xếp quan tài bừa phứa, nhưng Lester đã thay đổi tất cả khi ông về nhà sau khi tốt nghiệp. Kết quả là lợi nhuận bố kiếm được tăng gần như ngay tức thì.

Tang quyến có vẻ ngại xem xét mọi quan tài trong phòng. Họ muốn chọn cho xong rồi nhanh nhanh chóng chóng rời khỏi chốn nương náu của người chết. Họ thường đứng sựng giữa phòng và chọn cái đầu tiên trong vài mẫu bày trước hết. Và theo lẽ tự nhiên, đó là chỗ Lester bày những cỗ quan tài đắt nhất.

“Này, mèo con, mèo con.” Lester bước dọc hành lang và gọi khe khẽ, nhưng không có tiếng meo meo nào đáp lại. Ông đang đứng bên các mẫu tầm trung tiền giờ được hầu hết người dân ưa chuộng. Lester đã nghĩ ra cách nâng giá bằng cách cố tình mua về hai mẫu tầm trung sơn màu sắc giản dị. Cái bên trái màu tím hồng còn bên đối diện màu nâu sẫm. Nó suýt gây tác dụng ngược vào lần đầu tiên với bà Radzinski. Nhưng gia đình đã quyết định đặt hàng riêng sau khi ông bảo rằng nước da người mẹ yêu dấu của họ không hợp với nệm màu hồng tím bên trong quan tài.

Lester lại gọi con mèo, và một lát sau, ông nghe có tiếng lạo xạo hình như phát ra từ tiền sảnh. Con mèo đang ở một trong các phòng thăm viếng và ông rất mong nó không định nhảy trúng xác người quá cố. Theo như ông biết thì mèo dám làm thế lắm. Chúng sẽ chẳng ngại nằm cạnh người chết đâu. Lester tắt đèn và vội vàng men theo hành lang xuống xem sao. Ông rất ngại phải trang điểm lại nếu xác chết có bề gì.

Có ba phòng viếng. Họ sử dụng phòng nhỏ cho những đám tang có quy mô nội tộc. Phòng thứ hai lớn hơn, có ghế bành và bàn nhỏ để tang quyến có chỗ nghỉ ngơi. Phòng viếng lớn nhất có một chỗ chia buồn ở cuối phòng, và họ sẽ bày ghế gấp ra nếu người ta tới. Robinson và Con trai không đời nào dùng loại ghế rẻ tiền. Sarah đã lùng sục khắp vùng để tìm cho ra loại ghế gấp có nệm ngồi và tay vịn hẳn hoi. Nếu không thấy mấy cỗ quan tài, chắc người ta sẽ chẳng biết mình đang trong nhà tang lễ.

Các quan tài được đặt trên các bục kim loại có thể gập gọn, nhẹ và vững chãi. Sarah phủ vải nhung trên bục để che đi các thanh chống và bánh xe. Xung quanh được bài trí những cây cọ giả, loại đắt tiền trông cực kì tự nhiên dù chúng được làm bằng nhựa có thể lau rửa được.

Lester tới cửa căn phòng cỡ trung và bật đèn. Căn phòng bừng sáng nhờ ánh sáng dịu tỏa ra từ những ngọn đèn màu hoa hồng. Đó là ý tưởng của Sarah. Ánh sáng này khiến người chết trông như còn sống, như thể họ chỉ đang ngủ mà thôi.

Bà Kaczynski vẫn ổn. Không có dấu chân mèo trên người bà hay trên cỗ quan tài kim loại mà gia đình bà ta chọn. Ông tắt đèn và đi sang phòng viếng thứ hai.

Bé Thompson vẫn nằm yên trong cỗ quan tài trắng xinh xắn, hai tay lồng vào nhau dưới lớp kính. Không có mèo đột nhập vào đây. Sarah đã tạo ra kì tích cho đứa trẻ chết lưu của Thompson. Đứa nhỏ trông rất thật, Lester bị thôi thúc muốn bế nó lên mà cưng nựng.

Họ đặt Neal Wallace vào phòng viếng lớn nhất. Anh ta nằm trong cỗ quan tài bằng đồng đắt tiền nhất Lester có. Giờ ông ước giá mà mình đã nhập cái quan tài bằng vàng lá mà ông thấy trong buổi triển lãm quan tài lần trước. Nếu bà Wallace mà thấy nó trong phòng trưng bày, chắc chắn bà ta sẽ xì ra thêm bốn ngàn nữa chứ chẳng chơi.

Tang lễ của Neal Wallace hứa hẹn sẽ là một tấn trò đời, nếu tất cả đều nhất nhất theo ý mẹ anh chàng. Ông chưa nói với Sarah nhưng có thể tang lễ còn được đưa tin lên truyền hình. Họ đã lên lịch giờ thăm viếng, và bà Wallace bảo ông sẽ đón chừng bốn trăm người tới viếng vong linh người quá cố trong vòng từ tám tới mười giờ. Lester chỉ hi vọng họ đến theo đợt. Căn phòng sẽ ngột ngạt với từng đó người, và lớp trang điểm của Neal không được bền lắm. Ông nhắc mình nhớ bật điều hòa công suất tối đa. Nếu nhiệt độ quá cao thì thi thể của Neal sẽ chẳng chịu được lâu.

Lester bật bóng điện trên trần và bước về phía quan tài. Ông mới đi được nửa phòng thì sững lại. Hộp bìa cứng đựng bát sữa rơi khỏi những ngón tay run run của ông, tạo thành vũng trắng lớn trên tấm thảm xám. Lester trố mắt nhìn người quá cố. Họ sẽ không thể nào nối liền lại thi thể Neal một lần nữa, cả triệu năm nữa cũng không được. Một thằng điên nào đó đã đột nhập vào và mạo phạm thi thể.

Lester lùi lại và mở miệng hét gọi Sarah, nhưng âm thanh chết ngay trên môi ông trước khi kịp bật ra trong bầu không khí tĩnh lặng, ngập hương hoa. Một cú đâm bằng ống tiêm dài đựng nước hương ướp xác và Lester trở thành kẻ thứ hai trong phòng viếng không còn nằm trong vòng phán xét của thế tục.

Sarah tỉnh dậy lúc sáu giờ sáng. Trời còn khá tối, nhưng bà không buồn bật đèn. Bảy giờ bà mới đánh thức Lester, nếu như điện thoại không đổ chuông. Ông có lẽ khó lòng ngủ lại được sau khi đi đuổi con mèo kia.

Chỉ chưa đầy mười phút, Sarah đã mặc đồ xong xuôi và sẵn sàng bắt đầu một ngày mới. Đây là khoảng thời gian yêu thích của bà. Cà phê tấu lên một giai điệu tươi vui trong cái ấm đun cà phê kiểu cũ - bà không cần bất kì một cái máy đời mới nào, xin cảm ơn! - và Sarah cười hạnh phúc. Kể từ hồi kết hôn tới giờ, bà không chọn được cái máy pha cà phê nào ưng ý. Phải lượn lờ ở mấy cửa hàng đồ cũ mãi bà mới mua được bốn cái đời cũ mà bà ưng để dùng dần. Loại cũ pha cà phê ngon hơn nhiều. Bà đã tự mình kiểm chứng rồi đấy thôi!

Sarah mở cửa sổ nhà bếp và hít vào phổi luồng không khí hanh khô của sáng sớm. Giờ còn sớm nên chưa hề có khói bụi. Dân đi tàu xe công cộng đi làm còn chưa rời giường. Thật tuyệt khi được hít thở không khí chưa bị ô nhiễm bởi khói thải và bộ biến đổi xúc tác bị hỏng. Đây là cái mùi trong lành của buổi sáng mà bà vẫn nhớ từ hồi nhỏ.

Cà phê đã pha xong. Sarah lấy cái cốc có in dòng chữ Guardian Casket Company ra khỏi giá và rót cho mình một cốc. Sau đó, bà ngồi bên bàn bếp và nghĩ mình thật may mắn vì được là vợ Lester. Vài năm trước khi Lester hỏi cưới, bà đã chấp nhận sẽ sống cô độc cả đời. Gương mặt bà nhìn thấy trong gương mỗi sáng chẳng hề đẹp chút nào. Dù mẹ bà luôn nói rằng sắc đẹp chỉ là lớp da, nhưng Sarah biết ngoại hình của bà sẽ chẳng bao giờ kiếm nổi cho mình một đức ông chồng. Vài người đàn ông bà quen đã chuồn thẳng khi biết bà sống ở đâu, và dù bà nói dối và bảo rằng mình chẳng liên quan tới việc dưới nhà, họ vẫn không mời bà đi chơi nữa.

Lester đã đến đáp lại những lời nguyện cầu của bà. Ông thông minh, cần cù và rất điển trai. Và khi được ông hỏi cưới, bà đã hạnh phúc tới ngồi sụp xuống mà khóc òa. Cuộc đời bà hẳn sẽ vô cùng buồn tẻ nếu không có ông. Có lẽ bà sẽ trông nhà cho bố, thi thoảng ra ngoài xem phim với một người bạn, già đi và xấu dần theo năm tháng. Bà chẳng có lựa chọn nào khác. Kể cả nếu bà rời nhà sống tự lập, bà cũng không có kĩ năng nào. Bà biết mình dễ dàng kiếm được tấm bằng về ngành tang chế, nhưng như vậy chỉ tốn thời gian và tiền bạc. Không ai tin vào một nhà tang lễ do một người phụ nữ điều hành. Đúng, Lester là do trời ban cho bà, và bà luôn tận tâm hỗ trợ ông.

Bà phải ủi đồ. Sarah lấy túi áo bà thu hồi tối qua và bắt đầu công việc. Lester thay đồ ít nhất hai lần mỗi ngày, và bà muốn có vài bộ treo sẵn đó phòng lúc ông cần gấp. Cả Sarah và Lester thống nhất rằng áo sơ mi trắng là trang phục bắt buộc của nghề này. Belinda Kingman đã may mấy cái áo màu nhàn nhạt cho chồng, nhưng Sarah không cho rằng chúng phù hợp. Xanh bạc hà và xanh da trời quá xuồng xã, và hồng cực kì không phù hợp. Nếu Belinda mà là bạn bà thì bà đã nói rồi, nhưng bà quyết định cứ để nhà Kingman muốn lầm thế nào thì lầm. Nếu người ta không thích lối ăn mặc của Harvey Kingman, họ có lẽ sẽ chuyển sang dùng dịch vụ của nhà tang lễ Robinson và Con trai.

Sarah liếc nhìn đồng hồ. Sắp bảy giờ rồi. Bà treo mấy cái áo sơ mi vào tủ của Lester rồi đi đánh thức ông. Lúc xếp quần áo vào tủ, bà làm mấy cái móc phát ra tiếng động nhưng Lester không hề thức giấc hỏi bà xem đã mấy giờ. Khi xong xuôi, bà tới bên giường và nhẹ nhàng gọi:

“Lester ơi? Đến giờ dậy rồi.”

Chăn dồn đống ở bên giường phía ông nằm. Ông có thói quen kéo chăn trùm kín đầu khi có ánh sáng và ông không muốn dậy. Bà nhẹ nhàng kéo chăn và cúi xuống định hôn lên má chồng, nhưng giường trống không.

Sarah nhíu mày khi trở lại vào bếp rót sẵn một tách cà phê cho ông. Bà thừa biết ông đang ở đâu. Ông quá mệt sau khi đuổi con mèo kia, và sẽ nằm nghỉ trên chiếc ghế bành trong một phòng viếng, chứ chẳng buồn lên lầu ngủ. Vậy chắc chắn ông sẽ thức dậy với cái cổ đau cứng.

Bà bưng cà phê xuống dưới nhà, cùng với ba viên aspirin được nhét trong túi tạp dề. Ông đã chọn phòng nào nhỉ? Chắc chắn không phải cái phòng nhỏ rồi. Phòng đó có hai chiếc ghế đôi, nhưng quá nhỏ so với chiều cao sáu foot của ông. Và mấy bộ ghế bành ở phòng giữa vải lại thô ráp. Chắc chắn ông sẽ chọn căn phòng rộng rãi nhất. Chắc ông đang ngủ say sưa trên chiếc ghế bành mềm mại bọc vải nhung dài tám foot họ mới mua.

* * *

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3