Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 06
Thủ tiêu ngoại lệ (Dicto simpliciter)
Ngụy biện Thủ tiêu ngoại lệ là kỹ thuật khái quát hóa, nó chính là việc áp dụng một nguyên tắc bao quát vào một tình huống cụ thể mà những đặc trưng của tình huống đó khiến nó trở thành một ngoại lệ. Khăng khăng rằng sự khái quát hóa phải được áp dụng cho tất cả các trường hợp bất chấp những khác biệt của các cá nhân chính là phạm vào ngụy biện Thủ tiêu ngoại lệ.
Anh là công nhân làm việc ở bến tàu và hiệp hội anh tham gia có 120.000 phiếu bầu ủng hộ giải pháp đó. Tất nhiên, anh cũng sẽ bỏ phiếu cho nó.
(Các anh em à, chúng ta đồng thuận và bỏ phiếu theo số đông.)
Rất nhiều phát biểu tổng quát của chúng ta không mang tính phổ quát. Theo hiểu biết đầy đủ, chúng ta phải cân nhắc những trường hợp có các đặc trưng ngẫu nhiên khiến chúng trở thành những ngoại lệ. Chúng ta có khuynh hướng nhận xét rằng có nhiều thứ khiến con người khỏe mạnh và biết rằng ý ở đây không muốn bao quát “tất cả” mọi người. Chúng ta đưa ra những khái quát hóa tương tự về thức ăn ngay cả khi chúng ta nhận ra vài người bị dị ứng với nhiều loại thức ăn.
Khi khăng khăng xem một tuyên bố khái quát mang tính phổ quát nghĩa là không có ngoại lệ nào, chúng ta đã phạm vào ngụy biện Thủ tiêu ngoại lệ. Ngụy biện này xuất hiện vì chúng ta sử dụng thông tin của cả nhóm lớn, trong khi thông tin này chưa được chấp nhận hay thiết lập. Do đó, chúng ta mang vào nhóm những tư liệu bên ngoài mà không xác minh những tư liệu này.
Ai cũng nghĩ rằng các thanh thiếu niên ăn mặc ngổ ngáo là tội phạm. Vì cậu trẻ ăn mặc ngổ ngáo này chưa vi phạm gì, cậu ta không còn ở độ tuổi thanh thiếu niên nữa.
(Hay chỉ đơn giản vì lúc đó cậu trẻ này được nghỉ học nên ăn mặc ngổ ngáo.)
Ngụy biện Thủ tiêu ngoại lệ xuất hiện bất cứ khi nào các cá nhân bị buộc phải thích nghi với mô hình chung của nhóm. Nếu họ bị đối xử theo cách của những nhóm hạn chế như “nhóm thanh thiếu niên”, “nhóm người Pháp” hay “nhóm những người bán hàng lưu động”, và bị cho là mang các đặc tính của nhóm, họ sẽ không có cơ hội thể hiện những đặc tính cá nhân của mình. Có những lý tưởng chính trị cố gắng đối xử với mọi người theo cách này, đối xử với họ chỉ như những thành viên của các nhóm phụ trong xã hội và cho phép họ đại diện thông qua một nhóm mà thực tế có thể không có chung giá trị.
Xem nào, anh là đầy tớ của dân. Đại diện của anh bỏ phiếu cho hành động này vì họ biết rằng nó có ích cho người dân. Vì thế nó chắc chắn phải tốt cho anh.
(Anh này chỉ mường tượng ra được những phần tiền công bị mất đi.)
Khi nói về những người mà chúng ta biết rất ít, chúng ta thường sử dụng ngụy biện thủ tiêu ngoại lệ với nỗ lực gắn lên họ những đặc tính của các nhóm mà họ thuộc về. Chỉ với thông tin một người hàng xóm lịch sự với bạn và lái chiếc xe ngon lành hơn, chúng ta cố gắng suy luận rằng anh này phải là giáo đồ Thiên Chúa Giáo hay một cầu thủ chơi bóng quần. Trong thực tế, giả định của chúng ta về những đặc tính lệ thuộc có thể đúng; sai lầm ở đây là giả định rằng nó phải đúng: “Tất cả chúng ta đều biết rằng trẻ em nhỏ con hơn các bậc cha mẹ. Giờ tôi 50 tuổi và cha tôi 80, tôi nhận ra mình cao hơn ông một chút. Có thể ông không phải cha tôi.”
Ngụy biện thủ tiêu ngoại lệ có thể được sử dụng để ép mọi người vào những hình mẫu rập khuôn. Vì họ thuộc nhóm người Pháp, vũ công ba lê và những kỵ sĩ, họ chắc chắn phải là những người tình tuyệt vời, nữ tính và chân vòng kiềng. Bạn phải chống lại những sự thật hiển nhiên được công nhận rộng rãi này để đưa ra những trường hợp cá nhân, nếu không chúng sẽ bị phủ định.
Bạn nên theo cách của các vị phụ huynh, sử dụng ngụy biện thủ tiêu ngoại lệ để dụ dỗ đứa trẻ làm cái bạn muốn thay vì cái chúng muốn:
Rau bina tốt cho sự phát triển của trẻ con. Con ăn hết đi.
(Nhưng hãy cẩn thận với cấu trúc “Tất cả trẻ em ngoan đều làm những việc như thế này”. Con cái của bạn có thể sẽ ra khỏi nhóm trẻ em tốt kia vì nhìn nhận bản thân chúng là một trẻ em hư.)
Ngụy biện phân hóa
Con ma sống của ngụy biện tổng thể chính là ngụy biện phân hóa. Khi chúng ta quy cho những cá nhân trong nhóm đặc tính nào đó chỉ đúng với tổng thể nhóm, chúng ta rơi vào ngụy biện phân hóa:
Những người nói tiếng xứ Wales đang biến mất. Dafydd Williams là một người nói tiếng xứ Wales, do đó Dafydd Williams sẽ biến mất.
(Không hẳn vậy. Chỉ có một nhóm người nói tiếng xứ Wales đang biến mất, chứ không phải tất cả các cá nhân trong đó biến mất.)
Chúng ta phạm phải ngụy biện này vì sa đà sử dụng các tính từ mô tả tổng thể vào những cá nhân tạo thành tổng thể đó:
Người Iceland là quốc gia lâu đời nhất trên thế giới. Điều này có nghĩa là Bjork phải già hơn những ngôi sao nhạc pop khác.
(Và trước khi bạn đến nhà cô này, hãy nhớ rằng những người Iceland sống xung quanh bùn nóng và núi lửa đang hoạt động.)
Cũng như ngụy biện tổng thể, nguồn gốc sai lầm trong ngụy biện phân hóa là sự tối nghĩa của các danh từ tập hợp. Cả hai loại ngụy biện này đều là hình thức ngụy biện lối nói lập lờ mà trong đó những ngữ nghĩa khác nhau của một danh từ làm đảo lộn tính có căn cứ trong lập luận. Chỉ có căn cứ khi cùng một ngữ nghĩa được sử dụng trong suốt lập luận. (Các sách Phúc Âm có bốn lời dạy. Lời dạy của thánh St. Mark là một cuốn Phúc Âm, do đó có bốn lời dạy của thánh St. Mark.)
Ngụy biện phân hóa thường được sử dụng một cách dối lừa để mang lại cho một cá nhân những uy tín thực ra thuộc về nhóm của người này.
Người Pháp chơi môn bóng bầu dục rất giỏi; Marcel là một người Pháp; hiển nhiên anh ta phải chơi giỏi môn bóng bầu dục.
(Nhưng vì người Pháp sản xuất ra rất nhiều sữa ít béo, Marcel chắc hẳn phải có những khả năng rất quái dị.)
California là một bang giàu có, do đó nếu anh ta đến từ bang này, anh ta chắc chắn phải có chút ít tài sản.
Chúng ta thường phạm phải ngụy biện này một cách không cố ý, quy đặc tính cho con người theo xuất xứ của họ. Hành động này có thể tích cực: Giảng dạy tại đại học Edinburgh thật tuyệt vời; Johnson dạy ở đó, do đó anh ta chắc chắn phải là hàng đầu, hoặc tiêu cực: Thụy Sỹ là một quốc gia rất thụ động, do đó tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể kỳ vọng quá nhiều sự chủ động từ những vị giám đốc Thụy Sỹ.
Một phiên bản có tính giải trí của ngụy biện này được gọi là ngụy biện phân hóa phức, và giả định rằng những nhóm con của tổng thể có cùng các đặc tính như nhóm mẹ. Trong phiên bản này, chúng ta gặp một cặp đôi Anh bình thường với 2,2 đứa trẻ của họ, đi bộ cùng 0,7 con mèo với 0,25 con chó. Họ có 1,15 chiếc xe, làm cách nào đó họ có thể bỏ vừa 0,33 nhà để xe.
Trong thế giới của ngụy biện phân hóa phức, một cặp đôi với hai đứa trẻ đang khắc khoải lo lắng vì họ biết rằng mỗi đứa trẻ thứ ba ra đời sẽ là người Trung Quốc. Trong thế giới thực, tất nhiên, chính những nhóm con khác nhau mới tạo thành các con số chung cho nhóm tổng thể. (“Phi công thực tập thường mất mạng, do đó tôi tưởng tượng rằng Trung úy Không quân Robinson không sớm thì muộn sẽ mất mạng.”)
Ngụy biện phân hóa có thể được sử dụng để ban tặng những công trạng không kiếm mà có cho bản thân bạn khi bạn là thành viên của những nhóm nhận được sự khen thưởng:
Để tôi giải quyết vấn đề này. Người Anh chúng tôi có kinh nghiệm lâu đời trong việc giải quyết tranh chấp hơn bất kỳ ai trên thế giới.
(Hầu hết những kinh nghiệm này đã có từ khi bất cứ ai trong chúng ta sinh ra đời.)
Nó cũng có thể được sử dụng để chôn vùi đối thủ trong những lời dè bỉu bằng cách tương tự để chỉ ra rằng đối thủ kia thuộc các nhóm không có vị thế cao.
Đối thủ của tôi đến từ Glasgow, một thành phố không nổi tiếng lắm về trí thông minh.
(Nếu điều này đúng, nhiều khả năng bởi vì những người thông minh, như đối thủ của bạn, đã rời bỏ nó.)
Ngụy biện cảm tính
Sẽ là một thế giới rất xa lạ nếu không ai trong chúng ta bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này vượt qua biên giới để đi vào lãnh thổ của ngụy biện lý luận khi chúng trở thành cách thức để quyết định tính hợp lý của một lập luận. Không nên để những cảm xúc ảnh hưởng đến hành vi ảnh hưởng đến khả năng phán xét dữ kiện của chúng ta. Trong khi việc tỏ ra thương hại một tội nhân có thể được chấp nhận, chắc chắn không đúng nếu để sự thương hại ảnh hưởng đến phán quyết liệu người này có phạm tội hay không.
Thừa nhận việc lý trí và cảm xúc có những phạm vi ảnh hưởng khác nhau cũng cũ mèm như thuyết phân hóa linh hồn của Plato. David Hume từng tuyên bố rất súc tích rằng đam mê thúc đẩy chúng ta hành động, trong khi lý trí định ra phương hướng cho hành động đó. Nói cách khác, cảm xúc thúc đẩy chúng ta làm mọi thứ nhưng lý trí cho phép chúng ta tính toán cái mình làm.
Dù phạm vi cư ngụ của cảm xúc và lý trí tách bạch nhau nhưng những nhà ngụy biện và kẻ bịp bợm từ lâu đã biết cách khiến cảm xúc xâm chiếm lãnh thổ của lý trí. Khi được quất roi, cảm xúc có thể như một con ngựa phi nước đại dễ dàng vượt qua hố ngăn giữa lãnh thổ của chúng với lý trí. Số lượng ngụy biện cảm tính cũng nhiều bằng số cảm xúc có thể được gợi lên.
Ngoài những cảm xúc đủ quan trọng hay phổ biến để nghiên cứu riêng, có một danh sách hỗn hợp đủ loại cảm xúc được bổ sung bằng tiếng Latin, có thể được dùng lúc này hay lúc khác để dẫn dắt lý trí lạc ra khỏi hướng đi dự định ban đầu. Người thủy thủ bất cẩn có thể bị mê mẩn trước tiếng gọi đầy quyến rũ của ngụy biện kêu gọi sự sợ hãi (argumentum ad metum), lòng đố kỵ (ad invidiam), sự ghen ghét (ad odium), mê tín (ad superstitionem) và lòng kiêu hãnh (ad superbiam). Thậm chí còn nhiều cảm xúc khác xúi giục sự ưu ái của chúng ta cho khoảng thời gian yên tĩnh với ngụy biện kêu gọi sự cân bằng (ad modum), và ngụy biện tuyên bố thẳng thừng rằng cảm xúc là yếu tố dẫn dắt tốt hơn lý trí (sentimens superior). Trừ khi chúng ta phòng ngự thành công một cách tinh tế trước súc hút của những cảm xúc này, chẳng khác nào các thủy thủ của Odysseus bịt tai lại trước lời mời gọi đầy cám dỗ của những nàng tiên cá, còn không rất khó để không bị ảnh hưởng. Tiếng gọi đó chứa đựng tính hiệu quả bền vững của những ngụy biện.
Những ai vẫn phản đối giải trừ vũ khí hạt nhân nên nghiên cứu thêm về ảnh hưởng của một vụ nổ lò nhiệt hạt nhân. Vụ nổ đó có thể đốt cháy nhãn cầu và làm bốc hơi da thịt người từ khoảng cách rất xa.
(Ngụy biện kêu gọi sự sợ hãi này có thể bị cường điệu hóa bằng các bức ảnh, bộ phim và những mô phỏng cháy nổ, cũng như bất cứ thứ gì khác có thể làm thính giả mất tập trung khỏi việc đặt câu hỏi liệu giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ làm gia tăng hay giảm bớt nguy cơ của vụ nổ nói trên.)
Robinson không thể nào giải quyết vấn đề này được. Nếu thế thì anh ta giỏi hơn cả chúng ta rồi.
(Đúng. Đố kỵ không thay đổi kết quả dù rằng một ngụy biện đố kỵ đúng lúc có thể thuyết phục mọi người không tin vào điều này.)
Bí quyết để sử dụng loại ngụy biện này rất đơn giản. Hãy chịu khó khám phá tính khí của người nghe và sử dụng ngôn ngữ được toan tính trước để khuấy động cảm xúc của họ. Khi bạn đã siêng năng xây dựng ngôn ngữ đó bằng những miêu tả sinh động, hãy đem nó vào vấn đề đang thảo luận. Rất ít người có thể dập tắt những miêu tả này ngay; đa phần mọi người sẽ cho phép chúng xâm nhập vào khu vực thảo luận thông thường chỉ dành cho những đánh giá lý trí. Kêu gọi sự sợ hãi, lòng đố kỵ, ghen ghét, kiêu hãnh hay mê tín không khác gì nhau. Thực tế, bạn có thể sử dụng luân phiên chúng. Lòng kiêu hãnh chủng tộc, đẳng cấp hay quốc gia có thể được kêu gọi, thậm chí ngay cả khi sự đố kỵ người khác đã được thiết lập có lẽ đến mức độ của ngụy biện ghen ghét.
Ngụy biện cân bằng (argumentum ad modum) xứng đáng được đặc biệt nhắc tới vì nó gợi lên mong muốn tiệm tiến luận trong người đối thoại. Một người dễ bị công kích nhất khi họ đang cố trở nên có lý. Họ cào bằng lý trí với cảm giác về cuộc sống thanh bình với suy nghĩ rằng cái gì đó được chấp thuận theo cách đúng nhiều khả năng sẽ đúng hơn. Giống với ngụy biện tính khí (argumentum ad temperantiam), kêu gọi đưa ra giải pháp cân bằng giữa hai thái cực, ngụy biện cân bằng nhắc nhở rằng hầu hết những châm ngôn cổ xưa khuyến cáo sự hài hòa trong tất cả mọi việc. Bạn nên luôn tinh tế trong cách thức dẫn dụ để nhử thính giả khỏi lý trí:
Hãy suy nghĩ hợp lý về vấn đề này.
(Một lời kêu gọi mạnh mẽ cho cuộc sống thanh bình.)
Ngụy biện cảm xúc (sentimens) là một ngụy biện thông minh. Tuyên bố ngu ngốc của nó rằng cảm xúc dẫn dắt tốt hơn có khả năng cám dỗ những thính giả thông minh nhất. Người thông minh thường sợ bị nhìn nhận như kẻ lạnh lùng vì họ sử dụng quá nhiều lý trí. Họ không muốn mình trông có vẻ thiếu tình cảm và do đó sẽ trở thành những con mồi ngon lành khi nói với họ rằng họ cũng nhạy cảm, có lòng thương yêu và trắc ẩn như cái con người chán ngắt ngồi kế bên. Tuyên bố này cho phép họ lừa dối rằng mình được đón nhận theo nếp thông thường chứ không phải theo một cách biệt lập. Họ vui lòng từ bỏ lý trí của mình như cái giá phải trả cho chiếc vé vào thế giới loài người.
Một cá nhân có thể bị gài bẫy bởi ngụy biện cảm xúc và rời khỏi góc nhìn suy tính cẩn trọng của mình sau khi được cam đoan rằng người này cũng quan tâm đến nhân loại nhiều như những người khác. Sự phản bác khó có thể được xem là một phản ứng tích cực. Một đám đông càng dễ bị dắt mũi bởi cảm xúc hơn. Hiếm khi tôi thấy một cuộc họp quốc tế nào không đứng dậy tung hô một gã khờ già nua − người thúc giục họ hãy từ bỏ lý trí và tập trung vào việc thương yêu lẫn nhau.
“Hầu hết các vấn đề trên thế giới bắt nguồn từ việc con người cố gắng suy nghĩ giải quyết vấn đề thay vì phản ứng tự nhiên bằng sự nồng ấm và nhân văn. Chúng ta nên phớt lờ sự thật về những tay độc tài ở Thế giới thứ Ba và giơ bàn tay ra với những tình cảm yêu thương đong đầy trong tim…”
(Giỡn chơi à.)
Ngụy biện lối nói lập lờ
Lối nói lập lờ có nghĩa là sử dụng từ ngữ một cách tối nghĩa. Hành động này thường được thực hiện với toan tính lừa dối, thậm chí nó có thể lừa dối cả người phạm ngụy biện. Ngụy biện lối nói lập lờ xảy ra khi ngôn từ được sử dụng với nhiều hơn một nghĩa, thậm chí dù rằng lý luận hợp lý yêu cầu cần phải giữ nguyên ngữ nghĩa suốt cả quá trình.
Hạnh phúc là kết thúc của cuộc sống;
Kết thúc cuộc sống là cái chết;
Do đó hạnh phúc là chết.
(Hình thái lập luận này có căn cứ, tuy nhiên cụm từ “kết thúc cuộc sống” đề cập đích đến trong vế đầu tiên của lập luận nhưng lại ám chỉ sự kết thúc trong vế thứ hai. Với khám phá này, chúng ta có thể giải được hàng triệu câu hỏi hóc búa của các cậu học sinh nam.)
Nửa ổ bánh mì hơn là không có gì;
Không có gì quan trọng hơn sức khỏe;
Do đó nửa ổ bánh mì quan trọng hơn sức khỏe.
Sử dụng lối nói lập lờ chính là sai lạc vì nó chiêu dụ chúng ta chuyển khái niệm chúng ta đã sẵn sàng chấp nhận sang một khái niệm khác vô tình có cùng tên gọi. Lý luận, cái xử lý mối quan hệ giữa các khái niệm, trở nên vô dụng nếu tự thân các khái niệm thay đổi.
Không thể tìm thấy voi ở Anh, do đó nếu bạn có một con thì đừng làm mất, nếu không bạn sẽ không bao giờ tìm ra nó.
(Từ “tìm thấy” có thể đại diện cho hai khái niệm ở đây.)
Rất nhiều cách dùng ngụy biện lối nói lập lờ có thể dễ dàng bị phát hiện. Nhưng nhiều cách không thể phát hiện được. Các ông thầy bói chuyên dùng lối nói lập lờ để bảo vệ bản thân trước những kết quả khác nhau. Chính trị sẽ là một nghệ thuật hoàn toàn khác nếu không sử dụng lối nói lập lờ. Các trao đổi trong kinh doanh cũng vậy:
Anh có thể an tâm rằng lá thư của anh sẽ nhận được đầy đủ sự quan tâm mà nó xứng đáng được nhận.
(Khi nó bay theo đường parabole rất đẹp vào thùng rác.)
Bất cứ ai thuê Smith làm việc đều sẽ trở nên rất giàu.
Chơi chữ và những câu nói đùa trong nhà hát thường dựa vào ngụy biện này.
Calvin Coolidge nhận được câu hỏi:
Ông thấy ca sĩ đó biểu diễn thế nào?
(Ông này trả lời: “Tôi hoàn toàn tán thành.”)
Lời khuyên dành cho ứng viên chính trị khi đối phó với ủy ban tuyển chọn là “Khi chưa rõ vấn đề, hãy nói mập mờ.” Sự thực là bạn không thể lúc nào cũng làm hài lòng tất cả mọi người nhưng bạn có thể thành công khi lừa gạt hầu hết những người này trong phần lớn mọi chuyện. Ứng viên này cam đoan với những người thiên về hình phạt tử hình rằng ông muốn những hình phạt thật “thực tế” cho tội danh giết người. Với những người ở phe đối lập, ông muốn một sự “cân nhắc mang tính nhân đạo”. Nhưng thật ra ông này có thể ủng hộ cả những hình phạt thực tế nhẹ nhàng hay một án tử hình nhân đạo.
Lối nói lập lờ là một khối hồ đặc biệt hữu hiệu để hàn gắn vết nứt trong những bất hòa quốc tế. Nó chắp nối những mâu thuẫn không thể dung hòa với một kết thúc trơn tru và không tì vết. Rất nhiều cuộc thảo luận đầy đủ và thẳng thắn đã kết thúc trong vui vẻ bằng một hiệp ước chung, trong đó cách hành ngôn được lựa chọn cẩn thận để mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau với các bên ký kết.
Từ vựng của lối nói lập lờ có thể học được từ phòng trưng bày của Hạ Nghị Viện. Nếu bạn có một ghế ở đó thì không có gì để học cả.
Một khi bạn đã sử dụng thông thạo và lưu loát những cụm từ như “có sự quan tâm xứng đáng cho”, bạn có thể đi tiếp sang những hình thái tinh tế hơn của ngụy biện này.
Chà, tất cả đều phụ thuộc vào ý của bạn thôi.
(Bạn có thể cho rằng điều này quá hiển nhiên. Bạn sai rồi.)