Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 09
Ngụy biện di truyền
Ngụy biện di truyền không liên quan gì đến Darwin hay Mendel nhưng liên quan rất nhiều đến hành động ghét bỏ xuất xứ của một lập luận. Mọi người ít tôn trọng những quan điểm xuất phát từ những người họ ghét dù rằng các quan điểm đó thật sự có giá trị. Mỗi khi bạn gạt bỏ một lập luận hay một quan điểm vì bạn không thích nguồn gốc của nó, bạn đã phạm phải ngụy biện di truyền. Ngụy biện này đôi khi được gọi là “chê bai xuất xứ” và khi ta sử dụng ngụy biện này thì lập luận cũng như nguồn gốc của nó cùng nhau bị đày xuống địa ngục.
Đừng quá ám ảnh với việc phải đúng giờ. Mussolini từng muốn các đoàn tàu phải chạy đúng giờ.
(Những quan điểm của nhà độc tài người Ý Mussolini dù là quan điểm gì cũng khó trở thành một lập luận bảo vệ việc đúng giờ. Những người xấu, đặc biệt là những kẻ xấu hay nói nhiều, hầu như chắc chắn thỉnh thoảng phải nói gì đó đúng, cũng như khả năng con tinh tinh gõ bậy bạ và gõ ra vở Hamlet. Không nghi ngờ gì, Hitler rất đồng ý với việc an toàn đường xá và không thích bệnh ung thư. Mussolini cũng có thể gặp may mắn với chủ đề những đoàn tàu.)
Ngụy biện di truyền phạm sai lầm khi cho rằng nguồn gốc của một lập luận ảnh hưởng đến giá trị của nó. Những người xấu xa đôi khi đưa ra những lập luận có giá trị trong khi những vị thánh không miễn nhiễm trước sự ngớ ngẩn. Lập luận đứng một mình, không liên quan đến sức mạnh hay sự yếu thế từ nguồn gốc của nó.
Ngụy biện này thường được tìm thấy khi đang nằm phơi nắng trong ngôi nhà kính của những ý tưởng hợp thời. Một quan điểm từ một nguồn hợp thời được coi trọng hơn nhưng cũng chính quan điểm đó sẽ bị bác bỏ nếu nó xuất phát từ ai đó ít theo thời cuộc hơn.
Những phản bác về thời gian biểu xe buýt mới của Hội đồng chỉ do những tay kinh doanh bất động sản đưa ra và có thể bỏ qua không cần xét tới.
(Tại sao? Những người kinh doanh bất động sản có thể có các ý kiến hợp lý hoặc có hiểu biết về những vấn đề như vậy. Than ôi, họ là những người bị ghét bỏ trong thế giới chính trị. Nếu những phản bác đó đến từ nhóm Bạn bè của Trái đất chắc nó sẽ được lắng nghe kỹ càng hơn.)
Ngụy biện di truyền hiển hiện rõ ràng nhất trong những quan điểm gây dị ứng của một vài nhân vật bị ghét bỏ trên toàn thế giới. Chỉ cần liên tưởng hình ảnh của Adolf Hitler với một quan điểm của ông này cũng đủ để chê bai nó. Người tiền nhiệm của Hitler, Thành Cát Tư Hãn và vua Hung Nô Attila có ít tư liệu hơn nhưng có rất nhiều đặc tính được đổ lên đầu họ. Trong vài trường hợp đặc biệt, cái tên bị ghét bỏ trở thành tính từ như chỉ cần Machiavellian (quỷ quyệt) hay Hitlerian (phát xít) là đủ để khiến những người tử tế không thèm mảy may cân nhắc một quan điểm nào đó.
Thay đổi gen di truyền là hành động phát xít. Đó chính là thứ Hitler từng cố làm.
(Thực ra, điều mà Hitler muốn làm là nhân rộng giống nòi theo ông là thượng đẳng, điều này không nhất thiết giống với việc cố gắng loại bỏ sự rối loạn gen di truyền bằng phương pháp cắt nối gen. Trong liên tưởng nổi tiếng của ông, ông ngạc nhiên trước sự phát triển của ngành nuôi ngựa thuần chủng và cấy giống chó. Volkswagens và những con đường xa lộ ở Đức có vẻ đã tiến xa trong vấn đề này.)
Để sử dụng ngụy biện di truyền tạo ra hiệu ứng hủy diệt, tất cả những gì bạn cần làm là chỉ ra rằng đối thủ của bạn đang bắt chước những lập luận từng được đưa ra trong Đức Quốc Xã, sau đó được Augusto Pinochet và Saddam Hussein sử dụng. Mặt khác, bạn đang theo những quan điểm của Mẹ Teresa, Công Nương Diana và cô bảo mẫu Mary Poppins…
Lý lẽ khuất bán
Trong một ngụy biện lý lẽ khuất bán, bản thân ngôn từ diễn đạt một tuyên bố rất giới hạn nhưng được nhấn mạnh và cấu trúc theo cách nào đó để những giá trị thực được che đậy. Dù rằng những giới hạn đã được nêu ra, người nghe khó lòng chú ý đến chúng khi đang thảo luận một phát biểu tổng quát hơn.
Thực tế mỗi lần nới cung tiền đều dẫn đến hậu quả là trong vòng 16 tháng, giá cả chung sẽ tăng theo tỷ lệ tương ứng.
(Đây là phát biểu kinh điển của người theo chủ nghĩa phản tiền tệ. Hãy lưu ý đến từ đầu tiên của câu − chẳng ai để ý đến từ này cả.)
Trong ví dụ này, từ thể hiện giá trị “thực tế” bị che khuất phân nửa bởi sự nhấn giọng vào cụm từ “mỗi lần”. Nếu có những trường hợp không theo quy luật này, người nói luôn có thể rút lui và chỉ ra rằng phát biểu khẳng định trên không bao quát tất cả trường hợp.
Có một ngụy biện vốn đưa ra một phát biểu giới hạn, sau đó lại tham gia vào thảo luận như thể đó là một phát biểu tổng quát. Thông tin quan trọng là phát biểu khẳng định trên không áp dụng cho tất cả các trường hợp bị bỏ sót khỏi những cân nhắc đúng mực. Việc đã nêu ra giới hạn này trong tuyên bố không làm mất đi tính ngụy biện ở đây. Thực tế là giá trị đích thực đã bị che đậy phân nửa khiến không ai chú ý đến nó và từ đó loại bỏ những thông tin liên quan.
Mối liên hệ giữa hiện tượng yêu tinh và những vấn đề tâm lý học giờ đã được chứng minh rõ ràng. Trong hầu hết các trường hợp đổ bể không giải thích được và những vật thể chuyển động, có một đứa trẻ phá phách ở nhà.
(Và vì không ai chú ý đến từ “hầu hết” cả, chúng ta không cần nói về những trường hợp khác.)
Lý lẽ khuất bán được sử dụng rộng rãi trong việc bảo vệ những lập luận nửa vời. Khi thiếu những bằng chứng để thiết lập một sợi dây liên kết đầy đủ, ngụy biện này che đậy vết nứt. Khoa học và triết học không chấp nhận những ngoại lệ chưa được lý giải. Newton chắc sẽ chẳng nổi tiếng nếu nói với chúng ta rằng các vật thể thường bị hút về phía nhau bằng một lực thay đổi nghịch đảo với bình phương khoảng cách giữa các vật đó. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường nhật, chúng ta ít nghiêm khắc hơn và do đó, ngụy biện này có cơ hội biến những lập luận nửa vời thành đầy đủ.
Cây cọ thường không mọc ở Anh, do đó cái cây này phải là giống cây gì đó khác.
(Thường thì anh này đúng nhưng cũng có những ngoại lệ.)
Kỹ thuật lừa đảo tâm lý được đề xuất dựa trên những khẳng định không đầy đủ về việc chi phối cách con người hành động nói chung.
Hầu hết hành vi phạm tội đều do trẻ vị thành niên gây ra, và hầu hết những kẻ phạm tội này đến từ các gia đình tan vỡ. Câu trả lời cho tỷ lệ phạm tội gia tăng này không phải là có nhiều cảnh sát hơn mà là nhiều trung tâm tư vấn gia đình hơn.
(Có thể đúng. Hãy hy vọng rằng các chuyên gia tư vấn có nhiều lý lẽ như lập luận này.)
Có một nét tính cách chung của con người sẽ giúp bạn thoát tội khi sử dụng ngụy biện giá trị khuất bán. Đó là tính sẵn sàng hướng suy nghĩ vào các trường hợp phù hợp hơn là những trường hợp không phù hợp. Khi đưa ra những phát biểu giới hạn, chẳng hạn như “Hầu hết các sếp đều tán tỉnh thư ký của mình”, nhiều người sẽ nghĩ về những trường hợp sếp tán tỉnh thư ký mà họ biết. Rất ít người nghĩ ngay đến những ông sếp không làm việc này. Bạn có thể sử dụng khuynh hướng này để chiêu dụ nhiều người tin vào tuyên bố của mình hơn.
Gần như người Cambridge nào làm việc ở Văn phòng Ngoại giao hay Cục an ninh cuối thập niên 1940 đều trở thành gián điệp hay kẻ phản bội. Tại sao chúng ta không giảm bớt thiệt hại, đuổi hết số người còn lại và đừng thuê mướn thêm ai nữa?
(“Gần như người nào” trong trường hợp này ám chỉ một số người; nhưng mọi người sẽ nghĩ về các vụ án bị phanh phui mà họ đã đọc được đâu đó hơn là những trường hợp họ không biết.)
Rào trước
Rào trước là rào xung quanh những lập luận cũng như rào cánh đồng để ngăn ngừa chúng khỏi bị giày xéo. Rào lập luận nghĩa là trú trong các ý tối nghĩa để sau này có thể thay đổi ý nghĩa. (“Tôi nói điều cuối cùng chúng tôi muốn ở Trung Đông là một cuộc chiến toàn lực và tôi vẫn theo quan điểm đó. Cái chúng ta đã và đang dấn thân vào là một cuộc chiến có giới hạn…)
Rào trước đòi hỏi phải chuẩn bị trước một sự rút lui có định nghĩa. Những từ và cụm từ được chọn lựa rất kỹ lưỡng để vẫn còn quyền chọn lựa thay đổi sang những định nghĩa khác. Các lập luận và ví dụ đối lập đang trên đà đánh quỵ người tranh cãi đột ngột gặp một vật cản đường trong khi đối tượng hướng đến của chúng đang đứng ở một chiến tuyến khác. (“Tất cả những gì tôi đã nói là tôi sẽ về nhà vào một thời điểm thích hợp. Tôi nghĩ rằng ba giờ sáng là một thời điểm thích hợp theo quan điểm từ trước tới giờ của tôi.”)
Rào trước mang tính ngụy biện vì nó đưa ra nhiều hơn hai lập luận trong lớp vỏ bọc một lập luận. Những cách cắt nghĩa khác được âm thầm đưa vào tuyên bố chẳng khác nào những người bạn đồng hành của Odysseus kín đáo bám vào dưới bụng của những con cừu. Hy vọng ở đây là, người nghe, cũng như những tên Khổng lồ một mắt bị mù, sẽ không thấy được sự khác biệt. Hiệu ứng của ngụy biện rào trước là truyền tải hữu ý một cách vô ý nhất những thông tin mà người ta muốn truyền tải.
Các thầy bói chắc chắn sẽ rất tội nghiệp nếu không rào trước để tạo cho bản thân mình nhiều hơn một cơ hội. Cũng như việc bạn rào trước rủi ro trong đặt cược bằng cách cược nhiều hơn vào một con ngựa, trong tiên đoán bạn cũng có thể đặt cược vào nhiều hơn một kết quả.
Hãy tàn bạo, gan góc, và kiên quyết; cười trước sự khinh rẻ/ Sức mạnh của người đàn ông, cái không phụ nữ nào có/ Sẽ làm hại Macbeth.
(Sự rào trước nằm ở chỗ các phù thủy không nói với Macbeth rằng miêu tả này không áp dụng cho những người như Macduff sinh ra từ dòng dõi Caesarian. Macbeth nhận ra điều này sau một phát ngôn rào trước lớn di chuyển từ Birnam sang Dunsinane.)
Hầu hết những nhà tiên tri và các tay bán bảo hiểm đều nổi tiếng xấu xa vì sử dụng phép rào trước: vài người rào trước xa đến khó tưởng. Các thế kỷ mà nhà tiên tri Nostradamus nói đến quá không rõ ràng và có thể được dịch ra theo quá nhiều nghĩa đến nỗi chúng có thể được sử dụng để dự đoán hầu như mọi thứ. Mọi người nói rằng họ thấy trong đó những lời tiên tri chi tiết và chính xác đến kinh ngạc. Không chỉ Napoleon và Hitler, mà cả những giáo hoàng và chính trị gia gần đây cũng xuất hiện từ những trang tiên tri của ông. Tuy nhiên với những lời tiên tri rào trước, có những dấu hiệu cho thấy chân tướng của chúng. Mọi người rất giỏi trong việc tham khảo những lời tiên tri của Nostradamus với cái đã xảy ra. Họ không thành công lắm trong việc tìm ra đầu mối chính xác của những sự kiện sắp xảy ra. Cũng có một sự giống nhau lạ kỳ trong cách mà những thế hệ sau nhận ra rằng những tiên tri của ông này là đúng vào thời điểm của họ.
Sự thiếu trung thực là một khía cạnh quan trọng của phép rào trước. Sự tối nghĩa được thêm vào một cách tinh tế với mục đích đánh lừa và chứng minh ngụy biện kia là đúng, dù sự việc có xảy ra như thế nào đi chăng nữa. Những thầy bói trong các hội chợ núp an toàn sau hàng rào của mình bằng cách nói với bạn rằng, số của bạn là số phải di chuyển nhiều (mặc dù đó chỉ có nghĩa là bạn sẽ di chuyển trên chiếc xe buýt số 36 về nhà). Các chuyên gia kinh tế lại càng chủ tâm hơn trong việc trốn đằng sau phép rào trước, khi nói rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ, và điều đó sẽ ngăn cản sự thay đổi lớn của nền kinh tế thế giới; (trong khi mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn chính là nhờ vào sự thay đổi lớn của nền kinh tế thế giới.)
Rào trước đòi hỏi phải lên kế hoạch. Rất ít người có thể nghĩ ra ngay những cách nói tối nghĩa theo tình huống; chúng ta thường tìm thấy chúng trong những phát biểu được chuẩn bị trước hơn là trong một nhận xét ngẫu hứng. Bạn nên chuẩn bị một kho những cách nói có vẻ đơn giản từ một góc nhìn nhưng lại được trang trí đầy rẫy những hàng rào phòng hộ khi tới gần.
Tôi sẽ tìm tờ chi phiếu trả trực tiếp đến tài khoản ngân hàng của bạn.
(Khi nào?)
Ngụy biện Công kích cá nhân (Hominem (abusive), argumentum ad)
Nếu bạn không thể công kích một ngụy biện, hãy công kích người tranh luận. Dù sự sỉ vả tự bản thân nó không mang tính ngụy biện, nó được tạo ra theo cách toan tính trước để làm giảm giá trị lập luận của đối phương và khuyến khích thính giả ít coi trọng lập luận đó hơn giá trị thực sự của nó. Khi xảy ra hiện tượng này, người nói đã thực hiện phương pháp ngụy biện lạm dụng Công kích cá nhân.
Bác sĩ Green tranh luận rất hợp lý để bảo vệ phương pháp dùng florua. Tuy nhiên ông này không nói cho chúng ta biết rằng ông cũng chính là người mười năm trước đã xuất bản những bài viết ủng hộ phương pháp chết êm ái cho người già và tục giết trẻ sơ sinh.
(Trừ khi lập luận của ông này là florua sẽ giết chết người già và trẻ nhỏ hiệu quả hơn, khó mà thấy được chuyện này có liên quan gì tới những lập luận bảo vệ hay chống lại chất florua.)
Ngụy biện này, cũng như hầu hết những ngụy biện liên quan đến tính xác đáng, nằm ở chỗ lập luận không được cân nhắc bằng chân giá trị của nó. Nói đúng ra, không được đem giá trị của người tranh luận vào lập luận. Thậm chí cả ngành quan hệ công chúng cũng không phải luôn mắc sai lầm. Chỉ vì chúng ta lưỡng lự không chịu nhìn nhận một điều là, những lập luận tốt và hợp lý cũng có thể đến từ một nguồn xấu xa và ngu xuẩn, như thế ngụy biện Công kích cá nhân mới có đất dụng võ.
Giờ chúng ta xét đến lập luận của giáo sư Robinson trong việc ủng hộ việc sát nhập hai trường đại học. Cũng khá lâu rồi, kể từ hồi giáo sư bị kết án lái xe khi đang say rượu ba năm về trước, nhưng chúng ta cũng phải tự hỏi bản thân mình…
(Hãy lưu ý sự phản bác theo đúng trình tự kia. Thường nó là dấu hiệu của ngụy biện lạm dụng công kích cá nhân, “Tôi không muốn trở nên nham hiểm nhưng… ”)
Có rất nhiều hình thái của dạng ngụy biện này, vài hình thái chuyên biệt hóa tới nỗi chúng được xác định và đặt tên như những ngụy biện riêng biệt. Để sử dụng thành công đòi hỏi một nỗ lực gan lì để khiến hành động lạm dụng trông có vẻ có liên quan đến vấn đề đang được cân nhắc. Việc sử dụng những công kích cá nhân để gây ra nghi ngờ trong những lập luận của người tranh luận là một phương pháp khả dĩ.
Những luật sư khi kiểm tra chéo các nhân chứng không thân thiện thường giẫm lên biên giới rõ ràng giữa việc “thiết lập hồ sơ tính cách của một nhân chứng” với một phép Công kích cá nhân đơn giản được lạm dụng để khiến lời khai mất tín nhiệm. Tương tự, việc sử dụng nhân chứng để buộc tội thường bước sang ranh giới của ngụy biện.
Đấu trường chính trị là một vùng đất màu mỡ, trong đó các ngụy biện mọc đầy như cỏ dại, còn những ngụy biện khác như những nụ hoa được chăm bón kỹ càng. Ngụy biện lạm dụng Công kích cá nhân là một trong những chủ đề chính trong thời gian chất vấn nghị viện.
Tôi muốn lưu ý Hạ viện nhớ cho rằng trong thời kỳ người chất vấn tôi còn đang đương nhiệm, tình trạng thất nghiệp và lạm phát tăng gấp đôi, và lương bổng giảm sút gần như bằng tốc độ tăng giá. Và ông ấy vẫn có đủ can đảm để hỏi tôi về tương lai của ngành khai mỏ.
(Phát biểu của ông này có nghĩa là “miễn bình luận” trong hình thái nói lằng ngoằng khó hiểu.)
Vài tranh luận nghị viện chất lượng kém có thể được báo chí phơi bày. Chừng nào còn những tay nhà báo nịnh bợ sẵn sàng ca tụng những ngụy biện lạm dụng Công kích cá nhân như một “lời đáp trả tuyệt vời” thì sẽ vẫn còn những chính trị gia ngồi miệt mài trong đêm để soạn ra những viên ngọc quý như câu “giống như bị một con cừu chết giẫm đạp lên.” Họ trình bày chúng trước thính giả.
Các quy tắc cần nhớ khi sử dụng ngụy biện này là các tư liệu đối đầu đầy thù địch của bạn cần phải được giới thiệu để người ta trông thấy ở bất cứ nơi nào có thể và nó nên được cấu trúc để liên tưởng đến câu hỏi liệu đối thủ của bạn có đáng được cân nhắc bởi những thính giả rất đáng kính và nghiêm túc này không khi cả hai đang cùng trình bày quan điểm.
Tôi rất khó xử khi phải đưa ra những tấm ảnh và lá thư này. Tôi hỏi bạn, liệu hội đồng này sẽ ra sao, nếu người ta thấy chúng ta bị ảnh hưởng trong các quyết định chính sách về chiếc cầu treo mới, bởi một người có hành vi xấu với một bé gái 11 tuổi xúc phạm đến tất cả chuẩn mực hành vi công và tư, cái mà chúng ta dưới tư cách một hội đồng có nhiệm vụ thiêng liêng phải bảo vệ.
(Coi chừng phía dưới.)
Ngụy biện hoàn cảnh (Hominem (circumstantial), argumentum ad))
Trong Ngụy biện hoàn cảnh, lập luận ở đây là những hoàn cảnh đặc biệt của người mà bạn đang tranh luận. Thay vì cố gắng chứng minh luận điểm đúng hay sai dựa trên bằng chứng, luận điểm này được thúc giục thông qua vì lý do tình thế và lợi ích của những người liên quan.
Bạn không thể chấp nhận tính chính thống của việc cho vay lấy lãi được. Bạn là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, và Chúa Giê-su đuổi những kẻ cho vay tiền ra khỏi thánh đường.
(Đây không phải là một lập luận tổng quát. Ví dụ, nó không có tác dụng mấy với người Hindu hay Hồi giáo. Người nghe bị lôi vào quyết định đồng thuận vì ý thức Thiên Chúa Giáo của mình.)
Tương tự, mọi người có thể được yêu cầu chấp nhận một quan điểm, bởi vì hoàn cảnh của họ với vai trò là những thành viên của một đảng chính trị, trong khi đảng phái kia đang ủng hộ quan điểm đó. Trong phiên bản ngụy biện này, sai lầm đến từ việc mang tình thế cụ thể của thính giả vào cái đang được thúc giục, để trở thành một sự thật được chấp nhận rộng rãi. Trong khi các chiến thuật như vậy có thể thuyết phục được những đối tượng thính giả cụ thể, chúng sẽ không hình thành được cái đúng và sai, hay sự thật và sự dối trá của một phát biểu.
Không ai trong trường đại học này phản đối chuyện trao ngân sách của bang cho những dịch vụ được trợ cấp, nếu không thì các anh sẽ không ngồi trong một nơi được trợ cấp thế này.
(Thực ra thì các sinh viên phản đối những bang khác.)
Một biến thể của ngụy biện này gạt bỏ ý kiến của người khác, bằng cách khẳng định rằng ý kiến đó chỉ đúng với những hoàn cảnh đặc biệt của họ. Ngụy biện này cho rằng một vị giám đốc công ty dầu chỉ hướng đến lợi ích doanh nghiệp của ông này khi đưa ra ý kiến về nguồn cung năng lượng trong tương lai. Đầu tiên, vị giám đốc này có thể có cái nhìn độc lập khác với cái nhìn trong doanh nghiệp của ông. Thứ hai, không gì có thể chắc rằng cái nhìn của doanh nghiệp kia là không đúng dù rằng nó có thể mang tính chất tư lợi. Ngụy biện xuất hiện trong phiên bản của lập luận này thông qua hành động bác bỏ bừa bãi những tư liệu nhiều khả năng liên quan cũng như mang vào những tư liệu không liên quan, ví dụ như hoàn cảnh của thính giả. Thậm chí nếu có thể cho thấy được tại sao đối phương suy nghĩ như vậy, nó cũng không cho thấy anh này sai. (“Vì là một người yêu thích opera, bạn sẽ là người đầu tiên đồng ý rằng chúng ta cần trợ cấp cho bộ môn nghệ thuật này.”)
Kỹ thuật sử dụng những tình huống đặc biệt xuất hiện trong lập luận được trình bày trước những chuyên gia. Thành ngữ Mỹ “Xây dựng một thể chế” thường nói về quá trình kết hợp lại đủ nhiều những nhóm lợi ích, tất cả các nhóm này đều ủng hộ cho những tình huống đặc biệt của họ. Một chính trị gia lão luyện, nếu quá thận trọng, có thể xây dựng một nền tảng quyền lực bằng cách hướng lập luận đến không chỉ cái tốt chung cho xã hội, mà còn tới những tình huống đặc biệt của các nhân viên thuộc khu vực công, công đoàn, hay những người nhận phúc lợi, các nhóm thiểu số và các nhóm liên quan đến chính trị giới tính. Cái đúng hay sai của chương trình không cần phải được nêu ra nếu có thể kêu gọi tình huống đặc biệt.
Cả hai phiên bản của Ngụy biện hoàn cảnh đều có thể sử dụng để mang lại thuận lợi cho bạn. Bạn nên sử dụng phiên bản đầu tiên với những tình huống đủ rộng để bao quát phần lớn thính giả. (“Bạn, với vai trò thành viên của giai cấp lao động, sẽ trân trọng…”) Cái đặc biệt hữu ích với bạn sẽ là tư cách thành viên danh nghĩa của nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Nhiều người thích nhìn nhận bản thân như những tín đồ Thiên Chúa Giáo dù rằng họ không thích những nghĩa vụ mà Thiên Chúa Giáo đúng mực thường áp đặt. Do đó, khi bạn xuất hiện trước mặt họ như một tín đồ Thiên Chúa Giáo, họ khó lòng phản đối quan điểm của bạn được. Họ sẽ bị ép phải phục tùng theo một cách miễn cưỡng và tức tối cái mà bạn không thể nào làm được bằng những cách khác.
Phiên bản thứ hai rất tuyệt vời để phục vụ mục đích phản bác những chứng cứ “chuyên gia” chống lại bạn. Một chuyên gia là người nào đó trong ngành và do đó quan điểm của ông này chỉ đại diện cho tình huống của vị chuyên gia kia, cũng như người nào đó có liên quan. Do đó, nhà quy hoạch thị trấn bác bỏ tuyên bố của bạn về việc quy hoạch thị trấn; khi chuyên gia từ công ty dầu hỏa chỉ ra cái bạn nói về năng lượng là phát ngôn bậy bạ; và khi một doanh nhân vạch trần cái nhìn rỗng tuếch của bạn về kinh doanh, bạn chỉ việc cười ngọt ngào trong những tình huống đó và nói: “Xem nào, ông ấy sẽ nói vậy phải không?”
Ngụy biện Bất khả tri (Ignorantiam, argumentum ad)
Socrates được nhà tiên tri đánh giá là người thông thái nhất vì chỉ một mình ông biết ông thiếu hiểu biết ra sao. Việc hiểu biết sự bất khả tri của mình có tác dụng trong việc giữ cho Socrates luôn khiêm tốn nhưng nó tạo thành một nền tảng tồi cho suy luận. Ngụy biện Bất khả tri xảy ra khi chúng ta sử dụng việc thiếu kiến thức về thứ gì đó để suy ra rằng trường hợp đối lập là đúng.
Hồn ma có tồn tại. Các nhóm nghiên cứu đã dành rất nhiều năm và hàng triệu Bảng Anh để cố gắng chứng minh rằng chúng không tồn tại; và họ chưa bao giờ thành công.
(Bạn có thể nói điều tương tự với cây đèn thần của Aladdin và triển vọng hòa bình thế giới.)
Phiên bản xác thực của Ngụy biện Bất khả tri quả quyết rằng cái gì chưa được bác bỏ phải xảy ra. Thêm vào đó, có một phiên bản phủ định cho rằng cái chưa được bác bỏ thì không thể xảy ra.
Nói về tất cả những hình thái sống ngoài trái đất là điều vô lý. Chúng ta biết rằng không có thứ gì như vậy tồn tại, vì tất cả những nỗ lực chứng minh sự tồn tại của chúng đều thất bại.
(Điều này cũng đúng với người tuyết ở Himalaya, Bigfoot và quái vật hồ Loch Ness.)
Trong cả hai phiên bản, cái nó hướng đến là sự bất khả tri. Sự bất khả tri được gọi lên để ủng hộ cho một tuyên bố, dù rằng khả năng tri thức hiện tại của chúng ta cũng thường không biết được liệu tuyên bố đó là đúng hay sai. Ngụy biện này chứa đựng sự can thiệp của những tư liệu không liên quan dưới dạng tính bất khả tri, chen vào một lập luận, cái đang đề cập đến một vấn đề khác. Việc chứng minh thứ gì đó tồn tại nổi tiếng là khó khăn nhất khi nó là một sinh vật e thẹn núp dưới đáy hồ ở Scotland, ở sườn núi hoang dã, hay trong làn sương mờ ở hành tinh thứ ba thuộc vì sao Cygni 61. Trên thực tế, bạn phải gặp một trong số chúng. Thậm chí dù vậy, cần rất nhiều những bằng chứng được ghi lại để thuyết phục những người khác.
Để chứng minh sự không tồn tại thậm chí còn khó hơn. Bạn phải nhìn vào toàn bộ vũ trụ cùng lúc để chắc rằng sinh vật mà bạn đang tìm không ẩn náu đâu đó. Không ngạc nhiên gì, thành tựu này hiếm khi nào đạt được và do đó để lại rất nhiều khoảng trống đầy những Ngụy biện Bất khả tri, cũng như những sản phẩm khác từ trí tưởng tượng của chúng ta.
Nhóc, ta đã bay khắp thiên hà. Ta đã thấy rất nhiều thứ lạ nhưng ta chưa bao giờ thấy thứ gì đó khiến ta tin rằng có một quyền lực toàn năng kiểm soát mọi thứ.
Tất nhiên, có những trường hợp mà việc thiếu kiến thức ảnh hưởng đến phán quyết của chúng ta; những trường hợp này xảy ra khi chúng ta kỳ vọng sẽ có kiến thức nếu nó đúng. Một người có thể không chấp nhận thông tin Camden Town Hall đã bị nuốt chửng bởi một con quái vật nhớp nháp, nếu không có thông tin nào đăng tải trên báo, không nhân chứng nào trên truyền hình, không có buổi ăn mừng nào trên đường phố hay bất kỳ những bằng chứng nào khác mà chúng ta kỳ vọng theo sau sự kiện kia.
Ngụy biện Bất khả tri hình thành một thứ giống như chiếc áo choàng che đậy những niềm tin trần trụi bên dưới của người thường, tin vào những điều phi thường. Dưới chiếc áo dễ chịu ấm áp đó là một niềm tin phổ biến rộng khắp về thần giao cách cảm, yêu tinh, quỷ nhập, kim tự tháp ma thuật, tam giác Bermuda và thuốc lá không độc hại. (“Bạo lực trên truyền hình không gây hại gì cả. Không khảo sát nào có thể chứng minh được nó độc hại.”)
Ngụy biện Bất khả tri hữu dụng nếu quan điểm của bạn không giống với những quan điểm được thừa nhận rộng rãi. Bạn có thể thuyết phục người khác, để chia sẻ những khái niệm kỳ quái này, bằng cách chỉ ra thực tế rằng không có những bằng chứng để chứng minh khái niệm đối lập. Bạn chỉ đối mặt với một khó khăn nhỏ trong trường hợp có hàng đống ví dụ trong rất nhiều trường hợp để chứng minh bạn sai: bạn hãy bác bỏ những bằng chứng đó bằng cách triển khai ngụy biện bất khả tri xa hơn khi tuyên bố rằng chưa ai từng chứng minh rằng các bằng chứng đó đáng tin cậy. Theo cách này, bạn sẽ có khả năng giữ vững quan điểm của mình trước những búa rìu của lý lẽ và kinh nghiệm. Khi bạn đã thành thạo ngụy biện này, bạn có thể thêm các ký tự “ad ign” (chuyên gia bất khả tri) trên văn bằng cử nhân ngành xã hội học của bạn. Rốt cuộc thì chẳng ai có thể chứng minh bạn không thể làm vậy.
Thiếu xác đáng (Ignoratio elenchi)
Thiếu xác đáng là một trong những ngụy biện lâu đời nhất được biết đến và được định dạng lần đầu tiên bởi Aristole. Khi ai đó tin rằng mình đang chứng minh một vấn đề, nhưng thay vào đó lại đang chứng minh một vấn đề khác, người này phạm phải ngụy biện thiếu xác đáng. Người này không chỉ đang tranh luận bên ngoài vấn đề mà còn trực tiếp hướng đến một kết luận khác.
Tôi sẽ phản đối giải pháp cho phép mọi người rời khỏi trường sớm hơn bằng cách một lần nữa chứng minh giá trị của giáo dục.
(Chứng minh giá trị của giáo dục không chứng minh được luận điểm phản đối việc cho phép rời khỏi trường sớm. Có lẽ lập luận này chỉ chỉ ra được sự khác biệt, khi tranh luận với ý kiến phản đối giáo dục trong nhà trường.)
Luận điểm được chứng minh không liên quan đến cái mà người tranh luận đang muốn chứng minh, và đó là lý do tại sao ngụy biện này đôi khi được biết đến với tên gọi ngụy biện luận điểm thiếu xác đáng. Ngụy biện này bao gồm giả định rằng một kết luận cũng có giá trị tương đồng với kết luận kia, dù trong thực tế chúng là hai vấn đề khác nhau. Những lập luận hỗ trợ kết luận ban đầu bị lược bỏ và thay vào đó những lập luận hỗ trợ một kết luận không liên quan khác được đưa vào.
Làm sao thân chủ của tôi lại ra lệnh cho vụ giết người đó được chứ? Tôi đã chứng minh rằng ông ấy thậm chí còn không ở trong nước khi vụ án đó xảy ra.
(Nói hay lắm. Bằng chứng đó có cho thấy ông này không ra lệnh trước khi xuất ngoại hay sắp xếp qua điện thoại hay không?)
Ngụy biện Thiếu xác đáng có cách tiếp cận rất khéo léo. Sức mạnh của nó nằm ở chỗ, một kết luận có thể được chứng minh với đầy đủ căn cứ, dù rằng đó không phải kết luận đang tìm kiếm. Bất kỳ những người tham gia tranh luận nào cũng có thể bị đánh lạc hướng bởi một kết luận không liên quan.
Đánh bạc có phải là một nghề đáng làm không? Tin tôi đi, chúng tôi không chỉ làm việc chăm chỉ như bất kỳ người nào mà còn làm việc chăm chỉ hơn. Chúng tôi mất hàng giờ mỗi ngày, ngoài thời gian dành cho đánh bạc, để học tập.
(Được rồi, anh làm việc chăm chỉ. Giờ nói tôi nghe đó có phải là nghề đáng làm không?)
Ngụy biện Thiếu xác đáng thường xuất hiện nhanh gọn, nhưng thành công mỗi khi ai đó bị buộc tội vì những gì người đó đã làm và cách người này làm là chuẩn bị sẵn sàng để chối bỏ hành vi nào khác. Nó chính là đặc trưng trọng tâm của tất cả mọi vấn đề mà những vòng tròn báo chí và chính trị đều có liên quan. Ngụy biện này gần như trở thành một nghi thức. Dù rằng dưới tia sáng đều đặn của trường quay, hay ánh sáng ngắt quãng của những chiếc máy ảnh trên đường phố, hoạt cảnh nho nhỏ đó đều diễn ra. Cậu phóng viên hào hứng long trọng đưa ra lời buộc tội một người nổi tiếng, vì một hành động, và ông này bằng sự long trọng chứng minh rằng, ông chưa từng làm một chuyện khác.
“Có đúng không thưa ngài Bộ Trưởng, rằng ngài đã cho phép hạ con số chuẩn mức sống của người nghèo xuống?”
“Cái tôi đã làm là tăng 3,7% mức phụ cấp cho những phụ nữ sống phụ thuộc không con cái và 3,9% phụ cấp cho các góa phụ có hai con, những mức tăng này này đều cao hơn các đối thủ của chúng tôi thậm chí trong một năm khi còn đương nhiệm.”
Trong bầu không khí thư giãn hơn của buổi phỏng vấn ở trường quay, người nổi tiếng đó thường trâng tráo khoe khoang ngụy biện thiếu xác đáng của mình:
Xem nào, John, đó không thực sự là vấn đề phải không? Cái chúng tôi đã làm là…
(Và bạn có thể biết chắc chắn rằng đó không phải là vấn đề.)
Hiển nhiên, bạn có thể sử dụng ngụy biện này cho những nhiệm vụ mang tính phòng vệ trong một đội hình siết chặt. Các thính giả của bạn sẽ rất ấn tượng, bởi tất cả những thứ bạn có thể chứng minh rằng mình đã không làm, đến nỗi sự chú ý của họ sẽ bị hướng ra khỏi những gì bạn đã làm. Các bằng chứng của bạn càng được chuẩn bị kỹ lưỡng và chi tiết, càng có ít khả năng mọi người nhớ ra cái bạn đang thực sự bị cáo buộc.
Bạn cũng có thể sử dụng ngụy biện này ở thế tấn công, nhằm chứng minh đủ mọi thứ ngoại trừ cái có liên quan. Có rất nhiều thứ có thể được chứng minh về năng lượng nguyên tử, săn thú và đường trắng tinh luyện, những cái không liên quan gì đến chủ đề chính của việc liệu những người khác có nên bị cấm làm những việc mà bạn không đồng tình hay không.
Đi bộ nhanh ở nơi công cộng nên bị cấm. Có những nghiên cứu cho thấy hoạt động đó tăng rủi ro cho sức khỏe hơn là giảm những rủi ro đó.
(Thậm chí nếu điều này đúng, liệu nó có phải là một lập luận cho việc cấm hoạt động đi bộ nhanh ở nơi công cộng hay không? Nghe có vẻ như hiệu ứng xấu lớn nhất không nằm ở sức khỏe của những người đi bộ nhanh, mà nằm ở lương tâm của người nói.)