Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 04

Ngụy biện tổng thể

Ngụy biện tổng thể xảy ra khi tuyên bố rằng cái gì đúng cho một cá nhân trong nhóm cũng đúng với cả nhóm. Vài danh từ có thể được sử dụng để nói về thứ gì đó như một tổng thể hay nói về những phần khác nhau tạo thành thứ đó. Sẽ là ngụy biện khi tuyên bố rằng cái đúng với vài phần cũng sẽ đúng với thực thể mới do vài phần đó cấu thành nên.

Đây chắc chắn là một dàn nhạc xuất sắc vì từng thành viên trong đó là những nghệ sĩ tài năng.

(Từng thành viên có thể xuất sắc nhưng nhìn tổng thể họ không có khả năng chơi chung trong nhóm với các bạn diễn của mình. Tất cả những nghệ sĩ xuất chúng này có thể quá bận rộn với việc trình diễn cá nhân hơn là biểu diễn theo nhóm.)

Nhiều huấn luyện viên bóng đá mua rất nhiều cầu thủ hàng đầu chỉ để sau đó bị sa thải. Trừ khi họ có thể thi đấu trong đội, còn không, việc sa thải huấn luyện viên còn dễ hơn việc cầu thủ ghi bàn.

Tôi đã tập trung tất cả những người lính mạnh mẽ nhất trong quân đội vào quân đoàn này. Đây sẽ là quân đoàn mạnh nhất.

(Tôi nghi ngờ điều này. Sức mạnh của một quân đoàn phụ thuộc vào những yếu tố như tinh thần hay khả năng làm việc nhóm bên cạnh tốc độ, khả năng hoạt động với ít quân nhu nhất và những đặc tính tương tự.)

Ngụy biện này xuất phát từ việc không thể nhận ra rằng một nhóm là một thực thể riêng biệt của những đặc tính có thể ứng dụng được cho từng cá thể. Chứng cứ kia chỉ đưa ra để chứng minh khả năng của các thành viên, do đó không liên quan đến việc đánh giá tổng thể nhóm.

Người Mỹ đặc biệt dễ bị công kích bởi ngụy biện này vì ngữ pháp họ sử dụng không phân biệt giữa thực thể tổng quan và những cá nhân trong thực thể đó. Có vẻ như cách dùng phổ quát trong tiếng Mỹ là sử dụng các động từ số ít cho các danh từ tập hợp dù rằng đang nói đến những thành viên trong nhóm.

Trong tiếng Anh, chúng ta sẽ nói rằng “the crew is a good one” (người thủy thủ của đoàn này giỏi) để chỉ một thực thể riêng biệt, nhưng dùng câu “the crew are tired” (các thủy thủ đang mệt) nếu chúng ta nói về những thành viên trong thực thể đó. Tiếng Mỹ sử dụng động từ số ít cho cả hai trường hợp, do đó đã bỏ qua một sự phân biệt quan trọng.

Nếu ai trong xã hội cũng lo cho bản thân mình thì xã hội đó sẽ tự lo cho chính nó.

(Chắc chắn nó sẽ là một xã hội của những người chỉ lo bản thân mình; nhưng có thể xã hội kia còn nhiều mặt cần sự phối hợp của nhiều người sống trong xã hội đó.)

Ngụy biện tổng thể còn một biến thể, trong đó bao hàm trường hợp những điều đúng với cá nhân trở nên không đúng nếu được ngoại suy để bao quát cho cả nhóm.

Nông dân hưởng lợi từ trợ giá thịt bò; thợ đóng giày hưởng lợi từ trợ giá giày, và tương tự thế. Hiển nhiên là cả nền kinh tế sẽ hưởng lợi nếu tất cả các sản phẩm đều được trợ giá.

(Vấn đề ở đây là nông dân và thợ đóng giày chỉ hưởng lợi nếu họ nằm trong một nhóm nhỏ được lợi từ phí tổn của người khác. Nếu ngoại suy theo nguyên tắc này, tất cả mọi người đều nhận được trợ cấp, mọi người đều trả thuế để tạo nguồn quỹ cho trợ cấp và tất cả đều mất tiền vào tay những công chức quan liêu trông coi việc chuyển tiền qua lại.)

Thực sự xã hội là nơi tốt nhất để sử dụng ngụy biện này vào mục đích lừa gạt. Bạn nên quy tất cả những phẩm chất cảm thông cho người dân ở đất nước chúng ta . Người nghe ở đất nước bạn sẽ không khó khăn để chứng minh sự thật này. Khi bạn trượt vào một ngụy biện tổng thể kín đáo bằng việc nhìn nhận xã hội kia như một tổng thể, họ sẽ phải miễn cưỡng bỏ đi những phẩm chất tốt mà họ mới tuyên bố.

Chúng ta đều biết người Anh bình thường được biết đến với sự hào phóng, nhân hậu. Đó là lý do vì sao xã hội chúng ta phải nâng cao quyền lợi của người già, người bệnh, người thất nghiệp và những quốc gia kém phát triển khác.

(Những hành động này có thể đáng giá, nhưng nó chỉ hào phóng khi được thực hiện bởi các cá nhân. Lấy tiền của người dân cho những người khác thực tế làm suy giảm cơ hội hào phóng của họ.)

Bạn cũng có thể thử thế này: “Bạn biết không, người Ai-len có xu hướng chết trẻ. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi đất nước đó vẫn tồn tại.”

Lượng hóa che đậy

Khi phát biểu về một nhóm, đôi khi phát biểu đó nói về tất cả thành viên trong nhóm, đôi khi về một vài thành viên trong nhóm và đôi khi không rõ phát biểu kia nói về chủ thể nào. Ngụy biện lượng hóa che đậy xảy ra khi một diễn đạt tối nghĩa cho phép nhìn nhận sai lệch về số lượng.

Các thợ máy trong gara sửa chữa ô tô là những kẻ lừa đảo.

(Cái gì, tất cả bọn họ à? Phát biểu trên không nói rõ nhưng có một khác biệt rất lớn. Nếu câu nói trên ám chỉ tất cả thợ máy thì thợ máy nào cũng là kẻ lừa đảo. Dù rằng nhiều lái xe từng kết tội các thợ máy, nhưng chỉ có vài thợ máy trong các gara sửa chữa ô tô thực sự phạm những tội đó.)

Ngụy biện lượng hóa bị che đậy thường khá nghèo nàn nếu phát biểu mạnh miệng về chỉ vài thành viên trong nhóm. “Tất cả” nghe hay hơn nhiều nhưng nhiều khả năng không đúng. Thay vì bị giới hạn bởi sự đúng đắn, người nói thường bỏ qua số lượng thực với hy vọng người nghe sẽ hiểu hàm ý ở đây là “tất cả”. Ai đó có thể tỏ lòng thương hại với một phụ huynh quẫn trí bằng cách nói: “Bọn trẻ thật phiền phức.” Câu nói này có thể được hiểu là “vài thanh thiếu niên” hay thậm chí “rất nhiều thanh thiếu niên” nhưng phát biểu này cũng có thể được hiểu là gặp một thanh thiếu niên chỉ thấy toàn phiền phức. Có thể người ta không định nói vậy, nhưng nghe nó cũng có lý. Ngụy biện này chứa đựng nghĩa nhập nhằng. Chỉ có thể chấp nhận một nghĩa trong lời phát biểu nhưng người ta lại định nói với nghĩa khác. Tất nhiên, hai nghĩa đó dẫn đến những kết luận rất khác nhau.

Ai cũng biết thành viên của Chiến dịch Giải trừ Vũ khí Hạt nhân là người cộng sản.

(Đúng vậy, nhưng không phải tất cả bọn họ như ẩn ý của phát biểu trên. Thậm chí nếu vài người trong số họ là cộng sản, vẫn còn những cá nhân khác tham gia.)

Ngụy biện này được sử dụng rộng rãi để quy tội một nhóm dựa trên vài thành viên trong nhóm đó.

Những kẻ nổi loạn dạy ở trường Đại học Mở.

(Điều này có nghĩa là vài người trong bọn họ dạy ở đó, nhưng không phải tất cả những người nổi loạn đều làm công việc giảng dạy. Câu nói trên thậm chí còn có thể hiểu là chỉ những kẻ nổi loạn mới dạy ở đó. Chất lượng của một sinh viên bình thường tốt nghiệp cử nhân có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào cái gì đúng và thực tế nội dung chương trình học có thể là một trong những yếu tố đó.)

Lượng hóa che đậy có thể là khúc dạo đầu để khoác lên một cá nhân những tính cách của một nhóm mà anh này tham gia bằng cách che giấu dữ kiện chỉ đúng với vài người trong nhóm.

Bạn đã bao giờ để ý thấy tất cả các giám mục đều mập hay không? Tôi giả sử Johnson được nuôi dưỡng để trở thành một giám mục, anh này sẽ mập lên.

(Cứ cân đi rồi thấy.)

Bạn nên sử dụng lượng hóa che đậy để biến những ví dụ kém vững chắc trở nên có lý hơn. Nếu bạn đang nỗ lực gieo sự hoài nghi cho một người, bạn có thể sử dụng địa vị là thành viên trong một nhóm nào đó của họ để bôi xấu người này. Hãy đưa ra những phát biểu nghe hợp lý với vài trường hợp và để người nghe liên tưởng nốt phần “tất cả” hay “chỉ”, những phần cần thiết để dán lên anh này cái nhãn xấu.

Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên thuê Thomson. Tôi thấy anh ta là người rất thích câu cá. Những kẻ vô công rồi nghề thường hay câu cá, vì vậy đó là một dấu hiệu rất xấu.

(Người nghe đã dính mồi nếu hiểu rằng “chỉ những kẻ vô công rồi nghề” và Thomson cũng bị mắc câu.)

Kết luận chối bỏ tiên đề

Kết luận chối bỏ tiên đề là một loại ngụy biện “ôi trời tôi quên mất tôi nói gì lúc đầu rồi”. Ngụy biện này bắt đầu bằng cách duy trì một số điều chắc chắn đúng và kết thúc với một kết luận mâu thuẫn thẳng thừng với những điều đó. Nếu kết luận không nhất quán với các lập luận được sử dụng ban đầu, sẽ có một lỗ hổng mà tính hợp lý của lý luận đã chui tọt qua đó.

“Con trai, vì trên thế gian này không có gì chắc chắn, chúng ta phải dựa vào kinh nghiệm bản thân.”

“Cha có chắc không?”

“Có chứ con trai. Ta chắc chắn.”

Ngụy biện này xảy ra khi có sự thiếu nhất quán. Nếu kết luận mâu thuẫn với tiên đề, ít nhất phải có một cái sai. Có nghĩa là hoặc kết luận sai hoặc nó được rút ra từ những thông tin sai.

Kết luận chối bỏ tiên đề luôn không mời mà đến trong các tranh luận tôn giáo. Con người quá quen với suy nghĩ rằng những sự sống thiêng liêng là ngoại lệ với tất cả quy luật, do đó họ có xu hướng dùng từ “tất cả” khi ý họ là “tất cả ngoại trừ Chúa”.

Tất cả mọi thứ đều phải có nguyên nhân. Theo đó, nguyên nhân này phải bắt nguồn từ một nguyên nhân trước đó. Vì không thể truy ngược lại mãi mãi, chúng ta biết rằng phải có một nguyên nhân không có nguyên nhân bắt đầu quá trình này.

(Nhưng nếu tất cả mọi thứ đều có nguyên nhân thì làm sao có thứ gì đó gọi là một nguyên nhân không có nguyên nhân?)

Ngụy biện này có lịch sử đáng chú ý vì được sử dụng (dù rằng không được xác định giống như trong quyển sách này) bởi nhiều triết gia, trong đó có Aristotle và Thomas Aquinas. Nó có rất nhiều tên gọi. “Nguyên nhân không có nguyên nhân” có thể là “nguyên nhân đầu tiên” hay thậm chí là “động cơ đầu tiên”. Nó có thể được diễn đạt lại theo rất nhiều cách khác nhau nhưng lúc nào cũng mang tính ngụy biện.

Nỗ lực biến một sự sống thiêng liêng trở thành ngoại lệ được chấp nhận đối với tuyên bố ban đầu thường lặp lại vấn đề hay phá vỡ lập luận, “Tất cả mọi thứ trong vũ trụ phải có một nguyên nhân tồn tại bên ngoài bản thân nó…” Toan tính ở đây rõ ràng là thiết lập một căn nguyên bên ngoài vũ trụ và do đó không cần nguyên nhân giải thích sự tồn tại của vũ trụ. Không may thay, kiểu diễn đạt này phạm rất nhiều lỗi.

1. Phiên bản mới phức tạp hơn và hiển nhiên là không đúng.

2. Vũ trụ không phải trong vũ trụ, nó là vũ trụ.

3. “Tất cả mọi thứ trong vũ trụ” chính là vũ trụ.

Các giải thích này cho phép chúng ta diễn dịch dòng mở đầu kia thành: “Vũ trụ phải có một căn nguyên tạo ra nó tồn tại bên ngoài nó.” Khi đã có giả định này, điều dễ hiểu là chúng ta sẽ tiếp tục chứng minh nó.

Có rất nhiều phiên bản đơn giản hơn được sử dụng phổ biến, không phiên bản nào thoát khỏi sự mâu thuẫn cơ bản của việc cho phép câu trả lời được ưu tiên trở thành ngoại lệ được thừa nhận.

Không quan trọng bạn lùi lại bao xa, tất cả mọi thứ đều phải có một khởi đầu. Chúa là người bắt đầu tất cả.

(Có lẽ Chúa không bắt đầu từ đâu cả.)

Không gì trường tồn mãi mãi. Chắc chắn phải có một vị Chúa bắt đầu nó.

(Tất nhiên vị chúa đó chính là người trường tồn mãi mãi.)

Khi sử dụng kết luận chối bỏ tiên đề, bạn phải nhớ trong đầu ba thứ. Đầu tiên, khoảng cách giữa phát biểu đầu tiên và kết luận càng xa thì khả năng người nghe phát hiện ra sự mâu thuẫn càng thấp. Thứ hai, chúng thường cho phép người nói đưa ra những phát biểu về “tất cả mọi người” nhưng lại không áp dụng cho bản thân người nói. Thứ ba, nếu kết luận của bạn về những thứ thường được chấp nhận có các đặc tính ngoại lệ, nhiều khả năng ngụy biện của bạn có thể thoát thân thành công hơn.

Đừng bao giờ tin điều mọi người nói với bạn về thuốc có bản quyền; họ lúc nào cũng nói dối. Vì bạn biết rằng tôi thật thà khi nói về chuyện này nên bạn cũng sẽ biết tôi đang nói sự thật khi tôi nói với bạn rằng dầu rắn của tôi là loại cực kỳ công hiệu…

(Cực kỳ công hiệu.)

Tiên đề mâu thuẫn

Dù lý luận có vững đến đâu, bạn không thể tin vào một lập luận nếu nó được xây dựng trên nền tảng sai. Một lập luận hợp lý đòi hỏi phải có những tiên đề đúng cũng như phương pháp lý luận có căn cứ. Vấn đề của các tiên đề mâu thuẫn là tất cả chúng không thể đều đúng. Nếu một tiên đề đúng thì cái kia phải sai và ngược lại. Nói cách khác, chúng ta có thể chắc rằng ít nhất một trong số tiên đề phải sai và do đó không thể cho ra một lập luận hợp lý.

Tất cả mọi thứ đều có thể chết nhưng Chúa thì bất tử, do đó Chúa không phải là tất cả mọi thứ.

(Đây có vẻ là một lập luận chống lại thuyết phiếm thần nhưng thực tế nó là một lập luận chống lại lý lẽ thông thường. Vì các tiên đề mâu thuẫn nhau, một trong số chúng phải sai. Điều này khiến kết luận không đáng tin cậy.)

Ngụy biện này thú vị vì nó cho phép bạn sử dụng phương pháp lý luận có căn cứ. Nó thường khiến những người phi lý luận sửng sốt khi biết rằng với các tiên đề thiếu nhất quán, bất kỳ kết luận nào, dù thiếu liên quan đến đâu, cũng có thể được rút ra một cách có căn cứ. Tuy nhiên, các nhà lý luận học không sử dụng từ “căn cứ” hàm ý “hợp lý”. Nếu tồn tại trong đó những tiên đề sai như trong tình huống mâu thuẫn tiên đề, lúc đó dù lý luận có căn cứ đến mức nào, lập luận cũng không hợp lý.

Ngụy biện này cho phép chúng ta chứng minh rằng mặt trăng được làm từ phô mai xanh. Bằng chứng khá phức tạp nhưng rất hài hước:

Chúng ta có hai tiên đề, sữa màu trắng và sữa không phải màu trắng. Nếu “sữa màu trắng” đúng, thì phát biểu “Hoặc là sữa màu trắng hoặc mặt trăng được làm từ phô mai xanh” là đúng. (Đây là phát biểu đúng.) Vì chúng ta cũng biết rằng sữa không phải màu trắng, vế hai phải đúng, tức là “Mặt trăng được làm từ phô mai xanh”.

Lý luận trên không hề sai. Sai lầm trong tiên đề mâu thuẫn có thể được dùng để tạo lập bất cứ thứ gì, kể cả một cái vệ tinh bốc mùi.

Rất khó để dùng ngụy biện tiên đề mâu thuẫn trong những tranh cãi hàng ngày vì người đối thoại thường sẽ nhận ra chính bạn đang mâu thuẫn. Tuy nhiên, cái bạn có thể làm là sử dụng những mâu thuẫn thường được chấp nhận trong cách nói mơ hồ và tiến đến phủ chúng trong lớp vỏ lý luận chặt chẽ.

Anh ta thực sự là một người chuyên nghiệp nhưng đôi khi hơi nghiệp dư.

(Nghe có vẻ chấp nhận được, nhưng hãy nhớ rằng từ kiểu lập luận này, bạn có thể chứng minh mặt trăng được làm từ phô mai xanh.)

Ngụy biện kẻ giàu (Crumenam, argumentum ad)

Ngụy biện kẻ giàu giả định rằng tiền bạc là thước đo của công bằng và rằng những người có tiền nhiều khả năng đúng. “Nếu bạn đúng, tại sao bạn không giàu?” là hình thái phổ biến nhất nhưng nó được diễn dịch đầy chất thơ thành niềm tin rằng “sự thật chính là chiến lợi phẩm của bạn”.

Có rất nhiều nhánh Thiên Chúa Giáo quy những thành công trên thế gian về sự phù hộ thần thánh; và rất nhiều thể chế trao đặc quyền cho những người giàu và có của cải.

Tôi để ý rằng những người kiếm ra hơn 100.000 Bảng một năm thường có xu hướng đồng tình với tôi.

(Có thể đúng. Anh này có thể nói thêm rằng những người thuận tay phải thường bất đồng với anh ta, rằng người cao hơn 1m80 đồng ý và người mắt nâu không đồng ý cũng không bất đồng. Những điều kiểu này cũng có lý như tiền bạc vậy.)

Ngụy biện trong phép Ngụy biện kẻ giàu tất nhiên không liên quan đến sự giàu có. Kiếm được nhiều tiền là một việc lành mạnh và đúng đắn. Chuyện có lý cũng rất lành mạnh và đúng đắn; vì vậy, chỉ cần một cách nói nước đôi không rõ ràng là có thể nối hai yếu tố này lại.

Ngụy biện kẻ giàu gợi lên cảm giác mơ hồ rằng Chúa không cho phép những người ác độc và sai trái có được những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Chúng ta biết rằng tiền không phải là tất cả, nhưng sâu thẳm trong chúng ta nghi ngờ rằng tiền là 90 trên 100 thứ, rằng tiền sẽ giúp chúng ta mua 9 trên 10 thứ còn lại và thậm chí khiến thứ duy nhất còn lại không mua được cũng không khiến ta thấy khó chịu.

Chắc hẳn người có thể kiếm được 60 triệu Bảng một năm bằng cách thu âm bốn bài hát không thể lúc nào cũng sai đúng không?

(Có thể chứ.)

Loại bia đắt nhất thế giới…

(Nhưng nó không khiến chúng ta say hơn loại bia rẻ tiền nhất.)

Có những tình huống giới hạn và mang tính nhân tạo trong đó tiền được dùng làm thước đo của lẽ phải.

Khách hàng luôn đúng.

(Bởi vì khách hàng có tiền. Điều này đúng ở Mỹ; nhưng ở Anh, sự thuận tiện cho người chủ cửa hàng thường quan trọng nhất và thực tế này cũng luôn đúng ở Đức hay Pháp.)

Khi nói về tiền thưởng, tiền bạc hiện diện như là công lý.

“Anh tài xế, cho tôi đến sân bay lúc 10 giờ.”

“Chiếc taxi này không có cánh thưa ngài.”

“Đây là 20 Bảng nếu anh có thể đến kịp giờ.”

“Ngài chuẩn bị cho chuyến bay đi.”

“Bạn tôi muốn biết M Bự Con đã ở đâu tối qua.”

“Bạn anh là ai?”

“Hình của anh ta đây.” [vẫy tờ tiền]

“Anh có thể nói với Ngài Edward Elgar rằng M Bự Con đã ở bar Molly tối qua.”

Một phiên bản của ngụy biện kẻ giàu đã giúp cuộc Cách mạng Công nghiệp thành công. Niềm tin về việc đức tính cần kiệm, kiên trì và làm việc chăm chỉ sẽ được tưởng thưởng bởi sự giàu có được dẫn dắt một cách tự nhiên đến phiên bản đảo nghịch của suy nghĩ này, rằng của cải trên thế giới là tiêu chuẩn của đạo đức. Một xã hội trong đó con người cần làm ra tiền để được kính trọng nhiều khả năng dẫn đến nền kinh tế phát triển.

Ngụy biện này được sử dụng tốt nhất cho những trường hợp mà cá nhân bạn có thể chắc rằng tiền không chỉ có tiếng nói mà còn giữ thế chủ động độc quyền trong cuộc hội thoại.

“Tôi nói chúng ta làm theo cách này vì tôi sở hữu 60% cổ phiếu của công ty.”

[Điệp khúc] “Anh đúng J.G ạ!”

Phiên bản này chỉ khác về cấp độ so với phiên bản trẻ em hay dùng:

“Tớ nói đây là một bàn thắng vì đây là trái banh của tớ.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3