Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 13

Lập luận dựa vào

thẩm quyền

Bạn quan tâm đến độ chính xác của thông tin hơn là người đưa ra thông tin.

Địa vị và uy tín của một người ảnh hưởng rất lớn tới cách mà bạn nhận thức về thông điệp của họ.

Khó mà không cảm thấy bị áp lực khi ngồi đối diện một vị giáo sư với hàng loạt bằng cấp và chứng chỉ. Từ đằng sau chiếc bàn làm việc bệ vệ, xung quanh là những tủ sách khổng lồ và những bức tượng nghệ thuật, bên trong ngôi nhà cổ kính thiêng liêng, dường như vị giáo sư tỏa ra ánh hào quang đầy uyên bác, mang sức nặng của học thức.

Khi vị giáo sư lên tiếng nói về lịch sử của nền văn minh nhân loại, bạn chắc chắn sẽ thấy những suy nghĩ này chính xác hơn, được xây dựng và phân tích cẩn thận hơn là quan điểm của thằng anh họ chuyên sưu tầm túi đựng nước sốt cà chua của bạn. Và chắc là bạn cũng không sai khi nghĩ vậy. Đúng là kiến thức của một vị giáo sư lịch sử về sự sụp đổ của Đế chế La Mã và bài học rút ra từ đó chắc chắn sẽ xác đáng hơn là ý kiến của một người chỉ đam mê nước sốt. Những người đã bỏ công sức cả đời mình ra để nghiên cứu về một vấn đề sẽ có tiếng nói giá trị hơn trong chuyên ngành của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi lời mà họ nói đều là vàng ngọc.

Giả sử vị giáo sư đó chia sẻ rằng ông ta rất muốn nhóm Spice Girls tái ngộ và biểu diễn tại trường, nếu bạn quyết định xem xét lại gu âm nhạc của bản thân thì nghĩa là bạn đã rơi vào bẫy ngụy biện. Khi bạn cho rằng mọi quan điểm của một người có trọng lượng hơn của người khác bởi địa vị và uy tín cá nhân của họ, lúc đó bạn đang lập luận dựa vào thẩm quyền (argument from authority).

Bạn có nên lắng nghe lời khuyên của một thợ lặn chuyên nghiệp trước khi nhảy xuống biển? Đương nhiên là có rồi. Vậy bạn có nên tin khi họ kể rằng đã từng nhìn thấy một nàng tiên cá làm tình với cá heo? Không! Đừng tin!

Trong cuốn sách này, bạn sẽ gặp rất nhiều những quan điểm đã được công nhận của các nhà khoa học về những hành vi tâm lý để chứng minh rằng bạn hay tự dối mình đến mức nào. Tin vào phương thức giải nghĩa những bằng chứng thu thập được qua nhiều chục năm nghiên cứu mà hàng nghìn nhà khoa học đã công nhận không phải là mắc lỗi ngụy biện. Khoa học tập trung vào thực tế sự thật chứ không phải là vào người đã tìm ra chúng. Tuy nhiên điều đó cũng không có nghĩa là họ không bao giờ sai.

Nhà thần kinh học Walter Freeman đã giành giải Nobel về Y học năm 1946 cho công trình Giải phẫu thùy não người bị bệnh tâm thần bằng cách đâm xuyên một chiếc dùi qua sau hốc mắt của họ. Một số báo cáo ghi lại rằng ông đã thực hiện kỹ thuật này hơn 2.500 lần, và thường là không gây mê bệnh nhân. Freeman đã phát triển một kỹ thuật vốn yêu cầu phải khoan sọ của bệnh nhân thành một tiểu phẫu có thể thực hiện cho bệnh nhân ngoại trú. Công cụ được sử dụng đầu tiên là dùi phá nước đá, sau này được ông thay thế bằng mũi dùi kim loại chuyên dụng. Khi dùng búa gõ vào mũi dùi này, nó có thể dễ dàng đâm xuyên qua sau hốc mắt của bệnh nhân. Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt thùy não này, những bệnh nhân thần kinh vốn ngỗ nghịch đã trở nên trầm tính hơn, bởi não họ đã bị tổn thương nặng nề. Phẫu thuật cắt thùy não đã trở nên vô cùng phổ biến ở các bệnh viện tâm thần, và Freeman thường lái một chiếc xe mà ông gọi là lobotomobile⦾ đi khắp mọi nơi để truyền bá và phổ biến kỹ thuật của mình. Khoảng gần 20.000 người đã trải qua phẫu thuật này trước khi khoa học bắt kịp và chứng minh tác hại của nó. Walter Freeman đã bị chỉ trích rất nặng nề, nhưng trong khoảng hai thập kỷ huy hoàng của phương pháp phẫu thuật này thì ông đã giành được tất cả những giải thưởng cao quý nhất. Thậm chí người chị cả của tổng thống John F. Kennedy cũng đã trải qua phẫu thuật khủng khiếp này. Ngày nay thì phẫu thuật cắt thùy não đã bị cộng đồng y học tẩy chay, cho rằng đó là một kỹ thuật dã man và quá ngây ngô trong điều trị các bệnh về tâm thần.

Sự phát triển và suy tàn của phẫu thuật cắt thùy não là một minh chứng điển hình cho tác dụng của lập luận dựa vào thẩm quyền. Freeman và đồng nghiệp đã hấp tấp thực hiện mọi thứ trước khi có đủ các bằng chứng khoa học. Họ sử dụng phẫu thuật thần kinh để giải quyết, bởi nó cho kết quả mong muốn trước mắt. Các bệnh viện tâm thần đã chào đón Freeman; thẩm quyền của ông ta đã không bị xét hỏi, và cứ thế Freeman đã biến những bệnh nhân thực sự cần giúp đỡ thành những thây ma. Và phải mất tới hai thập kỷ, các bằng chứng khoa học mới có thể làm lộ rõ bản chất của sự việc, cho thấy rằng phương pháp đó, đứng trên quan điểm y học, là không cần thiết, và xét từ góc nhìn đạo đức, là vô cùng tàn bạo. Ông bị rút giấy phép hành nghề và chết trong sự ruồng bỏ. Chính cộng đồng đã tung hô ông ta trong thời kỳ trước đã nhanh chóng quay lưng lại và chỉ trích mạnh mẽ sau này.

Những sự kiện đảo ngược vị thế này trong cộng đồng khoa học ngày nay đã ít hơn, nhưng trước đây, khi mà chúng ta còn chưa thực sự có nhiều kiến thức, thì không phải là hiếm. Giống như nhiều ngành khác, khoa học phải tránh những lập luận dựa vào thẩm quyền bằng cách tích cực chống lại nó, luôn luôn đặt câu hỏi trước mọi thông tin mới để tránh những vụ việc tương tự như vụ bê bối trong ngành giải phẫu thần kinh vào những năm 1940. Mặc dù vậy, thói lập luận này vẫn len lỏi khắp nơi. Cho dù là ở trong nhà thờ hay trong cơ quan lập pháp, trong vườn thực vật hay công ty kinh doanh, những người có uy tín lớn có thể gây ra thiệt hại nặng nề nếu không ai dám đứng lên và đặt câu hỏi về thẩm quyền của họ.

Bạn thường ngưỡng mộ những người có quyền lực như thể họ có phẩm chất gì đó mà bạn thiếu, thứ gì đó mà bạn cũng muốn bản thân mình sở hữu. Vậy nên có những người đi theo cùng một tôn giáo kỳ quái, hay từ bỏ niềm tin vào y học giống như thần tượng của họ.

Nếu bạn cảm thấy thông tin nào đó đáng tin hơn đơn giản vì nó được đưa ra bởi một người có uy tín lớn, bởi nó được nhiều người chấp nhận, hay là nó xuất phát từ một nguồn có lịch sử lâu đời, thì bạn đang bị ảnh hưởng bởi lập luận dựa vào thẩm quyền. Nếu một vấn đề còn gây tranh cãi, thì nghĩa là nhiều chuyên gia có quan điểm khác nhau về vấn đề đó. Lúc này bạn nên tự đưa ra kết luận cho bản thân, dựa trên những bằng chứng khách quan, chứ không phải là phụ thuộc vào uy tín của người nói. Mặt khác, nếu có sự đồng thuận cao trong cộng đồng chuyên gia, thì bạn có thể yên tâm mà giảm bớt những hoài nghi của mình. Nhưng đừng bỏ hết hoàn toàn.

Nếu một ngồi sao bóng rổ khuyên bạn mua pin của hãng nào đó, hãy tự hỏi mình xem liệu anh ta có phải là chuyên gia trong lĩnh vực thiết bị lưu trữ năng lượng hóa điện không trước khi nghe theo nhé.

Lập luận từ sự

thiếu hiểu biết

Khi không thể giải thích được điều gì đó, bạn sẽ tập trung vào những điều mà bạn có thể chứng minh.

Là khi không chắc về điều gì đó, bạn có xu hướng chấp nhận những lời giải thích kỳ lạ.

Nghĩ về thế giới tự nhiên và nhận ra còn biết bao điều mình chưa biết có thể khiến trái tim bạn ngập tràn một cảm giác thỏa mãn kỳ lạ.

Làm sao một cây sồi to lớn có thể lớn lên từ một hạt giống nhỏ xíu? Làm thế nào mà những con sông lại tạo nên được những vực hẻm hùng vĩ? Tại sao vũ trụ lại có thể khởi đầu từ một điểm tí hon để rồi bùng nổ thành tất cả những năng lượng và vật chất quanh ta? Tại sao lại có những lúc bạn đang định bâm máy gọi cho ai đó thì cũng vừa lúc điện thoại đổ chuông, người đó ở đầu dây bên kỉa nốl rằng họ cũng đang nhớ về bạn?

Rất dễ để bị rơi vào những suy nghĩ mơ hồ, huyền bí khi bạn đem so sánh vốn kiến thức của mình với đại dương của những điều bí ẩn. Nếu bạn không được cập nhật về những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất, bạn có thể đặt ý niệm về những hạt giống tí hon lớn thành những cây khổng lồ vào vùng trời chưa được khám phá. Bạn có thể đã gặp những người như vậy rồi, những người cho rằng cách nam châm hoạt động, hay là sự tồn tại của Stonehenge là những điều bí ẩn không thể giải thích. Họ coi chúng là phép màu, hoặc tin rằng việc giải thích chúng nằm ngoài khả năng của hiểu biết con người. Thật là một cảm giác tuyệt vời khi bị kích thích bởi vẻ đẹp không thể cưỡng lại của thiên nhiên và sự khéo léo của người cổ đại. Việc suy nghĩ về những điều bí ẩn đem lại một cảm giác dễ chịu.

Vấn đề duy nhất với thứ cảm xúc này là khoa học đã giải thích được rất nhiều bí ẩn của cuộc sống, cả bên trong lẫn bên ngoài tâm trí bạn. Đây thực sự là tin buồn cho người hâm mộ những chương trình truyền hình như Unsolved Mysteries, Ripley’s Believe it or Not hoặc In Search Of. Ngược lại thì gần đây, những chương trình như Ghost Hunters và The Unexplained được người xem đánh giá cao vì nói về những điều ma quái vốn đã bị khoa học làm cho mất đi vẻ kỳ bí.

Ngoài ra, những đạo cụ thần bí như quả cầu pha lê hay là thanh cảm xạ lợi dụng xu hướng tìm kiếm sự trùng lặp của bạn. Một cách tự nhiên, bạn luôn suy nghĩ theo hướng đi tìm nguyên nhân và kết quả. Nhưng khi nguyên nhân không rõ ràng, bạn sẽ thường mắc phải lỗi ngụy biện trong suy luận; đó là cho rằng mọi khả năng đều có trọng lượng như nhau.

Bước vào một căn nhà cổ và bạn có một cảm giác kỳ lạ – liệu có phải do căn nhà bị ma ám? Những tiếng kẽo kẹt của sàn gỗ và những tiếng động từ dưới hầm có phải là thông điệp của những linh hồn? Ánh sáng kỳ dị từ trên cao – đó có phải là người ngoài hành tinh đang chuẩn bị bắt cóc những người nông dân vô tư, chẳng mảy may nghi ngờ? Những dấu vết trong rừng có phải là của người khổng lồ chân to vốn thân thiện nhưng bị hiểu nhầm?

Hầu hết những thứ được cộp mác hiện tượng siêu nhiên kỳ bí đều là hậu quả của việc con người rơi vào lối lập luận từ sự thiếu hiểu biết (argument from ignorance), hay argumentum ad ignorantiam, nếu bạn muốn dùng tiếng latin cho có vẻ học thức hơn. Nói một cách đơn giản, đó là lúc bạn quyết định một thứ gì đó đúng hoặc sai bởi vì bạn không thể tìm được bằng chứng chứng minh luận điểm ngược lại. Bạn không biết sự thật là gì, và cho rằng bất kỳ lời giải thích nào cũng có thể sử dụng được. Có thể tia sáng trên cao đó phát ra từ tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh, nhưng cũng có thể là không phải. Bạn không biết, nên bạn cho rằng khả năng nó đến từ phi thuyền của những vị khách tới từ dải ngân hà khác cũng ngang với khả năng đó là ánh đèn của một chiếc trực thăng ở xa.

Bạn không thể bác bỏ điều mà bạn không biết. Lối lập luận từ sự thiếu hiểu biết khiến bạn cảm thấy rằng khả năng nào đó có thể xảy ra bởi vì bạn không thể phản bác nó. Bạn đang cầm cuốn sách này trong tay, nhưng bạn chẳng thể chắc chắn được là khi bạn đặt nó xuống và đi ra khỏi phòng, nó sẽ không sống dậy như một con quái vật và ăn hết đám bụi tích tụ bấy lâu nay. Mặc dù vậy, bạn thấy cũng không cần thiết phải khóa cuốn sách này lại mỗi khi đêm về để tránh khả năng nó lớn mạnh tới mức có thể ăn thịt bạn. Chỉ bởi vì bạn không thể bác bỏ khả năng cuốn sách là một con quái vật khát máu, không có nghĩa khả năng điều đó là thật sẽ tăng lên. Về sự tồn tại của yêu tinh lùn và kỳ lân, ma cà rồng hay quái thú hồ Loch Ness cũng vậy. Khả năng để những thứ này là có thật không hề tăng lên chỉ vì bạn không thể chứng minh rằng chúng không tồn tại.

Việc thiếu bằng chứng không thể xác minh hay bác bỏ một lập luận. Liệu sự sống có tồn tại trên hành tinh khác? Chúng ta không thể khẳng định là có hay không chỉ vì bằng chứng chưa được tìm thấy. Không cần biết bạn cảm thấy thế nào về câu hỏi, bạn sẽ sai hoàn toàn nếu cho rằng việc thiếu bằng chứng là đủ để đi đến kết luận. Nhưng đồng thời, bạn cũng không thể quá cởi mở trong tư tưởng mà không bận tâm đến bằng chứng. Liệu có phải Michael Jackson tới từ tương lai để dạy cho nhân loại điệu nhảy moonwalk? Bạn không thể thực sự chứng minh rằng điều đó là hư cấu, nhưng cũng có đủ bằng chứng cho thấy rằng ông ấy là một ca sĩ sinh năm 1958, chứ không phải là một người tới từ năm 3022.

Một số người cho rằng nạn tàn sát người Do Thái không hề xảy ra, hoặc là loài người chưa bao giờ đặt chân lên Mặt Trăng, nhưng đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy cả hai sự kiện này đều là thật. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi từ chối việc chấp nhận những sự thật này thường yêu cầu phải có thêm bằng chứng trước khi thay đổi quan điểm. Nhưng dù cho có thêm đến bao nhiêu bằng chứng nữa cũng là không đủ. Chỉ cần có một sự nghi ngờ nhỏ nhất là đã đủ để họ tiếp tục lập luận từ sự thiếu hiểu biết.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3