Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 09
Nội quan
Bạn nắm rõ lý do cho các sở thích và cảm xúc của mình.
Bạn không thể tiếp cận được với nguồn gốc thực sự của một số trạng thái cảm xúc. Khi bị chất vấn, bạn sẽ bịa ra điều gì đó cho có vẻ hợp lý.
Hãy nghĩ về một tác phẩm nghệ thuật mà cả thế giới đều ngưỡng mộ xem, chẳng hạn như là bức tranh Starry Night (Đêm đầy sao) của Van Gogh. Giờ hãy tưởng tượng là bạn được giao nhiệm vụ phải viết một bài luận giải thích tại sao bức tranh đó lại nổi tiếng. Hãy thử xem nào, cố nghĩ ra một lý do hợp lý đi. Nào, đừng đọc nữa. Lấy giấy bút ra thử viết xem nào. Hãy giải thích tại sao tác phẩm của Van Gogh lại tuyệt đến vậy.
Bạn có bài hát ưa thích nào không? Hay là một bức ảnh? Chắc hẳn bạn cũng có một bộ phim nào đó mỗi năm phải xem lại ít nhất một lần phải không? Hay một cuốn sách mà bạn đã đọc đi đọc lại vô số lần. Nào, hãy thử hình dung về một trong những thứ mà bạn ưa thích đó. Giờ thì hãy giải thích vì sao bạn thích thứ đó chỉ bằng một câu thôi. Nhiều khả năng bạn đang gặp khó khăn phải không? Nhưng nếu bị ép buộc thì chắc chắn bạn sẽ vẫn tìm ra được điều gì đó để nói.
Vấn đề nằm ở chỗ theo như các nghiên cứu thì gần như chắc chắn là lý do mà bạn đưa ra đều hoàn toàn vớ vẩn. Tim Wilson tới từ Đại học Virginia đã chứng minh điều này vào năm 1990 qua thí nghiệm Bài kiểm tra qua những tấm áp phích. Ông đã cho nhóm sinh viên thứ nhất vào một căn phòng treo đầy áp phích quảng cáo và nói rằng họ được phép chọn một tấm thích nhất để mang về làm quà. Đối với nhóm thứ hai, ông cũng làm điều tương tự, nhưng đưa ra điều kiện là họ phải giải thích tại sao lại chọn tấm áp phích đó. Sau sáu tháng, Tim Wilson hỏi cả hai nhóm về sự lựa chọn của mình. Ở nhóm thứ nhất, gồm những người được chọn một cách tự do, vẫn rất yêu thích tấm áp phích của mình. Nhóm thứ hai, những người đã phải viết bài giải thích, lại ghét những tấm áp phích chính mình đã chọn. Điểm chung ở nhóm thứ nhất là hầu hết hết đối tượng tham gia đều chọn những tấm có hình vẽ đẹp và hào nhoáng. Trong khi đó ở nhóm thứ hai thì sự lựa chọn phổ biến là một bức truyền cảm hứng và có ý nghĩa hơn là hình một chú mèo đang bám vào sợi dây thừng.
Theo như diễn giải của Wilson thì một khi phải lựa chọn một cách lý trí, bạn sẽ vặn nhỏ âm lượng của phần não cảm xúc và tăng âm lượng cho phần não logic. Bạn sẽ đưa ra một danh sách những ưu và khuyết điểm của từng lựa chọn trước mặt. Bản danh sách này vốn dĩ sẽ không được tạo ra nếu bạn chỉ làm theo cảm xúc của bản thân. Trong nghiên cứu của mình, Wilson có kết luận: “Hình thành nên sở thích cũng giống như việc đi xe đạp vậy: Chúng ta có thể đạp xe một cách dễ dàng, nhưng khó có thể giải thích được tại sao.”
Trước nghiên cứu của Wilson thì mọi người đều tin rằng việc cân nhắc cẩn thận trước mỗi quyết định đều là tốt. Nhưng Wilson đã cho chúng ta thấy rằng việc lý giải suy nghĩ, hay nói cách khác là nội quan, đôi khi lại dẫn tới những quyết định có vẻ tốt đẹp về mặt lý thuyết, nhưng lại khiến cho bạn trống rỗng về mặt cảm xúc. Wilson cũng trích dẫn một số nghiên cứu trước đó tại Đại học Kent State cho thấy việc suy nghĩ quá nhiều về sự trầm cảm có thể sẽ khiến tình trạng của bạn thêm trầm trọng, trong khi đó các hoạt động gây xao lãng lại đem đến kết quả tích cực. Đôi khi nội quan lại gây tác dụng ngược. Những nghiên cứu về nội quan đã đặt dấu hỏi lớn lên cả ngành công nghiệp phê bình nghệ thuật – từ trò chơi điện tử cho tới âm nhạc, phim ảnh, văn chương. Các nghiên cứu này khiến cho những nhóm tập trung⦾ hay những phân tích thị trường có vẻ ít khách quan hơn. Theo một góc nhìn nào đó, chúng không còn là những công cụ đánh giá chính xác giá trị nội tại của những thứ đang được đặt lên bàn cân, mà là sự thể hiện cảm xúc chủ quan của những người đang thực hiện đánh giá. Khi bạn hỏi mọi người tại sao họ lại thích hay không thích điều gì đó, họ sẽ phải diễn đạt lại cảm xúc vốn bị chôn sâu dưới tiềm thức của mình thành ngôn ngữ bậc cao với từ vựng và câu cú logic. Vấn đề là những thứ ẩn giấu trong cảm xúc và tiềm thức rất khó để tiếp cận. Còn những điều đã có sẵn trong phần ý thức của bộ não có thể lại không liên quan gì tới sở thích của bạn. Không những thế, khi bị đặt vào tình huống buộc phải biện minh cho những quyết định hay cảm xúc của mình, bạn sẽ cảm thấy lo lắng về hình ảnh của bản thân thể hiện qua các biện minh đó. Chính điều này làm cho câu chuyện nội tâm của bạn càng trở nên thiếu chính xác.
Trong Bài kiểm tra qua những tấm áp phích, hầu hết những người tham gia đều thực sự thích những tấm hình đẹp đẽ và hào nhoáng hơn tấm hình con mèo leo sợi thừng, nhưng bản thân họ lại không thể đưa ra lời giải thích cụ thể nào cho ý thích của mình, ít nhất là không thể diễn giải một cách logic được. Mặt khác, bạn luôn có thể chém gió tới hàng trang giấy về một bức tranh không đẹp bằng nhưng lại có ý nghĩa hơn.
Wilson tiếp tục làm một thí nghiệm khác. Những người tham gia được cho xem hai bức hình nhỏ của hai nhân vật khác nhau, và rồi được yêu cầu chọn ra người mà họ thấy hấp dẫn hơn. Sau đó các nhà nghiên cứu đưa cho họ bức hình lớn và nói rằng đó là ảnh phóng to của bức hình mà họ đã chọn. Thực ra đó là ảnh của một người hoàn toàn khác.
Lúc này, những người tham gia được yêu cầu lý giải cho sự lựa chọn của mình. Tất cả buộc phải giải thích. Họ chưa hề nhìn thấy nhân vật trong bức hình lớn, nhưng điều đó cũng không hề cản trở việc họ tìm ra lời giải thích hợp lý cho một quá khứ tưởng tượng.
Một thí nghiệm nữa của Wilson liên quan tới việc đánh giá chất lượng mứt. Ông bảo các đối tượng đánh giá những loại mứt vốn đã được tạp chí Consumer Reports xếp hạng từ trước là đứng thứ 1, 11, 24, 32, và 44 trên thị trường. Nhóm thứ nhất được phép thử và xếp hạng ngay theo cảm xúc cá nhân, trong khi đó nhóm thứ hai phải viết giải thích xem họ thích và không thích từng loại mứt ở điểm gì. Cũng giống như bài thí nghiệm với những tấm áp phích quảng cáo, những người không cần phải giải thích thường có chung cách xếp hạng với Consumer Reports. Còn những người bị buộc phải thực hiện nội quan thì không có xu hướng đánh giá chung, và thể hiện các sở thích khác nhau. Mùi vị rất khó để định tính và miêu tả thành lời, bởi vậy những người phải giải thích có xu hướng tập trung vào những yếu tố khác như độ dẻo, kết cấu, hay màu sắc của mứt. Những điều này thực ra lại không tác động lớn tới những người không phải giải thích.
Ai cũng tin rằng mình hiểu rõ về động lực, khát vọng, sở thích và sở ghét của bản thân. Nhưng thực ra điều đó được gọi là ảo giác nội quan. Bạn cho rằng bạn biết rõ về bản thân, biết rõ tại sao bạn lại như bây giờ. Bạn tin rằng những kiến thức này sẽ giúp bạn tiên lượng được hành vi của bản thân trong tương lai. Tuy nhiên các nghiên cứu đã cho kết luận ngược lại. Các thí nghiệm thực tế đều cho thấy rằng nội quan không phải là hành động tự tìm hiểu về những hoạt động tâm trí sâu xa nhất của bản thân, mà thực chất là một sự bịa đặt. Nhìn lại những việc mà bạn đã làm, hay cảm xúc mà bạn đã trải qua, bạn sẽ tự bịa ra lời giải thích nào đó đủ hợp lý để bản thân bạn có thể tin vào. Nếu cần phải nói cho người khác thì bạn sẽ tạo ra lời giải thích để họ cũng có thể tin được. Khi phải đưa ra lý giải cho sở thích của mình, bạn không thông minh lắm đâu, và chính việc phải biện minh đó có thể thay đổi thái độ của bạn.
Trong thời đại của Facebook, Twitter và blog như hiện nay, ai ai cũng công khai sở thích cá nhân của mình cho bàn dân thiên hạ được biết. Cứ nhìn vào những bài đả kích và những lời tán dương cho phim Avatar hay Lost mà xem. Khi Titanic đoạt giải Oscars, hầu như mọi người đều cho rằng đó là bộ phim tuyệt vời nhất. Giờ thì sao? Nó được đánh giá là một bộ phim tạm ổn, nhưng quá sến sẩm, được trau chuốt, nhưng hơi phóng đại. Không biết là 100 năm sau thì chuyện tình của Jack và Rose sẽ được đánh giá ra sao nữa?
Cũng nên nhớ là rất nhiều tác phẩm ngày nay được coi là kinh điển đều từng bị phê phán gay gắt. Ví dụ như đánh giá sau đây về Moby Dick vào năm 1851:
“Đây là một mớ hỗn độn của văn học lãng mạn và thực tế. Ý niệm về một cốt truyện rành mạch xuyên suốt có vẻ như đôi lúc đã bị nhà văn bỏ quên trong quá trình viết cuốn sách này. Phong cách văn chương đã bị thứ tiếng Anh điên rồ (chứ không hẳn là tệ) làm cho méo mó; phần kết bi kịch được viết một cách vội vàng và rất kém. Tôi không có nhiều điều để chê bai hay tán dương tác phẩm kỳ quặc này. Ông Melvill chỉ có thể tự trách mình nếu người đọc có coi đây là thứ rác rưởi kinh khủng nhất của trường phái văn học Bedlam và quẳng nó sang một bên – bởi vì dường như là ông ta không có khả năng học hỏi, và cũng có vẻ khinh bỉ việc học hỏi những kỹ năng của một nghệ sĩ.”
Henry F. Chorley,
Câu lạc bộ Văn học London Moby Dick giờ được coi là một trong số ít những tiểu thuyết vĩ đại của Mỹ, và được coi là ví dụ điển hình cho những tác phẩm văn học xuất chúng nhất từng được viết. Nhưng có lẽ là chẳng mấy ai có thể thực sự giải thích được lý do tại sao đâu.