Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 05
Ngụy biện sai nguyên nhân (Cum hoc ergo propter hoc)
Ngụy biện sai nguyên nhân giả định rằng các sự kiện xảy ra cùng nhau có mối liên kết nguyên nhân và chối bỏ khả năng có sự trùng hợp hay do sự vận hành của nhân tố bên ngoài tác động riêng lẻ tới từng sự kiện.
Một du khách gặp một nông dân Tây Ban Nha và vợ anh này trên một chuyến tàu lửa. Họ chưa bao giờ thấy chuối, do đó anh này cho mỗi người một quả. Khi người nông dân ăn một ít, con tàu đi qua một hầm chui. “Đừng ăn nó, Carmen,”anh nông dân la lớn, “Chúng khiến em bị mù đấy.”
Cũng giống như Ngụy biện nhân quả (post hoc), trong đó hai sự kiện liên kết với nhau vì chúng xảy ra liên tiếp, Ngụy biện sai nguyên nhân kết nối các sự kiện vì chúng diễn ra cùng một lúc. Nó là ngụy biện vì sử dụng giả thuyết không xác đáng rằng một sự kiện không thể xảy ra nếu thiếu sự kiện kia.
Những điều như vậy lúc nào cũng xảy ra. Rất hiếm có chuyện một ngày không có mưa, không có giấy tính tiền điện, không có chương trình thể thao cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật trên truyền hình hay không có tờ Guardian. Thực tế này gợi mở sự liên kết những điều không dễ chịu với các sự kiện xảy ra cùng lúc, và kết luận rằng theo cách nào đó chúng liên kết với nhau. Trong xã hội nguyên thủy, những giả định như vậy thường được đưa ra, và một trong những nhiệm vụ của thầy phù thủy là chọn lọc hành động nào liên kết với hệ quả nào. Trong xã hội của chúng ta, than ôi, cuộc sống lại càng phức tạp hơn.
Ngành xác suất thống kê cung cấp một môi trường sống tự nhiên không thể bị phát hiện cho Ngụy biện sai nguyên nhân. Thực tế, cả một nhánh xác suất thống kê học gọi là phân tích hồi quy hoàn toàn dùng để đo lường tần suất và phạm vi của những hiện tượng xảy ra đồng thời và tính toán xác suất về mức độ liên kết giữa chúng. Hệ số tương quan được tạo ra với con số phần trăm kèm theo cho thấy khả năng có sự tương quan xảy ra. Những chuyên gia thống kê thường cung cấp cho chúng ta các mối quan hệ với 95% hay 99% xác suất để cho thấy rằng “không phải chỉ tồn tại sự ngẫu nhiên”.
Một chuyên gia thống kê nhìn vào những con số thể hiện kết quả của học sinh đã kinh ngạc nhận ra rằng trong nhóm có độ tuổi từ 7 đến 12, sự khéo léo trong chữ viết tay phù hợp với cỡ giày. Ông này kiểm tra các con số ở hàng trăm trẻ em nhưng kết quả đã quá rõ ràng. Những học sinh viết chữ rõ ràng có bàn chân to, 99% xác suất điều này đúng cho thấy đây không phải là trường hợp ngẫu nhiên.
(Sau đó một giáo viên nói với ông này rằng đó là vì những đứa trẻ lớn hơn có xu hướng viết chỉn chu hơn. Lớn hơn thì chúng lại thường có bàn chân to hơn.)
Những ngành học đo lường con người nhiều nhất là kinh tế học và xã hội học nhận ra rằng Ngụy biện sai nguyên nhân rải rác tùy nghi trong lãnh địa của mình. Nguyên nhân của hiện tượng này là chúng ta không thực sự biết cái gì là động cơ khiến con người hành động, do đó chúng ta nhìn vào các dữ kiện hành động của họ và cố gắng liên kết các hành động đó với những sự kiện khác. Ngụy biện sai nguyên nhân phát triển từ hạt mầm của sự hiểu biết chính cống.
Các kỳ bầu cử khiến người ta tiêu tiền. Các con số đã rõ ràng. Số tiền chi lúc nào cũng tăng trong năm bầu cử.
(Liệu có thể do các chính phủ muốn tái đắc cử đã giữ thuế suất ở mức thấp trong những năm bầu cử, do đó người dân tiêu xài nhiều hơn chăng?)
Ngụy biện sai nguyên nhân được sử dụng tinh tế nhất khi đi kèm với hàng loạt những thống kê hỗ trợ. Các thính giả vì kinh ngạc trước những con số sẽ khó lòng đưa ra được lập luận nào để chống lại bạn. Thậm chí họ còn có khuynh hướng chấp nhận mối liên hệ bạn đưa ra hơn nếu bạn nêu được nguồn của những con số trong các ngành khoa học xã hội. Điều này quá dễ. Không có gì vô lý đến nỗi những người này không thể chứng minh. Nó giúp bạn trở nên chọn lọc hơn khi sử dụng thông tin.
Sở hữu súng là nguyên nhân chính của tội phạm hình sự. Sự thịnh hành của súng ống tại Mỹ trùng khớp với tỷ lệ phạm tội hình sự cao. Khi bạo lực đang còn nằm trong suy nghĩ thì súng ống đã nằm đầy xung quanh.
(Tuyệt vời; nhưng đừng quên nhắc đến Thụy Sỹ, nơi hầu như nhà nào cũng có súng như một phần của chương trình huấn luyện quân sự. Thụy Sỹ có tỷ lệ tội phạm hình sự rất thấp và những khẩu súng hầu như chưa bao giờ được sử dụng.)
Một nhà lập pháp Mỹ gần đây nhận ra rằng tỷ lệ phạm tội cao có tương quan với số lượng tù nhân cao, và đề xuất rằng nên tha bổng các tù nhân để hạ tỷ lệ phạm tội xuống.
Để sử dụng ngụy biện này dưới dạng bản tin, chỉ cần đơn giản đặt những bài báo kế nhau. Nghiên cứu các trang mặt ngoài để xem ngụy biện này được tạo thành ra sao.
NHÀ VĂN MARK TWAIN ĐẾN THÀNH PHỐ CÚP VÀNG ASCOT BỊ ĐÁNH CẮP
Chê bai các lựa chọn khác
Trong những trường hợp khi có một nhóm lựa chọn cố định được biết trước, thiết lập sự ưu việt của một lựa chọn bằng cách chỉ ra tất cả các lựa chọn kia đều thua kém là một cách làm hợp lý. Tuy nhiên, trong những trường hợp khi các lựa chọn không cố định hay chưa được biết trước, và trong trường hợp cần tìm ra lựa chọn tuyệt đối chứ không phải tốt hơn, sẽ là ngụy biện nếu ta lập luận bằng cách hạ thấp những lựa chọn khác. Ngụy biện này gọi là chê bai các lựa chọn khác.
Lý thuyết của Hawkins phải có câu trả lời đúng. Tất cả những lựa chọn khác đã được chứng minh sai một cách vô vọng.
(Và lý thuyết của Hawkins cũng có thể được chứng minh là sai vào ngày mai.)
Thậm chí khi chỉ có hai lựa chọn, chúng ta cũng không thể chỉ ra một lựa chọn tốt vì cái kia không tốt. Có thể cả hai đều sai. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho những nhóm lớn hơn.
Chelsea thực sự là một đội bóng lớn. Hãy nhìn Liverpool và Manchester United xem, cả hai đều vô dụng.
(Những đội chưa được xem xét ở đây có thể phải được tính đến. Thậm chí nếu cả Liverpool và Manchester United đều đá dở cũng không chứng minh rằng Chelsea đá hay. Có thể là tất cả các đội bóng đều thi đấu tồi tệ.)
Ngụy biện này xuất hiện vì khi lược bỏ lựa chọn bị chê bai, chúng ta đã loại trừ một tư liệu có thể liên quan đến quyết định. Bên cạnh đó, bằng cách đưa ra một tư liệu hạ thấp những tư liệu khác trong những trường hợp chỉ cần một đánh giá đơn giản, chúng ta đã đưa vào một lập luận không liên quan.
Chê bai các lựa chọn khác là một ngụy biện ưa dùng của những người mang tính bè đảng. Khắc khoải nâng cao làng xã, quốc gia, đội nhóm, nhà thờ, công việc, sắc tộc hay tầng lớp của mình, người ta nghĩ rằng mình có thể làm điều đó bằng cách hạ thấp những người khác. Rupert Brooke sử dụng ngụy biện này để tạo ra hiệu ứng hài hước trong bài thơ nổi tiếng của mình, “The Old Vicarage Grantchester” (tạm dịch: Tòa nhà cha sở cũ, Grandchester .) Bên cạnh những lời ca tụng Grantchester là những nhận xét trái ngược về các ngôi làng khác trong vùng. Ông kể:
Ở Cambridge người ta ít khi cười,
Trong thành phố, người dân lùn mập và đầy mưu mẹo…
Những người đàn ông khỏe mạnh phải chạy hàng trăm dặm
Khi một người từ Cherry Hinton cười…
Những người đàn ông khỏe mạnh tái nhợt đi và bắn chết vợ mình
Còn hơn là gửi họ đến St Ives.
Trong các cuộc tranh cử ở Anh, kiểu nâng cao bản thân bằng cách moi móc đối thủ là một hành vi xấu; thay vào đó, ứng cử viên để người đại diện tranh cử của mình làm chuyện này. Ở Mỹ không có hạn chế nào như vậy:
Bạn được quyền lựa chọn: một kẻ hiếp dâm bị kết án, một kẻ ngoại tình, một tay suy đồi tình dục, một kẻ biển thủ công quỹ và tôi.
(Ứng cử viên ở Mỹ có xu hướng là người nhập cư nhiều hơn; đây có thể là lời giải thích cho thực tế trên.)
Ngụy biện này sẽ cho bạn hàng giờ đồng hồ với những niềm vui vô tội (và một số đáng kể những niềm vui tội lỗi) trong nỗ lực giảm số lựa chọn xuống chỉ còn cái bạn đang đề xuất. Chúng ta thường có kiểu quan sát kép, theo đó chúng ta ít nhìn ra cái đúng nhưng lại có con mắt chim ưng khi tìm kiếm những lỗi sai. Nhưng với bạn đây là một cơ hội. Khi bạn chọn ra vài lựa chọn và phơi bày sự không hoàn hảo của chúng, người nghe sẽ hướng ánh mắt tìm kiếm lỗi sai ra khỏi đề xuất của bạn. Họ sẽ cho rằng bạn sẽ không hạ thấp những thứ khác như thể chúng thấp kém, ngu xuẩn, sai trái và tội lỗi nếu những ý tưởng của bạn không tốt hơn. Họ đã sai lầm.
Không có thiết kế tòa nhà mới nào đáp ứng được hoàn toàn, nhưng hãy nhìn vào những lựa chọn khác mà xem: một mô hình hộp diêm bằng kính, phô tất cả các đường ống ra ngoài hay một khối bê tông đúc quái dị.
(Trong khi bạn chấp thuận một thiết kế mà nước bị rò rỉ, ngói lợp bị tốc phi vào đầu khách hàng và bạn cần bỏ ra một khoản tiền lớn để bảo trì tòa nhà. Nhưng họ sẽ không thấy những điều đó khi tập trung vào các lựa chọn tồi tệ kia.)
Ngụy biện rút lui định nghĩa
Một ngụy biện rút lui định nghĩa diễn ra khi ai đó thay đổi nghĩa của từ để đối phó với sự phản bác chống lại cách diễn đạt ban đầu. Bằng cách thay đổi ngữ nghĩa, người này biến nó thành một phát biểu khác.
“Anh ta chưa bao giờ ra nước ngoài.”
“Thực tế thì anh ta đã từng đến Boulogne.”
“Bạn không thể gọi đi Boulogne là ra nước ngoài được.”
(Vậy thì cái đó gọi là gì? Thế còn việc “ngồi trên một chiếc ghế dài ở Blackpool” thì sao?)
Ngôn từ được sử dụng theo ngữ nghĩa thông thường. Nếu chúng ta được phép đối phó với những phản bác bằng cách tuyên bố rằng ngôn từ mang ngữ nghĩa hoàn toàn bất thường, cuộc đàm luận dựa trên lẽ phải kia sẽ vỡ vụn ra.
Ngụy biện theo lối rút lui định nghĩa dựa vào sự tráo đổi kín đáo một khái niệm bằng một khái niệm khác dưới lớp vỏ bọc lý giải ngữ nghĩa thực sự của ngôn từ. Giá trị minh chứng của một ngữ nghĩa có thể không đúng với kẻ thế vai. (“Thưa anh cảnh sát, khi tôi nói tôi không uống rượu, ý tôi là tôi không uống nhiều hơn lượng rượu bia trong một buổi tối xã giao thông thường.”)
Ngụy biện rút lui định nghĩa cho phép những người đã bị đánh bại trong tranh luận giữ thể diện bằng cách tuyên bố rằng anh này đang chỉ đưa ra một cái nhìn hoàn toàn khác biệt. Nó cũng cho phép một ngoại lệ khả dĩ bị loại trừ thông qua một cắt nghĩa mang nhiều tính giới hạn hơn.
“Anh không có chút kinh nghiệm đối đầu với khủng bố.”
“Tôi đã từng là cố vấn chống khủng bố cho chính phủ Malaysia và Singapore, và tôi đã học bốn năm tại Học viện chống khủng bố Mỹ.”
“Ý tôi là anh không có kinh nghiệm đối đầu với khủng bố tại Anh.”
(Anh này nên dùng một đất nước như Armenia cho an toàn hơn.)
“Khi tôi nói chúng ta bị thống trị bởi những tên bạo chúa, vốn dĩ tôi nói về những kẻ thu thuế và nhà cầm quyền chứ không phải nói về Đức vua.”
Ngụy biện rút lui định nghĩa là sự cầu viện yêu thích của các triết gia. Những định nghĩa họ đưa ra về “đạo đức”, “cái đúng” và thậm chí về bản thân “ý nghĩa” được thiết lập như những cánh cửa xoay cho các đồng sự của mình ném bóng vào. Khi thỉnh thoảng những cọc gôn trong môn cricket bị ném văng tứ tung, thay vì đường hoàng quay trở lại lều chờ lượt tiếp theo, triết gia này nhiều khả năng dựng lại những cọc gôn ở một điểm hơi khác một chút và chỉ ra rằng trái banh sẽ không cán trúng những cọc gôn này ở vị trí đó.
Đoạn văn của Lewis Carroll tổng kết ngụy biện này:
“Đây là vinh quang cho ngươi.”
“Tôi không hiểu ý anh là gì khi nói ‘vinh quang’”, Alice nói.
Humpty Dumpty cười khinh khỉnh. “Tất nhiên ngươi sẽ không biết cho đến khi ta nói cho ngươi nghe. Ý ta là ‘Có một lập luận hạ gục đẹp mắt giành cho ngươi!’”
“Nhưng ‘vinh quang’ đâu có nghĩa là ‘một lập luận hạ gục đẹp mắt’,” Alice phản đối.
“Khi ta dùng một từ,” Humpty Dumpty nói bằng giọng đầy khinh miệt, “nó chỉ có ý nghĩa đúng với cái ta chọn – không hơn không kém.”
Các bộ trưởng tài chính Anh cũng không thua kém. Họ có rất nhiều con số từ Bộ Tài chính, đơn vị mà nhiệm vụ duy nhất là tái định nghĩa những từ ngữ như “phát triển”, “đầu tư”, “chi tiêu”, và “chu kỳ kinh doanh”.
Khi bạn dẫn dắt những lập luận của mình vào một ngụy biện rút lui định nghĩa đúng lúc, nên tuyên bố ngữ nghĩa cho những từ ngữ ít hợp lý nhất. Nên có căn cứ nào đó đằng sau cách dùng. Một trong những cách hay là sử dụng vốn từ kỹ thuật dù rằng bạn bắt đầu bằng cách nói thông thường.
Tất nhiên, tôi sử dụng từ “kỳ vọng” theo cách của các chuyên gia thống kê, đó là nhân xác suất của lợi tức thu hồi với kích thước mẫu thống kê. Tôi không có ý sử dụng từ đó theo nghĩa chúng ta mong chờ điều gì xảy ra.
(Có lẽ là trừ khi nói về việc mong chờ một chú cá đang quằn quại trên chiếc lưỡi câu.)
Một công cụ hữu ích để thiết lập tường lửa cho một ngụy biện rút lui định nghĩa là phỏng định rằng mọi người đều hiểu ngữ nghĩa thứ hai của bạn và chỉ có người phê bình kia vì quá cầu kỳ mới không thấy điều đó:
Ai cũng biết rằng khi chúng ta nói về chuyện tàu lửa đúng giờ, chúng ta sử dụng định nghĩa đường sắt trong phạm vị mười phút của thời gian biểu.
(Dù sao thì bây giờ họ cũng làm vậy.)
Phủ định tiền kiện
Với phép Khẳng định hậu thức, ngụy biện Phủ định tiền kiện có hiệu quả với người không thực sự quan tâm não mình sẽ xem xét lại hay tiếp tục. Nó không thừa nhận khả năng rằng những sự kiện khác nhau có thể tạo ra những kết quả như nhau.
Nếu tôi ăn quá nhiều, tôi sẽ bị bệnh. Vì tôi chưa ăn nhiều, tôi sẽ không bị bệnh.
(Thử nốc cả chai whisky, làm chảy máu tay bằng cái đinh rỉ và ngồi ngoài cả đêm trong bộ đồ ướt xem sao.)
Tất nhiên, điểm mấu chốt ở đây là những sự kiện khác cũng có thể tạo ra kết quả tương tự, thậm chí nếu sự kiện được nhắc tới đó không xảy ra. Với các cấu trúc “nếu…thì”, khẳng định tiền kiện (phần “nếu”) và phủ định hậu thức (phần “thì”) không vấn đề gì. Cái mang tính ngụy biện là khẳng định hậu thức hoặc phủ định tiền kiện.
Nếu anh ta chậm, anh ta sẽ thua.
Vì anh ta không chậm, anh ta sẽ không thua.
(Nhưng anh ta có thể là một gã ngu xuẩn thì sao?)
Bạn có thể khẳng định tiền kiện: “Anh ta chậm; anh ta sẽ thua.” Bạn có thể phủ định hậu thức: “Anh ta không thua, do đó anh ta không thể chậm được.” Kiểu lập luận đầu tiên được gọi là Khẳng Định Luận, kiểu thứ hai gọi là Nghịch Đoạn Luận và cả hai đều là những phương pháp lập luận có căn cứ. Chính hai kiểu lập luận ngược lại với hai dạng lập luận trên mới là ngụy biện, thậm chí dù chúng khá giống với các dạng lập luận có căn cứ.
Phủ định tiền kiện là một ngụy biện vì nó chỉ quy một nguyên nhân cho một sự kiện trong khi có thể có rất nhiều nguyên nhân. Nó chối bỏ những khả năng khác có thể xảy ra.
Ngụy biện này thường xuất hiện khi đặt kế hoạch. Nó tạo ra niềm tin rằng nếu những thứ mang lại các hệ quả tai hại được loại trừ thì một kết quả vừa ý có thể đến:
Nếu tôi hút thuốc, uống rượu hay quan hệ tình dục thì cuộc sống của tôi sẽ ngắn lại. Tôi sẽ bỏ xì gà, rượu, phụ nữ và sống thêm một trăm năm nữa.
(Không. Một trăm năm nữa chỉ là cảm giác mà thôi.)
Ngụy biện này cũng xuất hiện với cường độ tương tự ở phạm vi quốc tế. Các quốc gia có thể tính toán những động thái mang lại hệ quả không như ý trong khả năng nhận thức của mình. Cái họ không thể làm được là bảo vệ bản thân mình trước những hậu quả còn tệ hại hơn bằng cách chỉ đơn thuần là tránh né những động thái trên.
Nếu chúng ta có quân đội mạnh, các quốc gia khác vì sợ điều đó có thể tấn công chúng ta. Do đó, bằng cách giải trừ quân bị, chúng ta sẽ loại trừ rủi ro đó.
(Cũng có thể, nhưng các quốc gia kia cũng có thể tấn công vì bạn không có khả năng trả đũa.)
Bạn có thể sử dụng khéo léo ngụy biện phủ định tiền kiện để hỗ trợ cho hoàn cảnh hiện tại của mình. Nó là loại ngụy biện vừa phải vì hầu hết những thay đổi chúng ta tạo ra không thể ngăn ngừa tất cả ác quỷ trên thế giới. Bằng cách chỉ ra khả năng cái chết và thuế má là kết quả của những hành động theo dự kiến, bạn có thể dụ dỗ người nghe bác bỏ những hành động này. Không nên để sự thật rằng dù gì đi nữa, cái chết và thuế má sẽ xảy ra ảnh hưởng đến thành công của bạn.