Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 26

Sự tự chấp

Trong mọi việc, bạn luôn cố gắng để đạt được thành công.

Bạn thường tạo ra những điều kiện cho sự thất bại để tự bảo vệ cái tôi của mình.

Chắc bạn có quen một ai đó lúc nào cũng ở trong tình trạng ốm yếu. Thậm chí đó có thể chính là bạn. Nhưng thôi, cứ cho là không phải đi. Người mắc phải chứng nghỉ bệnh, luôn luôn phàn nàn rằng mình đang bị cảm, sốt, bị đau bụng hoặc là đau lưng. Những người có thói quen tự cho rằng mình không khỏe nhận được một vài lợi ích nhất định. Một người mắc chứng nghỉ bệnh luôn nhận lấy sự thông cảm như một bông hoa hấp thu ánh nắng mặt trời; thế nhưng lợi ích thực sự sẽ đến vào lúc cuộc sống của họ vấp phải những khó khăn. Khi một dự án hay một nhiệm vụ có vẻ quá tải, những người nghỉ bệnh luôn có thể vừa hay bị ốm vừa tránh khỏi thất bại.

Giống như hầu hết những hành vi khác thường, chứng nghỉ bệnh là một phiên bản thái quá của những thứ mà ai cũng thi thoảng nghĩ và cảm nhận. Ai cũng có lúc chán nản, cũng như ai cũng có lúc ám ảnh với việc lau dọn mọi thứ xung quanh. Những cơn trầm cảm lớn, hay hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế⦾ phóng đại những xu hướng hành vi này lên thành phiên bản cực đoan khó kiểm soát. Bạn cũng có xu hướng tạo ra những lý do bào chữa cho thất bại giống như người mắc chứng nghỉ bệnh, chỉ là họ ở mức độ cực đoan hơn mà thôi.

Sẽ có lúc bạn phải đối mặt với những công việc hay dự án to lớn và khó khăn tới nỗi bạn tự đặt câu hỏi về khả năng thành công của mình. Đó có thể là những dự án hoành tráng như viết một cuốn sách, hay là đạo diễn một bộ phim lớn, nhưng cũng có thể chỉ là những việc tẻ nhạt hơn hơn như là vượt qua một kỳ thi cuối kỳ, hay là phát biểu trước lãnh đạo của tổng công ty. Những nghi ngờ sẽ đến với tâm trí bạn một cách tự nhiên bất cứ khi nào nguy cơ thất bại hiện hữu. Đôi khi, nỗi sợ này trở nên quá lớn và bạn sẽ áp dụng một kỹ thuật mà các nhà tâm lý học gọi là sự tự chấp (self-handicapping) để thay đổi trạng thái tâm lý trong tương lai. Sự tự chấp là một cuộc thương lượng với thực tại, một sự thao túng cả nhận thức của bạn lẫn của những người xung quanh một cách vô thức để bảo vệ cái tôi. Giống như con cáo với chùm nho chua, bạn giả bộ như thể không muốn thứ mà bạn chẳng thể có, và ngược lại là quả chanh ngọt⦾, bạn tự thuyết phục mình rằng một thứ gì đó cũng không đến nỗi nào trong khi thực tế là nó rất tệ. Sự tự chấp còn được các nhà tâm lý học gọi là sự hợp lý hóa phòng ngừa (anticipatory rationalization). Sự tự chấp là khoản đầu tư vào một tương lai, nơi mà bạn có thể đổ trách nhiệm cho sự thất bại lên thứ gì khác chứ không phải là khả năng của mình.

Giống như rất nhiều những chủ đề khác trong cuốn sách này, sự tự chấp cũng có chung mục đích là giữ cho cái tôi vô cùng quan trọng của bạn được khỏe mạnh và vững vàng. Nếu bạn luôn có thể đổ lỗi cho những yếu tố ngoại cảnh thay vì năng lực bản thân thì chẳng ai có thể nói rằng bạn thực sự thất bại được, phải không nào?

Sự tự chấp đã được nghiên cứu lần đầu vào năm 1978, bởi hai nhà tâm lý học Steven Berglas và Edward E. Jones. Trong thí nghiệm của mình, họ đã cho sinh viên làm những bài kiểm tra khó và sau đó, không cần biết kết quả thế nào, họ thông báo rằng tất cả đều đạt điểm tối đa. Berglas và Jones đưa ra giả thiết rằng sau khi hình ảnh về bản thân đã được thổi phồng lên, các sinh viên này sẽ bảo vệ cái tôi cá nhân bất cứ khi nào có cơ hội. Khi cho những sinh viên này thực hiện bài kiểm tra tiếp theo, các nhà khoa học đã đưa ra hai lựa chọn, sử dụng thuốc làm giảm hoặc thuốc tăng cường trí não trước khi làm bài. Hầu hết tất cả các sinh viên tham gia đều chọn thuốc làm giảm khả năng hoạt động của trí não. Viên thuốc là giả và không có tác dụng gì cả, nhưng sự lựa chọn của họ là thật. Thí nghiệm này cho thấy khi bạn thành công mà không rõ tại sao, một cách vô thức bạn tự đặt câu hỏi về khả năng thực sự của mình. Và đến khi bài kiểm tra khả năng được tăng độ khó, nỗi sợ thất bại cũng tăng theo. Thay vì tạo dựng một lời bào chữa như một lời nói dối, bạn tạo nên một điều kiện để mở đường cho lời bào chữa trở thành sự thật.

Bạn có thể mặc một bộ quần áo không phù hợp để tới một buổi phỏng vấn việc làm, chọn một nhân vật tệ trong trò Mario Kart, hay là uống rượu thâu đêm vào một tối trong tuần – bạn rất lắm chiêu trong việc tự đặt ra những bối cảnh để dẫn tới sự thất bại trong tương lai. Nếu thành công, bạn có thể nói rằng bạn đã làm thật tốt mặc cho mọi khó khăn cản trở. Còn trong trường hợp việc không thành, bạn lại có thể đổ thừa cho ngoại cảnh thay vì sự yếu kém và thiếu năng lực của bản thân.

Năm 2006, Adam Alter và Joseph Forgas tại Đại học New South Wales đã phát hiện rằng tâm trạng là một chỉ dấu khá chính xác để biết được khi nào bạn chuẩn bị sử dụng tới sự tự chấp; thế nhưng không phải theo cách mà bạn nghĩ đâu. Trong thí nghiệm của mình, họ cho những người tham gia làm bài kiểm tra khả năng phát âm rồi chia họ thành hai nhóm. Một nhóm được báo rằng họ đã làm bài rất tốt, nhóm còn lại thì được báo rằng kết quả của họ rất tệ. Thực chất điểm số trong bài kiểm tra không có nghĩa lý gì, bởi các nhà khoa học chỉ quan tâm tới việc thổi phồng cái tôi của các đối tượng tham gia. Sau khi được mồi hình ảnh tích cực về bản thân vào tiềm thức, những người tham gia được cho xem những đoạn phim có khả năng ảnh hưởng tới tâm trạng của họ. Một nửa được xem phim hài Anh quốc, nửa còn lại xem phim tài liệu về ung thư. Sau khi xem xong, những người này được yêu cầu chọn giữa hai loại nước trà trước khi thực hiện bài kiểm tra tiếp theo. Một loại trà sẽ khiến họ buồn ngủ, loại còn lại sẽ giúp họ tỉnh táo hơn. Đây là thời khắc quan trọng nhất trong cả thí nghiệm: Liệu khả năng thực hiện sự tự chấp của những người đang buồn có cao hơn không? Kết quả cho thấy điều đó là không đúng. Sự thật là những người đang có tâm trạng tốt mới dễ mắc phải sự tự chấp. Cụ thể là có tới 65% số người vừa xem xong phim hài Anh quốc đã chọn loại trà gây buồn ngủ, trong khi chỉ có 34% trong nhóm còn lại chọn loại trà này. Để chắc chắn hơn, hai nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm này nhiều lần với một số yếu tố được thay đổi, và kết luận cuối cùng được đưa ra là bạn càng vui vẻ, phấn chấn thì khả năng bạn sẽ tìm cách để tự lừa dối bản thân và giữ vững lăng kính màu hồng về cuộc đời và về khả năng của chính mình càng cao. Những người đang buồn thì lại có vẻ thành thực với bản thân hơn.

Bản ngã và danh dự là những thứ mà bạn luôn quan tâm. Khi bạn đánh đồng phong độ của mình trong các hoạt động thường nhật với một phần tính cách của bản thân, bạn sẽ dễ thực hiện việc tự chấp hơn. Nhà tâm lý học Philip Zombardo đã phát biểu trên tờ Thời báo New York vào năm 1984 rằng:

“Có những người đặt cược cả danh tính của mình lên tùng hành động. Họ tỏ thái độ như thể ‘nếu bạn chỉ trích bất kỵ điều gì tôi làm thì nghĩa là bạn đang chỉ trích chính tôi.’ Sự vị kỷ này khiến cho họ không thể mạo hiểm thất bại dù chỉ một lần bởi đó sẽ là một đòn mạnh giáng xuống cái tôi của họ.”

Các nghiên cứu về đề tài này đều cho thấy rằng đàn ông thường có xu hướng thực hiện tự chấp cao hơn so với phụ nữ. Nguyên nhân vẫn chưa được giải thích thấu đáo. Có thể là do đàn ông phải chịu nhiều áp lực từ xã hội hơn trong việc chứng tỏ mình là một người có khả năng, hoặc là bởi đấng mày râu có xu hướng liên hệ những công việc ngoại vi với cảm quan về giá trị bản thân nhiều hơn. Lý do thực sự vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhưng xu hướng này là có thật: Đàn ông sử dụng sự tự chấp để đối chọi với nỗi sợ thất bại nhiều hơn phụ nữ.

Cứ mỗi khi bạn bước chân vào một lĩnh vực mới và khả năng thất bại hiển hiện trước mắt, mức độ lo lắng của bạn có thể giảm xuống đáng kể nếu bạn tìm được những cách mới để đổ lỗi cho những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Lần tới, khi bạn đứng trước một thử thách, hãy nhớ rằng bạn không thông minh lắm đâu và tốt nhất là nên chuẩn bị tinh thần từ bây giờ đi.

Những lời tiên tri

tự hoàn thành

Tương lai chịu tác động của những thế lực ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Chỉ có niềm tin là có thể khiến một sự kiện trong tương lai thực sự xảy ra, nếu sự kiện đó phụ thuộc vào hành vi của con người.

Những lời tiên tri tự hoàn thành (self-fulling profecies) là một khái niệm đã xuất hiện từ thời cổ chí kim trong những truyện dân gian và cổ tích trong tất cả các nền văn minh nhân loại, nhưng nó lại không phải là một điều giả tưởng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra bạn rất dễ rơi vào cái bẫy của hiện tượng này, bởi bạn luôn tìm cách dự đoán trước hành vi của những người khác. Tương lai là hệ quả của các hành động, và các hành động là hệ quả của hành vi, còn hành vi thì lại là hệ quả của những dự đoán về tương lai. Đây được gọi là định luật Thomas. Năm 1928, nhà xã hội học W. I. Thomas đã đưa ra định đề sau:

“Nếu người ta cho rằng một tình huống là thật và hành động dựa trên ‘sự thật’ đó, thì đến cuối cùng, nó sẽ trở thành thật.”

Thomas nhận thấy rằng khi cố gắng tiên lượng trước tương lai, con người thường tạo ra rất nhiều những giả định về hiện tại. Nếu những giả định này đủ mạnh, các hành động kéo theo sẽ dẫn tới tương lai đã được tiên lượng trước.

Ví dụ dễ thấy nhất của hiện tượng này là lời đồn đoán về sự thiếu hụt của một mặt hàng nào đó. Nếu bạn tin rằng một vụ khủng hoảng kem đánh răng sắp sửa xảy ra, bạn sẽ chạy ngay ra cửa hàng và mua một ít về tích trữ – giống như tất cả những người khác. Và cứ thế, nhà nhà đi mua, người người đi mua, cuối cùng, vụ thiếu hụt kem đánh răng cũng sẽ xảy ra thật.

Nhà xã hội học Robert K. Merton đã đưa ra khái niệm về lời tiên tri tự hoàn thành vào năm 1968. Theo định nghĩa của ông thì hiện tượng này luôn bắt đầu bằng một đánh giá sai lầm về thực trạng hiện tại. Những hành vi tiếp nối sẽ dựa trên niềm tin rằng đánh giá đó là đúng, và một khi có đủ số người hành động trên cùng nguyên lý, thì giả định sai có thể trở thành hiện thực. Một điều vốn là sai sau đó trở thành đúng, và trong nhận thức của mọi người sau này thì nó vẫn luôn là sự thật.

Khởi nguồn sức mạnh của những lời tiên tri tự hoàn thành nàm ở cách xã hội định nghĩa về thực tại, và hầu hết mọi thứ trong cuộc sống bạn đều được định nghĩa bởi xã hội chứ không phải thông qua logic. Một thứ có thể được định giá bằng logic, ví dụ như doanh số album bán ra của nhóm Foghat, thì luôn có thể cân đo đong đếm được. Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng nhạc của Foghat, hay về việc họ có xứng đáng được chơi trong giờ nghỉ giữa hiệp của trận Super Bowl⦾ hay không, thì lại được quyết định bởi các nhân tố xã hội. Nếu một đánh giá của nhiều người được chuyển hóa thành hành động, chính sách, hay niềm tin thì đánh giá đó rất có thể trở thành hiện thực. Đơn giản chỉ vì có quá nhiều thứ trong cuộc sống bị chi phối bởi hành vi con người. Liệu nước đóng chai có tốt hơn nước lấy từ vòi? Chăn của Snuggie có tốt hơn các loại chăn khác? Liệu những bộ đồ leisure suit⦾ có thể hiện phong cách thời trang đỉnh cao? Liệu Inception có phải là bộ phim tuyệt vời nhất trên đời? Bởi vì những quan điểm này không thể được phân tích một cách khoa học, chúng có thể hoán đổi vị trí từ đúng thành sai rồi thành có thể; vòng luẩn quẩn này cứ tiếp tục bởi vì chúng do xã hội định nghĩa. Chúng phụ thuộc vào những cảm tính chủ quan và niềm tin bấp bênh của tập thể. Mong muốn đồng thuận của xã hội tại thời điểm nhất định có thể tạo nên cả một thực tại riêng, tách ra khỏi thực tại của những thứ có thể xác định rõ ràng như nguyệt thực hay là bán kính hình tròn. Bạn ngụp lặn trong đại dương của những ý kiến xã hội và xu hướng tâm lý; chúng tồn tại cả ở văn hóa cổ xưa lẫn văn hóa đại chúng. Khi những quan niệm, tư tưởng này trở thành niềm tin, rồi sau đó niềm tin tạo ra hành động, những yếu tố logic và có thể đong đếm được trong thực tế cũng sẽ bị biến đổi theo.

Năn 1995, hai nhà tâm lý học Claude Steel và Joshua Aronson đã thực hiện một nghiên cứu, trong đó họ cho những người Mỹ da trắng và da màu làm bài kiểm tra GRE⦾. Đây là một bài kiểm tra tiêu chuẩn được sử dụng bởi nhiều trường Đại học để xác định trình độ của ứng viên xem họ có đủ tiêu chuẩn không. Vốn là một bài kiểm tra khó và yêu cầu lượng kiến thức lớn, GRE là nguồn gốc của nỗi lo lắng ám ảnh rất nhiều người trong những sảnh đường Đại học. Steel và Aronson đã nói với một nửa số người tham gia rằng họ sẽ đánh giá cả độ thông minh nữa. Họ cho rằng với những những người đó, độ căng thẳng sẽ vì thế mà tăng cao hơn. Khi nhận được kết quả, chất lượng bài thi của các sinh viên da trắng gần như không thay đổi giữa hai nhóm. Tuy nhiên, với những sinh viên da màu thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Vốn đã bị điều kiện hóa bởi một khuôn mẫu lạc hậu, họ thực hiện bài thi kém hơn khi tin rằng nó sẽ phơi bày trí thông minh thực sự của họ. Theo như kết luận của Steel và Aronson, sự kỳ thị xã hội đối với những Mỹ gốc Phi đã tác động lên tư tưởng của họ. Trong khi nỗ lực phá bỏ khuôn mẫu vẻ bản thân, họ đã có những suy nghĩ vẩn vơ và chính chúng đã làm họ sao nhãng trong khi đáng ra phải tập trung giải những câu hỏi hay bài toán trước mặt. Những sinh viên da trắng, vốn chẳng bao giờ phải trải nghiệm nỗi sợ này, đã có không gian tâm trí rộng rãi hơn để tập trung giải bài. Thí nghiệm dạng này đã được lặp lại với sự thay đổi về giới tính, quốc tịch, và đủ các loại điều kiện khác nữa. Các nhà tâm lý học gọi đây là mối đe dọa từ khuôn mẫu (stereotype threat). Khi bạn sợ rằng hành động sắp tới của mình sẽ xác nhận một khuôn mẫu tiêu cực về bản thân, nó có thể trở thành một lời tiên tri tự hoàn thành, không phải bởi vì khuôn mẫu đó đúng, mà bởi bạn không thể ngừng lo lắng rằng mình sẽ trở thành ví dụ chứng minh cho nó.

Những lời tiên tri tự hoàn thành này về bản chất chỉ là vấn đề nhận thức, và bởi vậy chúng rất dễ loại trừ. Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Steele đã đánh giá khả năng toán học của nam và nữ. Khi những bài toán ở mức đơn giản, các đối tượng ở cả hai giới có phong độ tương đương nhau. Tuy nhiên khi bài kiểm tra trở nên khó hơn, điểm số của các đối tượng nữ giảm rõ rệt so với nam giới. Steele cho thực hiện lại thí nghiệm trên, nhưng ở lần này, trước khi phát đề, những người tham gia được phổ biến rằng kết quả bài kiểm tra thường tương đương nhau dù người làm đề có là đàn ông hay phụ nữ. Và kết quả của phái nữ đã không còn thấp như lần trước, họ đã giải bài tốt ngang ngửa với cánh mày râu. Sức mạnh của khuôn mẫu phụ nữ kém toán hơn đàn ông đã bị triệt tiêu hoàn toàn.

Trong tâm lý học xã hội, những lời tiên tri tự hoàn thành có một phiên bản mang tên lý thuyết gắn mác (labeling theory). Theo như thuyết này thì khi ai đó tin rằng bạn thuộc một tuýp người nhất định, bạn sẽ có xu hướng hành xử sao cho khớp với suy nghĩ và mong đợi của người đó. Nếu thầy cô của bạn tin rằng bạn thông minh, họ sẽ đối xử với bạn như một người có khả năng. Bạn cảm thấy mình nhận được nhiều sự quan tâm và tôn trọng, từ đó bạn có động lực hơn, bỏ ra nhiều nỗ lực hơn. Vòng quay phản hồi tích cực cứ thế lặp lại dẫn đến việc bạn thực sự trở thành con người khớp với cái mác họ dán lên bạn từ đầu. Trong một thí nghiệm do William Crano và Phyllis Mellon thực hiện vào năm 1978, vài học sinh tiểu học đã được chọn một cách ngẫu nhiên từ một lớp. Thầy cô của các học sinh này được cho biết rằng chúng là những đứa trẻ có IQ rất cao và có khả năng là thần đồng. Bài kiểm tra IQ tất nhiên đã không hề diễn ra, và kết quả này hoàn toàn là bịa đặt. Tuy nhiên, vì tin vào lời tiên tri này, các thầy cô đã chú ý đặc biệt tới những học sinh được chọn, và thế là kết quả học tập của chúng cũng tốt hơn các bạn cùng lớp.

Hãy nghĩ tới thị trường chứng khoán. Khi người ta tiên đoán rằng nó chuẩn bị suy thoái, họ sẽ không đầu tư nữa và bắt đầu bán tháo. Những người khảc nghe về sự bán tháo này sẽ cũng bắt chước và bán theo. Ngày càng có nhiều người cố gắng dự đoán trước tương lai, và lệnh bán sẽ ngày càng tăng. Một khi truyền thông đại chúng đánh hơi được và vào cuộc, giá chứng khoán sẽ lao dốc không phanh.

Các nghiên cứu đã cho thấy khi bạn tin rằng ai đó là kẻ khốn, bạn sẽ có thái độ thù địch với họ, và việc đó sẽ khiến họ hành xử như một kẻ khốn thực sự. Những nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng nếu ai đó cho rằng bạn đời không yêu mình, họ sẽ bắt đầu giải nghĩa những sự việc nhỏ một cách tiêu cực – từ đó sẽ dẫn tới cảm giác bị ruồng bỏ và khiến cho chính những người bạn đời của họ trở nên xa cách. Vòng phản hồi cứ lặp đi lặp lại cho tới khi lời tiên tri tự hoàn thành.

Năm 1980 Steven Sherman đã gọi điện thoại và hỏi một số người xem họ có sẵn sàng tham gia vào chương trình tình nguyện lái xe đưa đón các bệnh nhân ung thư không. Nhóm thứ nhất chỉ được hỏi xem họ có tham gia chương trình không: Họ trả lời là có và chỉ 4% thực sự có mặt. Nhóm còn lại thì được hỏi là liệu họ có tới khi được gọi không. Hầu hết trả lời là sẽ có mặt. Và phần đông đã thực sự tới tham gia. Nhóm thứ hai đã phải tự đặt ra một giả định về tính cách của bản thân, và bởi vì họ đã vẽ nên một bức tranh thể hiện mình như vậy, họ sẽ phải cố gắng trở thành con người đó nếu không muốn bị rơi vào trạng thái rối loạn nhận thức.

Khi nói về niềm tin, bạn chẳng thông minh lắm đâu, và những thứ mà bạn cho là đúng sẽ trở thành hiện thực nếu nó được cho lên men đủ lâu. Nếu bạn muốn có một công việc ổn định hơn, một cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn, một người thầy giỏi hơn, hay một người bạn tốt hơn – bạn sẽ phải hành xử như thể những thứ mà bạn mong mỏi từ người khác đã thực sự bắt đầu xảy ra. Điều này không đảm bảo mang đến sự thay đổi, nhưng vẫn hơn là không có gì cả. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ: Cái nhìn tiêu cực sẽ dẫn tới những tiên đoán tiêu cực, và bạn sẽ bắt đầu vô thức tác động lên môi trường xung quanh một cách tiêu cực và khiến tiên đoán đó trở thành hiện thực.

Đừng vội đi mua cuốn The Secret⦾. Không, bạn không thể chỉ cứ mong muốn và mọi thứ sẽ thành hiện thực. Tuy nhiên, bạn có thể tránh được bối cảnh ngược lại, và chỉ riêng điều này thôi đã đủ để làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn rồi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3