Cái Bóng Của Bí Mật - Chương 07
7
Trong sổ tay và nhật ký của Bae Dong Hoon không có manh mối nào hé lộ vị trí cái máy tính bảng. Liệu trong nhật ký có câu nào ám chỉ điều gì đặc biệt không, liệu có mấy thứ như ám hiệu bí mặt hay phép ẩn dụ gì không, Goo Dong Chi đã vò đầu bứt tai nghĩ nát óc mà vẫn chẳng thu thập được gì. Những ghi chép này quá đơn giản khó có thể ẩn ý về một điều gì đó. Mấy giờ gặp ai, làm việc gì, trong nhật ký chỉ ghi toàn những thứ như vậy. Quyển sổ tay cũng thế, chẳng có gì khác ngoài ghi chú về công việc.
Tất cả những clip được lưu trong USB thì đều là phim khiêu dâm dài khoảng trên dưới mười phút. Có tầm một trăm đoạn phim ngắn như vậy. Có lẽ ông ta thường xem những thứ này tại công ty khi buồn chán, và giấu nó ở một nơi bí mật không ai hay biết. Kể cả sau khi chết rồi, việc ông ta đã xem những đoạn phim đó mà bị phát hiện cũng có thể gây ra kha khá rắc rối. Goo Dong Chi rất hiểu tâm tư đó. Chính bởi những lý do như vậy nên người ta mới cần đến deleting. Cái thứ gọi là thanh danh, con người ai cũng đều coi trọng nó.
Người khiến Goo Dong Chi bắt đầu công việc deleting là một nhà văn. Khoảng hai năm trước, một ngày nọ, có người đàn ông tầm sáu mươi tuổi tìm đến văn phòng gã. Người đàn ông giao cho gã một nhiệm vụ khó khăn, đó là nhờ gã tìm những bức thư ông đã gửi cho hai người nọ và hủy bỏ chúng. Việc này cần đột nhập gia cư và trộm cắp nên ban đầu Goo Dong Chi đã từ chối, nhưng quả thực hoàn cảnh của gã khi ấy không cho phép gã từ chối bất cứ việc gì dù khó khăn đến mấy. Hồi ấy gã đã bỏ nghề cảnh sát và chuyển sang làm thám tử tư, nhưng chẳng có mấy việc để làm. Chỉ toàn những việc chán ngắt như tìm người mất tích, đòi tiền bị quỵt, hay bí mật điều tra ai đó. Mà kể cả những việc như vậy cũng chẳng nhiều. Thế nên công việc đầu tay của gã là giúp người ta xóa dấu vết hoạt động và thông tin cá nhân trên mạng Internet. Đây là công việc nằm ở ranh giới mơ hồ giữa hợp pháp và bất hợp pháp, nhưng tình thế khi ấy buộc gã phải làm bất cứ việc gì, chỉ cần không phải là giết người. Goo Dong Chi không thể quên được ánh mắt của ông nhà văn ấy. Và cả những lời ông ấy nói, gã vẫn còn nhớ y nguyên.
“Những bức thư đó mà lộ ra thì không khác gì tôi bị chết hai lần.”
“Thư có nội dung gì vậy?”
“Trong thư tôi gửi cho một người có các tiểu luận và truyện ngắn tôi đã viết thời còn trẻ, còn thư gửi người còn lại thì rặt những lời yêu đương ấu trĩ.”
“Chú muốn tôi hủy hết những thứ đó sao?”
“Phải, nếu cậu có thể tìm ra và hủy tất cả những thứ đó, tôi sẽ cảm tạ cậu xứng đáng.”
“Nhưng tại sao chú lại muốn hủy chúng đi?”
“Vì tôi thấy xấu hổ và nhục nhã.”
“Những thư từ ấy nhục nhã tới mức đáng để tôi liều mạng đột nhập vào nhà người khác ư?”
“Nếu cậu không muốn liều mạng thì tôi đành đi hỏi người khác vậy.”
“Không phải, không phải tôi không muốn làm mà là tôi cần biết việc đó nghiêm trọng tới mức độ nào. Chú đã thử nói chuyện với những người đó rồi chứ? ‘Vì nhiều lý do nên tôi mong được nhận lại những bức thư đó.’ Chú nói thế biết đâu họ lại trả chú luôn.”
“Không, sẽ không có chuyện đó đâu.”
“Chú nói là không thể, hay họ nói với chú là không thể?”
“Cả hai. Một trong hai người đó lúc nào cũng chỉ đợi đến ngày tôi chết. Chỉ cần tôi chết đi, hắn sẽ lập tức công khai những bức thư đó. Hắn sẽ chưng ra bộ mặt đau buồn, như thể hắn làm thế là vì những học giả muốn nghiên cứu tác phẩm của tôi, vì lớp đàn em đi sau. Tất cả những thứ ấy đều là rác rưởi. Cả tôi và hắn đều biết những thứ ấy là rác rưởi. Chính vì vậy hắn sẽ công khai chúng.”
“Còn người kia thì sao?”
“Người kia có lẽ không có ý định công khai những bức thư đó đâu. Thế nhưng đám linh cẩu kia sẽ nhằng nhằng bám theo cô ấy, và đến một ngày nào đó chúng cũng sẽ tìm ra thôi. Tất cả mọi người đều biết hai chúng tôi đã từng yêu nhau.”
“Có vẻ là một việc rất phức tạp và gian nan đây.”
“Khó lắm sao?”
“Không, không phải là khó. Tìm kiếm những món đồ như thế vốn là nghề của tôi mà...”
“Thế thì có vấn đề gì?”
“Vấn đề là theo tôi, thư từ ấy mà, quyền sở hữu chúng không được rõ ràng cho lắm. Tù giây phút chú gửi thư cho người khác, thì bức thư đó đã trở thành vật sở hữu chung của cả hai người rồi, tôi nghĩ như vậy đấy. Chú muốn hủy những bức thư đó đi nhưng có thể người nhận lại muốn giữ gìn chúng cẩn thận thì sao.”
“Người viết ra những câu chữ ấy chính là tôi.”
“Vâng, phải rồi. Đương nhiên là như thế. Nhưng chú đã gửi chúng đi rồi. Không phải chính chú đã trực tiếp dán tem lên phong bì rồi thả vào thùng thư sao. Không phải do bị ai ép buộc, mà là chú tự nguyện.”
“Cậu suy nghĩ phức tạp quá rồi.”
“Tôi luôn cẩn thận với tất cả những việc mình làm.”
“Vậy thì cậu định thể nào. Cậu sẽ làm chứ?”
“Chú hãy cho tôi chút thời gian suy nghĩ.”
“Tôi chỉ muốn nói thêm với cậu một điều. Hủy bỏ một thứ gì đó, thực ra không phải việc gì ghê gớm như ta tưởng tượng đâu. Mỗi ngày, tôi đều hủy đi hàng chục, hàng trăm câu văn. Viết rồi lại xóa, viết rồi lại xóa. Phải xóa đi thì mới có thể viết ra những thứ mới. Để viết được những thứ mới thì phải tiếp tục xóa. Cứ xóa rồi lại xóa như vậy, còn sót lại đến cuối cùng mới là những thứ có giá trị tồn tại. Có người nói đừng xóa đi, hãy giữ lại cho hậu bối và các thế hệ học trò sau học hỏi. Nhưng suy nghĩ của tôi thì khác. Thứ gọi là văn chương, vốn không có con đường nào cả. Mọi con đường đều khác nhau. Những câu chữ tôi xóa, thực ra chỉ là những cành lá tôi cắt tỉa trên con đường của chính tôi mà thôi. Nhìn vào những thứ đó thì học được cái gì cơ chứ. Chúng chỉ giúp tạo ra những con đường vụng về, không hơn. Ngày nào tôi cũng viết nhật ký. Từ ngày bắt đầu làm nhà văn tới giờ, tôi chưa từng bỏ sót một ngày nào cả. Những người gần gũi với tôi khuyên tôi lấy nội dung những quyển nhật ký ấy để ra sách, nhưng tôi thấy đó thật là một suy nghĩ ngu xuẩn. Muốn mở đường xuyên qua bụi cây thì phải chặt bớt đám cành lá đâm ngang chứ. Cứ lấy dao mà chặt. Nhật ký chính là thứ như thế. Là hàng đống cành cây bị chặt chất chồng lên nhau. Chúng phải được gom về một chỗ và thiêu hủy. Mỗi năm tôi đều đốt nhật ký một lần. Nếu không làm vậy, tôi không thể tiến về phía trước. Cậu thám tử có lẽ sẽ nghĩ tôi lo lắng cho danh tiếng của mình nên mới muốn hủy những bức thư đó. Đương nhiên đó cũng là một lý do. Tôi không dám nói là tôi hoàn toàn không nghĩ thế. Nhưng lý do lớn nhất vẫn là tôi muốn các tác phẩm mình đã cho ra đời được tôn lên hơn nửa. Nhiều cành cây đâm ngang dọc sẽ che khuất tầm nhìn. Chỉ cần nhìn vào thành quả và thưởng thức thôi là được rồi, tại sao còn phải lần mò từng dấu chân nữa làm gì? Không phải vậy sao, cậu thám tử?”
“Tôi đã hiểu ý chú rồi.”
“Vậy cậu sẽ làm chứ?”
“Vâng, hẳn rồi. Tôi sẽ nhận vụ này.”
Goo Dong Chi không hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của ông nhà văn. Nhưng thực sự gã có chút cảm động vì những suy nghĩ ấy. Cái gì đáng bị xóa bỏ thì nên xóa bỏ, không có lý do gì để khăng khăng giữ lại những thứ chắn ngang tầm nhìn cả, gã nghĩ.
Goo Dong Chi đã hoàn thành công việc ấy trong vòng hai tháng. Lấy trộm thư từ chỗ người phụ nữ là việc khá đơn giản. Chẳng ai ngày ngày đều lôi thư tình thuở thanh xuân ra đọc cả, cũng không nhiều người cảm thấy bất ngờ nếu chúng tự dưng biến mất. Bởi ai cũng nghĩ rằng những bức thư dù được giữ gìn cẩn thận, đến một ngày, hiển nhiên cũng sẽ không còn nữa. Giống như da dẻ con người mỗi ngày lại nứt nẻ thêm một chút, ký ức sẽ dần vỡ vụn, càng nhiều tuổi con người ta càng dễ dàng chấp nhận chuyện ấy. Người ta sẽ không còn mãi thu lượm những mảnh vụn vỡ và gắng sức phục hồi nguyên dạng ký ức nữa.
Lấy trộm những bức thư của người đàn ông tốn thời gian hơn một chút. Gã đã lẻn vào phòng làm việc của ông ta, tìm nơi cất giữ thư và làm thư giả. Người đàn ông đã rút tất cả thư ra khỏi phong bì và xếp vào tệp tài liệu theo thứ tự thời gian một cách tỉ mỉ nên gã nghĩ có lẽ tốt nhất là tráo đổi toàn bộ tệp tài liệu này. Gã lấy trộm một trang thư, rồi dùng kỹ thuật đồ họa làm giả thêm nhiều trang nữa. Sau khi xáo trộn chữ và sắp xếp lại vị trí câu, nhìn lướt qua có thể tưởng đấy là một bức thư dài nhiều trang, nhưng nhìn kỹ mới nhận ra tất cả đều chỉ cùng một câu. Gã in ra mấy chục trang thư như vậy rồi xếp kín vào tệp tài liệu.
Goo Dong Chi lừa người đàn ông, nhưng thực ra gã cũng lừa cả ông nhà văn. Hôm gã mang những bức thư lấy trộm về, ông nhà văn đã ngay lập tức đốt trụi toàn bộ. Ông ấy hoàn toàn không có ý muốn đọc lại xem mình đã sáng tác nên những truyện gì hay đã viết ra những câu như thế nào. Goo Dong Chi đã tráo đổi tệp tài liệu vào phút cuối cùng. Chỉ có ba trang trên cùng là thư gốc, phần còn lại đều là bản sao. Đến tận bây giờ gã cũng không hiểu vì sao mình lại làm thế, nhưng lúc đó gã có linh cảm mình nhất định phải trì hoãn việc hủy những bức thư. Không biết liệu có phải bởi cảm giác chân thực trong nét mực được trực tiếp viết ra từ cây bút máy của ông nhà văn ấy hay không. Goo Dong Chi cảm nhận được sự cao quý của tập văn bản gốc mà bản sao chép không thể sánh bằng. Câu chữ đang cất lên tiếng nói như sinh mệnh. Nhận được tệp tài liệu từ tay Goo Dong Chi, ông nhà văn lập tức đốt sạch. Còn gã, gã nhận ra vận mệnh của mình đã được quyết định ngay trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó. Nếu giả như vào giây phút cuối cùng, ông nhà văn xem lại kỹ càng những bức thư trong tệp tài liệu và nhận ra đó chỉ là bản sao chép thì có lẽ Goo Dong Chi đã không bắt đầu công việc deleting. Hễ nghĩ lại giây phút đó, Geo Dong Chi lại thấy sởn gai ốc khắp người. Gã không nhớ nổi mình đã nghĩ gì mà lao đầu vào canh bạc ấy nữa.
Ông nhà văn chết vì ung thư dạ dày một năm sau đó. Goo Dong Chi đọc được tin về cái chết của ông trên báo. Có lẽ sau khi ông nhà văn qua đời, người đàn ông kia cũng mới nhận ra việc mình bị mất trộm. Chỉ cần tưởng tượng đến vẻ mặt ông ta khi mở tệp tài liệu với ý định công khai những bức thư kia, Goo Dong Chi đã thấy tê cứng cả đầu ngón tay.
Kể từ đó Goo Dong Chi chính thức bắt đầu công việc deleting. Gã tìm và hủy điện thoại di động của người chết, gã làm hỏng máy tính cá nhân của người chết, gã tìm quyển nhật ký của người chết và xé thành từng mảnh rồi đốt sạch. Từ sau khi biết được sự thật rằng trên đời có những người khác dù rất ít nhưng vẫn có làm công việc deleting giống mình, gã cũng cảm thấy bớt tội lỗi phần nào khi phải xóa bỏ một thứ gì đó khỏi thế gian. Con người muốn xóa bỏ rất nhiều thứ. Vì danh tiếng của bản thân, vì nỗi sợ hãi bị lộ ra bí mật, để bảo vệ một ai đó, có vô vàn lý do khiến người ta nảy sinh mong muốn xóa bỏ vô vàn thứ như vậy.
“Thứ gì có thể cứu sống thì hãy để cho nó sống”, đó là suy nghĩ của Goo Dong Chi.
Những thứ không cần thực hiện deleting tuyệt đối, gã quyết tâm sẽ tự mình bảo quản chúng. Thư từ của ông nhà văn nằm trong hộp bảo vệ số 1 của Goo Dong Chi. Từ sau đó, gã đã giả vờ deleting và giữ lại rất nhiều nhật ký, tài liệu và đồ đạc. Ở thế giới quanh các khách hàng của Goo Dong Chi những vật này đã biến mất vĩnh viễn nên không thể nói là gã không thực hiện deleting, nhưng như vậy cũng không có nghĩa chúng đã biến mất trong thế giới của gã. Thế giới mà chúng ta đang sống không chỉ có một, mà có hai. Đó là thế giới xung quanh chúng ta, và thế giới mà chúng ta không biết đến. Chúng ta càng mở rộng thế giới quanh mình thì thế giới mà chúng ta không biết sẽ càng thu hẹp lại. Vậy nhưng, dù có cố gắng cỡ nào cái thế giới mà chúng ta không hay biết, bằng cách nào đó, vẫn luôn tồn tại. Goo Dong Chi nghĩ, thay vì xóa bỏ món đồ nào đó một cách tuyệt đối, đổi vị trí của nó có lẽ sẽ tốt hơn cả. Việc xóa bỏ một món đồ nào đó ở cả hai thế giới, gã gọi là full deleting, còn việc chuyển một món đồ từ thế giới của khách hàng sang một thế giới mà họ không bao giờ biết tới, gã gọi là half deleting. Chỉ riêng việc di chuyển đồ vật như vậy cũng có thể coi là deleting rồi. Đứng trên lập trường của khách hàng, full deleting hay half deleting cũng không thành vấn đề.
Ông nhà văn chuyển vào tài khoản của Goo Dong Chi một số tiền lớn. Goo Dong Chi nhìn những con số trong tài khoản của mình một lúc lâu. Một khoản tiền khó lòng tin nổi. Bằng số tiền ông nhà văn gửi, Goo Dong Chi đã có được văn phòng hiện tại, và làm một tủ tài liệu đồ sộ che kín cả một bên tường. Chiếc tủ tài liệu ấy, đối với Goo Dong Chi, là một đồ vật có tính biểu tượng. Nó là thứ được trộm về từ một thế giới khác và là thứ tuyệt đối không thể công khai. Nói cách khác, nó cũng như chiếc hộp Pandora có thể mang đến tai ương cho những thế giới khác. Nghe thật trớ trêu nhưng chính Goo Dong Chi cũng đã ủy thác cho một thám tử khác làm việc deleting tủ tài liệu này của gã. Nếu có bất kỳ chuyện gì xảy ra với Goo Dong Chi, ngay tức khắc, thám tử kia sẽ hủy tủ đựng tài liệu ở văn phòng gã không để lại bất cứ dấu vết gì.
Chẳng có thám tử nào lại đi giữ gìn những món đồ đã thực hiện deleting cả. Giữ lại chúng nào có lợi ích gì. Trong trường hợp sự thật này bị lộ ra gã sẽ chỉ còn cách bỏ nghề thám tử, tức không có lý do gì khiến Goo Dong Chi liều lĩnh bất chấp tất cả để đọc trộm nhật ký của người khác. Việc gã giữ lại đồ đạc chịu ảnh hưởng lớn từ ông nhà văn kia. Những bức thư được giữ lại từ hồi ấy, đến tận bây giờ thi thoảng gã vẫn đem ra đọc. Goo Dong Chi không hiểu biết nhiều về văn chương, nhưng theo gã, tất cả câu từ trong những bức thư ấy đều vô cùng tuyệt vời.
Gã không hiểu nổi vì sao ông nhà văn lại muốn hủy chúng đến thế. Những món đồ mà người khác muốn xóa bỏ chưa biết chừng cũng chẳng phải thứ đáng bị xóa bỏ, Goo Dong Chi thường nghĩ vậy.
Goo Dong Chi cất USB của Bae Dong Hoon vào tủ tài liệu, rồi chăm chú đọc cuốn nhật ký. Hai ngày trước khi chết, ông ta có tới hai nơi. Một phòng thu âm có tên ANE, và một cửa hàng tên V2U nằm trong tòa nhà Wide Vision, nơi tập trung một loạt những cửa hàng chuyên thiết bị điện tử nghe nhìn ở khu Yongsan. Gã quyết định sẽ bắt đầu từ đó.