Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 11
Hiệu ứng
Dunning-Kruger
Bạn có thể dự đoán được chính xác khả năng của mình ở mọi tình huống.
Về cơ bản thì bạn khá kém trong việc đánh giá khả năng của bản thân và độ khó của những công việc phức tạp.
Hãy tưởng tượng rằng bạn chơi rất giỏi một trò nào đó. Trò nào cũng được – cờ vua, Street Fighter, bài poker – không quan trọng. Bạn thường xuyên chơi trò này với lũ bạn và lúc nào cũng thắng. Bạn cảm thấy mình thật giỏi, và bạn tin rằng mình có thể giành chiến thắng ở một giải đấu nếu có cơ hội. Vậy là bạn lên mạng tìm xem giải đấu khu vực sẽ diễn ra ở đâu và khi nào. Bạn trả phí tham gia và rồi bị hạ đo ván ngay trong hiệp đầu tiên. Hóa ra là bạn không giỏi lắm đâu. Bạn cứ nghĩ rằng mình thuộc dạng đỉnh của đỉnh, nhưng mà thực chất bạn chỉ là một tay ngang thôi. Đây được gọi là hiệu ứng Dunning-Kruger, và nó là một phần cơ bản trong bản chất của con người.
Hãy thử nghĩ về những ngôi sao Youtube mới nổi trong mấy năm gần đây – những người múa máy một cách vụng về với các loại vũ khí, hoặc là hát chẳng bao giờ đúng tông cả. Những màn trình diễn này thường rất tệ. Không phải họ cố tình dùng bản thân để mua vui cho người khác đâu. Trình độ của họ thực sự tệ, và chắc hẳn bạn cũng thắc mắc là tại sao lại có người có thể tự đặt mình lên một sân khấu toàn cầu với những màn trình diễn đáng xấu hổ như vậy. Vấn đề nằm ở chỗ họ không tưởng tượng được là công chúng toàn cầu có thể khắt khe và đòi hỏi cao hơn so với lượng khán giả nhỏ bé họ vốn đã quen thuộc là bạn bè, gia đình và những người đồng cấp. Như nhà triết học Bertrand Russell đã từng phải than thở: “Trong thế giới hiện đại ngày nay thì những kẻ khờ khạo luôn tự tin hết mức trong khi những người khôn ngoan thì lại luôn nghi ngờ.”
Hiệu ứng Dunning-Kruger là lý do tại sao mà những chương trình như America’s Got Talent hay American Idol có thể diễn ra. Ở trong phòng karaoke với lũ bạn, bạn có thể là người hát hay nhất. Nhưng để đối chọi với các thí sinh trong cả một quốc gia? Khó lắm.
Đã bao giờ bạn nhận thấy rằng những người có bằng cấp cao về khoa học khí hậu hay sinh học chẳng mấy khi lên mạng và tham gia vào những cuộc tranh cãi nảy lửa về biến đổi khí hậu hay là thuyết tiến hóa? Bạn càng biết ít về một vấn đề gì đó thì bạn càng dễ tin là vấn đề đó chẳng có gì mấy để mà tìm hiểu cả. Chỉ khi đã sở hữu một lượng thông tin nhất định, bạn mới nhận ra độ sâu và dày của biển kiến thức mà bạn chưa thể chạm tới.
Tất nhiên, vừa rồi chỉ là khái niệm chung chung. Năm 2008, nhà kinh tế học Robin Hanson đã chỉ ra rằng cụm từ hiệu ứng Dunnỉng-Kruger có xu hướng trở thành một câu cửa miệng của nhiều người ở khoảng thời gian gần lúc bầu cử vì nó có tác dụng làm cho đối thủ của họ trông giống một kẻ đần độn.
Tên của hiệu ứng này xuất phát từ nghiên cứu của Justin Kruger và David Dunning vào năm 1999 tại Đại học Cornell. Họ đã cho sinh viên làm những bài tập về ngữ pháp, logic, và tự dự đoán kết quả của mình. Những người đạt điểm cao thì dự đoán tương đối chính xác trình độ của mình, trong khi đó nhóm đạt điểm thấp lại có xu hướng đoán thứ hạng của mình cao hơn so với thực tế. Nhìn chung, nghiên cứu này cho thấy rằng chúng ta không thực sự giỏi trong việc tự đánh giá khả năng của bản thân.
Một số nghiên cứu gần đây đã cố gắng phản biện lại kết luận rạch ròi của hiệu ứng Dunning-Kruger, rằng “những người có trình độ hạn chế lại chính là những người không nắm rõ được rằng mình kém nhất”. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Burson, Larrick, và Klayman vào năm 2006 cho thấy “Trong những tác vụ đơn giản, khi có thiên hướng tích cực, những người thực hiện tốt nhất cũng là những người dự đoán chính xác nhất khả năng của bản thân. Trong khi đó với những tác vụ khó khăn hơn có chứa thiên hướng tiêu cực, những người thực hiện tồi nhất lại dự đoán chính xác hơn.”
Vậy, kết luận lại là hiệu ứng Dunning-Kruger không chỉ đơn thuần khiến bạn tự tin thái quá khi vốn chỉ là một kẻ thường thường bậc trung. Thực chất nó hoạt động như thế này: Bạn càng giỏi việc gì đó, bạn càng bỏ nhiều thời gian ra để luyện tập, thì bạn càng có nhiều kinh nghiệm, và bạn sẽ có thể so sánh bản thân mình với người khác một cách chính xác hơn. Khi càng cố gắng để tiến bộ, bạn sẽ nhận ra những điểm mà bạn cần cải thiện. Bạn bắt đầu nhìn ra được sự phức tạp và chiều sâu của vấn đề; bạn biết đến những người đang dẫn đầu trong ngành, tự so sánh với họ và nhận ra điểm thiếu sót của mình. Mặt khác, khi bạn càng kém việc gì đó, bạn càng bỏ ra ít thời gian cho việc luyện tập và càng nắm được ít kinh nghiệm. Vì vậy, khả năng so sánh bản thân với người khác của bạn cũng kém hơn. Những người xung quanh lại không chỉ ra điều đó, hoặc là bởi vì trình độ của họ cũng chỉ bằng hoặc kém bạn, hoặc là họ không muốn làm bạn tổn thương. Sự cách biệt nho nhỏ giữa bạn và những người mới nhập môn khiến cho bạn tin rằng mình thật là siêu phàm. Charles Darwin đã tổng hợp một cách vô cùng súc tích: “Ngu dốt mới là thứ hay sinh ra sự tự phụ chứ không phải là tri thức.” Dù là chơi đàn guitar hay viết truyện ngắn, tấu hài hay chụp ảnh, những kẻ nghiệp dư thường tự cho mình là chuyên gia hơn là chính bản thân các chuyên gia. Giáo dục không chỉ gói gọn trong việc học về những điều bạn chưa biết, mà còn bao hàm cả việc trau dồi những gì bạn đã biết.
Sự nổi lên gần đây như nấm mọc sau mưa của những chương trình truyền hình thực tế là một ví dụ tuyệt vời cho hiệu ứng Dunning-Kruger. Cả một ngành công nghiệp của những kẻ đểu cáng kiếm sống bằng cách bơm vào đầu những người đẹp mã nhưng bất tài ý niệm họ là những nghệ sĩ thiên tài. Bong bóng xung quanh những ngôi sao truyền hình thực tế này dày tới nỗi đôi khi họ không bao giờ có thể thoát ra được. Thậm chí, có những lúc chính khán giả cũng tham gia vào trò hề này, nhưng những người nằm ở trung tâm của bi kịch vẫn không hề hay biết.
Bước chuyển từ nhập môn qua nghiệp dư, tới chuyên nghiệp, và cuối cùng là bậc thầy có ranh giới rất mờ nhạt. Hơn nữa, càng đi lên cao, con đường để bước tới bậc tiếp theo càng dài. Nhưng mà khoảng cách giữa mức độ nhập môn và nghiệp dư là khá ngắn, và chính đây là nơi mà hiệu ứng Dunning-Kruger phát huy tác dụng. Bạn nghĩ rằng chỉ với cùng khoảng thời gian và nỗ lực đầu tư để nhảy từ bậc nhập môn lên nghiệp dư, bạn cũng có thể tiếp tục nhảy lên mức chuyên nghiệp. Tiếc là thực tế không phải như vậy.
Mọi người đều trải qua hiệu ứng Dunning-Kruger này một vài lần trong đời. Phải trung thực với bản thân, tự nhận ra những khuyết điểm và khiếm khuyết của mình không phải là một lối sống dễ dàng. Cảm giác kém cỏi và bất tài thực sự rất đáng sợ – và bạn phải vật lộn với đống cảm xúc này hàng ngày mới có thể đối mặt với cuộc sống. Nhìn một cách tổng thể, hiệu ứng Dunnỉng-Kruger nằm ở vị trí đối lập của hội chứng rối loạn lưỡng cực với cảm giác bất an thường trực.
Đùng để hiệu ứng Dunning-Kruger tác động tiêu cực lên bạn. Nếu muốn trở nên giỏi giang, bạn cần phải luyện tập và tham khảo thành tựu của những người đi trước, những người đã làm việc đó cả cuộc đời. Hãy so sánh và đối chiếu, giữ mình khiêm tốn, rồi tự nhận ra khuyết điểm của mình để khắc phục.
Ảo quan
Có những sự trùng hợp thật kỳ diệu. Chắc hẳn chúng phải có ý nghĩa nào đó chứ.
Trùng hợp là chuyện thường ngày ở huyện, kể cả những điều tưởng chừng như là kỳ diệu. Mọi ý nghĩa mà chúng có đều do chính tâm trí của bạn nghĩ ra thôi.
Các nhà biên soạn và giới viết tiểu thuyết từ lâu đã nắm được một lượng lớn những phép chuyển nghĩa dễ hiểu, không cần giải thích nhiều, và những cốt truyện có khả năng thỏa mãn tâm trí cho tất cả người xem.
Tất cả các câu chuyện đều cần phải có một nhân vật chính được xây dựng tốt mà bạn có thể đồng cảm. Nếu đó là người kém may mắn hay bị mất danh dự, bạn sẽ thấy họ là người dễ gần. Nếu đó là người gan dạ và đang phải đối mặt với hiểm nguy, bạn sẽ cổ vũ cho họ mà không cần đắn đo.
Chỉ cần nhân vật chính ra tay cứu một người đang gặp nạn dù đó không phải là trách nhiệm của mình là đủ để khiến bạn xiêu lòng. Mặt khác, bạn cũng cần có một kẻ phản diện đáng ghét gây hại cho người khác mà không cần lý do, một kẻ phớt lờ mọi luật lệ và chỉ muốn thỏa mãn bản thân bằng mọi giá. Những nhân vật chính rời khỏi cuộc sống hàng ngày để đi vào một thế giới mới tràn đầy những cuộc phiêu lưu và thử thách. Ngay vào lúc tưởng chừng như họ sắp tuyệt vọng, sắp thất bại, họ lại vượt qua khó khăn đang cản bước mình và chiến thắng kẻ phản diện, đôi khi còn đồng thời giải nguy cho cả thế giới. Khi trở lại với cuộc sống của mình, họ đã trở thành một con người tốt đẹp và toàn diện hơn. Nếu câu chuyện thuộc thể loại bi kịch thì họ sẽ có kết thúc tồi tệ hơn xuất phát điểm.
Joseph Campbell đã dành cả đời mình để tìm hiểu những thể loại cốt truyện và thần thoại phổ biến, những câu chuyện mà bạn và mọi người đều thuộc nằm lòng. Ông gọi cốt truyện như mô tả ở đoạn trên là hành trình của người anh hùng, và nếu ngẫm kỹ lại về tất cả những bộ phim hay những tiểu thuyết bạn đã từng xem, bạn sẽ nhận thấy rằng hầu hết chúng đều là một phiên bản nào đó của câu chuyện trên. Từ các câu truyện dân gian cho tới các vở kịch, tác phẩm điện ảnh hiện đại hay trò chơi điện tử, hành trình của người anh hùng là cốt truyện một màu có khả năng xuyên thấu vào tâm trí bạn như chìa khóa cắm vào ổ vậy.
Bạn yêu thích việc theo dõi những diễn viên được trả lương triệu đô chơi trò diễn kịch chuyên nghiệp bởi vì bạn tư duy thông qua hình ảnh, thông qua những câu chuyện từ từ hé lộ với các nhân vật thú vị. Toán học, khoa học và logic là những thứ tưởng tượng hơn những vấn đề xã hội. Bạn nắm rõ vai diễn của bản thân, những ai là người cùng đứng trên sân khấu và câu chuyện của mình. Cũng giống như trên phim ảnh, bộ nhớ của bạn thường xóa bỏ đi những phần nhàm chán và chỉ tập trung giữ lại những đoạn kịch tính hoặc đáng nhớ – những điểm nhấn của cốt truyện.
Một số thể loại truyện nhất định, ví dụ như truyện trinh thám, biến tấu dựa trên cách thắt mở nút truyện mà bạn tin là phản ánh đời thực. Tiểu thuyết The Da Vinci Code hay series phim truyền hình Lost đều có nội dung xoay quanh những sự kiện bí ẩn, rồi những manh mối xuất hiện và chúng đều có liên hệ với nhau một cách kỳ lạ. Bạn bị cuốn vào khuôn mẫu dần lộ diện. Nó thôi thúc bạn lật giở từng trang sách hoặc xem liên tục từ tập phim này đến tập phim khác để biết chuyện gì sẽ xảy ra, để xem cuối cùng mọi thứ kết nối với nhau như thế nào.
Khi cảm thấy điều này với cả các sự kiện ngoài đời nghĩa là bạn bị chi phối bởi ảo quan. Đây là một định nghĩa khá rộng, bao trùm lên cả những hiện tượng khác như Sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas hay Ảo thị loạn hình (pareidolia). Trong ảo thị loạn hình bạn thấy được những khuôn mặt và những hiện vật được hình thành từ chi tiết của những vật hoàn toàn không liên quan đến chúng, ví dụ như những đám mây hay những cành cây xếp thành hình mặt người. Ảo quan là việc phủ định sự tồn tại của tính tập trung ngẫu nhiên và nhiễu động, của những sự tình cờ.
Ảo quan xuất hiện thường xuyên nhất khi bạn bắt gặp sự đồng bộ trong các sự việc. Những khoảnh khắc trùng hợp nho nhỏ dường như mang một ý nghĩa nào đó kể cả khi bạn biết đó là điều không thể. Người ta vẫn thường phát sốt lên với những ngày có số đặc biệt, ví dụ như là ngày 20 tháng 02 năm 2002. Bạn chẳng thể phớt lờ khi một thứ gì đó vốn thường xuyên hỗn độn lại đột nhiên có trật tự. Đồng hồ đang chỉ 11:11 tối. Lần kế bạn nhìn lên thì thấy nó chỉ 12:12 đêm. Một cảm giác thú vị kỳ lạ tràn qua, bạn dừng lại suy nghĩ một chút rồi tiếp tục với cuộc sống của mình. Sự trùng hợp cũng có thể diễn ra ở mức độ lớn hơn. Nếu đêm hôm trước bạn mơ về một trận lụt khủng khiếp, và rồi thấy tin một trận lũ đã quét sạch hàng trăm căn nhà ở nơi xa xôi nào đó trong bản tin sáng hôm sau, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng.
Ảo quan sẽ chỉ trở thành vấn đề khi bạn cho rằng trùng hợp không đơn thuần chỉ là những tín hiệu bình thường trong sự nhiễu động của cuộc sống. Có thể bạn nghĩ những người nổi tiếng hay chết theo nhóm 3 người⦾, trong khi thực chất cái chết là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống. Bạn cảm thấy rất tuyệt khi nhận ra mình có chung ngày sinh nhật với thần tượng của mình, mặc dù thực tế bạn có chung ngày sinh nhật với khoảng 16 triệu người. Bạn có thể cho rằng con số 23 có một năng lực đặc biệt nào đó bởi vì nó xuất hiện rất thường xuyên trong cuộc sống của bạn, trong khi thực ra nó cũng chẳng xuất hiện nhiều hơn bất kỳ con số nào cả. Bạn có thể chơi cờ bạc cả đêm, tự thuyết phục mình rằng chơi nhiều rồi sẽ nhận ra khuôn mẫu của những lá bài, hay trình tự của chiếc vòng quay may mắn, nhưng xác suất chiến thắng sẽ mãi mãi không đổi. Bạn có thể đọc tin về một người nào đó đã thắng xổ số tới ba lần liên tiếp và cho rằng đó là nhờ vào sự kỳ diệu, nhưng thực ra những trường hợp thắng xổ số nhiều lần cũng chẳng phải là hiếm.
Khi bạn liên kết các sự việc trong đời mình để tạo thành một câu chuyện, và rồi bạn cố gắng gán cho nó một ý nghĩa đặc biệt, đó chính là ảo quan thật sự. Ví dụ thế này: Bạn đang băng qua đường thì bỗng một người vô gia cư túm áo và kéo bạn lại, vừa đúng lúc một chiếc xe máy phóng vút qua. Bạn muốn đưa một ít tiền để cảm ơn ân nhân cứu mạng nhưng ông ta nhất quyết không lấy. Ngày hôm sau, bạn đọc được bài báo về sự gia tăng của tình trạng vô gia cư trong thành phố. Một tuần trôi qua, trong lúc tìm việc mới trên mạng, bạn bất ngờ nhìn thấy tin tuyển dụng cho vị trí công tác xã hội tại thành phố mơ ước của bạn. Có lẽ bạn sẽ cho rằng tất cả những sự kiện trên xảy đến trong đời mình đều là để đưa đường dẫn lối bạn trở thành một người hùng cứu rỗi những mảnh đời bất hạnh. Vậy là bạn từ bỏ công việc hiện tại, chuyển tới thành phố khác, và bắt đầu giúp đỡ những người gặp khó khăn. Nhìn theo góc độ này, bạn có thể thấy ảo quan không phải lúc nào cũng xấu. Bạn cần một cuộc đời có ý nghĩa để có thể thức dậy vào mỗi sáng, để có thể bứt phá và tạo nên sự khác biệt. Nhưng hãy nhớ rằng tất cả những ý nghĩa này đều xuất phát từ chính bản thân bạn.
Tâm trí bạn được lập trình để có thể dễ dàng nhận ra những trật tự, kể cả khi những trật tự đó được định nghĩa bằng văn hóa chứ không phải là bản năng của bạn. Người Hy Lạp và Babylon cổ đại tin rằng những con số có ý nghĩa thiêng liêng, và tìm cách để gắn liền chúng với mọi khía cạnh của đời sống. Những người theo đạo Thiên chúa thời đầu tiên cũng vậy; họ đặc biệt tôn thờ con số ba và Chúa ba ngôi. Trong tất cả mọi tôn giáo và các nền văn hóa, một số con số được đề cao bởi người ta cho rằng chúng có ý nghĩa đặc biệt, quan trọng hơn những số khác. Và chính điều này đã tạo tiền đề cho ảo quan tác động lên con người, khiến người ta tin rằng những con số nhất định xuất hiện nhiều hơn bình thường⦾. Nói chung, bạn cũng có xu hướng ưa thích những con số tròn chục bởi vì bạn đã quá quen thuộc với việc sử dụng hệ thập phân. Khi có quyền quyết định, ảo quan là yếu tố khiến bạn chọn việc sắp xếp mọi thứ vào nhóm với số lượng mang nhiều ý nghĩa hơn, như là 10, 50, 100, v.v. Mở rộng ra thì những tờ tiền thực chất cũng bị tác dụng bởi ảo quan chung của cả xã hội nên chúng mới mang giá trị tròn chục như thế.
Định luật của những con số vô cùng lớn là thứ mà những người hoài nghi thường chỉ ra để phản bác lại ảo quan. Theo định luật này, khi một tập hợp đủ lớn, thì nhiều sự trùng hợp sẽ xuất hiện. Trên một hành tinh với gần 7 tỷ con người, xác suất của sự trùng hợp ngẫu nhiên là rất lớn. Khi người ta nhận thấy những sự trùng hợp này, họ ghi nhớ chúng và kể lại cho người khác nghe. Đôi khi chúng còn lên được cả mặt báo hay bản tin thời sự. Nhưng mà khi sự trùng hợp không xảy ra thì lại chẳng ai quan tâm cả. Vậy là bạn rơi vào một căn phòng đầy những câu chuyện về sự trùng hợp vang vọng không ngớt.
J. E. Littlewood, nhà toán học của Đại học Cambridge, đã viết về định luật của những con số vô cùng lớn trong cuốn sách Littlewood’s Miscellany, xuất bản năm 1986. Ông đã tính toán rằng nếu một người bình thường có khoảng thời gian tỉnh táo cao độ là 8 giờ mỗi ngày, và trung bình cứ mỗi giây lại có một sự kiện xảy ra với người đó, thì trong vòng 35 ngày, người đó sẽ trải qua 1 triệu sự kiện. Vậy nên nếu bạn có bao giờ nói rằng khả năng để một điều gì đó xảy ra là 1 trên 1 triệu, bạn đang nói rằng điều đó sẽ xảy ra mỗi tháng một lần. Điều này được gọi là Định luật Littlewood.
Thường thì ảo quan là hệ quả của thứ ảo giác mạnh mẽ nhất của chúng ta – thiên kiến xác nhận. Bạn chỉ nhận ra điều mà bạn muốn thấy, và bỏ qua tất cả những thứ còn lại. Khi bạn muốn thấy một điều có ý nghĩa, bạn sẽ bỏ qua tất cả những yếu tố còn lại trong cuộc đời mà bạn cho là vô nghĩa. Ảo quan không chỉ đơn thuần là nhìn thấy trật tự trong một đám hỗn độn, đó còn là niềm tin rằng bạn được số mệnh sắp đặt cho nhìn thấy điều đó. Bạn tin rằng những điều kỳ diệu rất hiếm hoi nên là bạn có nhiệm vụ phải nhận ra và làm mọi cách để hiểu được ý nghĩa của chúng.
Tuy nhiên, nếu dựa vào thống kê mà nói thì sẽ có luôn có điều kỳ diệu xảy ra mỗi lần bạn lật một trang mới trong cuốn sách này.