Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 03

Ngụy biện rẽ đôi

Ngụy biện rẽ đôi là chỉ trình bày hai lựa chọn trong khi vẫn còn những lựa chọn khác. Đôi khi ngụy biện này được biết đến với tên gọi ngụy biện “trắng và đen”, nó đưa ra một tình huống “hoặc…là” dù trong thực tế còn nhiều lựa chọn khác.

Nếu các anh không ở phe chúng tôi, các anh đang chống lại chúng tôi.

(Vài người cho rằng bạn đúng một phần. Những người khác có thể ở phe bạn trong một số vấn đề và chống lại bạn ở những vấn đề khác. Đa số mọi người chắc hẳn không đủ quan tâm để góp ý gì.)

Vài tình huống trong cuộc sống có những thay đổi từng bước mang tính vô hạn; những tình huống khác cho bạn các lựa chọn hiển nhiên. Có rất nhiều vùng tối trung gian giữa ánh sáng và bóng tối nhưng không có nhiều vùng giao nhau giữa con gái và con trai. Ngụy biện rẽ đôi cốt ở việc mang cái chọn lựa giới hạn trong nhóm tình huống thứ hai vào các tình huống đúng hơn phải được bao quát bằng nhóm tình huống thứ nhất.

Có hai loại người trên thế gian: người giàu có và kẻ thất bại. Bạn muốn trở thành người giàu có hay vui vẻ làm kẻ thất bại?

(Thực tế, có rất nhiều mức độ giàu có cũng như có rất nhiều mức độ thất bại. Bạn có thể giàu khi so sánh với ai đó, nhưng nghèo khi đặt cạnh những người khác. Tương tự, người thất bại dường như cũng trải dài trên một thước đo liên tục.)

Sai lầm ở đây là phủ nhận những lựa chọn khác. Bằng cách giới hạn phạm vi lại, người vi phạm ngụy biện đã lược bỏ khỏi cuộc thảo luận những tư liệu có thể ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả. Lúc này ngụy biện không phải được tạo thành bởi sự xâm phạm của những tư liệu không liên quan, mà được tạo thành từ việc loại trừ những tư liệu liên quan.

Kỹ thuật rẽ đôi được dùng để giới hạn sự chọn lựa. Các đảng phái chính trị lớn sử dụng nó để bóp chết những đảng phái nhỏ hơn bằng cách bác bỏ suy nghĩ rằng các đảng phái này là những chọn lựa hợp lệ. Những người cuồng tín, ủng hộ và chống đối sử dụng ngụy biện này để chia đám đông rộng lớn thành hai nhóm không liên quan gì đến nhau. Các nhà tư tưởng sử dụng nó để chia con người thành các nhóm chứ không thừa nhận rằng có một dải rộng lớn những ý kiến cá nhân.

Một trong những cách dùng khó chịu nhất của ngụy biện rẽ đôi xuất hiện trong thu thập thông tin thống kê. Thăm dò, khảo sát tiếp thị cũng như những khảo sát chính trị chỉ có tác dụng khi ấn định con người vào những nhóm rõ ràng. Thông tin thường được yêu cầu trả lời bằng câu hỏi “có” hay “không” khi người được hỏi biết rằng cả hai câu trả lời đều không đúng. Các bài kiểm tra tính cách thường đưa ra những tình huống giả định luôn đánh giá thấp một cách thô thiển năng lực của con người.

Ngụy biện rẽ đôi thường xuất hiện trong một song đề cho dù bản thân phép suy luận đó có vẻ là một hình thái lập luận có căn cứ.

Nếu chúng ta nhập khẩu hàng hóa, chúng ta đã tạo ra việc làm ở nước ngoài; nếu chúng ta xuất khẩu hàng hóa, chúng ta đã gửi các tài sản của mình đi nước ngoài. Vì chúng ta phải hoặc là xuất khẩu hoặc nhập khẩu, chúng ta sẽ mất hoặc là công ăn việc làm hoặc là tài sản.

(Nhưng đây không phải lựa chọn “trắng và đen”. Chúng ta có thể nhập khẩu một vài loại hàng và xuất khẩu những thứ khác.)

Lord Nelson đã phát biểu lời hiệu triệu nổi tiếng:

Tu viện Westminster hay chiến thắng!

(Ông đã bỏ qua khả năng có thể đạt được cả hai; hay lựa chọn Thánh đường St. Paul nơi ông được chôn cất.)

Công dụng tuyệt vời nhất của kỹ thuật ngụy biện rẽ đôi là đưa ra quyền chọn lựa giữa thứ gì đó rất khó chịu và phương án mà bạn đang ủng hộ. Hoặc người nghe phải làm theo điều bạn nói hoặc sẽ là sự kết thúc của sự sống trên trái đất như chúng ta đều biết.

Hoặc chúng ta sơn cánh cửa màu xanh hoặc chúng ta sẽ bị nhạo báng và chế giễu. Mọi người sẽ nghĩ chúng ta không có mắt thẩm mỹ và chúng ta sẽ trở thành trò cười cho cả khu này. Anh để em tự chọn lựa đấy; anh không cố tác động lên quyết định của em bằng cách này hay cách khác đâu.

Bạn phải học cách dẫn dắt cái bạn xem là lựa chọn khả dĩ duy nhất bằng cách nói: “Thưa quý ông quý bà, có vẻ như chúng ta có hai lựa chọn khả dĩ…”

Che đậy bằng khoa học

Khoa học có uy tín hết sức lớn vì nó đã làm đúng rất nhiều thứ. Trong hình dung thông thường, một nhà khoa học tận tụy trong chiếc áo trắng là suối nguồn kiến thức trái ngược với những ý kiến chủ quan đơn thuần. Rất nhiều người vì quá khắc khoải mong có được sức mạnh uy tín của một nhà khoa học đối với những quan điểm của mình đã khoác lên mình chiếc áo trắng đầy biệt ngữ khoa học với nỗ lực biến tuyên bố khẳng định của mình thành cái gì đó không phải nó.

Ngụy biện che đậy bằng khoa học chuyên sử dụng những biệt ngữ kỹ thuật để lừa dối người nghe tin rằng đó là những phát biểu mang bản chất khoa học và có những bằng chứng thí nghiệm hỗ trợ các phát biểu đó.

Hội chứng mất động cơ chí hướng được duy trì dưới áp lực của những người đồng trang lứa, ngoại trừ trường hợp định hướng thành tựu hình thành một hướng đi vượt trội cho môi trường giáo dục và xã hội.

(Nói trắng ra là con người không làm việc khi bạn bè của họ không làm, trừ khi họ muốn đạt được thành công. Phát biểu này có thể đúng hoặc sai nhưng rất nhiều người nản lòng trước việc phải thách thức quan điểm trông như đang khoác chiếc áo khoa học.)

Chiếc áo trắng biệt ngữ kỹ thuật sạch đến sáng chói (vì chưa bao giờ bị bẩn bởi những công việc mang tính khoa học thật sự). Nó che mắt không cho người nghe thấy được chân giá trị của cái đang được nói. Thay vì đánh giá luận điểm dựa trên nền tảng bằng chứng ủng hộ hay chống lại chúng, người nghe thoái lui trước sự chói sáng của các biệt ngữ. Đây là một ngụy biện vì tư liệu thiếu xác đáng này không có vị trí gì trong cuộc tranh luận. Cũng như ngôn từ xúc cảm cố gắng làm mọi người có định kiến về một tình huống, các biệt ngữ khoa học giả tạo cố mang vào tranh luận một sự tôn trọng không kiếm mà có. Lời tuyên bố vẫn như vậy dù dùng ngôn ngữ gì đi nữa; và sẽ là lừa dối nếu sử dụng ngôn ngữ để khiến nó dễ dàng được chấp nhận hơn.

Dù rằng che đậy bằng khoa học có thể được sử dụng trong bất kỳ tranh luận nào, rất nhiều người sẽ nhận ra lãnh thổ đặc biệt của loại ngụy biện này là những chủ đề tự xem chúng là mang tính khoa học nhưng thực sự không phải vậy. Khoa học bàn đến từ vấn đề nguyên tử đến các vì sao ở một cấp độ mà bất đồng cá nhân không quan trọng. Các nhà khoa học nói về “tất cả” những vật thể hay cái gì đó và công thức hóa những quy luật chung để tiến hành kiểm tra bằng thực nghiệm. Vấn đề là con người không như những vật thể, các bất đồng cá nhân quan trọng với họ. Và không như các vật thể, thường thì con người muốn làm những thứ khác nhau. Dù rằng điều này cản trở chúng ta trở nên khoa học về mặt bản chất, nó không ngăn cản chúng ta giả vờ là mình đang hành động khoa học. Cái chúng ta làm ở đây là thêm vào từ “khoa học” trong các ngành học để tạo thành “khoa học kinh tế”, “khoa học chính trị” và “khoa học xã hội”. Sau đó chúng ta khoác lên chúng chiếc áo trắng ngôn ngữ khoa học và hy vọng không ai nhận ra sự khác biệt.

Biểu đồ diễn tiến giao thông trong giai đoạn tiếp theo giai đoạn đỉnh điểm buổi trưa cho thấy một mô hình lắng gạn các đơn vị hành khách tập trung thành các cụm đội hình xung quanh khu vực trung tâm.

(Bạn có thể dành nhiều năm để công thức hóa những quy luật này nhằm dự đoán chúng và thậm chí có thể tham gia tranh giải Nobel. Chỉ cần nhớ rằng đừng bao giờ nhắc tới việc mọi người vào thành phố để đi ăn nhẹ sau khi xem phim hay xem các buổi trình diễn…)

Nguyên tắc đầu tiên khi sử dụng ngụy biện này là phải nhớ sử dụng từ ngữ dài. (“Khi cái bánh mở ra, chim chóc bắt đầu cất tiếng hót.) Đừng bao giờ sử dụng từ có bốn ký tự, nhất là khi bạn có thể nghĩ ra một từ có 24 ký tự có thể thế chỗ nó. Rất khó để nắm vững các biệt ngữ nhưng đăng ký mua tờ Xã hội mới (New Society) dài hạn là khoản đầu tư tốt. Hãy nhớ rằng chức năng cơ bản của ngôn từ là cản trở giao tiếp. Nhiệm vụ thực sự là chuyển đổi những gì sáo rỗng, tầm thường và dễ dàng bị phủ định thành cái gì đó sâu sắc, ấn tượng và khó chối từ.

Loài thú nhỏ bốn chân ăn thịt được thuần hóa đã xác định vị trí của mình trong dạng thức ít di chuyển trong mối quan hệ gắn kết với một cái khung có những tấm gỗ có kết cấu tồi tàn kết lại với nhau và có khe hở .

(Với cái khay đựng sữa bên cạnh.)

Ngụy biện che đậy bằng khoa học đáng bỏ thời gian và công sức để học. Nhiều năm kinh nghiệm sử dụng chúng không chỉ mang lại cho bạn chức vị tiến sĩ trong các ngành xã hội học mà còn có khả năng hoàn toàn lừa dối để người nghe tin rằng bạn hiểu điều mình đang nói.

Song đề giả (Bogus dilemma)

Khác xa so với cách sử dụng thông thường của từ này để mô tả một lựa chọn khó khăn, song đề cũng là tên gọi của một lập luận phức tạp. Trong một song đề, chúng ta được cho biết các hậu quả của hành động và cảnh báo rằng vì buộc phải thực hiện một hành động, chúng ta phải chấp nhận một trong những hậu quả. Một người mẹ Hy Lạp nói với con mình lúc bấy giờ đang cân nhắc nghề nghiệp trong lĩnh vực chính trị như sau:

Đừng làm việc này. Nếu con nói thật, mọi người sẽ ghét con, và nếu con nói dối, các vị thần sẽ ghét con. Vì con buộc phải chọn giữa nói thật và nói dối, con sẽ bị hoặc là mọi người ghét hoặc là các vị thần ghét.

Song đề là một hình thái lập luận có căn cứ. Nếu các hậu quả được nói đến là thật, và nếu thực sự có một lựa chọn hiển nhiên giữa chúng thì một trong các hậu quả phải theo sau đó. Tuy nhiên, thông tin thường xuyên được cung cấp không chính xác và quyền chọn lựa cũng không bị giới hạn như được nêu ra. Trong các tình huống này, song đề mang tính dối trá. Song đề dối trá là một ngụy biện của việc đưa ra song đề một cách sai lầm hay giả dối trong khi thực tế không tồn tại song đề nào cả.

Trong ví dụ trên, người con trai có nhiều cách trả lời khả dĩ. Anh này có thể quả quyết rằng song đề kia là dối trá bằng cách bác bỏ những hậu quả theo sau – cách làm này được gọi là “nắm sừng của song đề”. Anh này cũng có thể đơn thuần bác bỏ thông tin rằng mọi người sẽ ghét anh ta nếu anh ta nói sự thật: ngược lại, anh có thể quả quyết rằng họ sẽ tôn trọng anh ta vì hành động đó. Các tuyên bố mang tính lựa chọn về những hệ quả được gọi là “sự liên kết” và nó đủ để chỉ ra rằng một hay cả hai hậu quả là giả dối để dán cho song đề kia cái nhãn dối trá. Với cách sử dụng một lựa chọn khác, anh này có thể chỉ ra rằng lựa chọn kia là giả dối. Cách làm này gọi là “đi giữa hai sừng”, cốt ở việc chỉ ra có những lựa chọn khả dĩ khác. Thay vì giới hạn mình trong sự thật hay sự dối trá, người ta có thể đôi khi thành thật, đôi khi lừa dối. Họ có thể đưa ra một tuyên bố chứa đựng cả yếu tố sự thật và dối trá. Song đề được xem là giả dối khi sự lựa chọn, cái được gọi là “phân tách”, không phải là lựa chọn toàn diện. Cách thứ ba để đối phó với song đề là cự tuyệt nó. Đây là một kỹ thuật tao nhã đòi hỏi phải bịa ra một con thú hung tợn tương đương với cùng các yếu tố nguyên bản ban đầu nhưng chuyển tải theo hướng đối đầu trực diện với nguyên bản kia. Trong ví dụ phía trên, chàng trai trẻ sẽ trả lời:

Con sẽ theo nghiệp đó, mẹ à. Vì nếu con nói dối, mọi người sẽ yêu mến con; và nếu con nói thật, các vị thần sẽ yêu mến con. Vì con phải nói thật hay nói dối, con sẽ được hoặc là mọi người hoặc là các vị thần yêu mến.

(Lập luận này quá đẹp mắt khi bạn thấy ai đó dùng nó trong tranh luận, chắc chắn người nghe sẽ vỗ tay tán thưởng.)

Protagoras, một triết gia Hy Lạp, đã xử lý trường hợp không có tiền đóng học phí của một học trò nghèo bằng cách chấp thuận cho anh này không phải đóng tiền cho đến khi anh ta giành thắng lợi trong vụ kiện đầu tiên. Thời gian trôi qua, không có dấu hiệu gì cho thấy người thanh niên kia sẽ tham gia các vụ kiện, Protagoras kiện anh ta. Lời cáo buộc rất đơn giản:

Nếu tòa tuyên bố tôi thắng nghĩa là anh ta phải trả tiền tôi. Nếu tòa tuyên bố anh ta thắng thì anh ta đã thắng vụ kiện đầu tiên, do đó anh ta cũng phải trả tiền cho tôi. Vì tòa sẽ tuyên bố tôi hoặc anh ta thắng, anh ta chắc chắn phải trả tiền cho tôi.

Tuy nhiên, chàng thanh niên đó là một sinh viên xuất sắc và anh này đưa ra lý lẽ sau:

Ngược lại thì đúng hơn. Nếu toà tuyên bố tôi thắng có nghĩa là tôi không phải trả tiền. Nếu tòa tuyên bố Protagoras thắng có nghĩa là tôi chưa thắng vụ kiện đầu tiên của mình, do đó không cần trả tiền. Vì tòa sẽ tuyên bố tôi hoặc ông ấy thắng, kiểu nào đi nữa thì tôi cũng không phải trả tiền.

(Thẩm phán đã bỏ cuộc trong căng thẳng và hoãn phiên xử lại vô thời hạn. Theo đó ông này chứng minh rằng những phân tách kia là sai và trốn thoát giữa những “cái sừng” của hai song đề.)

Ngụy biện theo lối song đề giả cốt ở việc đưa ra những hậu quả giả dối hay một lựa chọn giả dối và có lợi nhất cho bạn trong những tình huống mà các quyết định bạn phản đối đang được cân nhắc. Nhanh chóng bước vào, chỉ ra rằng một trong hai lựa chọn sẽ xảy ra và các kết quả tồi tệ sẽ tiếp bước theo một trong hai lựa chọn đó:

Nếu chúng ta đồng ý xây dựng nhà trọ cho thanh thiếu niên ngỗ nghịch trong khu vực của mình, thì hoặc là nó sẽ đầy ắp khách hoặc sẽ vắng tanh. Nếu nó vắng tanh, chúng ta sẽ phí tiền; nếu nó đầy ắp khách, khu vực này sẽ có nhiều thành phần gây bất hảo hơn khiến chúng ta không thể xử lý được. Do đó, miễn cưỡng mà nói…

(Hãy đan chéo ngón tay lại và hy vọng không có học trò nào của Protagoras ngồi ở đây.)

Lập luận luẩn quẩn (Circulus in probando)

Lập luận luẩn quẩn là một hình thái riêng biệt và rất thu hút của Điệp nguyên luận (petition principia). Ngụy biện này sử dụng một dữ kiện làm bằng chứng và dữ kiện này đã được xác minh bởi chính kết luận mà nó hỗ trợ. Do đó, nó đang lập luận vòng vo.

“Tôi không làm điều đó thưa ngài. Cậu bé Smith sẽ làm chứng cho sự trung thực của tôi.”

“Tại sao tôi phải tin cậu ta?”

“Ồ, tôi có thể bảo đảm cậu ta trung thực thưa ngài.”

(Bất kỳ giáo viên nào tin vào lời anh sinh viên này đáng bị đình chức vì đã tán đồng hai cái giả thuyết kia.)

Lập luận luẩn quẩn là ngụy biện bởi cùng chung lý do với người anh họ lớn Điệp nguyên luận của mình. Nó không thể liên kết cái chưa được biết hay cái chưa được chấp nhận với cái đã được biết hay đã được chấp nhận. Tất cả những gì lập luận này cung cấp cho chúng ta là hai ẩn số đang bận rộn rượt đuổi cái đuôi của nhau đến nỗi chẳng ẩn số nào có thời gian gắn bản thân nó vào thực tế.

Chúng ta biết về Chúa từ Kinh Thánh; và chúng ta biết rằng chúng ta tin vào Kinh Thánh bởi vì đó là những ngôn từ đầy cảm hứng từ Chúa.

(Một vòng xoáy ốc, một cái bánh xe trong cái bánh xe khác.)

So với người bà con gần của mình là Điệp nguyên luận, Lập luận luẩn quẩn thường được dùng để xây dựng nơi ẩn náu ấm cúng nho nhỏ cho các tranh luận tôn giáo hay chính trị. Nếu thực sự có những bằng chứng thuyết phục về tôn giáo hay tư tưởng cụ thể nào đó, người thông minh sẽ khó có thể không đồng tình với chúng hơn rất nhiều. Thay vì đưa ra những luận chứng vững chắc như thép, Điệp nguyên luận và Lập luận luẩn quẩn thường được sử dụng.

Có thể nói khoa học vận hành theo cách tương tự. Làm sao chúng ta biết cái được gọi là kiến thức khoa học không phải chỉ là một Lập luận luẩn quẩn phi thường khác? Khi tiến hành các thí nghiệm khoa học, chúng ta giả định rằng những kiến thức khoa học khác là đúng. Tất cả những gì chúng ta thực sự kiểm tra là xem xem lý thuyết mới được đưa vào thí nghiệm có phù hợp với những lý thuyết còn lại không. Không còn cách nào chúng ta có thể thử nghiệm liệu các lý thuyết mới có đối lập với sự thật khách quan đã biết hay không. Rốt cuộc thì thậm chí cả các lý thuyết về những gì tri giác mách bảo chúng ta cũng nằm trong cùng điều đã được chứng minh. Tất cả những gì kết luận rằng khoa học cho chúng ta cái nhìn kiên định và hữu ích về vũ trụ đều chỉ xuyên qua cái vòng lớn của Lập luận luẩn quẩn.

Tuy nhiên, bạn sẽ thấy khó lòng sử dụng uy tín của khoa học để hỗ trợ cho hành động sử dụng Lập luận luẩn quẩn của mình. Vì nó khá ít mánh lới nên quá dễ để nhận ra. Chính vì vậy, khó có thể ứng dụng hiệu quả loại ngụy biện này vào trong tranh luận so với người anh họ to lớn Điệp nguyên luận của mình.

“Tôi có một viên kim cương, do đó tôi sẽ làm lãnh đạo.”

“Tại sao anh được giữ viên kim cương?”

“Vì tôi là lãnh đạo đồ ngu ạ.”

Kết luận của bạn càng có nhiều khả năng được chấp nhận vì những lý do khác thì bạn càng có nhiều khả năng thoát tội khi dùng Lập luận luẩn quẩn để hỗ trợ nó. Khi con người đã có khuynh hướng tin vào cái gì đó, họ không kiểm chứng các lập luận hỗ trợ kỹ càng. Lập luận luẩn quẩn nên được dự trữ cho những cuộc khẩu luận không có nhiều ký ức trong quá khứ lắm.

“Tôi bảo bạn làm điều này vì tôi tôn trọng bạn.”

“Làm sao tôi biết bạn tôn trọng tôi?”

“Nếu không thì tôi bảo bạn làm điều đó làm gì?”

(Nếu bạn muốn làm điều đó, bạn sẽ tin điều tôi nói.)

Độc giả thông minh có thể giả định rằng những ngụy biện như Lập luận luẩn quẩn hiển nhiên chỉ nằm ở tầm mánh khóe trong tranh luận. Chắc chắn chúng sẽ không thể bóp méo các quyết định của chính phủ bằng cách lách qua hàng loạt các cấp bậc quan chức phục vụ nhân dân, các ủy ban chính phủ và nội các ư? Không phải vậy. Một chính sách quan trọng của chính phủ Anh vào thập niên 1960 được thông qua sau một tranh luận nghiêm túc nhất lại dựa trên một Lập luận luẩn quẩn khá rõ ràng. Đó chính là Kế hoạch Quốc gia, một cuộc thao diễn (sau đó trở nên thịnh hành) lên kế hoạch kinh tế quốc gia. Các công ty được yêu cầu giả định tăng trưởng quốc gia sẽ đạt 3.8% và dựa vào đó lên kế hoạch riêng để phát triển doanh nghiệp. Các ước tính khác nhau được chính phủ thêm vào đều ra kết luận rằng những kế hoạch tổng hợp của nền công nghiệp nước Anh cho thấy tỷ lệ tăng trưởng 3.8%.

Kế hoạch Quốc gia không có giá trị gì lúc đó và cả sau này, ngoại trừ với những người sành sỏi nghệ thuật phi lý đủ may mắn để có được một bản sao còn sót lại của kế hoạch này trong tiệm sách cũ.

Câu hỏi phức (plurium interrogationum)

Ngụy biện Câu hỏi phức dù được hiểu là “ngụy biện của nhiều câu hỏi” nhưng lại được hiểu là ngụy biện sử dụng câu hỏi phức tạp. Khi rất nhiều câu hỏi được kết hợp lại thành một, theo cách nào đó mà câu trả lời bắt buộc dưới dạng có-không, người được hỏi không có cơ hội để đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau cho từng câu hỏi, và ngụy biện câu hỏi phức xảy ra.

Bạn dừng chuyện đánh vợ mình lại chưa?

(Nếu trả lời “rồi”, bạn thừa nhận mình đã từng đánh vợ. Nếu trả lời “chưa”, thì bạn vẫn đang đánh vợ.)

Dạng ngụy biện này có vẻ giống như một trò đùa cổ xưa nhưng ở một phiên bản hiện đại hơn:

Sự ô nhiễm mà bạn gây ra gia tăng hay giảm sút lợi nhuận của bạn?

Tuyên bố sai lạc của bạn có giúp bạn thăng chức không?

Bạn ngu xuẩn bẩm sinh à?

Tất cả những câu hỏi này chứa đựng một giả định rằng câu hỏi được che đậy này đã có câu trả lời khẳng định. Chính giả định đó đã tạo nên ngụy biện. Rất nhiều câu hỏi có thể được đưa ra nhưng nếu câu trả lời đã được giả định trước thì ngụy biện Câu hỏi phức xuất hiện.

Một phiên bản phổ biến của ngụy biện này là đặt câu hỏi bắt đầu với “ai” hay “tại sao” về các dữ kiện chưa được thiết lập trước đó. Thậm chí cả những câu hỏi kinh điển như “Người phụ nữ tôi thấy đi cùng anh hôm qua là ai?” hay “Tại sao gà qua đường?”, nếu suy xét cặn kẽ, đó chính là những ví dụ của loại ngụy biện này. Chúng loại trừ các câu trả lời như “Không có ai cả”, hay “Gà không qua đường.”

Tại sao anh bắt vợ mình phải thay đổi theo ý anh? Và tại sao anh lại đến hiệu thuốc mua thuốc chuột? Tại sao sau đó anh lại bỏ nó vào ly ca cao của cô ấy và anh làm chuyện đó thế nào để cô ấy không phát hiện ra?

(Cố gắng không đưa ra nhiều hơn ba câu hỏi.)

Các cư dân của thế giới Câu hỏi phức là một mớ rối rắm khó hiểu. Họ không bao giờ hiểu nổi tại sao chúng ta lại chấp nhận những tay phóng viên truyền hình nhắc lại những tuyên truyền phản quốc, làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc kích thích ở trường học hay tại sao các trường đại học và cao đẳng lại tạo ra quá nhiều người thất nghiệp như thế. Những tay quảng cáo của thế giới đó muốn biết liệu gia đình chúng ta có đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt mà sản phẩm của họ mang tới hay không và liệu chúng ta có vui lòng khi chọn nhãn hiệu dầu gội đầu của họ hay không.

Trong thế giới thực, không câu hỏi nào trên đây được xem là có cơ sở cho đến khi những dữ kiện căn cứ được thiết lập. Câu hỏi phức phải được chia thành nhiều câu hỏi nhỏ hơn; và nhìn chung, việc chối bỏ dữ kiện giả định trước sẽ làm cho câu hỏi lớn hơn mất đi giá trị.

Rất nhiều lý giải về gen hay tiến hóa được đưa ra để giải thích tại sao phụ nữ trưởng thành có nhiều hơn nam giới bốn cái răng. Không có lý giải nào hiệu quả hơn việc đếm vài hàm răng và bác bỏ dữ kiện đó.

Ngụy biện Câu hỏi phức là một phương pháp hiệu quả để giới thiệu cái có vẻ giống với dân chủ vào gia đình. Nó cho phép bạn trao cho trẻ em quyền lựa chọn vận mệnh của chúng:

Con muốn đi ngủ ngay hay sau khi uống xong ly ca cao này?

Con muốn đặt những viên gạch vào trong hộp hay trên tủ?

(Dù vậy hãy cẩn thận. Sau khoảng mười năm chúng sẽ quay lại nói với bạn: Mẹ, mẹ muốn mua cho con một dàn máy disco hay một chiếc xe máy vào sinh nhật?

Đứa trẻ chính là người mà bạn “gieo gió”.)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3