Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 10
Suy luận sai cách
Có một nguyên tắc trong lập luận cho chúng ta biết rằng, nếu một điều kiện trong kết luận có liên quan đến tổng thể nhóm, thì các bằng chứng dẫn tới kết luận đó cũng phải liên quan đến tổng thể nhóm. Ví dụ như chúng ta không thể rút ra kết luận về “tất cả các nhân viên bất động sản”, trừ khi nào chúng ta bắt đầu với vài thông tin liên quan đến cả nhóm đó. Việc biết rằng một số nhân viên bất động sản vi phạm điều này hay điều kia không thể đưa chúng ta đến kết luận về tất cả các các nhân viên khác. Lập luận vi phạm nguyên tắc này đã phạm phải suy luận sai cách.
Tất cả những người thu thuế là đầy tớ của dân, và tất cả những người thu thuế là những tay hay bắt nạt dân, vậy tất cả đầy tớ của dân đều là những kẻ hay bắt nạt dân.
(Quá khắt khe. Có thể ở đâu đó có những kẻ chỉ là hơi đàn áp một chút. Ngụy biện nằm ở chỗ ta đề cập đến tất cả đầy tớ của dân trong kết luận, trong khi giả thiết chỉ nói rằng những người thu thuế là một phần của đầy tớ của dân.)
Lập luận sử dụng suy luận sai cách chắc chắn phải mang tính ngụy biện vì nó đưa ra một tuyên bố không được viện chứng. Dù rằng các tiền đề chỉ nói về vài thành viên trong nhóm, kết luận lại lần đầu tiên nhắc đến phần còn lại của nhóm kia. Nói theo cách khác, chúng ta cố gắng đạt đuợc kết luận về các sự việc mà chúng ta không có bằng chứng nào, và do đó, phạm phải ngụy biện này.
Có một phiên bản khó phát hiện hơn của suy luận sai cách:
Tất cả những người đi xe đạp đều là những người tiết kiệm, và không nông dân nào đi xe đạp, do đó không nông dân nào là những người tiết kiệm.
(Lập luận này nghe có vẻ phù hợp với thực tế quan sát nhưng nó là một ngụy biện. Chúng ta cũng có thể dễ dàng nói rằng: “Tất cả những người đi xe đạp đều chết”. Điều này sẽ gợi lên ngay ấn tượng rõ ràng rằng những nông dân to lớn sẽ lái những chiếc xe to lớn mãi mãi.)
Căn nguyên ngụy biện trong ví dụ này nằm ở chỗ tiền đề cho chúng ta biết những người đi xe đạp chỉ là một phần của những người kinh tế. Mặt khác, kết luận lại cho chúng ta biết rằng cả nhóm người không có người nông dân nào. Một lần nữa, ngụy biện xuất phát từ suy luận sai cách.
Những từ bao quát toàn bộ nhóm được gọi là “từ phân bổ”, và có một quy luật để tìm được những từ này. Những mẫu câu khái quát, cái nói về “tất cả” hoặc “không có gì”, sẽ có chủ ngữ được phân bổ; các mẫu câu phủ định sẽ có vị ngữ phân bổ. Trong ví dụ trên, cụm từ “những người tiết kiệm” được phân bổ trong kết luận, bởi vì nó là vị ngữ của một mệnh đề phủ định. Tuy nhiên, trong tiền đề, nó không được phân bổ, vì hoặc là chủ ngữ của một mệnh đề phổ quát hoặc vị ngữ của một phủ định. Nghe có vẻ phức tạp nhưng nguyên tắc này sẽ làm mọi thứ trở nên đơn giản. Bạn sẽ sớm nhận ra kết luận nào bao quát cả một nhóm mà không đưa ra bất cứ thông tin xác minh nào. Để khiến bạn bè mình sửng sốt hoàn toàn, khi chủ ngữ của kết luận bị phân bổ vô căn cứ, hãy gọi là “sai cách thứ yếu” và “sai cách chủ yếu” khi việc đó xảy ra với vị ngữ của kết luận.
Sử dụng suy diễn sai cách đòi hỏi một quá trình tập luyện. Bạn nên triển khai nó để hỗ trợ những kết luận trông có vẻ hợp lý, nhưng thực ra thì có một số khuyết điểm kỹ thuật nhỏ bạn không thể chứng minh được. Thành thạo kỹ thuật suy luận sai cách sẽ giúp bạn xây dựng các lập luận dựa trên vài đặc tính của một nhóm tập thể và dễ dàng rút ra kết luận về cả tập thể đó.
Một vài người Úc là những anh chàng vui vẻ, và vài kẻ bịp bợm không phải là những anh chàng vui vẻ. Vậy vài người Úc không phải là những kẻ bịp bợm.
(Có thể đúng, cũng có thể sai, nhưng cần nhiều hơn chỉ chừng này để đưa ra kết luận.)
Hài hước thiếu xác đáng
Ngụy biện dựa vào sự hài hước thiếu xác đáng xảy ra khi những tư liệu gây cười không liên quan gì đến chủ đề được đem vào nhằm chuyển hướng chú ý ra khỏi những lập luận.
Luận điểm của đối phương làm tôi nhớ đến một câu chuyện…
(Cái sẽ không nhắc người nghe nhớ đến cuộc tranh luận.)
Mặc dù sự hài hước có tính giải trí, cũng như làm cho cuộc thảo luận thêm sinh động, nó cũng có thể làm mọi người xao nhãng. Ngụy biện này không nằm ở chỗ sử dụng các yếu tố hài hước, mà ở việc sử dụng nó để đánh lạc hướng khỏi vấn đề đúng sai đang được thảo luận. Một câu chuyện cười có thể chiếm được cảm tình của thính giả nhưng không thể giúp bạn thuyết phục được họ.
Một thành viên của Nghị viện Anh, Thomas Massey-Massey, từng đề nghị đổi tên ngày lễ Giáng sinh từ Christmas thành Christ-tide, bởi vì “mass” (trong từ Christmas) là 1 nghi thức của Công giáo, không phù hợp với một quốc gia Tin lành như Anh quốc. Ông bị ngắt lời bởi một thành viên phản đối ý kiến này, người đã hỏi ông rằng ông cảm thấy như thế nào nếu bị gọi là “Thotide Tidey-Tidey”. Sau đó, dự luật này mau chóng bị lãng quên.
Người chất vấn kia là một đại diện tiêu biểu của ngụy biện này. Tiếng hót líu lo của ông khi xuất hiện trong những buổi họp tranh cử nghị viện thường nhấn chìm bất kỳ lập luận nào, với một lý do nghe rất hay là chúng thú vị hơn rất nhiều và thường ở mức độ trí tuệ cao hơn. Vài người chất vấn trở nên bất tử trong các sách vở ghi lại những trích dẫn từ những “người chất vấn ẩn danh”, đặc biệt nếu sau câu phát biểu hài của họ là một câu trả lời còn hay hơn của người ứng viên bầu cử. Lloyd George, Winston Churchill và Harold Wilson, tất cả đều cho thấy sự khéo léo trong việc khiến một câu nói hài hước mang tính xao nhãng quay đầu lại tấn công người sử dụng nó.
NGƯỜI HỎI: Bạn biết gì về nông nghiệp? Một con heo có bao nhiêu ngón chân? Nancy Astor: Sao bạn không bỏ giày ra rồi thử đếm đi?
Thường đuợc nhắc tới như một ví dụ kinh điển cho ngụy biện hài hước thiếu xác đáng là câu chuyện do Đức giám mục Wilberforce kể khi phản biện lại Thomas Huxley về sự tiến hóa. Với thái độ coi thuờng sự tiến hoá, Đức giám mục hỏi Huxley:
Ông nói rằng mình xuất phát từ loài khỉ. Vậy nó có nguồn gốc từ bên nội hay bên ngoại của ông vậy?
(Câu trả lời của Huxley cũng được coi là câu trả lời gây bẽ mặt điển hình. Ông ấy nói rằng ông ấy không cảm thấy xấu hổ khi có tổ tiên là loài khỉ, nhưng nói về người mà ông sẽ rất xấu hổ nếu là tổ tiên của mình; đó là người không bất chấp trình độ của hắn là gì luôn tìm kiếm cách để giấu dốt bằng những lời lẽ hùng biện bâng quơ và mang nặng thành kiến...)
Vấn đề của một người sử dụng lập luận hợp lý để tạo ra một tràng cười rộn rã cũng khó như dập tắt những lời khinh bỉ vậy. Thính giả sẽ thích được giải trí hơn là nghe những lập luận. Một diễn giả của một giáo phái thường mời gọi khán giả cung cấp những trích đoạn từ trong kinh thánh để phản biện lại quan điểm của ông ta. Và khi có một khán giả làm được điều đó, ông này sẽ luôn trả lời rằng:
Nghe có vẻ giống trích từ kinh Sáng chế hơn là kinh Sáng thế.
(Người phát biểu sẽ bị bối rối bởi tràng cười từ khán giả.)
Những người thường hay tranh luận trước đám đông nên chuẩn bị sẵn một giỏ đầy những chuyện cười đủ loại để sẵn sàng tung ra ứng phó khi cần. Ít ra thì một tràng cười của khán giả sẽ làm cho nạn nhân của bạn mất đi ít nhiều tính căn cứ, trong khi nó giúp bạn có thêm thời gian để suy nghĩ.
Khả năng pha trò đúng lúc là kết quả của trí thông minh và kinh nghiệm. Kinh nghiệm nhiều năm trong nhóm tranh luận ở một trường đại học sẽ giúp mài dũa kỹ năng suy nghĩ của bạn. Một câu chuyện hài hước không cần quá khéo léo, mà quan trọng là phải được kể đúng cách. Tôi từng thấy một người đã đưa ra những luận điểm xuất sắc về việc buôn bán những chiếc máy bay có khả năng chở bom nguyên tử cho các chính phủ độc tài. Ông ấy bị bối rối khi có một ý kiến cắt ngang cho rằng nên làm điều tương tự với những chiếc xe cút kít.
Một sinh viên, người đang trong quá trình bị khiển trách vì những hành động ngu xuẩn và hạnh kiểm của mình, đã vô hiệu tất cả mọi công kích bằng cách đối mặt với các thính giả một cách long trọng và nói:
Tôi chấp nhận những khiển trách, và nó nhắc tôi nhớ đến mẹ tôi, người cũng nghĩ rằng tôi đã là một cậu bé rất nghịch ngợm.
(Phiên xử kết thúc trong tràng cười huyên náo.)
Ngụy biện cứng đầu (Lapidem, argumentum ad)
Đức Giám mục Berkeley bày tỏ quan điểm rằng một vấn đề thì không tồn tại riêng biệt bên ngoài nhận thức. Khi Boswell nói với bác sĩ Johnson rằng đây là một ý kiến không thể bác bỏ được, vị bác sĩ này đã trả lời bằng cách đá vào hòn đá và chân ông bật lại. Ông nói: “Do vậy, tôi vẫn phủ định quan điểm này.” Ông ấy bác bỏ nó thì ít mà mặc kệ nó thì nhiều, bởi vì bằng chứng về sự tồn tại của hòn đá, bao gồm cả hình ảnh, âm thanh và cảm giác khi đá vào nó, được nhận thức thông qua các giác quan.
Cách ứng xử của bác sĩ Johnson đã cho chúng ta tên của Ngụy biện cứng đầu, ngụy biện cứng đầu như đá. Cách này bao gồm việc mặc kệ tất cả các lý luận, từ chối không thảo luận vào vấn đề trọng tâm.
Anh ấy là bạn của tôi. Tôi sẽ không nghe một lời nói xấu nào về anh ấy.
(Biểu hiện đỉnh cao của sự trung thành. Nhưng không có tí hiểu biết nào.)
Một lý lẽ hay bằng chứng không thể bị chối bỏ chỉ vì nó không chiều theo ý bạn. Cũng giống như việc chúng ta thích bác bỏ những ý kiến ngược lại với thế giới quan của mình, ngụy biện này cho rằng chúng ta có thể làm vậy mà không mất mát gì. Bằng cách từ chối thừa nhận những tư liệu liên quan đến một kết luận hợp lý, chúng ta rơi vào vùng vô tri. Vô tri là suối nguồn xác thực của hạnh phúc hơn sự đúng sai.
Ngụy biện cứng đầu được đặt tên phù hợp nhất sau khi được bác sĩ Johnson sử dụng, vì ngụy biện này là một trong những phương pháp tranh luận yêu thích của ông. Quan điểm có lý lẽ và cân bằng của ông về sự tự do có thể trở thành:
Chúng ta biết chúng ta có quyền tự do chọn lựa, và chấm hết.
(Câu này nhằm chấm dứt một lý lẽ.)
Jeremy Bentham cho rằng, tất cả các thảo luận về quyền bẩm sinh đều chỉ là nói càn, và những thảo luận về quyền bẩm sinh không thể bị tước đoạt là rỗng tuếch. Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ đã phát biểu thái quá.
Luôn có rất nhiều tảng đá sẵn sàng cho chúng ta đá vào khi các bằng chứng không có cơ sở. Khi một niềm tin không thể lý giải ra được, đó là lúc chúng ta sử dụng Ngụy biện cứng đầu.
Lý trí không thể dẫn dắt bạn; bạn phải mở rộng trái tim và…bạn sẽ thấy.
(Điều này không quá hữu ích cho những người ngoài đang đi tìm kiếm sự thật, dù có vẻ dễ chịu hơn đối với những người trong cuộc.)
Ngụy biện này xảy ra trong trường đại học nhiều hơn người ta tưởng. Thường những nhóm có vẻ học thuật hay tranh cãi rằng không nên cho phép một số sách lưu hành trong trường vì chúng truyền tải những thông tin lỗi. Người nói thường hét lên, vì người nghe biết rằng những người này đang nói sai, và họ không cần phải nghe lập luận. Một số hội sinh viên thậm chí còn làm ra quy tắc về Ngụy biện cứng đầu, từ chối không cho một số lỗi đã biết được đưa lên bục thuyết trình – một danh mục lỗi mà thậm chí có thể bao gồm cả những thành viên được bầu của chính phủ quốc gia.
Một phiên bản xuất sắc của thuật ngụy biện này đến từ ngòi bút của Herbert Marcuse. Ngày nay Marcuse đã bị quên lãng, dù rằng ông đã từng là thầy tu danh giá nhất phục vụ cho những sinh viên cấp tiến trong thập niên 1960. Quyển Phê phán sự phục tùng thuần túy nêu ra một điều rất thú vị, rằng sự phục tùng có thể biến thành một xu hướng cưỡng bức, vì chính sự phục tùng cho phép lan truyền những sai trái. Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra những sai phạm để có thể dừng nó lại? Dễ thôi. Hãy đoán xem ai sẽ nói với chúng ta.
Khi chính bạn sử dụng Ngụy biện cứng đầu, bạn phải sử dụng nó với tất cả sự tin tưởng, rằng người đưa ra dữ kiện hay lập luận xúc phạm kia hoàn toàn vượt quá sự chịu đựng. Cũng giống như vị thẩm phán người từng kết tội một bồi thẩm đoàn vì “đi ngược lại với chứng cứ rõ ràng”, bạn nên nói rõ cho mọi người biết rằng, người kia đang đi ngược lại với tất cả chứng cứ. Đối thủ của bạn, bằng cách đi ngược lại tất cả những ý kiến được thừa nhận rộng rãi và tất cả những phép tắc, sẽ cho thấy ý kiến của mình hoàn toàn không đáng để thảo luận.
Quyền tự do ngôn luận là một chuyện; nhưng đây là chuyện giấy phép.
(“Giấy phép” có nghĩa là quyền tự do mà bạn không chấp thuận.)
Khi có quyền kiểm soát được tình hình, bạn có thể không cần phải tinh tế thêm nữa: “Tôi không quan tâm bây giờ là mấy giờ. Đi ngủ ngay bây giờ đi.”
Lợi dụng nghèo khó (Lazarum, argumentum ad)
Những người nghèo có thể cần được thương hại; nhưng không phải lúc nào họ cũng đúng. Sẽ là ngụy biện khi cho rằng vì ai đó nghèo nên họ phải và thật thà hơn người giàu. Ngụy biện Lợi dụng nghèo khó được biết đến sau khi Lazarus, một người vô cùng nghèo, cho rằng sự nghèo khó của người tranh luận sẽ tăng thêm trọng lượng cho vấn đề mà anh hay cô này đề cập.
Người đàn ông giàu sụ kia không có lợi ích gì trong việc lừa dối hay bịp bợm ai cả; tất cả những gì ông ta có là những điều ngu ngốc mà ông sống dựa vào.
(Và những điều ông truyền dạy lại cho người khác.)
Sự nghèo không đóng góp vào tính hợp lý một lập luận nhiều hơn sự giàu. Ngụy biện này tập trung chú ý vào người tranh luận thay vì luận điểm được đưa ra. Có thể vì người nghèo thì ít bị cám dỗ bởi danh vọng, nhưng tương tự như thế, người giàu sẽ ít khả năng phải đối mặt với bệnh tật, nghèo đói cùng những chi phí tủn mủn, cũng như cám dỗ để thoát khỏi những thứ đó. Thậm chí nếu chúng ta coi đó một người miễn nhiễm với tiền bạc, không cần lợi ích về vật chất, chúng ta vẫn phải nhớ rằng luôn có những cách khác để đạt được sự thỏa mãn. “Tất cả mọi quyền lực đều đem lại vui sướng” có người đã nói như vậy, “và quyền lực tối thượng là niềm vui tột đỉnh.”
Dù rằng chúng ta không nên để hoàn cảnh của người tranh luận ảnh hưởng tới chúng ta, ngụy biện Lợi dụng nghèo khó đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta. Chúng ta có xu hướng cho rằng người nghèo có ít cơ hội phạm sai lầm hơn. Nền văn chương trong văn hóa của chúng ta bù đắp cho sự nghèo khó của những người nghèo bằng sự khôn ngoan, những đức tính tốt và, có khi còn là nhan sắc.
Trong đôi guốc và chiếc khăn choàng, cô ấy nổi bật giữa đám đông.
(Mặc dù điều này có thể do cô ấy bị suy dinh dưỡng.)
Người nghèo thường có xu hướng thích được học lên cao, thích sức khỏe tốt, cũng như được nghỉ ngơi sau quãng đời cực khổ của mình, hơn là những ước muốn qua lăng kính màu hồng như suy nghĩ của người ngoài.
Một chính trị gia khôn khéo nhận ra rằng hầu hết cử tri của mình là người nghèo sẽ chú trọng vào việc ra vẻ nghèo khổ, từ đó hy vọng rằng sẽ nhận được sự tôn trọng, đồng cảm của họ. Ông ấy sẽ bỏ chiếc limosine và cả bộ vest chỉnh chu của mình ra xa, thay bằng loại xe bình thường cũng như ăn mặc như cử tri của ông. Nhưng ông này không biết rằng, những cử tri đó sẽ cho rằng ông không có gì hơn họ cả, còn người đi chiếc xe bóng loáng và bộ trang phục đắt tiền mới xứng đáng có được sự ngưỡng mộ của họ. Điểm mấu chốt ở đây là ngụy biện Lợi dụng nghèo khó giành cho những người làm ra vẻ nghèo khổ. Những người nghèo khổ thực sự thì không có thời gian cho chuyện này.
Câu chuyện hay nhất về chuyện này mà tôi từng được nghe là của một người tiều phu chân chất…
(Người tiều phu đủ thông minh để không nghe theo quan điểm của những người tiều phu khác…)
Tiều phu, cũng giống như những người nông dân già, mặt dạn dày sương gió, có thể nằm trong danh sách những chủ thể ủng hộ cho lập luận của bạn. Một vài ông lão ngư dân giản dị có thể đi tiên phong, theo sau đó là một hai phụ nữ giặt đồ thuê thông thái. Gương mặt của họ thể hiện trải nghiệm, im lặng, nhẫn nhịn chấp nhận cuộc sống của mình. Đương nhiên là quan điểm mà bạn đưa ra cũng phải đến từ những người này.
Ông hít một hơi sâu từ cái tẩu của mình rồi nhìn tôi với đôi mắt yên tĩnh một cách kỳ lạ. Ông nói với tôi rằng, mặc dù người như ông nghèo và chân chất, ông luôn luôn cho rằng thâm hụt chi tiêu của chính phủ có thể kích thích sản xuất bằng cách tạo ra cầu, và tương tự…
(Nếu ông ấy chân thật, làm thế nào ông ấy có thể sai được?)