Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 25
Sự chú ý
Bạn nhìn thấy hết mọi thứ diễn ra trước mắt, thu thập mọi thông tin như một chiếc máy ảnh vậy.
Bạn chỉ có khả năng nhận biết được một phần rất nhỏ trong toàn bộ lượng thông tin mà mắt thu vào. Trong đó, phần được lý trí xử lý và lưu vào bộ nhớ thì còn ít hơn nữa.
Hãy nhớ lại lần cuối bạn nói chuyện với ai đó trong một bữa tiệc đông người, hay là trong một câu lạc bộ đêm. Một anh chàng trong góc đang nhảy điệu running man⦾, một cô gái đang lắc hông, uốn éo, tiếng nhạc techno rẻ tiền xập xình – tất cả những thứ này đều chìm vào phông nền khi bạn cố gắng căng tai nghe người đối diện kể chuyện và tưởng tượng về chuyến đi chơi Ireland của anh ấy. Căn phòng vẫn rất ồn ào, nhưng bên trong đầu bạn thì mọi thứ đã thay đổi. Khi bạn tập trung trí óc vào một thứ nhất định, mọi thứ xung quanh đều chìm vào vùng ngoại biên.
Trong những bộ phim khoa học giả tưởng như Minority Report hay Strange Days, ký ức của các nhân vật trong phim được tua lại như những đoạn phim ngắn. Những đoạn ký ức này được máy quay quay từ mọi góc độ, thu lại toàn bộ hoạt động, cảm xúc của tất cả các nhân vật. Tuy nhiên đây lại không phải là cách bạn nhìn và ghi nhớ trong đời thực. Đối với âm thanh thì bạn luôn lọc ra những tạp âm không quan trọng. Dù là ở chỗ làm, trong thành phố, hay khi xem TV, bạn luôn vô thức vặn nhỏ âm lượng của những thứ mà bạn không quan tâm. Khi bạn tách giọng của một người ra khỏi đám đông, mọi thứ xung quanh không chỉ bị vặn nhỏ; hầu hết chúng còn lướt qua tâm trí bạn mà không đọng lại chút nào trong bộ nhớ. Khi nói tới âm thanh, bạn dễ dàng chấp nhận điều này. Thế nhưng bạn lại khó lòng tin rằng điều tương tự cũng xảy ra với những thông tin thu thập từ thị giác. Những thứ thu hút sự chú ý của bạn tạo nên những khung cảnh luôn thay đổi trong tâm trí. Mọi thứ khác đều sẽ bị mờ đi, hoặc biến mất hoàn toàn.
Mọi việc không chỉ dừng lại ở chuyện bạn chỉ nhận biết được thứ mà bạn đang để mắt tới, qua một khoảng thời gian dài, bạn có thể trở nên quá quen thuộc với một khung cảnh nào đó tới nỗi tất cả mọi thứ đều chìm vào hậu cảnh. Mấy cái chìa khóa chết tiệt đó ở đâu rồi chứ? Bạn vừa mới để chúng ở đây mà. Thôi xong, bạn sắp muộn giờ rồi. Làm sao bạn lại có thể mất chìa khóa ngay trong nhà của mình cơ chứ? Dám cá là không chỉ có chìa khóa – đã có vô số lần bạn tưởng rằng mình làm mất ví, túi xách, điện thoại, hay bất kỳ thứ gì khác, và rồi tìm thấy chúng đang ngồi chễm chệ ngay trước mặt rồi chứ gì. Bạn vừa mới triển khai một chiến dịch đào vàng tìm kho báu ngay trong phòng mình, và giờ thì tự hỏi tại sao có những lúc chỉ số IQ của bản thân lại có thể tụt xuống tận 30 điểm như vậy.
Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng bỏ lỡ thông tin cho dù chúng đang hiển hiện ngay trước mặt là chứng mù do thiếu chú ý (inattentional blindness). Bạn có thể tự tin rằng mắt mình nhìn thấy và bộ nhớ ghi lại mọi thứ ở trước mặt. Sự thật là trong mỗi khoảnh khắc, bạn chỉ có thể nhìn thấy một phần rất nhỏ trong môi trường xung quanh. Sự tập trung của bạn giống như một chiếc đèn pha vậy, nó chỉ có thể rọi sáng một phần nhỏ trong toàn bộ tầm nhìn của bạn.
Nhà tâm lý học Daniel Simons và Christopher Chabris đã chứng minh điều này vào năm 1999. Họ chia sinh viên thành hai nhóm để chơi chuyền bóng. Một nửa mặc áo trắng, nửa còn lại mặc áo đen. Simons và Chabris đã ghi hình lại và cho những đối tượng tham gia thí nghiệm xem. Trước đó thì những người này được yêu cầu phải đếm số lần bóng được chuyền giữa những sinh viên mặc áo trắng. Nếu muốn thì bạn có thể thử tự đếm bằng cách truy cập vào trang www.theinvisiblegorilla.com, họ đã tải video đó lên mạng rồi. Thật đấy, bạn nên thử ngay trước khi đọc tiếp nếu không muốn bị tôi phá hỏng trải nghiệm đặc biệt có được từ thí nghiệm này. Quay trở lại với thí nghiệm năm 1999, hầu hết những người tham gia đều không hề gặp khó khăn bởi họ đã tập trung hết sức – gần như chẳng ai buồn chớp mắt – và chăm chú đếm từng lần chuyền bóng. Tiếp theo, các nhà khoa học hỏi họ là có nhận ra điều gì bất thường trong đoạn phim vừa xem không. Hầu hết đều trả lời là không có gì đặc biệt. Điều mà những người tham gia đã không nhìn ra là một người phụ nữ mặc bộ đồ tinh tinh đã bước vào khung hình ngay giữa lúc các sinh viên vẫn đang chuyền bóng cho nhau, vẫy tay chào khán giả trước khi từ tốn bước ra ngoài. Khi được yêu cầu miêu tả lại những điều mà họ vừa xem trong đoạn phim, họ đều có thể chỉ ra được phần hậu cảnh, đặc điểm chung của những người chơi, độ gay cấn của những pha chuyền bóng, nhưng khoảng một nửa đã không nhận ra sự xuất hiện của con tinh tinh.
Simons và Chabris đã chứng minh rằng tầm nhìn qua đường hầm⦾ là một sự thật của cuộc sống – thậm chí nó còn là chế độ cài đặt ban đầu của bạn. Trong công trình nghiên cứu của mình, họ đã chỉ ra rằng việc lướt qua và không nhận ra người quen trong rạp chiếu phim khi đang tìm chỗ ngồi, hay việc không nhận ra ai đó vừa có kiểu tóc mới là rất dễ xảy ra. Sự nhận thức của bạn được xây dựng nên từ thứ mà bạn tập trung chú ý. Trong thí nghiệm với con tinh tinh trong đoạn phim, khả năng nhìn ra điểm kỳ lạ sẽ cao hơn nếu những người tham gia chỉ xem một cách bình thường mà không trông đợi điều gì đặc biệt. Tầm nhìn của bạn bị thu hẹp iạị khi bạn phải tập trung, nhưng điều này không có nghĩa là nó sẽ mở rộng ra khi bạn thư giãn. Bạn có xu hướng bỏ qua những thứ ở hậu cảnh hoặc nghĩ về những thứ khác. Khi bạn bước vào kho và tự hỏi mình đang làm gì ở đó, bạn đứng một chỗ, chớp mắt như kẻ mộng du vừa bị đánh thức. Trên nhiều khía cạnh, đó chính là trạng thái bạn gặp phải khi sự tập trung của bạn bị phá vỡ.
Vấn đề với chứng mù do thiếu chú ý không phải là nó xảy ra thường xuyên, mà là bạn không tin rằng nó tồn tại. Thay vào đó bạn tin rằng bạn có khả năng nhìn được cả thế giới. Trong bất kỳ trường hợp nào có nhân chứng hay việc tập trung quan sát là điểm mấu chốt, xu hướng tin rằng mình có góc nhìn, nhận thức và khả năng gợi lại ký ức hoàn hảo sẽ dẫn tới những sai lầm trong việc đánh giá chính bản thân tâm trí bạn cũng như tâm trí của những người khác. Mắt người không phải là máy quay phim, và ký ức cũng chẳng phải là những thước phim.
Anh em sinh đôi với chứng mù do thiếu chú ý là chứng mù trước sự thay đổi (change blindness). Bộ não không thể theo kịp lượng thông tin khổng lồ thu được từ mắt bạn, và bởi vậy mọi trải nghiệm của bạn luôn được tự động tối giản hóa. Mù trước sự thay đổi có nghĩa là bạn không thể nhận ra ngay cả khi những thứ xung quanh bạn đã bị thay đổi và trở nên khác biệt rõ rệt so với một tích tắc trước. Thực tế mà bạn đang cảm nhận thực ra lại là một trải nghiệm ảo được bộ não tạo ra dựa trên những thông tin đến từ các giác quan.
Bạn không nhận được luồng thông tin thô, mà thay vào đó là phiên bản đã được biên tập.
Trong một thí nghiệm khác cũng của Simons và Chabris, các đối tượng tham gia đã phải gặp một người đàn ông để ký vào biên bản hợp tác trước khi bước vào phòng mà họ tưởng là nơi làm thí nghiệm. Người đàn ông đó đứng sau một chiếc bàn cao giống như ở quầy tiếp tân khách sạn. Sau khi những người tham gia ký xong, anh ta cầm lấy tờ đó và cúi xuống sau bàn để cất đi. Lúc này một người đàn ông khác sẽ đứng dậy và đưa cho người tham gia tập thông tin hướng dẫn. 75% số người tham gia đã không nhận ra đó là một người hoàn toàn khác. Họ không gặp chút vấn đề gì khi nhớ lại các đặc điểm của căn phòng và bản thân sự tương tác với lễ tân, nhưng nhân thân của anh ta lại chỉ là một dấu ấn thoáng qua. Bộ não của họ đã ghi lại rằng đó là một người đàn ông da trắng, trẻ tuổi, và hết. Sự chú ý của họ không tập trung vào bản thân người lễ tân đó nên ký ức về anh ta rất mập mờ. Và việc người khác vào thế chỗ của anh ta cũng không hề đánh động họ.
Với một thí nghiệm khác nữa, Simons và Chabris đã cho trình chiếu một cuộc hội thoại trên bàn ăn giữa hai diễn viên. Đoạn phim ngắn này được quay ở hai góc khác nhau, khi diễn viên nào nói thì máy sẽ quay trực diện người đó. Những góc quay này được thay đổi liên tục, và mỗi lần như vậy, sẽ có những điểm nhỏ trong bối cảnh bị thay đổi. Màu của chiếc đĩa đổi từ trắng thành đỏ, đồ ăn hiện ra và biến mất, và ngay cả quần áo họ mặc cũng thay đổi giữa mỗi phân cảnh. Khi được hỏi là họ có nhận thấy điều gì lạ không, hầu hết những người xem đều lắc đầu. Khi những người làm thí nghiệm yêu cầu họ xem lại và nói trước rằng sẽ có những điểm bị thay đổi, trung bình chỉ có 2 trong số 9 sự thay đổi bị phát hiện. Khi thực hiện lại thí nghiệm này với một diễn viên nghe thấy chuông điện thoại kêu nhưng người trả lời ở khung cảnh tiếp theo lại là người khác, cũng chỉ có 33% số người xem nhận ra sự hoán đổi này.
Các nhà ảo thuật gia có thể tác nghiệp cũng là nhờ hiện tượng này. Chỉ cần đánh lạc hướng một chút là có thể giấu đi những thay đổi trong tầm nhìn của bạn. Bạn tin rằng khi có gì đó bất thường xảy ra thì tay bảo vệ trong não bạn sẽ giật mình tới mức sặc cà phê và gọi ngay sếp tổng đến. Nhưng mà thực tế là chẳng có nhân viên bảo vệ hay sếp tổng nào cả. Cánh ảo thuật gia biết rõ rằng bộ não không đơn thuần chỉ là một trung tâm thu nhận tín hiệu bị động từ hai con mắt. Ngược lại, chính bộ não có vai trò quyết định xem đâu mới là điểm cần chú ý. Khi bạn vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại, bạn đã bỏ lỡ bao nhiêu phần thông tin? Các nghiên cứu cho thấy bạn có thể vẫn mở to mắt mà lại không hề nhìn thấy chiếc xe hơi, xe máy, hay con hươu sắp băng qua lối bạn đi.
Vào khoảng cuối những năm 1970, Richard Haines tại NASA đã thử nghiệm loại màn hình trong suốt trên máy bay dân dụng. Công trình nghiên cứu của ông cho thấy rằng những thứ không lường trước có thể sẽ chẳng hề khiến bạn chú ý, ngay cả khi bạn đang ở trạng thái cảnh giác cao độ. Màn hình trong suốt là màn hình hiển thị các thông tin cần thiết ở khoảng không ngay giữa phi công và kính lái. Mục đích của nó là giúp phi công luôn nhìn về phía trước thay vì tập trung chú ý tới bảng điều khiển trong buồng lái. Khi cho thử nghiệm hệ thống hiển thị mới này trong một buồng giả lập với nhiệm vụ hạ cánh, Haines đã nhận thấy tốc độ phản ứng của phi công trở nên chậm hơn. Thậm chí nhiều người còn không nhận ra có một chiếc máy bay khác trên đường băng. Các phi công đã chú ý tới công nghệ mới tới nỗi họ không nhìn thấy một thứ vốn rất khó có thể bỏ qua. Vậy là công nghệ vốn được thiết kế để hỗ trợ họ lại có tác dụng tiêu cực. Bạn càng chú ý tập trung vào một thứ gì đó thì bạn càng ít cảnh giác với những điều khác thường, và điều đó khiến bạn khó nhìn thấy chúng hơn, thậm chí là trong những tình huống liên quan tới mạng sống của nhiều người.
Một chi tiết kỳ lạ đã được phát hiện nhờ nghiên cứu của Richard Nisbett và Hanna-Faye Chua tại Đại học Michigan vào năm 2005. Trong thí nghiệm của mình, họ đã cho những người lớn lên dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và văn hóa Đông Á xem những bức ảnh chụp một vật thể với hậu cảnh thú vị. Khi theo dõi chuyển động mắt của các đối tượng, họ phát hiện ra rằng những người thuộc văn hóa phương Tây có xu hướng tập trung ngay vào chủ thể và bỏ qua phần hậu cảnh, trong khi đó người châu Á lại thường quan sát mọi thứ. Nếu là bức hình của một chiếc máy bay bay qua rặng núi, con mắt người phương Tây sẽ nhanh chóng nhìn vào chiếc máy bay và tập trung quan sát nó. Một thí nghiệm tương tự cũng đã được thực hiện tại Đại học Alberta. Trong thí nghiệm này, người phương Tây và người Nhật được xem đoạn phim hoạt hình với 1 nhân vật ở tiền cảnh và 4 nhân vật ở hậu cảnh. Kết quả cho thấy người Nhật bỏ ra tới 15% thời gian để quan sát các nhân vật phụ, trong khi người phương Tây chỉ bỏ ra 5%. Những nghiên cứu về sự khác biệt trong xu hướng nhận thức giữa các nền văn hóa khác nhau là rất mới, nhưng những kết quả ban đầu cho thấy văn hóa phương Tây ít để tâm chú ý tới bối cảnh mà quan tâm nhiều tới chủ thể ở trung tâm của sự chú ý. Bởi vì vậy, có thể người phương Tây sẽ dễ bị mắc phải cả hai chứng mù do thiếu chú ý và mù trước sự thay đổi hơn so với người phương Đông.
Thế giới thực tại bên ngoài hoàn toàn khác với những điều diễn ra trong đầu bạn. Những luồng thông tin chảy vào ý thức từ các giác quan không chỉ bị giới hạn bởi sự chú ý, mà còn bị biên tập trước khi chúng tới nơi. Một khi đã tới đó, chúng lại được nhào nặn với những ý nghĩ và quan niệm có sẵn như thể các màu sơn trộn lẫn vào nhau. Điều mà bạn đang cảm thấy ngay tại thời điểm đó, nền văn hóa mà bạn chịu ảnh hưởng, nhiệm vụ đang phải hoàn thành, sự hỗn độn của công nghệ và xã hội – tất cả những điều này đều vào cuộc để tạo ra một cốc sinh tố nhiều màu của thế giới xung quanh. Chỉ một phần nhỏ của cốc sinh tố đó có thể thẩm thấu vào tâm trí bạn. Và mặc dù vậy, bánh xe lớn của hoạt động xã hội và sự sáng tạo của nhân loại vẫn quay đều. Bạn vô thức lựa chọn những thứ mà mình muốn tập trung chú ý. Bạn làm vậy nhiều hơn bạn nghĩ, và rồi bạn lại tạo nên những niềm tin mà không màng đến sự lựa chọn vô thức ban đầu.
Đây là điều vốn không thể thay đổi được, và bạn chỉ có thể cố gắng lựa chọn điểm nhìn sao cho thật đúng đắn. Đừng quá tin tưởng vào các giác quan của mình khi bạn đang đeo tai nghe để nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe, hay lúc bạn đang đắm mình vào một cuốn sách tại nơi công cộng. Không có gì đảm bảo những sự kiện bất ngờ có thể kéo bạn trở lại với thực tại đâu.