Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 10

Tự nghiệm

về sự phổ biến

Với sự phát triển của ngành truyền thông, bạn có thể nắm rõ cách thế giới vận hành thông qua những dữ liệu thống kê và tin tức rút ra từ nhiều ví dụ.

Bạn dễ dàng tin rằng điều gì đó là bình thường chỉ với một ví dụ cụ thể mà bạn tìm được, trong khi đó lại khó chấp nhận những thông tin mà bạn chưa từng biết tới.

Trong tiếng Anh, số từ bắt đầu bằng chữ r có nhiều hơn số từ có chữ r đứng ở vị trí thứ ba?

Hãy thử nghĩ một chút nào – rip, rat, revolver, reality, relinquish. Nếu suy nghĩ giống phần đông mọi người, hẳn bạn đang nghĩ là số từ bắt đầu với chữ r chắc chắn nhiều hơn nhiều. Sai rồi bạn ơi! Trong tiếng Anh thì chữ r thường đứng ở vị trí thứ ba trong một word (từ) nhiều hơn là ở vị trí first (đầu tiên) – car, bar, farce, market, dart, v.v. Đơn giản là bởi vì việc liệt kê những chữ bắt đầu với r dễ hơn so với tìm ra những chữ có r đúng ở vị trí thứ ba. Bạn cứ thử mà xem.

Nếu một người bạn quen bị ốm sau khi tiêm vaccine phòng cúm, bạn sẽ trở nên do dự và không muốn đi tiêm, kể cả khi tất cả các số liệu thống kê đều cho thấy vaccine hoàn toàn an toàn. Thực tế cho thấy chỉ cần xem tin tức về một trường hợp cá biệt bị tử vong sau khi tiêm vaccine là đã đủ để bạn vĩnh viễn tránh xa vaccine. Mặt khác, khi bạn nghe tin về việc ăn xúc xích có thể gây ung thư hậu môn, bạn sẽ nghi ngờ bởi vì điều đó chưa từng xảy ra với bất cứ người nào bạn biết. Chưa kể là xúc xích lại còn rất ngon nữa chứ. Xu hướng phản ứng nhanh và mạnh với thông tin mà bạn đã quen thuộc được gọi là tự nghiệm về sự phổ biến (availably heuristic).

Bộ não con người đã được tạo ra trong điều kiện hoàn toàn khác biệt so với thế giới đầy biến động ngày nay. Phần lớn thời gian trong khoảng vài triệu năm tiến hóa, chúng ta chỉ quen biết dưới 150 người, và những điều mà bạn nắm được về thế giới đều thông qua những sự kiện xảy ra trong cuộc sống thường nhật. Truyền thông đại chúng, số liệu thống kê, hay nghiên cứu khoa học – những thứ này không thể tiêu hóa một cách dễ dàng như những thứ mà bạn được thấy tận mắt. Câu tục ngữ “trăm nghe không bằng một thấy” là minh chứng rõ nhất cho tự nghiệm về sự phổ biến.

Các chính trị gia luôn lợi dụng điều này. Hẳn là bạn rất hay nghe thấy một bài diễn thuyết bắt đầu bằng “Tôi gặp một bà mẹ với hai con nhỏ ở Michigan vừa mới mất việc do thiếu thốn đầu tư tại đây…” hay điều gì đó tương tự. Bằng cách kể một câu chuyện như vậy, chính trị gia hy vọng rằng bạn sẽ đồng cảm với điều mà ông ta đang nói. Ông ta đang đặt cược rằng ảo giác về sự phổ biến sẽ khiến cho bạn tin rằng ví dụ đó là đại diện cho cả một nhóm người lớn hơn.

Một vấn đề khi được trình bày với ví dụ cụ thể sẽ dễ chiếm được lòng tin của bạn hơn là với những số liệu hay thông tin trừu tượng.

Những vụ xả súng tại trường học đã trở thành hiện tượng nguy hiểm mới sau vụ việc tại Columbine⦾. Sự kiện đau thương này, về căn bản, đã thay đổi cách trường học tại Mỹ đối xử với học sinh. Hàng trăm đầu sách và phim tài liệu đã được sản xuất, vô số những buổi tọa đàm và hội thảo đã diễn ra để tìm hiểu về thảm họa mới này. Nhưng sự thật là số những vụ xả súng tại trường học không hề tăng lên. Theo như nghiên cứu của Barry Glassner, tác giả cuốn The Culture of Fear, trong khoảng thời gian mà vụ việc ở Columbine và những vụ tương tự khác được các phương tiện truyền thông chú ý tới, bạo lực học đường đã giảm tới 30%. Lũ trẻ đã phải đối mặt với khả năng bị bắn cao hơn từ trước khi vụ Columbine xảy ra, nhưng lúc đó thì giới truyền thông lại chẳng mấy đưa tin. Một học sinh bình thường có khả năng bị sét đánh trúng cao hơn tới 3 lần so với khả năng bị bởi một người bạn cùng lớp bắn, thế mà người ta vẫn chuẩn bị các biện pháp phòng chống việc xả súng tại trường học như thể nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào vậy.

Amos Tversky và Daniel Kahneman là những người đầu tiên chỉ ra được sự tồn tại của sự tự nghiệm này trong nghiên cứu vào năm 1973. Các đối tượng tham gia đã được cho nghe băng đọc tên người, trong đó có 19 cái tên của những người đàn ông nổi tiếng và 20 cái tên mà họ chưa nghe tới bao giờ. Thí nghiệm cũng được lặp lại, sử dụng tên của phụ nữ. Sau khi nghe xong cuốn băng, các đối tượng nghiên cứu được yêu cầu viết lại càng nhiều càng tốt, hoặc phải chỉ ra được những cái tên đã nghe từ một danh sách tên. Khoảng 66% người tham gia nhớ được nhiều cái tên nổi tiếng hơn những cái tên xa lạ, và 80% cho rằng trong danh sách vừa nghe thì số tên nổi tiếng nhiều hơn. Câu đố về chữ r ở vị trí thứ nhất hay thứ ba cũng là ý tưởng của Tversky và Kahneman. Qua cả hai thí nghiệm này, họ đã chứng minh được rằng thông tin càng quen thuộc, càng có sẵn thì bạn sẽ càng xử lý nhanh. Mà một khi quá trình xử lý diễn ra nhanh hơn thì bạn lại càng dễ tin vào thông tin đó, và khả năng để bạn chấp nhận những thông tin khác trở nên nhỏ đi.

Khi mua vé xổ số, bạn tự tưởng tượng mình sẽ chiến thắng giống như những người đã thắng cuộc và được phỏng vấn trên TV đơn giản là bởi vì những người không trúng giải đâu có được phỏng vấn. Thực ra khả năng để bạn rơi vào một vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên đường đi mua vé còn lớn hơn là khả năng trúng số, nhưng mà thông tin này lại quá trừu tượng. Bộ não bạn không suy nghĩ thông qua những con số thống kê, nó sử dụng những ví dụ, những câu chuyện. Khi đối mặt với những vấn đề như mua vé số, phòng tránh virus West Nile, cảnh giác trước những kẻ xâm hại tình dục trẻ em, bạn sử dụng khả năng tự nghiệm về sự phổ biến trước khi nghĩ tới những thông tin thực tế. Bạn đưa ra quyết định về khả năng xảy ra của một sự kiện trong tương lai dựa vào độ dễ dàng để bạn có thể tưởng tượng nó. Và khi mà bạn bị tấn công bởi những báo cáo mới, hay là đã bị ngập tràn trong những nỗi sợ, thì hình ảnh tưởng tượng về những ví dụ cụ thể đó có thể lấn át qua những thông tin mới vốn có thể trái với niềm tin của bạn.

Hiệu ứng bàng quan

Khi một ai đó gặp nạn, mọi người sẽ tới để cứu.

Càng nhiều người chứng kiến một người gặp nạn thì khả năng một ai đó ra tay giúp đỡ càng nhỏ.

Nếu mà đột nhiên bị hỏng xe và điện thoại thì hết pin, theo bạn thì ở đâu bạn sẽ dễ dàng nhận được sự trợ giúp hơn – một con đường quê vắng vẻ hay một con phố ở thành thị đông đúc? Chắc chắn là sẽ có nhiều người thấy bạn trên con phố đông đúc hơn, trong khi đó nếu ở trên đường quê thì bạn có thể sẽ phải chờ hàng giờ mới có một người đi qua. Vậy câu trả lời của bạn là gì?

Các nghiên cứu cho thấy khả năng bạn được trợ giúp ở trên đường quê sẽ cao hơn. Tại sao lại như vậy?

Đã bao giờ bạn nhìn thấy ai đó bị hỏng xe bên đường và nghĩ rằng: “Mình có thể giúp họ đó, nhưng mà chắc chắn sẽ có ai khác cũng giúp được mà.” Ai cũng nghĩ vậy. Và không ai dừng lại cả. Đây được gọi là hiệu ứng bàng quan (the bystander effect).

Năm 1968, Eleanor Bradley trượt ngã và bị trẹo chân trong một cửa hàng bách hóa đông đúc. Trong vòng 40 phút, người ta chỉ bước qua và đi lại xung quanh cô cho tới khi một người đàn ông cuối cùng cũng đã dừng lại để xem có chuyện gì. Năm 2000, một nhóm thanh niên đã tấn công 60 phụ nữ trong một cuộc diễu hành tại Công viên Trung Tâm của thành phố New York. Hàng nghìn người chỉ đứng xem. Không một ai rút điện thoại ra gọi cho cảnh sát. Thủ phạm trong cả hai vụ này đều có thể coi là hiệu ứng bàng quan. Khi đứng trong một đám đông thì động cơ để bạn chạy tới trợ giúp một người gặp nạn trở nên nhạt nhòa, như thể bị hòa tan bởi tiềm năng của cả một nhóm lớn. Mọi người đều nghĩ rằng rồi sẽ có một ai đó hành động, nhưng bởi vì tất cả cùng chờ đợi nên chẳng có điều gì xảy ra cả.

Ví dụ được coi là điển hình nhất của hiện tượng này có lẽ là câu chuyện bi kịch của Kitty Genovese. Theo lời một bài báo vào năm 1964, Kitty đã bị tấn công và đâm bởi một kẻ thủ ác vào lúc 3 giờ sáng tại một sân đỗ xe hơi trước cửa khu nhà chung cư của cô. Kẻ tấn công đã bỏ chạy khi cô gái kêu cứu, nhưng không một ai trong 38 nhân chứng có mặt ở gần đó tới trợ giúp. Câu chuyện miêu tả rằng kẻ sát nhân đã quay trở lại hiện trường tới hai lần để tiếp tục đâm cô gái cho tới chết trong vòng 30 phút, trong khi có người theo dõi từ những ô cửa sổ xung quanh, về sau thì câu chuyện cũng đã bị lật tẩy, cho thấy đây thật ra là một vụ viết báo thổi phồng thái quá, tuy nhiên vào lúc đó thì nó đã thu hút sự chú ý rất lớn của các nhà tâm lý học về hiện tượng này. Nhiều nhà tâm lý – xã hội học đã bắt đầu nghiên cứu về hiệu ứng bàng quan sau khi câu chuyện này trở nên nổi tiếng, và những nghiên cứu của họ cho thấy khi càng có nhiều người chứng kiến một vụ việc cần sự giúp đỡ khẩn cấp thì khả năng có một ai đó thực sự ra tay càng thấp.

Năm 1970, hai nhà tâm lý học Bibb Latane và John Darley tạo dựng thí nghiệm trong đó họ sẽ cố tình đánh rơi bút chì hoặc tiền xu trước mặt một nhóm hoặc là một người. Họ lặp lại thử nghiệm này tới 6000 lần. Kết quả ra sao? Khi làm rơi đồ trước một nhóm người thì số lần họ được giúp nhặt lên chỉ chiếm khoảng 20%, trong khi đó nếu chỉ có một người thì khả năng tăng lên tới 40%. Họ quyết định làm một thí nghiệm mang tính chất quyết liệt hơn: Họ cho người tham gia điền bảng trả lời câu hỏi trong một căn phòng, sau vài phút, khói sẽ bắt đầu tràn vào phòng từ một lỗ thông khí. Họ chạy thí nghiệm này với đối tượng ngồi một mình hoặc ngồi theo nhóm ba người. Khi ở một mình, những người tham gia thí nghiệm chỉ mất khoảng 5 giây để phản ứng và trở nên hoảng hốt, trong khi những người ngồi theo nhóm thì mất tới 20 giây để nhận ra có một vấn đề gì đó khác lạ. Những người ở một mình sẽ nhanh chóng kiểm tra nguồn gây khói và sau đó rời khỏi phòng để báo động những người làm thí nghiệm. Trong khi đó, đối với trường hợp ngồi theo nhóm ba người, họ sẽ chỉ ngồi yên tại chỗ nhìn nhau cho tới khi khói dày tới nỗi không thể nhìn thấy cả bảng trả lời câu hỏi trước mặt. Chỉ có 3 người trong số 8 nhóm được thí nghiệm là biết đứng dậy để rời khỏi căn phòng, và họ mất trung bình 6 phút để làm điều đó.

Phân tích từ thí nghiệm này cho thấy sự xấu hổ cũng có vai trò quyết định hành vi của một nhóm. Bạn nhận ra là trong phòng có khói nhưng bạn không muốn bị coi là một thằng khờ, thế là bạn liếc qua người bên cạnh xem họ đang làm gì. Người đó cũng đang suy nghĩ giống như vậy. Chẳng ai trong hai người có phản ứng gì cả, nên là cũng chẳng ai muốn tỏ ra hoảng hốt. Người thứ ba thấy hai người còn lại hành xử như vậy thì lại càng yên tâm là chẳng có gì bất thường đang xảy ra cả. Mọi người đều đang gây ảnh hưởng lên cách mà những người còn lại nhận định tình hình trong một hiện tượng gọi là ảo giác về sự minh bạch (illusion of transparency). Bạn có xu hướng cho rằng người khác có thể hiểu được mình đang nghĩ gì hay cảm thấy thế nào chỉ bằng một cái nhìn. Bạn tin là người còn lại có thể hiểu được rằng bạn cũng đang lo lắng về đám khói, nhưng thật ra là họ không thể. Họ cũng suy nghĩ y như bạn thôi. Và cuối cùng là chẳng ai trở nên hoảng hốt cả. Điều này dẫn tới một sự hiểu lầm tập thể – một tình huống mà ai cũng đang nghĩ giống như nhau, nhưng tin rằng mình là người duy nhất đang nghĩ vậy. Sau thí nghiệm với khói trong phòng, khi được phỏng vấn, tất cả những người tham gia đều thú nhận rằng họ thực sự đều hoảng sợ trong lòng, nhưng bởi vì những người xung quanh không ai tỏ thái độ gì khác lạ nên họ cho rằng đó chỉ là do mình quá nhát.

Các nhà khoa học quyết định tăng độ kịch tính lên thêm nữa. Lần này, trong khi những người tham gia trả lời câu hỏi, họ cho một người phụ nữ la thật to rằng cô ấy đã bị thương ở chân ngay phòng kế bên. Có tới 70% số người ngồi trả lời câu hỏi một mình ra khỏi phòng để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, trong khi đó chỉ có 40% số người ngồi theo nhóm có hành động tương tự. Khi bạn đi qua cầu và thấy một người gặp nạn dưới dòng nước đang kêu cứu, áp lực thôi thúc để bạn ra tay trợ giúp sẽ trở nên lớn hơn nhiều nếu bạn đi một mình so với việc ở trong một đám đông. Khi chỉ có một mình, tất cả trách nhiệm cứu giúp người bị nạn là của bạn mà thôi.

Hiệu ứng bàng quan cũng trở nên mạnh mẽ hơn khi bạn nghĩ rằng nạn nhân đang bị làm hại bởi một người mà họ quen biết. Lance Shotland và Margaret Straw đã chứng minh điều này trong một thí nghiệm diễn ra vào năm 1978: Họ thuê hai diễn viên, một nam và một nữ, đóng giả là đang cãi vã và đánh nhau. Những người xung quanh hầu như không hề can thiệp khi diễn viên nữ la lên rằng “Tôi chẳng hiểu tại sao tôi lại cưới ông nữa!”. Trong khi đó nếu cô ta hét “Tôi không biết ông là ai!” thì sẽ được trợ giúp trong 65% số lần thử nghiệm. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy chỉ cần có một người hành động là sẽ có nhiều người khác cũng sẽ tham gia trợ giúp. Cho dù đó có là hiến máu, giúp một người lạ thay lốp xe, quyên góp tiền cho một nghệ sĩ đường phố, hay can thiệp vào một trận ẩu đả – mọi người đều chung tay trợ giúp khi họ thấy một người khác hành động trước.

Một ví dụ cuối cùng tuyệt vời để tổng kết chương này là thí nghiệm Người Samari nhân đức. Thí nghiệm này được thực hiện vào năm 1973 bởi Darley và Batson, với những người tham gia là những sinh viên trong lớp thần học của Đại học Princeton. Họ yêu cầu những sinh viên này phải chuẩn bị một bài thuyết trình về câu chuyện về Người Samari nhân đức trong Kinh thánh. Trong sách Phúc âm của Luke, Chúa Jesus kể với các môn đồ của mình về một người khách lữ hành không may gặp cướp và bị đánh đập tơi tả, cuối cùng bị bỏ lại hấp hối bên vệ đường. Một linh mục và một người đàn ông đi qua nhưng đều không ai ra tay giúp đỡ. Chỉ có một người Samari cuối cùng đã dừng lại để cứu trợ, mặc dù nạn nhân là một người Do Thái, và giữa dân Do Thái và dân Samari có một mối hiềm khích sâu đậm. Bài học mà câu chuyện này truyền đạt là về việc nên dừng lại và mở lòng giúp đỡ những người gặp khốn khó không kể hoàn cảnh hay sắc tộc. Sau khi trả lời một loạt những câu hỏi liên quan tới câu chuyện này, một nhóm các sinh viên được phổ biến rằng họ đã bị muộn trong việc diễn thuyết ở một tòa nhà khác, nhóm còn lại thì được cho biết là họ vẫn còn nhiều thời gian. Trên đường di chuyển tới tòa nhà để diễn thuyết, một diễn viên được cài cắm sẵn giả bộ bị ngã, kêu rên trong đau đớn như thể bị ốm và cần sự trợ giúp. Trong nhóm sinh viên được cho biết là còn nhiều thời gian, có 60% số người dừng lại và giúp đỡ. Vậy còn đối với nhóm đang vội thì sao? Chỉ có 10% ra tay giúp đỡ, còn những người khác thì phớt lờ, thậm chí còn có người dẫm lên diễn viên để đi nhanh hơn.

Vậy nên là bài học rút ra từ chương này là bạn không thông minh lắm đâu trong việc giúp đỡ người khác khi họ gặp nạn. Trong một căn phòng đông người hay một con phố bận rộn, bạn có thể tin rằng khi một điều gì đó xảy ra, mọi người sẽ chỉ biết đông cứng lại và nhìn nhau. Nắm được điều này, hãy luôn cố gắng trở thành người đầu tiên phản ứng và ra tay trợ giúp – hoặc là cố gắng chạy thoát trong trường hợp như một căn phòng ngập khói – bởi vì bạn có thể chắc chắn rằng những người khác sẽ không có hành động gì đâu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3